Pages

Sunday, April 24, 2022

Anh Hùng - Nguoiviettudo

– Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long tự kết liễu đời mình bằng súng lục ngày 30/4/1975. Ông là người Công Giáo, và luật đạo không cho phép tín hữu tự sát. Vậy thì điều gì đã thúc đẩy ông làm như thế? Tôi nghĩ câu giải đáp đúng nhất chính là ông đã phục vụ Tổ Quốc bằng Danh Dự và Trách Nhiệm của một người lính, hơn nữa là một Sĩ Quan cao cấp trong ngành Cảnh Sát. Nước mất , trách nhiệm không tròn , chỉ còn cách chết để trả nợ núi sông .

– Trung Sĩ Quân Cảnh Trần Minh, thay vì trút bỏ bộ quân phục, lẫn vào đám đông hỗn loạn về với gia đình có thể giờ này anh vẫn còn sống. Nhưng sống trong tủi nhục thì sống làm gì? có lẽ đó là câu hỏi cuối cùng đã đưa anh tới quyết định siết cò khẩu súng .

– Binh Nhì Hồ Đức Tâm, anh đã làm cho tôi phải choáng váng. bởi lòng yêu nước, và lời thề Tổ Quốc- Danh Dự-Trách nhiệm . Dù  Anh chỉ là Binh Nhì, nhưng theo tôi anh đáng đứng hiên ngang và trang trọng trong lich sử như một Anh Hùng .

Các anh – những NGƯỜI CON ANH HÙNG- của đất nước VNCH ANH HÙNG không cần ai vinh danh, bởi vì các anh chỉ hành xử theo lương tâm , theo lòng yêu nước.

Ước gì QDVNCH trong tương lai, sẽ có rất nhiều người lính như các anh.

***

Tiểu đoàn 490 ĐPQ với danh hiệu Mãnh Sư thuộc tiểu khu Ba Xuyên, Cà Mau không lạ gì với Việt Cộng. Bởi vì chẳng phải tự nhiên mà họ được gọi là Mãnh Sư. Con sư tử dũng mãnh tấn công quân thù bằng toàn bộ sức mạnh và sự khôn khéo của nó.

Hồ Đức Tâm, binh nhì thuộc diện tổng động viên đã được đưa về Tiểu Đoàn này. Những ngày hành quân sâu vào vùng đất dịch ở tận cùng biên giới làm Tâm chán ngán . Đĩa, muỗi, cộng với du kích là ba kẻ thù anh phải đối diện hàng ngày. Được cái cá tôm ê hề, nhiều khi Tâm có cảm tưởng mình đi cắm trại. Hễ buông tay súng là chụp tay ly và chỉ có cách đó mới nguôi ngoai nỗi nhớ nhà trong tâm hồn người lính trẻ.

Mà Tâm trẻ thiệt. Trên giấy tờ anh mới tròn mười tám tuổi, còn theo như má anh nói thì tuổi thật đã hai mươi. “Giấy tờ thất lạc con ơi, Hồi đó má chạy giặc rớt hết giấy tờ phải làm lại khai sanh cho con” Không cần thiết, mười tám hai mươi gì, quân đội cũng lượm ráo.

Anh về tiểu đoàn mới sáu tháng, hành quân liên tục. Hễ cứ hết hành quân bạn bè lại bày ra nhậu, Tâm uống cho tới khi ói mửa mật xanh mật vàng. Chung bàn tụi nó cứ tưởng anh dân chơi thứ thiệt, đâu có biết anh chỉ muốn chứng tỏ mình không phải là đứa con nít mới lớn.

Hay không bằng hên, cách đây ba tuần, anh tình cờ khui được một hầm du kích, chộp trúng thằng Quận Ủy. Tỉnh gửi giấy khen, còn Việt Cộng hăm dọa sẽ cắt đầu anh. Chúng bắn tin vào đơn vị ra giá năm chục ngàn mạng sống Binh Nhì Tâm. Tâm chỉ cười khẩy, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Để trả đũa mỗi khi đi hành quân vào vùng địch, anh cắc cớ để lại những tờ giấy ghi hàng chữ “ Hồ Đức Tâm đã qua đây, xin mời “. Việt cộng rất ngán cây M79 trên tay Tâm bách phát bách trúng, mấy lần giúp đơn vị thoát khỏi những “bàn thua trông thấy”.

Tình hình tuần nầy thay đổi lẹ quá, cả tiểu đoàn rúng động, nhưng tinh thần chiến đấu vẫn cao. Có điều họ dè dặt và cẩn thận hơn. Tiểu đoàn vẫn chưa thua trận  nào. VịTiểu Đoàn Trưởng thương lính và không sát quân nên thiệt hại rất nhẹ.

Hai hôm trước Tâm nhận được thư của má, thật ra là do đứa em gái viết. Má già rồi, cầm viết không được nữa. Má chỉ nhắn anh cẩn thận. Cuối cái thư mới là điều anh lo ngại: má muốn anh bước tới với con Nga, đứa bạn hồi còn đi học. “ Con nhỏ đó được lắm con à, nó ngoan ngoãn dễ thương, má chịu hết sức “.

Sáng nay, 30/4/1975 nghe radio Saigon lộn xộn lắm. Việt cộng đang tiến tới gần thủ đô. Khoảng mười giờ sáng Dương Văn Minh , tân Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh yêu cầu quân đội buông súng đầu hàng. Lính trong đơn vị anh nhiều thằng khóc ngất.

Tiểu Đoàn Trưởng yêu cầu anh em tập trung trước sân cỏ, chào Quốc Kỳ lần chót. Giọng ông run run, cố che tiếng nấc:

– Lệnh trên đã vậy, tôi không còn trách nhiệm gì với anh em. Thôi thì anh em hãy về với gia đình mình

Ông cúi đầu , chính ông là người bắt nhịp cho bài Quốc Ca thân yêu. Bài hát chấm dứt, mọi người vẫn còn trong tư thế nghiêm cho tới khi Quốc Kỳ được hạ xuống. Hòa bình tới rồi sao chẳng thấy người nào vui. Lần lượt từng người rời đơn vị chỉ còn Tâm đứng đó, anh vẫn ở trong tư thế nghiêm

Tiếng súng M16 nổ , viên đạn xuyên qua đầu, máu phun trào như suối . Tâm quỵ xuống trước cột cờ. Không còn ai ở lại để chứng kiến Binh Nhì Hồ Đức Tâm , lính Tiểu Đoàn 490 Mãnh sư vừa tự sát….

******

Tên chỉ huy du kích đứng nhìn cái xác bất động. Hắn lấy chân đá vào đầu thi thể, buộc miệng chửi thề

– … Thằng ngụy ngoan cố

Bọn du kích xả từng tràng AK thù hận , chúng cười hô hố thỏa mãn. Chúng không biết từ trên cao Binh Nhì Hồ Đức Tâm nhìn xuống mỉm cười:

– Ha ha  tụi mày thua rồi. Tụi mày đâu giết được tao. Chinh tao tự quyết định cho mình. Tụi mày trả thù thể xác tao nhưng đâu làm gì được tinh thần tao. ĐM đồ du kích ngu ngốc!!

***

Trung Sĩ Trần Mình vẫn còn ở vọng gác. Chữ “QC” trên chiếc nón sắt chỉ rõ nhiệm vụ của anh là duy trì kỷ luật., bởi vì anh biết “Kỹ luật là sức mạnh của quân đội “. Anh không phải ra chiến trường để đối đầu trực tiếp với kẻ thù, như thằng Bảy con bà Tư ở cuối hẻm.

Bảy và anh là bạn học. Tới tuổi nhập ngũ, mỗi thằng chọn cho mình con đường đi. Tính thằng Bảy lóc chóc, anh biết. Nó chọn TQLC vì “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt” mặc kệ bà Tư khóc lóc chửi rủa :

– Mầy hại má nghe Bảy, mày đâu có thương má với mấy đứa em mày đâu Bảy

– Má à, đâu phải ai đi lính cùng chết hết đâu, má khóc um sùm quá!!

Thằng trời đánh, Minh hiểu bạn. Nó cũng từng rũ Minh đăng chung một sắc linh, nhưng Minh từ chối. Bảy bĩu môi :

– Đồ chết nhát!

Minh chỉ cười, anh biết mình không giống như thằng Bảy so sánh. Nó đâu có chịu nghĩ xa xôi một chút, nếu ai cũng TQLC thì hậu phương sẽ ra sao mỗi khi mấy “ông nội “về thành phố?

Anh nhớ lần nó được về phép hai thằng rủ nhau đi nhậu, tới lúc xỉn, nó ôm mặt khóc hu hu cho một thằng bạn vừa chết. Đâu có ngờ chính anh cũng đổ một ly rượu trước quan tài của nó hai tháng sau đó. Tội nghiệp bà Tư và mấy đứa em nó khóc không còn nước mắt.

***

Sáng nay đi làm, má mua cho ổ bánh mì , dặn có đói thì ăn. Má lo xa quá, trên đường anh sẽ tạt ngang chị Sáu mua gói xôi ăn no tới chiều. Bây giờ thì anh không còn cảm thấy đói nữa. Lệnh của Dương Văn Minh đang được phát đi phát lại trên radio “Tôi kêu gọi anh em hãy buông súng…” Buông cái con c.., Minh chửi thề.

Anh vốn điềm tĩnh , không dễ nổi giận. Đức tính cần có cho một người quân cảnh. Nhiệm vụ của anh cũng nhàn, chỉ đứng gác trước Bộ Tổng Tham Mưu. Mỗi khi thấy một ông lớn đi qua thì bồng súng, dơ tay chào. Vậy thôi.

Ngày lại ngày, anh đã đi lính được gần chục năm, giờ thì cứng cựa rồi, không còn khổ như lúc mới nhận đơn vị. Lần duy nhất anh đụng độ với vc thứ thiệt là nhằm tết Mậu Thân. Chính tay anh bắn chết ba thằng đặc công. Chẳng có gì hãnh diện, giết hoặc bị giết vậy thôi.

Minh không biết làm sao để báo tin cho má với mấy đứa em ở nhà biết về tình hình.

Chưa có đứa nào đủ lớn để mầm mò tìm tới anh. Anh lại không thể bỏ vọng gác chạy về nhà. Phiên gác anh chưa xong, quân cảnh thì phải gương mẫu, nếu anh vi phạm kỷ luật làm sao anh có thể bắt người khác phải tuân giữ?

Có mấy người lính hốt hoảng chạy xe Honda ngang qua vọng gác. Minh gườm súng, lúc này không thể phân biệt ai địch ai ta . Đứng đây mấy tiếng đồng hồ, anh đã chứng kiến biết bao Tướng, Tá lái xe jeep chạy ào khỏi cổng. Thường thì mấy ông rất phong độ, nhưng hôm nay họ chạy như ma đuổi. Theo thói quen, anh vẫn chào kính từng ông một. Bây giờ đâu ai chú ý tới anh. Tổng Tham Mưu Trưởng cũng đã chạy, kế tiếp tới Tổng Tham Mưu phó, rồi cứ theo cấp bậc lần lượt ra đi. Ông Tướng cao nhất cho tới ông Tá thấp nhất..

Mình thật sự bối rối. Quân trường không dạy anh cần phải làm gì trong trường hợp này. Anh biết má và mấy đứa nhỏ ở nhà lo lắm. Phải hơn tiếng đồng hồ nữa anh mới hết ca gác . Anh cầm ly nước uống một hơi, trời Saigon chưa nóng lắm vào tháng nầy, nhưng trong anh dường như có một lò lửa hừng hực. Chỉ còn hai con đường trước mặt : hoặc vứt bỏ hết quần áo, lẫn vào đám đông trốn về nhà, hoặc cứ ở lại chờ động tĩnh. Nếu vẫn còn có đơn vị nào chiến đấu anh sẽ nhập theo họ. Sự căng thẳng làm anh quên hết mọi thứ khác.

Nhiều người lính đi thất thểu trước mặt anh. Một người nói với:

– “Dìa” nhà đi cha nội ơi!

– … mình thua rồi,    tới gần lắm rồi

Minh bàng hoàng. Mười mấy năm kể cả Mậu Thân mà việt cộng còn không làm gì được, sao lại có thể đi đến tình trạng nầy? Không ai ở lại để trả lời anh , trung sĩ như anh làm gì được?

“Đầu hàng’?. Được rồi, Đại Tướng Dương Văn Minh ông muốn đầu hàng thì cứ đầu hàng. Còn tôi Trần Minh, Trung Sĩ Quân Cảnh, đứng gác vòng ngoài cùng, trước Bộ TTM xin có câu trả lời “ Đầu Hàng Cái...”

….Ba cây số theo đường chim bay từ nhà Quốc Hội VNCH tới Bộ TTM , Trung Sĩ Quân Cảnh Trần Minh tự kết liễu đời mình bằng khẩu colt mà đơn vị cấp phát cho anh.

***

“ Kinh thưa Trung Tá, tôi không biết vợ con Trung Tá ở đâu để báo tin. Thôi thì Trung Tá cứ nằm đây , tôi hứa sẽ cố gắng tìm kiếm thân nhân , cho họ biết để chôn cất Trung Tá tử tế. Tôi không biết Trung Tá đạo gi, nhưng tôi sẽ cầu xin Chúa cho Trung Tá về nơi chốn Thiên Đàng “.

Người đàn ông lâm râm lời kinh, đầu cúi thấp. Vợ ông khẽ đặt hai bàn tay người chết cho ngay ngắn trước ngực. Giữa hai bàn tay là chiếc nón với huy hiệu Cảnh Sát Quốc Gia. Họ làm dấu Thánh Giá rồi ngó trước ngó sau, vội vàng cất bước.

Người phóng viên UPI tiến tới gần xác chết. Anh cố gắng kiếm một góc thật tốt cho bức hình anh sắp chụp. Anh chỉ là một phóng viên tầm thường , không hy vọng gì sẽ kiếm chác bất cứ giải thưởng nào trong ngành báo chí. Dù đã ở VN khoảng gần một năm rồi , anh vẫn tự cho mình là một phóng viên độc lập vi anh không ưa  Công Sản, cũng chẳng thích gì Cộng Hòa. Hồi 1968, khi mới tập sự anh đã được nhìn tấm hình của Eddy Adams chụp cảnh Tướng Nguyễn Ngọc Loan , Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, xử tử một tên đặc công VC vừa mới giết người trước đó . Với tấm hình , Eddy giựt gọn giải Pulitzer , cùng một lúc thảm họa đổ ập lên đầu vị Tướng lừng danh của miền Nam.

Bây giờ, cảnh tượng người chết trước mặt kích thích đầu óc anh mãnh liệt : bộ quân phục thẳng nếp, cặp lon trên vài áo, chiếc nón trong hai bàn tay úp trước ngực. Người nằm đó không giống như một người chết trong lúc hốt hoảng. Có vẻ ông ta đã tính toán kỹ lưỡng sao cho khi nằm xuống ông vẫn còn làm quân thù khiếp sợ. Người phóng viên bất giác giơ tay chào kính theo kiểu quân đội. Anh sẽ chuyển hình ảnh này đi khắp thế giới. Mặc kệ Eddy Adams, mặc kệ giải Pulitzer khốn kiếp.

***

Nguyễn Văn Long, cái tên rất bình thường trong số mười bảy triệu cái tên ở miền Nam Việt Nam. Cha mẹ đã cho ông ước mơ như con rồng vùng vẫy giữa không trung, nhắc nhở giòng máu đang chảy trong huyết quán ông là sự phối hợp diệu kỳ giữa Mẹ Tiên Âu Cơ và Cha Rồng Lạc Long Quân . Cấp bậc Trung Tá Cảnh Sát , Chủ Sự của một phòng,ban thuộc Bộ Tư Lệnh rất dễ đem đến ông nhiều nguồn lợi. Chỉ cần nói nhỏ một tiếng, thiếu gì người sẵn sàng mang bạc xấp tới dâng tận tay. Nhung Ông đã từ chối không chịu làm điều ấy.

Trung Tá Long thở dài, cả một quãng đời quá khứ tái hiện trong đầu ông. Hình ảnh vợ con ông khóc ngất trước quan tài của người con cả – sĩ quan BĐQ-. Ông hãnh diện vì đã góp phần cho an nguy của Tổ Quốc cũng như những đứa con trai ông . Triết lý của ông đơn giản: sống và chết như một  người quân tử.

Trung Tá Long thả bộ dọc đường, ông nhìn giòng người hớt hơ hớt hải chạy tứ tán vì lệnh đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh. Ông nhớ tới những vì chỉ huy ông kính phục: Tướng Nguyễn Ngọc Loan, vì Tư lệnh Cảnh sát thương lính dưới quyền như anh em; Tướng Trần Văn Hai gốc Biệt Động, người miền Nam đối xử với thuộc cấp sòng phẳng, nhưng đầy tình cảm. Ông kính phục họ vì cũng như ông họ giống những nhà hiền triết sống ở giữa cảnh đời đầy âm mưu bẩn thỉu hơn là những ông Tướng đầy quyền uy

Một anh lính hớt hãi gọi giựt ngược

– Trung Tá, Trung Tá, tụi nó tới gần lắm rồi, Trung Tá cởi đồ ra đi, nguy hiểm lắm

Ông mỉm cười trấn an người lính:

– Qua biết rồi, cảm ơn em, không sao đâu

Người lính nhìn ông ái ngại. Quả thật là một chuyện lạ. Ai cũng vội vã vứt súng, kiếm đồ dân sự mặc vào, còn ông trung tá nầy… Anh vội vã giơ tay chào kính rồi lẩn vào đám đông. Đâu được em, qua mặc bộ đồ này đã mấy chục năm nay, hà cớ gì mà qua phải cởi bỏ. Qua mang nó như mang cả Tổ quốc trên người. Qua chết chứ những gì qua đã hứa với Tổ Quốc Dân Tộc đâu chết được em. Ông chợt nghĩ tới những chỉ huy của ông: Trang Sĩ Tấn đã chạy, Đổ Kiến Nhiễu đã chạy, cả Nguyễn Khắc Bình cũng đã bỏ chạy. Ông không trách họ, có thể khi được sinh ra họ đã tâm niệm chữ “chạy” trong đầu. Ông chỉ tội nghiệp vì đất nước “trao duyên lầm cho tướng cướp”. Với ông, chữ “Danh Dự và Trách Nhiệm “ nặng hơn ngàn lần chữ “Chết”.

Trung Tá Long nhớ tới người đàn bà đã cùng ông tạo ra một gia đình đông đúc nhưng hạnh phúc. Ông cảm phục bà, chính bà đã giữ ông khỏi chao đảo giữa giòng đời. Chính bà đã giúp ông bảo toàn khí tiết của một sĩ quan Cảnh Sát. Có thể ông sẽ phải chìu bà nếu bà thủ thỉ thuyết phục ông chấp nhận ít nhiều tiền tham nhũng. Cảm ơn Chúa, bà chưa bao giờ buộc ông vào cái thế khó xử đó. Và trong lúc ông vì nhiệm vụ, chính bà lại nuôi nấng dạy dỗ con nên nguời, chia sẻ bổn phận làm cha mẹ nặng nề. Bà cũng chính là chỗ dựa cho ông trong những lúc tâm hồn ông đuối mệt. Ông thở dài, chưa lúc nào ông cảm thấy cô đơn như lúc này.

Một thanh niên khoảng mười bảy tuổi lái xe Honda chạy trờ tới:

– Chú ơi lên xe con chở về nhà, nhà chú ở đâu vậy?

– Được rồi con, chú muốn đi bộ một chút. Cảm ơn con.

Dân miền Nam là như vậy, ông thương họ . Ông không phải người miền Nam. Quê ông ở miền Trung xa lắc. Thằng nhỏ này chắc cũng có cha anh trong quân đội. Không sao đâu con, miễn là mọi người dân vẫn dành tình thương cho quân đội như con là chú vui rồi. Trung Tá Long dừng buớc, ông rút bao thuốc lá, nhón ra một điếu. Những hơi thuốc làm đầu óc ông dịu lại. Tật xấu duy nhất mà ông không thể bỏ được. Không rượu chè, không cờ bạc, không trai gái ,ông chẳng dính tới cái nào trong tứ đổ tường. Hồi còn trẻ, bạn bè đã đùa, kể cho ông nghe câu chuyện tiếu lâm của một anh chàng đi khám bác sĩ vì sợ chết sớm. Theo thói quen bác sĩ hỏi;

– Anh có thích rượu không?

– Dạ không

– Còn cờ bạc?

– Dạ cũng không

– Thế còn trai gái?

– Dạ cái này em ky

– Vậy anh có hút xách gì không?

– Dạ cũng không, em chỉ thỉnh thoảng hút thuốc lào

– Rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút xách anh chẳng thích cái nào, vậy thì anh muốn sống dai làm đếch gì?

Nhớ tới câu chuyện, ông bật cười. Sống dai để lo cho vợ con bác sĩ ơi

Trung Tá Long dừng lại, ông cảm thấy mệt. Thân thể ông chưa đến nỗi nào, nhưng đầu óc ông giờ đây nặng nề quá. Mỗi một ngày coi báo tính thần ông suy sụp một chút. Nay Đà Nẵng bỏ ngõ, mai Kon Tum di tản, mỗi giòng chữ là một vết chém trong hồn ông. Hơn hai mươi năm từ lúc đất nước chia đôi, ông đã lớn lên, cống hiến cuộc đời ông cho một miền Nam hạnh phúc. Giờ đây miền Nam của ông đang mất dần từng mảng một. Ông không biết gia đình vợ con ông đang ở đâu. Kệ, cùng tất biến, biến tất thông, ông lầm thầm một vài kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh phú dâng cho Thiên Chúa và Mẹ Ngài. Thói quen đó đã theo ông từ khi ông xin rửa tội để trở thành người Công Giáo. Những lúc cô đơn hoặc phải suy nghĩ việc gì quan trọng ông đều cầu nguyện. Ông biết không phải việc gì con người cũng làm được.

Mấy hôm trước, có người quen đã ngỏ lời rủ ông đi đi tản ra nước ngoài với họ. Không tiền bạc, không vòng vàng gì hết. Họ biết ông nghèo, nhưng họ nể phục khí phách và lối sống của ông. Đi đi Trung Tá, ở lại không xong với VC đâu. Ông mỉm cười cảm ơn, nhưng từ chối. Đất nước đã nuôi ông lớn lên, đã cho ông biết bao ơn huệ, sao ông lại có thể bỏ đi khi nguy biến. Đất nước như người mẹ hiền, tảo tần dưỡng dục cho con thành người, sao đứa con đành đoạn quay mặt đi khi mẹ bệnh tình thập tử nhất sinh.? Không , sống tại đây thì chết cũng tại đây. Hy vọng duy nhất của ông là quân đội sẽ dần dần phục hồi sức lực, sẽ lại tiếp tục chiến đấu. Lần này chắc chắn ông sẽ đổi khẩu P38 Cảnh Sát để cầm lấy cây M16, trực tiếp đối đầu với giặc.

Đã có người chúc mừng ông khi ông phục vụ ở Cảnh Sát. Họ quan niệm cảnh sát không phải đánh trận, chỉ trấn đóng trong thành phố, nguy hiểm sẽ giảm đi nhiều so với quân đội. Ông Long không nghĩ như vậy, Chết ai không sợ, nhưng chết khi đang làm nhiệm vụ của mình thì ở đâu cũng vậy thôi. Hơn nữa nếu tất cả cũng ở quân đội thì người nào sẽ giữ gìn cho hậu phương an toàn?. Ông không nghĩ mình sợ chết. Đối đầu với cái chết nhiều lần làm ông cảm thấy bình thản. Suýt chút nữa thi VC đã tìm ra ông và xử tử như mấy ngàn đồng bào ông hồi tết Mậu thân.

Xe phóng thanh chạy vòng thành phố. Lời tuyên bố đầu hàng được lặp đi lặp lại không ngừng. Thôi hết!! Miền Nam thương yêu của ông đã tử trận. Như đứa con BĐQ đầu lòng của Ông.

Máu không thể chạy lên mặt làm ông có cái nhìn của một người đã chết. Sống làm sao được nữa hở trời? Ông ngồi phịch xuống lề đường. Thân xác ông còn thở, nhưng trí óc ông trống rổng. Nước mắt không chảy được bởi khi con người đi tới tận cùng của sức chịu đựng mọi cảm giác tự khắc dừng lại.

Trung Tá Long hít một hơi dài. Ông phải bình tĩnh, phải suy nghĩ, ông nhắm mắt lại, lẩm nhẩm vài lời kinh, sự an ủi cuối cùng ông còn sở hữu được. Cuộc đi bộ dài đưa ông tôi trước tòa nhà Quốc Hội, biểu tượng của một miền Nam tự do. Ở đó những đại biểu của dân chúng hội họp để nói lên ước nguyện của họ. Trống trơn. Mọi người đều đã bỏ chạy.

– Trung Tá ơi, về nhà đi

Ai đó nói với. Nước mất rồi, Còn nhà đâu nữa mà về.

Trung Tá Long ngước nhìn bức tượng trước mặt. Bức tượng của một binh chủng uy hùng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Những người lính TQLC đang ở tư thế xung phong vào hàng ngũ của địch. Họ đã đổ máu ngoài chiến trường cũng như ông đã đổ mồ hôi ở hậu phương. Và nếu máu của họ chảy ra cho sự sinh tồn của đất nước thì người sĩ quan Cảnh Sát Quốc Gia Trung Tá Nguyễn Văn Long cũng bằng cách nào đó sẽ đền đáp lại. Ông ngồi xuống trên thềm băng đá công viên.

Một điếu thuốc nữa có lẽ sẽ giúp ích cho sự suy nghĩ của ông. Ông nhìn lại bộ cảnh phục. “Nhin cảnh phục, biết tư cách”. Ông hài lòng , bộ đồ không một vết nhàu nát, cấp bậc thằng thớm trên vai áo, chiếc mũ lưỡi trai tề chỉnh. Nếu có chết ông sẽ cố gắng giữ gìn mọi thứ thật sạch sẽ như con người của ông.

Khẩu P38 đặc biệt của cảnh sát cồm cộm trong túi quần. Ông rút ra ngắm nghía. Tôn giáo ông không cho phép giết người, ông cũng chưa từng dùng nó để bắn bất cứ ai. Ngoại trừ vài lần thực tập tác xạ ở xạ trường, khẩu súng như một vật trang sức hơn một khí cụ để kết thúc mạng người. Ông thở dài, tới nước này rồi thì chẳng còn lựa chọn nào khác. Ông có thể cởi bỏ bộ đồng phục, mặc áo thun và cái quần đùi trở về nhà chờ đợi. Chờ đợi quân thù tới để đầu hàng, rồi ông sẽ sống những ngày cuối đời trong tủi nhục . Ông biết mọi người sẽ hiểu ông, gia đình đồng đội sẽ thông cảm và tha thứ cho ông. Nhưng Ông chẳng thể nào chịu nổi sự dằn vặt của trái tim và trí óc . Nguyễn Văn Long không phải là một con người sinh ra để đầu hàng .

Ông đứng lên, trong tư thế nghiêm trang dơ tay chào bức tượng. “Lần cuối cùng tôi được chào kính anh em”, ông lẩm bẩm. Chữ “lần cuối cùng “ như một lời trăn trối. Ông biết mình sẽ phải làm gì. Ông nghĩ tới Thiên Chúa trên cao. Luật tôn giáo không cho phép ông tự tử. Lạy Chúa xin hãy hiểu cho con. Tình thế này con chẳng còn con đường nào khác. Sống mà chịu nhục thì sống để làm gì. Năm nay ông đã trên năm mươi, không còn trẻ nữa. Ông sẽ được sống thêm bao lâu ? Mười hay hai mươi năm? Ba ngàn sáu trăm năm mươi ngày mà mỗi ngày là một lần chết, sao ông chịu nổi. Điều đó quá sức chịu đựng.

Ông nhớ người vợ hiền và mấy đứa con. Họ đang ở đâu trên đất nước này? Những ngày bên gia đình là những ngày hạnh phúc. Noi theo nếp sống của cha, các con ông đã không làm ông thất vọng. Cảm ơn người đàn bà của cuộc đời ông. Cảm ơn Thiên Chúa đã trao ban cho ông phần thưởng quý giá nhất. Ông thầm thì “ Mình ơi, tôi thương mình lắm”.

Trung tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long, thằng người chào kính lá Quốc kỳ trong trí óc, tay phải đưa khẩu súng lên ngang màng tang. Hình ảnh cuối cùng ông thấy được là hình như bức tượng những người lính TQLC mỉm cười, dơ tay chào đáp lễ .

***

Chính Trị Viên Nguyễn Văn Tân, Đại Đội 3, Tiểu Đoàn 9 ,Trung đoàn 31 Thiết Giáp ra lệnh cho xe dừng lại. Trên đường tiến vào Nam anh chứng kiến bao nhiêu xác địch và ta nằm chết trong giờ thứ hai mươi lăm. Nhưng hình ảnh trước mặt làm anh kinh ngạc. Một người lính nhảy xuống tới gần nhìn xác chết. Hắn định đá vào xác chết, nhưng Tân ngăn lại:

– Đừng động vào ông ấy

Người lính kinh ngạc nhìn vị chỉ huy. Hắn không hiểu sao tự dưng Chính Trị Viên Tân nổi cáu. Xác chết của một “thằng ngụy ” thì có gì lạ đâu? Hắn nghe Chính trị viên lẩm bẩm gì đó rồi bất giác đưa tay lên chào. Như một cái máy hắn tự động chào theo. Hắn sẽ rất ngạc nhiên nếu hắn biết được Nguyễn Văn Tân, chính trị viên đại đội, mười hai tuổi đảng vừa tự nói với mình:

Ông ấy là một Anh Hùng


Nguoiviettudo 

No comments:

Post a Comment