Pages

Wednesday, August 11, 2021

Chạy Đến Vô Cùng - Tuấn Khanh


Hình ảnh đoàn người bồng bế nhau đi bằng xe máy, theo báo chí trong nước là lên đến hàng ngàn người, di chuyển từ Sài Gòn tỏa đi nhiều hướng, chạy về quê nhà trong lúc dịch bệnh và lệnh phong tỏa ngặt nghèo, đang làm nhói tim không biết bao người.

Có người đi đến 800 cây số để về miền Trung, và có người đi gần gấp đôi như vậy để đến Nghệ An. Và còn rất nhiều đích đến nữa. Ngoài những nhóm xe máy, người ta còn thấy cả những gia đình đi bằng xe đạp, thậm chí là liều lĩnh đi bộ. Tất cả đều là người nghèo Việt Nam, những con người cần lao từ mọi miền đã đổ về Sài Gòn, tìm một công việc để hy vọng dựng lại đời mình, hoặc để kiếm chút ít dư dả gửi về cho cha mẹ ở quê.

Lý do họ rời bỏ Sài Gòn, bởi không còn tin tưởng vào các chính sách chống dịch của nhà cầm quyền, và cũng không đủ sức để cầm cự thêm nữa khi mất việc, không còn gì để sống tiếp nay mai. Hẳn nhiên, chính quyền Hồ Chí Minh đang nợ những con người này một lời xin lỗi, vì đã không cưu mang họ được, qua những tháng ngày này, bất chấp việc tuyên truyền dối trá rằng luôn lo đủ cho mọi dân gặp khó khăn.

Nhưng không phải vì chính quyền hết khả năng trong đại dịch. Bản tin tài chính cuối tháng Bảy 2021 của Ủy ban thành phố Hồ Chí Minh khoe rằng bất chấp đại dịch khó khăn, ngân sách vẫn bội thu. Ước tính sức người 10 triệu dân và sản vật, giao thương ở Sài Gòn vẫn làm ra mỗi ngày 1500 tỷ đồng để nộp cho ngân sách Trung Ương theo chỉ tiêu được giao. Con số thu được đang tăng nhanh, nên chỉ 6 tháng thôi, đã đạt 54.42% trên tổng thu theo kế hoạch.

Đoàn người ngủ vật vạ, tạm bợ để tiếp tục lên đường

Vậy đó, mà từng hộp cơm cho người nghèo, từng cọng rau cho kẻ khó… hầu hết đều là từ các cuộc tự nuôi, tự cứu nhau đầy khó khăn trắc trở của chính người dân. Không chỉ ngăn chận con người ra đường vì lệnh giãn cách, mà các lực lượng kiểm tra, chốt chặn đủ thành phần của nhà nước còn ngăn cản cả rau, thịt, sữa… thậm chí là cả tả trẻ em và băng vệ sinh phụ nữ, cũng như chặn cả tiền mặt được vận chuyển của ngành ngân hàng. Sài Gòn như một người phụ nữ bị ép vào trò chơi trừ tà thời mông muội, phải chịu đói khát, phải bị trói buộc, hành hạ kiệt sức, không biết xoay trở ra sao. Và dĩ nhiên, những dân cư yếu ớt nhất, dễ tổn thương nhất trên vùng đất đã đến lúc đành phải chọn cách dứt áo ra đi, về quê cũ.

Không được hứa hẹn gì một cách thực tế từ người cầm quyền, và cũng lao đao vì không đảm đương nổi bản thân, hàng ngàn con người đã gói ghém tư trang lên đường. Họ ngủ vật vạ dọc đường, tránh né sự chận bắt của các chốt kiểm tra trên quốc lộ. Có người chở vợ đang thai. Có gia đình ba- bốn người trên một chiếc xe máy nhỏ. Có cả người mẹ đơn thân chở đùm đề đồ đạc, phía sau là đứa con chỉ tầm 10 tuổi, ôm giữ một đứa bé nhỏ hơn.

Sài Gòn, từ thuở khai thiên lập địa đến nay, là nơi con người tìm đến chứ không phải rời bỏ, nhưng đây là lần đầu tiên xuôi tay nhìn bao người kéo nhau từ giã mình. Buồn hơn nữa, con người ấy lại bị nơi chôn rau cắt rốn của mình từ chối tiếp nhận. Từ ngày 1 Tháng Tám, nhiều tỉnh như Quảng Ngãi, Thừa Thiên- Huế, Lâm Đồng… tuyên bố sẽ không nhận người dân của mình trở về, vì sợ có dịch, cho dù những người này đã có giấy xét nghiệm âm tính (có thời hạn ba ngày). Sợ không về được nhà, nhiều người đã chạy thâu đêm, có lúc vất xe lăn lóc nằm lăn giữa đường vì mệt lả. Cha mẹ, con cái ôm nhau trên con đường quốc lộ cố dành sức để đến nơi về đến nhà mà không bị từ chối.

Trên con đường Bình Phước dẫn về Đắk Nông, có nhiều gia đình ven lộ đã để nước, thức ăn nhanh trước cửa để đón những chuyến xe bơ phờ như vậy. Có một cụ già tóc bạc phơ, cứ cầm chai nước vẫy vẫy, đưa cho những chiếc xe sà vội vào nhận rồi chạy tiếp. Vội đến mức chỉ còn nhìn nhau, gật đầu, chứ không còn giờ để kéo khẩu trang xuống nói lời cảm ơn. Nhìn những điều như vậy – và cả những câu chuyện phát cơm từ thiện, lăn xả giúp nhau của người dân bao lâu nay – là những chương sách đời cảm động, ấm lòng khôn cùng trong thời phong tỏa. Nhưng có ai đó đã nói nhỉ? Trong một xã hội vận hành, đôi khi, những điều ấm lòng nhìn thấy cũng có giá trị như một cáo trạng về thời đại, về chế độ.

Người miền Nam được hai lần nhìn thấy những cuộc di tản tự phát của người dân. Lần nào cũng có thể rơi nước mắt, dù có hướng đi ngược nhau.

Lần một, đó là dòng người chạy tránh những ngày kết thúc cuộc chiến năm 1975. Họ lìa bỏ mọi thứ, chấp nhận mất hết và chạy về phía Sài Gòn: một chỉ dấu của người dân đã chọn- chạy về phía chế độ cầm quyền của mình- dù cho ngày thường họ có ghét hoặc không yêu đi nữa. Hình ảnh của dòng người tất tả chạy với đủ loại phương tiện, đến giờ vẫn làm người ta nao lòng, và thậm chí xen lẫn sự cảm kích trước sự giúp đỡ trong khả năng cuối có thể của một chế độ đang tàn lụi, vẫn ước muốn che chở công dân của mình.


Lần hai, năm 2021, dòng người đó lại tháo chạy khỏi Sài Gòn. Cuộc di tản không phải tìm về miền đất hứa, mà chỉ tháo chạy như một bầy kiến tán loạn ra khỏi nơi ngụ cư của mình, bởi cú đập mạnh của công cuộc “chống dịch như chống giặc”. Những con virus vô hình trước mắt, giờ lại như được biểu trưng bằng hình ảnh con người. Họ chỉ có vài con đường: vào trại cách ly, gồng mình chờ cứu giúp ở nhà trọ, hoặc chấp nhận bị giam nhốt ở nơi làm việc với chính sách duy ý chí có tên “ba tại chỗ”: ăn một chỗ, ở một chỗ và làm việc cũng ở đó.

Những con người ấy, vượt ngoài tầm các kế hoạch của Chỉ thị 16 hay đợt phong tỏa với quân đội, trở thành “vấn đề khó” của những người cầm quyền Sài Gòn, nên họ được cho phép rời đi. Nhưng rồi trớ trêu là họ lại bị chận giữ, ngăn cản ở nơi họ muốn tìm về. Những con kiến-thân phận đó loay hoay chạy từ trên miệng chén rồi lại lọt xuống đáy, mệt nhoài trong những lời tuyên bố an dân vẫn lấp lánh trên hệ thống truyền thông Nhà nước.

Trên các trang mạng xã hội, thậm chí là báo chí nhà nước, có không ít hình ảnh mô tả về cuộc di tản lạ lùng này. Có ảnh những đôi vợ chồng tựa vào nhau ngủ vùi chốc lát trên đường chạy. Có ảnh những đứa nhỏ ngủ mà tay vẫn bấu chặt lấy anh chị của mình như sợ thức dậy sẽ không còn thấy ai. Những gương mặt vô danh ấy quá đỗi nhọc nhằn trên cung đường chạy đến vô cùng. Trong số ấy, không ít người đã đóng góp cho những con số bội thu của cái thành phố mang tên Hồ Chí Minh này hàng năm, những con số vẫn được đọc lên trong những tràng vỗ tay của giới quan chức mừng tổng kết bội thu ngân sách thắng lợi.


31/07/2021

Tuấn Khanh's Blog

Tham khảo thêm:

6 tháng, TP HCM thu ngân sách hơn 198.000 t đng

1 comment:

  1. Chạy được là may. Rủi là khi bị bọn công ăn theo lệnh, chặn đuổi trỏ lại!

    ReplyDelete