Pages

Thursday, January 20, 2022

Tha Chết Cho 1 Con Bò Già, Tướng Lãnh Đức Được Sống Sót Trong Thế Chiến Thứ 2

Hình minh họa

Nhờ vào quyết định tha mạng cho con vật từng là tử thù của mình, một Tướng lĩnh của Đức quốc đã may mắn sống sót sau khi đế quốc Đức thua cuộc trong Thế chiến.

Năm 1941, quân Đức đánh vào lãnh thổ nước Bỉ, khu chăm sóc sức khỏe Visuri là một trong những địa điểm bị chiếm cứ đầu tiên.

Bấy giờ, tư lệnh quân trú đóng của Đức là Thiếu tá Krupp vừa mới lên nhậm chức, liền được tham mưu trưởng là Tướng quân Liszt giao cho một nhiệm vụ hết sức kỳ lạ: Đến khu bệnh viện quân sự, bắn chết một con bò đực có tên là Kỵ Sĩ. 

Nghe xong mệnh lệnh ấy, Thiếu tá Krupp hoài nghi không hiểu vì sao Tướng quân lại phải làm khó dễ một con vật như vậy.

Khi ấy, sĩ quan phụ tá liền tiết lộ nguyên nhân cho anh: Tướng quân Liszt và con bò này từng có thù oán. Đó là một trận đụng độ xảy ra trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, khi tướng Liszt vẫn còn là một viên Thiếu uý. 

Trong trận chiến ở sông Thornton năm đó, người Bỉ đã cho 60 con bò mở đường để vượt qua bãi mìn của quân Đức. Con bò đầu đàn trong số chúng đã húc mù mắt phải của Tướng quân List. Bản thân nó cũng vì vậy mà đạp trúng mìn và bị thương một chân sau.

Cũng bởi biến cố xảy ra trong trận chiến nói trên, Tướng quân Liszt từ một quân nhân anh tuấn đã phải sống chung với một bên mắt mù cả đời. Đây chính là lý do khiến ông đem lòng căm thù với con bò đầu đàn năm ấy. 

Sau đó, ông nhận được tin tức rằng kẻ thù của mình vì là con vật may mắn còn sống duy nhất trong chiến dịch năm nào nên đã được đưa tới Wesley sau chiến tranh. 

Khi Thiếu tá Krupp đem người tới bệnh viện quân sự, nơi này đang chăm sóc cho các tù binh bị thương và nhốt 400 quân nhân Bỉ. Con bò Kỵ Sĩ cũng nằm trong số đó.

Không lâu sau, con vật ấy đã bị đưa tới trước mắt Thiếu tá. Đó là một con bò đực màu đen, thần thái điềm tĩnh, chân sau bên phải đã què. Nó chính là Kỵ Sĩ – một con bò già đã phải trải qua sự tang thương của chiến tranh và chứng kiến nhiều biến cố trong buổi thế thời loạn lạc.

Vào khoảnh khắc Thiếu tá Krupp rút súng lục chĩa về phía con vật ấy, toàn bộ quân nhân Bỉ đang có mặt ở đó bỗng đồng loạt la lên một cách đầy giận dữ.

Một người đàn ông gầy yếu từ trong đám tù binh bước ra, kính cẩn đi tới trước mặt Krupp và nói:

"Thưa thiếu tá, tôi là Jovak - Trung sĩ lục quân của quân đội Bỉ, cũng là người hầu của Kỵ Sĩ. Theo ‘Công ước Geneve’, ngài không thể giết con bò này, ngài phải coi nó như một tù binh chiến tranh".

Krupp nghe xong liền không khỏi sửng sốt:

"Phải coi một con bò là tù binh chiến tranh? Ông đang đùa với tôi hay sao?".

Jovak trịnh trọng lấy ra một tờ giấy, đưa cho Krupp:

"Mời ngài xem, đây chính là sắc lệnh chứng minh vua Leopold đã dành cho Kỵ sĩ một vinh dự".

Thiếu tá Krupp nhận lấy tờ giấy, trên đó có viết rất rõ ràng:

"Trao tặng Kỵ Sĩ cấp bậc Thượng tá lục quân Vương quốc Bỉ, ban huy chương danh dự hạng hai, ngày 11 tháng 12 năm 1917".

Đọc xong những dòng chữ ấy, Krupp lại càng ngỡ ngàng khi nhận ra rằng: Kỵ Sĩ là một con bò có quân tịch, hơn nữa quân hàm của nó còn cao hơn cả cấp bậc Thiếu tá mà anh đang mang.

Chiếu theo "Công ước Geneve", anh chẳng những không có quyền bắn chết nó mà còn phải đưa nó vào trại tập trung và đối xử công bằng như với những tù binh chiến tranh khác. 

Sau đó, Krupp không còn cách nào khác, buộc phải gọi điện cho Tướng quân Liszt để báo cáo về tình huống xảy ra ngoài ý muốn này.

Vị tướng ấy nghe xong, liền tức giận mà nói lớn:

"Vậy thì hãy xử lý nó một cách hợp pháp ngay trong trại tù binh. Ta không tin con bò ấy có thể an ổn ở đó mà không phạm phải bất kỳ một lỗi gì".

 

Những âm mưu chết chóc trong trại tập trung

Theo quy định quản lý của trại tù binh thuộc căn cứ Đức, nếu tù binh kháng lại mệnh lệnh một cách nghiêm trọng hoặc tìm cách chạy trốn thì có thể tiêu diệt ngay tại chỗ. Điều này đã khiến Thiếu tá Krupp nảy ra một chủ ý. 

Ngày hôm đó, anh lệnh cho binh lính đưa Kỵ Sĩ và các tù binh khác tới một nhà máy sản xuất gỗ, ở đó đã có sẵn 5 xe chở gỗ da. Krupp muốn để Kỵ Sĩ kéo xe bò và chở những đống gỗ chất như núi ở trên đó. 

Đối với một con bò già có cả người hầu và từng sống trong nhung lụa mà nói, chuyện khổ cực như vậy ắt sẽ khiến nó khó có thể nhẫn nhịn nổi. Chỉ cần Kỵ Sĩ có bất kỳ hành động bất hợp tác nào, các binh lính Đức sẽ sẵn sàng chọc giận nó, chờ tới khi nó phản kháng mạnh hơn thì họ có thể danh chính ngôn thuận giết chết.

Thế nhưng điều mà không ai có thể dự liệu được đã thực sự xảy ra: Kỵ Sĩ chẳng những không hề phản kháng mà còn điềm nhiên kéo từng chiếc xe gỗ nặng nề, lặng lẽ đi về phía trước. 

Một chuyến, hai chuyến rồi ba chuyến… Cơ thể của nó bắt đầu đổ mồ hôi, đôi chân tập tễnh vẫn cố hết sức lết từng bước. Dù cả người lảo đảo, lắc lư, Kỵ Sĩ vẫn không hề dừng lại hay làm ra bất kỳ hành động phản kháng nào. 

Khi con bò già ấy kéo đến chuyến xe thứ 50, các tù binh nước Bỉ đã không thể nhẫn nhịn, bắt đầu xôn xao bàn tán. Bấy giờ, Jovak tiếp tục đứng ra kháng nghị:

"Thưa thiếu tá, Kỵ Sĩ đã 26 tuổi, dựa theo tuổi thọ của giống loài này mà nói thì nó đã già. Ngài nhẫn tâm để một quân nhân già cả làm công việc nặng nề đến thế hay sao? Nếu cứ như vậy, nó sẽ kiệt sức mà chết. Ngài làm thế chính là đang phạm tội". 

Krupp nhíu mày một cái, sau một hồi suy nghĩ liền nảy ra chủ ý mới. Anh tiếp nhận kháng nghị của Jovak, thoải mái nói:

"Đúng vậy, hôm nay nó đã làm được khá nhiều rồi. Ngày mai hãy để cho nó nghỉ phép một hôm".

Sang ngày hôm sau, Thiếu tá cho người dẫn Kỵ Sĩ ra cửa khu tập trung để hóng gió, lại dặn binh lính ở đó để cửa mở, cho nó tự do hoạt động.

Bên ngoài cửa khu tập trung là một bãi cỏ rộng thênh thang. Thế nhưng đường dẫn đi tới bãi cỏ ấy lại giăng đầy mìn.

Cỏ xanh đối với trâu bò mà nói chính là cám dỗ chí mạng. Chỉ cần Kỵ Sĩ dám chạy đến bãi cỏ, nó không chỉ vi phạm vào quy định cấm chạy trốn mà cũng sẽ bị mìn nổ đến tan xương nát thịt. 

Quả nhiên không nằm ngoài dự đoán của Krupp, Kỵ Sĩ nhanh chóng bị đám cỏ xanh mơn mởn ở bên ngoài hấp dẫn.

Nó chậm rãi tiến ra phía ngoài, thế nhưng khi đi tới một tẩm biển hiệu có hình đầu lâu cảnh báo về bãi mìn ở đây, nó liền dừng chân, một bước cũng không tiến thêm. Sau một hồi do dự, Kỵ Sĩ liền quay lại, bình thản trở về doanh khu. 

Điều này càng khiến Thiếu tá Krupp thêm sửng sốt. Anh không nghĩ rằng con bò ấy lại có khả năng nhận biết cả ranh giới nguy hiểm. 

Sau khi được Jovak kể lại về lịch sử chinh chiến của con vật ấy, vị Thiếu tá trẻ lại tiếp tục đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.

Kể từ sau khi bị thương trong chiến dịch ở sông Thornton, Kỵ Sĩ bị quân Đức bắt làm tù binh, phải sống cuộc sống nô dịch như súc vật trong trại tập trung suốt 3 tháng ròng rã. 

3 tháng sau, nước Đức thua trận, con bò này một lần nữa trở về với người Bỉ và được quốc vương sắc phong.

Nghe xong câu chuyện ấy, Thiếu tá Krupp không khỏi xúc động khi nhận ra rằng: Hóa ra đây là lần thứ hai mà Kỵ Sĩ bị đưa vào trại tập trung của quân Đức.

Cũng kể từ đó, anh thầm đem lòng kính nể với con bò già ấy. Trong mắt Krupp, dường như Kỵ Sĩ không chỉ là một con vật đơn thuần mà đã trở thành một người lính già với những kinh nghiệm chiến đấu lão làng. 

Vì vậy, anh quyết định làm trái với mệnh lệnh của Tướng quân, cho Kỵ Sĩ được hưởng đãi ngộ của một tù binh bình thường. Krupp luôn tâm niệm, chiến tranh loài người không nên trở thành lý do khiến con vật ấy bị ngược đãi hay bị sát hại…


Người canh giữ đặc thù của Kỵ Sĩ

Một tháng trôi qua, Kỵ Sĩ vẫn đang an toàn sống trong trại tù binh. Điều này khiến cho Tướng quân Liszt vô cùng tức giận. Ông cho gọi Thiếu tá Krupp tới Bộ Tư lệnh rồi mắng cho một trận xối xả.

Trước cơn thịnh nộ của cấp trên, Thiếu tá trẻ giãi bày nói:

"Thưa Tướng quân, tôi và binh lính Đức đều có danh dự của một quân nhân. Mọi người quả thực không thể xuống tay với một con vật có chiến công như vậy. Nó dễ bảo, ôn hòa, giống như một người lính già hiền lành, đáng kính. Chúng tôi không thể tìm ra lý do để giết chết nó".

Nghe xong những lời ấy, ánh mắt của Liszt càng đỏ lên vì tức giận.

"Tốt lắm! Nếu đây là một tù binh đặc thù, vậy thì phải có một người canh phòng đặc thù tới để trông chừng nó".

Nói xong, Tướng quân Liszt vẫy tay ra hiệu, sĩ quan phụ tá liền dắt tới một con chó thuộc giống Béc-giê đặc trưng của Đức.

Liszt nói:

"Đây là chú chó hậu vệ của ta, nó tên là Chó Sói. Ta đã ký sắc lệnh trao tặng cho nó cấp bậc Thiếu tá lục quân. Từ ngày mai trở đi, nó sẽ phụ trách việc trông coi con bò ngu ngốc kia. Bất kể nó làm ra việc gì với con bò ấy, các cậu cũng không nên can thiệp. Đây là chuyện của động vật, hãy để cho động vật tự giải quyết". 

Thiếu tá Krupp không thể làm gì hơn ngoài việc mang Chó Sói về trại tập trung, nhốt nó chung một chỗ với Kỵ Sĩ.

Vừa nhìn thấy con bò già, Chó Sói liền hung hăng nhào tới cắn xé. Kỵ Sĩ bị nó cắn vào chân sau, dù giãy giụa thế nào cũng không thoát khỏi hàm răng sắc bén của con chó. 

Máu từ chân sau của nó chảy ra xối xả. Kỵ Sĩ liền nổi giận, trợn to hai mắt, miệng phát ra tiếng gầm trầm thấp rồi đột ngột lao tới xông vào tấm lưới sắt bên cạnh.

Những thanh sắc bén nhọn đâm vào thân thể nó, cũng ghim vào cơ thể của Chó Sói. Con chó đau đớn tới mức rên rỉ, buông lỏng hàm răng đang cắn vào chân sau của đối thủ.

Kỵ Sĩ nhân đà này húc mạnh vào Chó Sói, khiến nó ngã lăn xuống đất, thống khổ kêu gào. Con bò già nâng lên hai chân trước, chuẩn bị cho đối phương một cú chí mạng. 

Chứng kiến cảnh tượng ấy, Thiếu tá Krupp không khỏi hốt hoảng. Nếu chú chó yêu của Tướng quân Liszt bị Kỵ Sĩ húc chết, anh sẽ chẳng biết ăn nói thế nào, mà con bò kia ắt cũng không thoát khỏi án tử. 

Ngay lúc ấy thì một cảnh tượng không ai có thể ngờ được đã xảy ra: Kỵ Sĩ nhìn chằm chằm vào Chó Sói, hai chân trước vốn đang thủ thế cũng từ từ hạ xuống. Nó thở hổn hển một hồi, lặng lẽ sang góc bên cạnh và nằm xuống. 

Chó Sói khi ấy mới từ từ bò dậy, sợ hãi trốn vào một góc xa nhất có thể, không dám mon men tới gần Kỵ Sĩ thêm một lần nào nữa. Khí thế hung hăng ban đầu của nó cũng đã biến mất từ lúc nào không hay.

Sau khi biết được tin này, Jovak cùng các tù binh Bỉ rối rít trách móc Krupp. Vị Thiếu tá trẻ cũng không khỏi tức giận, lớn tiếng răn đe:

"Đây là lệnh của Tướng quân Liszt. Chó Sói cũng là Thiếu tá của Đế quốc, cho nó đến quản lý Kỵ Sĩ vốn là điều hợp tình hợp lý. Các người nếu còn dám ăn nói linh tinh thì đừng trách ta không khách khí. Nên nhớ nơi này là trại tù binh chứ không phải quảng trường tự do".

Các tù binh không thể nói gì, nhưng ai ai cũng rất mực lo lắng cho Kỵ Sĩ. Thế nhưng vào sáng sớm ngày thứ hai, khi mọi người tới thăm khu chuồng của nó, họ đã bắt gặp một cảnh tượng khó ai có thể tin nổi.

Trong chiếc chuồng rộng rãi ấy. Chó Sói và Kỵ Sĩ đang rúc vào sưởi ấm cho nhau. Hai con vật nằm cùng một chỗ với dáng vẻ hết sức bình thản, thoải mái. Không ai có thể nhìn ra được chúng đã từng là hai kẻ địch liều chết vật lộn với nhau chỉ một ngày trước đó.

Điều khiến tất cả những người ở trại tập trung ấy còn kinh ngạc hơn chính là, kể từ đó trở đi, hai con vật ấy đã trở thành những người bạn tốt. 

Bất kể Kỵ Sĩ đi tới nơi đâu, Chó Sói đều sẽ vui vẻ theo sau lưng nó. Khi bắt gặp bất cứ ai la mắng người bạn của mình, chú chó ấy đều sẽ tức giận mà sủa lớn để cảnh cáo đối phương.

Thế nhưng chiến tranh và hết thảy những hiềm khích giữa các thế lực có lẽ cũng mới chỉ kết thúc giữa hai con vật ấy mà thôi…


Màn đối đầu trong im lặng và cái kết

Khi nhận được thông báo về tình hình ở trại tập trung, Tướng quân Liszt dường như không thể tin vào tai mình. Bởi con chó mà ông từng tự tay huấn luyện giờ đây lại dễ dàng kết bạn với tử thù của chủ nhân nó.

Liszt vội vàng chạy tới trại tập trung, bản thân lại càng thêm giận dữ khi chính mắt nhìn thấy cảnh hòa thuận giữa hai con vật.

Ông lập tức hạ lệnh bắt giữ Chó Sói, đưa nó tới khu quảng trường và chuẩn bị xử tử nó bằng cách treo cổ trước mắt các tù binh.

Khi sợi dây thừng càng lúc càng siết chặt vào cổ, Chó Sói rên rỉ lên từng hồi đau đớn. Tiếng kêu của nó khiến cho Kỵ Sĩ đang trong chuồng cũng vô cùng bất an. 

Đột nhiên, con bò già liều chết lao ra khỏi nơi canh giữ, trực tiếp húc ngã mấy vệ binh rồi bỏ chạy như điên về phía quảng trường.

Khi tới nơi, chứng kiến Chó Sói đang giãy giụa vì bị xiết cổ, Kỵ Sĩ liền đồng loạt húc ngã cả hàng binh lính tại đó, nhanh chóng xông lên cắn nát dây thừng trên, cứu thoát bạn mình trong cảnh ngàn cân treo sợi tóc. 

Chứng kiến một màn kinh động này, Tướng quân Liszt càng thêm điên cuồng. Dưới cơn thịnh nộ, ông nhanh chóng rút súng lúc ra, muốn đích thân bắn chết con bò già từng gây cho mình vết thương vĩnh viễn không thể lành lại.

Thế nhưng bản thân vị tướng ấy có lẽ cũng không thể ngờ rằng, vào thời khắc mà tiếng súng vang lên, Chó Sói đã nhanh chóng nhảy lên một cái, dùng thân mình che chở cho Kỵ Sĩ.

Sau khi lãnh trọn phát đạn từ Liszt, thân thể của nó bị bao phủ bởi màu máu. Chú chó ấy chẳng hề kêu lấy một tiếng, ngã xuống đất và nhanh chóng tắt thở. 

Tất cả mọi người có mặt ở quảng trường lúc bấy giờ đều bị cảnh tượng này làm cho kinh sợ, bốn phía huyên náo bỗng chốc trở nên yên lặng như tờ.

Trong không gian tĩnh lặng ấy, chỉ có Kỵ Sĩ khẽ kêu lên những tiếng bi thương. Nó từ từ tiến về phía trước, quỳ xuống bên cạnh Chó Sói, dùng lưỡi khẽ liếm thi thể của bạn mình.

Tướng quân Liszt lại giơ nòng súng lên, ngắm thẳng vào đầu Kỵ Sĩ. Con bò già cũng không hề sợ hãi, bình tĩnh ngẩng đầu, lặng lẽ nhìn ông. 

Hai bên đối đầu trong khung cảnh không một tiếng động, tựa như trở về trận chiến cách đó 23 năm về trước, mặt đối mặt, mắt hướng mắt.

Hơn 2 thập kỷ đã trôi qua, ánh mắt của tướng Liszt vẫn tràn đầy thống hận và sát ý. Vậy nhưng trong đối mắt của Kỵ Sĩ giờ đây đã không còn dã tính và sự hung hăng của năm ấy mà chỉ ánh lên sự bình thản, điềm tĩnh.

Tất cả những người có mặt ở quảng trường khi đó dường như nín thở chờ đợi tiếng súng vang lên. Thế nhưng tới 5 phút sau, cánh tay cầm súng của Liszt từ từ rũ xuống. 

Vị tướng quân ấy lẳng lặng cất khẩu súng lục vào bên hông, nói với Thiếu tá Krupp đang hốt hoảng đứng bên cạnh:

"Hãy an táng cho chú chó của ta theo nghi lễ dành cho một quân nhân, và hãy đối xử tử tế với con bò này".

Nói xong câu ấy, ông xoay người rời khỏi quảng trường trong sự im lặng và trầm tư. Mãi tới sau này, người ta mới biết được những dòng chữ mà Liszt đã ghi lại trong nhật ký của mình về ngày hôm đó:

"Thông qua ánh mắt của con vật ấy, ta đã thấy được ánh sáng từ Thượng đế…" 

3 ngày sau, tất cả các trại tù binh ở biên giới nước Bỉ nhận đều nhận được mệnh lệnh từ Tướng quân Liszt:

"Nghiêm chỉnh chấp hành ‘Công ước Geneve’ trong việc đối đãi với tù binh, tuyệt đối nghiêm cấm tất cả những hành động ngược đãi và sát hại tù binh".

Sau khi chiến tranh kết thúc, rất nhiều tướng lĩnh cấp cao của Đức đều bị hành hình trong lúc dẫn độ, chỉ có Liszt nhờ vào mệnh lệnh bảo vệ tù binh năm xưa mà được nhân dân Bỉ thông cảm. 

Ông chẳng những giữ được mạng sống ngay cả khi Đế quốc đã thất thế mà còn không bị truy tố và được an hưởng những năm tháng tuổi già trong yên bình. 

Khi hòa bình được lập lại, Kỵ Sĩ một lần nữa nhận được huy chương danh dự của quân đội. 3 năm sau khi chiến tranh kết thúc, nó qua đời một cách thầm lặng ở thành phố Vasili. 

Vào ngày tổ chức tang lễ, những người lính từng đứng trên các chiến tuyến đối địch như Tướng quân Liszt, Thiếu tá Krupp, Trung sĩ Jovak đều tới tham dự lễ tang để tiễn đưa người quân nhân già mà họ đều từng tôn trọng và cảm phục năm xưa…

 

*Dịch từ báo nước ngoài.

No comments:

Post a Comment