1.
Sau cơn mưa, đường ngập linh láng như biển. Chiếc
xe 14 chỗ ngồi của chúng tôi vừa lội vừa thở phì phò, xém tắt thở nhiều lần mới
thoát được vùng ‘biển hồ’ Minh Phụng để quẹo vô đường 3 Tháng Hai. Khúc
nầy tương đối ít ngập, chỉ tới nửa bánh, xe cộ vì vậy cũng nhiều hơn. Nước
không còn tạt vũ bão ra hai bên hông như trước mà phóng ra với vẻ hiền thục dễ
thương. Sau thời gian đụt mưa thiên hạ gấp về, nhiều anh vọt lẹ, lắm khi xẹt
qua đầu xe lớn đương ngon trớn mà coi như không, khiến anh tài xế lâu lâu lại chắt
lưỡi lắc đầu.
Bỗng nhiên có tiếng thắng mạnh. Mọi người bị giựt
ngược, tỉnh ngủ. Tài xế mím môi, la lớn:
‘Khiến!’
Rồi anh xuống giọng như nói với mình:
‘Không mau chưn mau cẳng thì bà hú nó rồi!’
Hành khách trong xe nhớn nhác ngó nhau. Hai ba
người đàn bà đưa tay vuốt ngực.
Chiếc xe gia tốc, chồm tới, cố gắng bắt kịp người
thanh niên phóng bạt mạng kia. Đèn đường bật lên đỏ. Cả hai đậu song song
chờ.Tài xế quay cửa kiếng xuống, chồm đầu ra ngoài, phun nước miếng cái phẹt
xuống đường, nói lớn với kẻ làm anh giựt mình hồi nãy:
‘Mầy đứng lại cho tao lạy mầy mấy cái chớ mầy chạy
kiểu đó chắc tao chết vì đứng tim. Mầy tội nghiệp tao với chớ! Tao đâu có muốn
vô tù đâu!’
Người thanh niên nhăn răng cười rồi chỉ chờ đèn
đường bên kia vừa bật qua màu vàng là phóng thẳng bất kể những chiếc chót của
làn lưu thông ngược chiều chưa qua hết khoảng đường trước mặt.
Tôi cười thầm. Anh tài xế nầy nói chuyện có văn
hóa giao thông ghê. Chẳng bù với tháng trước tôi ngồi trên xe buýt,
cũng trường hợp tương tợ, tên nhóc tì phụ xế kiêm bán vé đã ló đầu ra ĐM lia
chia rồi tuyên bố một câu xanh dờn:
‘Mấy muốn tự tử thì về nhà mà tự tử, ngon thì vô
đồn công an mà tự tử. Mầy nên nhớ mạng mầy chỉ có ba chục triệu thôi không hơn
đâu.’
Không khí im lặng nãy giờ trở nên sôi động bằng
những lời bàn tán chung quanh chuyện chạy ẩu của xe nầy xe kia. Anh tài xế nói
lớn:
‘Làm nghề nầy thấy cái chết của thiên hạ quá thường
nên nhàm luôn, trở thành vô cảm trước máu me. Chết vì chạy ẩu xị, chết vì do xe
lớn lấn đường, do tài xế mệt mỏi, xỉn xay, ngáo đá, hay do đường xá xấu hư
làm lạc tay lái... Muôn ngàn lý do, kề tới mai chưa hết!.’
Tôi lên tiếng cho vui:
‘Chết vì tài xế mua bằng nữa đó cha nội. Học ba xí
ba tú, lái chưa rành, mót tiền quá chạy đi mua bằng, lên xe ngồi điều khiển mà
không hiểu luật lại vụng về nên thường làm chết thiên hạ rồi bỏ xe lẫn trốn…
chuyện nầy xảy ra hà rầm.’
Anh tài xế dễ thương tuy nghe nói đụng chạm tới
giới của mình nhưng vẫn làm thinh.
Tiếng ai đó, giọng của người đứng tuổi:
‘Thét rồi hết muốn ra đường. Sợ quá! Những cái chết
nát thây không báo trước. Còn hơn là ngày xưa đi hành quân hay nhảy toán. Đời
sống bây giờ thiệt là bất an!’
Không khí trong xe tới đây thì lắng xuống, ai nấy
theo đuổi tư tưởng mình.
Khi xe quẹo vô đường Nguyễn Kim thì người bạn tôi
nói vọng ra sau:
‘Nếu chừng mờ mờ sang đi tới đây, góc Nhật Tảo và
Nguyễn Kim nầy, dưới gốc cây dầu bự chảng bên tay trái, thì sẽ gặp một người
đàn ông còm cõi đứng phụ vợ bán bánh giò. Đó là người bạn lính trước đây cùng
đơn vị của tôi ở Pleiku. Anh ta tên Thanh, bị lựu nổ mất nửa bàn tay mặt, đương
chờ giải ngũ thì đứt phim. Lãnh lịch hết gần chục có đầu. Nay gặp lại bạn bè
xưa nhiều khi anh làm lơ hay ngồi cho có mặt, thường ngó mông lung. Lạ lắm!’
Tôi ngạc nhiên hỏi lại vì cái chép miệng sau khi
xuống giọng của bạn:
‘Chục có đầu sao không đi H.O. mà ở lại cho cực
thân.’
‘Vậy đó!’
Tôi không biết gì thêm từ hai tiếng trả lời gọn lỏn
kiểu miền Tây của bạn nhưng biết chắc chắn rằng người đàn ông phụ vợ bán bánh
kia là người đặc biệt. Và tôi thấy mình cần phải tìm hiểu anh ta.
Vậy mà sau gần cả tháng tôi mới làm thân được với
Thanh. Cũng nên kể ra đây lần gặp gỡ của tôi với Thanh.
2.
Sáu giờ sang trời còn lờ mờ nhưng thành phố đã
thức. Những người lớn tuổi đi bán giấy số bắt đầu đổ xô ra đường. Mấy chiếc xe
bán thức ăn nầy nọ đã được đẩy ra vị trí và đốt lò. Tôi thay quần sọt ra
đi tới chỗ người bạn tôi chỉ hôm nọ và ngồi xuống một cái ghế nhỏ không thể nhỏ
hơn để kế bên hai xửng bánh bao bánh giò của cặp vợ chồng nầy. Người vợ luôn
tay lấy bánh bỏ vô bao xốp trao cho khách với nụ cười giao tế. Người chồng lãnh
nhiệm vụ thâu tiền. Nụ cười cũng có trao đổi với khách nhưng hơi gượng gạo. Tiếng
cám ơn luôn luôn thốt ra mỗi khi anh hoàn thành một dịch vụ.
Ngồi câu giờ cố ăn hết một cái bánh bao và một cái
bánh giò nóng, tôi liếc chừng chừng quan sát con người đặc biệt kia.
Hình như anh ta cũng bắt thóp được ý định của tôi
nên thỉnh thoảng đưa mắt ngó. Tôi phóng ra con bài ngoại giao bằng nụ cười và
cả cái nheo mắt nhưng anh cố tình làm lơ. Ăn xong ý chừng đã ngồi hơi lâu tôi
mua thêm một cặp bánh nữa và đưa cho anh tờ giấy nửa triệu, với câu nói nhỏ:
‘Anh khỏi thối, mình xin phép được chia sẻ với
anh.’
Tôi nhận được câu trả lời lạnh băng như là người
đối thoại cố tình làm cho mình tức giận:
‘Chúng tôi buôn bán, không ăn xin! Anh cầm tiền
thối.’
Tôi vớt vát:
‘Mình cùng cảnh ngộ ngày trước’, tôi thấy mình hay
ho tận mạng khi đem ra xài mấy chữ nầy, vừa nói vừa ren rén ngó mau về bàn tay
phân nửa của anh ám hiệu rằng cùng là cựu quân nhân. ‘Bây giờ khá hơn anh nên
xin chia sẻ. Anh nhận để mua quà cho các cháu.’
Người bán hàng đẩy mạnh tay tôi ra với số tiền thối
lại, quyết liệt:
‘Chúng tôi không có con. Xin
lỗi anh. Anh cầm. Tôi còn phải thối tiền các khách khác.’
Thế
mà tôi vẫn kiên nhẫn lập lại lời yêu cầu nầy hai lần tới sau đó nữa. Lần thứ ba
thì anh chắt lưỡi, bỏ tiền thối vô xấp tiền anh cầm. Chắc là lần nầy nhờ tôi
nhắc tên người bạn chung. Tôi ngồi nán lại để anh dãn khách, nói vài ba câu vô
thưởng vô phạt rồi ra về. Hai bên nói chuyện tâm tình bên mấy ly trà nóng một
cách tự nhiên những lần sau đó…
3.
Tôi
ra trường với lon Thiếu Úy lúc 24 tuổi, tình nguyện vô binh chủng cọp ba đầu
rằn. Thời chiến chinh, mỗi người làm hết bổn phận mình trong chức vụ mà xã hội
phân công, cách nầy hay cách khác, đó là điều bắt buộc. Cam đảm hay hèn nhát gì
cũng không bằng hên xui: bà độ hay bà xô vô chỗ tử. Phải giữ vững tinh thần,
lương thiện và không nghĩ đến cái chết mới sống đúng nghĩa người trai. Hơn một
năm sau khi ra trường tôi về tiểu đoàn sau khi lên Trung Úy.
Những
lúc rảnh rỗi, ngó lại anh em dưới quyền trong đơn vị, so sánh với cuộc sống lạc
điệu của hậu phương, tôi cũng văng tục thầm. Mẹ ơi, hậu phương làm mình giận
muốn nổi cơn điên. Cho nên binh sĩ dưới quyền, tôi thương hết biết. Nhiều đứa
đi phép về trễ vài ba ngày tôi cũng nạt nộ để tụi nó không lờn nhưng báo cáo
hay làm gì đó nặng hơn thì không.
Cầm
đầu phải làm gương, tôi xông vô nguy hiểm coi như đạn có bổn phận tránh mình.
Cũng làm thơ hào hùng kiểu Hồ trường: Ta xông pha hề, trận mạc. Coi tử
sinh hề, cỏ rác dưới chân. Thỉnh thoảng hớp ngụm rượu của đàn em rồi
sảng khoái ngâm nga tử sinh hề, cỏ rác… vui đời lính, thương đồng
đội, quên mình đương ở tuổi cần có bên mình một bóng hồng…
Trong
trận Hạ Lào năm đó, Tiểu đoàn tụi tôi bị tụi nó cầm chưn. Được bỏ thêm để giải
vây cho đồng đội, nhưng chúng tôi bị lún. Chúng pháo kích ngày đêm nhưng tấn
công lần nào cũng bị tiêu diệt trọn. Bên mình cũng hao bộn do mỗi lần một ít.
Tôi được lịnh là sáng mai lúc trời hơi tan sương mù thì trực thăng bốc, ưu tiên
thương binh.
Vậy
mà chuyện đau lòng xảy ra đêm đó.
Thằng
Tánh trung sĩ thường trực, đệ tử ruột của tôi bị nạn. Cái thằng cũng trí thức
lắm, nó rớt Tú Tài nên đi Trung sĩ. Khuya tôi đương thiu thiu ngủ sau ba ngày
trắng dờ con mắt thì nghe báo cáo Tánh bị đạn nặng lắm. Tôi nói nó ngủ trong
hầm mà bị đạn cái củ c. gì. Nãy giờ có trái nào nổ gần đâu.
Thiệt
ra thì khuya thằng con bò ra ngoài đi tiểu. Miểng nhỏ pháo kích từ đâu bay ra
cắt đứt mạch máu chủ ở háng.
Tôi
tới thì anh em đương xúm bên nó, lo lắng. Quân y cố hết sức cầm máu. Thằng Tánh
thấy tôi thì mắt sáng lên nói thiệt lẹ, rõ ràng:
‘Em
không sao đâu Trung Úy. Chuyện nhỏ! Sẵn dịp lên trực thăng về thăm vợ luôn. Con
vợ em đương có bầu ba tháng. Chắc nó cũng nhớ em.’
Tôi
đuổi mấy đứa không có phận sự ra chỗ khác. An ủi nó. Nó cứ lập đi lập lại hoài
điệp khúc ‘không sao đâu là không sao đâu’. Bác sĩ Quân Y ngó tôi với cặp mắt
buồn, nói thiệt nhỏ trong khi thằng Tánh vẫn nói không sao đâu:
‘Không
xong, máu ra nhiều quá, vết thương lớn không bịt được.’
Nó
thấy mặt tôi buồn chắc là hiểu được điều chúng tôi trao đổi nên trở giọng:
‘Em
lạnh quá Trung Úy! Có bề gì thì Trung Úy mang ba-lô em về cho bà xã em. Bả tên
Trinh, địa chỉ ở trong đó. Tiền lương tháng nầy với phần còn lại từ trước cũng
mấy ngàn. Nó cấn thai được ba tháng. Trung Úy giúp đỡ nó với con em giùm. Tụi
em đồng ý đặt tên con là Trần Trinh Thảo Tánh. T tứ thừa đó Trung Úy. Cái tên
tụi em nghĩ nát óc mới đặt được đó Trung Úy.’
Thằng
Thạch Buôn, từ xa diễu dở bằng mấy tiếng ‘Nôm luôn! Hốt hụi chót!’ Tôi
đứng rột dậy, lên cò súng quát lớn: ‘Mầy nói lại một lần nữa đi!’
Thạch
Buôn lạy như tế sao rồi chuồn thẳng.
Tôi
cởi áo trận đắp cho Tánh. Nó run lập cập than lạnh liên hồi. Hai tay tôi nắm
hai bàn tay lạnh ngắt của nó nói: Không sao đâu để anh đem ba-lô về cho. Mà
chắc không cần nữa, em lo được chuyện đó. Dễ mà! Nó nhắm mắt thì thào: ‘Coi
tử sinh cỏ rác dưới chân…’ Tôi vuốt mắt nó, đứng dậy chùi nước mắt của
mình. Chúng tôi ở kế nhau cũng hơn một năm. Mến tay mến chưn. Nó đoán biết ý
của tôi, không bao giờ làm trái, cũng không sa đà trong chuyện cờ bạc, gái gú
mỗi khi ra thị xã…
Đạn
trung liên của địch bắn liên hồi nhưng chiếc trực thăng bốc quân điêu luyện
luồn lách cũng hạ xuống an toàn. Chừng chục thương binh được di chuyển lên sàn
phi cơ lẹ làng không thể tưởng. Viên Trung Úy trách nhiệm ra lịnh cho những ai
lên trước lên sau sắp hàng thứ tự. Cuối cùng khi phi cơ vừa nhấc mình lên thì
cũng là lúc ông chạy ra cố gắng cho phần mình.
Cái
ba lô nặng làm ông chạy chậm, gió phần phật từ cánh quạt gần như đuổi ông ra
xa. Cuối cùng trong lúc gần hụt thì hai tay giơ lên của ông được hai binh sĩ
nào đó trên phi cơ chụp dính.
Phi
cơ bốc lên cao, khỏi ngọn cây. Đạn bắn chéo chéo bên tai và gió thổi vù vù.
Viên Trung Úy thấy mình càng lúc càng tuột ra khỏi tay người nắm. Cái chết đã
cận kề. Bỗng nhiên ông thấy mình được nắm vững, thân mình ông với cái ba lô
trên vai treo tòn teng song song với càng trực thăng. Một người thương binh nào
đó đã cố nhoài mình ra nắm được hai cái quai đeo của ba lô. Chắc chắn.
Mọi
người reo hò khi viên Trung Úy được kéo lọt vô sàn. Bên ngoài đạn vẫn vẽ những
lằn đỏ cong cong. Tiếng người phi công nói:
‘Anh
may mắn cùng mình, những trường hợp như vừa rồi một trăm phần trăm là rớt
xuống.’
Viên
Trung Úy lột ba lô ra, cúi xuống vỗ vỗ, nói trong sự ngạc nhiên của những người
không biết chuyện Trung sĩ Tánh:
‘Cám
ơn em đã cứu anh, anh sẽ làm tròn lời hứa… chắc chắn như đinh đóng cột.’
Tôi
không thể nào chịu nổi cảnh người vợ khóc chồng. Cô ta ngã xuống như cái bị
rách ai đó liệng xuống đất, đầu úp lên cái ba-lô, hai tay ôm choàng như ôm
người tình.
Đau
lòng như xé ruột tôi muốn bỏ đi nhưng nhà cô ta đơn chiếc quá, chỉ có một mẹ
già, bà đương đứng xơ rớ với cặp mắt đỏ hoe, không biết thương cho số phần con
cháu mình hay thương thằng rể vắn số. Chừng một giờ sau tôi kiếu, đi chập
choạng như về từ đám tang người em ruột thịt của mình, không còn nhớ mình lang
thang ngoài đường đã bao lâu.
4.
Tôi
trở lại căn nhà đó chừng năm lần nữa mỗi khi về phép. Lần nào cũng vậy, tôi cố
tình ngồi lại trong thời gian thiệt ngắn. Tôi sợ tình cảm trai gái nẩy nở. Mọi
chuyện rồi không biết sẽ về đâu. Đúng hay sai. Con bé T tứ thừa học càng ngày
càng giỏi. Mẹ bé cho biết cha bé ngày trước đùa là nếu anh hy sinh thì bất cứ
giá nào em cũng xin cho bé vô trường Quốc Gia Nghĩa Tử. Tôi có đến đó hỏi thì
được biết phải chờ cho bé xong Tiểu Học mới được. Trường chỉ bắt đầu bằng lớp
Sáu thôi.
Rồi
tôi bị thương ở bàn tay nầy. Chưa kịp báo tin cho ai thì phải đi gỡ lịch. Trong
thời gian dài tôi tập sinh tồn bằng cách quên hết mọi chuyện bên ngoài, nhắm
mắt trước những bất công và vô lý, tập quên mình là ai.
Khi
được thả ra thì biết bao nhiêu chuyện đổi thay đã ụp xuống vùng đất thua trận.
Nhà cô ta đã đổi chủ hai ba lần. Không ai biết cái gia đình ba người đàn bà ba
thế hệ đó trôi dạt về đâu. Ai cô thế mà ở yên được với chánh sách dãn dân vô lý
trong thập niên đầu họ từ rừng chui ra?
Nhiều
khi ngủ tôi chiêm bao thấy lại cảnh thằng Tánh nói ‘Em lạnh quá’ rồi
i ỉ ngâm nga ‘Coi tử sanh hề, cỏ rác dưới chân… Cảnh nầy đan
chéo với cảnh cái bàn thờ đơn sơ có tấm hình nó cười, dưới chưn bàn thờ là
người đàn bà tóc tai rũ rượi ngồi khóc, kế bên bàn thờ là cái ghế cao cẳng có
đặt đứng cái ba lô của nó. Cái ba lô đã cứu mạng tôi. Cái ba lô tượng trưng cho
tình yêu của nó và gợi lên mặc cảm của tôi về sự không làm tròn lời hứa. Tôi
thấy mình như có lỗi với Tánh và với con bé T tứ thừa.
Đó
cũng là một lý do khiến tôi không góp đơn ra đi theo dạng H.O. Lý do khác là
tôi muốn chứng kiến tận mắt coi người ta đọa đày đất nước nầy tới nước nào. Tôi
không phải là người được đào tạo để làm theo cách thế của bất kỳ ai khác dầu
cho họ là đám đông khôn khéo tới mức nào đi nữa, tôi có hệ thống giá trị của
riêng mình. Và tôi theo nó tận cùng…
(San
Diego, CA, 30-04-2017)
Nguyễn Văn Sâm
Một câu chuyện thương tâm thời chiến . Đoc mà chảy nước mắt. Cam on NPN da đăng chuyện này.
ReplyDeleteHình như tác giả Nguyễn Văn Sâm có thời gian dạy trường Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho)
Tôi chỉ biết anh Sâm ngày xưa có dạy trung học công lập Hoàng Diệu Sóc Trăng, ở những nơi khác thì không biết. Anh là phu quân của người bạn cùng quê với tôi, Trần Ngọc Ánh. Ngọc Ánh là tác giả truyện dài "Ngày Tháng Buồn Hiu" đã đăng trong blog này. Mời anh đọc nếu có thời giờ.
DeleteCám ơn anh Môn.
TK
Mon Phạm Tôi có dạy ở trường TH Nguyễn Đình Chiểu vài ba năm (1964-1966), rất hân hạnh mang danh là cựu GS trường NDC. Gặp bất kỳ ai là cựu học sinh NDC thì tôi thấy thân thiết ngay. kể cả cảc em học sau đó hằng nửa thế kỷ, cái tên NDC làm mình thấy thân thiết dầu là chưa từng giao tiếp...Cám ơn anh đã đọc bài...
DeleteSorry anh Sâm, Em không biết là anh đã có thời gian dạy TH Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho. Em chỉ biết anh là "Rể Hoàng Diệu" qua Ngọc Ánh thôi. 😊😊😊.
DeleteEm còn giữ vài bài của anh đây, sẽ đăng dần dần.
cám ơn anh Sâm.
Cầu chúc sức khỏe và bình an đến anh chị.
TK
Câu chuyện thật cảm động thời chiến, tình nghĩa huynh đệ chí binh. Cám ơn anh Sâm chia sẻ câu chuyện mà giới trẻ ngày nay hoàn toàn không biết.
ReplyDeleteDạ thưa, khi thầy về dạy trường NDC thì khi đó em mới học những năm đầu bậc trung hoc. Sự thực em chỉ được học một năm cuối cùng ở trường NĐC niên khoá 1969-1970 thôi, nhưng em rất hãnh diện khi được học ở ngôi trường này. Trước đó em học ở trung học Kiến Tường. Em có được đọc nhiều bài viết của thầy
ReplyDeleteKính chúc thầy luôn vui khoẻ ạ.
Mai Khánh Thư- Phạm Doanh Môn