Pages

Saturday, July 16, 2022

Một Ngôi Nữa Rụng - Nguyễn Văn Sâm

 
Nhà văn Vũ Khắc Khoan

Trong điện thoại viễn liên, giọng Đào Trung Đạo trầm buồn như cảm nhận một mất mác sẽ xảy ra trong tương lai gần: "Có thể có tin buồn, mấy hôm trước Mai Thảo cho biết Vũ Khắc Khoan đau nặng, hôm nay (thứ bảy 13-9-86) gọi, chuông reo mãi mà không ai có ở nhà." Ngừng một lúc, giọng Đạo đượm lo âu: "Tao sợ cả nhà đã trực ở trong nhà thương. Có lẽ đã có chuyện gì rồi."

Tiếng "có lẽ" gọi một hy vọng và thảy cho tôi một tấm ván không chắc về sự không có gì chắc chắn của sự kiện, nên chỉ đón tin với một chút xúc động. Niềm xúc động đến thật mau nhưng tan biến thật nhanh khi có sự nhúng tay của suy luận: chuyện chưa có gì chắc chắn.

Tôi hỏi để kiểm tra lại điều ngờ:

- Ổng đau gì vậy, nặng lắm sao?

- Cancer. Mổ nhiều lần rồi. Giờ nó lan ra tùm lum.

Tôi chợt nghe mình đau đau lăn tăn ở bụng, chỗ bao tử. Ai vướng vào nợ văn chương dường như cũng đều phải trả cái lãi suất ác ôn nầy, không bao tử thì ruột gan phèo phổi,... May ra thực phẩm và thuốc men xứ này cứu vãn được phần nào chăng! Nhưng chắc chắn chẳng chóng thì chầy, chẳng nầy thì khác. Tôi thở dài, hỏi tiếp, giờ thì thấy chuyện rất có thể trở thành hiện thực.

- Ổng bao nhiêu rồi?

- Hình như bảy chục.

Một bài toán trừ hiện ra trong trí tôi để xem mình còn bao nhiêu nữa. Thói quen lẩm cẩm này theo tôi từ lâu lắm, lúc ở quê nhà mỗi lần đọc một mộ bia thấy người nào trong lứa mà đã nằm xuống, tôi đều buồn cho họ, thầm mừng cho mình. Ngày tháng chất chồng, đọc tiểu sử bất kỳ nhà văn nào, tôi lại lần mò xem họ đã sống được bao lâu để rồi tự vấn còn "thọ" bao nhiêu tuổi trời nữa, đã viết gì, trong đó có bao nhiêu điều xứng đáng? Thường là thất vọng, ngày tháng ở đây qua vèo với những chuỗi ngày trả nợ áo cơm, khoảng thời gian dành cho viết lách thiệt ít ỏi, càng ít ỏi hơn khi sống đơn độc, xa cách cộng đồng, vốn phải đào xới trong quá khứ, kỷ niệm, soi rọi tâm hồn vào những từng lớp sự kiện, tâm tư đã được chôn chặt trong thời gian.

Tiếc cho mình, phải chi được ở trong những vùng đông người Việt.

 Nguyễn Mộng Giác gọi điện thoại hỏi: "Ông Vũ Khắc Khoan mất rồi, biết chưa?".

Khác với hôm qua lúc nghe Đạo nói với chữ có lẽ, lần nầy tôi bàng hoàng thật sự, cái bàng hoàng của người thấy sự mất mác, thấy sự bất lực của nhân sinh trước tạo vật, thấy một sự công bằng đến tàn nhẫn của Tạo Hoá: ai cũng phải có lúc nằm xuống, dầu cho người đó đóng góp thật nhiều cho đời, dầu cho thêm vài năm tuổi đời, ông ta ích lợi hơn cả cuộc sống những người bình thường, nhà cửa, xe cộ, ăn chơi, phè phỡn, ích kỷ.

Trích tiên Lý Bạch một thời xáo động rồi cũng rong chơi tiên cảnh. Tử Mỹ với những bài thơ hiện thực xúc động cả với người xa cách mấy trăm năm sau, cũng đi về cát bụi mịt mùng... Những người này tuổi trời còn cao. Tác giả Đằng Vương các tự, Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mặc Tử ngắn hơn. Sớm muộn thôi, trời cho ai bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Ai cũng có lúc nằm xuống, lẽ công bằng tàn nhẫn tạo vật dành cho nhân sinh!

Tôi trả lời như để nói với mình:

- Buồn ghê, những ngôi sao lớp trước rơi rụng từ từ. Chồi non tấn lên chưa thấy được bao nhiêu, nghĩ buồn cho văn chương Việt. Nạn hồng thuỷ đối với dân tộc kéo dài theo nạn hạn hán của văn chương. Đại nạn nhân sinh lấn sang đại nạn chữ nghĩa.

- Anh em mình viết bài về ông Khoan nhé! Nhắn giùm Quân nữa.

- Sẽ cố. Cần là tấm lòng. Một sự thương mến thật sự, con người cụ thể hoặc con người văn chương. Chỉ sợ điều mình viết ra nằm trong cái thường tình: nhân-một-người-nằm-xuống hay nhân-một-sự-quen-biết.

- Mình làm gì được cứ làm. Văn Học sẽ ra một số đặc biệt về Vũ Khắc Khoan... Hơi nào... Người viết ở đây có bao nhiêu!

Buông điện thoại xuống, tôi tiếp tục miên man nghĩ về câu nói của "Mùa Biển Động". Đâu có bao nhiêu, không nhiều, thương mến nhau không hết, nâng đỡ nhau đi không đủ, sao lại dửng dưng, thù nghịch, ganh ghét. Giở tuyển tập do Hoàng Ngọc Ẩn thực hiện 5 năm trước dò lại, chốc đã 6 người nằm xuống: Hoàng Minh Hương, Xuân Hiến, Nhất Sơn Vũ Quang Hân, Hồng Liên Lê Xuân Giáo, Thanh Nam, giờ thì Vũ Khắc Khoan. Những ngôi sao lần lượt rụng, mất mát gieo vào lòng người hầu như năm nào cũng có...

Bầu trời âm u còn lại lác đác sao khuya. 

Tôi biết tài họ Vũ đâu vào khoảng 1957  - cũng với tạp chí Sáng Tạo mà tôi chờ đợi mỗi đầu tháng, nóng lòng ra sạp báo chộp lấy đọc mê mẩn, ngấu nghiến trên đường về, lắm lúc còn đến cả toàn soạn  - lúc đó Sáng Tạo đóng đô ở một căn nhà nhỏ trên đường Ký Con cạnh Hội Dục Anh và một tờ báo chuyên về Kịch Ảnh - để hỏi - Vũ Khắc Khoan của những truyện cổ được nhìn lại bằng một lăng kính mới phóng khoáng hơn, sinh động hơn, mang một nội dung triết lý với nhiều ý nghĩa đã mở cho tôi một cõi mới trong cái nhìn về truyện cổ khác với cái nhìn tôi có được khi đọc Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc.

Tôi cũng tò mò đọc lại những bài viết cũ của ông đăng trên một tạp chí do Tổng Hội Sinh Viên Hà Nội chủ trương xuất bản ở thủ đô trước ngày đất nước bị chia đôi. Lúc đó họ Vũ viết những bài nghị luận, nặng nề, trí thức. Tôi nghĩ, sự đóng góp của họ Vũ vào phần lý thuyết của nhóm Quan Điểm bắt đầu từ những suy tư đó.

Sau nầy, khi có thêm được một chút thưởng ngoạn văn chương, tôi say mê Vũ Khắc Khoan qua Thành Cát Tư Hãn - cũng như Người viễn khách thứ mười của Nghiêm Xuân Hồng - hai kịch bản của nhóm Quan Điểm và có thể nói là 2 kịch bản hàng đầu của nền văn học VNCH.

Những Lộng Ngôn, Mơ Hương Cảng, thật tình không để lại trong lòng tôi một dấu ấn nào, nhưng những năm đó tôi thấy con người họ Vũ có điều gì hay hay.

Tôi chân ướt chân ráo về phục vụ trong ban Việt Văn trường Đại Học Văn Khoa thì Vũ Khắc Khoan đã dạy ở đó lâu rồi. Ông thuộc vào thế hệ trước, lớp già, nhưng có cách đối xử thật thân thiện, tương kính, và không đố kỵ đối với người trẻ, thái độ kẻ sĩ trong cách xử thế, phong cách tài tử của nhà văn trong cách nói chuyện. Tôi chưa thấy ai ghét hay khinh ông, không phải vì ông tròn đầy, vừa lòng mọi người mà vì cái phong thái, cái gì là lạ toát ra từ trong nụ cười, cái gật đầu, cách đốt điếu thuốc, và cả trong cử chỉ ít người có, vất vưởng trên xe xích lô chạy tuốt vào trong sân trường. Sinh viên mến thầy ở những cách giải thích mới mẻ những vấn đề đặt ra, thích thầy ở những cầu đùa vỡ bụng nhưng thầy không thay đổi nét mặt - có chăng là cúi xuống đốt thêm một điếu thuốc đen - điếu thuốc gắn liền với họ Vũ và trọng thầy ở sự sốt sắng chỉ dẫn về giảng khoá. Giáo sư Khoan có cái gì đó phân biệt với đồng nghiệp cùng trường, phong cách khoáng đạt của nhà văn trong nhiệm vụ nhà giáo, cử chỉ từ tốn của nhà giáo trong bộ dạng nhà văn.

Tôi thường nhìn mặt ông trong các buổi họp ban để liên tưởng đến bộ mặt của Thành Cát Tư Hãn, người hùng đã làm nghiêng ngửa Âu Châu, đạp dưới chân Châu Á, hay vẻ kỳ bí của ông "Thần" trong huyền thoại Tháp Rùa,...  một gương mặt đặc biệt, tròn trịa, cái tròn trịa rõ nét bụi đời, đỏ, bóng, anh chị, cương nghị và từng trải. Vậy mà ông hiền khô, nhũn nhặn và đầy chất tính chất trí thức trong lúc nói chuyện.

Trong bảy năm cùng nhau phục vụ dưới một mái trường, tôi chưa từng nói chuyện văn chương với ông - lúc đó tôi sống đời thầy giáo, không có cuộc sống văn nghệ - nhưng những lúc bàn về đề tài giảng dạy, tôi thấy sự say mê của họ Vũ trong việc kiện toàn chương trình của trường cũng như ý hướng có một thế hệ sinh viên có một hành trang đầy đủ về kiến thức văn hoá Việt.

Tôi mến Vũ Khắc Khoan từ thái độ đó.

Sau những ngày dao động về sự đổi chủ của đất nước, chúng tôi, những người kẹt lại, có cái thích thú tò mò kiểm điểm lại kẻ còn người mất, họ Vũ đã may mắn thoát đi. Những lúc qua cư xá giáo sư ở Duy Tân, tôi thường nghĩ tới Vũ Khắc Khoan, căn nhà ông giờ người khác - Phan Hữu Dật - trưởng ban điều hành trường Đại Học Văn Khoa, chiếm ngụ. Tôi thấy điều đó mỉa mai, người của chế độ mới cũng mập mạp như ông Khoan, nhưng cặp mắt thiệt láu cá và lời nói luôn che đậy một dụng ý. Người ở trước phóng khoáng và gần gũi bao nhiêu thì kẻ chiếm ngụ sau chi li và thù nghịch bấy nhiêu. Người trước văn chương chữ nghĩa bao nhiêu, người sau đố kỵ, mù quáng bấy nhiêu. Tối tiếc sách vở trong căn apartment đó, tôi tiếc bộ Vấn Đề mà trước đây mình thiếu mấy số. Tang thương và thay đổi!

Lúc đó tin tức bên ngoài lọt về quê nhà thiệt hiếm hoi và không chính xác. Tin Đỗ Đình Tuân đi hát lãnh cashier cả chục ngàn mỗi lần trình diễn, tin kịch Thành Cát Tư Hãn  bản tiếng Mỹ được thực hiện, Vũ Khắc Khoan lãnh nửa triệu Mỹ kim, chúng tôi truyền tai nhau mà xót xa cho thân phận chậm chân, bất tài, ở lại chờ đợi một cách tủi hổ, xót xa những bữa phân phối cá ương, thịt thối, mấy thứ rau héo úa, vài hột tiêu và mấy gram bột ngọt dược phe  mới coi như thứ thần thực phẩm cũng là thần dươc, bổ và giúp  kiện toàn trí nhớ!!!...

Qua Mỹ, trực diện đời sống ở đây, mới thấy tin về phần nào phát sinh từ sự thật, nhưng đã được phóng đại đến tận cùng bằng những đầu óc tưởng tượng phong phú, xứ nầy có thể kiếm được những số tiền lớn, nhưng đâu phải chỗ cho những người làm văn nghệ!

Dựng kịch, viết lách, hát hò có được là tốt rồi, những số tiền lớn xin đừng nằm mơ, các sắc dân Á Châu khác ở xứ này đã lâu, mấy ai mơ tưởng đến chuyện đó! 

Tôi báo tin sự nằm xuống của "Thần tháp rùa" cho Bình Nguyên Lộc, giọng "Rừng mắm" một chút gì đó hốt hoảng, bàng hoàng, cái bàng hoàng tôi đã có ngày hôm trước.

Im lặng một lúc lâu, Bình Nguyên Lộc hỏi:

- Ảnh thọ được bao nhiêu?

Tôi lặp lại câu nói của Đoàn Trung Đạo hôm trước.

- Như vậy còn nhỏ hơn tôi.

- Anh còn mười năm nữa mà!

Cái cười hiền từ đầu dây bên kia. Chúng tôi trao đổi nhiều câu chuyện khác nữa, nhưng tôi biết, cũng như tôi, Bình Nguyên Lộc không để hết tâm trí đến câu chuyện mà lơ mơ suy nghĩ về cái chết của một người bạn văn, về trạng thái của một người cô đơn, xa cách bạn bè, trực diện với một vấn đề lớn của đời: cái chết.

Tôi nhớ đến mấy câu thơ của họ Vũ:

Tôi cúi đầu tưởng đến duyên kỳ ngộ

Mong manh chim lạ cành du

Rồi những khuôn mặt cũ

Cùng lận đận bên trời một lứa

Giờ đây thưa thớt

Như lá mùa thu

Ước cũ duyên thừa

Có còn tiếp nối

Hay chông chênh sát na một thoáng

Chim lạ bỏ cành du

Cánh nhỏ vụt nhoè trong ánh tuyết...

Vậy  đó bạn bè "bên trời lận đận" lại thêm một lần thưa thớt, một người nữa bỏ lại cuộc chơi, cánh nhỏ nhoè trong ánh tuyết trắng xoá về nơi xa thẳm ngút ngàn để thương cho người còn lại. Câu mách nước của Mai Thảo "muốn hiểu sự tối thẳm (của ngành sân khấu) như thế nào xin hỏi người viết và dựng kịch Vũ Khắc Khoan"  sẽ chẳng bao giờ áp dụng được nữa. Người có thế giá nhất về kịch - lồng trong một lý thuyết về tư tưởng - đã nằm xuống. Vĩnh viễn không thể trả lời. Vĩnh viễn.

Một ngôi sao nữa đã thiếu trên bầu trời. Chúng ta, những người còn lại bàng hoàng, xúc động. Ngác ngơ.


Nguyễn Văn Sâm

(Texas, Sept, 86)

No comments:

Post a Comment