Pages

Saturday, November 13, 2021

Vô Môn Quan - Cửa Thiền Không Cánh Gài - Nguyên Thọ

 

Ngôi chùa Trúc Lâm cổ kính bị khuất lấp sau cánh rừng già đã nhiều năm nên không ai vào được để viếng chùa và vấn an vị thiền sư viện chủ ngôi chùa.

Bỗng có tin cổng chùa đã khai thông.

 

Cửa chùa không cài khoá nên gọi là TRÚC LÂM VÔ MÔN QUAN, tự do ai ra vào cũng được.

 

Khách thập phương lũ lượt viếng chùa và ai cũng ước mong gặp được thiền sư Trúc Lâm. Đó là một vị chân tu đạo cao đức trọng, tiếng tăm lừng lẫy khắp mọi miền trong bao năm. Nhưng suốt nhiều ngày qua, cổng chùa mở rộng đón khách. Những đoàn người nối tiếp hành hương đến chùa mà chẳng ai gặp được Thiền sư viện chủ nơi phương trượng chùa Trúc Lâm.

Hôm nay, người khách cuối ngày lững thững bước qua cổng tam quan như chẳng chú ý gì chuyện xung quanh. Nhưng thay vì đi thẳng vào chùa như mọi người thì ông ta thản nhiên tới bên cái giếng cạnh chùa tìm cái gàu để múc nước tưới những hàng cây xanh lá đang héo rũ vì nắng. Thấy có người ngồi vót tre sửa gàu bên giếng nước, khách hỏi mượn đôi gàu và múc nước tưới cây. Tưới xong những hàng cây thì mặt trời cũng sắp lặn, khách xách tay nãi bước ra khỏi cổng chùa. Người đan gàu nhẹ nhàng lên tiếng:
⁃ Bác không vào trong lễ Phật à ?

Người khách trả lời:
⁃ Trong chùa đâu có Phật mà phải vào đó gặp Phật vái lạy để làm lễ! Chùa là nơi thờ những bức tượng đồng, tượng đá để vọng tưởng tới hình ảnh của Phật thôi mà.

Người đan gàu lại hỏi: 
⁃ Thế thì bác phải cất công đến tận nơi đây làm gì cho phí?”

Khách điềm nhiên đáp:
⁃ Đến để được hưởng năng lượng lành.

Người đan gàu tỏ vẻ ngạc nhiên, hỏi:
⁃ Thế chỉ có nơi đây mới có năng lượng lành thôi sao?

Khách đáp:
⁃ Hoàn vũ tứ đại: đất nước gió lửa nơi đâu cũng có năng lượng thuộc ba dạng: lành, dữ và trung tính. Nhưng nơi tôn nghiêm từ bi hỷ xả thì thường năng lượng dữ tạm buông bỏ, con người phát ra năng lượng lành là chính. Chốn cửa thiền là nơi có nguồn năng lượng lành được nhân lên gấp bội. Người ta có thể gọi nguồn năng lượng đó là duyên lành là chân tâm là tánh Phật hay những gì hay ho cao đẹp đều cùng một nghĩa.

Người đan gàu từ tốn tiến lại gần lão khách, tươi cười hỏi:
⁃ Vậy thì xin hỏi bác từ khi vào chốn nầy đến giờ, Bác đã thu nhiễm được năng lượng gì chưa?

Đến đây thì người khách cười thành tiếng vui vẻ trả lời:
⁃ Có ạ. Rất tròn đầy. Đây là đất Phật, nếu có thể nói như thế, vì từ người, sinh vật đến thiên nhiên đất, nước, gió, lửa ... nơi đây đều nhiễm một dòng năng lượng chung chung tương đối thiện lành mà người ta có thể tạm gọi đó là hạnh lành, thiện tâm hay gần với mùi vị trầm hương hơn, đó là tánh Phật. Bác đã hỏi thì tôi cũng xin thưa là tôi đã được chia sẻ năng lượng lành khi được đứng trên mặt đất của khu rừng thiền Trúc Lâm này. Nguồn năng lượng đó lại càng tăng lên khi tôi hòa mình với thiên nhiên, tưới tẩm nước mát vào hàng cây đang héo. Nào, bác nhìn xem kìa, hàng cây mới đó mà gần như đã tươi trở lại. Tôi cũng cảm thấy mình phấn chấn hơn. Phải chăng đã có một sự tương tác giữa con người và thiên nhiên ngoại cảnh trong một dòng năng lượng chung đó là năng lượng của Trúc Lâm thiền viện?

Cả hai ông lão cùng cười thành tiếng. Người đan gàu nói với giọng đùa vui:
⁃ Thế bác không vào ghé thăm ông thầy trụ trì chùa Trúc Lâm này sao?

Người khách vái một cái dài và khoát tay, trả lời:
⁃ Khi con người chia chung dòng năng lượng lành trong khung cảnh này thì tôi cùng bác và mọi vật trong khu chùa này đều cùng được tưới tẩm và nuôi dưỡng một nguồn năng lượng lành. Hay nghiệm sâu hơn là cùng có tánh Phật. Tôi được gặp bác cũng như được gặp phương trượng chùa Trúc Lâm vì cùng nương vào tánh Phật. Đồng tánh rồi thì gặp hay không có khác chi.”

Nói rồi người khách lạ xin kiếu từ vì ngày đã muộn. Khach men theo đường mòn xuống núi. Người đan gàu tiễn chân và vẫy tay khi khách vừa khuất sau tàng cây. Có tiếng thì thầm sau triền đồi vọng lại:
⁃ Ôn Trúc Lâm đó. Ngồi đan gàu như đang quán niệm. Ngài như đỉnh núi, ai cũng thấy nhưng gặp thì hiếm. Ai cũng tới được Vô Môn Quan nhưng phải có cái tâm vô sở trụ, nghĩa là không chấp, buông xả, rỗng lặng, chẳng mong cầu gì như cái ông khách cuối cùng hôm nay mới lọt qua được cửa “Vô Môn” và mới gặp được Sư ông Viện chủ. Gặp mà không gặp. Không gặp mà như đã gặp cả ngàn năm.

 

Nguyên Thọ 

No comments:

Post a Comment