Pages

Wednesday, January 5, 2022

Một Người Đàn Bà - Trương Thị Thanh Hiền

Hình minh họa 


Tôi vượt biển một mình, đau quằn quại đến không còn thiết sống. Tôi như đi trong sương mờ, mải miết vươn đến chỗ mẹ tôi đang vẫy gọi. Tôi thèm được vùi vào lòng bà, khóc nức nở như một đứa trẻ thơ để quên hết những nỗi đau thể xác và tâm hồn. Bà mở rộng vòng tay ôm lấy tôi.

Tôi khóc nức lên và choàng tỉnh dậy. Mẹ tôi đã tan biến, chỉ có dì đang ôm tôi. Tôi gào lên:

- Dì làm gì vậy? Tại sao dì dám ôm tôi?

Dì lật bật lùi ra xa, lắp bắp :

- Dì xin lỗi. Dì thấy con đau quá mà không biết làm gì. Dì thấy tội nghiệp con quá...

- Ai cần dì tội nghiệp. Tôi đã bảo dì đừng vào đây mà. Hãy để cho tôi một mình, tôi không cần ai hết.

- Làm sao dì để cho con một mình được. Ba con không đi đến được, em trai thì đi mất. Không có dì con làm sao đây?

- Dì quan trọng quá nhỉ? Vì ai mà em tôi thành bụi đời, ba tôi buồn rầu mà sinh bệnh, còn tôi thì bị tống cổ ra khỏi nhà?

- Con nghĩ sao cũng được nhưng bổn phận làm mẹ dì phải lo cho con.

- Làm mẹ à! - tôi hét lên - Dì lấy tư cách gì làm mẹ của tôi? Dì tự xem lại mình có xứng với hai tiếng ấy không? Dì làm tổn thương đến vong linh của mẹ tôi đấy. Dì đi đi, dì ở đây làm tôi đau đớn hơn. Ôi, mẹ ơi, sao mẹ lại bỏ con, mẹ ơi!

Hoảng sợ trước lời kêu khóc của tôi, dì lóng ngóng chạy ra ngoài.

 

***

Năm tôi mười lăm tuổi mẹ tôi qua đời. Mẹ tôi là một phụ nữ tài năng, xinh đẹp. Chính vì vậy mà năm năm sau khi ba tôi cưới dì, một y tá lỡ thời, cục mịch, quê mùa, tôi bị sốc thực sự. Điều đó không chỉ làm tổn thương đến tâm hồn non trẻ của tôi mà còn xúc phạm đến vong linh của mẹ tôi. 

Đối với tôi, dì là một người thuộc tầng lớp khác nếu không muốn nói là thấp hèn hơn. Ba tôi là một bác sĩ giỏi lại rất tài hoa. Ba và mẹ là một cặp xứng đôi đến nỗi trong cả triệu cặp vợ chồng chắc mới có một. Vì vậy sự khập khiễng giữa ba và dì làm tôi lúc nào cũng sôi sục, hễ cứ gặp mặt dì là mọi uất ức dâng lên trong tôi. Tôi không cấm ba lấy vợ kế nhưng biết bao người xứng đáng ba không chọn, lại chọn một bà y tá lỡ thời, quê mùa, thất học. 

Em tôi còn phẫn uất hơn tôi nên đã bỏ nhà đi hoang, không tìm lại được. Tôi nói năng hỗn xược, xúc phạm cả ba lẫn dì, bị ba giận đuổi đi vào một đêm mưa tầm tã. Rồi ba hối hận chạy đi tìm tôi nhưng tôi nhất định không chịu về, đến ở hẳn nhà bạn trai. Trong ngày đám cưới của tôi, một cuộc hôn nhân ba không chấp nhận, ông bị lên huyết áp và bị liệt nửa thân người. Tôi sớm rời trường đại học, sống vất vưởng với một cuộc hôn nhân vội vã bốc đồng và chẳng mấy chốc cũng ly hôn khi đang bụng mang dạ chửa. 

Khi con gái tôi ra đời, chẳng rõ chầu chực ở đâu sẵn, dì lao vào bệnh viện với nào tã, nào nón, nào khăn chẳng biết dì sắm sửa từ bao giờ. Chẳng đếm xỉa gì đến vẻ tức giận của tôi, dì nâng con bé lên nựng nịu :

- Ôi, cháu của ngoại, cục cưng của ngoại. Ngoại mong cháu từ lâu lắm rồi, viên kim cương của ngoại. Nào, nào mẹ cho bé mum tí nào. 

Dì lăng xăng líu xíu ủ chân tay cho tôi, lấy nước nóng chườm bụng rồi lại chạy băng về nhà vừa báo tin mừng cho ba tôi, vừa mua thức ăn tẩm bổ cho tôi. 

Biết không thể xua đuổi được dì, tôi đành phải chấp nhận sự săn sóc của dì với vẻ xa cách lạnh lùng. Ngày hôm sau ba tôi đi xe lăn vào. Nhìn thấy ông, tôi bật khóc. Vị bác sĩ phong độ ngày nào nay tàn tạ vì bệnh tật, vì gia cảnh tan nát. Ông chỉ điềm đạm nói với tôi: 

- Ba không bắt con phải vì ba, phải vì dì cũng không vì bản thân con mà phải vì con bé này. Con đã tạo ra nó trong sai lầm của mình thì cũng đừng để nó lớn lên trong sự sai lầm. Hãy trở về với ba, cho con của con những gì tốt đẹp nhất dù bản thân con có phải đối diện với những thử thách đau lòng. Mẹ con mãi mãi là một hình ảnh đẹp không ai có thể làm hoen ố hình ảnh ấy 

Những lời ông nói cứ thấm vào lòng tôi đau buốt. Ôi, con gái của tôi, lẽ nào vì tôi mà cuộc đời nó cũng chẳng tốt đẹp gì hơn. 

Tôi trở về nhà, lòng lạnh giá hơn. Dì là người vui nhất. Tôi chẳng hiểu được nỗi vui mừng ấy. Lẽ ra dì phải vui khi tống được cái gai nhọn như tôi ra khỏi nhà mới phải. Tôi nhận sự chăm sóc rất mực chu đáo của dì như nhận một thói quen, thậm chí như một sự ban ơn. Dì không chú ý gì đến vẻ xa cách, kẻ cả của tôi mà chỉ tìm mọi cách để tôi vui. Dì lăng xăng suốt ngày, quần xắn đến gối, mắt lấp lánh tia cười, miệng líu ra líu rít.

- Hoàn ơi, con xem con bé này đã biết cười rồi đấy.

- Ấy, ấy, con đừng đi sãi chân như vậy, khép chân lại nào. Này, quấn cái khăn lên đầu, gió lùa đấy.

- Dì đã giặt đồ cho cháu rồi. Giặt đồ cho em bé không nên vắt, sẽ làm em vặn vẹo suốt đêm.

- Ôi cục vàng của ngoại sao lại khóc... Bé khó chịu hả? Ứ ừ, em không chịu nằm nữa à? Thế ngoại bế con ra sân chơi nghen? 

Suốt ngày nhà chỉ văng vẳng tiếng dì. Dì tự hỏi rồi cũng tự trả lời. Dì đoán được ý của tất cả mọi người, từ ba tôi đến con bé chỉ biết khóc kia. Dì phục vụ tất cả chúng tôi với lòng tận tâm hồ hởi. Nhưng có lúc dì lại ngồi thần người ra, vẻ ủ dột trầm ngâm. Rồi không nén nổi, dì thở dài:

- Tội nghiệp thằng Quang, mưa gió thế này không biết nó ở đâu.

Quang là em trai tôi, mười tám tuổi. Tôi lén nhìn dì, nỗi đau của dì giống hệt nỗi đau của người mẹ xót thương con. Nếu là mẹ tôi hẳn cũng chỉ đau khổ đến thế là cùng.

Đêm đêm sau khi làm xong mọi việc, dì lại quày quả đi tìm Quang. Dì đã đi tìm nó suốt hai năm qua. Ba tôi và tôi đã không còn hy vọng vì rõ ràng biết nó còn quanh quẩn đâu đây nhưng nó không muốn gặp ai trong gia đình. Nó đã không muốn gặp, không muốn trở về nhà thì dù có tìm được nào có ích gì. Nhưng dì không nản lòng - Một ngày kia dì chộp được nó khi nó ngủ gà ngủ gật trong công viên. Nói đúng ra khi nó đang đói ma túy. Thế là từ đó cả nhà tôi, hay đúng hơn là chỉ có dì, chiến đấu giành giật lấy nó từ tay của nàng tiên nâu.

Dì trói nó vào góc nhà, áp dụng đủ mọi phương cách, mọi bài thuốc từ tây lẫn ta, bồi bổ cho nó đủ mọi thứ sơn hào hải vị. Khi mập mạp béo tốt trở lại, nó lại bỏ nhà ra đi. Dì tiếp tục cất công đi tìm và lại tìm thấy khi nó đang thân tàn ma dại ở đâu đó. Lại cột nó ở góc nhà, lại những bài thuốc, những món ăn ngon… Cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp lại không biết bao nhiêu lượt. Đến như tôi cũng phát chán, còn ba tôi thì gần như đã buông xuôi, đau đớn vì bác sĩ như mình mà không cứu nổi con. Chỉ riêng dì vẫn cứ bền bỉ đi tìm nó mãi. 

- Hoàn này - dì rụt rè bảo tôi khi thằng Quang bắt đầu một vòng cai nghiện mới - con phải nói điều gì với em chứ. Dì là người quê mùa, chỉ biết làm, không biết nói gì để khuyến khích động viên nó. Còn con là người có kiến thức, lại hiểu biết tâm lý của em, con phải giúp em con vượt qua những thử thách này. Con không thấy em con còn quá trẻ sao? Lẽ nào chúng ta để cho nó chôn vùi cả cuộc đời...

Tôi tìm thấy Quang đang nằm úp mặt khóc trên giường. Tôi không vỗ về nó mà ngồi xuống mép giường, đều đều nói:

- Mẹ không mong muốn chị em mình trở thành như thế này. Chị đã sai lầm và em cũng vậy. Ta có thể giữ nguyên những cảm nghĩ của mình về dì mà không cần hủy hoại bản thân mình. Đứng dậy đi em, xây cho chính mình một tương lai mà không cần phụ thuộc bất cứ điều gì. Hãy làm sao cho xứng đáng với mẹ.

Tôi nói với nó cũng là đang nói với chính mình. Rồi tôi trở lại giảng đường đại học. Nó cũng đã thoát khỏi vòng kềm tỏa đáng sợ của nàng tiên nâu. Dù thực tế công sức của dì đối với chị em tôi rất lớn nhưng tôi vẫn không muốn thừa nhận. Dì nuôi con cho tôi đi học. Dì chăm sóc từng li từng tí cho Quang để nó có đủ sức khỏe trở lại trường. Dì lại là hộ lý của ba.

Nhiều khi trong thâm tâm tôi chợt chạnh lòng thương dì. Làm sao dì có thể làm ngần ấy công việc trong một ngày, phục vụ cả bốn con người. Nhưng rồi niềm kiêu hãnh trong tôi lên tiếng: đó là nhiệm vụ của dì. Dì không có tài để làm những việc lớn lao thì phải làm những việc vặt ấy. Như đọc được suy nghĩ của tôi - nhiều khi tôi rất kinh ngạc về khả năng đọc được suy nghĩ người khác của dì - dì bảo:

- Dì đã quen với những công việc này rồi. Ai chẳng muốn an nhàn nhưng cuộc sống bắt buộc mình phải sống hết mình với nó.

Tôi mở to mắt nhìn dì; câu nói của dì không phải của một y tá tầm thường mà là của một triết nhân. Ngôn ngữ của dì càng lúc càng khác xa con người dì. Một lần nữa dì lại đọc được suy nghĩ của tôi: - Con tự hỏi tại sao dì lại nói năng văn hoa như vậy phải không? Dì là người không được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng mấy mươi năm qua chiến tranh đã dạy cho dì từng con chữ, từng lời nói, từng cách cư xử… Dì học ở khắp nơi, bên chiến hào, trong nhà dân, trong nhà tù… Mấy năm làm y tá trong bệnh viện, làm việc dưới quyền ba con dì cũng học hỏi được rất nhiều. Con hãy ráng học lên, sự học làm người ta mở lòng với nhân loại hơn.

Trời ơi! “Sự học làm người ta mở lòng với nhân loại hơn”. Một người như dì lại có thể nói câu đó ư? Tôi vụt chạy vào phòng ba, thảng thốt nhìn ông :

- Ba, rốt cuộc dì là người thế nào? Làm sao ba có thể quên mẹ để yêu dì được?

- Con ngồi xuống đi con gái - ba dịu dàng bảo - Tuổi trẻ các con hay có một quan điểm tuyệt đối. Không có cái gì là tuyệt đối cả. Tại sao con lại nghĩ ba lấy dì nghĩa là ba đã quên mẹ con? Tại sao con lại nghĩ vẫn yêu mẹ thì ba không thể lấy dì? Cuộc đời là thế giới muôn màu. Vì sao con chỉ nhìn vào tài sắc của mẹ con mà cho rằng dì không xứng với ba, chứ không đánh giá dì bằng chính con người dì. Mẹ con là một thế giới khác, dì là một thế giới khác. Và - không ai dám cho rằng thế giới nào đầy màu sắc và thế giới nào đầy bóng đêm. 

Dì đã trải qua nhiều nỗi gian truân nhưng không hoàn cảnh nào có thể đánh gục được dì. Điều đó không dễ gì có được ở lớp người như ba, như mẹ, như con. Con thấy đấy, mẹ con là một bác sĩ, an ủi nâng đỡ cứu sống không biết bao nhiêu người nhưng khi biết mình bị bệnh thì suy sụp hẳn, không gượng dậy nổi. Khi mẹ chết, nếu không có dì chắc ba cũng đã trở nên bệ rạc, bê tha. Còn con, tự cho mình là thông minh, bản lĩnh nhưng chỉ vì một việc bất như ý mà thả trôi cuộc đời mình. Còn dì là người vào sinh ra tử, vào tù ra khám, từng làm vợ làm mẹ nhưng bị tước hết những quyền thiêng liêng ấy.

- Dì từng làm vợ, làm mẹ? - tôi ngỡ ngàng.

- Con lạ lùng lắm sao? Nỗi đau ấy dì giữ cho riêng mình, không mấy ai biết được. Chồng của dì đã hy sinh, đau đớn quá dì đã sinh non và đứa bé đã chết sau khi sinh vài giờ. Dì đã đem nỗi đau mất chồng, mất con vào cuộc hành trình lặng lẽ của mình. Dì đã đem tình thương của người vợ người mẹ dành cho tất cả mọi người, cho ba, cho các con với lòng cao cả vô biên. Dì đã sống cho người khác, vậy mà khi có ai khác sống cho dì thì con lại bảo dì không xứng đáng. Huống chi đây không phải là sự hy sinh của ba mà là sự đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Con hãy đem tấm lòng mình để gần gũi với dì hơn, khi đó con sẽ thấy ba không nói quá đáng. Những gì ở ba ở mẹ không có thì ở dì có, vậy không phải là bổ sung cho nhau sao? Con còn đòi hỏi nơi dì điều gì nữa?

Tôi đòi hỏi gì ư? Tôi được sinh ra bằng mối tình tuyệt diệu của ba mẹ, lớn lên trong tình yêu nhưng rốt cuộc lại trở thành một người không có tình thương yêu dù với một người đã xem mình còn hơn đứa con rứt ruột đẻ ra. Tôi sắp trở thành một bác sĩ nhưng lại không đủ lòng nhân ái của một y tá bình thường như dì. Tôi cứ mãi đau đớn vì mối mâu thuẫn giằng xé nên thường ngồi lì trong thư viện không về nhà sau buổi học. Dì lại tất tả tìm tôi. Cái vẻ hốt hoảng lo âu của một người mẹ vừa làm nhói lòng tôi vừa làm tôi uất hận. Tôi không biết mình hận cái gì? Hận dì sao không là một người tầm thường cho tôi căm ghét mãi? Hận dì sao dần dần rõ nét một nhân cách lớn làm tôi thấm thía sự nhỏ nhoi của mình. 

Tôi theo dì vào nhà. Bé Uyên sà vào lòng tôi, líu lo đủ mọi chuyện. Dì bảo:

- Con đừng quá mải mê với công việc, với những ý thích riêng mình mà bỏ quên cái quyền làm mẹ. 

Dì không bảo “Bổn phận làm mẹ” mà lại bảo “Quyền làm mẹ”. Tôi ngước mắt nhìn dì. Dì lại đọc được câu hỏi trong mắt tôi, cười đôn hậu:

- Con không thấy được làm mẹ là một hạnh phúc lớn hay sao?

Tôi thấm thía câu ấy. Dì bị tước đi cái quyền làm mẹ từ khi rất trẻ và được ban trở lại khi tuổi về già nên dù chị em tôi đã đối xử thật tệ bạc với dì nhưng dì chỉ thấy niềm hạnh phúc được sống với thiên chức của người mẹ. 

***

Mừng Quang thi đậu vào đại học, dì thưởng cho cả nhà một chuyến đi picnic xa bất chấp con bé Uyên quấy dì suốt cuộc hành trình, bất chấp ba tôi mới tập đi lại được, chân rất yếu, lúc nào cũng cần dì dìu đỡ. Chỉ có niềm vui bất tận của một gia đình hạnh phúc trong chuyến đi chơi ấy. Tôi hỏi dì:

- Cái gì làm dì vui nhất hôm nay?

- Dì vui vì Quang đã đủ bản lĩnh để trở lại đời. Dì vui vì đã trả lại cho mẹ con những đứa con nguyên vẹn như ngày nào, còn lời thêm cục vàng này nữa nè - dì cười chỉ vào bé Uyên. 

Ngày tôi xúng xính lên nhận bằng tốt nghiệp, dì dẫn theo một chàng trai trẻ lên tặng hoa cho tôi. Trẻ là vì anh ta chưa có vợ, so với tôi đã có con gái lên năm, chứ thật ra anh ta đã hơn ba mươi tuổi, là một bác sĩ trong khoa của ba tôi, đã âm thầm theo đuổi tôi từ nhiều năm nay. Mắt dì lấp lánh vẻ tinh nghịch và bí hiểm của bà mẹ đang mưu toan kiếm chồng cho con gái. Tôi vừa buồn cười vừa... tức, ngùng ngoằng bỏ đi:

- Con không thích cái trò mai mối ấy. Con đâu có sợ lỡ thì...

- Ây dà, cái giọng này dì đã nghe ở rất nhiều cô gái tân thời rồi. Nhưng cuối đời nhiều người mới nuối tiếc vì bỏ qua cơ may hạnh phúc gia đình. Con ơi! nghe dì đi. Con còn lỡ dở vầy mãi dì không yên tâm. Khi nào con với em Quang có gia đình yên ấm hết thì dì mới hả lòng. 

***

Ước mơ của con người quá nhiều. Ước mơ của bà mẹ dành cho con còn nhiều hơn. Dì trù liệu đủ mọi kế hoạch cho tôi, cho em Quang. Dì còn tính sẵn một tương lai dài thăm thẳm cho con bé Uyên vừa tròn năm tuổi, cho cả ông già gần đất xa trời là ba tôi, chỉ riêng mình dì không dự định một điều gì. 

Một buổi sáng đẹp trời, mọi người đều đã tỉnh giấc, chỉ riêng dì đi vào cõi vĩnh hằng. Dì từ giã cuộc đời nhẹ nhàng bình yên đến nỗi cả ba, cả tôi - hai bác sĩ trong nhà, đều không muốn truy lùng nguyên nhân để không làm tổn hại đến thân xác dì. Dì đang ngủ yên lành hay dì đang đi tìm mẹ tôi, hãnh diện khoe với bà rằng dì đã làm xong ước nguyện của bà. 

Bên mộ dì, thằng Quang gào khóc nức nở. Khi mẹ tôi chết, nó còn quá bé để có thể đau đớn thống thiết như thế. 

Còn tôi - cả hai đám tang tôi đều không khóc. Chỉ có những giọt lệ chảy trong tim tôi không ai thấy được. Vì nó đọng ở trong tim nên lòng tôi luôn nhức nhối...

 

TRƯƠNG THỊ THANH HIỀN

No comments:

Post a Comment