Pages

Friday, June 4, 2021

Khi Sinh Viên Nghèo Đi Du Lịch - Sương Lam

Bây giờ Portland bắt đầu vào Hạ và nước Mỹ bắt đầu khôi phục lại nếp sống cũ và nhiều người nghĩ đến chuyện đi du lịch trở lại. Tuy nhiên đi du lịch nước ngoài thì vẫn còn khó khăn vì đa số các nước trên thế giới chưa dám mở cửa lại các dich vụ du lịch và tiếp nhận khách du lịch từ nước ngoài vào nước mình vì tại nhiều nước người dân và khách nước ngoài vẫn chưa được chích vaccine đầy đủ.

Đa số các cơ sở, văn phòng du lịch ở Mỹ chỉ quảng cáo các chương trình du lịch trong nước Mỹ mà thôi.  Thôi thì bây giờ chúng ta tạm đi du lịch loanh quanh trong nước Mỹ từ tiểu bang này sang tiểu bang khác để gặp bạn hữu, thân nhân gia đình, như thế cũng vui rồi.

Thật tình vợ chồng người viết vẫn chưa dám tình chuyện du lịch trong nước theo các tour đã được ATNT Travel & Tours, AV Travel v..v.... tại Mỹ giới thiệu vì vẫn thấy chưa an toàn lắm khi phải tham dự với nhóm đông người, rồi phải đeo khẩu trang, rồi phải đứng cách nhau  6 Feet, rồi phải thế này, rồi phải thế kia v...v... Mệt thật!  Thôi thì chúng tôi tạm "dừng bước giang hồ" một thời gian xem sao rồi mới tính chuyện "tiếu ngạo giang hồ" tiếp cho chắc ăn.

Từ chuyện đi du lịch trong nước Mỹ trong giai đoạn hiện tại vì dịch Covid 19, người viết nhớ  lại kỷ niệm chuyến du lịch sang thăm gia đình thân nhân ở Florida khi chúng tôi còn là sinh viên  nghèo của trường đại học cộng đồng Portland Community College mấy chục năm về trước, nên xin được tâm tình với quý bạn hữu cho vui  nhé..

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng từng khuyến khích chúng ta mỗi năm một lần cần đi đến những nơi nào mình chưa đến để mở mang kiến thức, để thấy nhiều cảnh đời khác nhau và từ đó con người của mình cũng sẽ thay đổi về quan niệm sống hiện tại.

Tuỳ theo hoàn cảnh gia đình, sức khỏe và tài chánh cho phép, bạn và tôi có thể thực hiện những chuyến đi chơi những nơi khác nơi cư trú hiện tại cùng với người thân trong gia đình, cùng  với bạn bè nhưng  không nhất thiết là  chúng ta phải đi xa hay phải tốn kém nhiều vì đó là cơ hội để chúng ta sum họp gia đình, để nghỉ ngơi sau những ngày tháng làm việc vất vả, để những mối liên hệ tình cảm với thân nhân trong gia đình, với bạn bè  thêm gắn bó hơn.  Bạn đồng ý chứ?

Khi mới đến xứ Mỹ năm 1981, tuy vợ chồng chúng tôi là những “sinh viên nghèo” của trường Portland Community College, sống nhờ vào tiền “basic grant” của chính phủ và tiền “work study” ở nhà trường, chúng tôi vẫn có thể dành dụm tiền bạc, thu xếp thời gian được nghỉ trong lúc nghỉ hè làm một chuyến viễn du sang Florida để thăm gia đình bên “tướng công” của người viết bằng  phương tiện xe buýt Greyhound vào năm 1983.  Giá vé xe buýt Greyhound lúc đó rất rẻ chỉ có $99.00 một người cho một chuyến đi đến bất cứ tiểu bang nào dù gần hay xa trên đất Mỹ.

Chúng tôi đã phải đi 4 ngày 3 đêm trên xe buýt, ngủ qua đêm trên xe bus luôn vì xe buýt chỉ đổi tài xế lái xe khi dừng lại tại một tiểu bang nào đó chứ hành khách  thì vẫn ngồi y nguyên trên xe buýt đang đi.

Đến mỗi tiểu bang, xe dừng lại ở bến xe buýt cho hành khách xuống xe hay lên xe hoặc dừng lại tại một trung tâm buôn bán cho tài xế, hành khách nghỉ ngơi, ăn trưa,  làm công tác vệ sinh trong một thời gian ấn định  rồi lại lên xe tiếp tục cuộc hành trình dài vạn dặm.

Chúng tôi lúc đó còn nghèo nên đã phải cụ bị thức ăn: bánh mì chả lụa, thịt chà bông, trái cây, nước uống đem theo cho cuộc hành trình hoặc là ghé ăn “quoaloarement” ở những trạm xe dừng nghỉ. Tắm rửa thì tắm theo kiểu “tắm xẩm” nghĩa là lau rửa mình mẫy sơ sơ với khăn như khi mình bị bịnh vậy đó.

Dừng chân ở tiểu bang nào thì chúng tôi kêu “collect phone” để thăm hỏi bạn bè, thân nhân vì họ  đã qua Mỹ trước mình vào năm 1975 nên  họ “ngon lành” hơn mình một tí thì nhằm nhò gì việc trả tiền điện thoại “collect phone”  chuyện nhỏ này. 

Bận đi, khởi hành từ  Portland, Oregon chúng tôi đi theo lộ trình miền Nam nước Mỹ qua các tiểu bang California, Arizona, New Mexico, Texas, Louisiana, Mississippi,  Alabama, Georgia, Florida để đến thành phố Daytona Beach thăm  thân nhân bên chồng của người viết.  Dĩ nhiên là không có niềm vui nào bằng niềm vui anh chị em được gặp nhau sau cuộc đổi đời năm 1975.  Gia đình bên chồng tôi định cư ở tiểu bang Florida miền Đông nước Mỹ, gia đinh bên tôi định cư ở Oregon miền Tây nước Mỹ.  Chuyến xe buýt xuyên bang Greyhound đã nối liền tình cảm thân yêu Đông Tây gần lại với nhau.  Chúng tôi được anh chị chồng đưa đi thăm những nơi nổi tiếng ở Florida như Epcot, Disney World, Sea World, vv...


Vui sum họp gia đình 1 tuần lễ, chúng tôi phải trở về Portland.

Bận về chúng tôi cũng đi xe buýt Greyhound theo lộ trình miền Bắc xứ Mỹ qua các tiểu bang Georgia, Tennessee, Kentucky, Ohio, Indiana, Illinois, Iowa, Nebraska, Wyoming, Idaho rồi  trở về mái nhà xưa ở Portland.

Lại cũng phải ngồi xe buýt 4 ngày 3 đêm và làm các thủ tục y chang như bận đi, nghĩa là du lịch theo “kiểu nhà nghèo” chỉ tốn có $99.00 tiền xe buýt cho một người và đem theo thức ăn trong suốt hành trình.  Như vậy có thể nói là chúng tôi đã được du lịch vòng quanh nước Mỹ từ Nam tới Bắc, từ Tây sang Đông sang rồi, dù rằng với phương tiện xe buýt.  Chúng tôi đã ngắm nhìn và viếng thăm hầu hết những địa danh nổi tiếng trong hành trình xe buýt đi qua và dừng lại. Cũng vui thôi!

Trở về lại Portland, vợ chồng chúng tôi tiếp tục dùi mài kinh sử, ra trường, kiếm việc làm.  Ông xã tôi phải “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm chủ nhật, còn tôi phải vừa đi học vừa đi làm,  vừa chăm sóc con cái ăn học,  rất là khổ cực trong mấy năm đầu tạo lập cuộc đời mới từ con số không cho đến khi ổn định được cuộc sống.

Bây giờ sau mấy chục năm làm việc cực nhọc, làm tròn bổn phận công dân đóng thuế đầy đủ cho chính phủ, con cái đã có gia đình sự nghiệp riêng tư rồi, chúng tôi về hưu bắt đầu đi “ngao du sơn thủy” tận hưởng niềm vui tuổi già thì cũng tốt thôi.  Mai nầy sức khỏe yếu kém, có muốn đi chơi cũng chẳng được, phải không bạn?

Qua lời tâm tình trên đây của người viết thì du lịch cách nào, kiểu nào cũng có niềm vui của nó miễn là mình vui và hài lòng là được rồi.  Bởi thế người viết hay làm “dám đốc, dám xúi” bạn bè hãy vui hưởng cuộc đời của mình.  Cuộc đời vô thường mà.  Nghèo thì du lịch kiểu nhà nghèo, có tiền thì du lịch kiểu có tiền.  Không sao cả! “No Problem”.

Tuy nhiên để có thể được hưởng thụ những gì hay đẹp  trong cuộc sống hiện tại, bạn cũng như tôi phải đấu tranh gian khổ, chịu khó làm việc thì mới có thể  sinh tồn và phát triển mạnh mẽ được.  Bài học về con bướm mà người viết đọc được trong một diễn đàn người viết đang sinh hoạt theo thiển nghĩ, là bài học rất hay trong cuộc đời, người viết xin được chia sẻ với quý bạn để chúng ta cùng suy ngẫm nhé.

Cánh Bướm


Có một nhà chuyên môn sưu tầm các loài bướm. Ngày nọ, khi bước vào một công viên, ông đã gặp tổ kén lạ. Ông liền bứt cành cây đem kén bướm về nhà. Ít ngày sau, ông thấy nhúc nhích bên trong kén, nhưng con bướm vẫn chưa phá kén bay ra.

Hôm sau, kén lại nhúc nhích, nhưng chẳng có gì khác lạ. Lần thứ ba, vẫn thấy như trước, ông liền lấy dao rạch kén, thế là con bướm bay  ra ngoài. Tuy nhiên, bướm không tăng trưởng và chẳng bao lâu thì chết.

Sau này, ông được người bạn là nhà sinh vật học cắt nghĩa như sau: Thiên nhiên đă xếp đặt cho con bướm phải đấu tranh mới thoát ra khỏi cái kén, vì nhờ đấú tranh gian khổ mà nó có thể phát triển mạnh mẽ để sinh tồn.

Muốn làm cánh bướm bay trên ngàn hoa rực rỡ, bướm phải làm kiếp sâu lặng lẽ, cô tịch trong vỏ kén lặng lờ, khuất nẻo. Muốn làm con bướm bay trong bầu trời xanh ngắt, bướm ….phải là con sâu đen đủi xấu xa, vặn vẹo đau đớn trong tổ kén đợi chờ.

(Nguồn: trích trong Diễn đàn Hướng Về Chúa)

Xin mời quý Bạn đọc thêm một câu chuyện khác về con bướm nhé được kể lại theo cách khác:

Con Bướm

Một người nọ tìm thấy một cái kén của con bướm. Anh ta nhận thấy cái kén này bắt đầu được cắn rách, sâu bướm bắt đầu bò ra. Quan sát một hồi lâu, anh thấy con sâu bướm cố hết sức lách thân mình qua lỗ hổng mà không được. Rồi con sâu có vẻ ráng hết sức mà không lọt ra nổi và nằm im như chịu thua. Động lòng thương, người nọ muốn giúp con sâu bướm, anh ta lấy mũi kéo nhỏ cắt vết rách của cái kén để sâu bướm ta vượt ra ngoài dễ dàng. Sau khi sâu bướm ra khỏi kén thì thân hình lớn ra nhưng đôi cánh thì lại nhỏ. Người nọ cố chờ xem con bướm có thể phát triển thêm ra không và mong rằng đôi cánh kia có thể nở rộng thêm để bướm đủ sức bay đi.

Than ôi, vô ích! Con bướm đã bị trọn đời tàn tật, lê lết với chiếc cánh nhỏ bé không thể bay đi được.

Người nọ vì lòng thương mà hấp tấp làm hỏng cuộc đời con bướm. Anh không biết là luật tạo hóa bắt buộc con sâu bướm phải tự phấn đấu để vượt ra khỏi lỗ nhỏ của cái kén. Trong lúc phấn đấu đó, huyết mạch sẽ được luân lưu từ thân mình cho đến đôi cánh và sau khi vượt ra khỏi chiếc kén, bướm ta mới có đủ sức vươn đôi cánh lớn ra mà bay bổng.

(Nguồn: trích trong website Old Cottage- Vào Thiền)

Tóm lại, muốn sống một cuộc đời tươi đẹp hôm nay thì chúng ta phải tự phấn đấu khắc phục những trở ngại trong quá trình đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Bạn đồng ý chứ?

Hiện tại vợ chồng người viết sống an vui với Một Cõi Thiền Nhàn nhỏ bé của hai người "không còn trẻ nữa" chúng tôi với hình ảnh "bên anh cắt cỏ, bên nàng trồng rau" vì chúng tôi vẫn chưa dám tung tăng đi ăn bên ngoài  như trước đây và người viết chỉ  đi chợ 2 tuần một lần nên những chậu rau, chậu hành trồng ở nhà  đôi khi rất cần thiết cho những tô canh, diã thịt do người viết nấu ăn ở nhà.  

Tôi tìm lại những hình ảnh hoa thơm cảnh đẹp vườn nhà chúng tôi, hình cũ của gia đình, của bạn bè, rồi thực hiện những youtube đầy tình cảm gia đình, tình cảm bạn bè để chia sẻ với bạn bè, với người thân gia đình. Chúng tôi cũng đã tìm được niềm vui bình dị khi ở nhà  thay cho những giờ phút tung tăng du lịch nơi xứ lạ đường xa như những năm trước đây. Vui hay không là do Tâm của mình cảm nhận, người viết nghĩ thế.

Xin mời quý thân hữu thưởng thức Youtube Một Cõi Thiền Nhàn Mùa Hạ - SuongLam Portland do người viết thực hiện để cùng với vợ chồng người viết đón chào mùa hè sắp đến nhé. Tôi xin đa tạ quý thân hữu.


Mời xem

Youtube Một Cõi Thiền Nhàn Mùa Hạ SươngLam Portland

https://youtu.be/iz7nh nhé.

9bDjUUYU 

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

 (Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-  MCTN 565-ORTB 990-622021)    

Sương Lam

Website: www.suonglamportland.wordpress.com

http://www.youtube.com/user/suonglam

https://www.pinterest.com/suonglamt/

1 comment:

  1. Cám ơn Tố Kim đã post tâm tình "Khi sinh viên nghèo đi du lịch" của chị SL lên Blogspot của em. Kỷ niệm đặc biệt của cô sinh viên Sương Lam "Thuở hàn vi học PiCiCi" không bao giờ chị quên được, em ơi.
    Chị có viết nhiều bài tâm tình, bài thơ về cuộc đời sinh viên nghèo khi trở lại học đường xú lạ để thấy qúy yêu cuộc sống của mình và cuộc sống tự do nơi xứ người của mình hơn nữa
    Ai cũng đã trải qua giai đoạn khó khăn buổi ban đầu, em cũng vậy, phải không em?

    Bây giờ anh chị đã an vui trong Một Cõi Thiềnn Nhàn của anh chị và chỉ xin cầu nguyện có sức khỏe tốt để thực hiện những gi có thể làm lợi mình, ích người là tốt lắm rôi.
    Chúc sức khỏe va an vui nha em.
    Love,
    Chị Sương Lam

    ReplyDelete