Pages

Sunday, February 7, 2021

Lang Vườn Bất Đắc Dĩ - Tràm Cà Mau


Hồi còn nhỏ khi mũi nước chưa lau sạch, tôi đọc cuốn truyện nhan đề là “Cuộc Ðời Bác Sĩ Arrowsmith”, viết về đời của một y sĩ tình nguyện làm việc thiện bên Phi Châu . Tôi quyết định sau nầy lớn lên sẽ đi học y khoa và theo bước chân giang hồ của người đi trước . Hai thằng bạn thân của tôi, cũng hẹn nhau sau nầy cùng học y khoa, và sẽ cùng đi Phi Châu phụng sự cho nhân loại còn đói, bệnh và khổ .

Nhưng sau đó, tôi đổi ý, vì một lần tình cờ tôi về quê, chứng kiến một người đàn bà sinh con trên cánh đồng. Thấy tận mắt, đứa bé tím ngắt từ từ chui ra từ lòng mẹ, và thấy người đàn bà đau đớn quằn quại kêu la, tôi gần ngất xỉu .

Dù thời đó, khi nào tôi cũng tự xem mình như một tráng sĩ tí hon, sẵn sàng làm những chuyện động trời như những anh chàng cướp núi Lương Sơn Bạc trong truyện Thủy Hử . Thấy cảnh đau đớn của người mẹ sinh con, tôi nguyện hai điều, điều thứ nhất là sẽ không lấy vợ, vì lấy vợ thì sẽ phải sinh nở, và như vậy tức vô tình làm khổ đau cho người khác, điều thứ hai là bỏ ý định học ngành y khoa.

Phi Châu có khổ đau thì để người khác lo, mình không việc gì mà dây vào. Sau khi học xong trung học, hai bạn tôi nhắc ước vọng cũ, rủ tôi học chứng chỉ dự bị y khoa (PCB, tôi cười lắc đầu mà không giải thích . Hai bạn tôi sau nầy thành bác sĩ, và thỉnh thoảng chữa bệnh cho tôi .

Dù không học y khoa, nhưng hình như tôi có mối liên hệ mật thiết với ngành nầy. Một số lớn bạn tôi là dược sĩ, nha sĩ, bác sĩ, và trong thời gian cư ngụ tại đại học xá Minh Mạng, tôi cũng ở chung phòng với hai anh học y-khoa. Ngoài ra, trong gia đình tôi, cũng có nhiều người học các ngành y dược . Thời đi làm tại Sài gòn, độc thân rảnh rang không biết làm gì, tôi nghe theo lời một anh bạn, cùng xin đi học nghề châm cứu do một vị danh sư thượng tọa dạy. Nhưng chưa học được bài nào, thì nghe vị danh sư kia có nhiều hành động sàm sỡ với các nữ bệnh nhân, tôi sợ mang tiếng lây, và chán ngán nên bỏ học .

Cho đến khi đi tù cải tạo Cộng sản tại Long Thành, một lần tôi ngu xuẩn dùng răng mở cái nắp chai bằng kim khí, làm sứt men răng mà không biết. Sau đó mấy tháng, sinh ra đau răng khủng khiếp, đau lăn lộn cả tuần. Ðau quá quên cả buồn, khổ và đói khát .Mỗi bữa ăn, gói cơm vào bao ni lông, rồi bao thêm lớp vải bên ngoài, dùng tay nghiền nát cơm như bánh, xong bỏ vào miệng mà nuốt, chứ nhai thì động đến răng đau thốn không chịu được .

Nhà tù thì làm chi mà có thuốc, chúng tôi cũng đã được hưởng cái ” văn minh tiên tiến ” của nền y học xã hội chủ nghĩa qua cuộc chủng ngừa bệnh cảm cúm . Mỗi tù nhân ngữa mặt ra để ” y sĩ cách mạng ” nhỏ mấy giọt nước tỏi vào mũi, như ngày xưa ở nhà quê người ta chữa bệnh cho gà bị mắc toi . Ðau răng, thì cũng phải lao động, họp tổ, họp nhà, học tập chính trị, nhưng cái đau nó đeo đẳng không tha .

Một anh bạn bác sĩ nguyên làm giám đốc bệnh viện, cũng là tù nhân, bảo rằng ăn uống thiếu thốn không đủ chất vôi, răng hư là việc không tránh khỏi . Trong lúc đang nói chuyện, thì một anh khác đến hỏi anh bác sĩ rằng, làm sao mà biết mình bị phù thủng? Anh bác sĩ nói, dễ lắm, cứ bấm vào chân như thế nầy,vừa nói anh vừa kéo ống quần lên và bấm vào chân, và anh chợt la lớn lên: “Chết rồi, tôi cũng bị thủng mất rồi.” Tôi thấy trên ống chân anh bác sĩ có một lỗ sâu, anh bấm thêm vài nơi nữa, thì da thịt cứ nằm yên, không đàn hồi trở lại

Một anh bày cho tôi buộc cái răng hư vào đầu một sợi chỉ thật chắc, đầu kia buộc vào gốc cột nhà, rồi đứng mạnh dậy, thì dù có là răng cọp nữa, cũng văng ra ngoài . Túng quá, phải nghe theo. Hai người bạn tù giúp tôi buộc cái răng, nhưng răng mọc sát nhau quá, không cách nào buộc được, mà miệng mồm thì máu me chảy dầm dề . Cái răng thì còn chắc chắn lắm, và cũng không chắc chiếc răng nào là răng đau.

Mấy anh bạn khuyên tôi chờ thêm thời gian cho cái răng nó lung lay, thì khi đó dễ nhổ ra hơn .Ai mà chờ đợi được với cái đau đớn như cực hình. Lúc nầy tôi ước mơ gặp được cái anh chàng nhổ răng dạo trên chợ Sàigòn ngày trước thì đúng là trời thương. Không biết anh nầy làm sao mà chỉ thấm chút thuốc vào bông gòn, đắp lên răng. Chờ thuốc thấm chừng hai phút, rồi thò tay lấy cái răng ra nhẹ nhàng mà người bệnh cũng không hề biết là răng đã nhổ, chỉ khi đưa lưỡi rà hàm thì mới biết và toét miệng cười. Tôi đã tò mò thấy tận mắt hàng chục người được nhổ răng, với những cái răng cấm chân dài thòng, cũng lấy ra nhẹ nhàng, dễ dàng. Tôi thấy mấy anh chàng nhổ răng nầy có cái gì không thật, vì mấy anh chỉ cho đám đông xem những “con sâu răng ” đang vùng vẫy loăng quăng trên tấm kiếng.

Nhiều đêm lăn lộn, không ngủ dược, không dám kêu la . Ban đêm hình như vắng lặng cho nên đau hơn ban ngày. Nhiều đêm đau răng quá, tôi muốn chấm dứt cái đau bằng cách chạy xông vào vọng gác, vừa chạy vừa la ” Xung phong, xung phong “, thì lính gác hoảng hồn, chúng nó lia cho vài tràng AK, khi đó , đau nào cũng hết, mà tù nào cũng xong .

Một buổi chiều, tay bưng cái mặt méo xẹo vì đau đớn đang hành, tôi qua nhà số 7 thăm bạn, thấy tôi nhăn nhó, một tù nhân lớn tuổi hỏi han.

Bạn tôi cho ông biết rằng tôi đang đau răng. Ông cười, bảo ngồi xuống, ông thử chữa cho, may ra bớt đau chăng .Tôi dù không tin, nhưng cũng mừng vô cùng. Ông đốt nữa điếu thuốc, rồi xoa cù là nóng vào vài điểm trên mặt tôi, sau dùng điếu thuốc hơ bên ngoài, xong đưa ngón tay trỏ ấn ấn, xoay xoay vào các nơi vừa cứu xong. Chỉ trong vòng mười phút, cái đau của tôi dịu dần, và sau đó thì bớt hẳn. Như là thuốc tiên. Tôi cảm ơn rối rít, và hỏi thăm, thì được biết ông nguyên là hội đồng thành phố tỉnh Bình Dương. Hai mươi mấy năm, tôi quên mất tên của vị ân nhân nầy . Chỉ có hai lần chữa thôi, mà tôi hết hẳn cái đau răng hành hạ .

Từ trước, tôi vẫn có thành kiến về đông y, vì thấy các vị lương y bốc thuốc bằng tay, nhúm nhúm đong lường , không khoa học chút nào, và cây rễ làm thuốc thì mốc meo, thiếu vệ sinh. Ðồng thời tôi cũng được một anh bạn kể cho nghe chuyện thời nhỏ, thời anh đang ở một tỉnh lị nghèo, hay lang thang trên phố . Một ông bán thuốc dạo cho anh gói kẹo tổ bố, yêu cầu anh đập dập gạch vụn và cà nát ra cho ông ta để chế tiên đan . Ông trộn bột gạch với than cà vụn, tưới acit trong bình điện, trộn đều, đem phơi khô . Xong gói thành từng gói nhỏ. Ðem ra chợ chỗ đông người qua lại, đứng hát vài câu tiếu lâm cho thiên hạ cười chơi . Xong yêu cầu đồng bào đứng lại, xem biểu diễn thuốc tiên, do “Tây Vương Mẫu” đặc ân ban cho, để cứu độ chúng sinh .

Ông cười khà khà nói :

” Thanh niên thíu nữ, gặp ngừi iu mà găng cỏ dàng như đất sét, đen điu như đất bùng, thì ai mà cho hung đặng “.. ( Thanh niên thiếu nữ, gặp người yêu mà răng cỏ vàng như đất sét, đen điu như đất bùn, thì ai mà cho hôn được) .

Ông kéo một bác đàn ông trong đám người đứng xem, bảo nhe răng ra cho đồng bào coi. Thấy hàm răng bợn bẩn, vàng và đen điu vì khói thuốc, vì trà, vì cà phê. Ông hỏi, :

” Răng cỏ đẹp như dầy thì liệu ngừi iu có cho hung hay không ? “

Ðám đông cười ầm lên và la lớn :

” Không! Không !! “

Ông bảo rằng chỉ trong nháy mắt, phép lạ sẽ xẩy ra mà không cần lặn lội đi đâu xa . Ông lấy một ít ” bột tiên ” để lên ngón tay, và chà qua lại vài lần trên hàng răng đen bợn, xong lấy cái khăn tay đen điu như cái khăn lau bát của các chị bán hàng rong, chùi qua răng, rồi bảo người đàn ông kia súc miệng và nhăn răng cho đồng bào xem . Hai hàng răng thành trắng bóng, bao nhiêu bợn đen, bợn vàng đều tan biến. Những người đứng xem đều ồ lên ngạc nhiên .

Ông nói tiếp rằng, chắc đồng bào chưa tin lắm, vì cái ông bạn đây có thể là cò mồi của tôi đưa ra, yêu cầu đồng bào chọn cho tôi vài người khác, trong chốc lát thôi, sẽ thấy tiên dược hiệu nghiệm. Ông biểu diễn thêm vài trường hợp nữa, quả thuốc công hiệu như thần.

Ðồng bào tranh nhau mua hết tức thì . Gói nhỏ mười đồng, gói lớn hai chục đồng. Thu về một món tiền đầy nhóc tràn ra cả nền đường. Ông tuyên bố, thuốc cứu nhân độ thế, vừa bán vừa cho kẻo phụ lòng Tây Vương Mẫu. Nhiều người chậm tay mua không kịp, hỏi hôm nào có bán lại, ông nói chờ mùa trăng tròn tháng sau, ra lại chợ nầy. Thuốc tiên, không phải dễ bào chế . Ông nhét vào túi bạn tôi mười đồng để ăn kẹo . Bạn tôi xin một gói thuốc tiên để dùng, ông cười bảo rằng mầy còn nhỏ, dùng thuốc tiên không tốt.

Lại nữa, trước 1975, thời tôi còn làm việc tại trung tâm Sài gòn, mỗi ngày đi ăn trưa ngang qua đường Lê Lợi, thường bị mấy ông người Chàm đầu quấn khăn, mặc áo thụng trắng như đạo sĩ tả trong truyện Tàu, kêu lại . Các ông bảo :

” Nầy, nầy, cậu có bệnh gần chết rồi đó, nhìn cái sắc mặt thì biết, lại đây chúng tôi cứu cho . Phước lắm mới gặp được chúng tôi . Lại đây, lại đây “.

Tôi chỉ cười và cám ơn, ngày nào cũng như ngày nào, tôi bị những người nầy kêu réo, thế mà tôi vẫn sống nhăn từ năm nầy qua năm khác, không uống một viên thuốc. Chắc mấy ông Chàm nầy cũng làm ăn được khấm khá với những người yếu bóng vía, nên cả mười mấy năm dài, vẫn còn ngồi trên đường Lê Lợi, Hàm Nghi .

Cũng trong những lần đi phất phơ trên phơ, chính mắt tôi thấy một người Thượng, lấy con dao nhọn đâm vào đầu một con gà, xuyên từ mồng xuống mỏ dưới, con gà nằm chết , lông lá rũ rượi, máu rỉ ra từ lưỡi dao . Một lúc sau, anh rút con dao ra, lấy mấy cái vỏ cây xơ xơ như dây tơ , rịt vào vết thương trên đầu con gà. Chừng vài phút sau , con gà đã chết quẩy quẩy một chân, rồi đứng dậy nhìn quanh ngơ ngác .

Những trò ảo thuật tương tự như thế nầy, tôi vẫn thấy dài dài nhiều năm trên đường phố Sàigòn . Thành kiến về cái gọi là “thuốc ta” khó xóa nhòa trong tôi . Nhưng lần chữa đau răng trong tù nầy làm tôi nghĩ rằng đông y cũng có cái hay của nó mà mình không biết đó thôi . Tôi tạm giải thích cho trường hợp đau răng nầy là những huyệt mạch bị bấm, đã cắt đứt hiệu lệnh đau đớn của dây thần kinh từ cái răng đau lên não bộ . Nghĩa là cái răng vẫn đau, vẫn hư, nhưng não bộ không nhận được tín hiệu đau đớn . Dù sao đi nữa, tôi cũng đã được cứu ra khỏi những cơn đau kinh hồn nầy.

Sau khi đi tù về, thỉnh thoảng cái răng cũng rêm rêm chuyển đau lại, tôi cũng theo lối cũ, bôi cù là và hơ nóng huyệt mạch cùng bấm ấn các huyệt đó . Thế là cái răng êm trở lại trong thời gian rất lâu . Có vài người bà con đau răng, khi họ đã không chịu nỗi nữa, thì tôi cũng trổ tài lang băm làm phước. Cứ trong 10 người bệnh, thì tôi chữa được 6 đến 7 người .

Sau 1975, tất cả sách xuất bản tại miền Nam đều bị tịch thu và đem đốt bỏ, từ những sách khoa học kỹ thuật, sách ngoại quốc, sách nghiên cứu, đến tự điển, đến truyện, thơ, đều là sản phẩm đồi trụy . Không ai dại chi tranh luận với anh cán bộ phường, khóm hay công an về ý nghĩa của cuốn sách, khi mà trình độ văn hóa của họ, có người chỉ mới đánh vần chưa thông , và khi ký thì khoa nhanh bút mấy vòng trong không khí, rồi đè bút xuống gần rách giấy, mà khi ký xong thì mệt đến mồ hôi rướm lâm râm trên trán. Nhiều người chảy nước mắt thấy cuốn sách kỹ thuật quý báu bị xé gói xôi, gói khoai mì .

Văn hóa triết học khác với hệ thống Mác Lê bị liệt vào thứ đồi trụy, thì không ai dám chối cãi, nhưng sách y khoa kỹ thuật cũng không thoát khỏi số phận . Tuy bị cấm, nhưng hè phố Sài gòn vẫn bày bán đủ thứ sách, mà chủ nhân muốn vớt vát một ít tiền còm, bán ra có lợi hơn là đem làm chất đốt nấu ăn .

Sau khi ra tù, thỉnh thoảng buồn, tôi cũng lên phố tìm lại hương vị xa xưa, đi mà lòng trống vắng quặn thắt. Chỉ thấy những khuôn mặt lo âu, những đôi mắt thẳm thảm buồn, những nụ cười méo lệch trên đường phố Sài gòn xơ xác .Tôi cũng dừng chân nhìn những đề tựa các cuốn sách vung vãi trên vĩa hè . Tôi bắt gặp cuốn sách về trị bịnh theo phương pháp xoa bóp, cũ mèm, đã rách nát bìa, bên trong mất nhiều trang .Tò mò mua về đọc chơi, biết đâu cũng giúp cho tôi trị cho mình vài bệnh nhỏ nhặt mà khỏi gặp bác sĩ, nha sĩ .

Tôi biết trong nhiều năm nay, và nhiều năm sắp tới nữa, thuốc men là thứ hiếm quý trên con đường quá độ lên xã hội chủ nghĩa , sẽ có ít ai đủ khả năng mua thuốc tây, và thuốc tây, thành một thứ xa xỉ giữa xã hội nầy . Cuốn sách mỏng, tôi đọc một mạch thì hết, nhưng tôi để đầu giường, lâu lâu đọc vài trang, và ghi nhớ vài ba huyệt mạch chính yếu .

Tôi chữa bệnh cho chính mình, đôi khi cũng chữa cầu may cho bà con, bạn bè thân thiết, khi thì hiệu nghiệm, khi thì không. Thế mà trong cái thời buổi “văn minh tiên tiến xã hội chủ nghĩa” đó, nhiều người nghe bạn bè đến nhờ tôi chữa bịnh . Tôi bất đắc dĩ, không từ chối được, cứ làm đại theo sách, xoa bóp các huyệt mạch, có chết ai đâu . Nhưng trước khi xoa bóp, lúc nào tôi cũng mào đầu bằng câu : ” Tôi không chắc đâu, nhưng để tôi thử xem, may ra bớt bệnh “. Con bệnh thì thấy cũng không mất tiền, cũng không nguy hiểm chi, cầu may xem . Bệnh đau đầu chữa mau và hiệu nghiệm nhất, chữa cho đông đảo người nhất . Chỉ bôi cù là và xoa bóp các huyệt nằm ở chân tóc ngay giữa trán, giữa hai mí lông mày, bóp hổ khẩu, bấm các đầu ngón tay . Mười người lành cả mười, không cần xông, không cần thuốc thang chi cả.; border: 0px; margin: 10px 0px; padding: 0px; text-align: justify; text-indent: 20px; vertical-align: baseline;">Bà con, bạn bè đùa đặt tên cho tôi là “Lang Cầu Kinh”. Vì nơi tôi ở có cây cầu bắc ngang qua con sông đào, gọi là cầu Kinh . Nhiều người vô ra nhà tôi, làm công an khu vực chú ý và đến thăm dằn mặt tôi, bảo rằng một cái kim dấu trong khăn cũng không qua mặt cách mạng. Có lẽ họ tưởng tôi toan tính, liên lạc bạn bè làm việc chống phá họ. Tôi cũng không thể nói là tôi chữa bệnh cầu may cho bà con, điều nầy cũng nguy hiểm . Sợ bị bắt đi tù lại, tôi tránh mặt bà con. Dặn họ đừng ai đến nhà tôi mà vạ lây, chỉ thế thôi, là bà con sợ lắm, đôi khi gặp tôi ngoài đường, họ cũng nhìn lén mà không chào .

Thế nhưng khi đến chơi nhà bạn bè, bà con, thì họ cũng bắt tôi chữa bệnh, tôi cũng không tin vào cách chữa của mình chút nào cả, nhưng vì tính cả nể, không từ chối được. Không biết nhờ mát tay thế nào, mà bà con xem tôi như một ông lang. Trong khi kiến thức về y học của tôi cũng mù mờ dốt nát như kiến thức khoa học của một anh cán bộ . Tôi cố tránh nói và nghe chuyện bệnh hoạn để khỏi bị chèo kéo chuyện chữa trị .

Lần nọ, trong văn phòng có một cô đau bụng hành kinh hàng tháng, nằm lăn lộn, khóc lóc, không có thuốc cầm đau. Mấy anh chị trong sở kêu tôi đến chữa, tôi từ chối, họ năn nỉ hết lời. Tôi nhớ lại câu chuyện ngày xưa, nghe bạn của chị tôi kể rằng, hôm đó chị đau nhức trong người, đến khám ông bác sĩ trong xóm. Ông bảo chị cỡi áo quần ra và nằm lên giường . Vừa nghe xong, chị đỏ mặt và chửi thẳng vào mặt ông :” Ðồ súc vật, đồ khốn nạn. “. Dạo đó, mỗi lần chúng tôi thấy ông bác sĩ kia, là cười và cho rằng ông ta là một thứ dê cụ .

Nhưng thời gian giữa 1963, khi mà sinh viên Ðại Học Xá bị chính quyền vây bắt, càn quét, không cần biết ai có tham gia biểu tình bãi khóa hay không, có người cho là âm mưu của các ông tướng, cố gây thêm mâu thuẩn giữa chính quyền và sinh viên, tôi chạy đi tị nạn, lưu động tạm trú tại các phòng ngủ của sinh viên y khoa nội trú trong các bệnh viện Ðô Thành, Bình Dân, Chợ Rẫy …thì tôi thấy họ bắt bệnh nhân nằm trần truồng, tông ngồng, chỉ đắp tấm màn trắng, khi đó tôi chợt nhớ lại trường hợp người bạn của chị tôi với ông bác sĩ trong xóm, thì ra chúng tôi có thể đã hiểu lầm, gán tiếng dê cụ cho ông trong bao năm qua .

Trở lại trường hợp cô gái bị đau bụng hành kinh mà anh chị em trong sở kêu tôi chữa trị. Sách chỉ rằng, trong trường hợp đó, thì xoa bóp nhiều và mạnh trên xương nằm dưới rốn một gang tay, trên chổ đi tiểu . Có cho vàng tôi cũng không dám mạo hiểm. Dù có biết chắc chữa lành bịnh cũng không dám, chứ đừng nói, là mới thấy trong sách mà thôi. Tội chi mà mang tiếng oan vào thân .

Khi bị cả sở thúc dục, và không còn từ chối được, tôi chọn một chị lớn tuổi có bàn tay gân guốc khỏe mạnh để phụ giúp tôi . Tôi cầm cây bút chì, vẽ lên giấy cái huyệt đạo cần xoa bóp và làm mặt nghiêm nói :

” Sách nó dạy như thế nầy, xoa bóp mạnh tại chỗ nầy chừng vài chục phút, tôi không biết có hiệu quả hay không, nhờ chị thay tôi chữa giúp” .

Chị nhìn tôi cười mỉm ranh mảnh hỏi :

“Gì mà kỳ thế nầy, anh có đùa giỡn hay không ? “

Tôi nghiêm mặt hỏi rằng xưa nay chị thấy tôi đùa giỡn sàm sỡ với ai bao giờ chưa. Chị nửa tin nữa ngờ, vào nơi người bịnh đang khóc lóc, lăn lộn . Nghe chị cười rinh rích bên trong . Chừng hơn hai mươi phút sau, hai chị đi ra, hết đau đớn, và cám ơn tôi.

Sau nầy, cái chị giúp tôi chữa bệnh, khoe rằng đã dùng cùng một phương pháp, chị đã chữa cho nhiều người đau bụng hành kinh rất hiệu nghiệm . Thế mà có lần, một người bạn gái đến thăm tôi, nàng cũng bị đau bụng hành kinh, tôi đành im lặng, và chạy quanh xin thuốc, chứ không dám nói ra cách chữa bệnh đó, sợ bị hiểu lầm . Và vợ tôi, trước khi thành hôn mấy tháng, cũng có lần tôi đánh bạo chữa cho nàng bằng cái lối xoa bóp nầy mà chẳng có công hiệu chút nào. Lần đó, tôi cứ ân hận mãi vì nàng có thể nghĩ rằng tôi thiếu đứng đắn, giả vờ chữa bịnh mà nham nhở .

Tôi nhớ sau nầy ở Mỹ, một lần tôi ghé Spokane, Washington State, thăm người bạn cũ, anh rủ tôi đi xem văn nghệ Tết do cộng đồng tổ chức, và bảo vợ anh không đi được vì đang đau bụng hàng tháng. Tôi chỉ cho anh cách trị bệnh. Anh vào buồng, và tôi nghe tiếng la ơi ới : “Kỳ quá, người ta đang đau thấu ruột gan, mà đùa giỡn tục tĩu thế nầy”. Một lúc sau, chị vợ anh êm cơn đau và dậy thay áo quần cùng đi xem văn nghệ. Chị cho biết, bệnh đau nầy chị bị cả chục năm nay, uống thuốc tây không công hiệu .

Năm 1978 tôi đi xe lửa ra Nha Trang vượt biên, đi bằng giấy tờ giả nên rất lo lắng. Trên tàu công an chìm đầy rẫy dò xét từng hành khách. Tôi có linh cảm đang bị theo dõi, vì lâu lâu bắt gặp cái nhìn lén của người hành khách ngồi xéo bên kia. Tôi đứng dậy, giả vờ đi qua toa xe khác, để xem có đúng là đang bị theo dõi hay không, thấy hắn đi theo qua hai toa . Tôi trở về ngồi vào ghế cũ và nhắm mắt quẹo đầu giả vờ ngủ để theo dõi lại gã công an chìm.

Khi xe lửa đi qua rừng lá, thì một em bé ôm bụng kêu la, khóc vang cả toa xe, dù tiếng ầm ầm lắc lư của con tàu cũng không át nỗi . Nhiều người nạt nộ khó chịu, bảo chú bé câm mồm đi, đừng khóc nữa. Chú bé đau quá, lăn lộn ra sàn tàu nằm khóc la mãi đến cả khản giọng vẫn không thôi . Mọi người đều nóng ruột xót xa, vợ tôi ghé lại bảo nhờ tôi thử xoa bóp cho chú bé xem có hiệu nghiệm chi không . Tôi lắc đầu, vì mình phải lặn chìm tối đa, không để ai chú ý là tốt nhất, và tôi đang có trách nhiệm dẫn đường cho cả nhóm người tản mát đó đây . Nhưng tôi cũng thấy không yên lòng, chờ cho mọi người ngủ gà gật, tôi ngồi xuống sàn tàu, vạch chân thằng bé, xoa dầu vào huyệt túc tam lý, phía dưới đầu gối, bên hông chân, và xoa bóp một hồi, chuyển qua huyệt nằm dưới rốn . Chỉ thế thôi, mà thằng bé rên nhỏ dần và nằm yên .

Tên công an theo dõi tôi cũng nhắm mắt há mồm ngủ thiêm thiếp. Tôi vội vã cỡi áo ngoài, và cất cặp kiếng cận thị vào túi, nhảy lên kệ để hành lý trên cao nằm . Một lúc sau, tên công an giật mình tỉnh dậy, nhìn ngơ ngác tìm kiếm, hắn chạy qua toa khác, chạy lui chạy tới. Tôi biết hắn đang tìm kiếm tôi, nhưng không nhận ra, vì tôi đã mang áo màu khác, và không mang kiếng cận .

Cũng chuyện đau bụng, hồi mới đến Mỹ, một buổi sáng thứ bảy, bạn tôi định chở toàn gia đình đi chơi Seattle và cho tôi đi theo cho biết đó biết đây. Vừa nổ máy xe, thì bạn tôi cảm thấy đau bụng, càng lúc càng đau, anh ngồi dựa ngửa ra mặt mày nhăn nhó. Anh tắt máy xe, ngồi chờ xem tình trạng ra sao, nhưng cơn đau cứ dồn đến . Tôi ngồi bên cạnh, hỏi bạn có muốn để tôi thử xoa bóp không, may ra bớt đau được chút nào chăng . Bạn tôi đau quá, gật đầu . Tôi lật chân bạn ra, bôi dầu và xoa ấn mạnh vào huyệt túc tam lý, chưa kịp xoa huyệt ở dưới rốn, chỉ ba phút mà thôi , bạn tôi hết đau hẳn. Bạn tôi ngạc nhiên vô cùng, phần tôi thì nghĩ rằng, có thể là sự trùng hợp vô tình, chứ chưa tác động đủ vào các huyệt cần thiết .

Cũng vì đành hanh chữa bịnh mà đôi lần tôi bị nghi oan . Lần nọ tôi đến nhà một người bạn để bàn chuyện tổ chức vượt biên, cô em gái bạn tôi tóc tai rũ rượi, mặt mày nhăn nhó, tay ôm đầu, bảo rằng nhức đầu như búa bổ . Khi đó bạn tôi đi vắng, tôi đề nghị chữa bịnh cho cô em của bạn tôi. Trong lúc đang ngồi tại phòng khách, tay tôi xoa ấn các huyệt trên trán, thì mẹ bạn tôi về. Bà tế nhị đi thẳng lên lầu, chỉ nhìn liếc qua thật mau mà thôi, tôi vội vả chào. Khi bà đi xuống, thì miệng cười chúm chím, tôi phân trần là đang châm cứu chữa bệnh.

Bà cười nói :

” Ừ bác biết chữa bệnh mà.”

Nhưng trong ánh mắt bà có cái nhìn tinh nghịch, như bảo rằng, bác biết hết rồi, chối quanh làm chi. Rồi bà nói tiếp:

“Từ sáng đến giờ nó kêu đau nằm bẹp, mà bây giờ anh đến thì mặt mày tỉnh như sáo sậu”.

Tôi sượng sùng ngồi nhịp nhịp móng tay xuống mặt bàn. Em bạn tôi, cằn nhằn:

” Mẹ đừng hiểu lầm, kỳ lắm “.

Cũng có lần tôi bị hiểu lầm, vì chữa không công hiệu, trong khi xoa mặt, bóp tay cho một cô gái có đôi mắt ướt rượt, miêng cười chúm chím. Cô nói với bạn bè là anh chàng nầy giả vờ chữa bệnh để cầm tay cầm chân các cô gái, như là mấy người giả vờ coi chỉ tay mà thôi .

Một lần khác, chúng tôi đi công trường xây cất khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, một chị kỹ sư trẻ, cán bộ miền bắc cùng đi trên xe, bị ” trúng gió ” phèo bọt mép nằm bất tỉnh nhân sự, hai tròng mắt trợn trắng dã .

Nhiều người vạch áo, vạch lưng ra cạo gió mà chẳng có ăn thua gì . Tôi vốn ghét con mụ nầy lắm, vì nó tác oai, tác quái, gán cho chúng tôi đủ thứ tội tình từ trên trời rơi xuống, mà chúng tôi phải cắn răng im lặng vì làm dân miền bại trận trong những năm đầu tai biến đó . Thấy con mụ bạc trắng nhợt nhạt nằm đó mà không cứu, thì trong lòng tôi bất nhẫn, bởi tôi cũng đã có kinh nghiệm cứu người ngất xỉu vài lần rồi . Tôi dùng đuôi cây bút bi thay ngón tay, để bôi cù là và ấn vào các huyệt đạo trên trán, hai bên cánh mũi, khớp cằm, và khi tôi vừa ấn vào nhân trung, thì con mụ ú ớ mở mắt được, nhìn tôi .

Cái nhìn đó làm tôi nhớ lại những hằn học, những lời nói the thé chua lè, trong các buổi họp học tập chính trị. Một ý nghĩ tinh nghịch thoáng qua rất mau trong trí, mà tôi không đủ thì giờ để cầm giữ . Tôi đưa đuôi bút xuống ấn mạnh vào vùng cằm, nơi huyệt đạo dùng để chữa cho những người bí tiểu tiện, thì con mụ rùng mình và tiểu ra dầm dề lênh láng, loang cả mặt bàn, chảy xuống sàn nhà. Ngay khi đó, tôi cảm thấy xấu hổ với chính mình, vì tinh nghịch thiếu tử tế trong lúc người ta bệnh hoạn . Chuyện nầy làm cho tôi còn thấy buồn trong nhiều năm sau .

Sau khi về sở, nhiều người hỏi tôi sao không để cho thứ ác ôn đó đi theo bác Hồ của nó cho yên chuyện ? Thế mà về sau, con mụ nầy phê vào hồ sơ cá nhân tôi một câu độc địa: “Thiếu nhiệt tình cách mạng”. Con mụ phê trúng, vì làm sao nhân dân miền Nam lại có nhiệt tình với cái chế độ tự nhận là cách mạng được . Vì câu nầy, mà tôi bị phòng tổ chức của thành phố kêu lên hạch hỏi nhiều ngày, bắt làm kiểm điểm.

Cũng may mắn cho tôi, tên bí thư đảng ủy của công ty tôi là một anh chàng người miền Nam tập kết, hắn có anh em ruột là sĩ quan miền Nam đi tù cải tạo, nên không sắt máu, và đôi khi tỏ ra thông cảm hiểu biết. Hắn nói với tôi :

“Bọn tôi mà bị phê là thiếu nhiệt tình cách mạng, thì bị hạ tầng công tác, các anh mà thiếu nhiệt tình cách mạng, thì chỉ có đi lao động cải tạo mà thôi”.

Tôi hiểu, lao động cải tạo là đi tù. May mắn thay, giữa anh bí thư đảng ủy nầy với con mụ kia có hiềm khích ngầm, nhờ đó mà tôi thoát vạ lớn. Nhưng tôi cũng bị đày đi công trường xa, xây cất một nhà máy gạch, nằm tận trong một xã quê mùa quận Hóc Môn, mỗi ngày đạp xe đi về khuya sớm, mà tiền lương thì cũng chưa đủ để ăn quà sáng. Việc xây cất tại công trường thì ì ạch vì thiếu vật liệu, cả thầy lẫn thợ đều rã rời, chơi cũng không ra chơi, mà làm cũng không ra làm.

Công trường tôi nằm bên cạnh phòng y tế của xã, trưởng phòng y-tế là một y sĩ Cộng sản. Anh nầy nguyên là y công của một bệnh viện tại Sàigòn, bị liên lụy, vì người em vợ là đặc công Cộng sản nằm vùng. Anh sợ bị bắt oan, nên chạy về quê tạm tránh mặt, nhưng rồi bị Việt Cộng đưa ra bưng, và được theo học khóa huấn luyện y tế dần dà lên chức y sĩ . Chữ nghĩa của anh cũng chẳng được bao nhiêu, không đọc nổi một cái tên thuốc, và khi ký cũng ngoai bút mấy vòng vẽ bùa rồi mới hạ xuống ký. Anh nầy muốn nhờ vả, và xin chúng tôi vật liệu xây cất nên lân la làm quen, thỉnh thoảng đem rượu qua mời chúng tôi nhậu chơi.

Chúng tôi cũng không tội chi mà từ chối. Ăn uống của anh nhiều quá, chúng tôi mang nợ, phải cho anh mỗi lần ít ki-lô xi măng thừa . Vì nhà xa, những hôm mưa gió, đi về cực khổ quá, tôi ngủ lại công trường. Thỉnh thoảng anh trưởng phòng y tế nầy cũng ghé chơi và đánh cờ tướng .

Một lần anh bị bệnh vẹo cổ, cái đầu nghiêng nghiêng quay không được, mấy hôm liền . Tôi đề nghị, để tôi chữa thử xem. Rồi cứ theo sách chỉ, bôi dầu , ấn và hơ nóng vào các huyệt ở màng tang, đầu lông mày, khóe cánh mũi, chân đường chỉ từ mũi xuống miệng, mí cằm. Chỉ một lúc sau, anh quay cổ qua lại được. Anh nói đùa là núi thái sơn trước mắt mà không thấy. Chỉ chữa trong ba ngày là hết vẹo cổ.

Từ đó, anh hay giới thiệu bệnh nhân qua công trường xây cất để nhờ tôi chữa bệnh. Ban đầu, cũng vì nhàn nhã, tôi cũng theo sách mà chữa trị, như một lối giải trí và thí nghiệm chơi . Về sau, dân làng cứ đến thẳng công trường đòi trị bệnh, mà không đi qua phòng y tế. Tôi cũng kẹt, vì không từ chối được và phải chữa bệnh trong giờ làm việc của công ty xây dựng. Có ngày, tiếp con bệnh từ sáng đến chiều . Ðể trả ơn, dân làng đem cho trái cây, tôm cá, rắn rùa, bánh trái, nhờ đó mà anh em tại công trường cũng đỡ đói, và có mồi nhậu giữa thời khó khăn.

Mãi cho đến khi có mấy tên công đoàn muốn lập công, báo cáo về công ty, thì tôi bị khiển trách và phải làm tờ kiểm điểm. Anh trưởng phòng y tế hứa lên quận, xin tuyển dụng tôi vào làm phòng y tế xã, và cho biết sẽ xin sở y-tế Thành Phố cấp cho tôi cái bằng y-sĩ. Nghe như chuyện khôi hài, nhưng thời đó đã có nhiều trường hợp xẩy ra. Tôi từ chối, vì không thể bỏ thành phố mà về vùng quê, những bà con tôi từ miền Bắc về bảo phải bám lấy thành thị bằng mọi giá , và không thể bỏ cái sở trường là nghề kỹ thuật mà lấy cái sở đoản là chữa bệnh đoán mò, làm một lang băm .

Trước khi tôi bị gọi về và thuyên chuyển qua một công trường xây cất khác, thì tôi chữa cho một anh bị “trúng phong” nói theo ngôn từ nhà quê . Người ta võng anh nầy đến công trường, anh bảo bị trúng gió. Lưng cong lại như con tôm đau đớn, không duỗi thẳng ra được, và không đi đứng được, bị đã hai hôm .

Tôi lật sách tìm, không có bệnh nào tương tự . Tôi từ chối, nhưng bà cụ già mẹ anh níu tay tôi khóc lóc, làm tôi không biết làm sao mà giải thích . Khi nói thật với bà rằng tôi chữa bệnh theo lối đoán mò, nên có nhiều thứ tôi không biết. Nghe vậy, bà cụ càng không tin, và càng nắm chặt tay tôi, với cái nhìn cầu khẩn, làm lòng tôi đau nhói. Và chỉ trong thoáng chốc, tôi nhớ lại mấy chục năm trước, ông bác tôi đang đi xe gắn máy, ngã lăn ra, và lưng đau đứng dậy không được, người ta khiêng về tận nhà .

Ông thầy thuốc nam bảo trong nhà rang muối hột với trà, hạ thổ, rồi đem chườm lên lưng, chà quanh lưng, vòng quanh nơi đau, khi muối còn nóng. Nhờ thế mà bác tôi khỏi bệnh . Vì không từ chối được, tôi bảo bà cụ rằng, tôi sẽ cố gắng thử xem, nhưng không chắc. Sẵn bếp lửa của “chị nuôi” tại công trường, tôi rang trà cùng muối hột, và làm y như ngày xưa tôi thấy. Chừng nửa giờ sau, người bệnh từ từ thẳng lưng ra được. Ngày hôm sau, tôi làm thêm một lần nữa, và anh chàng bệnh đã đứng dậy đi lại. Không biết có phải tôi ” mát tay” hay không, mà chỉ toàn gặp may mắn.

Sau nầy tại Mỹ, tôi cũng chỉ cho một người bị cong lưng cách chữa bệnh nầy, và cũng hiệu nghiệm. Nhờ anh chàng bị bịnh cong lưng nầy, mà về sau tôi làm quen được nhiều mối tổ chức đi vượt biên, vì anh nầy chuyên nghề đưa taxi (tiếng lóng chỉ người lái thuyền nhỏ đưa kẻ vượt biên ra thuyền lớn).

Tôi bị kêu về công ty và phải làm tờ kiểm điểm vì không lo làm việc mà lo chữa bệnh. Ðúng lúc đó, thì gã thủ trưởng công ty tôi bị bệnh nấc cụt cả hơn hai tuần mà không làm sao dứt . Nhiều người giục gã nhờ tôi chữa thử xem. Gã ngõ lời, tôi từ chối, nói rằng tôi là kỹ sư chớ không phải là y sĩ, bằng chứng là đang làm tờ kiểm điểm sai trái, không lo làm việc kỹ thuật, mà lo chữa bệnh cho dân chúng. Tôi biết chắc, bệnh nấc cụt có thể chữa hết tức thì, bèn nửa đùa nửa thật nói :

“Tôi có thể chữa cho anh lành bệnh với một điều kiện, là đừng đày tôi đi các công trường xa xôi nữa .”

Gã bảo rằng, đối với cách mạng, thì công tác nào cũng là công tác cả, đưa đi công trường xa không phải là đày, nói như thế là mất lập trường. Rồi gã thuận theo điều kiện của tôi . Thật ra thì gã cũng chẳng mất gì cả . Buổi trưa tôi ra chợ Thanh Ða gần đó, mua một quả cam, vắt lấy nước, lọc kỹ cho gã đừng biết là thứ gì . Ðem cho gã uống, và bảo gã đừng sợ bị đầu độc. Gã vừa uống xong, thì hết nấc cụt liền. Tôi đã chữa bệnh nấc cụt bằng cách ăn cam, mười người hết cả mười.

Mười năm trước, về miền Nam California chơi, ghé thăm một anh bạn, thấy anh cứ nấc mãi mà không hết, anh cho tôi biết đã bị cả hai tháng nay, uống đủ thứ thuốc mà không hết. Tôi cười hỏi :”Ðúng là thầy khoe thầy cứu được người, đến khi thầy ốm biết ai cứu thầy! Anh là bác sĩ, nhưng có chịu để cho lang băm nầy chữa bệnh không?” Tôi mở tủ lạnh lấy trái cam để lên bàn, múa tay giả vờ làm bùa phép và đọc thần chú, tôi cắt ra và bảo bạn ăn. Vừa ăn xong hai múi cam thì bạn tôi hết nấc. Cả nhà mừng quá. Chị vợ nắm tay tôi hỏi anh học cái bùa phép nầy từ bao giờ, và học tại đâu? Tôi cười và bảo rằng, nấc cụt ăn cam thì hết, chẳng có bùa phép chi cả, tôi chỉ đùa chơi thôi, nhưng anh chị không tin .

Cũng một lần khác, đi dự dám cưới đứa cháu, cả nhà cho biết cô dâu cứ nấc cụt từ sáng đến chiều, khổ sở lắm . Tôi cho ăn một múi cam, hết ngay . Chú rể là thằng cháu ghé tai bảo tôi: “Cám ơn chú cứu con, tưởng đâu đêm tân hôn mà hai đứa phải ăn chay thì uổng lắm.”

Khi đi làm việc tại Mỹ, tôi biết rõ rằng có nhiều người tính tình rất kỳ cục, hay thưa gởi để đòi bồi thường, không cần biết đến phải trái, ân nghĩa . Như trường hợp một ông đang lái xe trên xa lộ, thấy xe khác lật và sắp bùng cháy. Bèn dừng lại, liều đến mở cửa ẳm một bà mắc kẹt từ trong xe ra, để cứu cho bà khỏi chết cháy. Sau đó, người đàn bà được cứu sống đâm đơn kiện cái ông đã cứu bà ra khỏi xe, lý do là ông nầy không phải là bác sĩ, hay y tá, không biết cách ẵm người thương tích, làm cho bà đau lưng . Truyền hình chiếu vụ án và phỏng vấn bà nầy, thấy mặt mày nhơn nhơn và nói những lời bất nhân.

Nhiều người dặn dò rằng, khi đi đường, thấy có người té, thì đừng có nổi máu hào hiệp mà đỡ họ dậy, họ kiện cho đổ nợ ra . Chứ không phải như bên nhà, thấy người té mà không đỡ dậy là bất nhân, thiếu lòng từ . Bởi vậy, tôi rất dè dặt để chỉ cho các bạn đồng nghiệp người Mỹ cách chữa bệnh theo lối lang vườn .

Nhưng có lần, một ông Mỹ già ngồi cạnh bàn tôi, bị dị ứng, cứ sụt sịt chảy mũi nước mãi, uống thuốc mà cũng không khỏi, ông xài cả hộp khăn giấy, hai mắt đỏ hoe, ông nói đùa với tôi là nếu tôi có cách gì làm ông hết sổ mũi sáng nay, thì ông sẽ đãi cả nhóm đi ăn trưa một tuần, tôi hứng chí, bắt mọi người làm chứng. Tôi bảo ông rằng tôi sẽ không bắt ông uống thuốc, cũng sẽ không động đến người ông, mà ông sẽ hết bịnh . Tôi yêu cầu ông rót một ly cà phê thật nóng, rối áp hai đường lằn ở cạnh bàn tay phía dưới ngón tay út vào thành cái ly, cứ áp vào dở ra một hồi, rồi chờ cho ly bớt nóng, áp ly vào các huyệt trên mặt, bảo ông tự ấn vào các huyệt đó, còn tôi thì giả vờ đọc thần chú úm ba la . Quả nhiên, nửa giờ sau ông hết sổ mũi . Cả sở ngạc nhiên.

Một lần khác, ông bạn kỹ sư gốc người Nga ngồi sau lưng tôi, ông nầy nguyên là “viện sĩ” bên Nga vào thời Cộng sản, ông được di cư qua Mỹ vì có vợ gốc Do Thái . Ông thấy tôi dùng dầu “cù là” , ông rối rít hỏi tôi mua ở đâu, chỉ cho ông, vì vợ ông rất thích xài cái thứ dầu nầy. Tôi hỏi ông tại sao biết thứ nầy, ông cho nói rằng bên Nga, người ta bán dầu nầy trong hộp nhỏ bằng đồng xu và trên nắp hộp có hình ngôi sao màu vàng . À thì ra Việt Cộng đem dầu cù là Sao Vàng xuất khẩu bán cho anh cả vĩ đại Liên Xô .

Nhiều lần, chúng tôi bàn thảo chuyện chính trị, chuyện tư bản chủ nghĩa, Cộng sản chủ nghĩa, và cũng xem như đồng hội đồng thuyền vì cùng là nạn nhân của chế độ Cộng sản . Lần khác, ông bị đau nhức, không nhúc nhích được cánh tay mặt, và phải viết bằng tay trái. Người ta cho ông uống thuốc giảm đau mà thôi, chứ không cho thuốc chữa bệnh, ông nhăn nhó và than vãn suốt ngày. Ông hỏi tôi, có biết thầy châm cứu nào giỏi không, chỉ giúp cho ông . Tôi trả lời là không biết, nhưng tôi biết vài huyệt đạo mà ông có thể dùng cù là bôi vào đó, rồi hơ ấm, sau đó ấn mạnh bằng đầu ngón tay, cứ thử xem . Tôi dùng bút chấm vào bốn huyệt trên mặt, hai huyệt trên lưng, và hai huyệt ở ống chân . Chiều về, vợ ông có thể giúp ông, và tiếp tục chữa, nếu thấy có hiệu nghiệm thì cứ làm tiếp. Sáng chủ nhật đó, ông gọi điện thoại cho tôi, báo là đã cử động được cánh tay rồi, và hỏi tôi có nên lái xe không ?

Có một lần chúng tôi họp nhau ăn uống, toàn cả bạn cũ thời ba mươi, bốn mươi năm về trước. Một anh bạn nguyên là thanh tra giám sát viện, bị đi tù tám năm, anh kể chuyện rằng, lần nọ vào rừng đốn cây vác về, trong vỏ cây có con bò cạp, nó cắn vào cổ một anh bạn tù. Anh nầy được bạn bè khiêng về trại, và mồ hôi đổ dầm dề, run lập cập . Không có thuốc thang chi cả, có người nói cứ chờ gà gáy sáng thì hết đau, có người nói nếu có chút nước miếng gà bôi vào, thì cũng cầm được cơn nhức nhối. Nhưng kiếm đâu ra gà trong trại tù. Anh bị bò cạp cắn run lập cập và nghiến răng, trợn mắt như sắp chết. Một anh bạn tù già thấy vậy, bảo rằng không cứu gấp thì có thể đứng tim mà đi thăm Các-Mác, Lê- Nin.

Anh ấy bảo rằng, không chắc lắm, nhưng để anh thử. Anh ngồi xuống sát người bệnh, kéo quần ra, và dùng đầu dương vật rà vào vết bọ cạp cắn, quét qua, quét lại. Anh em tù nhân, người thì cười, người thì chế nhạo. Có người la lên là thấy người ta bị nạn, lợi dụng làm càn. Nhưng lạ lùng thay, chỉ mấy phút sau thì khuôn mặt nạn nhân dãn ra, và nét đau đớn biến dần, một lúc sau thì hé mắt lờ đờ nhìn anh em.

Ðêm đó nạn nhân ngồi dậy được, và sáng hôm sau lại bị đi lao động như thường. Anh em thán phục anh bạn tù chữa bọ cạp cắn bằng lối kỳ dị . Anh cho biết rằng, chữa bằng bộ phận đàn bà thì còn hiệu nghiệm hơn nhiều, và có thể chữa bất cứ loại côn trùng độc nào, đây là cách chữa độc của đồng bào thiểu số . Anh bạn cựu thanh tra giám sát viện kể xong, chúng tôi cũng nghi ngờ câu chuyện khó có thật, nhưng anh bạn nầy ít khi đùa giỡn, anh đứng đắn đạo mạo từ thời còn học tiểu học.

Tuy không tin, nhưng một lần vợ tôi bị ong cánh vàng chích, bị dị ứng nên cánh tay sưng to màu đỏ . Ðau quá chịu không nỗi, nên dù đang ban đêm, cũng phải kêu đến bệnh viện hỏi. Y tá trực cho biết rằng, dù có đưa tới bệnh viện, cũng chẵng được gì, và yêu cầu đắp baking soda, và chườm nước đá . Chúng tôi làm theo, nhưng không bớt đau đớn. Thấy vợ đau đớn quá, tôi nhớ cách chữa bệnh khi bị bò cạp cắn . Tôi bảo vợ nhắm mắt lại, quay đầu về phía khác, và tôi cũng rà thử. Ðang rà, thì vợ tôi quay đầu lại, kêu thét lên và đấm tôi thùm thụp, và khóc bảo :

“Trong lúc em đau đớn như thế nầy, mà anh còn nhẫn tâm đùa như thế được ? “

Tôi giải thích cách nào, vợ tôi cũng không nghe và không tin .

Một chị bà con xa, có chồng làm nghề châm cứu tại một thành phố miền nam Vịnh San Francisco, một thành phố nhỏ mà cư dân toàn những người giàu có. Ðại đa số bệnh nhân của anh là người da trắng già cả. Các cụ nhức mỏi, đau đớn khớp xương, đau đớn bắp thịt liên miên, khách hàng của anh đông đảo, và tha hồ mà hốt tiền của các cụ. Anh vừa châm cứu, vừa kể chuyện khôi hài, vừa giảng giải thiền, nói về lẽ vô thường của kiếp nhân sinh, xin các cụ bỏ mọi chuyện âu lo ra ngoài, xem lẽ sống và cái chết cũng tương đồng . Với cái vốn liếng tiếng Anh ba rọi, và ăn nói ngọng nghịu, anh cứ chậm rãi mà nói, từ từ mà giải thích, không cần các cụ có nghe và hiểu hay không. Nhưng các cụ thích lắm, và cảm thấy bớt bệnh rõ ràng, bớt âu lo, bớt mất ngủ.

Thế đó, nhưng vợ anh thì mang chứng nhức đầu kinh niên từ thuở nhỏ, không ai chữa trị khỏi, chị uống thuốc đau đầu hàng ngày, ba bữa như ăn cơm, từ mấy chục năm nay . Một lần chị nghe có ông thầy võ dùng nội công chữa được trăm bệnh, cả bệnh AID, bệnh ung thư, theo như quảng cáo trên báo .

Chị kể rằng, chị đến xin chữa bệnh, ông thầy bắt viết cam kết là lỡ có chết cũng không kiện. Phải trả trước tiền khám bệnh, bằng tiền mặt, nửa giờ tám mươi đồng Mỹ kim. Sau đó định bệnh, và cho biết tổng cộng phải tốn kém bao nhiêu. Ông đưa chị vào phòng khám bệnh nhỏ, bảo nằm sấp xuống, ông cưỡi lên mông chị, nhún nhún mấy cái rồi hỏi bằng tiếng Anh :

” Are you feeling good ?”. (Tạm hiểu là chị có thấy sướng không?)

Chị vừa xấu hổ vừa giận, dùng tiếng Bắc đặc giọng chửi lớn, tru tréo lên rằng :

“Bố tiên sư nhà mầy, xuống ngay, đồ khốn nạn “.

Có người nghe chuyện, cho rằng có lẽ cách nói của ông thầy võ làm chị hiểu lầm mà thôi. Cũng hôm ấy, một chị khác kể về ông thầy võ đó rằng, chị đến khám bệnh vì thấy báo chí đăng quảng cáo là chữa bệnh cứu đời . Chị giả khám bệnh để làm quen, hỏi thăm cho một người bà con bị bệnh nan y. Cũng nạp tám mươi đồng khám bệnh, cũng làm giấy cam kết chết không kiện.

Ông thầy võ trông tráng kiện đẹp trai lắm, ông bóp tay, nắn chân chị, và bảo tìm được bệnh rồi . Muốn chữa thì phải tốn bốn mươi lăm giờ, tổng cộng bảy ngàn hai trăm đồng đô-la Mỹ, phải đóng ba ngàn sáu trăm đồng tiền mặt trước mà không trả lại. Ông sẽ dạy chị những thế luyện công, chị sẽ về nhà tập. Chị hỏi thăm cho trường hợp người bạn không có lợi tức. Ông thầy từ tốn giải thích rằng :

“Mỗi người có một nhiệm vụ, tôi có nhiệm vụ chữa bệnh, người bệnh có nhiệm vụ trả tiền, không nên lẫn lộn việc nầy với việc kia. “

Theo chị nghĩ, thì ông thầy nầy chữa bệnh có hiệu quả cho nhiều người thật, nhất là những người già cả thiếu vận động .Vì ông lấy tiền công đắt tiền quá, con bệnh tiếc tiền, nên về nhà chuyên cần tập những động tác mà ông gọi là “luyện nội công “, vận động tay chân, cơ thể , và từ đó thân thể khỏe mạnh và bớt bệnh khác .

Tôi đem áp dụng lối “luyện công” để chữa bệnh cho mẹ một người bạn thân. Bà đau lưng, nhạt miệng, tay chân bải hoải, mất ngủ, không muốn cử động. Bạn tôi năn nỉ mẹ tập thể dục, loại nhẹ nhất như phất tay mỗi ngày, nhưng bà làm được vài lần thì bỏ. Không thuyết phục mẹ được, anh bạn nhờ tôi .

Bà vốn sẵn thương tôi như con từ thời còn nhỏ, tôi đi chợ trời mua được một tượng Phật khá nặng, đóng vào hộp, dán nhãn và ghi giá hai ngàn rưỡi đồng Mỹ kim. Nói dối là thỉnh từ Nepal về, đem đến để bác mượn chữa bệnh. Tôi nói là tượng nầy hấp thụ được khí âm dương của trời đất, ai ôm nó thì khí trời đất sẽ thấm vào người mà khoẻ mạnh, trường thọ. Mỗi ngày ôm tượng đi quanh sân bốn mươi chín vòng niệm chú, thì rất có công hiệu . Nếu muốn có công hiệu hơn, thì ngoài việc bế tượng đi quanh sân, để tượng lên bàn Phật, đánh chuông niệm Phật, cứ mỗi tiếng chuông, thì nằm sấp lạy một lạy và đọc một câu kinh. Khi nào làm được bốn mươi chín lạy là lúc tất cả bệnh hoạn được khai trừ . Bà vốn sẵn có niềm tin tôn giáo, cứ thế mà làm theo. Chỉ một thời gian ngắn, ăn được, ngủ được, thân thể khoẻ ra, có thể đi chơi xa được .

Từ ngày biết chữa một ít bệnh theo ngọai khoa, tôi cũng bớt được những bệnh nhức đầu, sổ mũi thông thường. Cứ thấy hơi mỏi mệt là xoa bóp các huyệt đạo chủ yếu cho máu huyết lưu thông, cho cơ thể thêm sức kháng bệnh, do đó mà qua được những cảm cúm hàng năm. Ðồng thời, có thể tạm cầm đau trong vài trường hợp để được chữa trị tận gốc, nhưng nhiều lúc cũng gặp không ít rắc rối .

Những trường hợp bất đắc dĩ chữa bệnh, và may mắn có hiệu quả, tôi chỉ tin là gặp may, hoặc trùng hợp tình cờ như trăm ngàn tình cờ khác. Nhưng những lối chữa bệnh ngoại khoa, thì tôi tin chắc là công hiệu, tuy vậy, không giải thích được . Tôi rất ít tin tưởng về những đường kinh mạch, âm dương, ngũ hành tương khắc, hàn nhiệt, vì nó mơ hồ chứ không rõ ràng mạch lạc như Tây y, có thí nghiệm, có chứng minh đàng hoàng, có thống kê, có giải thích .

Tuy vậy, nền y học dân gian đã có từ ngàn năm, và nhiều cách trị bệnh cũng rất hiệu quả mà chúng ta chưa giải thích được. Ðôi khi vẫn tự chữa bệnh cho mình, nhưng trong lòng tôi không một tin tưởng nào, và làm với tính cách cầu may. Có ai mách bảo một cách chữa mẹo mới, thì tôi cũng thờ ơ bỏ ngoài tai, cho đến khi cần lắm, thì đem ra thí nghiệm, chứ không hề quan tâm. Ở nước Mỹ mà làm lang vườn, thì rất có nhiều cơ hội bán nhà đền tiền sạt nghiệp . 

Tràm Cà Mau

No comments:

Post a Comment