Pages

Thursday, March 25, 2021

Sơ Lược Căn Bản Về Thuốc Chủng Ngừa Covid-19 - Bác sĩ Đỗ Văn Hội

Để khẩn cấp chống lại đại dịch covid-19, FDA cho phép “sử dụng khẩn cấp” 3 loại thuốc chủng ngừa của Pfizer, Moderna và J&J.

Hỏi: Vaccine là gì? Cơ chế hoạt động (mechanism) như thế nào?

Đáp: Vaccine (phiên âm = vắc xin) (còn gọi là thuốc chủng ngừa hay thuốc chủng) là thuốc giúp cho cơ thể tạo ra sự miễn nhiễm chống lại sự tấn công của vi khuẩn (hoặc siêu vi) từ bên ngoài xâm nhập cơ thể. Vaccine có thể là thuốc nước, hoặc thuốc chích…, thông thường là thuốc chích.

Sự chích ngừa (chủng ngừa) tiếng Anh gọi là vaccination.

Nguyên lý của chích ngừa (mechanism): Khi chích hoặc uống thuốc ngừa vào cơ thể, cơ thể được kích động tạo ra chất đề kháng gọi là kháng thể (antibody) có khả năng miễn nhiễm chống lại sự xâm nhập của loại vi khuẩn đó từ bên ngoài được gọi là kháng nguyên (antigen).

Hỏi: Phương pháp chế tạo thuốc chủng ngừa như thế nào?

Có nhiều cách chế tạo thuốc chủng:

1-      Dùng chính con vi khuẩn (hoặc siêu vi khuẩn) còn sống được làm yếu đi, hoặc đã chết, hoặc mất hết độc tính.

2-      Dùng độc chất (toxin) của vi trùng nhưng đã được làm giảm hoặc mất độc tính.

3-      Dùng một loại chất có khả năng tạo ra tín hiệu (messenger) khiến cho cơ thể tưởng là vi khuẩn xâm nhập nên tự động tạo ra kháng thể chống lại vi khuẩn đó. Loại thuốc chủng này được gọi thuốc chủng loại mRNA.

Thường thường muốn tạo ra thuốc chủng ngừa phải mất ít nhất từ 2 đến nhiều năm (có thể mất 10-20 năm). Tuy nhiên, trong năm đại dịch 2020, chính phủ của TT Trump đã tạo ra một phương pháp đặc biệt gọi là “Operation Warp Speed” (chiến dịch thần tốc) (*) đã đạt kết quả mau chóng không ngờ kể từ khi khởi đầu ngày 15-5-2020. Virus gây đại dịch covid-19 có tên là Noval Coronavirus 2019 (SARS-CoV-2).


Hỏi: Hiện nay có những thuốc ngừa nào chống lại siêu vi Coronavirus 2019 được chấp nhận tại Hoa Kỳ?

Đáp: Để khẩn cấp chống lại đại dịch covid-19 đang tàn phá thế giới, cơ quan FDA (cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) đã cho phép “sử dụng khẩn cấp” 3 loại thuốc chủng ngừa như sau:

1-      Thuốc chủng của hãng Pfizer, được chấp thuận ngày 11 tháng 12, 2020, thuộc loại mRNA.

2-      Thuốc chủng của hãng Moderna được chấp thuận một tuần sau đó cũng thuộc loại mRNA.

3-      Thuốc chủng của hãng Johnson & Johnson (J&J) được chấp thuận ngày 27/2/2021 xếp vào loại DNA vì dựa trên adenovirus của bệnh cúm nhẹ cấy vào cơ thể, nên được gọi là ADN.

Sở dĩ có việc “sử dụng khẩn cấp” vì nó chưa chính thức được chấp nhận. Chỉ khi có những dữ kiện mới chứng minh sự hiệu nghiệm và an toàn sau một thời gian sử dụng khẩn cấp trên bình diện rộng thì mới được chính thức xác nhận. Những thuốc chủng ngừa bệnh hiện được chính thức công nhận tại Mỹ gồm có thuốc ngừa cúm, ngừa viêm gan, ngừa phong đòn gánh, ngừa bệnh sởi, đậu mùa vân vân…


Hỏi: tính hiệu nghiệm, sự an toàn và số lần tiêm chủng của các thuốc ngừa đó như thế nào?

Đáp: Sau nhiều đợt thử nghiệm trên động vật, sau đó trên những người tình nguyện, những thuốc chủng này đã chứng tỏ có hiệu quả và an toàn (nghĩa là không có tác dụng phụ nguy hiểm.)

Tính hiệu nghiệm thuốc chủng của hãng Pfizer và Moderna là khoảng 95% (chỉ cần khoảng 60-70 % đã được xem là có kết quả tốt). Riêng thuốc do hãng J&J chế tạo có hiệu nghiệm 85%.

Thuốc do hãng Pfizer chích hai lần cách nhau 3 tuần, cần được bảo quản ở nhiệt độ rất thấp.

Thuốc của hãng Moderna chích hai lần cách nhau 1 tháng, được bảo quản ở nhiệt độ thấp vừa.

Thuốc của hãng J&J chỉ cần một lần dễ bảo quản ở nhiệt độ trung bình.

Thời gian hiệu nghiệm của các thuốc chủng ngừa nói trên kéo dài bao lâu đang được nghiên cứu.


Hỏi: Bao lâu sau khi chích ngừa mới được xem là an toàn không bị nhiễm bệnh.

Đáp: Từ 10 đến 14 ngày sau khi chích mũi cuối cùng, việc chích ngừa mới đạt được sự miễn nhiễm hoàn toàn và ta có thể yên tâm là sẽ không bị lây bệnh. Vì thế, người vừa được chích ngừa vẫn có thể mắc bệnh và lây cho người khác, nên tiếp tục các biện pháp đề phòng căn bản.


Hỏi: Những phản ứng phụ và dị ứng thuốc như thế nào?

Đáp: Giống như bất cứ các loại thuốc khác, thuốc chủng ngừa Covid-19 có thể gây ra những phản ứng phụ (hầu hết là nhẹ) trong vòng 24-48 giờ sau khi chích, như: đau chỗ chích, bần thần, mệt mỏi, đau nhức bắp thịt, nhức đầu... nặng nhẹ tùy theo cá nhân. Nếu sau 3 ngày mà vẫn còn các triệu chứng này, nên thông báo cho nhân viên y tế.

Sau mũi chích thứ hai, có thể bị sốt nhẹ hoặc có phản ứng phụ nhiều hơn mũi thứ nhất. Có thể uống thuốc Tylenol (acetaminophen) hoặc ibuprofen để làm giảm đau nhức sau khi chích.

Về dị ứng: có rất ít trường hợp bị dị ứng nhẹ trong vòng 4 giờ sau khi chích như nổi mề đay, ngứa ngáy, sưng người, nổi suyễn…. Một số rất hiếm bị dị ứng nặng cần được theo dõi và điều trị. Vì thế, sau khi chích ngừa, quý vị cần được theo dõi 15 phút tại chỗ. Người có các bệnh kinh niên nặng khác hoặc từng có phản ứng nặng trước đây thì cần được theo dõi 30 phút sau khi chích.

Nếu có phản ứng nặng sau mũi chích đầu tiên, quý vị cần tham khảo với bác sĩ gia đình để được cố vấn cho mũi thứ hai.


Hỏi: Thuốc chủng có hiệu nghiệm đối với các loại biến thể của covid-19 không?

Đáp: Hiện nay có hai loại biến thể của covid-19 được tìm thấy: một ở Anh Quốc (loại B.1.1.1), một ở Nam Phi (loại B.1.351).

Thuốc chủng của Pfizer và Moderna có hiệu nghiệm với biến thể Anh Quốc, nhưng ít hiệu nghiệm với biến thể Nam Phi. Thuốc của J&J có hiệu nghiệm với biến thể Nam Phi.


Hỏi: Những ai được ưu tiên chích ngừa?.

Đáp: Mục tiêu là mọi người đều phải được chủng ngừa để toàn xã hội không còn nhiễm bệnh. Tuy nhiên vì số lượng chế tạo thuốc phải tốn nhiều thời gian nên việc chích ngừa ưu tiên theo thứ tự như sau:

-          Nhân viên y tế và những người đang ở trong các nơi điều trị lâu dài như bệnh viện, viện dưỡng lão…

-          Những người già trên 65 tuổi (ưu tiên lần lượt trên 85, 75, 65) và những người dưới 65 nhưng có bệnh kinh niên nguy hiểm (tiểu đường, tim, thận…)

-          Những người thường xuyên tiếp xúc với công chúng như thầy cô giáo, cảnh sát, lính chữa lửa…

-          Những người thuộc mọi lứa tuổi khi có đủ thuốc.

Ghi chú:

-          Các bà mẹ có thai và cho con bú vẫn có thể chích ngừa (nên tham khảo với Bs gia đình).

-          Trẻ em từ 16 tuổi trở lên có thể được chích ngừa với thuốc của hãng Pfizer. Hãng Moderna và J&J chỉ chích cho người từ 18 trở lên. Việc chích ngừa cho các trẻ em khác đang được nghiên cứu.

-          Người có bệnh ung thư cũng cần được chích ngừa ưu tiên nhưng cần được theo dõi bởi bác sĩ điều trị ung thư.

-          Người đã mắc bệnh covid-19 có thể được chích ngừa 3 tháng sau khi khỏi bệnh.

-          Mọi người nên chích ngừa khi có điều kiện.


Những ai không nên hoặc cẩn thận khi chích ngừa?

-          Người dị ứng với những hợp chất trong thuốc chủng như polyethylene glycol và polysorbate (không nên chích).

-          Người từng bị phản ứng dị ứng nặng với mũi đầu tiên trong vòng 30 phút thì không nên chích.

-          Người có triệu chứng của covid-19, hoặc cảm cúm, sưng phổi, nhiễm trùng hô hấp… trong vòng hai tuần qua… thì cần hoãn lại cho đến khi không còn các dấu hiệu trên.


Hỏi: Muốn chích ngừa thì phải làm gì?

Đáp: Bộ Y Tế Liên Bang có kế hoạch gửi thuốc chích ngừa đến các bệnh viện, các trung tâm y tế, các cơ quan y tế tiểu bang; tiểu bang sẽ phân phối đến các cơ quan y tế County hoặc Thành Phố để tổ chức chích ngừa..

Nhà chức trách địa phương sẽ thực hiện kế hoạch chích ngừa theo thứ tự ưu tiên bằng cách công bố cách thức để các gia đình gọi hẹn chích ngừa tại các địa điểm và ngày giờ ấn định. Hiện nay các nhà thuốc tây cũng đã hợp tác tổ chức chích ngừa theo kế hoạch của County hoặc thành phố. Các bác sĩ gia đình cũng có thể giới thiệu bệnh nhân chích ngừa theo nhu cầu…

Tại địa điểm chích ngừa, các chuyên viên giúp đỡ điền đơn, thường thường người hẹn phải lái xe hoặc được gia đình chở đi, cần điền trả lời các câu hỏi về bệnh sử cũng như tiền sử dị ứng, hiện nay có triệu chứng gì không. Sau đó được hướng dẫn đến chỗ chích ngừa, rồi chờ ở một nơi trong 15 phút để theo dõi, nếu không có gì xảy ra sẽ có thể ra về với một thẻ chứng nhận và hẹn lần tới.

Các cơ quan y tế thường gọi điện thoại hỏi thăm theo dõi trong vòng vài ngày sau đó xem có biến chứng gì không.


Hỏi: Khi nào thì xã hội được xem là an toàn không còn bị nhiễm coronavirus 2019?                     

Đáp: Trong đại dịch covid-19, nếu mọi người trong đều được chích ngừa đầy đủ và có hiệu nghiệm sau thời gian 10-14 ngày tiếp theo mũi chích thứ hai (nếu chích 2 lần) thì xã hội đó mới được xem là an toàn, không còn lây nhiễm.

Nếu chỉ chích ngừa cho tất cả người lớn, nhưng trẻ em vẫn chưa được chích thì sự lây bệnh trong xã hội vẫn còn, tuy nhiên trẻ em ít có nguy cơ bị nặng như người lớn.

Hiện nay thuốc ngừa đã được tìm ra và được cho phép sử dụng kể từ tháng 11 năm 2020; đã có 3 công ty Mỹ cung cấp thuốc chủng, đây là điều căn bản tối quan trọng đã được chính quyền TT Trump thực hiện, chỉ cần các bước kế tiếp như sản xuất, phân phối và tiêm chủng. Triển vọng thoát khỏi đại dịch rất cao tại Mỹ.

Tuy nhiên vấn đề còn lại tùy thuộc tốc độ chế tạo thuốc, việc phân phối và chích ngừa đầy đủ, nhanh chóng cho mọi người (người lớn và trẻ em), ngoài ra còn phải kể đến sự xuất hiện của những loại biến thể virus mới, việc kiểm soát người nhập cư vào Hoa Kỳ từ các nước chưa được chích ngừa…, vì thế khó có thể dự đoán chính xác là khi nào Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn thoát khỏi đại dịch covid-19.

Hiện tình hình chích ngừa Covid-19 như sau (13/3/2021):

-          Chích hai mũi: 36 triệu

-          Chích mũi thứ nhất: 69,8 triệu

-          Dân số: 332 triệu.

-          Tỉ lệ chích ngừa: 32.5 / 100 người.

Bs Đỗ Văn Hội,

Cập nhật ngày 14/3/2021)

__________________________________________________________

(*) Chiến dịch “Operation Warp Speed” phối hợp giữa các cơ quan chính quyền, quân đội, tư nhân, … với 10 tỷ Mỹ Kim đầu tư để thúc đẩy việc nghiên cứu khẩn cấp thuốc ngừa, cách phân phối nhờ đó đã đạt kết quả mau chóng không ngờ, chỉ trong vòng 6 tháng kể từ ngày chính thức công bố 15-5-2020 đã có được một số thuốc chủng ngừa được chấp nhận như hiện nay.

Xem thêm ở các trang mạng:

https://health.clevelandclinic.org/why-a-covid-19-vaccine-for-children-may-take-awhile/

https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/70/wr/mm7002e1.htm

Trung tâm Coronavirus đại học Harvard.

https://www.cdc.gov/vaccines/covid-19/index.html


https://www.voatiengviet.com/a/chung-ngua-vaccine-covid-19/5819385.html

No comments:

Post a Comment