Pages

Tuesday, March 9, 2021

Cái “Ôm Hôn” Có Đắt Lắm Không? - Nguyễn Thị Cỏ May



Cấm ra đường vì đề phòng lây nhiểm corona Vũ Hán làm xáo trộn tận gốc đời sống xã hội Pháp. Chỉ riêng giới sinh viên từ một năm nay thất điên bát đảo ví chỗ ăn chỗ ở: ký túc xá đóng cửa, căn-tin đóng cửa, việc làm thêm không có!

Những nét văn hóa đẹp của Pháp từ lâu đời nay cũng không còn giữ được. Đơn giản như cử chỉ quen thuộc khi người thân gặp nhau: bá cổ nhau hay hôn nhau bị cấm tới nay được một năm. Người ta tự hỏi rồi đây, khi dịch Vũ Hán hết, cách chào nhau thân tình đó liệu còn tồn tại hay không? Hay nó lại ôm cổ «nàng Vũ Hán» đi luôn?

Đặc thù văn hóa Pháp

Người ta đang nghĩ tới thời hậu-Vũ Hán, lúc đó, khi gặp nhau, người ta vẫn lao vào nhau, ôm chặt nhau và hôn nhau trên má như trước đây chăng?

Sự thắc mắc này cũng đang chia dư luận Tây làm hay phe: chống và ủng hộ. Xin đừng ai ngạc nhiên tại sao chuyện chẳng có gì mà cũng chia rẽ được người Pháp? Nên nhớ ở Pháp, và chỉ có ở xứ Pháp hay xứ Tây, mới có hơn ba trăm thứ pho-mát mà thôi. Anh cũng nuôi bò, dê, cừu, cũng lấy sữa, cũng làm pho mát . Đức, Áo, Thụy sĩ, Áo, Ý, Hòa lan, …cũng cùng nền văn minh ẩm thực, nhưng tuyệt đối không có nước nào có nhiều thứ pho-mát như Pháp. Đó là đặc thù văn hóa Pháp. Nó rất Tây ! Và nó phức tạp vô cùng. Hơn người ta tưởng! Do đó mà không có dân nào như dân Pháp là không bao giờ biết cùng nhau đồng ý một điều gì, dù lớn hay nhỏ. Nên lúc nào dân chúng cũng biểu tình chống đối chánh phủ. Tả cũng bị chống. Hữu cũng bị chống. Trung, tức không tả, không hũu, cũng bị chống. Và xuống đường rầm rộ cả lúc đang có lệnh chánh phủ «cấm cửa» vì bệnh dịch.

Nên không phải ngạc nhiên khi chỉ muốn biết sau dịch vũ hán người ta còn giữ cách chào nhau «ôm và hôn má» nữa hay không lại lập tức sanh ra hai phe chống và đồng ý giữ . Hai phe với quan điểm đối nghịch nhau quyết liệt. Như trên chánh trường, phe tả và phe hũu chống nhau vậy.

Cái hôn chào nhau sẽ tồn tại không?

Một phụ nữ pháp coi TV, bị thu hút mạnh cảnh những người hôn nhau, bá cổ nhau trong phim thời trước đây khi gặp nhau và chào nhau. Bà ấy cho biết thật là cảm động khi trông thấy lại nét đẹp của nền văn minh pháp (Tuần báo Le Point, 28/02/21) .

Từ lúc bị dịch Vũ Hán, lệnh ban hành cấm gần nhau dưới 2 m, trên báo, thường có những bài ngắn chế diễu nay còn đâu nét văn minh phổ cặp lâu đời của pháp, với cái «hôn nhau» lúc gặp và lúc từ giã . Giữa người thân gia đình và bạn bè.

Không riêng báo Tây châm biếm người pháp bị cấm hôn nhau, mà cả báo ngoại quốc nữa. Chính báo ngoại quốc chấm biếm mới chua. Họ hỏi liệu người Pháp khi chào nhau mà không hôn nhau có thể chịu nổi về mặt tâm lý hay không: «Làm thế nào người Pháp sẽ có thể sống được nếu gặp nhau mà không hôn nhau?»

Từ tháng 3/2020, cách chào nhau của người Pháp bắt đầu xáo trộn sâu xa. Một, hai, ba, bốn cái hôn má bỗng một sớm, một chiều, không còn nữa . Bị cấm . Vả lại, không chỉ bị cấm, mà không ít người cũng không dám nữa . Sợ con xẩm Vũ Hán 19 tuổi, nó bóp mũi bắt đi!

Hôn 1 cái, 2 cái, …phải biết ứng xử đúng cách và đúng nơi . Chớ không tự ý muốn làm mấy cái cũng được .Vùng Bretagne, phía Tây-Bắc Paris, người ta chỉ hôn một cái lên má thôi. Dân phía cực Bắc, vùng biển Manche, bên kia là Anh, chào nhau bằng 2 cái hôn . Dân phía cực Nam, họ có tập quá hôn nhau 3 cái . Còn dân phía Đông lại hôn nhau 4 cái .

Nói hôn lên má chớ thật ra chỉ là «má kề má» hay «tai kề tai» mà thôi, nhưng phải đánh «tróc» một tiếng cho thanh, cho dòn, mới đúng điệu.

Nhưng cử chỉ này, tuy đơn giản như vậy, lại là một phần quan trọng của lịch sử văn mình Pháp. Thành thật hay bắt buộc, theo nghi lễ hay tùy nghi, có ý nghĩa hay tào lao, thì cái «hôn chào nhau» cũng là một phần di sản quốc gia Pháp.

Nhà nhơn chủng học David Le Breton nhận định cách chào nhau «bắt tay giữa những người đàn ông sẽ tồn tại bình thường trong lúc đó, ôm hôn, cách chào nhau mang tính phụ nữ, quá thân mật, riêng tư và cố ý, có thể sẽ khó được tiếp tục tồn tại» . Bởi trong thời buổi mọi người cảm thấy cái thân của mình dường như cồng kềnh dễ bị nguy hiểm . Ai cũng muốn thu mình lại cho thât nhỏ để an toàn hơn .

Cái hôn là một thứ «tiền giữa hai người»

Một năm sau khi corona Vũ Hán tới, người ta thấy ở đời không có gì còn đúng nữa, còn tin là chắc chắn nữa. Nhiều nhà phân tâm học cho rằng mọi người đang sống thiếu vắng sự quan hệ xã hội. Vì thế, giữa nghi lễ hay sự cấm đoán và thực tế, mọi thứ sẽ không đơn giản. Khoảng cách mà thân thể của chúng ta phải giữ đối với thân thể khác liên hệ mật thiết với tính thân mật. Như chúng ta sẽ khó chịu khi một thân thể xa lạ lại quá gần chúng ta. Trái lại rất dễ chịu khi một thân thể quen thuộc, thân mật cạnh kề. Nên cái hôn vẫn là khoảng cách gần nhứt với nhau ! (Theo nhà tâm lý học Dominique Picard).

Bà nói thêm «Khi một cử chỉ bị ràng buộc bởi nghi lễ quá nặng thì nó sẽ mất đi tình cảm thân thiện và sự xúc động. Hôn để chào nhau là không nên đặt miệng lên má, mà làm như có sự đụng chạm nhau mà kỳ thật là không. Đó là cách lập lại khoảng cách tâm lý: người ta vẫn giữ khoảng cách cá nhơn, ngay cả hôn nhau để chào nhau».

Theo triết gia Gerald Cahen (Hôn. Những bài học tình yêu đầu tiên, Paris), «cái hôn, trước nhứt, là một thứ tiền giữa con người với nhau. Bởi người ta luôn luôn trả giá, tính toán cách để hôn nhau».

Nhìn lại lịch sử thì «cái hôn» chiếm một địa vị quan trọng nhưng vẫn không tránh khỏi vận thăng trầm theo lớp sóng phế hưng của thời cuộc. Không chỉ riêng vì đại dịch vũ hán hiện nay mà nó bị cấm kỵ. Từ thời văn minh la-mã, hôn chào nhau đã bị Hội đồng Carthage năm

397 cho là xấu, khiếm nhã nhưng qua thời Trung cổ thì được nhìn nhận là cử chỉ lịch sự, văn minh, dành cho hiệp sĩ quí tộc và cho giới tăng lữ . Nhưng lại cấm vào thế kỷ XIV vì đại dịch đen (la peste noire) . Như ngày nay trên khắp thế giới vì corona Vũ Hán.

Qua thời Phục hưng, hôn chào nhau trở lại nhưng mang tính nghi lễ trưởng giả «nịnh đầm». Đàn ông hôn tay các bà nhưng chỉ bên ngoài bao tay, và môi chỉ phớt qua nhẹ nhàng. Còn hôn chào nhau nơi công cộng thì bị đưa vào sổ bìa đen. Nhưng nó lại phổ biến trong gia đình, họ hàng với nhau. Mãi cho tới cuộc nổi loạn tháng 5/68 ở Paris, nó mới thoát ra bên ngoài rộng rãi.

Điều lạ là cuộc nổi loạn tháng 5/68 làm đảo lộn giá trị xã hội, xóa bỏ những nấc thang giá trị xã hội đang có, như cả trong nhà trường, không cần cho điểm bài vở học sinh vì cho điểm là phân biệc đối xử, đánh mất tính mất bình đẳng.

Kiss bùng nổ những năm 80

Trong hạ bán thế kỷ XX, hôn chào nhau dần dần được tái khẳng định. Nhưng phải đợi tới những năm 80, nó mới thật sự bùng phát cho đến khi nó được định chế hóa trong giới xí nghiệp, giữa những đồng nghiệp với nhau. Và khi phát triển mạnh thì khó tránh bị lạm phát .

Hôn chào nhau nay bắt đầu bị chống đối .

Vậy nay, sau đại dịch Vũ Hán, chào nhau sẽ giữ cách hôn nhau như cũ chăng? Người ta giữ hay bỏ cái tập quán đẹp đã có từ ngàn năm?

Nhưng qua thời gian dài bị đại dịch, cách chào nhau hằng ngày đã thay đổi và nay gần như mọi người đã bắt đầu quen. Cả người thân trong gia đình. Theo kết quả thăm do dư luận của hảng YouGov hôm tháng 6/2020, sau đợt cấm cửa lần thứ nhứt, có 26% người pháp cho biết họ chủ trương hôn trở lại khi chào nhau. Qua tháng 2/2021, con số này không thay đổi. Cho nên giữa «ủng hộ và chống» hôn chào nhau vẫn có một khoảng cách.

Trong trường học, học sinh bị ngăn cách nghiêm ngặt hơn. Cung cách ứng xử của trẻ con cũng thay đổi và thích nghi. Gặp nhau, ôm vai, bá cổ vẫn là cử chỉ quen thuộc biểu hiện sự thân thiện với nhau thì nay tự chúng nó thấy không hẳn cần thiết nữa. Chúng nó cho rằng nay Café là nơi và cơ hội biểu lộ bồ bịch với nhau. Sự thân thiện thể hiện qua cái nhìn cũng đủ.

Còn phe «no-kiss», hôn chào nhau có giữ hay không không phải là vấn đề thật. Vì cứ nhìn lại coi từ cả năm nay, người ta chào nhau hằng ngày mà không phải hôn nhau có gì thay đổi trong cuộc sống ? Đời sống không đáng sống nữa chăng?

Không hôn nhau nữa nay sẽ không chỉ vì tôn trọng khoảng cách y tế, mà nó là một quan niệm mới trong quan hệ xã hội xuất hiện và đang định hình .

Theo Dominique Picard, tâm lý học, thì «hôn chào nhau vì là nét đẹp của văn minh lâu đời pháp sẽ tái lập một khi hết nạn dịch. Đó là điều chắc chắn» . Nhưng tới chừng nào? Trong 6 tháng nữa hay trong một hai năm nữa? Chờ coi .

Nhưng hiện tại, hôn là bị phạt 135 euros tại chỗ. Tuần rồi, ở Paris, hai người bạn từ lúc trẻ tình cờ gặp nhau sau hơn mười năm không có dịp gặp lại. Họ đều vui mừng khôn xiết, liền lao vào nhau, ôm nhau, hôn nhau. Vừa buông nhau ra, hai chú cảnh sát tiến tới, lễ phép chào cô cậu, chìa sổ phạt, hạ bút biên ngay 135 euros, xé ra, chìa cho hai người .
Cái hôn có đắt lắm không?


Nguyễn thị Cỏ May

No comments:

Post a Comment