Thỉnh thoảng quay nhìn phía bên
kia sông, vài đợt khói đen thoát ra từ những ống khói cao của nhà máy đèn Chợ Quán,
khói càng lên lan mỏng dần, và lần lượt tan biến giữa bầu trời xanh, làm cho
tôi suy nghĩ viển vông. Gia đình tôi, nói riêng, ở chung quanh đây ai cũng có
ít nhiều gắn bó kỷ niệm với nhà máy đèn Chợ Quán. Lúc đó mỗi lần nghe nhà máy
hú còi, mẹ tôi thường hay lẩm bẩm đã mười hai giờ trưa rồi mà chưa kịp làm cơm
cho chị em tôi, mẹ tôi lăng xăng vội vã, thấy mà thương mẹ nhiều thêm. Ngày
ngày nghe tiếng còi hụ như thói quen đưa vào trí nhớ mọi người, trời đã trưa
rồi đó!
Càng về khuya, có những lúc học
bài trễ, tôi nghe văng vẳng những tiếng phát ra từ máy phát điện phía bên kia
sông. Âm thanh sao mà buồn và ray rứt, làm tôi liên tưởng có lẽ cuộc đời mình
sẽ có ít nhiều gắn bó với nó….
Còn đâu kỷ niệm khung trời ấy,
Một thoáng gợi buồn, hạnh phúc xưa . . .
Trích tùy bút “Chợ Quán Xưa” của chị CHÂU HUYỀN (đăng trên Bản Tin Thân Hữu Điện Lực Việt Nam Hải Ngoại số 23)
* * *
Nói đến Nhà Máy Điện Chợ Quán, gọi nôm
na là Nhà Đèn Chợ Quán hay Nhà Đèn, quả
thật ít ai không biết đến vì nó đã từng dự một phần quan trọng trong đời sống
hàng ngày của dân Sài Gòn trong một thời gian dài đằng đẵng.
Nhà Đèn có một lịch sử lâu đời cũ kỹ trăm
năm. Nó là một trong những biểu tượng hiếm hoi của nền văn minh cơ giới xa xưa của
ngành điện lực dưới thời Pháp thuộc còn sót lại đến ngày nay.
Tôi nghe nói Nhà Đèn còn là chứng
nhân của một biến cố đau thương của đất nước trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến.
Năm Ất Dậu (1945), vì than Hòn Gai không thể chuyên chở từ Bắc vào
Nam được nên Nhà Đèn đã phải dùng thóc để đốt lò chạy máy thay than. Trong khi
đó, ngoài Bắc đã xảy ra nạn đói chết cả triệu người vì không có gạo ăn do quân
phiệt Nhật gây nên.
Và tôi cũng nghe nói trước đây, từ
Nhà Đèn, đã từng là nơi xuất phát ra những cuộc đấu tranh của công nhân đứng
lên chống lại sự bóc lột của những chủ nhân ông người Pháp.
Và cũng chính tại Nhà Đèn, tôi biết rất
rõ vì trong thời gian tôi làm việc ở đây, người
Cộng Sản muốn san bằng nó thành bình địa bằng những cuộc pháo kích, phá hoại
... mà cao điểm là vào những năm cuối cùng của cuộc chiến vừa
qua.
Và tôi cũng đã biết,
chính quyền Cộng Sản đã khai tử Nhà Đèn này để thay thế bằng những kiến trúc khác. Thế là xong, Nhà
Đèn thân yêu không còn nữa! Nó đã ra đi vĩnh viễn, để lại biết bao nhiêu thương
nhớ cho những người đã từng gắn bó đời mình với nó nói riêng và cho toàn thể
nhân viên Công Ty Điện Lực Việt Nam cũ nói chung.
Nhà Đèn nằm ngay trung tâm của Hòn
Ngọc Viễn Đông, nghĩa là giữa viên ngọc sáng chói ấy có một cục than đen xì.
Địa điểm của Nhà Đèn thật dễ nhận ra.
Nhà Đèn Chợ Quán là hàng xóm, là láng giềng gần của Nhà Thương Điên Chợ Quán (tên cũ).
Cả hai cùng nằm trên đường Hàm Tử ngay sát bờ sông Sài Gòn. Có ai muốn hỏi thăm
đường đến Nhà Đèn thì ta cứ lấy Nhà Thương Điên làm mốc. Và ngược lại, có ai
muốn hỏi thăm đường đến Nhà Thương Điên thì ta cứ lấy Nhà Đèn làm mốc. Tôi nhớ lại,
ngày đầu tiên đi xin việc tại Nhà Đèn, hỏi thăm đường, người ta cũng chỉ cho
như thế nên nhớ mãi. Địa hình địa vật của Nhà Đèn chỉ có thế, không thể giải
thích nhiều hơn hoặc khác đi được. Có khác chăng là nhà Thương Điên thì có
chuyện "điên", Nhà Đèn thì có chuyện “điện”.
Thế cái Nhà Đèn là cái nhà gì? Nó có
tương tự như nhà thương Từ Dũ hay không vì cũng là "Nhà" cả mà? Nếu
ai hỏi ta câu ấy thì chín phần mười có thể kết luận người đó nếu không phải ở
trong nhà thương Điên thì ắt hẳn cũng phải là
một người ngớ ngẩn.
Nhà Đèn là nhà máy làm cho đèn điện
cháy sáng, kể cả đèn điện ở trong nhà lẫn đèn điện ở ngoài đường. Nếu người ấy
lại vẫn ngớ ngẩn hỏi thêm "Thế đèn điện là đèn gì?" thì ta cứ
giải thích một cách dễ hiểu, đèn
điện là loại đèn phải cần có những “nhà đèn”
mới cháy sáng được. Giải thích như thế tôi cho là thật chính xác và khoa học
làm sao, dành cho những người hỏi những câu ngớ ngẩn ấy!
Tôi đoán mò, Nhà Máy Điện Chợ Quán ở Sài Gòn
là anh em sinh đôi hay sinh ba với Nhà Máy Điện Yên Phụ ở Hà Nội và Nhà Máy
Điện Uông Bí ở Hải Phòng thì phải? Có cái
hay hay là cả hai nhà máy điện kia chẳng ai gọi chúng bằng
cái tên vắn tắt và thân yêu là Nhà Đèn cả, chỉ trừ Nhà
Máy Điện Chợ Quán. Có lẽ cái tên Nhà Đèn chỉ phù hợp với ngôn ngữ và bản
tính chân chất của người miền Nam ta chăng?
Nhà Đèn Chợ Quán mặc dù đen đủi già
nua nhưng vẫn hiên ngang đứng sừng sững giữa thủ đô Sài Gòn của miền Nam ngày
nào. Nó cố vươn lên trời cao những cột ống khói to tướng, đen ngòm và tỏa ra lất
phất từng cụm khói trắng mờ nhạt, vướng víu trên đỉnh cao. Nếu nó
tỏa ra những cụm khói đen như chị Châu Huyền miêu tả, thì chính lúc đó
Nhà Đèn đang bị bệnh nặng rồi đấy, thầy thợ trong nhà máy phải xấc bấc xang
bang với nó. Cứ tới 12 giờ trưa, tưởng như từ những ống khói ấy rung lên, phì
ra những hồi còi dài the thé rồi đột nhiên nấc lên mấy cái trước khi tắt nghẹn
như để cố níu kéo lại cái vẻ oai hùng của một thời trai tráng xa xưa.
Suốt ngày Nhà Đèn rên
rỉ với tiếng "o o" của những chiếc quạt gió đến làm tôi khó
chịu lúc ban đầu. Ấy đấy, nếu bà con vùng lân cận không nghe thấy cái tiếng
"o o” buồn và ray rứt (lời của chị Châu Huyền) ấy thì còn phải buồn
và ray rứt hơn thế đến cả ngàn lần vì cái quạt điện trong nhà tự nhiên
"trúng gió" lăn đùng ra không quay được nữa giữa mùa hè oi bức. Hoặc,
đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga đột nhiên ngừng trình diễn nghỉ ngơi trên
màn ảnh truyền hình. Hoặc, căn nhà trở nên tối om vào lúc đang cần ánh sáng cho
sinh hoạt gia đình. Thế rồi cái tiếng "o o" đó cứ quen dần đi và nó
lại trở nên thân thương tưởng như không thể thiếu vắng được nữa, vì thiếu vắng
nó, sẽ làm ta khó ngủ như thiếu tiếng ru êm hay như hồn thơ ta thiếu
những tiếng buồn (của chị Châu Huyền).
Chính vì Nhà Đèn quan trọng như thế nên
những người làm việc trong cái Nhà Đèn ấy dường như cũng phải quan trọng theo,
nhất là mấy ông "xếp".
Người dân lao động ta thường gọi nôm
na những ông “xếp” này là ông "Tây Nhà Đèn" dù nay là người Việt. Cũng có cái hay hay trong ngôn ngữ nước ta,
hễ thấy cái gì là lạ, hoặc cái gì sang sang,
hoặc lơn lớn hơn cái bình thường sẵn có, hoặc cái gì có vẻ bất bình thường
thì thường được gắn ngay vào đó một chữ "Tây".
Thí
dụ như quả táo to thì gọi là táo Tây, con gà xấu xí to lớn mà người Mỹ gọi là
con turkey thì liền gọi nó là con gà Tây, rồi nào là củ hành Tây, bánh Tây (bánh
mì), nhà Tây, cơm Tây, ... vân vân và vân vân. Có lẽ
những ông Tây Nhà Đèn ngoài cái quan trọng vì làm việc trong Nhà Đèn, các ông
ấy lại có những cái gì trông là lạ khác thường chăng? Như khi tôi mới vào làm
việc tại Nhà Đèn tôi thấy các ông "xếp" luôn luôn mặc áo sơ mi cộc
tay trắng toát, quần “soọc” cũng trắng tinh. Có ông trong
tay còn cầm cây "can" đen bóng lưỡng giống như cây "dùi
cui" của "mã tà" (police) đi đi lại lại. Các ông Tây Nhà Đèn cứ
trắng ngồn ngộn nổi bật lên giữa mọi thứ chung quanh đen ngòm, bụi bặm, dơ dáy khiến
tôi lấy làm lạ. Các ông lại hiền như cục
bột (tất nhiên phải là cục bột trắng rồi) và cái "can" kia chỉ được
dùng để ra oai gõ vào đầu những cái đồng hồ áp suất hay nhiệt độ mỗi khi chiếc
kim lười biếng không chịu chỉ cho đúng số mà chỉ muốn lui về số zéro ngơi nghỉ.
Hay nhiều lắm, các ông chỉ kéo lê chiếc "can"
trên chấn song cửa sổ để tạo nên tiếng khua hầu đánh thức bác công nhân già gác
máy đương thiu thiu ngủ gật.
Được mặc những bộ quần áo trắng đó là
mơ ước của tôi lúc ấy. Nhưng cũng rủi thay cho tôi, ước mơ ấy chẳng bao giờ trở
thành sự thật vì sau đó bộ quần áo trắng được thay thế bằng bộ đồng phục với
chiếc áo cộc tay mầu xám nhạt và chiếc quần dài kaki mầu xám đậm cho hợp với "thời
cuộc".
Những năm tháng tôi làm việc tại Nhà
Đèn thì vui có, buồn có, bận đến mờ người có, thảnh thơi có, lo âu có và đú đởn
cũng có luôn. Cuộc sống cứ đều đều trôi đi theo tiếng "o o" của những
chiếc quạt lò.
Trưởng “Hệ
Thống Phát Điện Chợ Quán” (tên mới của Nhà Đèn
CQ) tức Giám Đốc Nhà Đèn cuối cùng là ông Bùi
Văn Nghiêm (hiện cư ngụ tại Lyon, Pháp). Đấy là tôi kể đến cái mốc thời gian của trước
năm 1975. Tất nhiên ông Nghiêm là cấp chỉ huy trực tiếp cuối cùng của tôi trong
Công Ty Điện Lực Việt Nam.
Ông Nghiêm đối với tôi là chỗ thân tình vì tôi
làm việc với ông lâu nhất. Tôi đối với ông Nghiêm vừa là tình đồng nghiệp vừa là
tình thân như anh em và tôi coi ông như một người thầy. Tính ông trầm tĩnh,
giỏi về kỹ thuật, biết dùng và tin người trong quản trị. Tất cả mọi người làm
việc dưới quyền đều kính trọng ông, trọng về tài kính về đức độ.
Tôi còn nhớ một điều, khi Cộng sản vừa
vào tiếp thu Nhà Đèn Chợ Quán, họ đem ông Nghiêm và tôi ra
cho công nhân gợi ý về những sai lầm của chúng tôi trong quá khứ. Thật
sự đây là một hình thức đấu tố nhằm khích động và gây căm thù của công
nhân đối với các cấp chỉ huy cũ. Nham
hiểm thế đấy! Hôm đó toàn thể công nhân nói toàn những điều tốt đẹp cho
chúng tôi, đã làm cho Ban Quân Quản phải thốt lên
câu "Hai anh được công nhân yêu quý thật!". Điều
này xảy ra thêm một
lần nữa cho riêng tôi, lời nhận xét trên đã được lập lại và được ghi trong một văn bản mà hiện nay tôi vẫn còn lưu giữ.
Trong mười
năm làm việc tại Nhà Đèn, tôi còn có biết
bao điều phải nói, phải kể, phải viết ra; biết
bao nhiêu ân tình, kỷ niệm thân thương của những cấp chỉ huy, của bạn đồng
nghiệp và của các
bác các anh em công nhân đã dành cho tôi trong những năm tháng ấy;
biết
bao nhiêu đồng lao cộng khổ, ngọt bùi; và
cũng biết bao nhiêu tủi nhục dưới thời Cộng Sản đã được chia sẻ cùng nhau.
Ôi! Nhà Đèn đối với tôi là thế đấy.
Nhà Đèn đã ra đi vĩnh viễn nhưng
những người gắn bó với Nhà Đèn còn đó. Tôi xin trân trọng gửi đến những người
còn lại lời tri ân vì tất cả đã để lại trong lòng tôi một tình cảm sâu sắc vô
bờ.
Cám ơn Nhà Đèn, cám ơn tất cả!
Nếu có dịp, tôi xin được viết tiếp về
những sinh hoạt của Nhà Đèn Chợ Quán cùng những kỷ niệm với các bạn đồng nghiệp, các bác công nhân thân thương mà trong giới hạn bài này tôi
không thể nêu ra hết được.
Mượn câu thơ của chị Châu Huyền để
tạm chấm dứt bài viết này.
Còn đâu kỷ niệm khung trời ấy,
Một thoáng gợi buồn, hạnh phúc xưa ...
NGUYỄN GIỤ HÙNG
Bên hông Nhà Đèn Chợ Quán (Nhìn từ phía Cầu Chữ Y)
Mặt chính nằm trên đường Hàm Tử, ngay bờ sông Sài Gòn (phía tay phải bức hình)
Nhà máy
điện Chợ Quán được xây vào năm 1896, máy phát điện chạy bằng hơi nước có 5 lò
hơi với 150m2, cung cấp dòng điện 3 pha, công suất chưa tới 120MW [Megawatt]. Máy phát điện chính công
suất 1000A/h [A=Ampere hay Amp./h=hour]. Hiện nay, nhà máy đã được trang bị
hiện đại với 7 máy phát điện, hòa với lưới điện quốc gia cung ứng phần quan
trọng cho lưới điện thành phố. Nhà máy tọa lạc tại số 8 Bến Hàm Tử, quận 5.
Bệnh viện xưa nhất
Bệnh viện Chợ Quán được xây vào năm 1826 do một số nhà hảo tâm đóng góp, sau đó hiến cho nhà nước. Năm 1954-1957 [Bệnh viện được] giao cho Quân đội và đổi tên thành Viện Bài lao Ngô Quyền. Năm 1974, đổi thành Trung tâm Y tế Hàn-Việt với 522 giường. Tháng 9/1975, mang tên Bệnh viện Chợ Quán. Đến ngày 5/9/1989 chuyển thành Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Hiện nay có 610 Cán bộ-Công nhân viên và 550 giường bệnh.
No comments:
Post a Comment