Pages

Sunday, May 23, 2021

Tình Ruột Thịt - Nguyễn Đan Tâm


Bà Hai giựt mình, chới với khi chạm mặt gần 50 người đang chờ đón bà và con gái (hình minh họa: Internet)


Qua nhiều đêm trằn trọc, mất ngủ, bà Hai quyết định trở về Việt Nam thăm họ hàng sau nhiều năm xa cách. Bà sang Mỹ theo diện con lai dù con của bà lai Tây. Chuyện bắt đầu từ thời má của bà lấy chồng Tây và bây giờ con của bà chỉ lai Tây có 25 phần trăm thôi. Nhưng mấy ông cách mạng đâu cần biết chuyện nầy. Cứ thấy có nét lai (Mỹ hay Tây như nhau mà) là lên danh sách cho đi Mỹ. Càng đi nhiều, cán bộ càng có lợi. Ở đây, ta mới thấy cái tầm nhìn xa của các đỉnh cao trí tuệ, khi khúc ruột ngàn dặm biến thành con bò sữa. Trước ngày lên đường, làng xóm tấp nập đến chúc mừng, ca tụng gia đình thế mà có phước, được sang Mỹ như trúng số lớn.

Rồi bà Hai cùng cô con gái sang Mỹ. Đất lạ, quê người, bà lại không biết chữ (Việt và Mỹ), nên suốt ngày chỉ quanh quẩn với công việc nhà, chăm sóc vườn rau xanh, và ngồi chờ con đi làm về để nói chuyện. Chuông điện thoại có reo vang cũng chẳng dám giở máy vì tiếng nói lạ hoắc, nghe mà không hiểu gì. Từ ngày sống ở Mỹ, bà Hai được hưởng tiền già (thời tổng thống Reagan, người ta hay nói đùa là “tiền của ông già”), mặc dù tuổi bà chưa tới 60, lại khỏe mạnh. Một người không tay nghề, lại câm và điếc (dù tai, miệng bình thường) nên lẽ tự nhiên chẳng hng nào dám nhận. Như vậy dư luận trong làng đúng phong phóc: bà cứ qua Mỹ đi, người già bên đó không cần làm gì, có chính phủ nuôi. Người khác lại kể chuyện con Mén con của bà Tư ở xóm trên mới về thăm nhà năm rồi. Ôi thôi! Quần áo lượt là, vàng đeo đầy người, trái ngược với cái nghèo lúc còn ở Việt Nam. Nghe nói làm gì đó bên Mỹ, chắc là làm lớn lắm vì muốn đi đâu đều có xe và tài xế, con cái đi học cũng có xe đưa rước miễn phí, hàng tháng có tiền chính phủ gởi đến tận nhà. Xứ Mỹ thật là thần tiên, vì một con nhỏ nghèo, thất học, con cái đùm đề, bỗng đổi đời trở nên giàu có, sang trọng! Đúng là chuyện “cô bé lọ lem trên đất Mỹ.”

Nhờ sống chung với con nên mỗi tháng bà Hai dành dụm được ít tiền phòng khi hữu sự. Trong khi đó, thư từ của bà con ở Việt Nam tiếp tục đổ sang Mỹ. Thư nào cũng chan chứa tình cảm họ hàng với nhiều nước mắt nhớ thương, mong bà Hai sớm trở về thăm quê hương, làng xóm và kết thúc với một điệp khúc: Xin giúp đỡ tiền bạc vì ai cũng nghèo. Có người còn bảo bà ra máy tự động lấy tiền gởi về cho họ vì ở Mỹ chính phủ in tiền để sẵn trong máy cho dân lấy xài thoải mái. Lương tháng một người lao động ở Việt Nam lúc đó chỉ 30 đô. Mỗi tháng bà gởi hai trăm đô nhưng dường như chẳng thấm vào đâu vì gần đây thư kêu cứu càng thêm gấp rút và nhấn mạnh gia đình cần một ngàn đô mỗi tháng. Bà Hai đọc thư mà tay chân lạnh ngắt vì số tiền to lớn nầy. Tất nhiên, lớn đối với bà, còn quá nhỏ với người Việt Nam có thân nhân ở Mỹ. Con gái bà đi làm hãng, mỗi tháng được ngàn rưỡi đô trừ tiền nhà, xe, điện, nước, ăn uống… còn dư chút đỉnh.  (Phải nói rõ là con nhỏ làm mỗi ngày từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối mới được đồng lương như vậy.) Nay bên Việt Nam đòi số tiền lớn hàng tháng thì lấy tiền đâu mà gởi nên bà run là phải.

Bà Hai và con gái về đến phi trường Tân Sân Nhứt vào một ngày nắng đẹp nhưng trong lòng bà thì lắm mối u sầu. Bà hận mình không giúp được họ hàng như bao Việt kiều khác. Sau khi xong thủ tục nhập cảnh, tiến ra ngoài, bà Hai giựt mình, chới với khi chạm mặt gần 50 người đang chờ đón bà và con gái. Tiếng gọi chị, bà, cô… vang lên ơi ới: Nhứt là đám con nít tranh nhau đến mừng bà về. Bà Hai thật ngạc nhiên hôm nay sao có nhiều bà con như vậy. Nhiều người bà  chưa gặp bao giờ. Rồi mọi người lên xe được mướn sẵn trực chỉ về Hậu Giang. Đứa nhỏ nào cũng đòi ngồi kế bà của tao. Xe chưa ra khỏi thành phố thì mọi người nhao nhao và nhứt là lũ trẻ đồng loạt kêu đói bụng vì từ sáng sớm chưa ăn gì. Tài xế không biết tình cờ hay cố ý cho xe chạy trên con đường với nhiều quán ăn, rồi đột ngột ngừng xe trước một tiệm khá khang trang. Chủ tiệm và nhân viên biết hôm nay trúng mối Việt Kiều miệng cười toe toét, vồn vã chào mời. Một giờ sau, mọi người no bụng, vui vẻ. Lẽ cố nhiên khổ chủ của bữa tiệc bất đắc dĩ là mẹ con bà Hai. Điều oái ăm là mẹ con bà Hai chưa bao giờ đi ăn tiệm trong 5 năm ở Mỹ. Nhiều người còn nói lâu lắm rồi mới được ăn ngon như thế nầy, ước gì bà Hai về đều đều thì hay biết mấy. (Như vậy đi ăn chớ đâu phải đi đón Việt kiều.)

Xe về quê bà Hai, một làng nhỏ ở miền Tây. Cảnh cũ, người xưa không thay đổi. Đêm đầu tiên chị em thức khuya kể chuyện gia đình. Ai cũng than công việc làm ăn khó khăn, con cái nheo nhóc, đời sống quá nghèo dù có tiền viện trợ hàng tháng của bà Hai. Mới hừng đông, ngoài ngõ đã nghe xôn xao tiếng người đến mừng bà Hai về thăm quê nhà. Nhà thì nhỏ, khách lại đông, không đủ chỗ ngồi, đứng cả ngoài sân. Khách cứ rề rà, không ai chịu ra về dù trời đã đứng bóng. Cuối cùng, một người đại diện đám đông chúc mừng bà Hai và con gái rồi chấm dứt với điệp khúc xin chút ít quà  từ Mỹ. Bà Hai cũng thông cảm tình cảnh của đồng hương nên cầm một xấp tiền, định cho mỗi nhà 20 đô làm phước. Thật là bất ngờ khi có một người vọt nói: ở đây không ai xài số tiền nầy, phải 50 trở lên mới được. Bà Hai thiếu điều muốn xỉu. Bà nhớ có lần ở Mỹ bà đang đứng trước chợ thì có một người Mỹ đến xin “quarter,” bà cho 1 đô. Người Mỹ được tiền chắp tay cám ơn bà rối rít. Còn ở đây xứ nghèo sao lại chê tờ 20 đô. Nhưng bà cũng phải bấm bụng phát cho mỗi gia đình 50 đô. Xong đám đòi nợ lại đến cô em dâu xin tiền đi chợ vì không lẽ để bà và con gái ăn cơm với nước mắm. Bà Hai ngạc nhiên thấy mấy người trong nhà không đi làm. Sáng 11 giờ mới thấy mọi người thức dậy.  Đàn ông thì ra quán cà phê ngồi, tới trưa về nhà ăn cơm, ngủ một giấc đến 4, 5 chiều rồi ra quán nhậu. Đàn bà thì gầy sòng tứ sắc. Nếu có hỏi tại sao thì câu trả lời như một điệp khúc: Có việc gì đâu mà làm. Con nít ăn no chỉ chạy rong chơi, chẳng thấy đi học. Cơm nước, việc nhà, kể cả việc chia bài đã có mấy đứa  nhỏ hàng xóm sang phụ giúp. Như vậy nguyên nhân cái nghèo thấy rõ ràng trước mắt.

Ngày hôm sau, mới vừa tảng sáng đã thấy một đám người gồm hai công an xã và hai người lạ đến đòi gặp anh Tư (em ruột bà Hai.) Hai người lạ cho biết, từ 5 năm nay, anh Tư có mượn của họ một số tiền Việt Nam tính ra là năm ngàn đô. Họ đưa cho xem giấy ký nợ. Lâu nay hẹn lần không chịu trả, chỉ trả tiền lời thôi. Nay họ phải nhờ công an giải quyết. Phía công an cho biết nếu hôm nay không trả họ phải giải anh Tư về xã chờ đưa lên huyện ra tòa. Cô em dâu khóc lóc, kể lể vì nhà nghèo phải mượn tiền để sống, may mà có thân  nhân là Việt kiều nên có người cho mượn. Nay xin chị cứu giúp em ruột, vì nếu bị giải lên huyện sẽ bị kêu án tù. Bà Hai trông thật khổ sở, nói không ra lời. Tiền thì bà không có đủ. Mới về có một ngày đã tốn hết mấy ngàn. Nay lấy đâu ra năm ngàn trả nợ cho em. Bà đưa mắt cầu cứu con gái. Cô nầy không nói gì. Sau một hồi chờ đợi, đám công an giải anh Tư đi mất. Vợ anh Tư rống lên thảm thiết như chồng chết. Bà Hai chịu không nổi nên năn nỉ con gái cho bà mượn bốn ngàn, cộng với một ngàn còn trong túi của bà đưa cho cô em dâu đi chuộc người. Bà phải hứa với con gái khi qua Mỹ sẽ lấy tiền già trả lần.Và anh Tư về nhà vui vẻ như chưa có chuyện gì xảy ra.

Bà Hai dự định về thăm quê một tháng. Nhưng được một tuần thì cô con gái đòi trở lại Mỹ với lý do: Không đủ tiền chợ cho vợ anh Tư. Mỗi ngày phải chi 200 đô thì sạch túi trước thời hạn. Hai mẹ con lên Saigon đổi vé máy bay qua Mỹ. Khi từ giã không thấy vợ chồng anh Tư cản trở, cũng không thấy người trong xóm đến tiễn đưa.

Máy bay chuẩn bị cất cánh. Qua khung cửa kiếng, bà Hai nhìn mảnh trời quê hương bỏ lại mà thấy lòng se thắt vì bà biết rằng đây là lần cuối cùng.

Mấy tháng sau, bà Hai nhận được thư từ Việt Nam của một đứa cháu kêu bà bằng cô. Nó nói rằng vụ công an đòi nợ là việc sắp đặt giữa vợ chồng bác Tư của nó và đám công an để moi tiền bà Hai. Công an lấy hai ngàn. Bác Tư gái thì lấy ba ngàn đi sắm vàng. Chuyện xì ra vì bác Tư trai muốn lấy tiền đi nhậu, bác gái không cho. Hai vợ chồng cãi nhau dữ quá. Cả xóm đều biết chuyện nầy.

Trời ơi! Khốn nạn quá! Là những tiếng kêu của bà Hai trước khi bà ngất xỉu…


Nguyễn Đan Tâm 

No comments:

Post a Comment