Pages

Monday, October 4, 2021

"Giải Phóng" Rồi Còn Vác Mặt Sang Mỹ Làm Cái Gì Vậy? - Bùi Bảo Trúc

Hình minh họa


Mấy tuần trước, trong mục Nối Nhịp Thân Yêu của đài Little Saigon Radio, có một thịnh giả gọi điện thoại vào đài nhờ làn sóng điện giúp ông tìm một người bạn. 

Nhưng lời nhắn của ông làm tôi rất khó chịu. 

Theo những chi tiết ông cho biết về ông và về người bạn ông muốn tìm, tôi đoán ông phải là người đã lớn tuổi. Vẫn theo ông, trước năm 1975, ông là sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bạn của ông cũng phục vụ trong quân ngũ. Ông phải ở trong hạng tuổi trên dưới sáu mươi. 

Nghe những chi tiết ông cho biết về ông và bạn ông, tôi đoán ông đã ở lại Việt Nam sau biến cố tháng Tư năm 1975. 

Và vì thế, ông làm tôi khó chịu.

Ông gọi biến cố năm 1975 là "giải phóng". 

Hai chữ này đã lâu tôi không nghe. Vì ông gọi điện thoại vào đài Little Saigon nên tôi mới nghe lại hai chữ ấy.

Nếu người dùng hai tiếng này là một cán binh Cộng sản hay một người làm việc cho nhà cầm quyền Hà Nội, hay là một người dân miền Bắc thì tôi không có ý kiến mặc dù nhiều người dân ở miền Bắc cũng rất mỉa mai khi dùng hai chữ này, và một số khác thì phủ nhận hoàn toàn không nghĩ đó là một cuộc giải phóng.

Nhưng người đàn ông gọi vào đài lại là một người sống ở miền nam, lại từng có thời ở trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà.

Điều đó làm tôi rất khó chịu.

Nếu ông ta không ở trong quân đội, thì sự khó chịu của tôi cũng nhỏ thôi. 

Nhiều ngưòi ở miền Nam trong khoảng thời gian ngay sau ngày 30 tháng 4 cũng đã dùng hai chữ này. Bị bắt phải dùng cũng có. Phải dùng để được yên thân cũng có. Mà tự nguyện dùng vì nghĩ là sẽ được tha cũng có. Rồi một hồi sau, thành ra quen miệng mà dùng. 

Nhưng rất nhiều trong số những người này, sau cơn hốt hoảng ban đầu, và thấy thực sự họ cũng chẳng hề thấy là được giải phóng gì hết, nên hai chữ này không còn được đem dùng nữa. 

Chuyện quen mồm rồi cũng bớt …quen. Vì thế, hai chữ giải phóng cũng thưa thớt dần và nay, ít người còn dùng chúng trong những lúc nói chuyện hàng ngày. 

Người đàn ông gọi điện thoại vào đài nhờ tìm bạn, cho tới cách đây mấy ngày, thì vẫn dùng hai chữ ấy. 

Ông cho biết ông cũng là sĩ quan. Như thế chắc chắn ông có đi tù Cộng Sản. Vậy mà ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng" để nói về mốc thời gian năm 1975.

Sau những đối xử tàn tệ , dã man trong tù Cộng Sản, ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng" để nói về ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Trong khi ông ở tù, chắc vợ con ông ở bên ngoài cũng không khá gì như hầu hết những người Việt ở miền Nam thời ấy. Đời sống phải khốn khổ trăm bề. Nhưng ông lại vẫn dùng hai chữ "giải phóng" một cách bình thản. 

Ông ra tù, có thể được thân nhân bảo lãnh sang Hoa kỳ sống. Ông vẫn vui vẻ làm giấy tờ, chạy đôn chạy đáo hoàn tất thủ tục để đi khỏi Việt Nam. 

Sau những chạy vạy vất vả đó mãi rồi ông cũng được giấy đi Mỹ. Vậy mà ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng" để nói về cái duyên cớ ông đi tù, vợ con nheo nhóc khốn đốn và cuối cùng ông đi Mỹ, xa rời cái vùng đất gây cho ông và gia đình ông bao nhiêu khốn khổ. Nhưng ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng".

Cũng có thể ông ở tù Cộng sản nhiều năm nên được cho đi Mỹ. Ông ở tù lâu như thế, mà vẫn gọi cái ngày khởi đầu thời gian ở tù Cộng sản của ông là "giải phóng".

Ông sang Mỹ muốn đi đâu, ở tiểu bang nào, làm việc gì tuỳ ý. Vậy mà ông vẫn dùng hai chữ "giải phóng" để nói về cái ngày ông phải bỏ đất nước ông đã lớn lên để ra ngoài sinh sống.

Thì tôi không thể hiểu được. 

Việc dùng hai chữ "giải phóng" không thể nói là quen miệng mà dùng mãi đến ngày nay. Ở trong tù bằng ấy năm, ra tù sống thêm một thời gian, khốn khổ là chuyện ắt phải có. Vậy mà vẫn, mở miệng ra nhắc đến cái ngày khốn nạn đó là ngày "giải phóng" thì sao được.

Không thể quen được. Em họ tôi đi bộ đội bỏ xác ở Trường Sơn. Nhưng cô tôi không một lần, trong các thư từ, nói là nó "đi Nam giải phóng, chống Mỹ cứu nước". Mà cô tôi là người sống suốt đời ở miền Bắc.

Mấy chục năm qua đã là thời gian đủ để nhìn lại xem đó có phải là ngày giải phóng không.

Nếu là một đứa bé, một kẻ thất phu như chữ nghĩa người xưa vẫn dùng mà mở miệng ra dùng những chữ ấy thì còn có thể tha thứ được. Nhưng đây cũng là người cầm bát cơm lên biết đổi đầu đũa mà còn nói ra những lời lẽ còn nặng hơn là tiếng chửi lại mình, tiếng nhục mạ danh dự của chính mình thì không thể không bực mình cho được. 

Không lẽ bỏ Việt Nam đi tìm miếng ăn. 

Nhưng cho dẫu có như thế, thì cũng chẳng thể nào gọi đó là ngày "giải phóng" được.

 "Giải phóng" rồi còn vác mặt sang Mỹ làm cái gì vậy?

 

●Bùi Bảo Trúc 

Ngày 8 tháng 9 năm 2012 

2 comments:

  1. Các Bác cựu Quân Nhân ở đây cũng hồ hở hối nhau là phải tranh thủ cho kịp chương trình vào ngày tưởng niệm 30/4 tại Little Sài Gòn cách đây ko lâu & hầu như các chương trình trên Radio ở ngay thủ đô của người Việt lưu vong vẫn thản nhiên dùng ngôn ngữ của của phía bên kia đọc tin & quảng cáo mỗi ngày ..Gần đây nhất là Ông Bác Sĩ thú y cũng sao bản chính với hai chử " Nhiễm Khuẩn ...Đọc mà muốn thóa mạ

    ReplyDelete