Pages

Thursday, July 15, 2021

Tập Cận Bình Với Tinh Thần Thành Cát Tư Hãn - Đại Dương

Hình internet

Nhân kỷ niệm 100 năm tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đọc bài diễn văn nảy lửa kéo dài một tiếng đồng hồ trước 70,000 đảng viên tại Quảng trường Thiên An Môn.

Với trang phục đại cán, khuôn mặt lạnh như tiền, Tập Cận Bình đã thể hiện tinh thần Thành Cát Tư Hãn khi đề cập tới tình hình trong nước cũng như quốc tế mà không hề quan tâm tới phép xã giao tối thiểu.

Tập Cận Bình cao giọng “Nhân dân Trung Quốc chưa bao giờ bắt nạt, áp bức và cũng không bắt người dân các nước khác làm nô lệ. Họ chưa bao giờ làm điều đó trong quá khứ, sẽ không làm điều đó bây giờ và sẽ không làm như vậy trong tương lai”.

Lịch sử phát triển của Hán Tộc đã xếp loại lân bang gồm các dân tộc “man, di, mọi, rợ” để cất binh chinh phạt và đặt nền thống trị, uỷ trị hoặc gián trị. Dân tộc Việt gồm 100 chi “Bách Việt” đã bị Hán Tộc đồng hoá tất cả, ngoại trừ “Lạc Việt” (tức Việt Nam). Các triều đại Trung Hoa đã bao lần chinh phạt Lạc Việt, nhưng, chưa xóa sổ được mà chỉ có thể thiết lập chế độ trực trị, uỷ trị, gián trị. Vào thế kỷ thứ 21, Cộng sản Việt Nam, Cambodia, Lào vẫn ở trong tình trạng bị Bắc Kinh “gián trị”. Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa chiếm quốc gia Tây Tạng (Tibet) năm 1951. Dân Tây Tạng nổi dậy năm 1959 và thất bại nên phải lưu vong sang Ấn Độ. Chính sách “đồng hoá” của Trung Quốc đã biến Nội Mông Cổ (Öbür Mongol) thành nơi cư ngụ của đa số người Hán.

Tập nói “Suốt 5,000 năm Trung Quốc không mang trong mình những đặc điểm hiếu chiến hay bá đạo trong gen” cứ như một lãnh tụ loạn trí nên không nhớ từ cổ chí kim thì Trung Quốc đã là một thảm hoạ cho các dân tộc trên thế giới.

Vó ngựa Trung Quốc đi qua đâu thì cỏ không còn mọc được nữa. Mao Trạch Đông đã tàn sát hàng triệu người không theo cộng sản. Hắc thư về Chủ nghĩa Cộng sản đúc kết tội ác của Chủ nghĩa Cộng sản: Liên Sô có 20 triệu người chết, Trung Hoa 65 triệu, Việt Nam 1 triệu, Bắc Hàn 2 triệu, Cam Bốt 2 triệu, Ðông Âu 1 triệu, Châu Mỹ La Tinh 150.000 người, Afghanistan 1.5 triệu. Tổng cộng 100 triệu, trong khi Ðức Quốc Xã sát hại 25 triệu.

Chiến tranh Nhân dân do Bắc Kinh chủ xướng đã gây bất ổn tới các quốc gia Đông Nam Á, tạo ra ba quốc gia Cộng sản Việt, Miên, Lào. Nhưng, bị thất bại ở Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Indonesia do cách trở biển cả.

Tập kể công chống quân xâm lăng Nhật Bản. Thực tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ thỉnh thoảng đánh du kích trong khi Quân đội của Trung Hoa Dân Quốc dưới sự lãnh đạo của Thống chế Tưởng Giới Thạch chịu trách nhiệm chống Quân đội Thiên hoàng Nhật Bản. Mao Trạch Đông từng kéo quân lên tận Thiểm Tây để khỏi bị tiêu diệt.

Tưởng Giới Thạch đã hội họp với Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh, Churchill Ở Cairo trong thời Đệ nhị Thế chiến nên được giữ một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau năm 1945. Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949) đã chuyển đến Đài Loan từ năm 1949 mà ngày nay còn tồn tại như một quốc gia tự do, dân chủ, phát triển.

Tập kể công của ĐCSTQ trong lĩnh vực kinh tế đã bị Tiến sĩ Rainer Zitelmann lật tẩy trong một bài báo năm 2019 trên tờ Forbes “Khu vực tư nhân của Trung Quốc đóng vai trò động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc với đóng góp 60% GDP, chịu trách nhiệm 70% sự đổi mới, 80% việc làm ở thành thị và cung cấp 90 % công việc mới, tư nhân cũng chịu trách nhiệm 70% đầu tư và 90% xuất cảng”. Zitelmann chứng minh người dân Trung Quốc đã phát triển không nhờ ĐCSTQ và vai trò của ĐCSTQ đối với sự phát triển nền kinh tế không nằm ở những gì “nó làm được” mà vào điều “nó không làm được”.

Báo cáo của CNBC năm 2019 xác nhận khoảng 80% trong số 90 triệu doanh nghiệp nhỏ không có tín dụng ngân hàng nên phải vay mượn từ bạn bè hoặc “tín dụng đen” để kinh doanh. Chỉ một số rất ít các công ty lớn nhờ quen biết với giới cộng sản sản cầm quyền mới có được tín dụng ngân hàng.

Các công ty và tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, do ĐCSTQ kiểm soát thường tồn tại trong các ngành công nghiệp then chốt như công nghệ, năng lượng, hàng không vũ trụ, dược phẩm và các ngành khác mà ĐCSTQ tìm kiếm sự thống trị kinh tế và chiến lược toàn cầu.

Ai cũng biết sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 thì Bắc Kinh bắt đầu kết bè kéo cánh với nhiều nước để thao túng WTO; hành động bất chấp mọi quy định chặt chẽ đã cam kết khiến môi trường kinh doanh toàn cầu bị móp méo có lợi cho Trung Quốc.

Lợi dụng tính hám lợi của doanh nhân từ các quốc gia phát triển mà Bắc Kinh xây dựng được “Công xưởng Thế giới” chuyên sản xuất mọi loại hàng hóa gồm hàng thật, hàng giả, hàng, hàng kém phẩm chất, hàng nhái đã giết chết kỹ nghệ sản xuất của nhiều quốc gia.

Nhằm độc quyền chuỗi cung ứng toàn cầu mà Tập Cận Bình tung ra “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) từ năm 2013. Thống kê của Refinitiv ghi nhận đến giữa năm 2020, BRI đã có 2,600 dự án trị giá hơn 3,700 tỷ USD liên quan đến 100 quốc gia. Hầu hết các quốc gia tham dự đều bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc, đặc biệt ngày càng chịu ảnh hưởng mọi mặt đời sống với Bắc Kinh.

Bàn tay của ĐCSTQ không những vấy máu của các sắc tộc, dân của các nước nhược tiểu mà còn đẫm máu của công dân Trung Quốc.

Vậy mà Tập Cận Bình vẫn cao giọng “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào bắt nạt, đàn áp hoặc khuất phục chúng tôi. Bất cứ ai cố gắng làm như vậy sẽ thấy mình đang trên đường va chạm với một bức tường thép vĩ đại được rèn bởi hơn 1,4 tỷ người Trung Quốc”.

Tập đe dọa chiến tranh với các cường quốc có thể tạo ra hai phản ứng bất lợi: (1) Các cường quốc sẽ gắn bó chặt chẽ hơn trong mặt trận chống thái độ hung hăng của Bắc Kinh. (2) Các nhược tiểu sẵn sàng núp dưới chiếc dù che của Hoa Kỳ.

Cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979, Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc đã không khuất phục được địch thủ dù cho Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ được tranh bị một số ít vũ khí của Liên Sô và chiến lược phẩm năm 1975.

Tập Cận Bình nên sợ bị bao vây toàn diện hơn. Chẳng có nước nào muốn nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc.

Đại-Dương

Tài liệu tham khảo:

Full text of Xi Jinping's speech on the CCP's 100th anniversary (Nikkei)

The Power of Autocratic Regimes Amid a Waning Democracy (National Interest)

Dire Straits: Taiwan’s Fragile Status Quo (Diplomat)

No comments:

Post a Comment