Pages

Saturday, May 7, 2022

Chuyện “Ta” Lấy “Tây” Và “Tây” Lấy “Ta” - Đoàn Dự


Làm xong công việc một ngày cuối tháng 3, mặc dầu đã 8 giờ tối nhưng Tuấn Anh vẫn quyết định lái xe hơi về Thái Bình là quê nhà mình, nơi con gái 6 tháng tuổi đang say ngủ bên người mẹ Anatassia Gadaeva, vợ của Tuấn Anh. “Vợ con là món quà bất ngờ tôi có được trong năm  đầy biến động», Tuấn Anh, giám đốc điều hành một công ty game có trụ sở ở Hà Nội, nói.

Tuấn Anh gặp “món quà bất ngờ” của mình tại nhà một người bạn vào tháng 1/2020 ở Sài Gòn. Hôm đó, thấy cô gái nước ngoài đang ngồi chơi game một mình, chàng xin chơi cùng. Từng là một “game thủ”, giám đốc một công ty game nên Tuấn Anh khá tự tin. Nhưng chỉ sau 10 phút, chàng bị cô gái hạ đo ván. Tuấn Anh nhớ lại: “Dòng game này khá khó, thế mà cô ta biết kỹ thuật kết hợp, điêu luyện, khiến tôi bị bất ngờ”.

Khi Anatassia rời khỏi máy chơi game, Tuấn Anh mới biết cô cao cỡ gần… 1 mét 80, cặp mắt xanh lơ nhạt màu nước biển và mái tóc vàng óng với vóc dáng mảnh mai đẹp như người mẫu. Qua câu chuyện, chàng trai quê gốc Thái Bình được biết cô tên là Anatassia, quốc tịch Nga, đang đầu quân cho một công ty người mẫu tại Thượng Hải ,Trung Quốc và làm việc trong một chi nhánh tại Sài Gòn.

Một “chiến dịch” chinh phục người đẹp được Tuấn Anh bắt đầu ngay sau lần gặp gỡ. Anatassia kể rằng dù cũng cảm thấy mến chàng trai Việt nhưng cô nghĩ hai người chỉ nên là bạn bình thường, bởi vì cô làm người mẫu ở Sài Gòn trong khi Tuấn Anh có công việc ở Hà Nội, cách nhau hàng ngàn cây số. Hơn nữa, ít lâu sau cô sẽ phải trở về Thượng Hải tùy theo sự xếp đặt của công ty, điều đó không thể biết trước được.

Nhưng “đẹp trai không bằng chai mặt”, Tuấn Anh đã chứng minh tình yêu và khả năng kinh tế của mình bầng cách là cứ mỗi chiều thứ bảy hàng tuần lại lấy vé máy bay, bay từ Hà Nội vào Sài Gòn thăm và chuyện trò hay dẫn nàng đi chơi, đến chiều Chủ nhật hôm sau lại bay về Hà Nội để sáng thứ hai đi làm. Sự nhiệt tình của Tuấn Anh dần dần khiến Anatassia cảm động. Trong một lần đi chơi ở Vũng Tàu, Tuấn Anh cầm tay nàng, hỏi bằng tiếng Anh vì chàng không biết tiếng Nga: “Em có đồng ý lấy anh không?”, Anatassia mỉm cười quay đi, khẽ gật, Tuấn Anh sung sướng giơ hai ngón tay hình chữ V với ý nghĩa “thành công rồi”.

Ba tháng sau Anatassia quyết định xin đổi ra Hà Nội, bắt đầu lại công việc làm người mẫu ở thành phố xa lạ để được gần người yêu. Cùng thời gian này, Covid-١٩ bùng phát, Anatassia lại biết mình mang thai. Hai con người từ hai đất nước trở thành vợ chồng chỉ có hôn thú, không có hôn lễ vì trong giai đoạn cách ly.

Những ngày đầu mới là vợ chồng, họ nhận ra mình có rất nhiều khác biệt nhưng điểm chung là cả hai đều thẳng thắn và chấp nhận những sự khác biệt của nhau. Cô vợ Nga không thể ăn cơm, rau luộc, thịt kho, còn anh chồng Việt cũng không hề thích khoai tây nấu với sữa. Họ thỏa thuận, mỗi hôm sẽ ăn món của một nước và sau vài tháng cả hai đều có thể ăn món ăn của nhau một cách ngon lành.

Họ cũng bất đồng trong văn hóa, ứng xử. Mỗi lúc vợ chồng tranh cãi, Anatassia viết một bức thư… tiếng Việt dài trao đổi về văn hóa, tính cách và nếp sống gia đình. Tuy nhiên nội dung thư buồn cười và chi chít lỗi chính tả do nàng mò mẫm dùng công cụ dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt chứ không biết tiếng Việt nên sai be bét. Nhận thư của vợ, lần nào Tuấn Anh cũng phải bật cười. “Mình thấy cô ấy đáng yêu và ngây thơ quá. Hơn nữa tra computer để mò mẫm viết một bức thư dài mà mình không hiểu tiếng Việt thì mới biết thành ý của cô ấy như thế nào”.

Trong lúc nàng dâu Tây học tiếng Việt, việc mang lại tiếng cười là Anatassia như một đứa trẻ đang tập nói và hỏi rất nhiều. Một lần, Tuấn Anh giải thích hai tiếng «ý trời» với nghĩa đó là do ý trời đã định như vậy. Hôm sau, đang đi chơi thì gặp hai chiếc xe máy va chạm trên đường, Anatassia nói đó là “ý trời” khiến Tuấn Anh bật cười, giải thích rằng phải chuyện gì lớn, quan trọng mới nói ý trời chứ hai chiếc xe đạp va chạm nhau chút đỉnh chẳng ai bị thương, không nói ý trời. Người vợ ngạc nhiên, lẩm bẩm: “Khó quá, phải phân biệt chuyện quan trọng với chuyện không quan trọng trước khi nói”.

Lại một lần khác, nghe ai đó nói đến hai từ “sợ vợ”, Anatassia về nhà hỏi chồng. Tuấn Anh giải thích, nàng ngạc nhiên: “vợ thì yêu nhau, có gì phải sợ?”. “Tại vì phụ nữ hay càm ràm. Chồng sợ bị vợ càm ràm chứ không phải sợ bản thân người vợ”. “Càm ràm là gì, em không hiểu”. “Càm ràm là nói nhiều, cằn nhằn chồng chuyện này chuyện kia khi chồng có lỗi”. Anatassia bật cười: “Em yêu anh, không bao giờ em cam ram anh điều gì”. Tuấn Anh thấy nàng nói đúng, không bao giờ nàng cằn nhằn anh điều gì, bởi vì … nàng không đủ chữ để cằn nhằn bằng tiếng Việt, còn nếu bằng tiếng Nga thì có lẽ chàng sẽ không hiểu nàng nói gì. Chàng rút ra kinh nghiệm: lấy vợ người nước ngoài thì sẽ không bị vợ cằn nhằn lúc mình có lỗi!

Về ăn uống, trước đây Anastassia ăn theo chế độ kiêng khem để giữ vóc dáng. Khi mang thai, nàng ăn thả cửa và tăng… 35 kg, sinh ra em bé hơn 4 kg. Sau sinh, nàng dâu Nga về Thái Bình sống với bố mẹ chồng. Thời gian đầu, hàng ngày Tuấn Anh sáng đi tối về để giúp vợ hòa nhập với gia đình mình.

Anastasiia chia sẻ: “Đứa con đến bất ngờ trong niềm sung sướng của cả hai nên tôi tạm ngừng công việc người mẫu từ khi có bầu”. Hồi mới mang thai, nàng hơi lo lắng do chưa chuẩn bị tâm lý trong khi cha mẹ ruột thì ở mãi bên Nga. Nhưng có điều an ủi là Tuấn Anh cho thấy mình là người chu đáo và có trách nhiệm. Cứ hết giờ làm việc là anh lái xe về nhà trọ với “vợ” mặc dầu hai người chỉ có hôn thú, chưa có cưới hỏi. Anh còn tìm được một nữ bác sĩ người Nga để theo dõi thai kỳ và trao đổi các lời dặn bằng tiếng Nga cho được dễ dàng.

Bốn tháng đầu cô bị nghén, ăn ít và chỉ ăn đồ Nga. Hết nghén, ăn các món ăn Việt, cô bỗng đâm “nghiện” các món ăn quê mùa miền Bắc như tôm rim, nem rán, canh cua đồng, hay cá nấu riêu cà chua của mẹ chồng. Có lần, mẹ chồng về quê Thái Bình ít ngày, ở Hà Nội, ăn cơm hàng, Anastasiia thốt lên: “Chúa ơi, em nhớ cơm mẹ nấu quá”.

Bà Bùi Thị Liên, mẹ Tuấn Anh chia sẻ: “Ban đầu, biết Tuấn Anh yêu cô con gái nước ngoài làm người mẫu, tôi buồn lắm nhưng không biết làm sao. Ông nhà tôi nói: “Thôi kệ, có thân thì nó lo, trai gái thời buổi này thích thì nó làm, mình già rồi, nói cũng không được”. Rồi bà kể thêm: “Nhưng hôm thằng Tuấn Anh lái xe chở vợ con về nhà, tôi thấy vợ nó đã tập nói được ít câu tiếng Việt: “Chao bô. Chao me” nên tôi cũng mừng. Còn con bé con, ôi chao, nó trắng ơi là trắng, lớn lên chắc cũng xinh xắn không khác gì mẹ”. Trong giọng nói của bả mẹ chồng có chút gì đó hãnh diện. Ngoài Bắc người ta thân thiện với người Nga hơn là trong Nam.

CHUYỆN “TÂY” LẤY “TA”

Đến bây giờ người dân khóm Tân Lập, bản Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, vẫn còn nhớ đám cưới của cô gái Lộc Thị Phương với chàng trai người Thụy Sĩ, đón dâu bằng chiếc xe công nông – loại xe chế tạo tại Việt Nam – dùng để chuyên chở lúa má, phân bón, phục vụ nông nghiệp vì trời mưa khiến đường đất đỏ trở nên sinh lầy, rất dính, trơn trượt, phải đón dâu bằng loại xe thô sơ rất quê mùa này.

Nhờ chăm chỉ, Lộc Thị Phương là đứa con duy nhất trong gia đình người Thái-trắng (theo phong tục, chuyên mặc áo trắng gọi là Thái-trắng, chuyên mặc áo đen gọi là Thái-đen), có 5 anh chị em ở bản Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn được ăn học tới cao đẳng. Cô giỏi tiếng Kinh, biết cả tiếng Anh, tiếng Pháp, học về ngành quản lý kinh tế nên sau khi tốt nghiệp cao đẳng, xin được làm quản lý trong một khách sạn ở Đà Lạt.

Julien Otto quen với Lộc Thị Phương trong một lần đi du lịch Đà Lạt và ở tại khách sạn do Phương làm quản lý. Cảm mến ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ với lối cư xử lịch sự. nhất là lối ăn mặc có điều gì đó hơi đặc biệt khác với các cô gái người Việt khác khiến Julien tò mò, tự hỏi tại sao cô ta lại ăn mặc như thế? Từ sự tò mò đó, Julien đâm “mê” cô gái lúc nào không biết.

“Lần gặp đầu, vì biết tôi chưa ăn sáng nên cô ấy đem đến bánh mì, fromage và trứng chiên là thức ăn nhẹ”, Julien kể. Buổi trò chuyện của hai người đầy tiếng cười khi Julien kể những kỷ niệm bi hài lần đầu đến Việt Nam, còn Phương cũng không ngại bộc bạch về thời sinh viên lăn lộn vừa học, vừa đi làm, vừa trau giồi ngoại ngữ. Sau cuộc hội ngộ ngắn ngủi, hai người cảm thấy như đã gặp nhau từ lâu.

Là một kỹ sư công nghệ thông tin, Julien có thể làm việc ở bất cứ đâu nên hai tháng sau, anh xin gia hạn visa và quyết định tỏ tình với cô gái Việt.

Ấn tượng ban đầu thường rất đậm đà và nhiều chia sẻ. Nhưng tình yêu giũa chàng trai Thụy Sĩ và cô gái dân tộc Thái-trắng cũng trải qua khá nhiều khó khăn.

Mới yêu nhau chưa bao lâu thì bố của Lộc Phương bị ung thư giai đoạn cuối. Gia đình thuần nông, đồng lương làm bảo vệ trong công ty sữa của ông cũng bị cắt đứt. Cùng lúc này Lộc Phương lại bị mất việc do khách sạn đổi chủ, trong khi vẫn phải lo cho bố và đứa em trai đi học nghề. Julien biết chuyện, đã hỗ trợ để bố của người yêu được nhập viện điều trị.

Bớt được một nỗi lo, đôi trẻ dắt nhau ra Phú Quốc tìm việc. Những ngày tháng 6 nắng chang chang, Julien chở Lộc Phương đi nộp hồ sơ khắp nơi. Sau hai tháng thất nghiệp, Phương cũng tìm được công việc làm trợ lý giám đốc và tự chủ được kinh tế cho gia đình, còn Julien thì với ngành công nghệ thông tin nơi nào cũng cần nên tìm việc rất dễ.

Mùa thu năm 2017, bố Phương bị bệnh viện trả về. Cô con gái cũng xin nghỉ việc để về bản ở Nghệ An chăm sóc bố. Những ngày đó, Julien gởi webcam liên tiếp. Anh chảy nước mắt những lúc thấy Lộc Phương khóc vì thương cha. Hôm cha người yêu qua đời, Julien định về ngay để an ủi Phương, nhưng sợ mình sẽ thành tâm điểm chú ý, nên xong lễ an táng 3 ngày anh mới về.

Lo xong việc của cha, Lộc Phương trở lại Phú Quốc, quyết định mở công ty du lịch. Vẫn là Julien đồng hành cùng cô đi phát tờ rơi quảng cáo khắp các đường phố và trong những resorts. Khi đạp xe thể thao, anh cũng dán quảng cáo trên balô để người ta nhìn thấy. Lúc công ty chính thức được nhiều khách hàng và resort biết đến, anh hỗ trợ Phương làm website. “Một phần nhờ có anh, tôi trau dồi thêm phong cách làm việc chuyên nghiệp”, Phương nói.

Chính trong thời gian Lộc Phương theo đuổi sự nghiệp, Julien càng nhìn rõ năng lực và ý chí của cô gái mình đã chọn. Phương có nhiều kinh nghiệm trong ngành khách sạn, nhưng còn non nớt trong lãnh vực tổ chức du lịch. Để lấp đầy những thiếu sót, ban ngày cô làm việc, gặp gỡ khách hàng, ban đêm thức khuya học thêm về tour, về điều hành và cạnh tranh giá. Cô tạo nét riêng cho công ty mình bằng cách mang tính chất Việt Nam đến khách quốc tế. Trong tà áo dài, Phương truyền tải nếp sống sinh hoạt, văn hóa, ăn ở, hôn nhân, cũng như sự đa dạng dân tộc tại Việt Nam, đa dạng ẩm thực giữa các vùng miền… Bước ngoặt trên đường khởi nghiệp là lúc cô ký được hợp đồng chính thức với một resort 5 sao, chuyên cung cấp tour cho khách của họ.

Khi tự tin đã có sự nghiệp của mình, cô gái Việt nhận lời sang thăm Thụy Sĩ, quê hương của Julien. Trong 3 tháng ở đây, Julien dẫn cô đi chơi khắp nơi. Một đêm, anh bảo: “Ngày mai chúng mình sẽ đi chơi xa”. Phương gặng hỏi mà anh tỏ ra bí mật. Mờ sáng hôm sau, họ đi xe lửa đến thành phố Lausanne. Trong một sân bay nhỏ, Julien dắt cô đến một chiếc trực thăng đã thuê và nói: “Hôm nay anh sẽ đưa em đi ngắm dãy núi Alps đẹp và hùng vĩ nhất châu Âu, chạy dài từ Thụy Sĩ sang Ý, ngăn cách với Pháp”.

Ba tiếng đồng hồ, đôi uyên ương cùng nhau ngắm phong cảnh thiên nhiên Thụy Sĩ biến hóa từ khi ánh mặt trời ló rạng, sương tan đến khi chỉ còn lại màu xanh trong vắt của trời và hồ nước, màu trắng của những ngọn núi tuyết. “Đây cũng là lần đầu tiên tôi biết Julien có thể lái máy baytrực thăng”, Phương chia sẻ.

Tháng 8/2019, đôi uyên ương tổ chức lễ cưới ở Việt Nam, theo phong tục của người Thái. Đúng hôm đón dâu, trời mưa khiến con đường đất đỏ sinh lầy và trơn đến mức “không thể đi nổi”. Nhà trai phải thuê một chiếc xe công nông, loại xe chở nông sản để đến nhà gái. Bà mẹ chồng “Tây” mang đến một đôi vòng bạc tặng mẹ cô dâu để đền đáp công sinh thành dưỡng dục. Chứng kiến nghi thức thắp nhang trước bàn thờ tổ tiên, nhà trai cảm thấy long trọng và ý nghĩa. “Việc uống rượu gạo trong tiệc cưới và việc mọi người cùng nhau tụ họp lại nấu nướng cũng là một điều lạ lẫm, thú vị với nhà chồng tôi’’ Họ thi nhau chụp ảnh, tận hưởng nền văn hóa đặc sắc mà họ chưa bao giờ được chứng kiến”- Lộc Phương chia sẻ.

Ngày hôm nay, con đường đất vẫn còn đó nhưng ngày về nhà của Phương không còn đơn độc nữa. Nắm tay cô là chồng và trong lòng vợ chồng cô là cặp song sinh – con trai – mang hai dòng máu Việt – Thụy Sĩ.

ĐOÀN DỰ

No comments:

Post a Comment