Tôi vốn được đào tạo trong khuôn khổ Tây Y do các ông Tây thực
dân truyền cho một số ít ông thầy đàn em Annamites mang một thứ mentalité de
colonisés kỳ dị. Thứ Tây Y đó mang tính cách của nền văn minh Pháp hồi cuối thế
kỷ thứ XIX nên còn dùng thảo mộc khá nhiều, điển hình là ký ninh và ventouses
hút máu độc ra tựa như cạo gió của mình. Trường Dược Khoa có cả một khu vườn trồng
toàn cây thuốc. Lại còn có một nữ DS kiêm nhà báo rất danh tiếng lấy bút hiệu
là Hoàng Dược Thảo nữa. Khi được tái đào tạo tại Bắc Mỹ, tôi như ‘’đập đầu
vào đá’’ vì không ngờ Y Học đã tiến bộ quá mức tôi tưởng. Lúc đầu đọc sách
Y Học Mỹ chẳng hiểu mô tê chi cả. Thế nhưng chỉ 2 năm sau, tôi đã có giấy phép
hành nghề Y ở Canada và cả ở Mỹ nữa vì tôi thi English test chỉ một lần là đậu
trong khi nhiều bạn hữu thi 5 lần 7 lượt vẫn rớt nên đành bỏ cuộc. Vậy mà một
ông thầy của tôi ở VN sau một chuyến du hành qua Mỹ khoảng thập niên 60 đã
tuyên bố với một giọng khinh rẻ và ngạo mạn : ‘’ Y Khoa của Mỹ chỉ biết làm
chân giả và tay giả’’.
Học lại xong, tôi hành nghề ở Montreal, không bao giờ lưu ý đến
thuốc Nam hay thuốc Bắc nữa, cho đến khi… Tôi nghỉ hưu năm 74 tuổi đến đầu năm
2020 thì ngã bệnh suy thận thời kỳ chót (Kidney failure, final stage). Cũng
may tôi chịu lọc máu bằng máy thận nhân tạo và cái máy này đã cứu tử tôi trong
tình trạng nửa sống nửa chết, mê man bất tỉnh. Sau mấy tháng chịu đựng để làm
quen với cái máy mãnh liệt và dữ dằn đó, tôi dần dần hồi sức và chỉ cần lọc máu
một tuần 2 lần mà thôi. Nhưng tôi không ngờ chức năng 2 quả thận lại quan trọng
cho đời sống con người như vậy. Ngoài 2 chức năng chính là đào thải nước thừa
cùng chất phế thải trong máu và tiết ra một thứ hormone gọi là erythro-poiétine
phối hợp với chất sắt vốn có trong máu do thực phẩm mang vào. Do sự phối hợp đó
ta có sắc tố Hémoglobine mang dưỡng khí đi nuôi các tế bào khắp cơ thể con người
…
Người suy thận thường bị yếu mệt vì bần huyết (thiếu
Hémoglobine) và giữ quá nhiều lượng nước trong người dồn xuống chân cẳng và
đôi khi tràn cả vào phổi rất nguy hiểm cho tính mạng. Khi các bạn đi khám bệnh
một BS chuyên khoa Thận Học, bạn sẽ thấy ông ta (hay bà ta) khám lâm
sàng cho ta rất chú trọng đến việc nghe phổi và xem xét đôi bàn chân. Cho nên
người suy thận hay hụt hơi khi cần làm một công việc chân tay nào thí dụ như xê
dịch bàn ghế trong nhà, không mấy khác với người bị suy tim.
1/ Đến đây tôi mạn phép quý độc giả để bàn về 2 từ suy thận và yếu
thận. Về suy thận thì chúng ta đã bàn luận khá dài trên đây rồi. Nhưng khi ta
đau lưng mà đi khám một thầy lang thì tuyệt đại đa số bắt mạch qua loa xong sẽ
phán ngay là bà bị yếu thận nên đau lưng hay ông cũng thế, thêm suy kém về tình
dục ! Cách suy đoán sai lầm này nguyên nhân có lẽ vì Đông Y ít chú ý về cơ thể
học (Anatomie) và cho là thận nằm quanh quẩn đâu đấy sau lưng. Biết đâu
là đau lưng cần khám nghiệm trước hết bộ xương sống có tổn thương gì không. Còn
về dục tính thì theo Tây Y gồm 2 yếu tố : Một là lòng ham muốn hay libido hoàn
toàn do não bộ trung ương kiềm chế hay buông thả và hai là hành động làm tình
do các hormones từ các cơ quan sinh dục tiết ra.
Biết như thế ta mới hiểu được nỗi thống khổ của các hoạn quan thời
phong kiến !
Viết đến đây tôi mới có thể nói rõ và nói riêng về kinh nghiệm bản
thân của tôi với món thuốc trân quý của thuốc Bắc là Củ Sâm nguyên thủy trồng từ
Cao ly sau mới lan tràn sang Bắc Mỹ.
Sâm quý dựa trên nhiều tiêu chuẩn. Thí dụ Hồng Sâm tốt hơn Bạch
Sâm, Sâm Cao Ly được đánh giá cao nhất, Sâm nguyên củ quý hơn Sâm đã cắt ra từng
mảnh… Rẻ nhất và thường dùng nhất là sâm mua trên Internet : Mua nguyên hộp lớn
gồm 6 hộp nhỏ giá tổng cộng 150 CAD được miễn cước phí chuyên chở. Tôi đã nhờ
sâm mà chế ngự được 2 biến chứng khó chịu và khó hiểu của căn bệnh suy thận. Từ
ngày phần nào hồi phục được sức khỏe, miệng tôi hay bị tràn đầy chất nhầy (mucus)
không biết ở đâu phát ra. Đôi khi tôi phải khạc nhổ giống mấy ông chệt già
song thật ra tôi thường phải có trong tầm tay nguyên một hộp Kleenex. Một buổi
sáng hè vừa qua, tôi đang ngồi trước cửa nhà tắm nắng dưỡng bệnh thì vừa đúng một
ông bạn mà tôi rất quý nể đến thăm, tay lễ mễ mang một cái giỏ đủ thứ quà song
theo Anh quý nhất là một hộp sâm để ‘’anh dùng thử cho mau lại sức’’. Vợ
chồng tôi đánh giá cao lòng ưu ái của Anh nhưng thật ra chẳng biết làm gì với
cái hộp sâm trân quý của Anh. Bỗng nhà tôi có một cao kiến : ‘’Hay anh hãy thử
ngậm một mảnh sâm cho cái vụ miệng đầy đờm dãi của anh xem sao ?’’ Tôi nghe lời
cho bà ấy vui lòng song chẳng mấy tin tưởng. Thế nhưng ‘’O miracle !’’ chỉ
trong vòng 1-2 phút miệng tôi khô queo rất dễ chịu, con người như sạch sẽ hẳn
ra. Sâm này được trồng và đóng hộp ở Canada, không lẽ có pha trộn chất hoá học
như hàng dởm bên Tàu Cộng. Kể từ ngày đó vấn đề mucus đầy miệng coi như giải
quyết xong và tôi lên Internet còm măng ngay một hộ.p lớn 150 CAD. Tôi cũng thỉnh
ý BS Lê Hiệp, nephrologist ở Loma Linda, CA, USA về chuyện này. Anh Hiệp cũng
không hiểu hiện tượng mucus này song cảnh báo là sâm làm tăng áp huyết rất
nhanh nên người ta hay cho các bệnh nhân hấp hối ngậm sâm để hồi sinh.
2/ Đâu có ngờ lời cảnh báo đó lại giúp tôi giải quyết một biến chứng
khác rất phiền phức và khó chịu của căn bệnh suy thận. Ấy là ăn sáng với một
cái croissant và 1 ly cà phê xong là tôi thường hay bị sụt áp huyết bất thần và
rất mau, nhiều khi xuống dưới 100 systolic làm tôi mệt lả như muốn xỉu và tôi
phải nằm xuống ngủ một hơi cho tới giờ ăn trưa mới hồi tỉnh. Nhà tôi (lại nhà
tôi chứ chẳng phải một ông hay bà néphrologue nào) nảy ra một ý kiến rất là
độc đáo đồng thời lại rất bảo thủ : ‘’Vậy ta hãy lấy độc trị độc. Sáng sớm
ngủ dậy anh uống ngay một ly sâm để áp huyết không thể tụt xuống được nữa. Sâm
khó uống vì cái vị ngang ngang của nó. Để em lấy những mảnh sâm thay trà pha
cho anh từ tối hôm trước, một ly syrup sâm nóng hòa với honey cho tan hết rồi mới
cất vô tủ lạnh để sáng mai anh uống’’ .‘’Có bệnh thì vái tứ phương’’. Chẳng
biết phương này có hiệu nghiệm hay không song nhà tôi biết tôi hảo ngọt nên đã
bỏ thật nhiều mật ong vô ly trà sâm nên tôi uống thấy tuyệt ngon, hơn hẳn
McCoffee. Mấy ngày đầu, áp huyết của tôi vẫn còn chiều hướng muốn tụt mạnh
nhưng sau thì hết hẳn. Thế là cứ tưởng ‘’nhất cử lưỡng tiện, một công đôi ba
việc’’, ngon miệng lại hết bệnh, mỗi ngày tôi làm tì tì 3-4 ly trà sâm pha
mật ong. Thế nhưng ‘’tout excès est mauvais’’, áp huyết của tôi ngày một
tăng mặc dầu tôi vẫn uống đều thuốc hạ huyết. Khi đi lọc máu, trên màn ảnh của
máy thận nhân tạo, tôi thấy áp huyết cứ tăng dần một cách quá độ, nhiều khi đến
220/110. Đứt mạch máu não như chơi. Tôi đâm hoảng nên đành bỏ thói hảo ngọt uống
trà sâm pha mật ong thả giàn. Quả thật áp huyết xuống từ từ trở lại bình thường
cho một người tuổi tôi nghĩa là khoảng 140/85. Tuy nhiên tôi phải làm
monitoring rất kỹ, cứ 2 giờ phải đo lại áp huyết một lần và dĩ nhiên phải uống
thuốc cho thật đều đặn. Chẳng may áp huyết đột xuất tụt mạnh xuống tôi cảm thấy
mệt muốn xỉu thì phải nằm ngửa xuống sàn nhà ngay và ngưng mọi thứ thuốc, cấp tốc
gọi 9-1-1 . (Chớ bao giờ ngất xỉu mà người nhà cứ để bệnh nhân ngồi yên trên
ghế) Trái lại áp huyết bỗng tăng lên quá 170 systolic, thì tôi phải dùng một
liều thuốc hạ huyết cực mạnh để áp huyết trở lại bình thường. Bằng không, ‘’tránh
vỏ dưa, gặp vỏ dừa’’ công lao lọc máu gần 2 năm trời bỗng chốc đổ hết ra
sông ra biển vì không kiểm soát được áp huyết cao thấp bất thường. Bệnh áp huyết
cao là một ‘’kẻ sát thủ thầm lặng’’, thậm chí thâm độc nữa. Là nguyên
nhân thứ 2 của suy thận, (ngay sau tiểu đường), nó không giết ta được bằng
suy thận, song vẫn còn khả năng hại ta bằng đột quỵ hay heart attack. Nếu thoát
chết vì 2 biến chứng này thì tôi cũng trở thành một gánh quá nặng cho nhà tôi.
Nghĩ chuyện phải vô nhà già làm tôi khiếp sợ và lo lắng vô cùng. Cô Vít đang bị
đuổi cổ đi khỏi Bắc Mỹ song chủ nó còn ác tâm đang cố tạo ra một Cô Véo, Cô Veo
nào đây để tiêu diệt loài người, dành những miếng đất ngon ngọt nhất trên trái
đất cho Hán Tộc.
3/ ‘’Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật’’. Viết bài
này, mục đích của tôi chẳng phải chống Đông Y cổ xưa, Tây Y lỗi thời, thuốc Bắc
hay thuốc Nam mà chỉ muốn lấy kinh nghiệm bản thân để khuyến cáo quý bạn luôn
luôn cảnh giác khi dùng thuốc, bất cứ loại thuốc nào, kẻo ‘’gậy ông lại đập
lưng ông’’ !
Đặng
Ngọc Thuận, MD
Đầu Thu 2021
No comments:
Post a Comment