Pages

Friday, July 16, 2021

Khen Con Khoe Cháu - Trương Thành Sơn

 

Bà Mậu rất nhiều chuyện để khen con trai, con dâu, cháu nội, ai đến bà cũng có chuyện để khoe. Hôm nay có sự kiện đặc biệt, đó là bà Khuyên, bạn từ thời để chỏm từ Mỹ về nước, đến thăm, nên bà sẽ còn kể không chỉ một mà hàng chục chuyện về sự hiếu thảo của con trai, sự ngoan hiền của con dâu và sự thông minh khác người của thằng cháu đích tôn. 

Vừa đến nhà bà Mậu, bà Khuyên đang bức xúc việc “bị đi tù ở Xứ Sở Thiên Đường Mỹ quốc”, nên cứ thao thao kể chuyện Mỹ, khiến bà Mậu mãi vẫn chưa khoe được. Để chuyển sang chuyện của mình, bà Mậu hỏi khéo:

- Thế bà không ở Mỹ mà hưởng những dịch vụ tiên tiến à? 

- Tiên tiến nào chẳng biết, suốt ngày phải ở nhà một mình, con cái đi làm rồi đi tụ họp bạn bè đến đêm mới về, cháu cũng hết học lại các hoạt động xã hội khác. 

- Thì mở TV xem cho vui chứ? 

- TV Mỹ thì tiếng xì xồ mình có hiểu gì đâu. TV Việt Nam xem trên “áp” thì lệch múi giờ nên rất ít lựa chọn. 

- Thế không ra ngoài tập tành cho thư giãn à? 

- Có dám ra đâu, người ta nói tiếng Mỹ xì xồ chẳng hiểu, lại còn sợ bị tấn công kỳ thị người gốc Á nữa. 

- Thế cũng khổ, bà nhể? 

- Ừ điều kiện vật chất thì có thiếu đâu, nhưng ở Việt Nam giờ cũng chẳng thiếu, lại có bạn, có bè vui như hội suốt năm này tháng kia. 

Đang chuyện vui thì đứa cháu nội bà Mậu đi học về. Thời cơ để khoe cháu đây rồi, bà Mậu gọi cháu lên để chào bạn. Nó giậm chân bình bịch vì không hài lòng, nói giọng nặng như chì:

- Chào b-à-à-à! 

- Bố mẹ cháu xin cho cháu đi học ở trường Quốc tế đấy bà ạ. 

- Học bằng tiếng Anh à cháu? 

- Vâng! 

- Bố mẹ cháu giỏi lắm, mẹ làm cho công ty ép-đê-ai (FDI) thu nhập cao lắm, tính bằng uy-ét-đi (USD); bố làm ở quận uỷ, tương lai đầy triển vọng. 

Thằng cháu nói chen vào:

- Cao đâu mà cao, tính ra tiền Việt Nam chỉ có mấy chục triệu đồng mỗi tháng. 

- Thế là cao chứ cháu? 

- Không, mẹ cháu bảo với bà ngoại rằng “Cầu trời cho bà nội nhanh “đi”, để khi đó bố mới giàu được, mới làm theo ý mình được”. 

Bà Mậu tái mặt, nhưng nói cố lái đi bằng cách biến thành chuyện đùa:

- Bà “đi” là đi đâu, cháu? 

- Là chết ấy, thế mà bà không biết à? 

- Hì hì, bà còn lâu mới “đi” để bố mẹ mày giàu, nhé. 

- Chưa chết thì bà cũng sẽ phải đi trại dưỡng lão. 

- Cái gì? 

- Bố cháu liên hệ rồi, sẽ đưa bà vào trại dưỡng lão để nhà cháu đi du lịch thoải mái. 

Lúng túng, choáng váng, bà Mậu vội đẩy thằng cháu vào phòng riêng của nó, nhưng nó vẫn ngoái lại nói với bà Khuyên:

- Bố bảo với mẹ cháu là “bà đi trại dưỡng lão là để bà không bị sốc thôi chứ giấy tờ xong hết rồi, anh đã toàn quyền về nhà cửa rồi. 

Trong đầu bà Mậu như có luồng điện chạy rần rật, bà nhớ lúc thằng con nói khéo để bà ký cái giấy uỷ quyền làm thủ tục về chủ quyền nhà đất. 

Khi ấy nó bảo:

- Tổ sư cái bọn tư bản giãy chết, con đi làm thuê cho nó mà nó vẫn bắt chứng minh tài chính, để cầm đằng chuôi. Nếu mình lỡ làm thiệt hại gì của nó là nó có cái để bắt đền. 

- Thì không làm cho nó nữa, thiếu gì việc để làm. 

- Nhưng nó trả cao, 1500 USD sau thuế là khoảng 35 triệu đồng, trước thuế là 41 triệu đồng cơ mà. 

- Thế cần giấy tờ gì, mẹ phải ký à? 

- Vâng, mẹ ký làm vì thôi mà! Chúng nó tưởng khôn mà cũng dễ lừa, cứ có cái giấy có dấu đỏ là tin. 

Tin tưởng con trai quý hoá tuyệt đối, nếu có xếp hạng thì Trời Phật là số một, con trai bà là sô hai, rồi mới đến những người khác. Thế là hôm ấy bà ký giấy uỷ quyền, rồi nó mang ra tư pháp phường, là bạn nhậu của nó nhờ xác nhận. Hoá ra chính thằng con lừa mình để mang cái sổ hồng nhà này đi thế chấp lấy tiền làm ăn gì đó khuất tất. 

Xung quanh bà Mậu đất trời như xoay tròn, nghiêng ngả, biến hết thành màu đỏ lòm như trong miệng quỷ ác. Bà đứng không vững nữa, chới với… 

Bà Khuyên thấy bà Mậu rất không bình thường, chắc bị sốc nặng quá, bảo:

- Trẻ con nó không hiểu hết nên nói linh tinh đấy bà ạ. Đừng buồn! 

Thằng bé gân cổ lên:

- Cháu nói thật mà, trẻ con làm sao biết bịa chuyện. 

Sức chịu đựng của bà Mậu đã đến giới hạn cuối cùng rồi, bà cố bám vào mép cái tấm gương lớn trên tường, nhưng khung tấm gương lại bật ra, đè lên khiến bà ngã vật xuống, tiếng “xoảng” kinh hồn, tấm gương đã vỡ toang. 

Bà Khuyên nhảy đến, cố nhặt các miếng gương sắc lẻm ra, để xem bà bạn thế nào, nhưng dường như không có bất cứ phản ứng nào của bà Mậu nữa. Không có số liên hệ nào ở Việt Nam nên bà Khuyên vội bảo đứa cháu tìm điện thoại của bà nội nó, để gọi điện cho bố mẹ. 

Khi con trai và con dâu về thì bà Mậu đã “đi” từ 30 phút trước rồi, nhưng họ vẫn gọi xe cấp cứu 115 đưa mẹ đến bệnh viện, để coi như không chết ở nhà, làm tang ở nhà tang lễ cho thuận tiện. Bác sỹ kết luận bà tử vong vì vỡ mạch máu não, nhưng gia đình từ chối khám nghiệm tử thi. 

Đám tang bà Mậu to lắm, hoành tráng nhất phố, riêng vòng hoa phải dùng 5 xe tải chở, còn tiền phúng viếng đựng trong 5 bao tải, đếm hết một đêm, được hơn 2 tỷ đồng. Ở nơi xa ấy, hẳn là bà mở mày mở mặt sung sướng về con cái lắm. 

Bà Mậu không cần phải khoe con cháu nữa, họ đã nổi tiếng lắm rồi. 

Ngẫm:

Thương yêu con, quý cháu là động lực niềm vui tuổi già, nhưng không thể cái gì chúng cũng tốt đẹp cả đâu. Ở mức nào đó cần một sự độc lập, không thể trao tất cho con để rồi mình lệ thuộc trong chính ngôi nhà của mình. Để tránh những chuyện đau lòng, hãy biết sống cho mình. 

Nguồn: ST

TG: TrươngThànhSơn – (Chuyện làng quê)

No comments:

Post a Comment