-
Em
hãy đếm những vì sao trên trời được bao nhiêu thì anh yêu em còn nhiều hơn thế
nữa.
Bùi Quang Đoài (Một Câu
Chuyện Tình)
-
Anh về đếm hết sao trời,
Em đây kết tóc ở đời với anh.
(Ca dao)
Cô
hàng xóm và tôi đang ngồi trên ngọn đồi cách xa thành phố, cùng ngắm nhìn những
ngôi sao lấp lánh trên cao. Cô ngồi bó gối bên tôi. Chiếc váy “mini” quá ngắn,
hớ hênh đến độ tôi cứ tưởng như những con "dế mèn, dế dũi" của nhà
văn Tô Hoài quanh đây có thể nhẩy vào cái nơi hoang vắng thâm u ấy. Sự hớ
hênh này thật chẳng thích hợp với khung cảnh nên thơ và trong sáng của đêm nay.
Cô dựa đầu trên vai tôi, ngước mắt nhìn trời đếm những vì sao:
Một ông sao sáng
Hai ông sáng sao
Ba ông sao sáng
Bốn ông sáng sao.
Và
cứ như thế, cô đếm không ngừng, tưởng chừng như càng đếm được bao nhiêu ngôi
sao thì số lượng tình yêu của tôi dành cho cô cũng sẽ nhiều như thế.
Cô
chợt ngừng đếm rồi quay sang nói với tôi bằng một giọng thật nũng nịu:
-
Anh đếm đi!
-
Đếm cái gì?
-
Đếm sao! Đếm
theo em đi.
Tôi
ngập ngừng:
- Ừ
thì đếm!
Sao và sao, đâu đâu trên vòm trời cũng đều là sao cả. Có đến hàng vạn,
hàng triệu, hàng ức ngôi sao đang nhấp nháy, ngôi tỏ ngôi mờ. Tôi phân vân
không biết phải bắt đầu đếm từ ngôi sao nào.
. .
.
Ngẫm
sao con tạo xoay vần
Chờ cho đến tối dần dần mọc ra
Mọc ra vô số hằng hà
Thiên
hà vạn ức biết là bao nhiêu
Trời
quang sao mọc cũng nhiều
Đến khi trăng tỏ ra điều sao thưa.
. . .
(Ca dao)
Tôi
chỉ cho cô những ngôi sao thật sáng và tôi tự đặt tên cho chúng với cái tên của
những vì sao quen thuộc mà tôi đã từng nghe đến từ cái thuở xa xưa, cái thuở cô
hàng xóm còn chưa ra đời.
. . .
Trên trời sao Bẩy sao Ba
Nhị thập bát tú cùng là Thất tinh
Sao Hôm chỉ mọc một mình
Sao Mai gà gáy chung tình với ai
Có Hôm mà chả có Mai
Kìa như sao Vượt chờ ai giữa trời
Nam tào, Bắc đẩu đôi nơi
Thần nông sao ấy trị vì làm ăn.
. . .
(Ca dao)
Tôi chợt nhớ tới và se sẽ hát "Bài Ca Sao" của Phạm Duy, đồng thời cũng vờ chỉ cho cô những ngôi sao có tên trong bài hát ấy. Cô nhìn tôi chớp chớp đôi mắt cảm động một cách ngờ nghệch vì cô tưởng đâu những câu tình tứ trong bài ca mà tôi đang hát là để chỉ dành riêng cho cô.
Sao
Tua chín cái nằm kề
Thương
em từ thuở mẹ về với cha
Sao
Vua dăm cái nằm xa
Thương
em từ thuở người ra người vào
Sao Mơ sáu cái nằm chầu
Sao Khuê mấy cái nằm đâu?
Sao
Khuê mấy cái nằm dài
Thương
em từ thuở tình ngoài nghĩa trong
Sao Măng
năm cái nằm ngang
Thương
em từ thuở mẹ mang đầy lòng
Sao
Vua năm cái nằm tròn
Sao
Tư bốn cái nằm vuông
Sao
Hôm le lói đầu hè
Thương
em từ thuở em về với ai
Sao
Mai le lói ngọn cây
Thương
em từ thuở về xây tình người.
Sao
Vân xa tít đầu trời
Sao
Quanh cao ngất ngoài khơi
Sao
Vân muôn cái mịt mùng
Thương
em từ thuở ngàn trùng cách chia
Sao
Quanh theo gót người đi
Thương
em chỉ có trời khuya nhìn về
Sao
ơi, sao hỡi buồn gì?
Sao
ơi, sao hỡi buồn chi?
Tôi
lại còn bịa ra một lô tên cho những ngôi sao mà những tên ấy chưa hề từng có ở
trên cõi đời này như sao Lưu Bị, sao Quan Công, sao Trương Phi, vì thấy chúng ở
gần nhau như đang diễn ra cái cảnh kết nghĩa Vườn Đào. Cô hàng xóm của tôi
thì mù tịt với những cái tên trong truyện Tầu ấy nên chỉ còn biết há mồm, ngẩn
tò te thán phục.
Cô
thích thú với sự chỉ dẫn rất "nổ" của tôi, hỏi:
-
Anh học Thiên Văn à. Sao anh biết nhiều sao thế?
Tôi "nổ"
tiếp:
-
Ừ, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ này. Anh không biết thì còn ai biết. Cái gì mà anh
chẳng biết!
Cô
hỏi thêm:
-
Thế sao Chổi ở đâu?
-
Đằng kia kìa. Tôi bâng quơ chỉ tay về hướng những ngôi sao xa tận cuối chân
trời.
-
Sao nó không giống cái chổi?
-
Hỏi vớ vẩn!
Quét xong, ông Trời cất đi rồi.
Tôi
bí nên gạt ngang, cười xòa.
Cô
cười theo rồi cứ lấy tay đấm vào đùi tôi thùm thụp:
-
Anh nói dối nhá, anh nói dối nhá (nhé)!
Cô
nói với một giọng rất "nẫu" mà cứ cho là rất nũng nịu ngây thơ.
Đợi
khi cô thôi đấm, nhớ đến nhà văn Vũ trọng Phụng than thân là mình đã sinh ra
vào một ngôi sao xấu, tôi giải thích thêm:
-
Người xưa tin rằng mỗi người dưới trần gian này sẽ tương ứng với một vì sao
trên trời.
Cô
chồm lên ngắt lời tôi:
-
Thật hả? Thế ngôi sao của em ở đâu, tên gì?
Tôi
chỉ vào một ngôi sao rồi nói:
-
Kia kìa, tên là sao Băng.
-
Tại sao tên là sao Băng? Cô chớp chớp đôi mắt ngạc nhiên.
Tôi
ỡm ờ trả lời:
-
Tên Băng vì em lạnh như băng (giá) ấy!
-
Thế ngôi sao của anh phải nóng lắm hả. Chắc nó tên là Lửa (sao Hỏa)?
Nói
xong câu ấy, cô tự cho đó là câu nói đùa đầy dí dỏm, mặt vênh vênh đắc ý rồi
phá lên cười. Tiếng cười của cô lanh lảnh vang xa làm con sóc gần đó sợ hãi
chui tọt vào hang.
Tôi
mỉm cười hóm hỉnh đáp:
-
Không phải. Sai rồi. Ngôi sao của anh ở tít đằng xa kia kìa, tên là sao
"Nổ".
-
Sao "Nổ"? Em chưa hề nghe thấy bao giờ.
-
Sao "Nổ" thì nhiều lắm. Mỗi sao nổ một cách.
Tôi
nghiêm giọng, ra vẻ thầy đời, lên giọng dậy dỗ:
-
Em không biết à? Những ngôi sao “Nổ” này cùng họ hàng gần với sao
"Phét" (nói phét), gần với sao "Khoác" (khoác lác) ... Thường thì những ngôi sao này
rất mờ. Vì rất mờ so với những ngôi sao khác nên chúng phải nổ để mong cho
mình được sáng thêm lên và được mọi người chú ý tới. Vì là sao “nổ” nên
khi nổ, âm thanh của nó thường chát chúa đến đinh tai nhức óc, nhưng cũng có
khi tiếng nổ chỉ lẹt đẹt vài tiếng như pháo "tép " trẻ con chơi trong
ba ngày Tết. Tiếp theo những tiếng nổ thường là những sự đổ vỡ, vỡ cửa vỡ nhà
hay vỡ mặt, hay còn có khi "vỡ nợ" nữa. Và cái "vỡ nợ" bẽ
bàng gần nhất là những câu thường được nghe thấy liền sau tiếng nổ: "Nổ rồi mà chỉ sáng được có thế thôi à!"
Cô nghển
cổ im lặng nghe tôi nói một cách hết sức thành khẩn, thành khẩn đến trở thành
ngu ngơ, ngốc nghếch. Tay cô xoa nhẹ lên chiếc váy nơi bị muỗi đốt. Muỗi ở đây
đốt đau và ngứa ngang với muỗi West Nile chết người. Hết xoa cô lại lấy hai
ngón tay lúc cấu, lúc véo cho đã cơn ngứa. Có khi cô cho hẳn bàn tay vào trong
để gãi. Động tác gãi của cô quá tự nhiên, tự nhiên đến độ tôi không thể trách cô
tại sao lại làm như thế trước mặt một người đàn ông đứng đắn như tôi, một người
vốn cầm tinh sao "Nổ".
Cô
vẫn há hốc mồm ra chiêm ngưỡng nhìn tôi dù tôi đã ngừng nói từ lâu. Cô cứ
ngẩn người ra như Từ Hải chết đứng pha lẫn nét đăm chiêu. Rồi cô nhìn lên trời
cao, buông thõng một tiếng bất ngờ:
-
Xạo! (nói dối)
-
Xạo gì? Tôi trố mắt hỏi.
-
Anh nói em cứ đếm trên trời có bao nhiêu vì sao, anh sẽ yêu em còn nhiều hơn thế nữa.
Tôi
chưng hửng vì tôi cứ tưởng từ nẫy đến giờ cô đang lắng nghe tôi nói về
những ngôi sao "Nổ". Tôi miễn cưỡng hỏi:
-
Thế em đếm được bao nhiêu ngôi sao rồi?
-
Được vài chục!
Tôi
nháy mắt hỏi đùa:
-
Thế còn chưa đủ cho em à?
Cô
trở nên thông minh khác thường, đánh nhẹ vào cánh tay tôi cười ré lên:
-
Anh này... nham nhở nhá (nhé)... chưa đủ! Phải cả nghìn cơ!
Tôi
không hiểu nổi chữ “nham
nhở” cô
dùng ở đây. Nói xong cô đứng lên vụt chạy ra xa, ngoảnh lại như chờ tôi đuổi
theo sau. Tôi đứng dậy vươn vai nhìn trời cao. Tôi giật mình khi nhìn thấy một
ngôi sao sáng quá. Ngôi sao ấy cứ nhìn tôi chầm chập và như trách móc tôi sao
tới giờ này vẫn chưa về ăn cơm tối, bắt chờ. Tôi nhìn ngôi sao ấy, trong lòng
không khỏi bối rối và có chút gì hổ thẹn. Tôi nói vọng về phía cô hàng xóm đã
chạy ra xa với giọng gần như ra lệnh:
-
Về!
Cô
nói vọng lại:
-
Chưa gì đã về!
-
"Chưa gì" là chưa cái gì? Về!
Tôi
vội rảo bước nhanh. Cô hàng xóm lật đật chạy theo sau.
Cô
như vẫn còn ấm ức:
-
Ngày mai anh phải đưa em lên đây đếm sao tiếp. Anh nhớ mang theo cái chăn nữa
nhé, ngồi trên cỏ ngứa quá.
Cô chạy lên phía trước, vừa chạy vừa đưa hai tay ra
sau cào gãi hai khối thịt nung núc đang tưng lên theo bước chạy.
Trời vẫn trong, gió vẫn thổi và những ngôi sao vẫn lấp
lánh trên cao. Cô hàng xóm vẫn đổ dốc xuống đồi. Một ngôi sao xẹt ngang trời.
Sao "Sa". Một ngôi sao vừa nổ tan tành. Buồn!
Và
tôi cũng buồn cười vì thấy cô hàng xóm đã chạy gần đến cuối chân đồi. Bóng dáng
cô trở nên ngắn và tròn nên tôi cứ ngỡ như cô ấy đang lăn. Cũng may cô không
phài là chị Doãn của nhà văn Vũ Trọng Phụng, một người đàn bà có cái nhan sắc
của một người đàn ông không đẹp trai, mà ngược lại, nhan sắc của cô thì lại đẹp
vô cùng để cho tôi:
Buồn
trông chênh chếch sao Mai,
Sao
ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ.
(Ca dao)
NGUYỄN GIỤ HÙNG
Mời nghe bài hát
Bài Ca Sao & Nụ Tầm Xuân
Nhạc và lời: Phạm Duy Trình bày: Thái Thanh và Ý Lan
No comments:
Post a Comment