(Viết
theo lời kể của một người vượt biên. Tên nhân vật đã được đổi)
Hồi những
năm 1980, phong trào “hợp tác lao động” với CHDC Đức lôi kéo khá nhiều chú bác ở
quê tôi bỏ biển ra đi. Vài năm sau gia đình nào có người đi “hợp tác” khá lên hẳn.
Sau này, khi nước Đức thống nhất, một số ở lại được, một số quay về. Rồi chính
những người quay về nước, lại tìm cách vượt biên qua Đức. Tuy nhiên, có người
thoát, người không. Người thoát thì nghe nói làm ăn khấm khá, có người mười năm
sau quay về thành “Việt kiều yêu nước”. Người không thoát bị tù rồi bị trục xuất
về nước, lại tiếp tục ra biển đánh cá với những ước mơ dang dở.
Kế hoạch
trốn chạy
Hồi đó,
tôi còn nhỏ xíu, đã biết gì. Lớn lên một chút, ngồi hóng mấy chú bác nói chuyện
với nhau về đời sống bên Đức, những đứa trẻ như tôi cứ ngồi há hốc mồm nghe
không rớt chữ nào. Nhiều đứa mơ có một ngày được qua đó sinh sống, làm ăn. “Chắc
tiền nhiều lắm”, tôi nghĩ thế và cũng mơ một ngày như thế. Cuộc sống của tôi cứ
trôi đi trong sự nghèo nàn của bố mẹ. Học hết lớp 12 tôi nghỉ học, theo bố ra
khơi đánh cá. Thuyền nhỏ, không đi xa bờ được, nên cuộc sống cứ bấp bênh như thủy
triều.
Năm 20 tuổi
tôi lấy vợ, vì cô ấy lỡ mang bầu. Đám cưới được tổ chức vội vàng nhưng cũng
không bị điều tiếng gì, vì chúng tôi yêu nhau thật lòng từ bốn năm trước. Bố mẹ
tôi chỉ có một mình tôi, nên vợ tôi về làm dâu. Cô ấy mở một tiệm tạp hóa nhỏ,
vừa buôn bán, vừa chăm sóc gia đình. Con trai tôi ra đời trong tình yêu thương
của cả hai bên nội ngoại. Lúc này, công việc làm ăn của gia đình cũng thuận buồm
xuôi gió, không giàu có nhưng cuộc sống dễ thở hơn. Cả hai vợ chồng ráng làm lo
cho con, mong rằng tương lai của nó không như tôi.
Xóm tôi
có gia đình chú Hanh. Ổng có một thằng con trạc tuổi tôi tên Thông. Hồi trước,
chú Hanh cũng là dân “hợp tác”, khi nước Đức thống nhất, chú lãnh được một số
tiền rồi về nước. Thời gian sau, nghe tin bạn bè ở Đức làm ăn khá giả, sướng gấp
nhiều lần khi nước Đức còn trong khối XHCN nên tiếc, tính kế qua đó, nhưng
không thành. Tôi với Thông chơi với nhau từ nhỏ, không thân thiết gì nhưng cũng
thường tụm năm túm ba đá banh, hay ra bãi lượm cá.
Hai năm
trước, chú Hanh cho thằng Thông đi vượt biên qua Đức. Chú Hanh kể, nhờ Chúa, nó
đến nơi bình yên sau một tháng trời bôn ba. Nó email về nói đã gặp được bạn chú
ở Berlin rồi. Sở dĩ chú Hanh cho tôi biết, vì muốn tôi đi qua đó với thằng
Thông cho có bạn. Chú nói đi đường dây của thằng Thông đi, an toàn lắm, không sợ
bị đem con bỏ chợ.
Tôi hỏi
chú bao nhiêu, chú nói năm trăm triệu. Nghe hết hồn. Tôi nói:
– Trời đất!
Tiền đâu mà cháu có?
Chú nói:
– Mày về
xin bố mày cầm căn nhà với miếng đất là đủ mà. Để tao qua nói với bố mày cho.
Đi qua đó làm ăn lo cho thằng con, chứ ở nhà biết lúc nào mới khá.
Chú Hanh
nói nghe dễ quá, tôi tưởng như chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là đến bên Đức vậy.
Gia đình tôi nghe số tiền lớn quá cũng hoảng, rồi nghe đồn đường vượt biên khó
khăn lắm, đã có người bỏ mạng nơi đất khách quê người rồi, chứ đâu phải chuyến
nào cũng trót lọt. Đang phân vân thì chú Hanh qua. Chú nói:
– Em nói
với anh chị là cho thằng Hùng đi đi. Thằng Thông nhà em đi qua đó cái một. Chịu
khó sống chui một thời gian rồi tìm cách làm giấy tờ. Cứ bám vào mấy khu đồng
hương người Việt mà sống. Làm vài năm là gỡ vốn, rồi để dành tiền lo cho con
cái sau này. Lương bên đó rẻ bèo cũng gấp 4, 5 lần lương bên này. Chịu cực
lương còn cao hơn nữa.
Nghe nói
lương cao, bố mẹ tôi cũng xuôi tai. Tiền ông bà bỏ ra mà, tôi không làm lương
cao lấy gì trả nợ. Mất nhà như chơi. Nhưng cũng lo, lỡ tôi bị bắt thì cả nhà ra
đường luôn.
Vợ tôi
không đồng ý, nhưng không dám có ý kiến liền, nói “để con suy nghĩ”. Tối đi ngủ,
cô ấy nói:
– Thôi
anh à. Nhà mình nghèo có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Anh đi như vậy rồi có
chuyện gì sao em và con chịu được?
Cô vừa
nói, nước mắt vừa rơi khiến tôi cũng đau lòng. Tôi nói để trấn an:
– Anh cao
số lắm, em đừng lo. Ông thầy bói nói anh sống thọ tới 90 tuổi lận. Với lại, đường
dây của chú Hanh uy tín lắm, em đừng lo.
Tôi cố vẽ
tương lai tốt đẹp cho con:
– Anh đi
cũng chỉ muốn lo cho em và con thôi. Nhất là con, không để tương lai nó bấp
bênh như chúng ta được. Anh tính đi chừng năm, sáu năm, kiếm được kha khá tiền
rồi cũng về thôi.
Tôi cứ rủ
rỉ vào tai vợ những lời như thế, cho đến khi cô ấy ngủ thiếp đi.
Ngày tôi
ra Hà Nội “tập kết” chuẩn bị lên đường, vợ tôi ru rú trong phòng. Đêm qua cô ấy
không ngủ, cứ ôm lấy tôi mà khóc. Tôi cũng chỉ biết vỗ về vợ chứ chẳng biết nói
thế nào cho xuôi tai. Thôi thì như ông bà nói “hy sinh đời bố, củng cố đời
con”. Bác Hanh dặn chỉ được mang một vali nhỏ, hoặc túi xách tay với hai ba bộ
quần áo là tốt nhất.
“Đi chui
không thể mang cồng kềnh được”, bác nói thế. Rồi dặn tôi lên đến Hà Nội rồi thì
gọi số điện thoại bác đưa, sẽ có người đến đón. Đừng hỏi han người lạ. Quả thật
có người đợi sẵn. Tôi vừa xuống xe, bấm số điện thoại bác Hanh cho, máy vừa đổ
một hồi chuông là có một thanh niên xuất hiện trước mặt tôi hỏi:
– Hùng,
cháu bác Hanh phải không?
Tôi gật đầu,
anh đó khoác tay ngụ ý nói tôi đi theo, rồi chỉ tay vào chiếc xe ôm nói tôi leo
lên. Anh tài xế xe ôm liền rồ ga chạy ngay. Chạy quanh co đâu chừng nửa tiếng,
anh tấp vào một nhà nghỉ, nói tôi xuống, rồi nói vọng vào trong: “Hê… ra nhận
hàng”, rồi quay xe chạy mất. Một phụ nữ trạc 40 tuổi đi ra, đưa tôi chìa khóa
phòng rồi nói: “Em lên phòng nghỉ ngơi đi, rồi muốn ăn gì nói chị mua.”
Đến tối,
bác Hanh bất ngờ gõ cửa phòng. Thái độ bác có vẻ ngượng ngùng, nửa muốn nói điều
gì đó, nửa lại không. Cuối cùng, bác móc trong túi ra một bì thư, nhét vào tay
tôi rồi nói:
– Mày cầm
thêm $2,000 đề phòng dọc đường có cần gì thì xài.
Tôi giật
tay lại, trố mắt nhìn bác nói:
– Ô,
không bác! Tiền này là tiền gì sao bác lại đưa cho cháu?
Bác Hanh
nói:
– Mày cứ
cầm đi. Tao cho mày.
Tôi biết
bác tuy có khá giả hơn người khác một chút, nhưng cũng là nhờ sống tằn tiện,
đâu có tiền mà cho tôi nhiều như thế, nên dứt khoát không lấy. Lúc đó, bác mới
nói:
– Thú thật
với mày là tao nhận giới thiệu mấy mối đi Đức, nên có chút tiền còm. Thôi mày
cũng như người nhà, tao lấy một nửa tiền huê hồng thôi, giờ tao đưa trước cho
mày một nửa để phòng thân, chứ họ cũng chưa trả cho tao.
Thì ra thế.
Hỏi ra mới biết, bác làm môi giới vượt biên đi Đức theo kiểu này cũng hai, ba
năm nay. Nhờ đó có tiền đẩy thằng Thông qua đó. Thôi thế cũng được, dù sao bác
cũng nghĩ tình làng xóm láng giềng, nên tôi nhận, và nói:
– Khi qua
đó nhất định cháu sẽ tìm thằng Thông.
– Ừ, tao
email dặn nó rồi, khi nào mày qua đó, email cho nó biết rồi hẹn gặp, xem nó đi
trước, có giúp mày được gì không.
Xong hai
bác cháu nói chuyện vãn. Bác kể toàn chuyện cũ bên Đức, dặn tôi phải cẩn thận
thế này, thế kia. Mãi tới khuya, bác mới rời phòng, nói tôi ráng ngủ lấy sức
mai lên đường.
Đặt chân
đến Nga
Tôi lên
máy bay bằng hộ chiếu du lịch. Người công an cửa khẩu mặt đăm đăm với cái nhìn
dò xét khiến tôi hơi lo, nhưng rồi cũng xong. Chuyến bay đáp xuống phi trường
Sheremetyevo, thủ đô Moscow của Nga vào buổi chiều. Người dẫn đường, đi chung
chuyến bay, lúc này mới xuất hiện, dẫn tôi ra chiếc xe bảy chỗ đậu sẵn ngoài
bãi xe, ở đó đã có sẵn hai người. Anh ra quay trở vào phi trường, một lúc sau dẫn
ra hai người nữa. Lúc đó tôi mới biết là nhóm chúng tôi có năm người, trong đó
có một cô gái, sau này tôi mới biết tên Vân, nhỏ hơn tôi hai tuổi.
Chúng tôi
được đưa về một nhà rộng lớn, ở một khu vực rất ít người qua lại. Họ bảo cứ ở
đó một vài ngày rồi mới lên đường. Người dẫn đường dặn “không được đi ra
ngoài”, rồi thu hết giấy tờ của chúng tôi. Sự chờ đợi làm cho chúng tôi kiệt quệ
về tinh thần và cả thể xác. Vài ngày của họ kéo dài cả tuần lễ, rồi thêm một tuần
nữa trôi qua trong lo sợ. Cơm nước thì đầy đủ, có cả món ăn Việt, nhưng chúng
tôi vẫn không thể nào nuốt nổi.
Đến ngày
thứ hai mươi trên đất Nga, họ mới nói chúng tôi chuẩn bị lên đường. Hai mươi
ngày ở chung một nhà, chúng tôi gần nhau hơn, dù không dám chia sẻ gì nhiều về
gia đình, quê quán, hay những mối quan hệ bên Đức. Mọi người đều cố giữ những
chuyện riêng, chỉ kể cho nhau những thứ vô thưởng vô phạt. Vậy cũng đủ để không
nhìn nhau bằng ánh mắt ngờ vực lúc ban đầu.
Vào một
đêm, khi chúng tôi đang say ngủ thì bị gọi dậy lên đường. Mọi người vội vàng
thu dọn đồ đạc cho vào túi thì người dẫn đường nói: “Chỉ mặc một bộ đồ thôi,
không mang theo gì hết”. Giọng nói như ra lệnh làm chúng tôi cũng e dè. Chợt
Vân lên tiếng:
– Đi mấy
ngày mà anh nói chỉ mặc một bộ?
Người dẫn
đường lườm Vân với ánh mắt sắc như dao:
– Không
chịu thì ở lại.
Vân cũng
chưa chịu thua:
– Thế mặc
hai bộ được không?
Hình như
người dẫn đường chưa gặp phải tình huống này nên suy nghĩ vài giây mới lên tiếng:
– Được rồi,
muốn mặc mấy bộ vào người cũng được, nhưng không được cầm theo gì hết. Kiểm tra
tiền bạc cẩn thận, đừng bỏ quên, qua đó không ai giúp đâu.
Thế là
chúng tôi vội vàng mặc vào người hai bộ, kèm theo chiếc áo lạnh bên ngoài, xong
nhét bóp tiền vào trong hai lớp áo cẩn thận. Năm người chúng tôi cùng hai người
dẫn đường leo lên chiếc xe van đậu sẵn bên ngoài. Xe lao vút trong màn đêm. Dọc
đường, người dẫn đường ghé vào một nhà kho, rước thêm năm người nữa. Mười người
ngồi hai băng ghế sau, chật ních, không khí nóng dần lên, khiến chúng tôi hối hận
là đã mặc tới hai bộ đồ. Nhưng những ngày phải đi bộ trong rừng, chúng tôi lại
thầm cảm ơn Vân vì sáng kiến này.
Tôi không
thể hiểu họ dẫn chúng tôi đi kiểu gì, chỉ biết nghe theo. Lúc đi đường lớn, rồi
vào đường nhỏ. Có lúc, sau khi người dẫn đường nhận được một cú điện thoại,
chúng tôi phải nằm ở trong rừng cả ngày, rồi mới đi tiếp. Tôi chỉ biết có ba lần
phải đi bộ lâu nhất là xuyên rừng vượt biên giới từ Nga qua Ukraine, từ Ukraine
qua Ba Lan, và từ Ba Lan qua Đức. Mỗi lần như thế đi mất mấy ngày, vừa phải
mang theo thực phẩm nên rất mệt và sợ. Ai mà bị thương, hay không đủ sức, buộc
phải ở lại một mình. Người dẫn đường nói thế, làm chúng tôi càng lo lắng hơn.
Sau này
tôi mới biết là anh ta chỉ hù để chúng tôi gắng sức đi cho nhanh thôi, chứ một
người ở lại, đường dây của anh ta mất tiền, anh ta cũng khó sống. Mỗi lần vượt
biên giới là chúng tôi lại đổi xe, đổi hai người dẫn đường. Phải công nhận đường
dây này rất chặt chẽ, chứng tỏ họ làm việc này lâu lắm rồi, nên có kinh nghiệm
tổ chức rất chu đáo. Họ thường liên lạc với nhau qua điện thoại, và thông báo
cho nhau về lộ trình cũng như có trở ngại nào dọc đường không. Tôi chỉ đoán thế
thôi, vì mỗi lần nghe điện thoại, người dẫn đường trả lời rất vắn tắt, ít khi hỏi
thêm.
Thoát chết
trong gang tấc
Lần vượt
biên giới từ Ukraine qua Ba Lan là lần chúng tôi hụt chết. Khi gần đến biên giới
Ba Lan, người dẫn đường lái xe vào rừng. Chúng tôi cắt rừng theo một người dẫn
đường, người còn lại lái xe qua trạm kiểm soát. Hai đêm băng rừng chỉ với một
ít đồ khô và nước uống, chúng tôi mệt rã rời, chân sưng rộp. Người dẫn đường
cũng không khá hơn, dù anh ta tỏ ra quen thuộc với những con đường mòn trong rừng.
Khi ra gần đến đường lộ bên phần đất Ba Lan thì trời sụp tối. Người dẫn đường
nói chúng tôi tản ra, núp sau những thân cây lớn chờ ám hiệu của chiếc xe đã
qua trạm.
Vừa mệt,
vừa đói, hầu như tất cả chúng tôi đều thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn. Chẳng
biết ngủ được bao lâu, bất chợt tôi nghe tiếng thì thào của người dẫn đường vụt
qua tai: “Dậy… dậy… Chạy vào rừng… Chạy vào rừng…”…
Bản năng
sinh tồn của chúng tôi hình như cùng bật lên cùng một lúc. Tất cả chúng tôi bật
dậy chạy tán loạn vào rừng. Phía sau chợt có ánh đèn pin rọi tới, rồi những tiếng
thét lên, vừa tiếng Ba Lan vừa tiếng Anh, những bước chân chạy tới… Sau đó là
tiếng lên đạn, tiếng súng nổ chát chúa… Lúc này tôi chẳng biết ai trước, ai sau
mình, cứ cắm đầu chạy thẳng vào khu rừng trước mặt. Tôi cứ chạy, cứ chạy như thế,
vấp té, đứng lên chạy tiếp, không thấy đường vẫn chạy, đập đầu vào cây, té, đứng
lên chạy tiếp…
Khi tôi
không còn hơi sức để chạy nữa, thì cũng không còn nghe tiếng súng, không còn thấy
ánh đèn. Tôi nằm vật xuống đất, thở dốc nhưng chưa từng được thở. Một lát sau
tôi mò đến một gốc cây, ngồi dựa lưng vào đó. Lần đầu tiên tôi hiểu được cảm
giác của người mù, vì nhắm hay mở mắt đều thấy một màu đen đặc quánh. Giơ bàn
tay trước mặt, vẫn chẳng thấy gì. Tôi cố gắng thở nhẹ nhàng, để giữ im lặng.
Chưa bao giờ tôi sợ đến như thế. Chưa bao giờ tôi có cảm giác như vừa bước qua
cánh cửa Sinh-Tử. Chẳng biết có ai bị trúng đạn không? Có ai bị bắt không?… Bao
nhiêu câu hỏi cứ dồn dập trong đầu khiến tôi mệt mỏi, ngủ thiếp đi.
Khi ánh
sáng yếu ớt của bình minh xuyên vào khu rừng rậm, tôi giật mình thức dậy. Phải
mất chừng mười giây, tôi mới nhớ mình đang ở đâu, và nhớ lại chuyện đêm qua. Giờ
là lúc tôi thấy ê ẩm cả người, sờ lên trán thấy sưng một cục, rờ xuống hai đầu
gối, thấy chiếc quần ngoài bị rách te tua, chiếc quần trong còn nguyên. May mà
tôi mặc hai cái quần một lúc nên khi té cũng ít đau hơn.
Hai đầu gối
tuy ê ẩm nhưng xương cốt vẫn lành lặn. Tôi đứng lên quan sát chung quanh một hồi.
Những con chim rừng cũng thức giấc, bay loạn xạ, hót líu lo. Dựa theo tiếng
chúng, tôi cố gắng nói đủ lớn “Hê… Có ai không? Hê… Có ai không?…”
Không có
tiếng trả lời. Tôi đi loanh quanh rồi tiếp tục hỏi. Mãi không thấy ai đáp lại,
lúc đó tôi mới thực sự lo. Mười người họ có bị bắt không? Có ai trúng đạn
không? Hay họ đã đi mất rồi, còn mình thì bị lạc? Suy nghĩ cuối cùng khiến tôi
thực sự lo lắng, nếu họ đi hết thì xong, không biết phải ra đầu thú thế nào để
nói cảnh sát Ba Lan trả mình về Việt Nam. Rồi lỡ ra đầu thú họ lại giết mình vì
tội xâm nhập bất hợp pháp nữa thì sao? Lại lo.
Khi nỗi
lo lên đến đình rồi thì tôi không sợ gì nữa, tôi la lớn lên:
– Hê… Hê…
Có ai không? Vân ơi!… Anh ơi!…
Xong tôi
gào lên:
– Có ai
không? Có ai không?
Cuối cùng
cũng có người đáp lại:
– Ê… Ê… Tôi
đây, tôi đây…
Rồi có tiếng
chân người chạy tới, anh dẫn đường xuất hiện với vẻ mặt bơ phờ. Tôi mừng rỡ ôm
anh ấy như người thân lâu ngày không gặp. Anh ấy bảo tôi đi theo anh lại nhóm
người anh đã tìm ra. Xong anh dẫn tôi lại chỗ có năm người đang tụm lại, trong
đó có cô Vân. Tôi mừng quá suýt khóc, nghĩ thầm “Như thế là mình không bị bỏ lại.”
Người dẫn
đường tiếp tục đi tìm, một lát sau dẫn về hai người nữa, và nói:
– Chúng
ta phải đi, hai người kia bị bắt rồi.
Một người
trong nhóm hỏi:
– Có khi
nào họ bị bắn không anh?
– Không.
Cảnh sát Ba Lan hồi đêm chỉ bắn chỉ thiên thôi, chứ nếu bắn thẳng thì chắc
không chỉ chết hai người.
Nghe xong
hoảng hồn, nghĩ cũng đúng. Sau này anh ấy mới giải thích, đạn bắn thẳng sẽ nghe
thấy tiếng đạn bay “vèo vèo”, rồi tiếng đạn ghim vào cây. Còn bắn chỉ thiên thì
chỉ nghe tiếng đạn thôi, vả lại lúc đó anh ấy có quay lại nhìn, thấy tia lửa đạn
hướng lên trời. Nhưng cả nhóm nghĩ lại thấy cũng hú hồn. Chúng tôi tiếp tục lần
mò ra gần đường cái, cách nơi bị đuổi mấy tiếng đồng hồ đi bộ, rồi núp lại chờ.
Người dẫn đường liên lạc sao đó, mấy tiếng sau có chiếc xe tải lớn chạy rề rề lại.
Anh ấy nói với chúng tôi:
– Khi nào
tôi chạy là chạy theo liền nghe, leo lên đàng sau xe.
Chiếc xe
tải chứ chạy rề rề cho đến gần chỗ chúng tôi núp thì bất chợt hai cánh cửa sau
bỗng mở ra, người dẫn đường nói “chạy!” rồi bung chân chạy trước. Chúng tôi chạy
theo sát anh. Đến cửa sau xe, anh đứng lại rồi hối chúng tôi nhảy lên. Ai không
lên được anh đỡ. Chiếc xe vẫn từ từ chạy, cho đến người cuối cùng lên xe, anh đạp
vào cửa xe ba cái rồi phóng lên, đóng cửa xe lại. Chiếc xe tăng tốc lao đi.
Khi đã
quen với bóng tối trên xe, tôi mới nhìn thấy không phải chỉ có nhóm người chúng
tôi, mà còn có một nhóm khác mươi người nữa. Gần hai mươi người ngồi lúp xúp ở
góc trong, còn bên ngoài có khá nhiều thùng carton, bên trong đựng gì tôi không
biết. Đoạn đường trên đất Ba Lan từ biên giới Ukraine đến biên giới Đức khá thuận
tiện, dù phải chạy qua những con đường nhỏ, rất xấu, nhiều ổ voi, ổ trâu khiến
xe như cứ nhảy cà tưng trên đường. Vài lần phải dừng lại, hình như bị chặn hỏi
giấy tờ gì đó, nhưng chắc đám người dẫn đường biết cách “chung chi” nên nói
chuyện qua lại vài câu rồi họ cũng cho đi. Đó là tôi đoán thế, chứ ở trong xe,
đâu có nhìn thấy gì.
“Tiên sư
chúng nó”…
Xe chạy đến
tối thì đến một bìa rừng. Chúng tôi phải xuống xe, rồi chia thành hai nhóm như
lúc đầu. Chiếc xe tiếp tục lăn bánh về phía trạm kiểm soát biên giới, còn chúng
tôi lại chuẩn bị cắt rừng. Phải công nhận Vân là người con gái gan lỳ. Trải qua
nhiều chuyện như vậy, cô ấy vẫn không có vẻ gì lo sợ cả. Có lần tôi hỏi cô khi
còn ở Nga, “Vân vượt biên sang Đức làm gì? Con gái con đứa đi như thế không sợ
à?”. Vân trả lời ráo hoảnh: “Úi giời ơi! Anh chịu được thì Vân chịu được. Ở nhà
sống không nổi anh ơi. Làm cho nhà nước hay tư nhân cũng thế, muốn leo cao phải
có tiền đút lót, con gái thì phải dâng ‘thịt mình’ cho nó chén. Tiên sư chúng
nó, tôi đ… chịu được”.
Vân nói
qua bên đó, cô chỉ cần “kiếm thằng chồng đàng hoàng một tí, không yêu cũng
không sao, miễn là tử tế với nhau, để lấy cái quốc tịch. Xong thì nuôi con, rồi
buôn bán qua lại với Việt Nam là sống khỏe. Chẳng phải phụ thuộc thằng nào”. Ước
mơ của cô cũng giống như nhiều người khác, trong đó có tôi. Bỏ quê đi lưu vong
cũng chỉ vì cơm, áo, gạo, tiền thôi. Chẳng “chính chị, chính em” gì cả.
Chuyến vượt
rừng từ Ba Lan sang Đức suôn sẻ không ngờ, dù bị đi đường vòng, xa hơn dự tính.
Hai nhóm dù tách ra, đi hai đường khác nhau, để nếu có bị bắt thì cũng không bị
bắt hết, đều đến điểm hẹn hầu như cùng một giờ. Chúng tôi lại nằm chờ xe. Mười
tám người vượt biên chia làm ba xe, những người dẫn đường ở lại quay về Ba Lan,
rồi về Nga. Chặng cuối cùng đến Berlin tuy gần nhưng chúng tôi phải nằm chờ rất
lâu vì có tín hiệu không tốt của người dẫn đường đi trước. Thậm chí chiếc xe có
tôi phải chạy vào một vùng ven nằm chờ cả buổi để chắc chắn con đường tới
Berlin thông suốt.
Cho đến tối,
họ mở bạt xe tải ra và nói với chúng tôi: “Đến Berlin rồi. Xuống xe lẹ đi”, lúc
đó chúng tôi mới biết cuộc hành trình khổ ải này đã chấm dứt. Thực ra nó chưa
chấm dứt, mà chuyển qua một cuộc hình trình gian nan hơn, mà nếu bị sảy chân,
buộc phải hồi hương, thì bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ sông, đổ biển hết.
Ừ, tư bản
cứ việc tha hồ bóc lột
Họ thả
chúng tôi xuống, chụp hình, rồi đưa một tờ giấy bắt chúng tôi ghi tên, ký tên
vào đó, rồi đi ngay. Đó là chứng cứ để họ lấy số tiền còn lại của mỗi người.
Chúng tôi cũng vội tản ra để người địa phương không để ý. Chẳng kịp bắt tay
nhau, chẳng chào tạm biệt, cũng chẳng chúc nhau may mắn. Chẳng biết số phận hai
người bị bắt ở Ba Lan ra sao. Tìm một chỗ kín trong công viên gần đó, tôi nằm
ngủ chờ sáng. Đó là giấc ngủ đầu tiên tôi thấy thoải mái nhất, kể từ ngày sang
Nga đến nay, cho dù bấy giờ tôi là người vô gia đình, vô tổ quốc.
Sáng hôm
sau, tôi hỏi một người Đức gặp trên đường bằng vốn liếng tiếng Anh ít ỏi của
mình:
– Excuse
me. Where are Dong Xuan Market?
Họ nói
sao đó tôi không hiểu, nhưng qua cử chỉ của họ, tôi biết mình sẽ đi thẳng khá
xa, xong quẹo phải thì tới. Thế là tôi đi, cứ đến một ngã tư tôi tìm người rồi
lập lại câu hỏi “Excuse me. Where are Dong Xuan Market?” rồi đi tiếp. Cứ thế
khoảng một tiếng đồng hồ thì tới chợ Đồng Xuân.
Không thể
diễn tả niềm vui khi tôi đặt chân đến đây. Như được trở về nhà, vì được nghe
toàn tiếng Việt. Ghé vào một nhà hàng Việt, gọi một tô phở bò đặc biệt rồi ngồi
chờ. Không khí trong quán tạo cho tôi cảm giác thân tình, nên tôi mới hỏi một
chị nhân viên ở đấy cho tôi mượn điện thoại nhắn tin cho bạn. Chị cũng mau mắn
đưa phone cho tôi mà chẳng hỏi câu nào. Rất may là phone của chị cài đặt tiếng
Việt chứ không tôi chẳng biết đường nào mà đọc tiếng Đức.
Mở tờ giấy
bác Hanh đưa có số phone thằng Thông, tôi nhắn “Tao đang ở Berlin” rồi chờ nó gọi
lại. Cầu mong nó nhận được tin nhắn rồi gọi lại. Nếu không, tôi cũng chẳng biết
sống sao ở thành phố lạ lẫm này.
Không ngờ
vừa nhắn xong thằng Thông gọi lại liền. Nó la lên:
– Đến rồi
hả? Mày đang ở đâu?
Tôi nói địa
điểm, nó nói liền:
– Mày chờ
tao một phút, tao cũng đang ở trong chợ.
Tôi trả
điện thoại cho chị nhân viên rồi nói cám ơn. Chị ấy hỏi:
– Mới qua
hả em?
Rồi quay
đi ngay mà không cần câu trả lời. Chắc chị quá quen với cảnh này rồi.
Đúng là một
phút sau, thằng Thông xuất hiện trước cửa nhà hàng với quần áo “bảnh bao”, đầu
tóc láng mướt, mở miệng cười hết cỡ:
– Hê hê…
Bố tao nói từ tháng nay rồi, tao cứ chờ. Ơn giời, mày bình an là mừng rồi.
Tôi nói:
– Ừ thì bố
mày nói qua đây có gì gặp mày thì tao mới yên tâm đi chứ.
Nó nói:
– Thôi ăn
nhanh đi rồi tao chở về nhà nghỉ ngơi, tối tao về rồi tính, chứ giờ phải đi
làm.
Tôi mượn
điện thoại của nó, gởi email cho vợ tôi: “Anh đã gặp anh Thông”. Chắc cả nhà
tôi mừng lắm, vì cả tháng nay họ không nhận được tin tức gì của tôi. Chắc bác
Hanh cũng rất mừng, vì không bị bố tôi gặn hỏi “Con tôi đâu?”. Đến tội hai ông
già.
Tôi cũng
email cho bác Hanh: “Cháu gặp thằng Thông rồi. Cháu cám ơn bác nhiều”. Thằng
Thông ở nhà bác Vũ, bạn bác Hanh. Hai bác là bạn học từ nhỏ, lớn lên rủ nhau
qua Đức “hợp tác” cùng một chuyến nên thân càng thêm thân. Hồi nước Đức thống
nhất, bác Vũ nói bác Hanh cùng nhau ở lại “đế quốc Đức” làm giàu, nhưng bác
Hanh không chịu, đòi về. Thế là chia tay. Bác Hanh kể, lúc đó bác Vũ giận bác ấy
lắm. Bác Vũ nói: “Mày có điên không? Bao nhiêu người muốn qua đây mà không được,
giờ mày thấy có mấy ngàn bạc thằng Đức cho mà đòi về”. Đến khi bác Hanh thấy
mình sai, muốn quay lại Đức, bác Vũ lại chửi, rồi giúp nhưng không thành.
“Thôi thì
không giúp được bố, thì giúp con”, bác Hanh kể lời bác Vũ nói với bác thế.
Hai năm
trời ở với bác Vũ, thằng Thông không tốn một đồng tiền nhà, tiền ăn. Đã vậy lại
còn được bác cho phụ giúp bán hàng ngoài chợ Đồng Xuân, có thêm tiền tiêu, gởi
về nhà giúp bố mẹ. Hiện nay nó đang tìm cách làm thủ tục để hợp thức hóa giấy tờ,
chứ hồi nó qua đây cũng giống như tôi bây giờ, giấy tờ bị tịch thu sạch. Tối nó
về, mua một thùng bia Đức, xúc xích Đức, để hai thằng vừa nhậu vừa tâm sự. Chủ
yếu là nó nói, tôi chỉ nghe.
– Tao nói
với bác Vũ rồi, mày cứ ở đây rồi từ từ tính. Mai mốt tao tìm cách mướn phòng
cho mày ở riêng, chứ ở chung với tao không tiện, nhưng đừng lo, tao sẽ xin việc
làm cho mày. Tao và mày ở một chỗ, lỡ cảnh sát bắt một thằng, lòi ra thằng thứ
hai thì xui cả đám. Để từ từ lo giấy tờ đã.
– Đi đứng
phải cẩn thận, chứ để cảnh sát tóm được thì tốn tiền lĩnh ra. Làm chưa được đồng
nào mà đã tốn tiền thì phí lắm. Mà mày bị bắt, bác ấy cũng phiền, nên phải cẩn
thận.
Nó vẽ cho
tôi một chương trình định cư “như trên mây”. Nói chung, ở Berlin cộng đồng người
Việt nhiều, cần gì họ cũng giúp được, có cái thì họ miễn phí, nhưng có cái phải
tốn tiền. Thằng Thông nói:
– Hồi nhỏ
đi học, được dạy bọn tư bản bóc lột công nhân tận xương tủy, qua đấy mới thấy tụi
nó bóc lột như thế nào. Mày cứ chịu khó làm ăn, lương bèo ở đây cũng là nhiều
so với trong nước. Cố gắng tằn tiện gởi về vài năm là trả hết nợ, nuôi cả gia
đình. Con mày sẽ được học trường tốt, không bị bắt nạt, vợ mày không bị ai
khinh. Chưa kể sau này tìm cách bảo lãnh vợ con qua đây. Tin tao đi, bọn tư bản
này bóc lột hay lắm, chúng biết cách bóc lột nên dân cứ giàu, cứ có tiền, để
chúng tiếp tục bóc lột. Còn bọn trong nước thì bóc lột dân cho đến lúc họ không
còn gì nữa mới thôi.
Nó cứ
nói, tôi cứ nhậu và say lúc nào không biết. Tôi chìm vào giấc ngủ với suy nghĩ:
“Ừ, tụi bay cứ cho tao ở lại để bóc lột sao cũng được, miễn sao gia đình tao
sung túc”…
Trường An
No comments:
Post a Comment