Pages

Tuesday, June 1, 2021

Tên Vận Vào Người - Vũ Trà My

 

Hình minh họa

Có câu chuyện vui về tên gọi như thế nầy...

Trong một buổi họp phụ huynh học sinh ở một trường nọ. Lúc chờ đến giờ họp, các phụ huynh có mặt ngồi quây quần nghe một bà hoạt bát kể chuyện góp vui, giọng bà ta rang rảng kể " Tui có kinh nghiệm về chuyện đặt tên cho con lắm nghen mấy chị .Hồi đó tui đọc ở một cuốn sách nói về tâm lý của cha mẹ khi đặt tên con. Phần đông bậc cha mẹ khi có một sự kỳ vọng nào đó, mà đời của mình chưa có được thì họ sẽ thể hiện ước muốn đó lên trên cách đặt tên cho con của mình.  

Đọc xong ngẫm nghĩ tui thấy cái ông tiến sĩ viết quyển sách nầy nói thật chí lý ..Lấy ví dụ như tui nè ..Tui sinh ra bẩm sinh hỏng được trắng lắm , người ta nói tui có làn da bánh mật, ngó không bắt mắt. Nên khi tui ngó ai có da mặt trắng trẻo tui bắt thèm lắm. Vì vậy khi tui sinh con gái , tui liền đặt tên cho nó là Bạch Tuyết ngay ...để mong nó sẽ có được một làn da trắng trẻo mịn màng, giống như tui ao ước..."  

Bà phụ huynh ngồi bên cạnh ngắt lời " vậy chứ rồi con chị da mặt có được trắng không ? " bà huyên thuyên trả lời " Trắng chứ sao hỏng trắng ..còn mịn màng hơn trứng gà bóc nữa đó nghen chị " Và như để chứng minh cho khám phá cộng kinh nghiệm của mình được xác thực, tự dưng bà nhỏ giọng." Đó mầy chị thấy cái thằng cha ẻo lả, ốm nhom ốm nhách mặc áo chim cò ngồi ở hàng ghế số ba đó không ..Đó cái thằng cha mặt xanh lè nhó xíu con, gió thổi muốn bay luôn đó .Vậy chứ mà khi vợ thằng chả sinh đôi hai thằng con trai .Thằng chả mừng quá bèn đặt tên con thiệt khí thế là Hùng Cường và Hùng Dũng đó nghen " Bà ngồi bên hỏi " Sao chị biết? " "Thì thằng chả ở trong xóm của tui chứ đâu "...Rồi đổi giọng " Vậy chứ con mẹ hội trưởng hội phụ huynh trường nầy năm nay, mầy chị biết chứ gì ..đó con mẹ mặc áo đỏ đang lăng xăng chạy tới chạy lui, ụt ịt như vịt xiêm la đó, cái dáng người đi đứng chẳng sang trọng chút nào hết. Chắc vì vậy mà khi có con gái, con mẻ đặt tên con mình là Trang Đài liền, con nhỏ nầy học chung lớp với con gái tui , nên tui biết. Kể ra thì dáng dấp của nó cũng đở hơn má nó nhiều "  

Rồi bà huyên thuyên quay sang bà bên cạnh tự giờ đối đáp hỏi han xôm tụ cho câu chuyện kể của mình " Thế thằng con trai nầy của chị , chị đặt tên gì vậy , nói thử tui nghe là tui có thể đoán được tâm nguyện của chị liền ? " Bà nọ đứng phắt dậy , mặt hầm hầm dắt tay con trai lôi đi, gằn giọng " Thôi ! đi về Cu "

                                *************************

Câu chuyện nầy làm tui ngẫm nghĩ lại tên của anh chị em của tui. Tía má tui dân nhà quê học hành chẳng tới đâu, chữ nghĩa chưa đầy lá mít.  Quanh năm suốt tháng cứ quanh quẩn trong làng quê.  Chổ đi xa nhất trong đời của họ là chợ Long Xuyên mà thôi- sau khi lội 1 một chuyến xe lam- một chặng phà mới tới được cái chợ bự quá xá bự đó. Kể như thế để thấy cái tầm hiểu biết tía má tui hơi bị hạn hẹp. Vậy mà khi đặt tên cho đám con lúc nhúc 10 đứa của mình .. 


Hai ông bà không biết nghỉ sao- bàn bạc với nhau như thế nào- hoặc được ai mớm cho một khẩu hiệu thật hoành tráng để đặt tên đám con là " KỶ NIỆM MUÔN NĂM THÀNH CÔNG RỰC RỠ HẾT BIẾT " Trai gái gì cũng mặc, cứ ra đời là hứng lấy tên của dãy khẩu hiệu đó. Ban đầu dãy khẩu hiệu chỉ dừng đến 8 chử “ Kỷ niệm muôn năm thành công rực rỡ” thôi. Ai dè vì quá rực rỡ,  nên cặp song sanh của Tía Má tui mới được 3 tuổi thì tui cất tiếng khóc chào đời tiếp theo. Đến khi tui xuất hiện- thì tía má tui coi bộ đã oãi lắm rồi- vì bầy voi sản sinh vượt bực nầy. Trong khi đám cỏ ở nhà thì càng ngày càng heo hút, nên ông bà đặt tên tui là Hết. Và tên cái tên Hết của tui còn kèm thêm khuyến mãi chử Út ở đầu tên nữa chứ ! Út Hết, như niềm hy vọng tui là con út và chấm hết cho loạt trứng phong phú của má tui đã tượng hình. 

Tuy vậy- ông Trời cũng trêu ngươi- phụ lòng mong mõi của Tía Má tui. Ăn thôi nôi tui xong là tháng sau nhà tui lòi thêm thằng nhỏ nữa. Tui đồ rằng lúc đó dãy khẩu hiệu hoành tráng kỳ công của ba má tui chắc bị khựng lại tắc tị. Hết thì hết cái gì đây?  Để còn có thể tiếp nối được dãy khẩu hiệu hoành tráng trên đúng ý nghĩa. Thế là thằng em tui có một cái tên Biết thật ngẫu nhiên. Đúng vậy! "hết biết" là tĩnh từ để chỉ một trạng thái ngất ngây, khó có thể nào diễn tả nỗi. Thằng Biết ra đời và chấm dứt luôn sự nghiệp sanh nở của má tui vì lần đó, bà bị băng huyết thập tử nhất sanh. Để cứu bà mẹ mắn đẻ cực kỳ nầy, nhà hộ sinh đã phải cắt bỏ luôn tử cung của Má tui. Bởi vậy nó mới là út thứ thiệt, chứ không phải loại út dzõm như tui ! Út Biết sanh ra khó nhất trong mấy anh chị em. Má tui nằm mẹp trên giường bệnh sau khi mổ, nên không có sữa cho con bú . Út Biết chỉ được uống sữa lon hiệu con chim, rồi dặm thêm nước cơm bỏ chút đường thôi. Chắc vì vậy mà Út ốm o , nhỏ xíu con nhất trong đám anh chị em tui.

Sau khi Út Biết được 3 tháng tuổi- còn tôi lẫm chẫm biết đi- thì má tui chết bỏ lại đàn con khẩu hiệu cho tía tui nuôi. Lúc đó một tay chị Tư Muôn nuôi nó, nên sau nầy nó ưa gọi đùa chị Tư là Má Tư thay cho đám con của nó. Chắc là nó cũng nhớ đến công lao của chị Tư thay má chăm sóc nó. Từ lúc Má chết ,hai anh lớn của tụi tui phải bỏ học cùng với tía còng lưng ngoài ruộng làm công việc đồng áng cả ngày thật cực nhọc để lo cho cả nhà. Việc quán xuyến trong nhà là một tay của chị Tư Muôn chỉ đạo 3 chị Bảy Công, chị Tám Rực và chị Chín Rỡ lo.

Kể ngược lại thành tích của dãy tên khẩu hiệu trong gia đình tôi. Nên bắt đầu từ thằng em út Biết của tụi tui trước tiên, đó một thằng lừng lẫy hết sức trong dòng họ. Nó tên Biết nên cái gì cũng biết hết. Chã trách là chỉ mới 12 tuổi đầu nó đã vượt cái làng quê Mỹ Luông nghèo của tụi tui dông tuốt qua Long Xuyên học trường công Thoại Ngọc Hầu. Học môn gì cũng hạng nhất, học giỏi đến mức năm nào cũng có học bổng. Rồi nó đậu tú tài ưu hạng toàn quốc được bằng khen và đặc cách đi du học thẳng qua Hoa Kỳ. 

Lúc nó đi du học , thì tía tui đã chết một năm rồi. Nên khi đưa nó đi xa chỉ có anh Hai Kỷ của tui chân còn lấm phèn dẫn chị Tư Muôn lên Sài Gòn tiễn nó thôi. Nghe kể lại nó nhỏ con- đứng lọt thõm trong đám người đưa tiễn- thiệt là tội nghiệp hết sức . Ra đi chỉ có cái valy nhỏ xíu xin của người bà con, trong đó có mấy bộ đồ viện trợ rộng thùng thình mang theo vì nghe đâu xứ sở đó lạnh lẽo lắm. Thắng Biết qua bên Mỹ học hết lớp luôn ( Nghe nó kể lại như vậy ) và nó lấy một con vợ đầm người gốc Châu Âu, đứng cao hơn nó hẳn một cái đầu. Thằng Biết được 2 thằng con song sinh đặt tên gì thiệt là khó kêu hết sức. Tui chỉ biết tên hai đứa cháu lai của tui đọc trại ra là thằng Dọt và thằng Dắc ( George và Jack ).  

Út Biết bây giờ cũng có thêm cái tên Mỹ khó kêu hơn nữa, nhưng để cho chắc ăn tui cứ gọi tên cúng cơm của nó là thằng Biết cho xong chuyện. Sau nầy thằng Út Biết gửi giấy bảo lãnh cho anh em nhà tui qua bên đó sum họp với nó. Nhưng anh Hai Kỷ , anh Ba Niệm, chị Tư Muôn và tui thì hỏng chịu đi.

Anh Hai Kỷ làm sao mà bỏ lại được thằng con trai độc nhất đích tôn của dòng họ nhà tui ở lại một mình được, vì nó đã quá tuổi để được bảo lãnh đi Mỹ rồi. Vã lại của cải tài sản của ảnh bao la bát ngát ở đây - ăn tới đời cháu cũng chưa hết- nên đi qua Mỹ làm chi. Anh Hai của tui tính tình kỹ lưởng , làm ăn tính toán hơn thiệt rõ ràng cộng với chuyện chắt chiu chí thú cần cù như vậy. Sau mấy chục năm lao động, ảnh trở nên giàu có là chuyện đương nhiên thôi.

Còn anh Ba Niệm của tui thì ăn chay trường từ nhỏ, bây giờ ảnh đang trụ trì một cái chùa nhỏ ở Châu Đốc. Cuộc đời trôi đi êm ã theo sự tụng niệm kinh kệ hàng ngày. Anh tui chỉ biết lấy nguồn vui là ngày ba bửa thắp nhang cúng cơm cho tía má và đứa em vắn số thứ năm. Anh Năm tui tên Năm, chắc vì vậy mà ảnh sống chỉ được tròn năm là lo đi về cõi khác vì chứng bệnh thương hàn. 

Riêng với chị Tư Muôn của tui thì số chị ấy mới là khổ ải. Cả một tuổi xuân để dành lo cho đám em- chăm sóc cho mấy đứa em - rồi còn dựng vợ gả chồng cho đám em nữa. Nên trong nhà tụi tui,  ai cũng nể sợ và nghe lời chị ấy lắm. Chị Tư Muôn như cái tên vận lấy con người - chỉ ôm đồm muôn chuyện - từ chuyện lớn chuyện nhỏ ..Tài chính trong nhà khi còn sống, tía tui giao hết cho chị Tư nắm giử. Đến lúc anh Hai Kỹ lập gia đình- mang tiếng là có chồng giàu có- nhưng chị dâu tui chỉ biết đi chợ nấu ăn và sinh con thôi. Tiền bạc trong nhà bây giờ là anh hai tui giao hết cho chị Tư giử và lo phụ với ảnh chuyện làm ăn. 

Giờ về già chị Tư Muôn thân một mình, không chồng con còn ôm thêm muôn thứ bệnh hoạn đi theo. Từ tiểu đường; cao huyết áp; cao mỡ trong máu thêm bướu cổ;  phong thấp nữa. Còn bệnh lặt vặt thì kể không xuể. Ngẫm ra chị Tư Muôn như cái đèn bị sử dụng quá sức, lụn bấc tàn hơi, giờ chỉ còn chờ ngày giờ theo tía má tui mà thôi.

Còn về Anh Sáu Thành và ba bà chị Công, Rực, Rỡ của tui theo Út Biết qua Mỹ cũng hơn 25 năm rồi ..Tên của họ cũng vận vào con người họ. Anh Sáu của tui là chủ một chuổi nhà hàng Việt Nam bên Mỹ, ảnh có tên trong danh sách những Việt Kiều thành công trên đất Mỹ đó nghen.  

Chị Bảy Công thì học ra cái bằng bác sĩ của Mỹ chuyên trị bệnh lú lẫn của người già .Chị Bảy tui về thăm nhà đâu được vài lần. Chỉ nói tiếng Việt cứng đơ thiệt là tức cười hết sức, chả bù cho hồi xưa chị đội rổ bắp đi bán đầu làng cuối xóm với giọng rao lảnh lót ai cũng khen là tốt giọng. Lâu lâu muốn bà con ủng hộ mua nhiều để mau xong buổi bán hàng, chị Bảy tui đâu ngượng ngùng gì mà không xuống xề vài câu vọng cổ ngọt lịm ..thế là bà con bu lại nghe rồi mua ủng hộ vài trái bắp. Chẳng mấy lúc mà cái rổ bắp bự chảng hết trơn luôn. Trong nhà chị Bảy tui siêng học nhất. Đi bán hàng rong một buổi , còn một buổi đi học .Tuy cực khổ như vậy chứ chị Bảy học hành chăm chỉ lắm, luôn luôn đứng đầu lớp học. Lúc còn ở VN chỉ đã học đến năm thứ nhất trường y khoa ở Cần Thơ rồi. Sau đó chị Bảy theo Út Biết qua Mỹ, lại cặm cụi học tiếp. Học miệt mài cả chục năm mới lấy được bằng Bác sĩ ở Mỹ. 

Còn hai bà chị sinh đôi Rực Rỡ của tui thì số phận họ dính liền với nhau, thiệt ngộ. Hai chị tui đẹp nhất trong làng. Ai cũng nói hai chị tui gom hết những cái đẹp của tía má tui cộng lại để hiện lên vẻ mặt như trăng rằm rực rỡ của họ. Tuy đường học hành của hai chỉ không được sáng lạn lắm vì nhà quá nghèo không đủ sức lo, hai chỉ học hết lớp 9 thì đã thôi học. Bù lại, trời tặng cho đường nữ công gia chánh của hai chị tui thì thật là khéo léo tinh xảo. Chỉ cần ăn qua món ăn lạ ngon nào- dẫu cầu kỳ đến đâu hai chỉ cũng nấu lại được- có khi còn thêm thắt gia vị khiến món ăn đó tăng phần ngon miệng hơn. Còn cắt may thêu thùa , móc đan thì khỏi phải nói: khéo léo và đẹp lắm.  

Tiếng lành đồn xa , khách đến may quần áo đông nườm nượp. Hai chị của tui mở một tiệm may ở Mỹ Luông sau nầy còn mở thêm một tiệm ở Long Xuyên nữa. Kỳ đấu xảo nào của dịp lễ Hai Bà Trưng ở tỉnh, ban tổ chức hội chợ đều cầy cục qua tận Mỹ Luông mời cho đựơc hai bà chị của tui làm giám khảo chấm thi nữ công gia chánh hết. Nhưng khi hai chị Rực Rỡ qua tới bên Mỹ rồi thì số phần của hai chỉ còn gặp thời hơn nữa, giống như lân gặp pháo đã đúng dịp để trổ tài. Mấy nhà hàng của anh Sáu tui mà thành công và được nhiều thực khách chiếu cố cũng nằm trong chiêu bài nấu nướng của hai chị tui đó. 

Sau nầy chị Chín Rỡ còn mở một công ty thiết kế thời trang, cũng rất thành công ở xứ người lắm. Riêng chị Tám Rực của tui thì còn trung thành với mấy cái bếp ở chuỗi nhà hàng của anh Sáu thôi. Mà bây giờ chỉ đâu có nấu nữa, dưới tay chị có dàn thợ bếp gần chục người, Việt có Mỹ có nghe lời chị tui răm rắp. Hàng ngày làm việc, chị Tám tui chỉ có việc chỉ tay năm ngón để đám thợ nấu nướng theo sự chỉ đạo của chỉ mà thôi.

Đảo một vòng đã điểm danh hết các anh chị em của tui rồi, vậy chứ riêng tui thì sao ? Kể ra thì dài dòng lắm, nhưng quả thật cái tên Hết vận vào người tui ngược ngạo thiệt kỳ lạ. Tía Má tui đặt cho tui cái tên đó chỉ có ước muốn chấm dứt chuyện nhiều con cái thôi, mà giờ đối với tui thì khác ..Tui đang mang bầu đứa thứ mười đây....mà đám con tui, lúc nhúc nối đuôi nhau năm một ra đời khoẻ khoắn , đứa nào cũng mạnh cùi cụi. Chồng tui cứ khen sao thấy tui càng sinh nở càng trẻ ra như rắn lột xác vậy. Nên ông mê tui lắm, cứ cơm nhà quà vợ tít mắt thôi ...

Tuy ổng bán buôn cực khổ vậy chứ về nhà là răm rắp phụ tay với chị Tư của tui lo cho đám con. Sau nầy khi chị Tư yếu rồi. thì nhà tui phải mướn đến hai người làm mới xuể hết công việc ở nhà . Ổng cứ lăng xăng hụ hợ với họ mới lo xuể cho đám con gần một tiểu đội nầy. Vì tui cứ đều đặn bận mang bầu ; bận thèm chua ; thèm ngọt nên được ưu tiên ở không ..lo viêc sinh nở mà thôi.

Lúc nhỏ trong nhà tuy nghèo thiếu trước hụt sau , nhưng phận tui út ít, nói đến lo lắng chuyện tài chính trong nhà chắc chưa đến phần lo của tui đâu. Tuy tui sống trong nhà đông anh em đến như vậy, nhưng rất thảnh thơi.Tui chỉ có việc lo đi học mà thôi. Đến năm tui 20 tuổi thì anh Hai, chị Tư nhận trầu cau của ông Chệt Ba goá vợ ngoài chợ Mỹ Luông để gả tui cho ổng .  

Anh Hai nói tuy mắc một đời vợ nhưng ổng không có con cái gì để làm khó cho tui sau nầy. Ông chồng tui lớn hơn tui đến 10 tuổi, nhưng ngó ổng rất mạnh khoẻ,trẻ trung đi chung với tui rất xứng đôi vừa lứa. Còn chị Tư của tui đồng ý gả tui cho ổng là vì ổng giàu có, sản nghiệp vững chắc, và tui khỏi phải làm dâu vì ba má chồng tui khuất núi từ lâu rồi. Có anh chị tui hậu thuẩn vững chắc như vậy , tui ung dung về làm vợ ổng một cách ngon lành và bây giờ tiếp tục làm cái máy đẻ sản sinh ra đám con Tàu lai họ Khổng cho dòng họ chồng tui nối dõi. Chuyện có " hào con " vượt bực nầy, khiến chồng tôi vô cùng hãnh diện và thật mãn nguyện. 

Đông con nhưng tui không đi theo vết xe của tía má tui dọn sẳn một khẩu hiệu tên con đâu. Trái lại chuyện đặt tên con, tui giao cho ông chồng tui đãm trách. Ông Chệt Ba tuy là người làm thương mại, nhưng ổng rất sính văn chương chữ nghĩa. Sắp có một đứa con nào ra đời- ổng đều giở sách ra nghiên cứu về ý nghĩa điển tích của cái tên gọi- khiến ai nghe cũng tấm tắt ngợi khen hết. Đó cũng là một thái độ trân trọng chào đón đám con cái của ổng, khiến tui cũng ấm lòng về sự ân cần nầy. Nên tui nguyện với lòng mình cứ sinh nở cho đến lúc nào hết trứng thì thôi...

Nhưng bây giờ tui chưa  bàn thêm về tên đặt của đám con xây lố cố của tui đâu, mà chỉ ngẫm nghĩ về tên gọi của mấy anh chị em nhà tui thôi .Tên vận vào người? Trong một ý nghĩa tương đối nào đó, áp dụng thật đúng quá cho trường hợp của đại gia đình tui bây giờ?


Vũ Trà My

No comments:

Post a Comment