Phần đông trong chúng ta, thuộc thế hệ baby boomer nay đã bước vào ngưỡng cửa của lớp tuổi 70 rồi. Đây cũng là giai đoạn mà con cái chúng ta đã học hành xong xuôi, có vợ có chồng và bắt đầu tách rời khỏi tổ ấm gia đình để đi xây dựng cuộc đời sống riêng của chúng…
Tất cả các bậc cha mẹ Việt Nam sống ở xứ người đều đã ý thức được rằng
một ngày nào đó trong tương lai, mấy đứa con của mình trước sau gì chúng cũng
sẽ…đi ra ở riêng hết. Biết vậy, nhưng đến lúc con cái mình gom góp
đồ đạc và xách valise ra khỏi nhà, cha mẹ nào mà không khỏi chạnh lòng buồn man
mác và cảm thấy nhà cửa sao trống vắng lạ thường.
Cuộc sống của họ bắt đầu thay đổi hoàn toàn… Sự thay đổi đột ngột này đã
tạo nơi họ một cái shock khá mãnh liệt nhất là ở phía người
mẹ.
Khoa học gọi đây là hội chứng trống ổ.
Tại
sao gọi là hội chứng trống ổ?
Đây là trạng thái tâm lý mà cha mẹ cảm nhận khi con
cái mình dọn ra khỏi gia đình để đi ở riêng vì bất cứ một lý do nào. Đi học xa,
đi làm xa, có bồ bịch, lập gia đình hay chỉ vì muốn ở riêng để được độc lập tự
do, v.v…
Ảnh hưởng của hiện tượng trống ổ thường gây tác động rất mạnh ở phía người mẹ.
Ngoài ra, giai đoạn nầy
lại trùng vào thời gian mãn kinh của người mẹ với những biến đổi tâm sinh lý bất
thường khiến người mẹ càng dễ bị rơi vào trạng thái suy nhược tinh thần.
Trong tâm trí của phần lớn cha
mẹ, con cái mình dù nay đã hơn 25-27 tuổi rồi nhưng nó cũng vẫn còn là…một đứa
bé đối với mình.
Nỗi khổ tâm lớn nhất của
cha mẹ đến từ ý tưởng vĩnh viễn mất mát đứa con mà không có gì có thể hàn gắn
hay thay thế lại được.
Các nhà tâm lý học cho rằng hội
chứng trống ổ mà cha mẹ đang gặp phải, bắt nguồn từ cảm giác mất bổn phận làm
cha làm mẹ (parenting) mà ra, chớ thật ra không phải là sự kiện mất đứa con.
Cuộc
sống vẫn tiếp tục
Sự thay đổi là một hiện tượng
không thể nào tránh khỏi được hết.
Chúng ta có hai sự lựa
chọn, hoặc là chống lại bất kỳ một sự thay đổi nào và sống với tâm trạng buồn bực
níu kéo lại quá khứ, hoặc là chúng ta phải chấp nhận sự đổi thay và cố gắng tìm
cách thích ứng với hoàn cảnh mới của hiện tại.
Sự ra đi của mấy đứa con
đã làm thay đổi hoàn toàn khung cảnh, cách sinh hoạt và thói quen của gia đình
từ hơn hai mươi năm qua.
Ảnh hưởng của hội chứng trống
ổ có thể rất khác nhau tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình. Không có ai giống
ai hết!
Trước kia, trọng tâm
chính của sinh hoạt trong gia đình là con cái.
Nay, chúng đã đi khỏi rồi
thì gia đình không còn cái trọng tâm nữa. Sự buồn chán tạo điều kiện và cơ hội
để ông ngó bà hoặc bà ngó ông và tìm những điều không vừa ý, tánh hư tật xấu của
nhau mà hành tỏi dằn vặt lẫn nhau. Vì trong thời gian con cái còn ở chung thì
ít khi thấy hiện tượng này xảy ra, vì bị che lấp để khỏi làm phiền hà đến con
cái.
Đây là điểm tiêu cực cần nên
tránh.
Ngược lại phần đông cha
mẹ sau một thời gian khi tâm thần đã bớt giao động, họ trở nên thực tế hơn.
Giai đoạn trống ổ là dịp
để cha mẹ ngồi lại với nhau bên chén trà và hoạch định chương trình và thời
gian để tận hưởng tình vợ chồng mà hình như từ lâu đã bị gát qua một bên để lo
cho con cho cái.
Một thời gian sau khi đã bắt đầu
quen sống với tâm trạng trống ổ, chúng ta nên tái tổ chức lại mối quan hệ với
con cái trong điều kiện mới khi chúng đã thật sự trở nên những người trưởng
thành rồi.
Lợi dụng thời gian trống ổ
*- Mạnh dạn chấp nhận hoàn cảnh
trống ổ, chớ nên ngồi đó mà rầu rĩ, mà than sao mình vô phước quá vậy.
*- Liên lạc thường xuyên và định
kỳ bằng email hoặc bằng phone với các con. Nên lập một lịch trình gọi phone cho
hợp lý và không để con cái nghĩ là cha mẹ muốn làm áp lực hoặc muốn bắt buộc
con cái phải thường xuyên gọi thăm mình.
*- Tổ chức lại cuộc sống hằng
ngày theo thứ tự ưu tiên và nên tôn trọng sở thích của nhau.
*- Dùng thời gian rảnh rỗi
để vun đắp lại tình vợ chồng với nhau, tránh cảnh ông nói ông nghe bà nói bà
nghe, rất dễ dẫn dến tình trạng tuy hai người ở cùng chung một nhà nhưng vẫn cảm
thấy cô đơn, Tây gọi là solitude à deux rất có hại cho tuổi
già.
*- Nếu hội chứng trống ổ
kéo dài quá lâu với những hậu quả có hại về sức khỏe như trầm cảm hay chán đời,
thì cha hoặc mẹ cần phải đi tham vấn những nhà chuyên môn.
*- Nên khai thác khía cạnh
tích cực có lợi của tình trạng trống ổ, đó là sự kiện cha mẹ được nhiều tự do
hơn thuở xưa lúc con cái còn ở chung.
Thời gian trống ổ là một giai
đoạn trong cuộc sống của phần đông các bậc làm cha làm mẹ ở xứ người.
Phải chăng trong tình
thương con thương cái có ẩn náu tình thương vị kỷ cho chính mình?
Mình lo lúc già rồi ở với
ai đây, ai lo cho mình mỗi khi đau yếu bệnh hoạn. Mình sợ sẽ sống trong cảnh
đơn chiếc cô độc, sợ không có người giúp đỡ, sợ những việc mình chưa biết đến
như…sợ bệnh, sợ chết, v.v…
Thời gian trống ổ chưa
phải là chấm dứt bổn phận của cha mẹ với con cái!
Mình vẫn còn là cha mẹ của
chúng nó nhưng khác biệt là mình phải thay đổi cách đối xử, xem chúng là những
thành viên đã trưởng thành và phải biết tôn trọng quyền tự do quyết định của
chúng.
Khi con cái cần đến mình thì mình vẫn sẵn sàng vì lúc nào mình cũng vẫn còn là cha là mẹ của chúng./.
Tham khảo:
- Chritine Webber. Empty
nest syndrome. Netdoctor.co.uk
http://www.netdoctor.co.uk/womenshealth/features/ens.htm
- Kelley Reese. Filling
the nest. Univ of North Texas
http://www.unt.edu/northtexan/archives/f00/nest.htm
Montreal, Nov 2013
No comments:
Post a Comment