Pages

Monday, July 5, 2021

Có Nên Tiêm Vắc Xin Ngừa Covid-19 Không? - BS. Võ Xuân Sơn


Nhiều người nhắn hỏi tôi, có nên chích ngừa Covid-19 hay không. Có người hỏi AstraZeneca là vắc xin của nước nào… Các bạn đi tiêm vắc xin hôm nay chia sẻ biên bản, trong đó có nhiều người không dám tiêm, ghi vào biên bản “sợ biến chứng”, “sợ biến chứng gây chết”, hoặc “sợ chết”…

Hôm nay, tôi viết bài này, mục đích để khuyên các bạn hãy tiêm vắc xin.

Cho đến giờ, vắc xin được coi như vũ khí duy nhất giúp bạn chống lại Covid-19 hiệu quả về lâu dài. Có thể virus vẫn xâm nhập vào cơ thể bạn, nhưng khả năng gây bệnh của nó sẽ kém hơn.

Vừa qua, với 52 người tiêm vắc xin của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM bị nhiễm virus Covid-19, chỉ 1 người có triệu chứng. 

Tôi không theo dõi sau đó, nhưng tỷ lệ đó là thấp, rất thấp. Trong khi đó, nhiều người vẫn còn bàn cãi những nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới vẫn chưa ở giai đoạn miễn dịch sau chích ngừa tốt nhất. Chưa phải lúc tốt nhất mà đã được như thế, thì rõ ràng là vắc xin có hiệu quả rất tốt.

Các nghiên cứu bài bản của các nước phát triển đều cho thấy, vắc xin giúp giảm số người có triệu chứng, tức là giảm khả năng bị bệnh. Những người nhiễm virus không có triệu chứng trên thực tế không được coi là bị bệnh (hiện Việt Nam đang coi họ là bệnh nhân, bắt buộc nhập viện), họ chỉ là người lành mang virus.

Chỉ những người có sốt, ho, đau họng… mới được coi là bị bệnh, hay mắc Covid-19. Trong số những người đã tiêm vắc xin, bị nhiễm bệnh Covid-19 (dương tính với virus và có triệu chứng), các nghiên cứu cũng cho thấy vắc xin làm giảm khả năng bị bệnh nặng, giảm tỷ lệ trở nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Như vậy, cần chích ngừa quá đi chứ, sao lại từ chối?

Tiêm vắc xin có biến chứng gì không? Có. Thực ra, sốt nhẹ, nhức mỏi cơ thể trong một hai ngày đầu sau tiêm là chuyện bình thường, không coi là biến chứng. Có lẽ cái mà mọi người cần sợ là sốc phản vệ. Thực ra, nếu sốc phản vệ mà được phát hiện và xử lý kịp thời thì khả năng nặng và chết người cũng rất ít.

Trong thành phần các đội tiêm phòng của TP.HCM lần này đều có bác sĩ phụ trách việc xử lý biến chứng, đặc biệt chú trọng đến sốc phản vệ. Tất cả các đội đều cử bác sĩ có khả năng cấp cứu phụ trách việc này, lại được tập huấn thêm một lần nữa trước khi thực hiện tiêm. Đặc biệt, đội nào cũng có sẵn các đơn vị thuốc chống sốc mang theo đầy đủ.

Biến chứng đông máu gây tử vong sau khi chích ngừa là có thật. Tuy nhiên, về tỷ lệ thì vô cùng thấp. Khả năng chích ngừa xong rồi chết còn thấp hơn khả năng trúng số độc đắc. 

Một vấn đề nữa là hiện nay, trong đợt tiêm vắc xin lần này ở TP.HCM, là vắc xin AstraZeneca. Các bạn có thể kiểm tra tính chính xác trước khi tiêm, cả tên vắc xin lẫn hạn sử dụng. Hãy đừng sợ ai đó tráo đổi vắc xin. Tôi tin là tất cả các đội tiêm phòng từ các bệnh viện và phòng khám, tư nhân hay công lập, đều không ai làm cái việc đó.

Còn có người hỏi AstraZeneca là của nước nào. AstraZeneca là của Anh và Thụy Điển. Anh là một trong những nước có nền y học phát triển hàng đầu thế giới. Thụy Điển cũng có nền khoa học thuộc top đầu thế giới. AstraZeneca là vắc xin được nghiên cứu và công bố nghiêm túc các nghiên cứu trước khi được phê chuẩn dùng để chích ngừa.

Ngoài việc có lợi cho bản thân các bạn, vắc xin còn giúp tạo ra được miễn dịch cộng đồng. Khi ấy, virus SARS-CoV-2 sẽ không còn đáng sợ, chỉ còn giống như cảm cúm thông thường. Sẽ không ai có lý do gì để giăng dây, cách ly, phong tỏa. Chúng ta sẽ lại vui vẻ đi hớt tóc, tập thể thao, bơi lội, xem phim, xem đá banh, nhậu chung với nhau...

Mặc dù nhân viên y tế là đối tượng đầu tiên được ưu tiên tiêm vắc xin nhưng cá nhân tôi vẫn chưa được tiêm. 30 người trong số 48 nhân viên phòng khám của tôi, bao gồm cả tôi, tiến sĩ y khoa và cả điều dưỡng trưởng, cử nhân điều dưỡng, đều chưa được tiêm. 

Tất cả nhân viên y tế không phải bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y khoa ở các phòng khám đa khoa tư nhân và toàn bộ nhân viên y tế, kể cả bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y khoa ở các phòng khám chuyên khoa tư nhân, ở TP.HCM (con số này có thể là hàng chục nghìn người), còn chưa có kế hoạch được tiêm vắc xin. 

Thời gian trước đây, một số người, dù không thuộc diện ưu tiên, nhưng cũng cố gắng móc nối để được tiêm vắc xin. Thế thì, khi các bạn được tiêm vắc xin một cách quang minh chính đại, lại là AstraZeneca, sao lại từ chối?

Bác sĩ Võ Xuân Sơn

No comments:

Post a Comment