Đó là một vế trong câu mở đầu của bài "Tiền XÍCH BÍCH Phú 前赤壁賦" nổi tiếng của Tô Đông Pha đời
Tống. Cả câu như sau:
"Nhâm
Tuất chi thu, thất nguyệt ký vọng, Tô Tử dữ khách PHIẾM chu, du ư Xích Bích chi
hạ 壬戌之秋,七月既望,蘇子與客泛舟,遊於赤壁之下..." Có nghĩa :
"Mùa thu năm Nhâm Tuất, nhân ngày rằm tháng bảy, ông Tô Tử cùng khách THẢ THUYỀN dạo chơi ở dưới bờ đá Xích Bích..."
PHIẾM
泛
là chữ thuộc dạng Hình Thanh, lấy ba chấm 氵THỦY bên trái làm Nghĩa và chữ PHẠP 乏 bên phải làm Âm. Nên PHIẾM có nghĩa gốc là PHÙ
PHIẾM 浮泛
là Trôi nổi bất định. Vì thế...
PHIẾM
CHU 泛舟
là thả thuyền trôi nổi trên sông hồ để rong chơi. Nên...
PHIẾM
LUẬN 泛論
là bàn luận lan man nhiều khía cạnh về vấn đề gì đó.
NÓI CHUYỆN PHIẾM là nói lan man chuyện trên trời dưới đất, chuyện thế giới năm châu, chuyện nhân tình thế thái, chuyện thị phi thành bại ở đời...
PHIẾM
còn có nghĩa là cái gì đó chung chung, không rõ ràng, như ...
PHIẾM
CHỈ là chỉ chung cái gì đó hay sự việc gì đó. Trong văn phạm ta có :
PHIẾM
CHỈ ĐẠI TỪ là Đại danh từ dùng để chỉ chung một người nào đó hay một nhóm người
nào đó. Ví dụ như :
"Hắn Ta" nói rằng... "Cái
Thằng" mắc dịch đó... hay như ...
"Tụi Nó" không chịu hợp tác... "Các Anh" là ai, đến đây làm gì ?...
PHIẾM
còn có nghĩa là Hời hợt không thân thiết với thành ngữ :
PHIẾM
PHIẾM CHI GIAO 泛泛之交 là bạn bè kết giao rộng rãi không thân thiết. Những bè bạn do xã giao mà có, bè bạn thông thường.
Cuối
cùng ta có từ PHIẾM XƯNG 泛称 : là Xưng hô thông thường theo xã giao hằng
ngày. Như...
Gặp thanh niên thì gọi bằng CẬU, thiếu nữ thì gọi bằng CÔ, đàn ông thì gọi bằng CHÚ, đàn bà thì gọi bằng THIẾM. Người lớn tuổi thì gọi bằng BÁC, bằng ÔNG, bằng BÀ...
Tựa
đề của bài viết nầy là "Tạp Ghi và Phiếm Luận", nên chỉ "Ghi lại
những chuyện tạp nhạp và bàn luận lan man không theo một chủ đề, mục đích rõ
rệt nào cả !
Ta thấy trong các đám cưới, lễ tân hôn hay vu quy xuất giá, người ta thường hay chúc cho chú rể và cô dâu mới "LOAN PHỤNG HÒA MINH, SẮT CẦM HẢO HIỆP". Ta tìm hiểu 2 câu chúc nầy nhé !
LOAN PHỤNG HÒA MINH 鸞鳳和鳴 : LOAN thuộc hàng chim qúy tộc; còn PHỤNG là chuá của các loài chim. Ta hay thấy các tranh vẽ với câu thành ngữ "Bách Điểu Triều Phụng 百鳥朝鳳" Có nghĩa : Cả trăm loại chim bay về chầu chim phụng. HÒA là Hòa hợp, hòa chung lại. MINH 鳴 : Chữ nầy thuộc dạng Hội Ý, gồm có bộ KHẨU 口 là cái miệng ở bên trái, bên phải chữ ĐIỂU 鳥 là con chim; với nghĩa Hội Ý : Cái miệng của con chim là để...HÓT; Nên MINH 鳴 có nghĩa là Kêu,là hót. Nên...
LOAN
PHỤNG HÒA MINH 鸞鳳和鳴 : là chim Loan chim Phụng cùng hòa nhau tiếng hót; Ý chỉ như vợ chồng cùng hòa hợp với nhau một cách vui vẻ vậy. Bốn chữ nầy có nghĩa tương đương với bốn chữ "PHU XƯỚNG PHỤ TÙY 夫唱婦隨" là Chồng hát thì vợ cũng hát theo.
Ngoài
ra, nhớ hồi còn nhỏ, khi phải đọc cho ông bà nghe các bộ Truyện Tàu như Tiết
Nhân Quý Chinh Đông, Tiết Đinh San Chinh Tây, La Thông Tảo Bắc... Ta hay bắt
gặp cụm từ "MINH KIM THU BINH 鳴金收兵". THU BINH thì biết rồi là "Rút quân về", còn MINH KIM là gì? MINH ở đây có nghĩa là "Làm cho kêu"; KIM là "Kim loại". Nên
MINH KIM 鳴金 là : Làm cho kim loại kêu lên; tức là gỏ phèng-la, gỏ kẻng để rút quân, nói theo chữ Nho là MINH KIM THU BINH !
Chữ MINH 鳴 ngoài nghĩa KÊU và HÓT của chim và vật ra, còn một nghĩa cũng rất thông dụng cho con người, đó là từ MINH OAN 鳴冤 là KÊU OAN khi bị oan ức gì đó. Nên đi MINH OAN cho ai, có nghĩa là đi KÊU OAN cho ai đó. Thường ta cứ nghĩ MINH là Sáng tỏ, nên hiểu từ MINH OAN là Làm sáng tỏ oan ức của ai đó. Hiểu như thế là không đúng. Vì ta đâu phải ông quan của ngày xưa lại không phải là quan tòa của ngày nay, thì làm sao LÀM SÁNG TỎ OAN ỨC của ai cho được. Ta chỉ đi KÊU OAN để cho những người có thẩm quyền xem xét lại để LÀM SÁNG TỎ OAN ỨC, để GIẢI OAN mà thôi. Nhưng chính vì có người KÊU OAN nên mới có người GIẢI OAN, vì thế nên hiểu từ MINH OAN là GIẢI OAN thì cũng đúng thôi; rồi theo Tập Quán Ngôn Ngữ lâu dần người ta chỉ biết nghĩa phát sinh MINH OAN là GIẢI OAN mà không biết nghĩa GỐC của MINH OAN chính là KÊU OAN nữa.
Sẵn ta tìm hiểu luôn thêm 5 chữ MINH nữa, đó là : MINH sáng, MINH tối, MINH trà, MINH khắc và MINH LINH như sau đây:
- MINH 明 là SÁNG : Chữ thuộc dạng Hội Ý. Do
2 chữ Nhựt 日 và Nguyệt 月 ghép lại mà thành, với ý nghĩa : Nhựt là nguồn sáng ban ngày, Nguyệt là nguồn sáng ban đêm,
HỘI 2 Ý của Nhựt và Nguyệt lại, ta có chữ MINH 明 là SÁNG SỦA (bất kể ngày hay đêm), như từ kép Quang Minh 光明 là Sáng Sủa, ngoài ra ta còn có :
*
Minh Giám 明監 : là Soi xét một cách rõ ràng.
*
Minh Giám 明鑑 : là Gương sáng. Chữ Giám 鑑 nầy có bộ Kim bên trái, nên có nghĩa là gương soi (Ngày xưa chưa phát minh ra pha-lê, nên gương soi là do kim loại mài bóng lên để làm gương soi). Minh Tâm Bửu Giám 明心寶鑑 là Tấm gương để soi sáng lòng ta, là quyển sách gối đầu giường của những người Nho học.
- MINH 冥 là TỐI. Chữ Hội Ý gồm 3 bộ. Bộ Mịch 冖 bên trên đậy chữ Nhật 日 lại và bên dưới là chữ Huyệt 穴 là cái Hang. Với Hội Ý là "Mặt trời bị đậy lại, tối như hang sâu thăm thẳm". Nên MINH nầy là Tối Đen, như U MINH 幽冥 là Tối tăm mờ mịt. Âm Phủ còn gọi là Minh Phủ 冥府. Ta lại có rừng U MINH TRÈM TRẸM, vì là rừng lá thấp nên rất âm u hắc ám của xứ Năm Căn Cà Mau. Nhớ khoảng thập niên 50, tác giả Dương Hà đã viết quyển tiểu thuyết "Bên Dòng Sông Trẹm" rất ăn khách lúc bấy giờ.
- MINH 茗 là TRÀ. MINH nầy là chữ Hài Thanh, với bộ THẢO 艹 là Cỏ phía trên chỉ Ý, và chữ DANH (Ming) phía dưới chỉ Âm, nên MINH nầy là một loại Thảo Mộc, là TRÀ. Thành ngữ của những ngày cuối đông đầu xuân là HÀN DẠ PHẨM MINH 寒夜品茗. Có nghĩa : Đêm lạnh cùng nhau ngồi lại bình
phẩm và uống trà. Đây là cái thú tao nhã của người xưa với câu nói bất hũ :
Hàn dạ phẩm minh ý vô cùng ! 寒夜品茗意無窮!
Có nghĩa:
Đêm lạnh mà cùng ngồi để nhấp nháp bình phẩm trà thì thật ý vị vô
cùng, với đề tài nầy rất nhiều danh họa đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm
nghệ thuật, nhất là giới Trà Đạo của Nhật, xin được giới thiệu một bức
dưới đây.
- MINH 銘 là KHẮC, là GHI, là TRẠM lên kim loại.
MINH nầy cũng là chữ Hài Thanh, có bộ KIM 金 bên trái chỉ Ý, chữ DANH 名 (Người Hoa đọc là Míng) ở bên phải chỉ Âm. Thành ngữ mà ta hay gặp là : Minh Tâm Khắc Cốt 銘心刻骨, có nghĩa : Trạm vào tim, khắc vào xương, mà ta nói là " GHI LÒNG TẠC DẠ. Lời của cô Kiều cám ơn Từ Hải khi đã báo ân báo oán xong xuôi :
TRẠM XƯƠNG TẠC DẠ xá chi,
Dễ đem gan óc đền nghì trời mây !
- MINH 螟 là con cào cào, châu chấu.
MINH
nầy là chữ Hài Thanh, do bộ Trùng 虫 là Sâu Bọ bên trái chỉ Ý, chữ Minh 冥 là U Minh bên phải chỉ Âm. Nên MINH có nghĩa là loại Côn Trùng phá hoại mùa màng. Tuỳ theo chữ đi kèm, ví dụ :
* MINH NGA 螟蛾 : là Con Bướm, còn gọi là con Ngài cánh nhỏ mình to, trên đầu có 2 cái râu dài có lông tơ như chơn mày của phái nữ, cho nên gọi chơn mày đẹp là Mày Ngài. "Râu hùm hàm én mày NGÀI" là mày của con Ngài nầy đây. Hai câu chót trong bài Tiệp Dư Oán của Hoàng Phủ Nhiễm là :
借問承恩者, Tá vấn thừa
ân giả,
雙蛾幾許長? Song NGA kỷ
hứa trường ?
Có nghĩa :
Hỏi người yêu
dấu điện vàng,
Đã dài được mấy hai hàng mày NGA ?!
NGA MY 蛾眉 nầy là chân mày đẹp, khác với NGA MY 峨嵋 là một ngọn núi trong dãy Ngũ Nhạc 五嶽.
*
MINH LINH 螟蛉 : là Ấu trùng của con Ngài và con Chuồn Chuồn, ta thường gọi là con Bà Mụ, sống tạm ở dưới nước. Theo tài liệu về Chuồn Chuồn như sau :
Người ta thường nói “chuồn chuồn đạp nước” đó là lúc chuồn chuồn đang đẻ
trứng vào nước. trứng nở ra ấu trùng còn gọi là “con xin cơm” hay “bà mụ”. môi
dưới của ấu trùng biến thành mặt nạ có gai khỏe để bắt mồi (cá nhỏ, tôm tép,…).
Chuồn chuồn trưởng thành có thể sống khoảng 2 tháng, nhưng giai đoạn ấu trùng ở
nước có thể dài tới 3 năm .
MINH LINH là con Bà Mụ, chỉ sống tạm ở dưới nước mà thôi, Nên MINH LINH còn có nghĩa là CON NUÔI. Ta có thành ngữ : DƯỠNG TỬ MINH LINH 養子螟蛉. Trong tuồng hát Cải Lương "Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ", khi Tiết Ứng Luông đánh với Phàn Lê Huê có hẹn rằng, nếu đánh thua thì sẽ ..."Theo chân nàng.. ... làm dưỡng tử minh linh ...á ..a ...". Nên sau đó Tiết Ứng Luông trở thành con nuôi của Phàn Lê Huê.
SẮT CẦM HẢO HIỆP 瑟琴好合, còn đọc là SẮT CẦM HẢO HẠP, SẮT CẦM HẢO HỢP. HẠP HỢP đều do chữ HIỆP đọc trại mà ra. còn...
SẮT 瑟 : Một loại đàn dài khoảng một mét; xưa có 50 dây, sau đổi thành 25 dây, rồi 16 dây. Khi đàn phải đặt trên mặt bằng mới diễn tấu được. Còn...
CẦM 琴 : cũng là nhạc cụ xưa, nhỏ hơn SẮT, lúc đầu có 5 dây, sau đổi thành 7 dây, gọi là Thất Huyền Cầm.
HẢO HIỆP
好合
: là Hòa hợp nhau một cách tốt đẹp. Nên...
SẮT CẦM HẢO HIỆP 瑟琴好合 là Hai cây đàn Sắt và Cầm hoà quyện âm thanh một cách hay ho tốt đẹp, giống như là vợ chồng hòa thuận thương yêu nhau một cách vui vẻ hạnh phúc vậy. Đây là tậo quán ngôn ngữ riêng của người Việt Nam, ta chúc SẮT CẦM HẢO HIỆP 瑟琴好合, nhưng người Hoa chúc là CẦM SẮT HÒA HÀI 琴瑟和諧 là Cầm và Sắt hòa vào nhau một cách hài hòa. Ý nghĩa thì cũng như nhau, nhưng diễn đạt thì có hơi khác. Còn câu LOAN PHỤNG HÒA MINH 鸞鳳和鳴 thì Hoa Việt đều sử dụng giống như nhau !
Các
tay bợm nhậu hay kháo nhau là "Nam vô tửu như kỳ vô phong 男無酒如旗無風"; Ý nói Nam tử hán đại trượng phu, đàn ông đàn ang mà không biết uống rượu thì như cờ mà không có gió vậy, nằm rũ xụi lơ không giống ai cả. Uống rượu vào như thêm gió cho lá cờ phất tung lên. Tửu nhập thì ngôn xuất,
rượu vào thì lời ra, đàm thiên thuyết địa, nói chuyện trên trời dưới đất,
chuyên anh hùng hảo hán, hào khí ngất trời... Nên lại có câu "Tửu nhập tâm
như hổ nhập lâm 酒入心如虎入林" : Ba ly rượu vào trong bụng rồi thì
như "Túng hổ quy sơn 縱虎歸山" là thả cọp về rừng, mặc sức mà tung hoành; Nhưng về rừng là chúa tể sơn lâm, chớ uống say rồi mà ra phố chợ để quậy thì người ta lại quở rằng "Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tại thi 酒入心如狗逛在市" Có nghĩa : Uống ba hột rượu vào bụng rồi thì như
con chó chạy lòng vòng lung tung ngoài phố vậy. Ta hay nhầm giữa 2 từ :
-
Cuồng Cẩu 狂狗 : là con chó điên. Tính từ CUỒNG đặt trước Danh từ CẨU.
- Cẩu Cuồng 狗逛 : là con chó chạy rong, chạy lòng vòng. Chữ...
*
CUỒNG 狂
có nghĩa là Ngông Cuồng, Điên Loạn, Mạnh Bạo. Như :
+ Khẩu xuất Cuồng Ngôn 口出狂言 là mở miệng nói những lời NGÔNG CUỒNG.
+ Phát Điên Phát Cuồng 發癫發狂 : ta nói là Nổi điên nổi khùg.
+ Cuồng Phong Bạo Vũ 狂風暴雨 : là Mưa cuồng gió loạn, gió mưa mạnh bạo.
*
CUỒNG 逛
: có bộ XƯỚC 辶(辵) là Bước Đi ở bên dưới, nên có nghĩa là Đi lòng vòng. Như Cuồng Thị 逛市 là đi lòng vòng ngoài chợ, là đi dạo phố đó.
Vì
thế, nên...
CẨU CUỒNG TẠI THỊ 狗逛在市 là Con chó chạy rong ngoài chợ; chớ không phải là "Con chó ĐIÊN ở chợ" ! Nhưng...
Đã uống rượu vào cho đã rồi, mà còn chạy rong ngoài chợ để phá làng phá
xóm, phá rối trị an, thì cũng giống như con chó điên mà thôi !
Mong rằng trong dịp Tết Nhâm Dần nầy, nếu có lở nhậu say thì đi về nhà
ngủ, đừng đi lạng quạng ngoài phố để tránh bàng dân thiên hạ nói mình là
"CẨU CUỒNG TẠI THỊ" !
Hẹn bài viết tới !
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
No comments:
Post a Comment