Trong buổi lễ ra
trường của Phúc, tại đại học Rice, Trí
nghiêng sang, nói nhỏ với Paul, bằng tiếng Anh:
-Con gắng học giỏi như anh Phúc. Okay!
Paul nhìn Trí, cười rồi nghiêng đầu vào Quỳnh – Mẹ của Paul.
Trí kéo Paul về phía chàng, xoa tóc con và nhớ lại mẫu chuyện rất dễ thương vào
một sáng cuối tuần, khi
Trí đang vừa đọc báo vừa ăn sáng. Bất ngờ Phúc đến bên Trí, giọng buồn buồn:
-Dad! I
know you don’t like me as much as you like Paul!
-Who told you that?
Phúc phát âm nửa Tây nửa Ta; vì Phúc học trường
Notre Dame Des Missions từ bé:
-Nobody.
I know. You don’t like me because you don’t… “đẻ” me!
Trước nhận xét quá bất ngờ của Phúc, Trí có vẻ lúng
túng, cũng đáp nửa Tây nửa Ta:
-I
don’t “đẻ” Paul
either!
-Really?
-That’s truth! Women can “đẻ”, men
can’t.
-Then, how come you like Paul more than you like
me?
Trí xúc động, ôm Phúc:
-I
do love you, Phúc!
Dòng hồi tưởng
vừa đến đây, Trí chợt nghe tiếng vỗ tay và tiếng reo hò
của phụ huynh tham dự lễ ra trường. Thấy Quỳnh và Paul đều cười và đưa cao tay
vẫy vẫy, Trí nhìn về khu vực dành cho sinh viên tốt nghiệp, thấy Phúc đang tươi
cười bước về phía sân khấu để nhận văn bằng. Trí đưa hai tay vẫy vẫy, lòng cũng
vui lây.
Như đã hẹn trước, sau khi lễ ra trường chấm dứt,
gia đình Trí rời
hội trường, đợi Phúc nơi gốc cây sồi. Chỉ một chốc sau, Phúc xuất hiện và cùng
gia đình đến nhà hàng dùng cơm chiều.
Đợi Trí và Quỳnh gọi thức ăn xong, Phúc đứng lên,
với thái độ rất trịnh trọng,
trao cho Trí một bì thư. Hơi ngạc nhiên, Trí nhìn bì thư và thấy “To my
W.B.D”. Trí hoang mang:
-W.B.D. là gì, Phúc?
-Dạ, là The World’s Best Daddy!
Xúc động vô ngần, Trí ôm Phúc thật
lâu và cảm nhận được tình cảm của chàng lúc này cũng dạt dào không kém chi ngày
trước, lúc chàng ôm Phúc, sau khi Phúc
bảo rằng “you don’t… ‘đẻ’ me”. Đợi Trí
nới lỏng vòng tay, Quỳnh cũng ôm Phúc, lòng thầm tạ ơn bà Bửu – bà
Nội của Phúc – đã hy sinh và sáng
suốt cho nên đứa con côi cút của nàng mới có ngày hôm nay!
Trong khi Trí, Phúc và Paul vừa ăn vừa líu lo
chuyện trò, Quỳnh
lại bồi hồi nhớ lại lời bà Bửu kể về những ngày đầu tiên, sau khi cộng sản Việt Nam (csVN) cưỡng
chiếm miền Nam.
Trước khi csVN
chiếm Saigon, Phú bị thương nhẹ trong phi vụ yểm trợ Thủy Quân Lục
Chiến tại Vùng I Chiến Thuật, được đưa về điều trị tại bệnh viện Duy Tân, Đà
Nẵng. Quỳnh đem Phúc ra Đà Nẵng thăm nuôi Phú rồi bị kẹt lại; chỉ
có bà Bửu và bà Hai giúp việc ở nhà, tại Tân Định.
Ngày 5 tháng 5, 1975, một tên quàng khăn đỏ
dẫn sáu tên Việt cộng
trang bị súng AK, đẩy
cổng, bước vào sân. Thấy mấy gương mặt đằng đằng sát khí, bà Hai không dám mở
cửa. Cả bọn phá cửa, ùa
vào, vừa lục tung mọi thứ vừa quát:
-Thằng
Phú đâu, ra đền tội trước nhân dân!
Bà Bửu khóc, đáp:
-Kẹt
ngoài Đà Nẵng rồi!
Cả bọn vừa nạy các chấu điện vừa bảo nhau:
-Các
đồng chí khám thật kỹ, nhé! Thế nào bọn C.I.A. cũng cài máy trong mấy cái ổ này
để nghe ‘nén’ đấy!
Nhận ra sự ngu dốt, đần độn của “bộ đội ông Hồ”,
bà Bửu và bà Hai nhìn nhau, hết khóc! Một tên bảo:
-Hai
bà già! ‘Nấy’ quần áo rồi đi ra khỏi nhà ngay!
Hai bà lại khóc, van xin, nhưng bị một tên csVN nạt:
-Van
xin gì nữa! Thằng Phú có nợ máu với nhân dân, nhà này ‘nà’ nhà của nhân dân!
Đảng và nhà nước tha tội chết cho hai bà “nà” may
dzồi! Cút ngay!
Một tên lấy giỏ đi chợ vất về phía hai bà, bảo:
-Cho
áo quần vào đây rồi xéo đi! Không được ‘nấy’ bất cứ thứ gì khác, nghe chưa?
Trong khi hai người đàn bà khốn khổ vừa khóc vừa
lấy quần áo cho vào giỏ đi chợ thì cả bọn khệ nệ khiêng TV, tủ lạnh, máy nghe
nhạc, radio, tủ quần áo, v.v… để ngay giữa nhà! Một tên xách thùng
đàn Accordéon, cảm thấy nặng, vội để xuống, mở ra. Thấy cây đàn màu
đỏ, tên này gọi cả nhóm đến xem “vật quái quỉ” gì mà “nạ” kỳ thế này! Săm soi
một lúc cũng vẫn không biết đấy là vật gì, một tên chửi thề:
-Đ.
Biết! Hai bà già kia, ‘nại’ đây!
Hai bà khúm núm bước đến. Tên csVN hất
hàm:
-Cái
này “nà” cái
quái quỷ gì, hả?
Bà Bửu đáp:
-Tôi
có biết mô. Tôi chỉ thấy con dâu của tôi thường ôm, kéo ra, đẩy vào, nghe hay
lắm.
Cả bọn cười lớn. Một tên bảo:
-Cho
hai bà già đem cái của nợ này theo đấy! Bọn “Ngụy” phải
học văn hóa và nếp sống văn minh của “bác” và
đảng thì chúng nó mới giác ngộ được! Chúng nó bị bọn đế quốc Mỹ đầu
độc đến ngu xuẩn và mù quáng, tin rằng cái “vật quái quỷ” như thế này “nại” phát
ra tiếng nghe hay “nắm”!”
Vừa rời nhà của Phú, bà Hai đề nghị bà Bửu đến ở
tạm nhà người con của Bà Hai.
Sau khi Phú – cũng như tất cả thương
bệnh binh tại quân y viện Duy Tân, Đà Nẵng – bị đuổi ra khỏi bệnh viện,
cùng Quỳnh và Phúc theo đoàn người di tản từ Đà Nẵng về Saigon. Tìm bà Bửu và
bà Hai không ra, Quỳnh
chợt nhớ đến người con của bà Hai. Vợ chồng Quỳnh đến nhà người con của bà Hai để
tìm tin tức của bà Bửu. Bà Hai và vợ chồng người con cho Phú
cùng vợ con tá túc cho đến khi bọn quàng khăn đỏ chỉ điểm, bộ đội csVN đến
bắt Phú, giam tại A-30!...
Vừa nhớ đến đây, Quỳnh chợt
nghe tiếng của Trí:
-Ăn đi, em!
Quỳnh âu yếm nhìn Trí, nói nhỏ:
-Em cảm ơn anh đã giúp em nuôi dạy Phúc
thành thân và thành nhân.
Trí nhìn Quỳnh với ánh mắt tràn ngập thương yêu –
dù đôi khi Trí cũng ghen thầm vì nghĩ rằng, có thể Quỳnh cũng “Vẫn giấu
trong tim bóng một người!” (1).
Rời nhà hàng, Phúc cho xe chạy trên con đường rợp
bóng cây sồi. Khi xe vào xa lộ, nhìn hai dòng xe xuôi ngược, không thể nào
Quỳnh không liên tưởng đến chuyến xe đò ì ạch lúc nàng và Phúc theo bà Bửu đến
trại tù A-30
thăm Phú. Ngoài mấy món thức ăn nghèo nàn trong “thời bao cấp”, nàng còn ôm
trong lòng niềm nhớ thương vô vàn!
Trong khi ngồi chờ tại lều thăm nuôi, Quỳnh cảm
biết có người cố ý đá nhẹ vào chân nàng hai lần. Xoay sang, Quỳnh
nhận ra một người tù gầy nhom ngồi gần, vừa hết giờ thăm nuôi, đang bịn rịn giã
từ vợ con. Người tù nhìn Quỳnh, nháy mắt nhiều lần. Ra tới cửa lều thăm nuôi,
người tù quay lui, kín đáo nhìn Quỳnh, vừa nháy mắt làm hiệu vừa đi về hướng
nhà vệ sinh. Cảm biết có điều gì rất quan trọng trong ánh mắt của người
tù, Quỳnh xin
phép quản giáo để đi nhà vệ sinh.
Đến gần nhà vệ sinh, Quỳnh thấy người tù bước vào;
chỉ thoáng chốc, người tù đi ra. Đi ngang nàng, người tù cúi mặt, nói nhỏ:
-Tới
phiên chị dùng nhà vệ sinh đó.
Quỳnh bước vào và thấy nơi kẻ hở một mảnh giấy nhỏ
xíu: “Nếu chị chờ thăm anh Phú F5 thì anh Phú đã vượt ngục, bị bắn chết
rồi!”
Quỳnh và Phúc trở nên điên loạn, gào khóc đến khan
tiếng! Bà Bửu vừa khóc vừa khuyên nàng:
-Hãy
nghĩ đến thằng Phúc mà gắng sống, con ơi!
Trở về nhà người con của bà Hai, bà Bửu bảo Quỳnh đem cây
đàn Accordéon bán, lấy tiền, tìm mối vượt biển để tìm tương
lai cho Phúc; vì
người em trai độc thân của Phú đã tử trận, bà Bửu ngại không
ai “nối dõi” tông đường! Nàng đề nghị bà Bửu cùng vượt biển. Bà bảo Bà đã có
tuổi, lại không biết tiếng Pháp tiếng Anh, sang bên đó chỉ trở thành gánh nặng
cho nàng.
Để đền ơn người Mẹ chồng nhân từ và nghĩa cử của bà
Hai, từ trại tỵ nạn, Quỳnh viết thư về, hứa sau khi định cư, bằng mọi cách,
nàng sẽ gửi tiền về giúp bà Bửu, bà Hai và gia đình người con tốt bụng của bà
Hai.
Đêm trước khi được đi định cư tại Hoa Kỳ, Quỳnh
tình nguyện tham gia buổi văn nghệ trong trại tỵ nạn tại Thái Lan.
Giữa khung trời xa lạ và chỉ với tiếng Acoustic
Guitar không được nhuần nhuyển của Trí, mọi người tỵ nạn tại đây dường
như bị chi phối hoàn toàn vì tiếng hát ray rức của Quỳnh:
“Biệt ly nhớ nhung từ đây!…
réo rắt trong muôn hương mơ,
thành sầu tiễn đưa…” (2)
Trong khi khán giả chìm đắm vào dòng Slow tha
thiết thì lời ca ướt lệ lại dẫn dắt tâm hồn của Quỳnh trở
về vùng không gian dấu yêu mà nàng phải lìa xa!
“… Biệt ly sóng trên giòng sông.
Ôi! còi tàu như xé đôi lòng…
Ðến nay bóng anh mờ khuất.
Người về u buồn khắp trời.
Người ra đi với muôn ngàn nhớ
thương…” (3).
Theo tiếng hát nghẹn ngào của chính nàng, Quỳnh
tưởng như có thể thấy lại ánh mắt bịn rịn của Phú mỗi khi Phú giã từ nàng tại
ga xe lửa Nha Trang để trở lại đơn vị. Xe lửa rời nhà ga, nàng nhìn theo, vẫn thấy Phú
vẫy tay và cố chồm người ra cửa sổ, nhìn lui…Nhớ đến đây, mủi lòng quá, nàng
vừa hát vừa khóc!
Trong khi Quỳnh khóc vì thương nhớ người xưa thì
Trí – người đã ngầm để ý Quỳnh ngay khi nàng tình nguyện làm thông dịch viên,
phụ với Trí lo giúp đỡ văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn trong việc lập hồ sơ, lo thủ tục
nhập và xuất trại cho người tỵ nạn – lại nghĩ nàng khóc vì buồn cho thân
phận đơn chiếc của Mẹ con nàng
trước một tương lai vô định!
Thân phận của Quỳnh ít ra còn được có Phúc; riêng
Trí, sự đơn chiếc của Trí lại mang nặng nỗi đau thương; bởi
vợ con của chàng đã chết vì đạn của công an biên phòng csVN tại
cửa Tiểu! Vì vậy, khi cùng làm việc với nhau, Trí không thể giấu tình cảm của
chàng dành cho Quỳnh.
Hát xong, Quỳnh lặng lẽ rời buổi văn nghệ, lang
thang dọc bờ biển đầy rong rêu và đá cuội. Đến bên phiến đá phẳng, nàng ngồi
xuống, hướng ánh mắt nhìn về cố hương – nơi còn lịm kín nguyên nhân cái chết đầy oan
khuất của Phú!
Giữa lúc tâm hồn Quỳnh chùng thấp,
Trí xuất hiện. Để nàng khỏi sợ hãi, từ xa, Trí gọi tên nàng. Nhận ra giọng của
Trí, nàng yên tâm. Trí ngồi đối diện với Quỳnh. Sau một thoáng đắn đo,
Trí nói:
-Thấy Quỳnh vừa hát vừa khóc anh chịu không được!
Khi thấy Quỳnh lẽn ra sau sân khấu, anh không yên tâm. Sorry, nếu anh làm
phiền Quỳnh. Nhưng
quả thật anh không yên lòng khi thấy Quỳnh ngồi bơ vơ trên phiến đá này! Cháu
Phúc đâu?
-Dạ, tôi gửi cháu ngồi xem văn nghệ chung với vợ
chồng người quen.
-Quỳnh có biết rằng anh rất ái ngại cho hoàn cảnh
đơn chiếc của Quỳnh hay không?
Thời gian cùng làm việc với nhau, mỗi khi vắng
người, Quỳnh cứ nghe Trí “ngân nga” nho nhỏ: “Nhìn
em, nhìn em giây phút, muốn nói yêu em…” (4) nàng
đã nghi rồi. Bây giờ nghe giọng nói rất thành thật của Trí, Quỳnh xúc động
nhiều. Sau khi Quỳnh tâm
sự với Trí về mối tình đầu với Phú, nỗi oan khuất về cái chết của Phú và sự lo
sợ của nàng trước một tương lai đầy bất trắc, Trí nói rất thật lòng:
-Anh muốn được cùng chia xẻ những bất trắc trong
đời với Quỳnh. Quỳnh
có cho phép anh không?
Quỳnh lại khóc. Trí để tay lên vai nàng…
********
Sau khi trốn khỏi trại A-30, Phú được
một thuộc cấp cũ cho tá túc và giúp lo giấy tờ mang tên giả để vượt biên bằng
đường bộ. Nhưng, Phú
bị bắt lại, gần
biên giới Việt Miên.
Suốt thời gian dài bị tù, ngại Mẹ và vợ con bị liên
lụy, Phú vẫn cứ khai gia đình di tản hết, không còn ai là người thân ở Việt
Nam. Đến lúc bị kiết lỵ, tưởng chết, Phú muốn gặp Mẹ và vợ con lần cuối, vội
nhờ bạn tù nhắn tin về cho bà Bửu và Quỳnh.
Khi được bà Bửu thăm nuôi và đem những loại thuốc
lặt vặt do Quỳnh gửi về, Phú mới được Mẹ cho hay về việc Mẹ và vợ đã được tin
Phú vượt ngục, bị bắn chết và những gì xảy ra cho Quỳnh và Phúc sau đó. Thấy Mẹ
ngưng nói và khóc, Phú khó hiểu:
-Quỳnh là một phụ nữ tốt, có nhân nghĩa; vậy thì
tại sao Mạ lại khóc?
-Câu chuyện sẽ đẹp vô cùng nếu Mạ và Quỳnh biết
được tin con còn sống sớm hơn!
-Quỳnh có chồng khác, phải không, Mạ?
Im lặng. Phú
cố nén tiếng thở dài:
-Mạ đừng nên trách Quỳnh, vì Quỳnh đã được tin con
chết rồi!
Vả lại, Quỳnh còn quá trẻ và đẹp, làm thế nào Quỳnh có thể chịu đựng được sự cô
đơn và sự cám dỗ của đàn ông! Một mình nơi xứ lạ quê người, lại thêm đứa con
dại, Quỳnh cần một người đàn ông để nương tựa, Mạ à!
Tuy nói như vậy, nhưng, sau khi bệnh thuyên giảm, mỗi chiều, sau giờ ăn, bạn tù thường nghe Phú “ngân nga” những câu não lòng:
“…Dù
mai đây ai đưa em đi đến cuối cuộc đời.
Dù cho em, em đang tâm xé, xé nát tim
tôi.
Dù có ước, có ước ngàn lời,
Có
trách một đời cũng đã muộn rồi!
Quỳnh ơi! dù sao đi nữa anh vẫn
yêu em…” (5).
Một buổi chiều, không biết có điều gì “bức xúc”,
vừa nghe Phú “ngân
nga” đến đây, Cúc – “cán bộ gái” của trại tù – vừa
bước nhanh về hướng phát ra tiếng hát vừa lầm bầm: “Địt
mẹ! Sao cứ sau giờ cơm chiều ‘nà’ nó hát tới hát ‘nui’ bài này thế, nhỉ!”.
Tới cửa trại D,
thấy một người tù đang xin vệ binh cho đi nhà vệ sinh, Cúc hỏi:
-Này, anh kia! Anh có biết thằng nào mà cứ đến giờ
này “nà” nó “rên rỉ” cái bài gì mà buồn đ. chịu được hay không?
-Đó là anh Phú.
-Trong trại này có mấy thằng tên Phú, ai
biết Phú đấy “nà” Phú “lào”!
-Anh Phú F5 đó.
-Thế thì biết rồi. Cái thằng cao to, đẹp “giai” thế
mà hát cứ như thằng thất tình!
Vừa đáp Cúc vừa quay đi, thầm nghĩ, sẽ tìm cơ hội
làm quen với Phú.
Cơ hội đến vào một buổi chiều, khi đoàn tù lao động
trở về, đi ngang nơi Cúc ngụ. Cúc bước ra, gọi:
-Anh Phú F5! Vào đây giúp hộ tôi cái này.
Phú bước vào nơi
cư ngụ của Cúc:
-Cán bộ cần tôi về việc gì?
-Anh ngồi đi.
Cúc ngồi vào ghế đối diện, hỏi:
-Anh có tâm sự buồn, phải không?
-Có ai ở tù mà vui đâu!
-Thôi, chuyện tù, từ từ mình giải quyết. Em tên
Cúc. Anh gọi tên em cho thân mật, nhá!
Im lặng. Cúc tiếp:
-Em muốn giúp anh, đề nghị ban quản giáo cho anh về
đội rau cải hoặc vào đội hậu cần.
- “Cách mạng”, kết tội tôi là một tên “Ngụy” có “nợ
máu với nhân dân”, là “nhất
Pháo, nhì Phi”; bây giờ thêm tội vượt biên đường bộ, tại sao cán bộ lại tử tế
với tôi?
-Nói thật với anh, mấy hôm nay nghe
anh ca cái gì mà “… Dù có ước…Quỳnh ơi! Dù sao đi nữa xin vẫn yêu em…” em
… chịu không được! Em có cảm tình với anh. Em muốn giúp anh khỏi đi “nao”
động. Từ từ em sẽ đề nghị ban quản giáo thành “nập” đội văn nghệ, giao cho anh
phụ trách, nhá!
-Cảm ơn cán bộ.
Cúc bước qua, lã lơi choàng tay lên vai Phú:
-Ấy, “nại” cán bộ! Gọi Cúc đi nào!
Phú cười khẩy, tìm lý
do từ giã Cúc.
*********
Đang trong tình trạng lúc tỉnh lúc mê tại bệnh viện Chợ Rẫy,
nhưng Phú vẫn cảm nhận được có người cầm tay chàng. Thu hết tàn lực, Phú cố mở mắt
và thấy một phụ nữ vừa khóc tức tưởi vừa cầm tay chàng. Nhờ tấm ảnh gia đình
chụp hôm lễ ra trường của Phúc – do Phúc gửi về biếu bà Bửu – Phú
nhận ra Quỳnh ngay. Sau vài câu thăm hỏi ngắn ngủi, Phú thều thào:
-Anh vô cùng biết ơn Quỳnh đã gửi tiền về
giúp Mạ trong thời gian anh bị tù đày. Sau đó, khi hay tin anh được tha vể với
chứng bệnh nan y, Quỳnh, không
những gửi tiền về giúp anh chữa bệnh mà Quỳnh còn khuyến
khích và thúc đẩy Phúc bảo lãnh anh sang Mỹ chữa bệnh!
Vừa nhắc đến
Phúc, Phú chợt tỉnh hẳn, tiếp:
-Phúc có về với Quỳnh không?
Quỳnh mở cửa, gọi Phúc vào. Thấy một thanh niên cao
lớn, đôi mắt sáng, gương mặt trông rất trí thức bước vào, Phú nhận ra ngay:
-Phúc! Ba cảm ơn con. Sau khi hay tin Ba bệnh
và được thả về con đã thường xuyên điện thoại thăm Ba. Con và Mommy gửi tiền về
nuôi bà
Nội và giúp Ba chữa bệnh.
-It’s okay, Ba! Con sẽ chung lời cầu nguyện với
Bà Nội, với Mommy, với Daddy, và với Paul để xin Ơn Trên cho Ba được lành bệnh.
-Không làm gì được nữa rồi, con à! Bác sĩ đã
cho Ba và bà Nội biết rồi! Ba cũng đã tự biết căn bệnh quái ác của Ba, cho nên,
ngay từ đầu, Ba
đã từ chối đề nghị của con bảo lãnh Ba sang Mỹ để chữa bệnh; dù
Bà Nội cứ khóc lóc, năn nỉ và giải thích rằng nếu trước khi chết mà Ba thấy
được mặt đứa con duy nhất của Ba thì đó cũng là điều an ủi! Nhưng bây giờ Ba
thấy con rồi. Ba rất mãn nguyện và hãnh diện về con.
Quỳnh hỏi Phú:
-Anh thấy Phúc giống anh như “hai giọt nước”
hay không?
Phú cố mỉm nụ cười méo xẹo rồi hỏi Quỳnh:
-Anh Trí có về không, Quỳnh?
-Dạ có, đang đứng bên ngoài với Mạ và Paul.
-Cho anh gặp anh Trí.
Quỳnh lúng túng, hỏi ý kiến Phúc. Phúc nhún
vai:
-Ba muốn thì làm theo ý Ba.
Trí bước vào, khom xuống, cầm tay Phú. Phú
nhìn Trí, thều thào:
-Xin hết lòng đa tạ tình thương và sự dạy bảo
quý hóa mà anh đã dành cho Phúc. Phúc đã điện thoại về tâm sự với tôi rất
nhiều. Lúc nào Phúc cũng biết ơn Daddy đã thay thế Ba, nuôi dạy Phúc nên người.
-Anh đừng nghĩ ngợi gì cả. Phúc rất ngoan, đó
là công lao dạy bảo của Quỳnh.
Trí để tay lên vai Phúc:
-Can đảm lên, Phúc!
-Cảm ơn Daddy. I’m okay.
-Daddy có thể thấy, con không okay! Con phải
có nghị lực thì con mới có thể giúp bà Nội và Mommy vượt qua tình cảnh
này!
-Con hiểu. Cảm ơn Daddy.
Phú lại từ từ “chìm” vào
hôn mê!
Nhìn khuôn mặt điễn trai của Phú ngày nào,
giờ đây chỉ còn đôi mắt lộ, hai gò má tóp vào, miệng hô, trán vồ và hơi thở
thều thào, Quỳnh lại cầm tay Phú, lòng thầm tạ lỗi với người xưa! Trí và Phúc
lặng lẽ bước ra ngoài, dành giây phút riêng tư cho Quỳnh.
Quỳnh ngẫng lên, nhìn qua khung cửa sổ vừa khi một
chiếc phi cơ bay ngang. Chiếc phi cơ gợi lại trong hồn nàng bóng dáng người em
trai duy nhất của Phú – phi công khu trục – bị csVN dùng hỏa
tiễn tầm nhiệt của Nga, bắn
hạ vào Mùa Hè Đỏ Lửa, 1972!
Ngày đó, khi được tin em của Phú bị bắn hạ, bà Bửu
vật vã khổ đau! Phú im lặng. Nhưng tối đến, Phú lên sân thượng, gục đầu, gào
lớn:
“Mẹ đón con về cuối đường bay
Mờ trong sương khói dáng con gầy
Nợ nước tình nhà con đền đáp
Nghìn thu yên giấc hãy ngủ
say!...” (6)
Hôm nay, Phú đang giữa bờ tử sinh thì Quỳnh khóc
sướt mướt; vì thấy Phú
phải nằm cùng giường,
nhưng ngược đầu, với một bệnh nhân khác. Chiếc
giường Phú nằm lại chen chúc với nhiều chiếc giường khác trong căn phòng hôi
hám và nhiều ruồi
bọ!
Không chịu được cảnh đau lòng, Quỳnh đi ra ngoài,
vừa quẹt nước
mắt vừa bước chầm chậm dọc hành lang. Nhìn bầu trời xam xám của một buổi chiều cuối Đông,
Quỳnh chợt thầm ước được thấy lại những chuyến bay thực tập của Phú trong khung
trời cũ, khi Phú thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang.
Vào lúc tâm hồn Quỳnh giao động nhiều nhất, tiếng
hát thơ dại của nàng ngày xưa vọng về:
“…Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây,
đã bay cao trong vòm trời này…
Nơi đây một lần, nhìn anh đến
những xót xa đành nói cùng hư
không!...” (7).
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/
1.- Hai Sắc Hoa Ti-gôn của T.T.Kh.
2 và 3.- Biệt Ly của Dzoãn Mẫn
4 và 5.- Niệm Khúc Cuối của Ngô Thụy Miên
6.- Tiễn
Nhau Ngàn Dặm Cũng Chia Phôi của Firebird 24
7.- Hát Cho Người Nằm Xuống của Trịnh Công Sơn
Cám ơn chị NPN chuyển truyện ngắn về cuộc tình giữa buổi tao loạn đầy nước mắt, thương tâm. Cám ơn tác giả Điệp Mỹ Linh cho đọc ạ.
ReplyDeleteHồng Thúy