Vào cuối thập niên 1950, bến xe đò đi các tỉnh khác còn ở tại chợ
Mỹ Tho, bên hông xã Điều Hòa ngay cổng phía sau trường trung học Nguyễn Đình
Chiểu. Bến xe chỉ đông người và náo nhiệt từ sáng sớm cho tới khoảng ba giờ
chiều, chừng sáu giờ tối là hầu hết xe đò đều rời bến, chỉ còn neo lại vài
chiếc lẻ tẻ vì nhà xa, nên lơ xe ban đêm phải ngủ giữ xe.
Những tài xế ở Mỹ Tho thì đánh xe về nhà nghỉ, sáng sớm hôm sau chạy ra lấy
tài. Bến xe buổi tối không vì thế mà vắng vẻ, đìu hiu, nhiều gánh hàng rong và
xe hủ tiếu, nước đá, nước mía, xe bán cóc ổi, khô mực nướng ép đều quy tụ xung
quanh khu vực này. Lâu lâu, Giáo hội Phật giáo thống nhất địa phương cho tổ
chức vài đêm thuyết pháp tại đây và rất được đông đảo người dân Mỹ Tho hưởng
ứng nồng nhiệt.
Trên lề dọc theo hàng rào sắt xã Điều Hòa có những ki ốt (kiosque) buôn bán
phục vụ cho khách đi đường, nhưng tôi chỉ thích nhất là quán phở Bắc mang bảng
hiệu nhỏ treo lơ lửng rất khiêm nhường: Tư Phở ở gần góc đường Lê Lợi. Sở dĩ
tôi biết quán này là do mấy chị tôi thỉnh thoảng buổi sáng dẫn tôi đến đây ăn.
Quán phở này phải công nhận là ngon tuyệt và chỉ bán từ sáng sớm cho đến trưa.
Sau này, vì nhu cầu xe cộ ngày càng nhiều hơn, nên bến xe được dời ra trên
giếng nước một đỗi, nhường chỗ cho ngôi chợ hàng bông bán trái cây được xây cất
lên. Lúc đầu, chị em tôi cũng thấy buồn buồn vì quán Tư Phở đã dẹp mất! Sau đó
tôi phát hiện ra quán này là vì nhận dạng được ông chủ quán có cái thẹo to ở
một bên thái dương, mà hầu như lúc nào tôi cũng thấy ông đứng chăm chú nấu phở
trước cửa tiệm. Quán đã dời ra dãy phố lầu hai tầng vừa kiến thiết xong nằm
ngay mặt lộ, đối diện bến xe mới.
Trước đây, quán Tư Phở trông chật hẹp và xập xệ. Sau vài năm làm ăn khấm khá
thì tiệm phở rộng rãi, khang trang và sạch sẽ nay được đổi tên lại là Hy Lạp
với cái bảng hiệu to lớn chữ đỏ trông thật oai. Đúng ra thì tiệm phở phải dùng
loại bánh phở bản to, ướt và mềm, nhưng phở Hy Lạp thì lại nấu với hủ tiếu Mỹ
Tho ăn không chỗ nào chê được, nhất là nước xúp được pha chế có mùi thơm ngon
hết sức đặc biệt mà không nơi nào sánh bằng, nên tiệm lúc nào cũng không chỉ có
nhiều khách vãng lai, mà còn đông khách quen thuộc vào buổi sáng từ các khu phố
khác trong thành phố đến ăn.
Trên mỗi bàn bên trong lẫn vài bàn phía ngoài luôn bày sẵn những hũ nhỏ và dĩa
đựng các thứ như nước mắm, tương ngọt, chanh, ớt hiểm, ớt sừng trâu xắt xéo
mỏng, ngò gai, rau quế, giá sống, chanh, tăm xỉa răng. Đôi khi có những khách
đang ăn ngon miệng lại kêu một chén mỡ gàu hay nạm, gân hoặc củ cải để ăn thêm
một cách ngon lành, vừa ăn vừa xuýt xoa đổ mồ hôi bởi nước xúp nóng, ớt cay lẫn
tiết trời nóng nực bên ngoài.
Sau khi bến xe mới được thành lập, “giang sơn” của đoàn xe lô Minh Chánh chạy
tuyến đường Sài Gòn - Mỹ Tho và ngược lại, được phân phối ở góc phải khi từ
phía giếng nước vừa quẹn vào bến xe. Kế bên quầy bán vé có một xe hủ tiếu, mì
và hoành thánh nơi này ăn chỉ được thôi chớ không ngon lắm! Nếu nói đến quán và
xe hủ tiếu ở Mỹ Tho lúc bấy giờ thì mỗi một góc chợ, khu phố đều thấy nhan
nhản. Nói chung là chỗ nào ăn cũng tương đối ngon hết!
Tuy nhiên có một vài nơi ngon đặc biệt, ngon đến nổi vang danh khắp nơi để rồi
trở thành danh từ rất quen thuốc là hủ tiếu Mỹ Tho mà mãi cho đến ngày nay, có
nhiều tiệm ăn ở hải ngoại vẫn mượn “đầu heo” hủ tiếu Mỹ Tho để “nấu cháo” cho
tô hủ tiếu của mình.
Gia đình chú thím bà con của tôi ở bên kia sông gần xóm Đập Đá, đối diện với
chợ cá trước năm 1975 là lò sản xuất hủ tiếu nổi tiếng lớn nhất Mỹ Tho. Hồi
nhỏ, tôi thường qua chơi với mấy đứa con của chú thím, luôn tiện xem công nhân
bên này nấu, vớt, phơi và cắt hủ tiếu bằng máy thấy cũng thích thú lắm! Mỗi lần
đi về, thím đều lấy giấy báo gói cho tôi cả bao hủ tiếu mới ra lò, thân thương
căn dặn là mang về để mẹ tôi xào cho cả nhà ăn.
Đặc điểm của hủ tiếu Mỹ Tho là cọng nhỏ, khô, dai, hương vị hơi chua, mang nét
đặc trưng không lẫn với hủ tiếu ở một nơi nào khác. Những quán hủ tiếu thật
ngon ở Mỹ Tho kể ra không nhiều. Thường thì nơi nào bán hủ tiếu đều có kèm theo
mì và hoành thánh. Bên cạnh đó còn có một xe nước đá để cho khách giải khát. Có
khi khách ăn hủ tiếu với mì hoặc không ăn hủ tiếu mà chỉ ăn mì hay hoành thánh
với mì. Nhưng dù sao thì hủ tiếu vẫn luôn được đại chúng ưa chuộng nhiều hơn!
Hoành thánh được xem là ngon, ngoài da bao phải mỏng và dòn, thịt nạc bằm bọc
bên trong ướp cho thơm cần trộn thêm ít mỡ, nếu có pha lẫn thêm thịt cua nữa
thì ăn khỏi chê!
Mì ngon có tiếng lâu đời ở Mỹ Tho phải kể là tiệm Phánh Ký, gần bốt cảnh sát
đầu cầu quay phía bên Chợ Cũ. Sợi mì vàng óng lớn và nhỏ hai loại do chính chủ
nhân làm, ăn phải nói là “hết xẩy”! Lúc nhỏ, khi tôi còn học chữ Tàu ở trường
tiểu học Sùng Chánh gần đó, ông hiệu trưởng rất mê mì của tiệm Phánh Ký. Tôi là
học trò cưng nên thỉnh thoảng “được” ông sai cầm tô sang Phánh Ký mua mì và gói
thuốc Bastos bao xanh ở tủ kiếng thuốc hút của người bán lẻ trước tiệm.
Mỹ Tho có mì Phánh Ký, còn bên Cần Thơ, đối diện với rạp hát Minh Châu thì có
mì tiệm Khung Ký cũng “oanh liệt” ở miền Tây Đô. Thời gian trong quân đội, có
dạo tôi thuyên chuyển về đây nên đã “làm quen” với khá nhiều tiệm ăn. Ngoài
quán nhậu đặc sản nổi danh Vĩnh Ký ở cuối đường Phan Đình Phùng, tôi chỉ chấm
có mì Khung Ký mà thôi!
Sau này kế tiệm hủ tiếu mì Phánh Ký phía trong lề đường, có xe hủ tiếu của chú
Phúc cũng “nổi đình, nổi đám” không kém nhờ hủ tiếu có đặc điểm là sườn chéo
chặt ra từng khúc nhỏ, tôm khô được cháy với mỡ rất dòn và thật thơm ngon.
Song song đó, đấu mặt với hiệu Phánh Ký còn có tiệm phở, hủ tiếu bò kho Đồng
Thanh nấu ăn cũng khá và rất đông khách. Từ khi có hai “đại hiệp” này xuất
hiện, tiệm mì Phánh Ký ế khách thấy rõ. Tuy nhiên, tiệm này “sống được” là nhờ
còn nhiều khách trung thành vẫn chưa quên được cọng mì dòn khá ngon tại đây.
Con gái ông chủ tiệm, chị Huỳnh Hảo là bạn học chung luyện thi lớp đệ thất với
tôi ở trường Hùng Vương vào năm 1961. Dáng chị đô con và mặt tròn, mới nhìn
biết ngay là “A Muối”, thường bị các bạn trai chọc ghẹo là “xì dầu”. Nhưng tánh
chị rất hiền hòa nên không giận mà chỉ cười hè hè thôi. Tôi cũng là người Hoa,
nhưng nhờ ăn… nước mắm nhiều, nên nói tiếng Việt rành và viết chính tả khá hơn
nên không bị các bạn phát hiện.
Bên phải xe hủ tiếu của chú Phúc là tiệm nước lớn Nam Hoa lâu đời có bán mì, hủ
tiếu, dimsum như: bánh bao, há cảo, xíu mại, v.v. Tiệm này hầu như mỗi buổi
sáng đều đông khách quen thuộc, ngồi tập trung thành từng nhóm nhỏ uống cà phê
đầy những bàn bày ra tới phía trước cửa để tán gẫu, bàn chuyện làm ăn, áp phe,
đoán số đề, cá độ đá gà hay hút thuốc nhìn xe cộ dập dìu qua lại. Họ rất lớn
tiếng và xem thiên hạ xung quanh như không có, thỉnh thoảng lại còn chửi thề và
cãi vã nữa! Bởi thế, giới dân chơi Mỹ Tho đặt tên cho ngã tư gần đó là “Ngã tư
Quốc tế”, vì nơi đây thường tập trung nhiều thành phần xã hội phức tạp, nhất là
khi trời về đêm.
Ở ngoài dãy bar bờ sông đường Trưng Trắc đối diện xéo với tiệm kem Mỹ Duyên thì
có quán hủ tiếu Xường “đóng đô”. Quán này thật ra chỉ “có tiếng mà không có
miếng” của giới trẻ người Hoa thường đi chơi ban đêm đói bụng tụ tập đến ăn
uống, trong đó có tôi, chớ dân ăn mì, hủ tiếu sành điệu ít khi tới đây.
Còn trong lãnh địa chợ hàng bông, ngoài tiệm nước bán cà phê, hủ tiếu ở góc
đường phía cổng sau trường Nguyễn Đình Chiểu không đáng kể, thì ở khoảng giữa
dãy phố có tiệm bán hủ tiếu rất nổi tiếng Hưng Ký của ông chú và bà thím tôi.
Tiệm này buổi sáng luôn có đầy khách ngồi ra tới những bàn bên ngoài. Nhiều
người đến ăn đôi khi sốt ruột phải đứng nhìn đồng hồ đeo tay mà đợi bàn trống.
Chiếc xe nấu được đặt ngang phía trái tại cửa ra vào. Nước lèo ở đây nấu thơm
ngọt rất đặc biệt không nơi nào ngon hơn. Một tô hủ tiếu hay mì trước khi bưng
ra cho khách, đều được múc chừng một phần ba vá to thịt nạc bằm ướp rất ngon
vào một cá cạn đáy, sau đó gần một vá đầy nước lèo thật nóng đã nấu bằng
xương heo, khô mực, tôm khô được cho vào tô rồi dùng và đập nhè nhẹ để thịt bằm
rời ra và vừa chín tới ăn mới ngọt, liền sau đó đổ ngay vào tô hủ tiếu đã làm
sẵn phủ đầy trên mặt nào phèo, tôm khô chấy, tóp mỡ, gan heo, thịt xá xíu xắt
mỏng, ngò Tây, hành lá, cải bắc thảo. Giá một tô hủ tiếu và mì ở tiệm này đắt
hơn các nơi khác một ít, nhưng vẫn luôn được đông người đến ăn. Thực khách của
tiệm này đa số là giới thương gia và công chức.
Ngoài ra, ở gần đầu ngả tư bùng binh đường Trần Quốc Tuấn đi vô lò heo, bên
phải có một quán hủ tiếu xương rất lè phè của chú Tiều khá ngon. Đối diện với
quán này lại có một tiệm phở Bắc nấu ăn cũng khỏi chê! Nghe đâu ông chủ quán là
em của chú Tư tiệm phở nổi tiếng Hy Lạp thì phải. Cũng như Hy Lạp, tiệm này bắt
đầu khoảng từ 6 giờ chiều là bán lai rai cho đến tối. Nhưng thực sự thì nồi
nước xúp to tướng vừa nấu xong buổi chiều là để chuẩn bị bán cho sáng ngày hôm
sau. Rất tiếc hai tiệm này không có thời nên ít được người ta biết đến.
Về sau, ngoài ngã ba Trung Lương mở quán hủ tiếu tôm và cật heo ăn cũng có mùi
vị đặc biệt lắm! nhưng vì địa điểm hơi xa thành phố nên dân Mỹ Tho ít khi ra
tới đây, quán chỉ bán được nhiều cho khách đi xe đò tuyến đường Sài Gòn và miền
lục tỉnh dừng chân nghỉ mệt mà thôi.
Gia đình tôi khi xưa buôn bán tại chợ Mỹ Tho, phía trước cửa tiệm của ba mẹ tôi
có đến hai xe hủ tiếu và hai xe nước đá xếp hàng ngang xen kẽ với nhau. Xe hủ
tiếu trước tiệm là của vợ chồng chú Ngầu được đẩy từ nhà đến vào ba giờ sáng
khi chợ bắt đầu nhóm. Trong lúc chú bày trí, sắp xếp các thứ trừ trong xe ra
thì vợ chú đi vô nhà lồng chợ gần đó mua thịt và xương heo. Liền sau đó, xương
được nấu với khô mực và tôm khô trong một cái nồi khổng lồ với lửa than chầm
chậm cho đến khoảng bảy giờ là bắt đầu bán.
Hầu hết khách đến ăn là thành phần lao động buôn gánh bán bưng và người đi chợ.
Khách quen của chú Ngầu rất đông, những người đàn ông vác mướn tại chợ hầu như
ngày nào cũng đều ghé ăn, nhưng họ không ăn bình thường như người ta, mà mua
nửa ký hủ tiếu mang lại nấu thành một tô lớn đầy vun và ăn một cách ngon lành.
Sau đó còn kêu thêm một tô xí quách với vài con khô mực thơm phức, được vớt ra
từ thùng nước lèo nóng hồi, rồi chấm vào nước tương hiệu hai con chuột để nhậu
với một xị rượu đế.
Cũng nên nói thêm về hai chữ “xí quách” mà người ta thường nghe nói là nguồn
gốc của tiếng Quảng Đông, có nghĩa là xương heo dùng để nấu nước lèo hủ tiếu,
người Việt Nam ăn thấy ngon nên nói theo không đúng giọng mà lệch đi thành “xí
quách”. Tiếng hủ tiếu cũng do âm từ lơ lớ tiếng Hoa mà ra.
Trước năm 1975, tôi rất thích “ngao du sơn thủy” và đi chơi gần hết các tỉnh
thành miền Nam. Ở miền Trung thì tôi chưa thấy, nhưng nơi thành phố sương mù Đà
Lạt có bảng hiệu Hủ Tiếu Mỹ Tho. Là người lữ khách đến từ sông Tiền hiền hòa,
tôi cảm thấy rất thân thương với bốn chữ quá quen thuộc này, nơi xứ lạnh hoa
anh đào mộng mơ nên liền vào tiệm ủng hộ ngay, nhưng…
Ở Sài Gòn, tiệm bán hủ tiếu và phở dĩ nhiên là nhiều đếm không hết, nhưng chỉ
có một số tiệm có tiếng được người ta biết đến, chẳng hạn như trên con đường
Huỳnh Thúc Kháng có tiệm mang tên Hủ Tiếu Mỹ Tho, nhưng ăn chỉ thấy mùi… không
khí nhộn nhịp của Sài Gòn. Trên con đường lớn Võ Tánh số nhà 79, có tiệm phở
mang bảng hiệu số 79 thật to ăn cũng khá, nhưng rất tiếc tiệm này gây không
được tiếng vang. Còn tiệm phở bò, gà Hiền Vương ở đường Hiền Vương nấu ăn rất
ngon, đã một thời làm “dậy sóng” trong giới sinh viên học sinh Sài Gòn.
Khu vực Ngã Sáu tấp nập xe cộ lưu thông ở đường Minh Mạng Chợ Lớn, đối diện
trường trung học Hoa ngữ Thiên Chúa giáo Minh Viễn thì có “tướng lãnh đầu bò”
phở Tương Lai trấn giữ. Ngoài bảng hiệu tiệm lớn treo ngang phía trên có vẽ
hình đầu con bò trông thật vui mắt, phía dưới đất lại còn dựng thêm một cái
bảng nhỏ quảng cáo nữa! Chiếc xe nấu phở án ngữ ngay trước cửa ra vào được bày
trí trông sạch sẽ rất xôm tụ. Những miếng thịt bò nạm và gân khổng lồ đã luộc
chín trông phát thèm được treo lên phía ngoài xe để câu khách.
Tiệm này nấu bằng bánh phở bản lớn và mềm. Nhờ nước xúp khá ngon ngọt nên được
nhiều người biết đến. Ngoài phở bò, lúc sau tiệm còn bán thêm bánh ướt chả lụa
và các loại chè ngọt nước đá rất ngon. Bên kia đường trước hàng rào sắt của
trường học Hoa văn, ban đêm ở khu vực này rất huyên náo bởi những hàng quán
bình dân đặc biệt bán nghêu, sò, ốc, hến, hột vịt lộn, khô, mực nướng, bia,
rượu
Trong khu Chợ Lớn ở đường Nguyễn Trải, gần đại lộ Tổng đốc Phương thì có tiệm
phở Tâm Tín ăn khá đậm đà nhưng nước xúp quá nhiều mỡ và bột ngọt, nhưng đó
cũng là sở thích của người Hoa.
Nói đến tô phở Sài Gòn năm xưa, người ta không quên nhắc đến tiệm phở Tàu Bay
trên đường Trần Quốc Toản. Tô phở bằng thủy tinh trong suốt tuy lớn thật, nhưng
nhìn kỹ lại thì thấy nước xúp nhiều hơn bánh phở và thịt. Cái bảng hiệu tiệm
với hai chữ to Tàu Bay hình như có một ma lực để thu hút thực khách thì phải,
chớ thật ra nước xúp tô phở chỉ nặng mùi đinh hương và tai vị hơn mùi thơm ngon
của xương và thịt bò. Địa điểm của tiệm cũng gợi cho người ta nhớ lại, đối diện
bên kia đường đó là chợ cá Trần Quốc Toản nổi tiếng… dơ nhất Sài Gòn, có mùi
nực nồng muốn bể lỗ mũi người bộ hành hay xe cộ chạy ngang qua đây.
Bước sang năm 1975, làn sóng người tỵ nạn bên Campuchia ồ ạt tràn sang Việt
Nam. Một số người Triều Châu đã hành nghề bán hủ tiếu ở thủ đô bên đó liền sắm
vợt, vá, tô, chén, dĩa, muỗng, v.v. để mưu sinh. Danh từ Hủ Tiếu Nam Vang được
vang dội mạnh từ đấy nhờ cách nấu và pha chế nước lèo thơm ngon rất đặc biệt.
Tôi đã dịp chứng kiến một ông Tiều bên Cam Bốt mới về, mở quán bán hủ tiếu Nam
Vang ở ngoài quốc lộ ngã tư quận Cai Lậy thuộc tỉnh Mỹ Tho. Cứ mỗi lần nấu một
tô hủ tiếu cho khách, ông đều biểu diễn tài nghệ khá đẹp mắt, bằng cách: khi
vớt hủ tiếu được trụng từ nồi nước sôi lớn ra bằng cái vợt lưới to, ông liền
đập nhè nhẹ phần giữa cán tre của vợt nơi mép nồi cho hủ tiếu ráo nước. Sau đó,
ông ta cầm vợt để ra ngoài nhún nhún vài cái lấy trớn rồi bất thần hất mạnh vợt
lên cho vắt hủ tiếu bay cao trên không. Hơi nghiêng mình, ông nhanh nhẹn lòn
tréo tay phải đang cầm chiếc vợt ôm sát phía sau lưng đưa sang bên trái, để kịp
hứng lấy vắt hủ tiếu từ trên đang rơi xuống một cách tài tình, rồi đổ ngay vào
cái tô ông cầm bên tay trái.
Mỗi lần ông biểu diễn như thế đều được tiếng vỗ tay nồng nhiệt của nhiều người.
Cũng nhờ nghệ thuật hấp dẫn mà quán hủ tiếu dù thiết bị rất đơn sơ này bán rất
đắt. Phải công nhận là hủ tiếu của ông khá ngon nhờ nước lèo thật ngọt và nhiều
tôm, thịt, cật heo. Có người vì thích xem ông “hát xiệc” mà thường đến ăn. Tội
nghiệp cho đám con nít hiếu kỳ nghèo không có tiền, chỉ đứng trước quán trông
chờ xem ông biểu diễn mà cảm thấy đầy thích thú.
Xe hủ tiếu ở Việt Nam trước năm 1975 phần lớn đều thu gọn trong một chiếc xe
đẩy. Tuy là xe, nhưng không đẩy đi bán dạo như những xe mì gõ của người miền
Trung bây giờ ở Sài Gòn mà người ta thường thấy.
Còn hủ tiếu ở Chợ Lớn bản to và mềm, thậm chí hơi nhão, khác với cọng hủ tiếu
khô, dai như Hủ Tiếu Mỹ Tho hay Hủ Tiếu Nam Vang sau này. Tô hủ tiếu bao giờ
cũng lềnh mỡ, lăn tăn những thịt nạc bằm và luôn có một hai lá cải xà lách to
nằm chễm chệ, ít cọng hẹ, bên cạnh là những lát thịt xá xíu và gan mỏng phủ kín
mặt tô, chen chúc là những miếng tóp mỡ cỡ bằng hạt đậu phộng vàng ruộm.
Hủ tiếu là món ăn buổi sáng khá quen thuôc của người Hoa ở Chợ Lớn. Tuy nhiên,
đối với người bình dân lao động thì thỉnh thoảng mới ăn mà thôi! Các xe hủ tiếu
bán đắt nhất trong mấy ngày Tết cổ truyền, giới trẻ được nhiều tiền lì xì nên
tha hồ kéo nhau đi ăn hầu như mỗi ngày. Hồi nhỏ tôi cũng vậy, trong khi đồ ăn
thức uống khá ngon ở nhà ấp lẩm trong ba ngày Tết thì không mấy “thiết tha”, mà
lại gắn bó không quên được tô hủ tiếu.
Lạ một điều là cho tới ngày hôm nay, mặc dù có rất nhiều vật liệu phục vụ nấu
nướng bằng inox, nhôm, sắt xi bóng láng, nhưng nhan nhản ở Việt Nam, người ta
vẫn còn thấy được những chiếc xe hủ tiếu kỳ cựu, mà chủ nhân nó luôn “chung
thủy”. Họ nấu hủ tiếu với vợt lưới to, vớt mì bằng thau, cùng vá lớn hình khối
tròn bằng nhôm có lỗ tròn, ghế xếp mặt ngồi bóng lưỡng bằng gỗ và chân sắt một
mạc cũ kỹ, nhưng chắc chắn. Bên nồi nước lèo thơm ngon nghi ngút khói, thực
khách dù là giới bình dân hoặc quý tộc, đều ngồi ăn xì xụp một cách vô tư trước
xe bên lề đường hay trong tiệm.
Một điều thiếu sót khi nói đến chiếc xe hủ tiếu, với nét đặc trưng riêng có
tính hoài cổ của người Hoa, mà không đề cập đến những hình ảnh được trang trí
trên mặt kính xung quanh xe, mô phỏng những điển tích cổ của Trung Hoa, như:
Tiết Nhơn Quý, Nhạc Phi, Đông Chu Liệt Quốc, Phong Thần, Tam Quốc Chí, Tây Du
Ký, v.v. mà hồi nhỏ tôi rất say mê ngắm nhìn, mỗi khi ngồi trước bàn xếp dài
dính liền theo xe cầm đũa sẵn để chờ đợi… Những hình ảnh sinh động này được
khắc khá rõ nét với nhiều màu sắc lòe loẹt.
Gần cuối thập niên 70, khi vừa đặt chân đến xứ lạnh Đức quốc không bao lâu, tôi
có sang khu Chinatown ở khu 13 bên Paris (Pháp) tìm đến bảng hiệu Hủ Tiếu Mỹ
Tho ăn thử cho biết, nhưng tôi rất thất vọng!
Ở thành phố lớn nhất Hà Lan là Amsterdam và Rotterdam, khu phố Tàu hoạt động
rất mạnh, có nhiều tiệm ăn bán hủ tiếu, nhưng mức độ thơm ngon vẫn chưa đạt
được tiêu chuẩn cao như hủ tiếu của thành phố Mỹ Tho năm xưa.
Mấy lần sang Mỹ châu đến các tiểu bang California, Texas, LA, Philadelphia, MA,
tôi đều không quên thăm viếng vài bảng hiệu Hủ Tiếu Mỹ Tho và những tiệm phở
nổi tiếng tại địa phương. Tình thiệt mà nói, không phải tôi là dân Mỹ Tho mà
luôn bênh vực cho những gì của quê nhà mình. Có lẽ tôi đi không tới và tìm chưa
được nơi nào có mùi phở thơm ngon đặc biệt như phở Hy Lạp, mùi hủ tiếu ngọt
ngào như hủ tiếu Hưng Ký hay của chú Phúc ngày nào chăng?
Bên Toronto, Canada, khu phố Tàu của người Hoa rất đông và ngành ẩm thực phát
triển vô cùng phồn thịnh. Nhiều tiệm ở đây nấu mì ăn ngon hơn mì của Phánh Ký
là nhờ nước lèo. Có tiệm xào mì còn thơm khói hơn quán mì xào dòn lộ thiên ban
đêm năm xưa, đã từng “vang bóng một thời” trước villa của chú Hỏa ở đường Hồ
Văn Ngà (Sài Gòn).
Nhớ lại lần đầu tiên sang thăm nhóm bạn chơi thân từ hồi nhỏ nơi quê nhà ở
Toronto. Các bạn dẫn tôi đến một tiệm ăn lớn bán đầy đủ không thiếu một món ăn
thuần túy nào của Trung Hoa và Việt Nam. Nhiều năm… "chết thèm" bên
trời Âu, trước hết tôi xực một tô Hủ Tiếu Mỹ Tho, nhưng mới ăn vài đũa liền
phải bỏ ngang vì dở quá! Sau đó tôi đã giựt giải “quán quân” về số dĩa và tô đã
ăn sạch được xếp chồng lên nhau, khiến các bạn tôi ngạc nhiên và cười vỡ bụng
cho tới bây giờ mỗi khi nhắc đến tôi.
Vài lần trở về thăm quê nhà, tôi đã đi khắp hết các nẻo đường góc chợ của thành
phố thân yêu để tìm lại dấu chân kỷ niệm năm xưa của mình. Việt Nam bây giờ
thay đổi quá nhiều! Qua lăng kính tâm hồn, tôi nhận thấy Mỹ Tho ngày nay không
còn vẻ đẹp hiền hòa của 30 năm về trước, nhất là về mặt xây cất nhà cửa và cơ
sở nhà nước đa số đều được đổi mới hoặc kiến thiết thêm. Người và xe gắn máy
tấp nập hơn xưa nhiều. Những tháng ngày về thăm gia đình, tôi thường yêu cầu
thân nhân dẫn tôi đến những hàng quán nào bán phở, mì và hủ tiếu ngon nhất để
“chấm điểm” lại. Tự nhiên tôi cảm thấy buồn buồn vì những hương vị thơm ngon,
đậm đà năm xưa nay đã bay mất từ lâu rồi.
Ngày xưa, tôi là đứa cháu… dễ thương nhất của những chú bác bán phở, hủ tiếu nơi quê nhà nhờ cái miệng… ăn hàng. Ngày nay
sống nơi xứ người, mỗi lần ăn hai món này ở bất cứ nơi nào cũng không vừa ý,
tâm trí tôi luôn tưởng nhớ đến hình ảnh các chú bác thân thương đó. Mãi đến bây
giờ, tôi vẫn còn rất thích ăn hủ tiếu, nhưng tìm đâu cho ra được đúng với hương
vị của Hủ Tiếu Mỹ Tho ngày xưa?
Huỳnh Quốc Minh (Tiểu-Minh) -
Germany
No comments:
Post a Comment