Pages

Sunday, October 3, 2021

Rừng Và Lũ Lụt - Đỗ Duy Ngọc


Miền Trung lại lũ lụt. Con số người chết đã lên đến hàng trăm. Nước mênh mông, không còn xóm làng, không còn nhà cửa, chẳng còn ruộng đồng, không còn vườn tược cây trái. Tất cả chỉ còn là biển nước và tiếng kêu bi thương của những người dân. Đối với người dân miền Trung, lũ lụt không xa lạ gì với họ. Nó đến hàng năm, và hình như năm sau khốc liệt hơn năm trước. Ngày xưa, khi lũ lụt xong, đất được bồi thêm phù sa, ruộng đồng sẽ tốt tươi hơn dù những trận lũ lụt khiến cho nhà cửa, tài sản đôi khi cả sinh mạng con người bị đe doạ. Những cơn lũ lụt định kỳ nên người dân ngày xưa bình tĩnh, chuẩn bị đón nhận nó. Nhớ cơn lũ lịch sử năm Giáp Thìn 1964, nước ngập tràn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín đến Bình Định. Hồi đấy, đây là cơn lũ lụt kinh khiếp nhất nhưng nước cũng chỉ xấp xỉ hơn nửa nhà dù số người chết lên đến bảy ngàn người và tài sản mất hết tám mươi phần trăm. Những hình ảnh còn ghi lại cho thấy dù là cơn lụt lớn nhất nhưng nước về không dâng cao như bây giờ. Tốc độ nước dâng cũng không quá nhanh như bây giờ.


Bốn mươi năm trở lại đây, rừng Việt Nam bị khai thác vô tội vạ. Thập niên 80, các cơ quan nhà nước thi nhau đốn rừng làm củi cung cấp chất đốt. Nhiều ban ngành, nhiều đơn vị được lãnh bằng khen nhờ công tác đốn rừng này. Suốt một cuộc chiến tranh chống Pháp cho đến cuộc chiến tàn tệ Bắc Nam, rừng Việt Nam vẫn ngút ngàn và tươi xanh dù hứng chịu biết bao nhiêu bom đạn. Thế nhưng sau hoà bình, rừng càng lúc càng trơ trụi, cạn kiệt vì sự tàn phá và khai thác bừa bãi của con người. Hết đốn rừng làm chất đốt đến phá rừng mở nông trại và cao điểm là hàng loạt thuỷ điện ra đời. Người ta lập dự án thuỷ điện không phải để tăng thêm nguồn điện mà mục đích chính là để phá rừng, đốn gỗ. Cái đấy mới là mối lợi lớn. Bởi thế có nhiều dự án thuỷ điện từ quy mô cho đến cóc nhái sau khi triệt hạ rừng lấy gỗ, dự án đắp chiếu để đó. Tính đến thời điểm năm 2018, hiện tại có 205 dự án nhà máy thủy điện với tổng công suất 6.198,88 MW đang xây dựng và dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2015-2017. Riêng bốn tỉnh miền Trung cùng hai tỉnh ở Tây nguyên là Kontum và Đắk Nông đã có gần 150 dự án thủy điện lớn nhỏ đã được phê duyệt. Là địa phương có số lượng các nhà máy thủy điện lớn nhất, Quảng Nam có đến 62 dự án thủy điện với tổng công suất lên tới 1.601MW.

Ở đâu có rừng, ở đó có thuỷ điện. Hàng đoàn xe gỗ nối đuôi nhau đi ra từ những cánh rừng. Rừng giúp những tay buôn gỗ, những cán bộ kiểm lâm, những quan chức trở thành tỷ tỷ phú. Rừng bị đốn trọc để biến thành những căn nhà đồ sộ tốn hàng trăm mét khối gỗ mọc lên của những trọc phú, những quan chức lãnh đạo. Những khối gỗ hàng chục, hàng trăm tấn biến thành bàn ghế, tủ giường, cột kèo chạm trổ cầu kỳ trang trí trong những căn nhà rộng bao la của các quan. Trên mạng đầy những cuộc đấu giá gỗ rừng, hình ảnh của các xưởng gỗ với nhiều thớt gỗ rộng mấy thước đường kính rao bán công khai. Cơ quan nhà nước cũng xài toàn đồ gỗ quý, chùa chiền cũng sử dụng những trang bị toàn là những thớt gỗ dày và rộng, nhà nhà xem xài gỗ quý là thể hiện giới quý tộc. Không lẽ miền Nam ít gỗ hơn nên cũng thấy ít nhà gỗ lớn, đa số từ Quảng Trị, Quảng Bình trở ra Bắc, người ta rất ưa chuộng và cho rằng ở nhà gỗ quý mới sang. Tui cho đó là do tư duy phong kiến mà ra. Nhưng mà nơi vua ở ngày xưa cũng không tốn gỗ như nhà các quan và đám trọc phú bây giờ. Nói thật mất lòng chứ với cái nhìn mỹ thuật thì nhà mà bày biện lắm ghế bàn to rộng, chạm trổ chằng chịt nhìn chẳng sang, chẳng đẹp chút nào.

Rừng đã bị bức tử.
Cây rừng bám chặt đất hàng trăm năm, những cội rễ giữ đất đã cản luồng nước lũ từ nguồn về. Giờ rừng đã bị xử tử, cây đã bị đốn sạch, nước tự do hung hãn đổ về đồng bằng, nước sẽ dâng cao, nước sẽ tuôn nhiều hơn ngày xưa gấp bội bởi không còn gì có thể cản đường đi của chúng. Dòng nước dữ đấy cộng thêm nước xả lũ của các đập thuỷ điện, nước dâng nhanh, chẳng ai chạy kịp. Bởi lý do đó, lũ bây giờ nước cao hơn vượt qua những mái nhà và dâng nhanh với tốc độ chóng mặt. Nếu không xả lũ, nếu các đập thuỷ điện vỡ, hậu quả sẽ kinh khiếp hơn. Câu hỏi được đặt ra là các dự án thuỷ điện có trách nhiệm gì trong cơn lũ lụt này? Những người ký cho phép các thuỷ điện mọc lên có tội không? Dân bị thiệt hại có quyền khởi kiện các đập thuỷ điện không? Từ trước đến nay chẳng có ai chịu trách nhiệm. Hậu quả thì dân gánh chịu nhưng khi công trình mọc lên chẳng có ai hỏi ý kiến của dân. Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi. Những căn nhà gỗ, những bộ bàn ghế chạm trổ cầu kỳ, những tủ, những giường gỗ quý được làm ra từ những cây rừng, chủ nhân của chúng cũng là kẻ có tội góp phần làm rừng chết. Chẳng có ai bị phán xử cả, họ sống ấm êm trong những căn nhà gỗ như cung điện với những tiện nghi cũng từ gỗ làm ra trong khi hàng ngàn người phải hứng chịu hậu quả của chuyện phá rừng khai thác gỗ. Cũng chẳng ai có tội. Tất cả đều trang bị cho mình một cái giấy chứng nhận gỗ hợp pháp. Tất cả giấy phép ấy đều là đồ giả. Chỉ có nỗi đau và mất mát của những nạn nhân là có thật.


Khi chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng, rừng thật sự chẳng còn để đóng cửa. Và khi thiên nhiên bị tận diệt đến tận cùng, cũng là lúc loài người chuẩn bị ghi tên vào sách đỏ. Thiên tai chỉ tàn phá một nhưng nhân tai đã hủy diệt mười. Nếu không thay đổi, lũ lụt năm sau sẽ kinh khiếp hơn năm trước và sức tàn phá cũng sẽ kinh khủng gấp nhiều lần. Chúng ta có Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hàng năm ngân sách chi cho uỷ ban này cũng không phải là ít, thế nhưng hình như tổ chức này chưa làm tròn trách nhiệm của mình và trước những biến cố vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa và khắc phục. Bão, lũ lụt xuất hiện hàng năm, nhưng cũng chẳng thấy tổ chức nào của chính phủ có những kế hoạch để phòng tránh những hậu quả, cũng chẳng thấy dự án nào để dân có thể an tâm trong mùa lũ. Toàn là nước đến chân mới nhảy để lại những bi thương và mất mát. Thiên tai, dịch hoạ là mối lo âu của con người. Thế nhưng nhân tai mới là điều đáng lo lắng nhất.

20.10.2020
DODUYNGOC

No comments:

Post a Comment