Pages

Monday, March 22, 2021

Phụ Nữ Và Ngày Tám Tháng Ba - Nguyễn Thị Thêm


Hôm nay ngày 8 tháng ba

Ngày vùng lên của các bà

Các ông bấm máy cười hỉ hả.

Mua quà tặng dzợ chưa các cha?

 

Rồi họ hùa nhau kể chuyện cười

Chuyện cấm đàn bà chuyện trời ơi

Em Hồng, em Huệ vừa bơm ngực

Cặp bưởi lắc lư ngắm đã đời...

 

Vậy đó!, mấy ông đâu có vui gì ngày 8 tháng ba. Các ông VN mình biết rõ mười mươi đàn bà VN luôn chiều chồng và an phận. 

Vùng lên với chả vùng lên

Mấy bà nhiều chuyện chỉ mệt thêm.

Nấu nướng, còn lâu tui đụng đến

Bó hoa mua tặng thế là êm.

 

Mà đừng tưởng bó hoa đó gói ghém tấm lòng yêu thương hay cám ơn vợ nha. Theo phong trào đó thôi. Thằng A, thằng B đã mua quà tặng dzợ. Con dzợ thằng C gây sự hỏi quà. Chắc mẻm thế nào con dzợ mình cũng muốn bằng chị bằng em. Thôi thì thí cô hồn mua cho bả bó hoa cho yên chuyện.

Tội nghiệp bà vợ, thấy ông chồng về cầm bó hoa mừng rơn, ôm hôn chồng thắm thiết cứ ngỡ tình yêu tràn đầy. Hớn hở lấy bình chưng hoa,, lấy phone chụp selfie gửi đi cùng khắp. Vào bếp nấu một bữa ăn toàn là món chồng thích. Ông chồng cười mím chi beo thầm nghĩ :" Đúng là đàn bà dễ dụ" rồi vào phòng nằm dài nghỉ ngơi. Một mình bà vợ chiến đấu với nồi niêng xoong chảo, xào xào nấu nấu, đổ mồ hôi hột mà lòng phơi phới. Một ngày " Vùng lên" thành công mỹ mãn.

Ngày Phụ nữ Quốc tế thật sự rộn ràng chỉ một số nước nghèo, nhất là các nước Cộng Sản. Trong đó sự nghèo đói và bất công, tận dụng sức lao động của phụ nữ, khiến người phụ nữ bị áp bức và thiệt thòi. Những nước văn minh phụ nữ đã được bình đẳng từ lâu. Sự bình đẳng dù chưa được tuyệt đối như mong ước, nhưng  bằng chính khả năng và kiến thức của họ, bằng sự văn minh đi lên của đất nước. Họ có thể tự hào: " Phụ nữ đóng góp vào xã hội không thua gì nam giới".

Từ ngàn xưa tổ tiên ta đã không hề coi thường phụ nữ.. Chúng ta tự hào là con rồng cháu tiên. Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra 100 cái trứng. Trứng nở 100 người con trai. Lạc Long Quân dẫn 50 người con đi về hướng biển. Mẹ Âu Cơ dẫn 50 con về hướng đồng bằng. Người con trai trưởng ở lại đất Phong Châu làm thành nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương và truyền được 18 đời, là tổ tiên của người Việt Nam ta.

Như vậy ta gọi từ đất Mẹ có phải là đất nước khởi đầu bằng Mẹ Âu Cơ. Người đàn bà đầu tiên của dòng Việt tộc. Nếu ngay từ đầu tổ tiên ta coi thường phụ nữ thì không thể có Bà Trưng, Bà Triệu. Nếu giữ ý nghĩ: "Đàn bà đái không qua ngọn cỏ" thì Trưng Nữ Vương sẽ không thể nào giương cờ khởi nghĩa. Bao nhiêu chiến sĩ anh hùng về quy phục dưới trướng. Bà Triệu Trinh Nương không thể quật khởi thống lãnh binh mã đánh đuổi quân thù.

Nhưng tại sao những thế hệ tiếp nối lại có sự thay đổi coi thường giá trị đàn bà. Đó là vì chúng ta bị giặc phương Bắc thống trị. Nước Tàu đã đô hộ ta, phá hủy tất cả những tinh anh trong phong tục tập quán. Nước Tàu đã lấy vàng bạc, đá quý, ngọc trai và cả những nhân tài của nước ta đem về nước họ. Họ đồng hóa, giáo dục ta theo luân lý Khổng Mạnh của Tàu. Khổ thay 1.000 năm đô hộ tiêm nhiễm, ta tưởng rằng đó chính là văn hóa truyền thống của đất nước, từ đời này sang đời khác ta cố gắng bảo tồn gìn giữ. Cũng may ông cha ta đã đoán được mưu đồ đồng hóa đáng sợ nên đã dùng chữ Nôm thay cho chữ Hán. Sau này ta dùng chữ Quốc Ngữ để thoát hẳn sức ảnh hưởng về văn hóa của Tàu. Tiếng nói, chữ quốc ngữ phải được bảo tồn vì đó là tâm huyết là nền độc lập của dân tộc VN.

Những câu giáo huấn con gái ảnh hưởng Tàu nặng nề nhất:

-  Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô

- Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử

- Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng.

- Đàn bà đái không qua ngọn cỏ. Biết gì mà nói.

- Đàn bà không cần học cao. Chỗ của đàn bà là xó bếp.

Quan niệm"Con gái ngoại tông" đã khiến nhiều cha mẹ người Tàu giết con gái khi mới sinh ra. Nhất là trong thời kỳ Cộng Sản Trung Quốc đưa ra quy định về kế hoạch hóa gia đình. Một phần vì nghèo đói, một phần theo phong tục khi con gái lấy chồng phải có của hồi môn đem theo. Bắt đầu ngày lấy chồng con gái phải phụng sự trung thành với gia đình chồng không còn dính líu gì với gia đình cha mẹ. Cho nên nhiều gia đình không truyền những bí kíp riêng tư của gia tộc cho con gái mà truyền lại cho con dâu. Khi biết đứa bé sinh ra là con gái họ thất vọng, cảm thấy là gánh nặng cho gia đình. Với đời sống khó khăn, quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường, họ đứt ruột loại bỏ đứa con gái đáng thương. Họ quên rằng "KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ AI ĐẺ RA ĐÀN ÔNG" và hiện tượng thiếu đàn bà đã xảy ra ở đất nước Trung Quốc.

Phụ nữ trưởng thành trong những giáo điều trọng nam khinh nữ, họ  coi như đó là khuôn vàng thước ngọc để bản thân noi theo và truyền lại cho con gái. Thêm một quy định nữa là " Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" nên làm con gái thiệt thòi mọi điều. Lấy chồng mà không biết mặt mũi người đó ra sao, tánh tình thế nào, có thương yêu mình không? Khốn nạn nữa là tục lệ "Tảo hôn" cưới dâu về làm chuyện nhà và chăm nom con trai mình như một vú em. Khi người chồng trưởng thành, gia đình cưới một cô vợ chánh thê cho xứng đào xứng kép. Cô dâu ngày trước đã lỡ thời xuân sắc sống chịu đựng như một bà quản gia.

Thân phận đàn bà tội nghiệp như câu nói: " Con dâu là của mẹ cha mua về"  từ mua khiến đàn bà như một món đồ mặc cho chủ nhân sử dụng. Người vợ như một người đầy tớ mà chồng là ông chủ. Một máy đẻ mà không cần biết giống tốt hay xấu. Đàn bà không đẻ được con trai là tội bất trung bất hiếu, đôi khi bị chồng viết giấy từ hôn. Trinh tiết là chuẩn mực, thước đo giá trị món hàng. Cô dâu mất cái ngàn vàng nhục nhã mẹ cha, họ hàng, gia tộc. Còn đàn ông thì tha hồ đi tìm gái trinh để xả xui hay mong lấy cái hên cho công việc. Thật chán mớ đời cho quan niệm cổ hủ của người Tàu.

Người VN theo quan niệm " Con gái gả đi như thau nước tạt ra ngoài" nên dù chồng ác ôn có đánh đập bầm dập thế nào, có lấy bao nhiêu vợ  con gái cũng không thể về nhà cha mẹ. Nhận lại con là ô nhục với sui gia, họ hàng làng nước. Người vợ bị chồng ký giấy ly dị là kể như nhục nhã tông môn, không nơi nương tựa, phải dấu diếm thân phận tha phương xứ người. Đó! ngần bao nhiêu thứ đó bảo sao phụ nữ không vùng lên đòi lại cho mình sự công bình. Một sự công bình tối thiểu.

Trước năm 1975 chúng tôi không hề biết có ngày "Phụ nữ 8/3" Nhưng chúng tôi cực kỳ cám ơn Bà Ngô Đình Nhu đã mạnh dạn và cương quyết đưa ra luật hôn nhân  " Một vợ một chồng". Luật đó đã thay đổi lớn xã hội VN để chấm dứt tình trạng đa thê. Giúp người phụ nữ không phải khổ sở sống kiếp chồng chung, đưa người đàn ông quay về với gia đình và trách nhiệm với con cái.

Bây giờ thời thế đã khác, xã hội thay đổi phụ nữ đã có một thế đứng. Ở Mỹ câu nói nhói tim đàn ông là: " Đàn bà chó rồi mới tới đàn ông." Hèn gì bên Mỹ mỗi nhà đều nuôi chó, cưng chó để hoàn chỉnh một gia đình. Lạ là nuôi một hai con chó, con mèo là chuyện thường, nhưng nếu có thêm một bà mẹ vợ hay mẹ chồng ở chung trong nhà, thiên hạ sẽ giật mình kinh ngạc: " Thiệt hả? Sao mà bà đó có phúc vậy, có con cái hiếu thảo!"

Ở VN bây giờ phụ nữ đã bước ra xã hội và thành công. Sự thành công cho phép người phụ nữ tự hào về vai trò mình trong gia đình và bên ngoài. Không nói đến bước đi quá đà của một số chị em, ngày 8/3 là ngày phụ nữ lấy làm hãnh diện. Phụ nữ chúc nhau í ới trên Facebook, trên tin nhắn tưng bừng hoa lá. Mà lạ là đa số đàn bà chúc đàn bà còn mấy ông lặng im không thấy nhúc nhích. Họa hoằn gửi lên vài bó hoa tìm trong google mà tặng cho cả chục bà gọi là mừng ngày phụ nữ cho có lệ. Để góp vui mừng ngày Phụ Nữ mấy ông gửi vào rất nhiều chuyện cười để tố khổ phụ nữ.  Tôi tin chắc mấy ông vừa xem vừa cười "Đáng đời đòi vùng lên, xẹp xuống"

Có hai câu chuyện tếu về chữ nghĩa khá thâm thúy.

1-Một bà đi làm về phải vô bếp nấu ăn, con khóc. Bà la ông chồng:

-Sao ông ngồi yên coi báo, không phụ tui.

Ông chồng trả lời:

- Bà này lạ chưa? ngày cưới tui đã thề với gia đình tổ tiên nhà bà là tui cả đời sẽ không phụ bà. Tui đâu dám sai lời thề..

Đó khi đàn ông chơi chữ có thâm chưa?

2- Hai ông ngồi tâm sự:

- Này! tụi mình dại dột, bị cột suốt đời với cái còng số 8 sau khi cưới vợ.

- Bộ ông bị vợ đì hả? Thế nghĩa là sao?

- Này nhé! Cưới vợ có nghĩa là mang gông vào cổ, là bị tù, mang còng số 8.  Ông xẻ đôi số 8 có phải là số 3 không? Nó đó ngày 8 tháng 3 của phụ nữ ám vào cuộc đời mình.

Có ông còn ví phụ nữ như một trái banh. Tùy mỗi giai đoạn cuộc đời trái banh đó dùng cho môn thể thao nào. Thí dụ:

- Lúc cô gái 20 tuổi cô ta là trái bóng tròn có đến 22 cầu thủ giành để đá và chỉ một thủ môn mong được chụp trúng.

- Lúc cô gái 30 tuổi, cô ta là trái bóng chuyền được 12 người tranh. Người nhận cầm trái banh tưng tưng xem xét, ngắm nghía rồi đánh mạnh qua phía bên kia.

- Lúc 40 tuổi teo tóp lại thành quả banh tennis, hai người cha vợ và con rể đẩy qua đẩy về không ai chịu nhận về mình.

-Đến khi 50 tuổi chỉ là một trái banh nhỏ xíu ở sân golf và chỉ còn người chồng. Anh ta quất mạnh đi xa. Cuối cùng anh ta rượt theo tìm kiếm đưa về đúng cái lỗ và cho nó vào. Hên xui là có vô được hay không. Lúc đó anh ta mới biết tàn cuộc chơi mình thắng hay thua.

Phụ nữ là tinh hoa của trời đất, không có phụ nữ không có loài người. Dù các ông có ngụy biện, chê bai hay tức giận thế nào cũng phải công nhận điều đó. Dù khoa học có tiến bộ vượt bực, lên cung trăng, lên sao hỏa,  dù thụ tinh nhân tạo tài giỏi đến đâu cũng phải cần đến bộ phận thật sự, tuyệt kỹ của đàn bà để tạo thành một con người. Nơi đó " Mát mặt anh hùng" mà cũng có thể làm " Tan hoang đất nước".

Cái đó là bí mật của hóa công, là món quà tuyệt vời nhất ơn trên tặng cho nhân loại. Ngày nay đẹp xấu không còn là vấn đề lớn, dù cha mẹ sinh con gái ra gương mặt có thành Chung Vô Diệm thì dao kéo cũng có thể biến thành hoa hậu thế giới hay hoa hậu miệt vườn. Thái Lan và Nam Hàn nổi tiếng hiện nay là hai cái lò ấp trứng vịt thành gà, ấp trứng gà ra con vịt. Thanh niên râu ria thành kiều nữ. Con gái mơn mởn biến thành đàn ông. Nhưng cái bộ phận bí hiểm để thực thụ làm đàn ông hay đàn bà thì nhân tạo vẫn là nhân tạo. Bộ phận được cạo, xẻo, hút, nong nhưng không thể là nơi nuôi dưỡng và phát triển một bào thai dù bào thai đó đã được hình thành từ thụ tinh nhân tạo. Đừng mong dùng khoa học đoạt quyền tạo hóa.

Một câu chuyện vui có thật ở VN đã được đưa lên mạng bàn tán khá nhiều: "Đàn ông có bầu và đi đẻ" Tưởng nói chơi mà là có thật. Thôi thì kể cho vui ngày 8/3. Tạm gọi là anh A và chị B để khỏi phiền người thật. Chị B sinh ra là con gái. Khi đến tuổi dậy thì chị phát hiện chị yêu một cô bạn chung lớp. Chị nghĩ giới tính mình thay đổi. Chị B ăn mặc, cắt tóc và hành xử như một Man thứ thiệt. Nhưng vì chưa đủ tiền nên chị chưa thể đi phẫu thuật thay đổi bộ phận sinh dục. Chị B yêu và quyết định đi đến hôn nhân với một cô gái tên A. Tâm sự lòng thòng chị mới biết cô gái ấy là anh A có giới tính nữ. Hai người kết làm vợ chồng chính thức với giới tính ngược nhau. Tới đây tôi không biết nên gọi ai là anh ai là chị,  hu hu.

Tóm lại anh A bây giờ là chị A tức người vợ không thể đẻ con. Chị B bây giờ là anh B làm chồng lại có thể đẻ. Thế là vì tương lai mai sau, người chồng là chị B đồng ý mang bầu thay thế vợ. Chị A cho giống anh B mang  thai và thành " Người đàn ông mang bầu và đẻ con tại VN" Tếu chưa, lộn xộn chưa bà con cô bác.

Đó! nam nữ bây giờ kỳ cục vậy đó. Với triều đại TT Mỹ Biden, vấn đề nam nữ và giới tính được chính quyền và luật pháp lên tiếng bảo vệ và công nhận. Phòng vệ sinh không được phân biệt giới tính. Phu huynh đang lo cho con gái chung phòng vệ sinh với một nam sinh mà nghĩ mình mang giới tính nữ. Các vận động viên nữ đang lo sốt vó vì phải thi tài với vận động viên Nam lực lưỡng mà cải giới thành đàn bà.

Ngày phụ nữ 8 tháng ba nhiều chuyện để chọc nhau cười. Mấy ông lợi dụng yếu điểm thích làm đẹp của phụ nữ mà đặt ra bao nhiêu chuyện tếu về sửa sắc đẹp. Sửa đến nỗi nhìn không ra, chó cũng thấy lạ nhào vào sủa và chực cắn. Bố vợ tưởng con rể dẫn bồ nhí về nhà vợ trêu ngươi đòi xách chổi lông gà rượt đánh. Chuyện kể cho vui thì chúng ta cùng cười cho đời thoải mái.

Nhưng mà dù có ngày 8 tháng 3 hay không, người đàn bà đi bên cạnh các ông chồng cũng là món quà ơn trên trao tặng. Hãy yêu thương và trân quý. Nếu các chị có làm gì không vui thì hãy nghĩ đến những ngày " Em tan trường về, anh theo ... về" Ngày đó mòn bao nhiêu đôi dép, uống hết bao nhiêu ly nước đá chanh đường, đi loanh quanh qua ngõ nàng bao nhiêu bận bị chó rượt mới rước được nàng về dinh. Bao nhiêu năm "trăng sáng vườn chè" để có một bầy trai gái như bây giờ. Những ngày biến cố, tù tội nếu không có nàng thì làm gì có ngày ngồi máy mà bấm chuyện phiếm đàn bà.

Thôi thì đừng để ý ngày vùng lên hay xẹp xuống, người phụ nữ lúc nào cũng sống cho chồng con và gia đình. Sự hy sinh của phụ nữ là thiên chức không ai có thể phủ nhận. Phụ nữ vốn yếu đuối, cần tình yêu và che chở. Đôi khi những áp lực khiến sự chịu đựng của phụ nữ biến thành vũ bão không thể đè nén nỗi, họ phải biến thành sư tử Hà Đông hay cọp cái để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Hãy nhìn đối phương suốt một quá trình chung sống để yêu thương và thông cảm. Bất cứ khi nào có thể, hãy nắm lấy bàn tay "Năm ngón em hết kiêu sa" mà chân thành tuyên bố: " Cám ơn em! bà xã của anh."

Nguyễn Thị Thêm

No comments:

Post a Comment