Pages

Tuesday, March 2, 2021

Lão Hát Rong Trên Bờ Biển Cạnh Đặc Khu - Nguyễn Văn Sâm

Hình minh hoạ

Nghe giọng ngâm thơ văng vẳng của người hát rong từ đầu kia khu phố bay trong gió biển đưa tới, ông Già Móm lộ nét vui ra mặt. Đưa tay vẹt nhè nhẹ vài ba người chàng ràng ở chỗ đất trống thường khi, ông nói giọng hăm hở:

‘Lão Hát Rong đương tới kìa. Sửa soạn chỗ thoải mái cho lão ta nha bà con!’

Một đoàn du khách Tàu ồn ào xuống xe đò bay kéo theo rờ mọt đương xí xô xí xào, chỉ chỏ. Một tên coi bộ vạm vỡ, nghinh ngang phun một bãi nước miếng xuống đất, chỗ ông định dọn cho Lão Hát Rong, ông chạy tới trước mặt hắn gầm gừ:

‘Tụi mầy làm Trời bên Đặc Khu thì được, làm Trời bên nầy tao đánh chết mẹ à nhe! Đừng tưởng là du khách thì muốn làm gì làm. Bây giờ chứ không phải năm năm trước đâu! Chết nha con!’

Không đợi nghe trả lời, Già Móm, với đôi cánh tay rắn chắc, day qua thúc hối những người đứng gần dang ra chút xíu nữa. Bằng đôi mắt dịu dàng ông năn nỉ những bạn hàng ngồi chồm hổm bán trái cây lẻ tẻ, cử chỉ thiệt là thân thiện. Họ, không ai biểu ai, cùng nhích nhích ra nhường chỗ. Cuối cùng cũng có một khoảnh đất rộng đâu chừng bằng hai chiếc xe đò bay. Người Hát Rong khoan thai ngồi xuống ở tâm điểm, thong thả lấy đồ nghề trong bị ra, đơn giản chỉ có cái thau nhôm hơi bự và dàn máy âm thanh nhỏ xíu chỉ bằng hộp sữa bột trẻ con.

Có tiếng xì xầm:

‘Ổng ngâm thơ thấm thía lắm mà mỗi tuần chỉ tới đây có hai lần nên bạn hàng và dân chúng ai nấy đều trông đợi.’

Già Móm xía vô ngang:

‘Nói trông như trông mẹ về chợ thì quá đáng chớ tui từng tuổi nầy mà còn chờ đợi tới ngày Thứ Ba và Thứ Bảy để nghe ông ngâm thơ hay ca hát. Tiếng hát, giọng ngâm của ổng làm tôi nhớ lại ba chục năm trước (2018) khi chúng tôi biểu tình để phản đối Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng. Trời đất ơi, tụi nó khiêng tụi tui như khiêng heo về công viên Tao Đàn dợt cho phù mỏ cả đám, máu me đầy mặt đầy mày vợ con nhìn không ra.’ Nói tới đây ông đưa tay lên quẹt quẹt chỗ nhân trung, trầm ngâm hèn lâu. ‘Báo hại phải nằm bẹp cả tuần, ăn toàn cháo lỏng, nhúc nhích cục cựa thì rêm mình như lục phủ ngũ tạng cãi cọ đòi nhà, đòi đổi chỗ.’

Vài tiếng cười rộ lên đây đó. Thấy nhiều người ngóng chuyện coi bộ muốn nghe, Già Móm tám thêm:

‘Lúc đó tôi đã hơn bốn chục, vợ con, nhà cửa, công ăn việc làm cũng đàng hoàng nhưng đất nước là tài sản của ông bà để lại mà tụi nó đã ký ngầm bán đứng đâu từ hồi tám hoánh rồi bây giờ đòi Quốc Hội ký hợp thức hóa để bên mua chắc ăn nên dân ngu tui tức giận đi biểu tình phản đối. Rồi bị đánh gãy hết mấy cái răng cửa. Người khác thì lớp chết, lớp bị thương, lớp bị kêu án tù…’ Ông lại nhe môi phô bày chiến tích khiến có tiếng cười vui chen lộn với tiếng hít hà. ‘Răng cỏ thì kệ cha nó, không thèm trồng lại. Móm sẵn rồi, móm thêm chút nữa cũng chẳng chết thằng Tây mặt gạch nào.’

Ngừng một phút lấy hơi, ông tiếp: ‘Lúc đó thì coi như thí cô hồn cái mạng nghèo của mình. Chết sống cóc cần, vợ con gia đình gì cũng bất kể. Chỉ có lòng yêu nước tràn ngất trời cao.’

Một cô gái chừng mười một, mười hai hỏi lớn:

‘Biểu tình là gì mà bị đánh đập tàn nhẫn vậy ông ngoại?’

‘Là tụ tập ngoài đường phố đó con!’ Già Móm ngó thẳng mặt con bé không quen, nói giọng hiền từ. ‘Con thường nghe tiếng tụ tập làm mất trật tự công cộng chớ không nghe tiếng biểu tình phải không? Hồi đó, tụi nó dùng chữ thiệt xảo quyệt, kêu là đánh tráo khái niệm, để làm mất ý nghĩa việc làm của người dân khi phản ứng trước sự kiện bán nước của bọn gia nô Quốc Hội. Biểu tình là đi ra đường để cùng nhau bày tỏ quan điểm về vấn đề quan trọng gì đó của đất nước, của một chánh sách, còn tụ tập là tụm năm tụm ba vui chơi làm mất trật tự lưu thông. Hai thứ khác nhau xa. Họ sợ biểu tình sẽ tạo nên phản ứng dây chuyền nên xài chữ khác để đánh trống lảng vậy mà. Họ mang tiếng thiểu năng não nhưng tật đổ thừa và bịnh nói xấu người khác thiệt là tài tình. Biểu tình là nói lên ý của dân, khác với ý của họ nên bị đánh đập, bỏ tù…’

Con bé coi bộ không hiểu nhiều, giương mắt tròn ngây thơ ngó. Già Móm nhún vai tỏ vẻ thất vọng, hai tay xòe ra trước, ngước mặt lên trời cười nhẹ.

Lão Hát Rong góp thêm:

‘Về đánh tráo khái niệm họ thiệt tài tình: Bắt dân về phường điều tra thì nói mời về phường làm việc. Đánh người dân thì nói là xô xát, là đưa mặt vô khi họ vung tay. Nước ngập đầy đường phố thì nói đường ứ nước, bóc lột dân thì nói dân tự nguyện… Cả ngàn kiểu như vậy. Mà thôi, chuyện xưa rồi! Bây giờ thì minh bạch hơn. Có gì nói nấy.’

Trên không một đàn hạc trắng từ hướng Tây bay vô đất liền, che kín một mảng không trung. Những con hạc bay theo đội hình quả trám, vươn cổ dài, chưn duỗi thẳng, cánh xòe rộng lướt gió. Không một tiếng kêu, dường như chúng dành cả năng lực cho việc tới được vùng đất an lành của mùa nên bảo vệ từng chút năng lượng trong phi trình.

Lão Hát Rong ngước mặt lên trời, nheo mắt:

‘Hạc trắng bay về đất liền vì năm năm nay chánh quyền mới không cho giết hại chim chóc và cấm không được làm kinh động những đầm chim, đầm cò. Ngày xưa hễ thấy con nào thì giết ăn thịt con nấy với tin tưởng rằng được cường dương bổ thận nên hạc, dơi, cò, chàng bè, tu hú, chí tới chim chóc nhỏ đều thiên di về Thái Lan, về Căm Bốt hết. Bây giờ đất lành thì chim đậu, hạc về. Chúng về tụ tập đầy đàn ở Đầm Dơi, Xẻo Rô, Hòn Đất, Kinh Thứ coi vui lắm.’

Già Móm chỉ một nhóm thanh thiếu niên vui vẻ cười nói đương đứng ở trước cửa một chùm siêu thị mỗi cái cao cả mấy chục từng, nói với người chung quanh mà như nói với mình:

‘Kiều bào khắp nơi trở về như dân Do Thái tròn một thế kỷ trước rời bỏ nước tạm cư về xây dựng quốc gia của chính mình. Họ hồi hương lác đác, hăm hở, vui vẻ bắt đầu một cuộc đời mới dầu phần lớn nói tiếng Việt ngọng ngịu, không rành. Trước đây chỉ có người đi, người trốn, nay biết bao người xin được làm công dân Việt. Lạ thiệt! Tác dụng của lòng yêu nước không ai đoán trước được. Đổi đời có khác!’

Một người đàn bà lái chiếc xe van hai từng, bán thức ăn dọc theo bờ biển ngừng trước đám đông tụ quanh Lão Hát Rong, vừa xuống xe đã góp chuyện liền sau khi thân thiện tặng mấy hộp thức ăn cho người bà hằng ngưỡng mộ:

‘Họ về coi vậy chớ cũng nhớ gà chiên, cũng thèm hamburger, pizza, sushi nên vài năm lại đây tôi cũng đỡ khổ với cái nghề nầy. Người về từ xa sao mà dễ thương lạ! Lễ phép lắm chứ không như các thần ôn ngày xưa nói năng như du côn nào là rảnh háng, rảnh l. địt tới địt lui, chửi ông chửi cha người khác. Còn mấy ông Trời chóp bu thì phát ngôn như tụi mê sảng hay ngáo đá.’ Một người nào đó trong đám khán giả lớn tiếng chọc ‘Đồ ăn có tẩm hóa chất không mà cho vậy chị, đừng có hại người nghệ sĩ già của tụi tui nha bà’, rồi cất giọng ồ ề ngâm:

Mai con lớn đồ ăn toàn bẩn độc,

Của ngon đều bị tước hết con ơi.

Mai con lớn biển sông hồ nhiễm độc,’

Nước thải phương xa không ngớt đổ về.

Tiếng phản đối vui vẻ đồng loạt trong đám đông:

‘Xưa rồi, đâu như năm thế kỷ trước lận’, Những tiếng cười khúc khích nổi lên đây đó. ‘Bây giờ thì nhắm mắt cũng có thực phẩm sạch, organic hay phân bón không độc mới phát minh gần đây. Xưa rồi Diễm, ác mộng đã qua đừng nhắc nữa làm buồn lòng người hàng xóm.’

Để thay đổi không khi và tránh khơi ngòi một cuội cãi lẫy vô ích, già Móm hối thúc Lão Hát Rong:

Bác giáo đầu đi chớ, bà con thèm nghe quá rồi kìa.

Nụ cười hiền của người nghệ sĩ đường phố nở ra. Ông bấm máy điện thoại di động đeo trên cườm tay như đồng hồ, một màn hình lớn mờ mờ hiện ra trong không gian trước mặt, trên đó chạy bài thơ ‘Nếu ngày đó.’ Ông bấm một nút nhỏ trên kiếng mát, điều chỉnh một nút đỏ trên hộp âm thanh, tằng hắng, sửa lại thế ngồi rồi cất tiếng:

Nếu ngày ấy bến Nhà Rồng đóng cửa,

Người lang thang quay lại Nghệ An.

Làm giáo làng hay một chân thư lại,

Thì ngày nay dân đã thoát lầm than.

Nếu ngày ấy sông Sàigòn nổi sóng,

Người đang leo bỗng rớt mẹ xuống sông.

Bầy sấu đói đã reo mừng rước bác,

Thì ngày sau đâu xương trắng cánh đồng!

Dân thưởng thức cười rộ đồng loạt vỗ tay vang dội. Già Móm hăng hái đập hai tay mình vô đùi tạo tiếng vang bộp bộp thiệt lớn. Khách du Tàu vài ba người cũng ghé vô nhìn chỉ chỏ, xí xô.

Uống một ngụm nước thấm hơi, Lão Du Ngâm cất giọng tiếp:

Nếu ngày ấy trên bong tàu đêm tối,

‘Người lao công đang quét dọn hành lang.’

Cơn sóng dữ tiễn đưa về đáy biển,

Thì ngày nay quê mẹ đã bình an.

Chị bán hàng giơ tay lên khỏi đầu, lắc lắc chùm chìa khoá nói lớn như sợ thiên hạ không nghe mình:

‘Phải đó! Sao Long vương không cho sóng kéo chả đi lúc ấy, để làm chi cho cả dân tộc khổ hơn nửa thế kỷ vừa rồi! Long vương không có mắt thiệt tình! Hèn chi Thái Tử con ổng bị Ngụy Trưng chặt đầu.’

Không ai cười trước dẫn chứng trật chìa của chị chàng. Già Móm tới ngồi kế bên người nghệ sĩ, tay gõ vô vành thau tiền, lúc nầy coi bộ hơi nhiều, toàn tiền mới, loại giấy năm đồng, hai đồng, mười đồng vừa phát hành hai ba năm trước, nói nhỏ nhẹ:

‘Thôi anh cho qua bài đó đi. Nghe chuyện lão sao tôi oải quá. Hồi xưa chùa nào bọn điếu đóm xu nịnh cũng cho tạc tượng lão chễm chệ kế bên Phật Di Đà, tôi đốt nhang lạy Phật thành ra lạy lão, tới bây giờ còn ấm ức. Nhưng mà thôi, ta qua đề tài khác phê hơn. Những bài về Đặc Khu cho tụi Tàu khựa nghe luôn.’

Và Lão Hát Rong ngâm từ bài nầy sang bài khác, những bài thơ làm nức lòng nức chí mọi người ngày xưa. Có cả những bài ca đặc trưng của giai đoạn rên xiết về tổ quốc sắp mất hay vấn nạn về sự vô tâm tàn nhẫn của những tên làm chó săn cho chế độ. Người nghe im lặng tuyệt cùng. Họ uốn từng chữ, thấm từng lời thơ tiếng nhạc. Họ hòa đồng con người mình trong thông cảm nỗi niềm của tác giả những ngày xa xưa khi cất tiếng than vô vọng trước nguy cơ mất nước.

Thanh thiếu niên kiều bào lũ lượt nhập bọn đứng chung quanh. Họ nắm tay nhau thành hai vòng, xoay tròn theo điệu nhạc lời thơ.

……Mặt trời lên trên đỉnh đầu. Gió mang hơi nước mặn từ biển thổi vô liên tục. Người Du Ngâm xếp đồ nghề lại. Vài khách hào phóng giờ chót còn dấm dúi thêm chút tiền nhét vô cái túi áo thùng thình của lão.

Tiếng lộn xộn ồn ào bỗng phát lên. Cả chợ đổ xô ra biển đón chiếc tàu đi vớt người vượt biển từ Đặc Khu Phú Quốc về. Lố nhố trên tàu mấy chục gương mặt xác xơ đàn ông lẫn đàn bà. Đặc biệt là con nít rất ít, chỉ thấy một, hai.

Thiên hạ bu lại đưa trao bất cứ thứ gì họ nghĩ rằng những người vượt Đặc Khu có thể dùng được: tiền bạc, bánh trái, thức ăn kể cả áo quần một vài người mới chép miệng lột ra. Đoàn người sắp hàng một bước xuống bãi lên xe đò bay về khu tạm cư. Có những tiếng khóc tức tưởi, có những ánh mắt chịu đựng. Mặt trời chiếu những sợi tơ nắng vàng lên mấy khuôn mặt tiều tụy của các cô dâu bị đuổi về luôn chép miệng nhớ con quá, nhớ con quá, chúng bắt lại hết…

Già Móm triết lý sau cái lắc đầu chán nản:

‘Cái giá phải trả hơi cao của những cô gái nhẹ dạ nghe lời dụ dỗ của mấy mụ mối buôn người.’

Người Hát Rong đã đứng lên nhưng ông cũng cất tiếng ngâm vang ray rứt lòng:

Mai con lớn lấy chồng sao tránh khỏi,

Bọn Hán kia tìm mọi cách ‘gieo nòi.

Còn trai Việt thoát sao đời nô lệ,

Biết lúc nào mất nội tạng con ơi!

Ai đó trong đám đông nói như than dài sau cái chép miệng:

‘Không biết thảm cảnh mẹ lìa con nầy bao giờ mới chấm dứt. Họ coi như đàn bà người mình đẻ con giùm vì họ bị cảnh gái thiếu trai dư.‘

Một bà xồn xồn phân bua:

‘Hai mươi năm trước mấy mẹ mìn cũng dụ tôi qua bển làm việc trong sòng bài, tiền lương cao, boa hậu hỷ, nhưng may quá tôi đã từ chối vì thương cha mẹ già sẽ bơ vơ.’

Già Móm cười hóm hỉnh:

‘Nhờ đó bây giờ tôi mới được đứng trước mặt chị đây!’

Chị đàn bà cũng không kém, đốp chát liền:

‘Phải chi bác không móm thì tui xách quần áo theo không cần cưới hỏi.’

Không khí trở nên vui vẻ hẳn với thiệt nhiều tiếng cười và những tiếng hô khuyến khích: ‘Tới luôn, tới luôn đi chị!’

Gió thổi những chiếc khinh khí cầu bay trên bầu trời kéo trên nền trời những những khẩu hiệu vẽ hồng tô biếc về Đặc Khu và tuyên truyền về cuộc Trưng Cầu Dân Ý để quyết định coi trả Đặc Khu về VN hay trở thành vùng đất hải ngoại của Trung quốc.

Những du khách Tàu xúm lại chụp hình người Hát Rong mặc dầu ông nầy đã hết ‘tác nghiệp’. Vài ba người phách lối liệng mấy tờ nhân dân tệ nhàu nát bên ngoài cái thau. Tiếp theo đó là đám đàn bà thảy theo vỏ chuối và các thức ăn dư thừa. Mọi người chưa kịp có phản ứng thì cô gái nhỏ đã lượm hết những thứ đó, kể cả tiền, tới trả lại cho đoàn du khách với câu nói rõ ràng bằng tiếng Anh: ‘Chúng tôi không cần những thứ nầy. Xin trả lại các ông các bà.’ Mọi người vỗ tay lớn và sẵng sàng ứng chiến như chuyện đụng độ sắp xảy ra…

Từ tháng Chín năm đó, khu bờ biển Rạch Giá ngó qua Đặc Khu không ai còn thấy Lão Hát Rong đâu nữa. Dân ghiền giọng ngâm của lão ngơ ngác, bâng khuâng. Ông Già Móm thẫn thờ như người mất hồn tiêu vía. Những ngày Thứ Ba và Thứ Bảy ông thường đi lên đi xuống khu chợ như để tìm lại cái thời gian đã mất. Có kẻ ác miệng đưa tin đồn rằng đặc công Trung cộng bên kia đã lén ra tay… Trên hải phận Đặc Khu thuyền bè quân sự của họ vẫn tấp nập. Mấy chiếc hàng không mẫu hạm, soái hạm về vườn của Nga Sô cũ và mấy nước vùng Baltique được tân trang lại nghễu nghện lướt nước, lính trên đó ghìm súng lớn súng nhỏ đằng đằng sát khí tựa tình trạng chiến tranh. Trên không phận vùng biển sát với Rạch Giá Phú Quốc những chiếc drones (máy bay không nguời lái) của họ vẫn bay lượn chụp hình lấy tin tức. Và, trời ơi, thỉnh thoảng vài ba ngày tàu vớt người vượt biên lại đem thêm vô bờ những gương mặt thất thần xác xơ, phiền muộn.

Cư dân xóm biển thường ngày đứng bên nầy bến nước nhìn qua bên kia buông tiếng thở dài như dân Lào nghèo khổ sống bao nhiêu đời ở đất Đặc Khu Boten mà không được phép héo lánh đến những cơ sở của vùng nầy.

Chú Năm Móm tỉnh dậy, mắt ngơ ngác đảo chung quanh. Lổn ngổn độ trăm người ngồi tay bó gối, nằm kiểu tôm khô, ai nấy đều dàu dàu. Cỡ chừng ba chục người mặt mày máu me hoặc ho sặc sụa hoặc rên nho nhỏ thẫn thờ. Chú chưa tỉnh hẳn, giấc chiêm bao vừa rồi lẩn quẩn mơ hồ trong trí. Chú nhắm mắt lại cố nhớ những chi tiết, ngại để chút nữa thì quên. Cái chiêm bao hơi lạ. Như là báo trước chuyện tương lai.

Bên kia vách che sơ sài bằng thứ vật liệu tiền chế, phát ra những tiếng huỵch huỵch, hự hự nghe như có người bị tra tấn. Cả bọn đưa mắt nhìn nhau lo sợ. Những câu hỏi, câu trả lời để an ủi mình và làm cho người đồng cảnh bớt lo được đưa ra nho nhỏ xầm xì.

Hai người mặc thường phục đi kèm một thanh niên như bịnh nặng từ nhà thương được trả về, bước ra.

Một người nói:

‘Giờ sướng nhá, được về nhà. Thế chứ có quái gì đâu. Đừng có mà dại biểu tình nữa. Găng lắm đấy!’

Người kia cười cười pha trò:

‘Bố bảo cũng chả dám, ăn giải gì mà lại khổ thân.’

Người bịnh ngó quanh quất kiếm một chỗ hơi trống phun toẹt một búng máu xuống. Một bà hơi lớn tuổi thốt lên:

‘Mấy chú tra tấn người ta chi mà dữ vậy, tội chết?’

‘Ai mà tra tấn ai đâu? Bà con có ai bị tra tấn không nào? Tiếng động là do tụi tui tập võ đấy thôi.’ Một tên bậm trợn trả lời trong cái nhướng mắt đe dọa. Mụt ruồi trên chưn mày anh ta dãn ra lớn hơn. Ai nấy đều im lặng. Người bịnh cúi xuống gom hai chiếc dép lại xách tay, thất thểu đi ra khung cửa hẹp.

Chú Năm Móm thắc mắc, không biết hồi tối mình nằm chiêm bao hay là mình lạc bước vào tương lai mới trở về. ‘Có thể lắm, cảnh mình thấy, cảnh Lão Hát Rong ngâm thơ, hát hò là cảnh trong tương lai.’ Chú lẩm bẩm và nheo mắt lại ngó lần nữa cái thằng đã dần chú tê tái hôm qua, bây giờ lại trừng mắt với mọi người. Thiệt tình nó giống Lão Hát Rong như hệt, chỉ có điều là già hơn mà thôi. Cái mụt ruồi trâu cuối chưn mày kia làm sao người thứ hai trên đời có được?

Mà sao trong tương lai nó dễ thương vậy chớ? Phải chăng nó quay đầu về bỉ ngạn để phát huy chút thiện tâm nhỏ nhoi còn sót lại trong người. Chú mỉm cười sau cơn ho xé lồng ngực mà cố nén.

Bầu trời bỗng vần vũ, những tiếng gầm gừ rộn ràng kéo dài từ góc trời đông sang góc trời tây. Gió thổi mạnh. Lả tả lá vàng bay. Mấy giọt mưa đầu mùa đánh rát mặt chú, chú để yên không buồn vuốt. Chú ngồi thẳng lại, ngó đăm đăm vô những người đồng cảnh, nghĩ tới cái tương lai trong giấc mộng mà mỉm cười.

 

Nguyễn Văn Sâm

Montréal, Canada, Tháng Bảy, 2018.

(Viết ở nhà người bạn từng dạy chung trường trước 75.

Bài thơ lấy trên mạng, quên tên tác giả, sẽ ghi khi có th.)

No comments:

Post a Comment