Pages

Tuesday, December 28, 2021

Vô Thần - Nguyễn Giụ Hùng

 

Nhân đọc bức thư của một người bạn gửi cho tôi than thở, trong đó có nhắc tới chữ “atheist”, tôi chẳng hiểu mô tê gì về cái nghĩa của chữ này nên đành phải tra tự điển để hiểu rõ những điều người bạn tôi muốn nói. Cứ theo tự điển Anh-Việt thì nghĩa của chữ "atheist" là "vô thần".

“Thần” là từ ngữ thuộc về ý niệm nửa như trừu tượng, nửa như cụ thể, nửa như là đức tin thuần khiết, nửa như dị đoan, nửa như đơn sơ, nửa như phức tạp ... đã từng tạo nên nhiều cuộc tranh cãi và gây ra biết bao hệ lụy cho con người. Kẻ tin điều này, kẻ không tin điều kia, thật rối bời như một mối bòng bong. Đôi khi sự tranh luận, cãi cọ nhau về “Thần” nằm trong những thái cực của cực đoan để tạo nên những chuyện nực cười không lối thoát, không có kết luận, đầu voi đuôi chuột, đánh nhau bể đầu, vô bổ, chỉ vì muốn lấy cái hiểu biết hữu hạn của con người mà bàn tới cái vô hạn của Trời Đất.

Biết cái khó khăn như thế nên tôi chỉ xin mạn bàn về “vô thần” theo chiều hướng tào lao thường lệ, nghe qua rồi bỏ. Trước hết phải hiểu "vô thần” theo cái định nghĩa nào đã chứ, vì một từ ngữ luôn có thể có nhiều định nghĩa với cách hiểu khác nhau tùy theo tình huống sử dụng nó.

Này nhé, cứ hiểu một cách đơn giản: "vô" là không có, "thần" là những ông Thần được thờ phượng (hay thờ phụng). Có người cảm thấy sợ hãi hay bực mình nếu có ai nói mình là “vô thần”. "Vô thần" có nghĩa là không có ông thần nào để thờ phượng cả, như ngay cả thần Tài cũng không có. Không có thần Tài, có nghĩa là ta không được giàu hay không muốn giàu, mà không được hay không muốn giàu thì có chi phải sợ nhỉ. Hay có cô nào đó, ngay cả thần Vệ Nữ (thần Ái Tình) cũng không có. Không có thần Ái Tình, nghĩa là cô ấy chẳng yêu ai hoặc không ai yêu cô ấy. Không yêu ai hay không ai yêu thì cũng đâu có chi mà phải sợ hay bực mình, có sợ chăng là sợ cái cảnh "chổng mông mà gào". Ngược lại, chẳng may mà cô ấy lại có thần Bạch Mi (trong Truyện Kiều) chiếu mệnh thì thật khổ một đời.

Cũng có thể hiểu “vô thần” theo cái định nghĩa là chẳng thờ ông thần nào cả. Theo cái suy nghĩ lẩm cẩm, ngụy biện và tào lao của tôi thì "vô thần" chẳng có liên quan gì tới vấn đề tâm linh cao cả của con người cả. Thần có thể là người, động vật, thực vật hoặc một vật thể nào đó được người đời tôn vinh. Thần được tôn kính bởi đức độ hoặc quyền lực hoặc cả hai, hoặc vì một hay nhiều lý do linh thiêng nào khác nữa mà chỉ có ông thần mới biết. Và cũng có khi chính ông thần này cũng chẳng biết lý do tại sao ông lại được thờ phượng mà chỉ có những người thờ phượng ông mới biết rõ mà thôi. Có những vị thần được hỏi tại sao người ta lậy ông, ông chẳng biết, hỏi người ta xin ông điều gì, ông cũng chẳng hay, ông chỉ biết ngồi trên cao cười cười ăn oản chẳng khác chi những ông nghị gật. Đơn giản thế thôi. Cứ nghe vị hảo hán nào đó tả một cụ già:

Ban ngày cụ cứ như thần,

Ban đêm cụ cứ tần mần như ma.

Theo hai câu thơ ấy thì thần rất gần gũi với ta, nhưng có điều thần thì không biết "tần mần" như người và ma.

Nói về thần thì số lượng thần trên trái đất này nhiều vô kể. Mỗi nơi có một ý niệm khác nhau về thần nên thần cần được cấu tạo sao cho phù hợp với văn hóa, tập quán, ... sinh hoạt đức tin của người dân nơi ấy. Mỗi địa phương có một phong cách thờ phượng riêng cho mỗi vị thần của họ.

Thần là sản phẩm của con người, do đó thần chỉ có thể thể hiện được tính chất đặc thù của mình nằm trong giới hạn trí tưởng tượng của con người chứ thần không thể vượt lên cao hơn hay xa hơn được cái trí tưởng tượng ấy. Và cũng vì thần là sản phẩm của con người nên thần cũng có sinh tồn, nay còn mai mất như con người vậy. Thần cũng lên voi xuống chó, như khi còn được thờ phượng thì là thần, không còn được thờ phượng thì lại trở thành ma. Thần cũng nổi trôi để “làm thần đất ta làm ma đất người” (ca dao). Tuổi thọ của thần cũng phụ thuộc vào sự phát triển, tiến hóa của xã hội loài người, có những vị thần “chết” đi và cũng có những vị thần mới được “sinh ra” sau này. Muốn tăng tuổi thọ, thần cần phải biết uyển chuyển theo sự thay đổi, tiến hóa ấy cho kịp thời, kịp hoàn cảnh mới. Có những vị thần chỉ được phát triển trong một khu vực nhỏ, có những vị thần được phát triển trong khu vực rộng lớn hơn và có ảnh hưởng sâu xa hơn để có khi trở   thành tôn giáo như Nho giáo chẳng hạn, mà đức Khổng Tử đã trở thành giáo chủ.

Thần được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và tên gọi cũng có thể khác nhau. Thi dụ, cứ như ở Việt Nam ta, thần ở trong làng xã thì gọi là Thành Hoàng hay Thần Hoàng, đất có Thổ Địa, sông có Hà Bá, núi có Sơn Thần, rừng có Chúa Ngàn… Thần có thể là cái cây (Linh Mộc), cục đá (Bà Đá), bình vôi, thần Lửa... hay sinh vật như chó (đền Cẩu Nhi), chim (Tiên), cá, rồng, rùa (Kim Quy), ngựa (Bạch Mã) ... và cũng có thể là những người hèn mọn như lão ăn mày hay người mõ làng... khi chết được hiển linh. Thần có thể là đàn ông, đàn bà hay trẻ con. Thần cũng có thể là những vị vua, hay những vị đại danh kiệt, hay những bậc danh thần có công lớn với dân với nước, hay đến từ huyền thoại, tổ nghiệp hay cũng có khi chỉ là những nhân vật rất ư là "tầm phào" mang tính dã sử như những vị thần được kể sau đây làm thí dụ:

- Bố của vua Đinh Tiên Hoàng là con rái cá. Mẹ của vua Đinh Tiên Hoàng tức vợ của sứ quân Đinh Công Trứ, ra suối tắm thì bị con rái cá hiếp mà mang thai, đẻ ra Đinh Bộ Lĩnh bơi lội rất giỏi. Sau này, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất sơn hà lên ngôi Thiên tử lấy tên hiệu là Đinh Tiên Hoàng Đế, tự sánh mình ngang hàng với các vua đại Hán, đại Đường, đại Tống bên Tầu, mở nền tự chủ đầu tiên cho đất nước ta (theo Nam Hải Dị Nhân)

- Bố của ngài Mạc Đỉnh Chi (lưỡng quốc trạng nguyên) là con khỉ lớn. Khi mẹ của ngài Mạc Đỉnh Chi vào rừng kiếm củi thì bị con khỉ lớn hiếp mà mang thai, sau sinh ra ngài (theo Nam Hải Dị Nhân).

      Con rái cá, con khỉ ấy cũng được dân làng thờ để trở thành thần.

Nếu ta đi sâu thêm vào chi tiết của những vị thần trên toàn đất nước thì kể sao cho hết. Cứ chỉ kể trong cái phạm vi nhỏ hẹp của thành phố Hà Nội không thôi, cũng có thể có cả trăm vị thần rồi (Bách thần Hà Nội).

Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây, trong ca dao, ta cũng có những câu liên hệ đến thần, nhiều lắm, nhưng chỉ xin đơn cử vài câu:

  Ở cho phải phải, phân phân,

  Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.

  Chanh chua anh để giặt quần

  Người chua anh để làm thần gốc đa.

  Ăn trái nhớ kẻ trồng cây

  Ăn cơm nhớ Thần Nông cày ruộng.

  Trên trời có ông sao Thần

  Bốn mùa chỉ lối cho dân ăn làm

  Sang xuân thần cúi lom khom

  Là mùa trồng đậu dân làng biết chăng?

  Bước sang tháng chín rõ ràng

  Lưng thần hơi đứng là đang gặt mùa.

  Con ông thánh cháu ông thần

 Không tiền cũng hóa ra thân ăn mày.

 Chùa làng hai mõ bốn chuông

 Có ba tượng Bụt, có ông thần già.

 Có thiêng mới gọi là thần

 Đường ngang ngõ tắt chẳng cần hỏi ai.

 Ăn ở thiện, có thiện thần biết,

 Ăn ở ác, có ác thần hay.

 Bị rách nhưng lại có vàng

 Tuy rằng miếu đổ Thành Hoàng còn thiêng.

Bên cạnh ca dao còn có những tục ngữ cũng liên hệ đến thần như: Đức trọng quỷ thần kinh, Ỷ thế ỷ thần, Buôn thần bán thánh, Cửa miệng có thần, Chước quỷ mưu thần, Xuất quỷ nhập thần, v.v… và còn nhiều lắm.

Nay, nếu lan rộng thêm ra xa tới cả nhân loại thì ôi thôi khỏi nói, xin miễn bàn về cái số lượng ấy. Tôi xin tạm kể cho các bạn nghe, có lần tôi đi du lịch nước Ai Cập, người Ai Cập cổ xưa, cách đây cả năm nghìn năm, họ đã thờ rất nhiều vị thần rồi. Trước khi Ai Cập trở thành vương quốc, mỗi vùng có một gia đình thần riêng, được biết có tới 42 gia đình thần gồm có 126 vị thần gồm cha, mẹ và con. Ba hệ thần chủ yếu là hệ thần Mặt Trời, hệ thần Horus và hệ thần Osiris. Ngoài ba hệ thần chính này nguời Ai Cập còn sáng tạo ra nhiều vị thần khác như Bast nữ thần mèo, Bes thần mèo, Hathor nữ thần bò, Khnoum-Re thần thân người đầu cừu đực, Mout nữ thần diều hâu, Oupoaout thần chó, Sekhmet nữ thần sư tử cái, Sobek thần cá sấu ...

Cũng vì lòng tin vào những vị thần ấy mà tới bây giờ, trên đất nước Ai Cập, chúng ta mới có cơ hội được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc xây dựng những quần thể đền đài to lớn biết là bao, to lớn đến độ chúng ta ngày nay không thể tưởng tượng nổi làm sao người Ai Cập thời cổ đại đó có thể xây dựng nên được.    

Ảnh hưởng hỗ tương của những vị thần ấy đã lan rộng ra cả một vùng thuộc nền văn minh Tây Á như Lưỡng Hà (giữa hai con sông Tiger và Euphrate), Babylone, Ba Tư, Palestine, Assyries ... và còn lan tràn chút ít sang cả đến Ấn Độ nữa. Vào vài thế kỷ trước công nguyên (hơn 300BC), những vị thần Ai Cập cũng ảnh hưởng một phần sang tới cả nền văn minh Hy Lạp, rồi kế tiếp tới văn minh La Mã trong thời kỳ họ chiếm đóng Ai Cập. Những ảnh hưởng đó được thể hiện rõ nét nhất là ở thành phố Alexandria do vua Alexander Đại đế (Alexander the Great) của Hy Lạp xây dựng trên bờ biển Điạ Trung Hải (Mediterranean) thuộc phần đất phía bắc của Ai Cập. Và sau đó người La Mã, đã góp phần phát triển thành phố này lên tầm vóc quốc tế thời xưa, là một trong bốn trung tâm giao lưu văn hóa lẫn kinh tế, chính trị, tôn giáo của đế quốc La Mã và để ngày nay Alexandria trở thành một thành phố lớn thứ nhì của Ai Cập sau Cairo. Rồi cũng từ nơi đó, qua sự bành trướng thế lực của người La Mã, những ảnh hưởng của thần Ai Cập lại có cơ hội lan tỏa tới Âu Châu. Tất nhiên là đi tới đâu thì những vị thần đều được biến cải, thay hình đổi dạng, tên tuổi cho phù hợp với văn hóa "bản địa" theo đúng tinh thần "nhập gia tùy tục" và cũng vì thế đôi khi ta không nhận diện ra được cái nét nguyên thủy của những vị thần ấy nữa. Như những vị thần được thờ phượng trên núi Olympic của Hy Lạp được đổi tên để thờ phượng dưới thời La Mã: Zeus thành Jupiter, Heka (thần hôn nhân) thành Junon, Poseidon (thần biển) thành Neptune, Aphhrodite (thần ái tình) thành Venus, Hermette (thần buôn bán) thành Mercure.

Nếu tiếp tục nói thêm về những vị thần của những vùng đất tôi đã có dịp đi qua như nền văn minh cổ của Trung Hoa, Nhật Bản, Nam Dương, Thái Lan ở Á Châu; như nền văn minh Maya, Azetec ở Trung Mỹ; như nền văn minh Andes ở Nam Mỹ v.v... thì tất hẳn còn nhiều điều lý thú. Nói tới những phần đất này tôi sực nhớ tới những vị thần đã được thờ phượng một cách hết sức khác nhau tùy theo từng địa phương. Như khi tôi đi thăm đảo Bali của Nam Dương, người ta thờ thần bằng hoa, không có một thứ gì khác ngoài hoa. Ngược lại khi tôi đi thăm một số đền đài ở Mexico hay Trung Mỹ, Nam Mỹ thì được biết có nơi, ngày xưa, hàng năm người ta giết trẻ con hay trinh nữ xinh đẹp để cúng dâng thần, thật là dã man kinh khiếp.

Nay quay trở lại đất nước ta, nếu ghé thăm Đà Nẵng để xem “bảo tàng viện” văn hóa của người Chiêm Thành xưa (hay Chămpa, gọi tắt là Chăm, hay Chàm), ta sẽ thấy người Chiêm Thành cũng đã thờ nhiều thần lắm như thần Brahma (thần sáng tạo), thần Visnu (thần bảo tồn), thần Siva (thần hủy diệt), thể hiện ba ngôi của thần Brahma của đạo Bà La Môn trong kinh Vệ Đà. Nhưng thần nổi bật hơn cả vẫn là thần Linga (thờ bộ phận sinh dục của đàn ông) và thần Yoni (thờ bộ phận sinh dục của đàn bà) và cả những hình tượng khi ghép chúng khớp lại với nhau. Ngay cả kiến trúc đền đài của người Chiêm Thành cũng đều mang hình dạng của thần Linga ấy.

Không phải chỉ có dân tộc Chiêm chịu ảnh hưởng Ấn Độ mới thờ thần Linga, mà ngay cả người Việt Nam ta cũng thờ nó dưới hình thức khác được gọi là tín ngưỡng phồn thực (phồn là nhiều, thực là nẩy nở), cầu mong sự sinh sôi nẩy nở nhiều người vì nước ta thuộc xứ nông nghiệp cần nhiều lao động nên trong dân gian ta mới có câu mong sao được đông con nhiều cháu như "sinh năm đẻ bẩy". Theo cuốn "Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Dân Tộc" của tác giả Trần Ngọc Thêm, trong nhiều vùng thuộc Phú Thọ, Hà Đông, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hòa Bình trước đây, vào dịp hội làng, người ta rước tới 18 bộ sinh thực khí của đàn ông, và khi đám rước kết thúc, mọi người tranh nhau cướp những vật này về vì tin rằng nó sẽ đem lại may mắn cho cả năm. Trong dân gian ta có câu: “Ba mươi sáu cái nõ nường, Cái để đầu giường, cái để gối tay” là do những tục lệ phồn thực này chăng? Và ngư phủ ở Sở Đầm Hòn Đỏ, tỉnh Khánh Hòa, có tục thờ một kẽ nứt lớn trên một tảng đá mà dân gian gọi là “Lỗ Lường” (Lường do gọi trẹo từ tiếng chỉ bộ sinh dục của phái nữ), vị nữ thần phù hộ cho ngư dân được gọi là bà Lường, được thờ từ 200 năm nay cho tới bây giờ, ngày đêm khói nhang nghi ngút.

Trong ca dao của dân ta, loại thần này cũng được thể hiện qua những câu như sau:

- Văn chương chữ nghĩa bề bề

 Thần "Đồ" ám ảnh cũng mê mẩn đời

 (người miền Bắc Việt nam gọi “đồ” là bộ phận sinh dục của đàn bà.)

Văn chương chữ nghĩa bề bề,

Thần L… ám ảnh cũng mê mẩn nguời

Xót lòng mẹ góa con côi

Kiếm ăn lần hồi, l... lớn bằng mo.

      Lại thêm nữa, có một lần tôi đi thăm Nhật Bản, tôi gặp một lễ hội, không biết tên là lễ hội gì. Dẫn đầu đoàn rước là những cô gái Nhật trẻ đẹp nõn nà, hớn ha hớn hở vác cái "của quý" của phái nam to lớn trên đường phố hướng tới một ngôi đền thờ. Khi họ tiến vào đền thờ thì hàng trăm cô gái xinh đẹp xì xụp khấn vái cầu xin, họ cầu xin điều gì thì chỉ có Thần "của quý" ấy mới biết. Lễ hội này cũng to lắm, chẳng thua kém gì “hội làng Lim" ở tỉnh Bắc Ninh của ta đâu.

  Tin vào thần là tin vào những sản phẩm của con người dựng nên, nên có người cho rằng tin cũng được mà không tin cũng không sao. Người xưa có câu dành cho một hạng lái buôn gọi là "buôn Thần bán Thánh". Phải chăng, mua hay không mua là tùy ở mình, vắng mợ thì chợ vẫn đông?

Thôi thì, nói đi thì cũng phải nói lại cho toại lòng nhau. Thờ phượng những vị thần trên quê hương ta là những nét đẹp văn hóa có tự nghìn xưa. Những vị thần trên quê hương ta còn thì dân tộc ta còn, tôi không nói ngoa. Này nhé, ông cha ta khi xưa cũng đã biết được giá trị và ý nghĩa sâu sắc của việc thờ phượng những vị thần. Ngay khi, ta chỉ nói về những vị Thần Hoàng trong làng xã không thôi, vào năm 1572, vua Lê Anh Tông cũng đã phải giao cho ông Nguyễn Bính (nguyên là Hàn lâm viện Đại học sĩ) sưu tầm và soạn ra thần tích của những vị Thần Hoàng trong các làng xã để nhà vua ban sắc phong cho những vị thần ấy, và thần được chia ra làm 3 hạng, Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần. Đó là chưa kể đến những vị thần ở tầm mức có ảnh hưởng cao rộng hơn như bà Chúa Liễu Hạnh chẳng hạn.

Chúa Liễu Hạnh là cô gái quê, quê quán ở xã Vân Cát, Nam Định, tương truyền là con Trời, ba lần từ bỏ Thiên đình xin vua cha cho xuống trần gian để sống một cuộc đời bình dị với khát vọng về tự do, hạnh phúc. Bà được nhân gian tôn kính là Thánh Mẫu, là bà Chúa Liễu, là Mẹ (Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ) (ca dao) (Cha đây là đức Trần Hưng Đạo). Đền thờ bà được thờ rải rác khắp nơi từ bắc chí nam. Ảnh hưởng của bà lớn đến nỗi vua Đồng Khánh phải tự nguyện xin làm đệ tử thứ bẩy tại điện Hòn Chén (Huế).

Những vị thần có tầm cỡ lớn như thế trên đất nước ta thì có nhiều lắm, kể ra cũng không xuể hết được. Tôi cũng xin nói thêm ở đây, trong văn hóa nước ta có đặc điểm rất độc đáo: đó là truyền thuyếtngười thực việc thực lại rất gần nhau, gần đến nỗi đôi khi người ta thấy chúng hòa lẫn vào nhau, như truyền thuyết về Chúa Liễu Hạnh đã nói ở trên lại trở nên rất hiện thực. Tương truyền, bà Chúa Liễu Hạnh là tiên nữ đã từng cùng trạng Bùng tức trạng nguyên Phùng Khắc Khoan và tú tài Ngô xướng họa văn thơ trên lầu thơ, mà nơi ấy ngày nay là Phủ Tây Hồ, đền thờ Chúa Liễu Hạnh bên bờ Hồ Tây, khói hương nghi ngút quanh năm.

      Trong dân gian ta có câu “Con cóc là cậu ông Trời”. Chỉ một câu đó không thôi ta thấy cũng đủ nói lên cái tinh thần bình đẳng giữa người với người, giữa người dân với vua quan, giữa người với trời và giữa người với thiên nhiên của dân ta. Sự bình đẳng ấy cũng thể hiện rất rõ nét giữa người và thần. Thần mà lôi thôi, người cũng sẽ phạt thần và đuổi thần đi. Như ta có câu chuyện dân gian kể rằng khi vua Lý Thái Tổ còn là chú tiểu bé sống trong chùa, chú hay lên chính điện ăn vụng oản bằng cách moi ruột oản ra ăn, vỏ ngoài còn nguyên. Thần báo mộng mách cho sư, sư quở mắng chú. Chú tức giận viết bốn chữ “lưu tam thiên lý” sau lưng thần để đuổi thần đi. Thần lại báo mộng để từ giã sư. Sáng dậy, sư lên chính điện lấy nước rửa xóa bốn chữ ấy đi nhưng không làm sao rửa đi được cho tới khi chú tiểu nhổ nước miếng chùi đi thì mới hết. Đối với người thiểu số ở miền cao nguyên Trung Phần, sự ràng buộc được xác định rất rõ ràng, minh bạch về quyền lợi và trách nhiệm của thần đối với buôn bản.

Ấy đấy, mọi chuyện trên đời nó cứ rối bời lên như thế đó vì cái tính tào lao của mọi sự việc xẩy ra chung quanh ta, trong đó có việc “vô thần”, “hữu thần”, “đa thần”, “độc thần”. Tôi nói chuyện tào lao với các anh nên các anh đừng bận tâm suy nghĩ hay tranh cãi với tôi vì tôi đã xác định ngay từ đầu lá thư rằng đây chỉ là chuyện tào lao, đọc qua rồi bỏ.

Tôi xin kết thúc bức thư này bằng câu mà người bạn Mỹ của người bạn tôi nói với anh ta: "No, I'm not an atheist, I'm a non-believer!" Ai hiểu sao thì hiểu. Mỹ khôn thật.


NGUYỄN GIỤ HÙNG

Sách tham khảo:

- Nam Hải Dị Nhân (Phan Kế Bính)

- Tìm Về Bản Sắc Văn Hoá Dân Tộc (Trần Ngọc Thêm)

 

No comments:

Post a Comment