Pages

Monday, May 16, 2022

Chị Hai Chim - Đoàn Xuân Thu


Nhóm bạn nhậu của tui ở Footscray nầy có 3 người. Tui là một, anh Tư Hiền Triết là hai. Và anh Ba Cãi là ba.

Anh Tư Hiền Triết và anh Ba Cãi viết văn. Ðời mà, hai cô ca sĩ có ưa nhau bao giờ(!?). Hai nhà văn nầy bằng mặt mà ít khi bằng lòng. Hai người chê bai nhau về tài viết văn. Tui thì dốt. Không biết viết, chỉ biết đọc, biết nghe. Nên hai thằng chả hay rủ tui nhậu để lúc xỏ xiên qua lại với nhau, tui làm trọng tài. Ðược cái là tui không phải là trọng tài “xây cá nại”. Tui rất công tâm. Ai trúng tui nói trúng; ai trật tui nói trật. Hổng chịu, giận, không ai kêu tui đó, thì tui ở nhà nhậu với con vợ của tui.

Thấy tui cang cường như vậy nên hai cha đều khoái. Huỡn huỡn một chút là hú tui, nhậu hè. Ðôi khi tui cũng nhậu chực; chớ không phải không. Nhưng nói chung là tui chơi cũng đứng đắn, đàng hoàng lắm nhe! Bữa nào, vợ cho vài chục đô dằn túi là tui chi bạo hè. Anh Tư Hiền Triết xách beer, tui mua rượu đỏ đem đến garage nhà anh Ba Cãi nhậu.

o O o

Cái lạ là 47 năm rồi, 30 tháng Tư nào CS cũng bắn pháo bông ăn mừng vì đã giết chết khoảng 4 triệu người, kể cả hàng trăm ngàn người Việt bỏ mình khi vượt biên, vượt biển. Xương chất thành núi, máu chảy thành sông.

Còn tụi tui, những người quốc gia, gọi đây là ngày Quốc hận, ngày làm đám giỗ hội cho những người đã chết.

Những oan hồn đó vì Lê Duẩn quyết tâm đánh chiếm Miền Nam; đánh cho cho Liên Xô và Trung Quốc.

30 tháng Tư năm nay ở Úc nhằm ngày thứ Bảy cuối tuần, weekend, anh Ba Cãi kêu tui lại nhà chơi vì anh làm đám giỗ hội, mình ên buồn quá.

Nhân tiện anh Ba Cãi kêu tui mời anh Tư Hiền Triết với. Tui thấy hơi lạ nên hỏi lại: “Nhà anh làm đám giỗ thì anh mời, sao lại kêu tui?”. Anh Ba Cãi nói, tui có kêu nhưng thằng chả block số của tui rồi. Sao lại giận? Chẳng qua tui phê bình thằng chả viết văn mà xài tiếng tục tĩu của CS như chữ “tự sướng”. Rồi hồi xưa ông bà mình dùng từ “tham quan ô lại” để chỉ bọn ăn cắp, ăn cướp của dân. Giờ thằng cha Tư Hiền Triết lại viết “đi tham quan” là một động từ, là đi viếng một danh lam thắng cảnh nào đó. Lại tính chôm chỉa gì đó cha nội?

Theo tự điển Hán Việt, “tham quan” cũng có nghĩa là: Thăm, xem, du lãm. Như tham quan bác vật quán, xem viện bảo tàng. Nhưng bà con mình hồi xưa ít ai xài cái nghĩa nầy lắm. Tui không thấy ai xài chữ “đi tham quan” như cha Tư nầy bao giờ? Ði đã là một động từ. Tham quan cũng là một động từ. Trong tham quan đã có nghĩa là đi. Hổng đi mà chỉ nằm thì tham quan cái giống gì hè?

CS thường hay hô hào, la lối tưng bừng là hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt! Tiếng Nôm mình có sẵn, nào là đi chơi, đi thăm, đi coi, sao hổng chịu xài vậy? Xài chữ Hán Việt bừa bãi, bậy bạ như thế mà hổng sợ ông bà mình hiện hồn về vả miệng cho rụng răng hết ráo, không còn một cái mà ăn cháo!

Rồi cha Tư Hiền Triết Nam Kỳ rặt mà nấu cho mau chín thì lại viết thành nhanh chín! Rồi cái chuyện nầy mới đáng rầy thằng chả nè. Chuyện hay nhe, kể nghe chơi.

Hai tuần trước cha Tư Hiền Triết có đăng một tiểu phẩm tựa là “Air China” (Hãng Hàng không Trung Quốc) trên Tuần báo Sóng Vang (tức Sáng Dông).

Bài viết như vầy nè: “Ðồng chí Tí và đồng chí Tèo thuộc Bộ Chánh trị đảng CS VN đáp máy bay của Air China đến Bắc Kinh công cán. Mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ, nhưng sau đó một động cơ bị hỏng.

Chuông báo động vang lên trong buồng lái. Viên cơ trưởng thông báo: “Hành khách thân mến! Ðây là lời cơ trưởng của bạn. Rất tiếc chúng ta đã bị mất một động cơ, nhưng đừng lo lắng, tôi sẽ đảm bảo an toàn cho các bạn”.

Máy bay hạ cánh trên mặt nước, cơ trưởng bình tĩnh nói: “Một lần nữa xin kính chào quý hành khách. Chúng tôi đã hạ cánh thành công xuống mặt nước, tôi hy vọng tất cả các bạn đều ổn. Bây giờ, tất cả những người có thể bơi được, xin vui lòng đi về phía bên phải của máy bay. Những người không thể bơi được, xin vui lòng đi về phía bên trái”.

Ðồng chí Tí quay sang nói với đồng chí Tèo: “Ðó là điều làm tớ yêu thích hãng hàng không Air China này, là họ luôn có những phương án dự phòng cho mọi tình huống”.

Ðồng chí Tèo trả lời: “Vâng, tớ hoàn toàn đồng ý, phi hành đoàn có vẻ được đào tạo tốt cho những tình huống này. Họ lo lắng cho chúng ta vốn là những đồng chí môi hở răng lạnh không biết bơi”.

Sau khi mọi người đã được sắp xếp theo khả năng bơi, cơ trưởng nói: “Tất cả những ai có thể bơi ở phía bên phải của máy bay, hãy sơ tán ra khỏi máy bay ngay lập tức! Và xin gửi đến những người ở phía bên trái của máy bay lời chào “Vĩnh biệt”. “Cảm ơn các bạn đã bay với Air China!”.

Toàn là những chữ của CSBV như cơ trưởng, đều ổn, đảm bảo, phương án dự phòng… v.v và v.v. Ðọc mà muốn ứa gan, sôi máu hè!

Cha Tư Hiền Triết dùng chữ đã sai mà viết chánh tả cũng sai bét. Bĩu môi thì viết là biểu môiChúm chím lại viết thành chúm chiếm. Kêu thằng chả sửa lại cho trúng mà y ngoan cố đâu có chịu. Y khoe bài tui đăng có trả tiền nhuận bút nên tòa báo có tiền là nó có quyền sửa trật. Phương Tây là vậy đó. Hỏi anh có ứa gan không?

Tui nói anh phê bình cách dùng chữ của thằng cha Tư Hiền Triết như vậy là đúng, giận cái giống gì hè. Ðầu hai thứ tóc rồi đâu phải mới đẻ hôm qua. Ờ, để tui nói với thằng chả.

Thưa bà con, tại sao tui khoái nhậu ở nhà anh Ba Cãi? Vì nhiều lẽ. Một là nhậu ở nhà nó rẻ, ít tốn tiền. Ra nhà hàng, mình nhậu tốn phân nửa, còn phân nửa là lọt vô túi áo con vợ bé của cha chủ nhà hàng. Thiệt trùm sò, kẹo kéo thấy ớn hè. Hai là rượu vô, lời ra. Lỡ nói lớn tiếng một chút cũng không làm phiền hàng xóm đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi. Ý quên, cũng nhậu như mình. Ba là vợ anh Ba Cãi, nhũ danh Hai Chim, dân Rạch Giá rất giỏi nấu ăn, ngon bá chấy bù chét. Nhứt là món bún cá. Vì vậy mới có câu hát là: “Lần đầu ăn tô bún cá, chạy dìa Rạch Giá, bỏ má theo em”.

Mấy bà già Rạch Giá dạy con gái của mình là muốn đi tới cái túi tiền của đàn ông là phải đi qua cái bao tử của nó!

Thế nên, trước khi về nâng khăn móc túi anh Ba Cãi thì bà nhạc của ảnh đã dạy cho chị Hai Chim cách nấu bún cá Kiên Giang. Món gia truyền từ đời bà sở, bà sơ, tới đời bà ngoại rồi đời má như thế nầy nè: “Cá lóc trọng trọng làm sạch. Bỏ vô nồi luộc chín làm nước lèo để chan bún. Vớt cá ra và tách xương ra, lấy phần thịt. Tôm tươi có thêm gạch tôm thì hết sẩy, đem rim với một ít nước mắm đến khi cạn nước. Ăn với rau muống chẻ, rau răm, giá hoặc kẹt quá, rau đắng cũng được. Thịt cá lóc chấm nước mắm y có thêm vài lát ớt sừng trâu. Chảy nước miếng hè!

o O o

Sau 30 tháng Tư mất hết! Tới 8 tháng 5 Mother’s Day.

Má mình thì chết rồi, chỉ còn tiếng mẹ đẻ, mother’s tongue! Mà mình thản nhiên để tụi nó cướp luôn thì mình chết mẹ nó cho rồi.

Hồi mới quen anh Ba Cãi, tui cũng mê món bún cá Rạch Giá. Cứ tấm tắc khen ngon. Chị Ba Cãi cũng như con vợ tui, nghe khen là khoái. Móc hết ruột gan ra đãi khách cũng không từ. Chị Hai Chim rất sẵn lòng nấu bún cá cho tui nhậu nhưng chỉ yêu cầu tui là đừng có kêu bằng chị Ba Cãi nữa (chỉ không có thích bạn bè mà cãi lộn). Hãy kêu bằng nhũ danh: Hai Chim. Tôi hỏi Chim có ê không? Chị Hai Chim cười khè khè đáp lại: “Ðã gần chết nên không có ê”.


ĐXT

No comments:

Post a Comment