Về Sydney, không như lúc ở Âu châu, run rủi nên tôi cư ngụ ở
một chỗ rất đông đồng hương. Chỉ cần một con đường ngăn ngắn chừng vài trăm thước
thôi, không kể Lào, Thái, Miên, là đã có đến năm bảy gia đình phe ta. Sáng sáng
đi học, đi làm, ngang qua những ngôi nhà có các anh chàng mặc pyjama ra trước sân,
chắp tay sau lưng đi tới đi lui ngắm trời ngắm đất, thuốc lá đốt mịt mù như khói
xe lửa, và cảnh các cô, quần áo ngủ mỏng manh gợi cảm, tà tà bắt ốc, hái rau
ngoài vườn như bàn dân thiên hạ không có ai, lúc đầu không quen mắt, thấy người
thấy cảnh như vậy, tôi cứ nơm nớp lo sợ người bản xứ khó chịu. Sau chẳng nghe
ai than phiền, cũng chẳng thấy ai la làng hay kêu cảnh sát, tôi mới biết thì ra
chỉ có… mình tôi khó chịu, nên bèn phì cười quay đi.
o O o
Sáng sáng, trưa trưa, chiều chiều, ngang qua những ngôi nhà dọc
hàng rào trồng ổi, trồng xoài, hai bên lối đi xanh mướt húng quế tía tô, đầu ngõ
thanh tao lê lựu, thềm hiên rợp bóng mát khổ qua bầu bí, có nhiều lúc tôi đã
không biết mình đang đứng cạnh ngôi nhà từ đường ở Huế, hay đang đi dưới cái nắng
ấm áp bên kia sông Cẩm Lệ, sông Hàn. Ngó qua ngó lại, nếu không sợ Tây nó thắc
mắc, thì có hàng xóm nói cùng thứ tiếng, chung màu da, cũng vui!
Hàng xóm. Lâu lâu có người đi câu được dăm con cá, xúc được
vài xô tôm, bèn gọi nhau í ới, biếu xén quà cáp, hay mua bán trao đổi, chộn rộn
đến vui tai.
Và cũng hàng xóm. Nên một hôm nghe ầm ĩ ngoài sân nhà bạn tôi
mà giật cả mình:
– Chèn ơi, con trai chị phá đời con gái em!
Bạn tôi đứng tim. Hàng xóm có hai cô con gái dưới tuổi vị thành
niên. Bạn tôi run giọng:
– Cái gì? Em nhìn thấy cái gì? Thật không?
Hàng xóm:
– Thiệt chớ sao hông. Thì cái hôm chị thả nó lông nhông ra
ngoài đó. Em bắt gặp tại trận ở ngay nhà em mà.
Con trai bạn tôi có bồ hai năm nay, và đã dọn ra ở riêng với
cô bạn gái từ khuya. Bạn tôi nhăn mặt:
– Ê, ê, nói chuyện gì không hiểu nổi. Thằng con chị đâu có bị
ai nhốt mà em nói là thả chạy lông nhông.
– Sao không!
– Không à nha!
– Chời chời, hôm bữa chị thả thằng Bobby ra đó, giờ còn
cãi.
!!! Bạn tôi chưng hửng, và… té ngửa. Thì ra “thằng”
Bobby là em cún, nuôi để giữ nhà. Cái “thằng” thiệt hư sự. Mới chỉ một hôm chạy
rông là đã đi làm chuyện bậy. Hàng xóm đe dọa:
– Mai mốt con gái em mà có bầu là chị phải chịu trách nhiệm.
Bạn tôi không biết cãi lại như thế nào. Mấy tháng sau “con
gái” hàng xóm sản xuất một bầy năm em cún con. Trắng đen đủ loại, có một “thằng”
ngó giống hệt “thằng” Bobby nên bạn tôi mỗi tháng phải chịu “child support” hai
lon sữa, và sau phải mang về nuôi báo cô.
o O o
Hàng xóm. Quen mặt, quen người. Tôi lạ hoắc lạ huơ ở đâu mới
về, một hôm tình cờ đi ngang căn nhà đầu đường, thấy nhánh lá cây hết sức dễ
thương nằm trên cành sum suê lá, tự dưng bỗng muốn xin về cắm trên bàn viết. Hàng
xóm lúc ấy đang ngồi uống bia với vài người bạn sau hè. Tôi gõ cửa. Hàng xóm
thò đầu ra hỏi chuyện gì. Tôi lịch sự:
-Thưa anh, anh có thể cắt cho tôi xin một nhánh lá cạnh hàng
rào được không ạ?
Hàng xóm trợn mắt:
– Hả, cái gì? Lá gì?
Tưởng hàng xóm không đồng ý. Tôi nhẹ giọng lịch sự hơn:
– Dạ tôi chỉ muốn xin một nhánh nhỏ thôi, tôi nghĩ chắc không
làm hại đến cả nhành cây đâu.
Hàng xóm vẫn cứ trợn mắt ngó tôi như tôi rớt từ trên trời xuống.
Mãi sau mới đưa tay chỉ ra ngõ:
– Thì ra đó cắt đi.
Tôi nhỏ nhẹ:
– Dạ xin anh cho mượn cây kéo tỉa nhánh.
Hàng xóm không trả lời. Cũng không thấy có phản ứng gì khác,
nhưng đột ngột bỗng xăm xăm bước ngang qua mặt tôi, tiến thẳng đến phía trước,
ra ngõ. Ðến hàng cây tôi muốn xin nhánh lá, hàng xóm hất đầu:
– Cái này phải không?
Tôi gật đầu, chưa kịp nhắc đến cái kéo tỉa nhánh, hàng xóm
đã bẻ cái rụp nguyên một cành to tướng đưa cho tôi. Nói:
– Cái nhánh cây này cần gì xài tới kéo.
Tôi lí nhí cám ơn. Hàng xóm làm xong nghĩa vụ nhân đạo, quay
lưng vào nhậu tiếp. Tôi loay hoay ôm nhánh cây bước ra khỏi sân. Cái nhánh cây
to, trùm gần hết mặt tôi, nên tôi phải bước chậm lại.
Ðang đi, tôi bỗng nghe rõ mồn một từ phía sau lưng mình có tiếng
người đối đáp:
Bà nội đó cần cái gì dậy?
– Xin cành cây.
– Cành cây gì?
– Cái cành cây trắng trắng ngoài ngõ tao đó.
– Chời. Dậy mà thấy bả rụt rè quá, tưởng có chiện gì.
-Thì dậy. Tao biểu ra bẻ đi mà mẻ không chịu, hỏi mượn cái
kéo tại sợ cái cây hư. Mẹ, mấy cái cây đó cau-xồ (*) mà không làm khó dễ tao đã
chặt mẹ nó từ năm ngoái. Thiệt tình, con mẹ lịch sự thấy ớn luôn!
HN
Cau xồ: council, hội đồng thành phố.
No comments:
Post a Comment