Pages

Wednesday, April 7, 2021

Lời Bộc Bạch Của Một Tiến Sĩ "Hèn Nhát"

 


Tác giả: một tiến sĩ trẻ, đẹp trai, nhưng tự nhận mình “hèn nhát ” và xin lỗi bạn đọc khi không công khai tên họ.

Tôi, có thể xem là một trí thức không?


Tôi sinh năm 1982, một người đàn ông Việt Nam.

Tôi được sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ có chút địa vị xã hội và là doanh nhân, từ bé tôi đã được chăm sóc, nuôi nấng khá đầy đủ, có phòng riêng, có gia sư kèm cặp chuyện học hành. Tôi là con trai độc nhất của gia đình.

Tôi may mắn được bố mẹ tạo điều kiện cho tôi được du học ở trời Tây trong quãng thời gian là sinh viên theo diện tư phí. Nhờ bản chất thông minh sáng dạ nên tôi đã giành được một suất học bổng cho bậc học Thạc Sỹ và liên tiếp cho bậc tiến sỹ do chính phủ cấp cho du học sinh, không phải bằng nguồn ngân sách của Việt Nam.


Tôi trở thành tiến sĩ ở một cái tuổi khá trẻ giống như các bạn người bản xứ nhưng rất trẻ so với mặt bằng chung ở Việt Nam, 27 tuổi.

Tôi yêu công việc nghiên cứu nên đã qua một nước tư bản khác, làm việc với chức danh học giả (Postdoc-Fellow), mức lương dù không hẳn là rất cao nhưng cũng là cao đủ để tôi có thể sống rất thoải mái, đi du lịch nhiều nơi.


Tôi nghĩ, lứa tuổi của tôi cái quan trọng là tích lũy kiến thức, thiết lập các mối quan hệ với các nhà khoa học để sau này quay về phục vụ tổ quốc của mình.


Sau hai năm làm việc, tôi đã muốn trở về VN để cống hiến. Với tôi, áp lực kinh tế không phải là quá lớn và tôi muốn thực sự cống hiến.

Thế nhưng khi quay về VN, tôi đã nhận ra một thực tế đau lòng. Gần như chẳng có nghiên cứu khoa học thực sự. Họ thường tự nghĩ ra một cái “công trình” có vẻ như rất đao to búa lớn, rót vào đó tiền tỉ, chỉ để báo cáo trong hội trường.


Họ nghĩ, những người như chúng tôi, hoặc là muốn trở về vì không thể ở lại nước ngoài, hoặc muốn lên làm lãnh đạo, chen vào những vị trí béo bở để có thể đút túi một cách hợp pháp những khoản tiền khủng dựa vào cái mác trí thức, một trí thức được đào tạo rất bài bản.

Đối với trí thức như tôi, được lao động, được cống hiến, được khám phá và bảo vệ chân lý là niềm hạnh phúc. Bỏ qua những nỗi lo toan về cơm áo gạo tiền, tôi chỉ muốn làm nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc bởi vì tất cả những giả dối, lừa gạt và cẩu thả sẽ bị phanh phui và bị lên án không sớm thì muộn.


Hãy nhìn những sự giả mạo, đạo văn của những người làm khoa học không nghiêm túc ở các nước tư bản mà xem, họ bị trừng phạt rất khủng khiếp, nếu không có những khoản tích lũy trước đó, cuộc sống gần như đóng sầm cửa lại khi họ bị gỡ bỏ các công bố trên tạp chí khoa học, bị tước chức danh khoa học, bị thôi việc.

Tôi ngạc nhiên đến tròn mắt khi một người có “tiếng tăm” trong làng học thuật nói với tôi rằng “muốn được xét duyệt đề tài thì phải ngoại giao, phương pháp, hiệu quả chẳng là cái mốc xì gì đâu” khi họ rỉ tai tôi trong lúc chén chú chén anh.


Thử hỏi, có đất nước nào, xã hội nào có thể phát triển được khi những kết quả nghiên cứu khoa học lại được xây dựng dựa vào sự quen biết, dựa vào sự xào nấu chế biến thậm chí bịa đặt?

Dù biết rằng cha mẹ tôi rất buồn, nhưng rồi tôi lại xách va li ra đi khi tôi tìm được một vị trí làm việc khá tốt với mức lương cũng tương đối so với mặt bằng chung (68 nghìn USD/năm) ở một viện nghiên cứu tại một nước tư bản.


Chắc là tôi lại phải chờ đợi, chờ đợi một sự thay đổi ở Việt Nam, để rồi sau đó tôi sẽ trở về để cống hiến sức lực trong việc xây dựng đất nước với một mức lương thấp, thậm chí rất thấp. Chẳng thể nào tốt đẹp khi sự thực bị bưng bít, chân lý bị bẻ cong, mọi thứ không được minh bạch, quyền lực không bị kiểm soát.

Người Nhật, người Hà Lan, người Mỹ,… họ đã có những con người của nhiều thế hệ trước đó biết làm việc, biết cống hiến phụng sự hết mình cho tổ quốc, cho dân tộc họ thì họ mới có được như ngày hôm nay, chẳng có một thành quả nào tự nhiên dễ dàng có được mà không phải phấn đấu cống hiến.


Vì thế, tôi muốn là một nhà khoa học chân chính chứ không muốn là một thứ trang sức dùng để trang trí cho đẹp đội hình. Và sự cống hiến của tôi là có thật, những cống hiến đó sẽ là có ích thực sự cho dân tộc tôi, cho hai chữ Việt Nam trên nền học thuật của khu vực và thế giới, cho thế hệ con cháu chúng ta chứ không phải là những cống hiến phục vụ một đảng phái hay một thế lực nào.

Tôi biết, bạn bè của tôi nhiều, rất nhiều người như thế.

Liệu tôi phải chờ đợi đến bao giờ?


Theo blog Hai Lúa

No comments:

Post a Comment