Người dân Saigon không được ra khỏi nhà từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ
sáng hôm sau. Thế nhưng trong cái giờ giới nghiêm đó vẫn có những hoạt động
nhói lòng...
SÀI GÒN SAU 18 GIỜ
Không gia đình
Những ngày này, ngày càng nhiều người nghèo, vô gia cư trên đường phố Sài Gòn đang bị cái đói bóp nghẹt.
Từ cuối tháng 7, lệnh phong tỏa ban hành khiến những con đường ngày thường
vẫn nườm nượp người tất tả mưu sinh vừa tới 18 giờ đã trở nên vô cùng vắng vẻ.
Trên đường phố lúc này chỉ còn lại những người thật sự không còn một chốn dung
thân, một nơi để về.
Chốt chặn được thiết lập khắp các giao lộ. Cửa ngõ ra vào TP đều bị kiểm
soát. Nếu không có nhiệm vụ mà ra đường sau 18 giờ thì không thể trót lọt được
qua các chốt kiểm tra.
Những người ăn xin, buôn thúng bán bưng ngày thường vẫn tập trung dày
hai bên cầu Nguyễn Văn Cừ (chợ Nancy cũ), khu vực công viên 23 Tháng 9 (khu nhà
ga Sài gòn cũ), trạm xe buýt Bến Thành trên đường Hàm Nghi (Q.1)… nhưng giờ đây
không còn một bóng nào.
Xích lô là nhà
Hơn 23 giờ, tại công viên cặp bên vòng xoay Lý Thái Tổ (Q.5), dưới hiên
nhà tối om có một mái tóc bạc trắng loay hoay trên chiếc xích lô. Đó là chú Nguyễn
Văn Công, 66 tuổi, với mái tóc bạc khó lẫn lộn: “Sao chú ngủ ở đây? Nhiều muỗi
lắm!”. “Không ngủ ở đây thì biết ngủ ở đâu. Giờ công an đi tuần, nằm vào chỗ
khuất may ra thì được ngủ yên”, ông Công nói chuyện qua lớp khẩu trang. “Rồi
chú ăn uống, tắm giặt ở đâu?”. Ông Công thì thào trong bóng tối: “Nhà hảo tâm
cho sữa, bánh, cho cơm từ thiện và cả tiền…, tắm rửa thì vẫn ra nhà vệ sinh
công cộng bên hông cầu Ông Lãnh”.
Ông Công rất tự trọng. Thấy hoàn cảnh ông lang thang, sống một mình, nhiều
người đề nghị giúp đỡ nhưng ông đều từ chối vì “tôi còn sức, còn làm kiếm ăn được”.
Nhưng nay dịch, không còn khách đi xích lô, tiền dành dụm cũng hết nên ông buộc
phải nhận cứu trợ để tồn tại.
Mấy ngày đầu giãn cách, do ảnh hưởng bão số 3 nên đêm khá lạnh, ông kéo
tấm bạt quây quanh chiếc xích lô. Ông Công chia sẻ: “Chiếc xe nhìn nhỏ vậy
nhưng lợi hại lắm, ban ngày chở khách, ban đêm là cái giường, là cái tủ chứa tất
cả tài sản tôi có”. Nói rồi ông bấm đèn pin, bật chiếc lưng ghế xích lô, lôi ra
một cái bọc chứa bộ quần áo, vài vỉ thuốc, mấy chai dầu gió: “Tất cả tài sản của
tôi có nhiêu đó. Một bộ mặc trên người, một bộ giặt khô thì bỏ bịch cho vào “cốp”
xe”.
Ông Công kể trước năm 2001 ông còn mẹ, còn nhà ở P.10, Q.5 nhưng sau đó nhà
bị giải tỏa, mẹ mất, vợ con đã bỏ đi cách đó mấy năm cũng biệt tăm. Anh em đang
sống cùng một nhà cũng tứ tán tìm kế sinh nhai. Từ đó, ông Công thành người
không gia đình, không nhà. Quanh năm kể cả ngày lễ, tết tới giỗ mẹ ông cũng chỉ
quanh quẩn với chiếc xích lô và đến giờ thì ông hoang mang không biết về đâu.
“Nhà” của ông Công hiện tại là chiếc xích lô mua 20 năm trước với giá 1,9
triệu đồng. Ông tâm sự thực lòng: “Những ngày nước sôi lửa bỏng này giá như có một
ngôi nhà để về thì ấm áp. Gần nửa đời người ngủ trên xe, tôi thấy đời sống quá bấp
bênh”. “Sao không vào trung tâm bảo trợ xã hội lánh tạm?”, tôi hỏi. Ông Công
phân trần: “Vào trung tâm bảo trợ thì phải có đơn, phải được duyệt, thủ tục
cũng không phải ngày một ngày hai. Hơn nữa, trong số những người vào trung tâm
biết đâu lại có F0. Thôi thì ở ngoài đường đã quen, dù chui lủi có vất vả nhưng
còn chủ động”.
Trước cửa Bệnh viện Nhi đồng 1 (Q.10) có ông già “ở đường” lâu hơn ông
Công cả chục năm. Đó là ông Võ Văn Thành (70 tuổi, quê Ninh Thuận).
Ông Thành vào Sài Gòn từ hồi đứa con gái nhỏ lên một tuổi, nay người con
gái ấy đã bước sang tuổi… 40. Năm đó bị vợ bỏ, ông chán nản nên vào Sài Gòn, từ
đó tới nay chưa một lần về thăm quê. Khi có lệnh hạn chế ra đường sau 18 giờ ông
hoang mang, mường tượng lại cảnh quê hương sau nhiều năm không muốn nhớ nhưng
đường về mù mờ, mặt người thân cũng không còn rõ nét. Chỉ vào chiếc xe gỉ sét, ông
Thành nói: “Chiếc xe này cũng gần 40 tuổi, xuống cấp quá, khách không chịu ngồi
nữa. Tôi dùng nó làm chỗ ở kiêm cái kho chứa ve chai”. Dịch kéo dài, vựa ve
chai đóng cửa, ông Thành phải để rải rác chai nhựa nhặt được ở công viên. Số mới
nhặt thì treo lủng lẳng quanh xe như chỗ chơi bán đồ hàng của con nít.
Mấy chục năm ngủ trên xe, ông đã quen với thế nằm cong nên giờ không còn
cảm thấy đau lưng nữa. Làm “phu xe” cả năm đầu tắt mặt tối, những ngày dịch ông
Thành mới có thời gian ngắm kỹ Sài Gòn tĩnh lặng. Ở tuổi thất thập, thỉnh thoảng
ông Thành lại nhớ về khuôn mặt của đứa con gái từ khi còn nhỏ. “Nghe nói nó đã theo
chồng đi xa. Chỉ mong đời nó không lênh đênh, lận đận như tôi…”.
Cùng tên, cùng nghề xích lô còn có ông già Nguyễn Văn Thành (77 tuổi,
quê Đồng Nai). Lúc trẻ ông lập gia đình nhưng không bao lâu thì vợ mất. Bản
thân ông lên Sài Gòn đạp xích lô tới nay đã gần 40 năm. Anh em họ hàng của ông
giờ đã lớn tuổi và có lẽ không còn sống. Trước dịch, ông Nguyễn Văn Thành và ông
Công lúc nào cũng gắn bó, buổi tối thường tìm chỗ đậu xe cùng ngủ để đêm hôm thủ
thỉ trò chuyện. Tuy nhiên, từ ngày áp dụng quy định hạn chế ra đường sau 18 giờ,
họ phải tách nhau mỗi người một ngả. “Hằng ngày, vào buổi trưa, chúng tôi hẹn
nhau ở một sân bóng. Lúc gặp nhau lại chia sẻ hộp cơm, cái bánh mì, vỉ sữa xin
được cùng ăn hết rồi lại… chia tay”, ông Thành chia sẻ.
TÌM CHA TRONG ĐÊM
Lệnh phong tỏa nên ngoại trừ những người thực hiện công vụ, không người
dân nào ra đường. Vậy mà tại ngã ba Nguyễn Đình Chiểu – Lý Thái Tổ, tiếng khóc
nỉ non của cô bé Nguyễn Ngọc Bích Châu, 10 tuổi, khiến những người có nhiệm vụ
ra đường giờ đó đều dừng lại.
Mặc một bộ quần áo ngắn tay, đi đôi dép kẹp với thân hình nhỏ thó gầy guộc,
đen đúa, Châu không ngừng nài nỉ: “Cho con tới chỗ ba con”. Ba con là ai? Ở
đâu? Tại sao con ra đường giờ này một mình?… nhưng cô bé không thể trả lời rành
mạch. Em kể tiếng được, tiếng mất: “Nhà con ở hẻm đường sắt, ba con đi chở xe
ba bánh nhưng xe hư rồi, mẹ con bệnh, con mang thuốc về cho mẹ rồi ra chỗ ba…”.
Nhưng, địa chỉ nhà ở đâu thì Châu không nhớ, ba tên gì em cũng không nói được…
Người ta nghe câu chuyện của Châu lõm bõm và phải tự xâu chuỗi: Nhà em ở
khu phong tỏa, mẹ bị bệnh, cha không ở cùng.
21 giờ, đường không một bóng người, cô bé nhỏ thó lọt thỏm trong bộ quần
áo bảo hộ thùng thình ghì chặt tờ 20.000 đồng và một bịch sữa được cho trên đường
từ nhà đi. Đoạn đường từ ngã ba Nguyễn Đình Chiểu – Lý Thái Tổ đến Trần Hưng Đạo
– Nguyễn Văn Cừ (nơi ba Châu đang đợi) không quá dài nhưng phải qua gần chục lượt
kiểm tra. Mất hơn 30 phút qua chốt và đi bộ mới tới ngã tư Trần Hưng Đạo – Nguyễn
Văn Cừ, đã quen thuộc nên Châu sà ngay vào hiên ngôi nhà có bóng đèn sáng nhất.
Nơi đó, cha em đang nằm.
Vòng tay qua cổ, câu nói đầu tiên của cô bé với ba khiến ai nấy bất chợt
cay xè mắt: “Nhà mình chắc sắp bị cắt điện đó ba. Người ta còn đòi tiền nhà nữa.
Mẹ bảo ra báo ba gấp để không kịp”. Anh Nguyễn Thượng Huân (52 tuổi, ba bé Châu)
mặt méo xệch ôm con mếu máo. Người cha gầy gò có đôi chân teo nhỏ dường như
không chú ý đến lời con gái nói mà chỉ siết chặt cô bé vào lòng, mắt ngân ngấn:
“Ba đã nói đi phải về liền. Sao con đi đâu, nay mới về, ba tìm con khắp”..
Nhà chia hai nửa tìm đường sống
Ba của Châu bị tật ở chân đi lại rất khó khăn. Anh chỉ có thể lết từng
bước nhỏ nên việc mua bán thuốc men chữa bệnh cho mẹ đều phụ thuộc vào Châu.
Hai ngày trước, khi gom được ít gạo, bánh và ít xúc xích, anh nói Châu mang về
cho mẹ và các em. Về tới nhà mới hay bệnh của mẹ trở nặng, Châu lại chạy ra chỗ
ba xin tiền mua thuốc. Vét sạch trong túi được hơn 300.000 đồng, anh Huân chỉ
tiệm thuốc, dặn dò con kỹ lưỡng mua thuốc mang về cho mẹ.
Trước khi con đi, anh dặn con phải về lại chỗ cha ngay để lỡ có gì còn
chạy đi chạy lại cho kịp. Thế nhưng, khi về nhà rồi, Châu mới biết hẻm nhà mình
đã bị phong tỏa. Người ngoài không được vào, người trong không được ra. Châu ở
nhà từ tối hôm trước tới tối hôm sau thì nóng ruột: “Con cứ nghĩ đến lời ba dặn
mang thuốc về thì phải ra ngay. Con sợ ba chờ không thấy, ba mong”. Quanh quẩn
hơn một ngày trong nhà trọ, đợi lúc không có người Châu lẻn chạy ra ngoài. Lúc
này đã hơn 20 giờ, đường đã vắng hoe.
Châu không nhớ số nhà mình ở vì đó là nhà trọ, ở thuê. Tên ba em cũng
không dám nói vì sợ người ta bắt luôn. Trên tất cả, Châu còn sợ phải quay về
nhà, vào lại hẻm đã bị cách ly vì em sợ Covid-19.
Anh Huân tâm sự, vợ anh bị tai biến giờ nằm liệt giường. Trước dịch anh
vẫn chạy xe ba bánh và cùng con bán vé số trang trải cuộc sống. Khi có dịch, xe
bị hư, không còn người mướn chạy xe, người mua vé số không còn, chủ yếu người
qua đường thương cảnh gia đình giúp đỡ nên vợ chồng, con cái có tiền ăn.
Từ khi chính thức thực hiện giãn cách, gia đình anh hoàn toàn kiệt quệ.
Vợ bệnh không có tiền thuốc thang. Sáu miệng ăn trút hẳn lên vai một người khuyết
tật. Lúc đó, anh nghĩ nếu cứ ở nhà trọ thì chưa chết dịch cũng sẽ chết đói nên
tính cách để lại vợ và 3 đứa con nhỏ ở nhà. Còn anh và Châu (con gái lớn) ra đường
kiếm ăn. Những ngày này hai cha con chia nhau ra hai điểm xin cứu trợ. Xin
xong, buổi tối gom lại rồi chia ra đồ nào ăn ngay, đồ nào dự trữ. Châu có nhiệm
vụ mang đồ về nhà nhờ hàng xóm nấu cho mẹ và các em ăn rồi lại chạy ra chỗ cha.
Từ khi thực hiện giãn cách thì buổi tối không người, việc di chuyển của Châu
khó khăn.
Ngủ chỗ sáng để người đi từ thiện dễ thấy
Gần một tháng nay, hiên nhà bán xe máy trên đường Trần Hưng Đạo là nơi
cha con Châu ngủ đêm. Anh ngủ chỗ sáng để người đi từ thiện dễ thấy mà dừng lại.
Nhìn anh co quắp trong tấm bìa carton, tôi hỏi sao anh không mang mền ra đắp
cho đỡ lạnh? Anh Huân thật thà: “Đắp mền ấm quá, tôi sợ lúc người ta tới tặng đồ
lại ngủ quên, không biết để thức dậy nhận và cảm ơn họ”.
Thời gian này, nhà anh sống được là nhờ đồ từ thiện. Người cho gạo, người
cho mắm muối, người cho rau nên bữa ăn của các con và vợ ở nhà cũng tạm ổn.
Ngoài ra, anh chia sẻ buổi tối người đi từ thiện thường cho tiền. Anh muốn canh
thức để trực tiếp được nhận tiền và cảm ơn. Có số tiền ấy, vợ anh có thuốc uống,
may ra qua được đợt dịch này.
BỒNG CON THƠ KIẾM ĂN
Là trẻ mồ côi chưa kịp lớn, vừa đủ 17 tuổi Lê Thùy Trang đã làm mẹ một
con. Cuộc sống lang bạt của bà mẹ đơn thân vốn đã khó khăn lại tăng thêm bội phần
trong mùa bạo dịch.
Khi bạn cùng lứa còn chăn ấm, đệm êm cùng gia đình an toàn tránh dịch
thì hằng đêm, Trang vẫn phải một mình vác con trên vai ra đường nhặt ve chai mặc
cho dịch bệnh có thể quấn lấy hai mẹ con bất cứ lúc nào.
Thân cò lặn lội đêm… giãn cách
Càng về khuya, đường Sài Gòn càng trở lên cô quạnh. Các gian hàng mặt phố
kéo cửa xếp im ỉm, những ngọn đèn trong rèm cửa trên những lầu cao chỉ còn lác
đác vài bóng thì Lê Thùy Trang (17 tuổi, ngụ Q.4) vẫn một mình lặng lẽ ngồi xổm
dưới những gốc cây to bới rác.
Đã quá 23 giờ mà Trang vẫn miệt mài bới móc tìm chai nhựa, giấy vụn hay
đâu đó một mẩu thức ăn thừa để qua bữa tối. “Mấy bữa nay người ra đường ít,
chai nhựa cũng ít, em đi từ tối tới giờ mới được nhiêu đây”, cô gái chỉ vào chiếc
thùng carton chứa hơn chục chai nhựa và vài lon bia nhỏ nhẻ nói. 17 tuổi nhưng
con của Trang đã sắp thôi nôi. Trang bảo, mẹ bỏ đi từ khi em chưa tròn tuổi,
cha
nuôi em lên tám thì cũng bỏ rơi. Không cha mẹ, không người thân, em lớn
lên như cây dại giữa đời.
Năm 15 tuổi Trang gặp một người đàn ông nói thương và muốn lấy em. Thiếu
thốn tình cảm gia đình lại mơ ước có được một mái ấm, Trang đồng ý thuê phòng
trọ ở chung. Vài tháng sau, Trang biết mình có bầu. Người đàn ông ở cùng tuy
thương em nhưng gia cảnh nghèo khó phải bỏ đi làm xa, lâu lâu, gửi cho Trang
chút tiền trang trải nhưng từ đầu dịch thì biệt tăm. Người mẹ trẻ ôm con đợi chờ
trong căn trọ không một đồng trong túi. Đứa con cả ngày khóc đòi sữa, buộc lòng
Trang phải ôm con ra đường kiếm sống.
Khi được hỏi sao không tìm tới các hội nhóm cứu trợ từ thiện? Bà mẹ trẻ
ngờ nghệch: “Em không có xe, có hôm em bế con đi bộ tới điểm cho thì người ta
đã nhận và tan hết. Em có nhờ người để ý khi có cứu trợ gọi để chạy qua xin. Họ
gọi cho hàng xóm, hàng xóm qua gọi, em chạy tới nơi thì cũng đã không còn gì”.
Thấy mẹ con Trang đáng thương, những người nhận được cứu trợ trước đó cũng chia
lại cho một chút thức ăn. Vài hộp sữa, vài cái bánh ngọt cho đứa con trai. Vậy
mà Trang đã mừng lắm.
Cám cảnh người mẹ trẻ đèo bòng con thơ trong mùa dịch, nhiều người trong
khu trọ khuyên Trang đưa con lên chùa hoặc gửi trại trẻ mồ côi nuôi giúp nhưng
em nói dịch này, bên đó họ không nhận. Nói là để chống chế vậy thôi chứ Trang
chưa từng có ý định đưa con mình cho ai nuôi cả. “Em là trẻ mồ côi, lớn lên
không có ba mẹ buồn lắm. Lúc bệnh đau em chỉ mong một lần được gặp mẹ, được ba
yêu thương. Bởi thế, dù chết đói em cũng không bỏ con. Con là người thân duy nhất
của em trên đời”.
Giấc ngủ trên vai mẹ
Nhiều năm lăn lộn lề đường, Trang nghiệm ra rằng ông trời không bao giờ
dồn em vào bước đường cùng. Ở những lúc bế tắc nhất, em đều nhìn thấy một lối
nhỏ khác để bước qua. Trong mùa dịch này, lúc đói, khổ nhất em lại có được một
người mẹ nuôi tên Hoa. Bà Hoa sống bằng nghề thu mua ve chai của những người
bán vé số nhặt dạo rồi bán lại cho vựa lớn.
Bà Hoa cũng là mẹ đơn thân và có một người con gái hơn Trang một tuổi
(cũng lay lắt lề đường và có bầu năm 17 tuổi) nên bà thương và cưu mang Trang.
Tuy không giúp nhiều nhưng lúc khó khăn, bệnh tật bà là chỗ dựa tinh thần để mẹ
con Trang cố gắng. Trang bảo, ở với mẹ nuôi, em làm gì sai thì mẹ mắng nhưng
đói thì mẹ chia đồ cho ăn. Không giúp được về mặt kinh tế nhưng lúc khó khăn
này Trang cảm thấy mình có một gia đình. Con Trang có người để gọi là bà ngoại,
em nghe cũng thấy ấm áp.
Đứa con nhỏ của Trang tên ở nhà là ku Tin (mọi người hay gọi là “A Kay” vì
Trang thường một nách ôm con kể cả lúc làm việc).
Ku Tin ngủ trên vai mẹ ngày đêm nhưng mẹ không có sức (và cũng không còn
tâm trí) để hát ru vì mẹ bận dồn sức… nhặt ve chai.
Chưa đầy một tuổi nhưng đêm nào ku Tin cũng theo mẹ ra đường kiếm ve
chai. Có hôm quá nửa đêm mà mẹ con vẫn lang thang ngoài đường. Với Tin, ở nhà hay
ngoài đường cũng không khác nhau, cứ buồn ngủ là em gục vào vai mẹ ngủ.
Có lẽ vì biết mẹ cũng khổ nên ku Tin chẳng mấy khi quấy khóc. Suốt ngày
theo mẹ ở ngoài đường nên chẳng mấy khi Tin được mặc quần. Tiện đâu đặt đó, khi
đi nhặt ve chai Trang không mang theo nhiều quần cho con nên cứ tiểu ướt thì vắt
quần lên cây, đợi khô mặc tiếp không có quần thay. Nhìn đứa con nhỏ thó đang bò
trên nền gạch, Trang bảo: “Em nghe người ta nói nó suy dinh dưỡng mà em cũng
không biết phải làm gì”.
Mấy hôm nay túng quá, Trang đành gửi con cho mấy đứa trẻ bán mít (con của
dân lao động nghèo) gần cầu Ông Lãnh để tranh thủ nhặt rồi về sớm. Trong số đó có
Trần Tấn Phát, 8 tuổi, cũng là trẻ mồ côi. Có lẽ đồng cảm với hoàn cảnh của
Trang nên những lúc rảnh, Phát thường gọi: “Chị Trang đi lượm đi, mang A Kay em
coi cho”.
DẸP CẢ TỰ TRỌNG
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, 40 tuổi, trước dịch bán xe cà phê dạo dọc đường.
Dịch bùng phát, vợ chồng chị thất nghiệp. Nhà hai vợ chồng thêm hai đứa con nhỏ
cầm cự được hơn 2 tháng, qua tháng thứ 3 trong nhà không còn một hạt gạo, chỉ
còn đủ tiền mua được một thùng mì gói ăn qua ngày. Trong lúc chờ chồng kiếm việc,
chị Oanh bất đắc dĩ mang theo hai đứa con, một trai một gái ra đường xin từ thiện
qua ngày. “Đi một mình, họ thấy mình trẻ, họ ngại cho. Mình đưa hai đứa nhỏ đi,
thấy hoàn cảnh thực, họ không ngại giúp”, chị Lúc trước, chị Oanh theo mấy người
trong xóm ngồi trên cầu Nguyễn Văn Cừ (Nancy) nhưng sau này không ai ngồi trên
cầu nữa, chị dắt con qua mấy điểm khuất hơn và lang thang khuya mới về nhà.
MONG CÓ NƠI TÁ TÚC
Tại trạm xe buýt Bến Thành (đường Hàm Nghi, Q.1), mới hơn 21 giờ đã tập
trung khá nhiều người lang thang. Hầu hết họ là lao động mất việc, không thể trả
tiền trọ, tiền ăn. Ban ngày họ tản ra những nơi cứu trợ xin cơm, quà từ thiện,
tập trung tắm, rửa tại nhà vệ sinh công cộng Bến Thành và ngủ đêm ở đây. Một số
nhóm còn lại là người nghiện, lang thang lâu năm thì tập trung ở công viên
23/9.
Với những người này, hiện nay thành phố không còn nơi tiếp nhận nên chỉ
đuổi họ từ phường này qua phường kia.
Thất nghiệp, chưa nhận giúp đỡ
Vừa thấy chiếc xe dừng lại, tưởng bị đuổi, những người lang thang đang
ngồi, liền vội vã cắp chiếu, ba lô vào nách cắm cổ chạy. Một người phụ nữ lam
lũ, đầu tóc xõa xượi hớt hải quay lại hỏi: “Bắt hả?”. “Không, có quà, cô qua nhận
đi”. Chị vội chạy qua nói: “Em quê Tiền Giang, làm phụ hồ. Công trình nghỉ, thợ
và phụ hồ đều thất nghiệp chia nhau mỗi người một ngả kiếm đồ từ thiện ăn uống
qua ngày”.
Mấy hôm trước chị ở bên công viên 23/9, nhưng tối nào cũng bị dân xì ke
tới sờ gáy móc đồ. Sợ quá, chị chạy ra bến xe buýt này. Từ ngày đi bụi tới nay
chị mới được tắm gội do nhà vệ sinh ở bến xe buýt không đủ chỗ nên phải xếp
hàng. Chờ gần 1 tiếng mới đến lượt tắm. Chị chỉ tay về phía nhà chờ: “Hôm nay
có mấy người mới tới, mang theo cả xe nhưng chiều đã đi kiếm chỗ gửi rồi đi người
không với bọc đồ về ngủ”.
Thấy có người tới tặng quà, anh Nguyễn Văn Hùng (quê Cần Thơ) cũng lại gần
kể chuyện: “Nhà tôi có hai vợ chồng, 6 đứa con. Giờ vợ chồng thất nghiệp ở
thành phố, con cái ở quê. Dịch, không về quê được, chủ nhà trọ thì đuổi vì nợ
tiền trọ mấy tháng, buộc lòng chúng tôi phải ra đường. Tôi hoàn toàn chưa nhận
được một đồng nào từ các gói hỗ trợ. Ai cũng mong có một chỗ ở mà khó quá”.
Trong khi đó, Triệu Sinh Linh (19 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) trước dịch làm
nhân viên phục vụ quán cà phê, mất việc 4 tháng nay, chia sẻ: “Mấy ngày nay em
lang thang bến xe buýt ăn cơm từ thiện qua ngày. Em đã tới ấp hỏi về việc người
mất việc nhận hỗ trợ nhưng cán bộ ấp nói phải tìm gặp trưởng ấp. Mà em không biết
trưởng ấp ở đâu nên đi thẳng ra bến xe”.
Cùng cảnh với Linh, bạn Nguyễn Ngọc Trúc (22 tuổi, quê Kom Tum) cho hay:
“Hôm trước, em nghe nói người mắc kẹt tại thành phố sau khi đăng ký với địa
phương sẽ được theo đoàn về quê với điều kiện là có phiếu xét nghiệm âm tính
Covid-19. Em vay mượn được 400.000 đồng đi xét nghiệm, có phiếu xác nhận âm
tính. Tuy nhiên, tối đó lại có tin người dân không được rời nơi cư trú. Giấc mơ
đoàn tụ gia đình vỡ vụn, em cùng Linh lang thang bến xe trú ngụ qua ngày”.
Người lao động tập trung nhiều ở bến xe, dạ cầu, công viên do không nhận
được tiền hỗ trợ nằm ở danh sách kê khai tại địa phương. Ngay khi mất việc, cuộc
sống khó khăn, người lao động bỏ nơi cư trú đi lang thang. Thời gian qua họ chủ
yếu sống nhờ cứu trợ của các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện.
Tuy nhiên, nguồn từ thiện không phải lúc nào cũng sẵn. Ngoài người lao động
mất việc tập trung ở các điểm “tị nạn” trong trung tâm thành phố, ở vùng ven,
công viên, gầm cầu, dọc hai bờ kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, còn người nghiện trà trộn
cùng người lang thang lâu năm, người già. Trong đó, còn có nhiều phụ nữ và trẻ
em. Với mức độ lây lan dịch bệnh như hiện tại, họ rất cần được bảo vệ. Tuy
nhiên, trước tình trạng trung tâm xã hội đã phát hiện những ca dương tính và tạm
ngưng tiếp nhận, thì nguy cơ nhiễm dịch của những người ngoài cộng đồng này rất
đáng ngại.
Bên dạ cầu Chà Và (Q.5), một phụ nữ vác bụng bầu chạy tới, mồ hôi nhễ nhại
để kịp xin một phần quà. Kế bên người phụ nữ lúc ấy còn có một bé gái tầm 10 tuổi
không đi học.
Em Lò Văn Đông (21 tuổi, quê Lào Cai) làm công nhân nhà máy nước đá Thiên Phú, lương 6 triệu đồng/tháng. Sau khi nhà máy đóng cửa, Đông nghỉ việc thì chỉ còn lại 1 triệu đồng và một chiếc điện thoại, nhưng cũng vừa bị móc mất tối hôm trước.
CHỦ TRỌ CŨNG KẸT “THẾ KHÓ”
Bà Phạm Ngọc Sa (một chủ nhà trọ tại Q.8) chia sẻ: “Công nhân trả phòng
hầu hết đã nợ tiền trọ một, hai tháng nay. Tôi chỉ yêu cầu họ phụ đóng tiền điện
nước. Phần lớn những người bỏ về không còn trang trải được bữa ăn hàng ngày nên
tôi rất thương. Tuy nhiên tôi không dám nhận lại họ về nhà trọ của mình vì khi
ra đường, họ đã tiếp xúc ai, có bị nhiễm bệnh không, thì tôi không kiểm soát được.
Nếu không may có một ca dương tính thì rất nguy hiểm cho những người còn ở lại
phòng trọ khác”.
No comments:
Post a Comment