Pages

Saturday, July 24, 2021

Tôi Là Ai? - Huỳnh Ngọc Chiến


Con người vốn mang bản chất ích kỷ. Muốn chiếm hữu và đòi hỏi phần ưu thế cho mình, hầu như đó là bản năng cố hữu của con người, kể từ khi mở mắt chào đời. Tất cả đều vì “cái Tôi”. Suốt đời, chúng ta cứ mưu toan để lo củng cố cho “cái Tôi”  bằng tiền tài, địa vị, kiến thức, sắc đẹp ,v.v… Trên đời có lẽ không có gì gây nên nhiều phiền lụy, đổ vỡ trong giao tế cho bằng “cái Tôi” đầy tính ích kỷ đó, vì ai cũng lo nghĩ đến bản thân của mình trước khi nghĩ đến đồng loại, trừ những bậc đại nhân giác ngộ. Thử cầm một bức ảnh chụp chung với bạn bè trên tay, ai là người mà ta tìm để nhìn trước tiên? Chính là ta chứ không ai khác. Ta luôn xem mình là tâm điểm của mọi tâm điểm, luôn muốn “cái Tôi” của mình được tỏa sáng, dù cái ánh sáng đó có thể che lấp, hoặc thậm chí còn gây đau khổ cho người khác. Điều thảm hại nhất là cái ánh sáng phù phiếm –  mà lắm kẻ luôn huyênh hoang tự mãn đó – nhiều khi lại thứ ánh sáng đi vay mượn. Thường thì đi vay mượn từ kẻ có tiền bạc, thế lực; cao hơn chút nữa thì đi vay mượn từ người có trí tuệ.

Có một câu nói mà ta thường nghe khi một người muốn khẳng định mình với người khác nhằm để gây ấn tượng : “Có biết tôi là ai không?” Đối với người yếu bóng vía thì có thể xem kẻ nói câu đó là loại người có thế lực, có đủ uy quyền để hăm dọa người khác; còn đối với những người sâu sắc có đầu óc khôi hài thì lại xem đó là kẻ mắc  bệnh Alzheimer – căn bệnh gây mất trí nhớ – đến nỗi không còn biết mình là ai. Giống như Âu Dương Phòn trong truyện Kim Dung, do luyện võ công sai đường nên mất hết trí nhớ, gặp người nào cũng hỏi câu : “Ta là ai?”

Khi nghe người ta cãi lý, nhất là giữa phái nữ, ta thường xuyên nghe câu này : “Tôi chứ không phải như người khác đâu!”  Ngẫm ra thật khôi hài những cũng thật lý thú. Có nghĩa là ai cũng thấy mình thuộc loại người đặc biệt, luôn vượt trội hơn  tất cả những người còn lại, chứ không thể như bao người khác.

“Cái Tôi” dựng lên muôn ngàn rào chắn che khuất mọi sự cảm thông, và ngăn lấp con đường dẫn đến trí huệ.  Người phương tây thường nói đến “Cái Tôi đáng ghét”. Tôn giáo chân chính nào cũng dùng mọi phương tiện để đưa đến cảnh giới không còn “cái Tôi” đó. Vô ngã! Ta hãy nhớ rằng tình thương yêu cũng như lọ chứa nước. Hễ cái lọ càng chứa ít nước thì nó càng dễ dàng dung nạp được nước từ bên ngoài rót vào. Tình thương yêu cũng vậy. Nước chứa trong bình là quan điểm của ta về “cái Tôi”. Nước từ bên ngoài rót vào là tình yêu người khác dành cho ta, tức khả năng ta dung nạp được người khác. Hễ ta càng ít nghĩ đến bản thân mình, càng ít thấy “cái Tôi” là quan trọng  thì  càng dễ dung nạp người khác, càng được người khác mến yêu. Nếu ta chỉ nghĩ đến mình, chỉ biết có bản thân mình, thì điều đó cũng giống như lọ đã đầy nước, ai còn có thể rót thêm nước vào đó nữa?

Người ta thường dung hình ảnh bong bóng xà phòng bay trong ánh nắng để minh họa. Khi bong bóng đó giữ nguyên trạng thái thì nó chỉ phản chiếu được một mặt trời trong đó. Nhưng nếu nó vỡ ra thành muôn ngàn bong bóng nhỏ thì nó phản chiếu được vô số mặt trời. Chân lý đơn giản là vậy. Nhưng để cho “cái Tôi” đó  “vỡ” ra  như bong bóng là cả một quá trình tu học.

Đặng Chất là người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Năm Tân Sửu (1661), ông đỗ trạng nguyên và sau đó làm quan được phong tới chức tham tụng (tương đương với tể tướng), kiêm coi cả Bộ Binh và Bộ Hình, khi mất được truy tặng hàm Thiếu bảo. Bình sinh, ông là người hiếu học, luôn nghiêm cẩn tự xét mình và cũng tỏ ra rất thận trọng trong việc xét người. Sách Tang Thương Ngẫu Lục có chép một giai thoại khá độc đáo về ông thời còn là học trò như sau:

Ông Trạng nguyên ở làng Phù Đổng là Đặng Chất; khi chưa đỗ, một mình học ở trong nhà. Một hôm dậy sớm, thấy người đàn bà bên láng giềng phơi cái yếm ở sân. Người ấy đi khỏi thì một người đàn bà khác cùng nhà rút mất. Tối về, hai mụ cãi nhau ầm ĩ, rồi biện xôi gà đem nhau ra thề ở đền Đổng Thiên Vương. Ông tẩn mẩn lấy bút ghi lấy. Sau mấy tháng, người đàn bà ăn trộm vẫn như thường, ông cười mà rằng:

– Quỷ thần mới linh thiêng làm sao!

Nửa đêm, thần đến gõ cửa, bảo:

– Ông Trạng! Ông Trạng! Sau này ông xử sự ở triều đình, sẽ lấy một mạng người đền hai cái yếm phải không?

Ông sợ hãi rợn người, sáng ra đến đền tạ lỗi. Nhưng cũng nhân thế mà từ đó trong lòng lúc nào cũng vui.

(Bản dịch của Trúc Khê, Nxb Hồng Bàng, 2012, tr.153)

Tôi đọc câu chuyện ngắn gọn đó nhiều lần, và lần nào cũng không khỏi giật mình mà thán phục thâm ý của người xưa. Vị thần trong truyện đã có thể đến báo mộng thì hiển nhiên thừa quyền năng bắt người phụ nữ ăn trộm cái yếm kia phải chết, để tỏ rõ uy phong và sự linh ứng. Nhưng thần lại chấp nhận để cho một anh học trò áo vải giễu cợt mình, chỉ vì để cứu một mạng người, dù đó là kẻ gian dối. Người phụ nữ ăn trộm yếm, trong thâm tâm, có thể ngầm cười khẩy vì đã lừa được thần linh, mà không biết rằng bà được tha mạng nhờ lòng bao dung của vị thần mà bà lợi dụng uy linh để bảo đảm cho sự gian dối của mình. Đối với thần Đổng Thiên Vương, danh dự và uy linh đương nhiên phải là chuyện lớn. Nếu thần vật chết người phụ nữ gian dối kia, hẳn sẽ có thêm vô số người phủ phục trước sự linh ứng của thần. Uy linh của thần hẳn sẽ còn tỏa rộng thêm đến khắp nơi. Nhưng thần đã không làm, vì mạng người là điều không thể coi thường, dù đó có thể đó là kẻ chẳng ra gì.

Đến cả thần linh, vì đức khoan dung mà không muốn làm hại một phụ nữ tham lam và chấp nhận bị giễu cợt, dù không một ai hay biết. Còn chúng ta sống trong đời, sao lại thường vì “cái Tôi”, vì chút danh dự hão huyền mà không ngần ngại gây tổn thương đến bao người khác? “Cái Tôi” của ta còn to lớn hơn, còn quan trọng hơn cả uy linh của thần thánh chăng? Câu cuối đọc nghe thật cảm động: “Nhưng cũng nhân thế mà từ đó trong lòng lúc nào cũng vui.” Vui vì ngộ ra được ý nghĩa của lòng vị tha. Quên bớt “cái Tôi” đi để đem phần nào hạnh phúc, niềm vui đến cho người khác. Vị quan nào đã hiểu ra được điều đó chắc chắc là vị quan nhân đức.

Sống trong đời, đôi khi ta phải chịu những nỗi oan khuất mà không sao biện bạch được, vì nói ra có thể làm tổn thương đến bao người khác, mà những người đó có thể đó là người thân. Ta có thể hả hê thỏa mãn khi vạch mặt, chỉ tên “Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư” để biện bạch cho mình. Nhưng rồi được gì sau chút hả hê thỏa mãn đó? Ta có thể được minh oan, danh dự có thể được phục hồi, nhưng rồi để được gì, nếu đàng sau đó có thể là bao nỗi buồn cho người khác? Và nếu như để cho “cái Tôi” lại được khoác thêm một lớp vỏ bọc khô cứng, giết chết mọi sự cảm thông?

Thời bao cấp, tôi phải ăn cơm ở bếp tập thể gần mười năm ròng. Nhiều khi phải ăn toàn cơm nguội, khô cứng. Ban đầu nhai thấy khô xảm khó nuốt, chỉ muốn nhả ra. Nhưng kiên nhẫn nhai một hồi lâu, khi chúng đã nát và hòa tan vào nước bọt thì lại thấy vị ngọt, dễ nuốt hơn. Từ đó, tôi nghiệm ra những nỗi oan vô cớ, cũng như bao nỗi khổ đau trong đời đều giống như thứ cơm nguội khó tiêu kia. Nếu ta có thể ôm lấy những nỗi oan khó bề biện bạch, những nỗi buồn không thể sẻ chia mà lặng lẽ tìm cách chuyển hóa chúng đi, như kiên nhẫn nhai cơm nguội, để người khác được vui thì hẳn ta sẽ thấy tâm bình yên lắm.


Huỳnh Ngọc Chiến  

No comments:

Post a Comment