Pages

Sunday, July 4, 2021

Nước Uống Tinh Khiết - SGCN

Hồi xưa, nước trắng đóng chai chỉ có một nhãn hiệu Vĩnh Hảo.

Đó không phải nước trắng bình thường mà là nước suối có chứa một số khoáng chất: Calcium giúp xương cứng, Magnesium kích thích thần kinh, Bicarbonate giảm acid trong dạ dày… Vì thế khi đi thăm người bệnh, người ta thường mang tặng chai nước suối bên cạnh hộp sữa đặc hay gói trái cây. 

Nước suối Vĩnh Hảo khai thác, sản xuất ở xã Vĩnh Hảo, Phan Thiết (Bình Thuận) từ năm 1930 thế kỷ trước. Nên khi nói nước Vĩnh Hảo cũng đồng nghĩa với nước suối đóng chai.

Sau 75, điện, nguyên liệu… thiếu thốn. Nước đóng chai trở thành món hàng xa xỉ. Nhà máy Vĩnh Hảo có thời gian tưởng chừng phải đóng cửa, chỉ sản xuất cầm chừng vì không ai dùng tới nước suối được coi là sản phẩm cao cấp nữa. Nước ngọt đóng chai chỉ do nhà máy nước ngọt Chương Dương làm ra. Dân chúng thèm… nước ngọt quá, một nhà máy quốc doanh không cung cấp xuể nên dần dần về sau, khi nền kinh tế có phần mở rộng một chút, các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, tổ hợp sản xuất nước ngọt thủ công thi nhau ra đời, lớn nhất có nhãn hiệu Hòa Bình, Tribeco, Bidrico…

Khi làn sóng ngoại quốc đầu tư vào VN, hai hãng nước ngọt quốc tế là Coca, Pepsi nhảy vào ngay. Pháp cũng mở nhà máy nước suối đầu tiên La Vie.

Lúc đó, thông thường người ta biếu Tết nhau một cặp nước ngọt CocaCola hoặc thăm người bệnh chai nước suối La Vie. Nước ngọt phong phú hơn với các nhãn hiệu quen thuộc xuất hiện: Miranda, Fanta, Sprite, 7 Up… Các hiệu nước ngọt đó chiếm hầu hết thị trường, nhưng bên cạnh bao giờ cũng tồn tại dòng nước ngọt và bà con của nó là sirô do các tổ hợp sản xuất, không thể kể hết được các tên đại loại Á Châu, Thanh Tuyền, Thế Giới, Ngọc Mỹ… Sản xuất nước ngọt dễ nhất trần đời vì chỉ cần pha vào nước màu, hương liệu, chất tạo ngọt là cho ra ngay nước cam, nước vải, nước táo, trà chanh, coca… ngọt thơm không hề kém hàng chính phẩm chút nào.

Sau này đời sống của người dân thành phố khá lên. Rồi tin tức trên internet lan truyền, người ta không “hảo” uống nước ngọt nữa vì có thể gây bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh Alzheimer, huyết áp cao, lão hóa cơ thể… và tệ hơn nữa là nghiện… nước ngọt!!!

Uống nước ép trái cây, rau củ rất tốt nhưng mang chiếc máy ra xay xong rửa máy, rửa ly mất công quá. Bây giờ bệnh tiểu đường gia tăng, đi ra đường hỏi thăm nhau, đa số mắc bệnh tiểu đường, cũng cần kiêng luôn các loại trái cây chứa nhiều chất ngọt. Vì thế tốt hơn hết nên uống nước trắng.

Lại nói chuyện hồi xưa. Hồi xưa nhìn thấy ai đi đâu cũng kè kè chai nước trắng thì đoán liền là Việt kiều. VN trời nóng uống lia chia đủ loại nước mía, nước sâm, sinh tố, trà sữa… còn Việt kiều chỉ uống nước trắng. Bác sĩ có nói mỗi sáng điểm tâm bốn ly nước lọc sẽ không bị táo bón, làn da nhuận hồng, tươi sáng, đẹp tóc…lại còn có tác dụng giảm cân (chắc no nước không cần ăn sáng nữa!!!) 

Nay thì VN đã giống… Việt kiều. Đi ăn đám cưới tiệc Tây, tiệc Tàu cao lương mỹ vị, cơm gà cá gỏi, các bà quần áo xênh xang chỉ nhẹ nhàng nâng ly nước trắng. Trên bàn họp hội nghị, trước mặt mỗi người một chai nước trong veo không màu, không mùi vị. Đi tới nhà bạn chơi, cũng cụ bị theo chai nước suối, vừa “vệ sinh thực phẩm”, vừa khỏi phiền chủ nhà nấu nước pha trà. Giờ đây đơn giản lắm, khách tới chơi, chủ nhà mang ra mấy chai nước suối mời giải khát…

Nước suối thật ra không thông dụng lắm vì đâu phải lúc nào người ta cũng cần bổ xung cơ thể các khoáng chất trong đó, uống nhiều nước suối còn có hại vì khoáng chất dư thừa có thể gây bệnh thận hay sỏi túi mật chẳng hạn. Cho nên chỉ cần nước trắng. Nước trắng bình thường là nước đun sôi, sau khi để nguội, rót vào chai qua phễu bông gòn hay qua bình lọc nước cát, sỏi để loại tạp chất thành… nước lọc tinh khiết.

Ở nhà sẵn nước uống nhưng khi đi ra ngoài đâu có sẵn nước lọc để uống nên thị trường xuất hiện nước tinh khiết. Thoạt tiên những chai nước này chỉ ở nhà hàng và trên các chuyến xe tốc hành đường dài phát miễn phí cho khách cùng với khăn lạnh. Khi càng ngày bệnh tiểu đường, cao huyết áp, béo phì… càng gia tăng, vả thời kỳ đói khổ đã qua, người ta không còn thèm ngọt, thèm mỡ… nữa thì thức uống tốt nhất cho sức khỏe bây giờ nhìn giống nước suối nhưng không phải khai thác từ các suối khoáng mà chỉ là… nước lã thuần túy, thường gọi là nước trắng!

Thứ nước trắng này ăn khách không ngờ. Bởi vì sau khi đóng chai dán nhãn thì nó được mệnh danh là “nước tinh khiết”. Dẫu sao nước tinh khiết khác xa nước lọc tại nhà vì nó được sản xuất qua công nghệ. Thật ra khái niệm “nước tinh khiết” chỉ nằm trên lý thuyết hoặc trong phòng thí nghiệm chứ không có trong thực tế. Vì nước tinh khiết là nước không dẫn điện, không dẫn nhiệt, không mùi vị, trong suốt.

Trong thực tế, các chai nước tinh khiết ồ ạt có mặt khắp nơi. Từ nhà hàng, quán ăn bình dân cho chí tiệm tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, xe bánh mì… thảy đều bày bán nước tinh khiết.

Lượng nước ngọt bán ra ngày càng sụt giảm. Con số người uống nước tinh khiết gia tăng đáng kể. Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng là nhiều mẫu chai, bình to, nhỏ. Từ chai 230ml, 1 lít, 5 lít đến bình 20 lít.

Nhu cầu tăng vọt nhất là vào mùa khô, nhiều nơi thiếu nước trầm trọng. Người dân phải mua nước đổi, tức là bồn nước do tư nhân chở xe ba gác đến từng hẻm nhỏ bán, nước đổi nhiều khi là nước giếng. Nhiều khu nhà trọ dành cho công nhân chỉ có mỗi nguồn nước giếng dùng để tắm giặt nên thiếu nước ăn uống. Chỉ cần gọi điện thoại, cửa hàng sẽ cho người chở bình nước tinh khiết đến nhà. Dùng hết, tiệm chở bình khác đến đổi vỏ bình cũ, giống như đổi bình gaz vậy.

Miễn có tên nước tinh khiết là mọi người yên tâm dùng, hiếm ai quan tâm đến nhãn hiệu hoặc những chi tiết in trên nhãn. Đâu phải món đồ giá trị lớn như tủ lạnh, TV, xe gắn máy mà cần đến nhãn hiệu uy tín. Nước tinh khiết, không màu, không mùi, không vị thì làm sao phân biệt được hiệu này “ngon” hơn hiệu kia.

Ai cũng biết nhãn hiệu chẳng ăn nhập gì đến nội dung của cái chai. Ví dụ European ghi trên nhãn chai những dòng chữ sau: “Nước uống đóng chai”, các dòng chữ khác là: “mang thịnh vượng đến mọi nhà”, “quà tặng”, “công ty thuốc thú y và thủy sản Minh Dũng”. Một dòng chữ nhòe nhoẹt, nhỏ rí, in nghiêng: “nước được tiệt trùng bằng O1 mang sự sảng khoái đến cho bạn”?!

Nước trắng thông dụng nhất là loại chai nhỏ 500ml. Trong tiệc cưới, bà khách váy đỏ kiêu kỳ hỏi chai nước suối, bà liếc mắt nhìn đám bia, rượu, nước ngọt chung quanh với vẻ khinh thường ra mặt, bởi vì ngoài lý do sức khỏe thực sự thì chai nước suối có vẻ thời thượng lắm! Khi chai nước đưa ra, Bà nhấp từng ngụm một cách thỏa mãn chẳng màng đến nhãn hiệu. Thật ra không phải bà khách quên nhìn nhãn mà thông thường, có vẻ nước khoáng, nước tinh khiết hay nước uống đóng chai đều đồng hóa thành một loại như nhau. Miễn đều là hình dáng quen thuộc của một chai nhựa chứa thứ nước trong không màu là được, bản chất nước gì không quan trọng, nước nào thì cũng… vậy vậy!

Nhu cầu lên cao quá nên một lô nhãn hiệu nước trắng đóng chai với nhiều tên gọi: nước suối, nước khoáng, nước bình, nước tinh khiết… đua nhau ra đời. Địa phương (huyện, tỉnh), xí nghiệp cấp nước, công ty du lịch, hãng xe, khách sạn, siêu thị… có sẵn khách hàng, mối quen đều tự sản xuất nước đóng chai với logo quen thuộc “nước uống tinh khiết”. Nguyên tắc thì nước tinh khiết chỉ bao gồm 2 thành phần hóa học là oxy và hydro, không chứa các hợp chất hữu cơ hay vô cơ nên loại nước này sạch, bảo đảm vệ sinh, an toàn cho sức khỏe. 

Nhãn hiệu La Vie lâu đời vẫn yên vị đấy. Theo truyền thống thị trường, tiếp theo là những tên nhang nhác ăn theo như Lavi, Lave, Le Via… Aquafina có thêm họ hàng Aquanice, Aquatina, Aquafifa, Aquafar, Aquacool, Aquatop… Awa khởi đầu lôi sau một lô Mitawa, Waterman, iWater… Cứ một tên ăn khách, các nhãn hiệu sau ăn ké cả dọc. Tên “Tây” gắn vào có vẻ các sản phẩm bắt nguồn từ ngoại quốc hay do ngoại quốc đầu tư, xem chừng có “giá” hơn các sản phẩm trong nước thường mất uy tín do làm ăn gian dối. Hết Tây sang Ta cho dễ nhớ nên ra đời SaiGon tourist, Joy, Everest, Euro, Nasa, Vikoda, Vital, Hoàng Gia, Phú Sĩ, Thạch Bích, Kim Bôi, Huy Hoàng… Toàn những tên hùng vĩ. chỉ đọc nhãn hiệu thôi đã thấy phẩm chất phải rất chi… bảo đảm!

Theo nguyên tắc sản xuất nước tinh khiết phải lọc qua hệ trao đổi ion, lọc cơ học, lọc than hoạt tính, lọc thẩm thấu ngược… Người ta thấy ngay quá rắc rối, đầu tư quá tốn kém trong khi người uống đâu có phân biệt nước qua tia cực tím, qua máy ozone, qua máy lọc… là cái gì! Cho nên cuối cùng quy trình sản xuất bị thu hẹp, đơn giản tối đa bằng cách chỉ còn lấy chai (chai đã qua xử dụng nhằm tiết kiệm chi phí), rồi xúc sơ (là may lắm) đóng nước mới vào ngay. Nước thì lấy từ giếng lên, (ấy là chưa kể giếng nước kế nghĩa địa, nhà vệ sinh, trại chăn nuôi…) rồi nấu lên (cũng lại may lắm) rồi dzô bình, dzô chai… trở thành cao cấp nhất là “nước tinh khiết”, không thì “nước uống đóng chai”. Loại sau là một sản phẩm cực kỳ khôn ngoan vì lỡ xét nghiệm nước có xảy ra chuyện gì thì chủ nhân có thể dễ dàng biện bạch họ đâu có sản xuất nước tinh khiết mà chỉ làm ra “nước uống” thôi. Mà nước uống thì đâu có… tiêu chuẩn, thế nào cũng uống được. Dưới miền quê, nhiều nơi vẫn giữ thói quen uống nước sống cho mát tức là nước mưa lóng cặn đựng trong lu lưu niên đấy thôi. 

Do đó nuớc tinh khiết rất rẻ, 20 ngàn đồng cho một bình hai mươi lít. Chai nửa lít giá 4 ngàn đồng. Giá đó làm hài lòng cho đủ hạng người và hình thức thích hợp cho mọi trường hợp. Người tiêu thụ từ chung cư cao cấp đến nhà trọ của công nhân. Từ buổi hội nghị toàn quan chức tới cứu trợ cho dân chúng bị bão lụt… Nước tinh khiết phát triển sâu rộng vì nhiều gia đình không tự nấu nước uống nữa mà chỉ thuần uống nước tinh khiết ngoài tiệm chở đến. Không cần nêu khẩu hiệu, không cần tuyên truyền, nước tinh khiết đã trở thành một thức uống vệ sinh phù hợp với thời đại mới.

 Nước đóng chai tiến lên dũng mãnh trong thị trường, lấn át hẳn các loại thức uống khác, qua mặt cả nước trà sau này đã được đóng lon, đóng chai tiện lợi, vốn coi là thức uống truyền thống phổ biến được thừa nhận là ngăn ngừa một số bệnh. Chỉ có điều sau một thời gian ngây ngất trên vinh quang, đột nhiên một nhóm trẻ học mẫu giáo đi té re. Kết quả xét nghiệm cho thấy do uống nước tinh khiết. Thế là nuớc tinh khiết bị mang ra xét nghiệm, mổ xẻ, mới lòi ra nào là nhiễm khuẩn, trực khuẩn, vi khuẩn, vi trùng… đủ thứ trùng khuẩn lung tung nằm trong nước đóng chai gây nguy cơ bệnh đường ruột, tấn công vết thương nhiễm trùng máu…

Khổ thân nước tinh khiết, nước khoáng thiên nhiên, nước khoáng thiên nhiên tinh khiết… chứ chưa nói đến “nước uống đóng chai”, “nước đóng bình” đang im thin thít hy vọng dư luận bỏ qua. Nước tinh khiết bị đưa lên đoạn đầu đài. Cuối cùng người ta kết luận “Nước tinh khiết trên thị trường nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, thì chỉ bao đảm vệ sinh chứ không tốt cho sức khỏe, đặc biệt về lâu dài”, nuớc tinh khiết không bổ bằng… nuớc đun sôi, nếu dùng lâu, cơ thể sẽ thiếu khoáng chất và sinh bệnh thiếu vi chất, không kể dùng nước suối pha sữa cho trẻ em còn thể gây nguy hiểm…

 Không phải nơi sản xuất nước đóng chai nào cũng đầy đủ máy móc và đúng quy trình. Nhiều cơ sở sản xuất lem nhem, vất các chai nhựa la liệt trên nền đất ướt nhẹp, súc qua loa, hứng nước từ vòi bình lọc, đóng nút, dán nhãn là xong.

Tại một cơ sở sản xuất nước đóng bình tại Hà Nội, nước đóng bình là nước giếng khoan được lọc qua một hệ thống sơ sài rồi chiết “bằng tay” vào các bình cũ với nắp bình, vòi đều bạc màu, xơ xác. Cuối cùng dán nhãn lem nhem là “xuất xưởng”.

Một cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết tại tỉnh Tây Ninh nhưng không hiểu sao lại dán nhãn tỉnh An Giang, Hải Phòng!!! Vì Tây Ninh không có uy tín bằng Hải Phòng hay vì địa chỉ tuốt tận Hải Phòng thì khó kiểm tra chăng.

Trong khi đó, một cơ sở sản xuất ở Hải Phòng khi thiếu nguyên liệu đã “tạm” lấy nước ô nhiễm ngay con mương sau nhà khử mùi, qua hệ thống lọc rồi bán ra toàn huyện trong đó có hợp đồng cung cấp nước cho 2 ngàn học sinh của ba trường tiểu học. Ngay dung cả nhãn hiệu nước khoáng tinh khiết nổi tiếng thế giới là Aquafina từng thừa nhận họ lấy từ nguồn nước lã công cộng có mùi nước suối và đóng chai, chẳng khác gì nước vòi thông thường!!! 

Theo nghị định về nhãn hàng hóa: việc ghi nhãn nước khoáng thiên nhiên đóng chai phải tuân thủ quy định về tên sản phẩm và chỉ định sản phẩm: nước có ga tự nhiên, ít ga tự nhiên, hay không ga, bổ sung ga từ nguồn… Tên nguồn nước khoáng, khu vực nguồn nước khoáng phải được ghi rõ trên nhãn sản phẩm… xem chừng chẳng mấy ai để ý.

Chưa kể tại Nghệ An, sau khi cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại nước đóng chai bán trên địa bàn tỉnh không đạt phẩm chất mới phăng ra ông Trưởng phòng tiêu chuẩn phẩm chất thôi chức, đáng lẽ phải giao con dấu lại cho cơ quan thì ông giữ lại, “tranh thủ” đóng dấu khống cho nhiều giấy công bố hợp quy cho các cơ sổ sản xuất nước đóng chai . 

Thật là nhà nhà sản xuất nước đóng chai, người người sản xuất nước đóng chai kém phẩm chất. Hàng chục cơ sở nước đóng chai bị phát giác buộc ngưng thì người ta phát giác ra hàng trăm cơ sở đã ngưng sản xuất hồi nào cùng lúc nhiều cơ sở khác mọc ra như nấm sau cơn mưa. Hoạt động của nước đóng chai thật rộn rịp, sản xuất hay không hoàn toàn không chút ảnh hưởng từ nhà nước. Đóng cửa một cơ sở này thì hàng chục, hàng trăm cơ sở khác mở ra. Nước uống là thứ buộc phải có nên “nước uống tinh khiết” không bao giờ sợ ế vậy.

 

SGCN

No comments:

Post a Comment