Theo truyền thuyết, tạo hóa sinh ra đàn bà từ một dẻ sườn của người đàn ông và ban tặng họ cả gia tài khổng lồ đó là những giọt nước mắt của suối nguồn yêu thương, đau khổ. Đàn bà khóc là chuyện bình thường. Còn đàn ông, liệu họ có bao giờ rơi nước mắt? Nhân gian quan niệm đàn ông thường gắn liền với bản lĩnh cứng cỏi, sự lạnh lùng vô cảm. Không! Đàn ông cũng biết khóc, cười bởi họ cũng là con người có trái tim. Chỉ có điều nước mắt đàn bà trào qua bờ mi thì nước mắt đàn ông lại chảy ngược vào tim.
Tôi đã hơn một lần
chứng kiến nước mắt đàn ông rơi.
Cha tôi khóc, ngày mẹ
buông tay cha con tôi đi theo một người đàn ông khác, mẹ mải mê kiếm tìm ảo ảnh
hạnh phúc ở chân trời xa lắc mà quên đi tổ ấm bình yên. Ngày ấy, cha câm lặng
như một pho tượng bằng đá, bàn tay thô ráp của cha cầm cái rựa chém mạnh vào
cây chuối sau vườn nhà, thân chuối đứt đôi như duyên nợ của cha mẹ tôi gãy làm
đôi mảnh. Lưỡi dao sắc ngọt chém toạc bóng đêm, chém rách ngọn gió đông gầy,
chém toạc lời thề đá vàng tào khang. Tôi sợ hãi ôm lấy cha, hét lên: “ Cha ơi,
cây chuối mẹ trồng đó! Nó ra hoa rồi kìa!”. Nghe câu nói ngây thơ của tôi, cha
cười đắng ngắt: “cảnh còn, người mất, tiếc chi con!”. Đêm ấy, nằm bên cha, tôi
thao thức, nghe hai hàm răng cha nghiến mạnh để không bật ra tiếng khóc nhưng
tôi vẫn cảm nhận được những giọt nước mắt mặn mòi của cha chảy ngược vào tim,
tim cha buốt nhói, cha trằn trọc, tiếng thở dài kẽo kẹt nhịp chõng tre. Nhiều
ngày sau đó, cha lầm lũi làm việc, đêm khuya, cha mượn cút rượu cuốc lủi có cái
nút lá chuối khô tìm quên. Những lúc ấy, mắt cha đỏ ngầu, cổ họng cha phát ra
những tiếng khô khốc tựa lời nguyền cay độc. Khi ấy, tôi chẳng hiểu cha cười
hay khóc nữa, nếu có cười thì cũng ra nước mắt mà thôi. Rồi cha nhìn trăng,
ngâm ngợi đôi vần thơ chua chát:
“Đá mòn nhưng dạ chẳng
mòn
Tào Khê nước chảy hãy
còn trơ trơ.”
Tôi cảm nhận được vết
thương trong lòng cha sâu hoắm như một cái hố. Và tôi biết cha còn thương mẹ
rất nhiều. Thương và hận đã vò xé con tim rớm máu của cha. Những tháng ngày ấy,
cha tôi nước mắt chan cơm vơi đầy.
Gà trống nuôi con, cha
quyết chí nuôi tôi ăn học. Kỳ thi đại học đến, cha con tôi khăn gói quả mướp
lếch thếch đưa nhau lên thủ đô. Lần đầu tiên cha tôi xỏ đôi dép, đôi dép tổ ong
mới đổi của bà lông ngan, lông vịt không che hết những ngón chân thô kệch lam
lũ thò ra. Nhìn bộ dạng quê mùa, lớ ngớ của cha con tôi, bọn xe dù, bến cóc thi
nhau chào mời. Cha con tôi bị bán khách đến vài ba lần, vẫn phải đi bộ hàng cây
số mới hỏi thăm đến trường thi. Mỗi lần trả tiền xe, cha ngậm ngùi cởi bọc tiền
được gói cẩn thận trong cái áo bộ đội đã sờn, còn tôi ấm ức, bức xúc với thái
độ chém chặt, lừa gạt khách. Tôi lầm bầm: “ Cuộc sống thành phố thật phức
tạp.”. Sợ tôi nản chí, ảnh hưởng việc thi cử, cha gượng cười: “ Lần đầu cha con
mình lên đây, như vậy cũng rút ra bài học, đi một ngày đàng học một sàng khôn
đó con.”. Sau khi thuê phòng trọ thi cho tôi tại kí túc xá, cha đưa tôi vào
căng tin ăn cơm, nhưng cha chỉ mua một suất. Tôi ngạc nhiên hỏi, cha nói rằng
hẹn gặp một người quen ăn cơm cùng họ. Tôi hồn nhiên tin ngay mà đâu hay cha
lặng lẽ ăn cơm nắm, muối vừng dưới gốc cây. Đêm xuống, cha nói với tôi vào ngủ
nhờ nhà người quen. Nào ngờ, sáng ra, lạ nhà, không ngủ được, tôi lang thang ra
hành lang, giật mình phát hiện cha đang nằm ngủ ở ghế đá trong khuôn viên. Đến
bên cha, tôi nghẹn ngào khóc nấc: “ Mình về thôi cha, con không thi nữa!”. Cha
choàng tỉnh, an ủi tôi: “ Bố cô! Tôi ngủ đây mát như đàn, sao nào. Cực bao
nhiêu cha cũng lo cho con học, phải học mới mở mặt ra được con ạ! Như cha đây,
thất học, bất tài nên mẹ con bỏ cha...”, mắt cha nhìn xa xăm, còn tôi lại hun
đúc quyết tâm khoa bảng. Sau mỗi buổi thi, cổng trường đông nghịt phụ huynh chờ
con với tâm trạng hồi hộp. Giữa những chiếc xe hơi sang trọng nối đuôi nhau
cùng dòng người mặt hoa da phấn, tôi nhận ra cha với chiếc áo bạc màu, cái quần
quăn tít như lò xo cùng bộ dạng hớt hải, cha cầm cái mũ cối vẫy tay ra hiệu cho
tôi khiến tôi không cầm được nước mắt. Tôi hoàn thành bài thi rất tốt, cha vui
lắm, nhìn thiên hạ đưa rước con bằng xe hơi, cha ngậm ngùi: “ Cha bất tài nên
con thiệt thòi!”. Tôi ôm lấy cha thầm thì: “Cha là người đàn ông vĩ đại nhất
trong mắt con!”, cha cười mà mắt đỏ hoe: “ Bố cô! Lẻo mép!”.
Một ngày đẹp trời, cha
đang cào thóc phơi bỗng có tiếng xe đạp “kính coong” của anh bưu tá đưa thư.
Tôi trúng tuyển đại học. Hình như cha mừng hơn cả tôi, cầm phong thư có dấu đỏ
chót của trường đại học trên tay, cha vỗ tay vào đùi đánh đét rồi quýnh quáng
chạy khoe khắp xóm. Bà con ai cũng mừng cho cha con tôi.
Lần thứ hai cha khóc,
ấy là ngày tiễn tôi đi học đại học. Ngồi trên chuyến xe liên tỉnh duy nhất
trong ngày, tôi ngoái đầu nhìn lại, trong làn khói bụi, cha đứng đó, hanh hao
gầy, mắt cha rưng rưng. Bóng cha loang lổ trong hoàng hôn nhạt nắng Tôi lên
thành phố để lại trong cha cả trời thương nhớ, cả nỗi cô đơn vò võ. Cuộc sống
phồn hoa chốn đô hội khiến tôi lạc lõng, thương nhớ cha nhiều hơn. Cha viết thư
dặn dò tôi phải chăm chỉ học, không cần về nhà nhiều, dồn thời gian mà học, cần
gì cha sẽ gửi cho. Thương cha, tôi chăm chỉ học hành, giành được học bổng cao
nhất.
Nghỉ Tết, tôi háo hức
mua sắm đồ trở về quê, không quên mua biếu cha một bộ quần áo mới bằng tiền học
bổng của mình. Lặng lẽ về, không báo trước để tạo sự bất ngờ cho cha, bước chân
vào khoảng sân vắng, tôi nghẹn lòng bắt gặp hình ảnh cha cặm cụi ngồi gói bánh
chưng với đôi bàn tay vụng về, lóng ngóng. Việc này, bao năm rồi mẹ tôi vẫn
làm. Cha gầy hơn, đôi mắt trũng sâu hơn. Chạy lại bên cha, tôi nghẹn ngào: “
Con nhớ cha quá!”, chiếc lá dong trên tay cha rơi xuống, cha mừng rỡ ngắm nghía
tôi từ đầu đến chân, vẫn câu nói quen thuộc mà ghim tạc vào lòng tôi ngọt ngào:
“ Bố cô! Lớn rồi mà như con nít! Liệu mà học, đừng có yêu đương tí tởn, cha gọt
đầu bôi vôi nghe con!”. Những ngày Tết thật đầm ấm biết bao, tiếng nói cười rộn
rã của tôi dệt thành những sợi nắng hồng sưởi ấm cuộc đời u buồn, ngang trái
của cha dẫu những ngày ấy thật ngắn ngủi.
Tốt nghiệp đại học với
tấm bằng đỏ, tôi dễ dàng kiếm được một công việc như mơ. Rồi tôi đẹp duyên với
một chàng trai Hà thành gia giáo, tài ba. Cuộc đời như trải thảm cho tôi đi.
Không! Đúng hơn là cha tôi đã dùng sự lam lũ, cay đắng đời mình để đệt thảm
cuộc đời tôi. Cha đã nuôi tôi thành người bằng những đồng tiền lấm lem, chiu
chắt một nắng hai sương. Cha đã oằn lưng cơ cực để con đường tôi đi thẳng tắp.
Cha đã dùng giọt nước mắt đời mình để tô hồng nụ cười trên môi tôi. Ngày tôi
lên xe hoa theo chồng, tôi đâu hay cha đã khóc thật nhiều mặc dù cha cố tỏ ra
cứng rắn vì không muốn tôi buồn trong ngày hạnh phúc nhất cuộc đời. Ngoái lại,
tôi bắt gặp hình bóng liêu xiêu, gầy guộc của cha thẫn thờ nhìn xác pháo tung
bay rợp bờ sông đỏ nắng. Đưa tay vẫy chào tôi, cha khóc, nước mắt lăn dài trên
gò má sạm màu nắng gió. Bộ quần áo mới toanh, sang trọng tôi sắm cho cha không
khiến cha lột xác, nó mâu thuẩn , đối lập thê thảm với bộ dạng khắc khổ của
cha.
Làm dâu xứ người, nỗi
nhớ thương cha cồn cào trong tôi. Mỗi khi ngồi quây quần bên mâm cơm gia đình
chồng cùng bàn ăn thịnh soạn, tôi lại thắt lòng, quay quắt nghĩ đến cha đơn
chiếc bên cái mâm gỗ cùng vài quả cà muối hẩm, rau muống chấm tương. Tết đến,
xuân về là lúc tôi nhớ cha nhiều hơn. Được cái mẹ chồng tôi là người hiểu biết,
cảm cảnh cha tôi hiu quạnh, bà mua sắm quà Tết rồi cho vợ chồng tôi về quê ăn
tết với cha. Tôi mừng rơi nước mắt. Ba Mươi Tết, vợ chồng tôi đánh xe hơi về
quê. Không khí ngày xuân khiến xóm làng tưng bừng, rộn rã. Nhà nhà quây quần,
đầm ấm bên mâm cơm tất niên sum vầy. Bước chân vào ngõ, lòng tôi quặn thắt nhìn
ngôi nhà hiu quạnh, buồn tênh không chút sắc khí ngày xuân. Nép sau cây rơm,
tôi lặng lẽ quan sát cha. Thân hình khắc khổ của cha lọt thỏm trong tấm áo bông
huyền thoại, ngọn gió mãn đông tàn nhẫn rít gào từng cơn tê tái. Hình ảnh cha
khoảnh khắc ấy đóng đinh trong lòng tôi nhức buốt. Ba Mươi tết, cha đơn chiếc,
vò võ một mình. Ba Mươi Tết, cha cặm cụi, thui thủi bên chái bếp làm cơm cúng
tổ tiên. Bàn tay gầy guộc của cha lóng ngóng đơm xôi, cái bánh chưng bóc vụng
miếng to, miếng nhỏ, đỗ, thịt thò cả ra ngoài. Tiếng nói cười rôm rả bên nhà
hàng xóm vọng lại khiến cha ngước mắt, rồi cha nhìn xa xăm như kiếm tìm điều gì
đó và...một giọt nước mắt mặn mòi từ từ lăn xuống khuôn mặt khắc khổ, in hằn
bao cay đắng. Không thể kìm lòng được nữa, tôi chạy đến ôm chầm cha nức nở như
con nít bị đòn oan: “ Cha ơi, con về với cha rồi đây!”. Cha tôi sững sờ: “Các
con về sao không báo cha? Cúng tất niên xong, mau về trên đấy ăn Tết với ông
bà.”. Tôi vẫn nghẹn ngào: “Không, vợ chồng con sẽ ăn tết với cha.”. Cha lặng
người, ái ngại: “Thế sao được, con gái lấy chồng phải chu toàn việc nhà chồng.
Cả năm có ba ngày tết, các con phải về sum họp kẻo lỗi đạo dâu con.”. Chồng tôi
cay cay khóe mắt, ôm choàng cha: “Là mẹ con bảo chúng con về đó cha.”. Đúng lúc
ấy có chuông điện thoại của mẹ chồng tôi gọi chúc tết cha tôi, bà nói rằng trên
đó còn có các anh, chị nên vợ chồng tôi cứ yên tâm ăn tết ở quê cùng cha. Cha
mừng ra mặt, vụng về nói lời cảm ơn và chúc tết bố mẹ chồng tôi.
Một ngày, dì ruột tôi
báo tin mẹ tôi bệnh nặng, đơn chiếc một mình không ai chăm sóc. Người đàn ông
dụ dỗ mẹ tôi đã bỏ bà ra đi khi “Con ong đã tỏ đường đi, lối về”, khi hoa tàn,
nhụy rữa xuân thì nhạt phai. Nghe tin ấy, lòng tôi lạnh lùng, dửng dưng lạ! Tôi
thầm nghĩ phải chăng đó là quả báo mà bà đã tự gieo, gặt. Nhưng dì tôi nói
đúng, dẫu oán giận bao nhiêu thì tôi vẫn là giọt máu mà mẹ đã mang nặng đẻ đau
chín tháng mười ngày, thâm tình đâu dễ dàng rũ bỏ. Tôi quyết định thông báo với
cha tin này. Mặt ông tím bầm lại giận dữ hệt như cái ngày mẹ bỏ đi, ông hét
lớn: “Đừng nhắc tới người đàn bà tệ bạc ấy trước mặt cha. Coi như bà ấy đã chết
rồi.”
Vậy nhưng nước mắt cha
tôi vẫn rơi tiếp. Ấy là ngày cuối đời của mẹ, cha bất ngờ xuất hiện. Mẹ thều
thào nói lời tạ lỗi với cha con tôi trong hơi thở gấp gáp. Cha khóc nghẹn: “Bà
dại lắm! Sao lại để mình ra nông nỗi này? Bà có biết tôi vẫn đợi bà trở về từng
ngày không? Có kiếp sau, bà vẫn phải trả nợ cha con tôi. Tôi đưa bà về nhà mình
nhé!”. Thì ra cha vẫn yêu mẹ nhiều lắm, tình yêu và hận thù làm héo hon con tim
cha. Mẹ tôi cười thanh thản, nhẹ lòng, hai tay mẹ run rẩy chới với nắm tay tôi
và cha, giọt nước mắt của cha và mẹ hòa vào nhau trên đường giao định mệnh. Mẹ
trút hơi thở cuối cùng. Cha tôi lại lặng lẽ lo ma chay cho mẹ, khuôn mặt cha
thêm nhiều nếp nhăn hơn, đôi mắt ông trũng sâu hơn. Mỗi ngày cúng cơm cho mẹ,
nước mắt cha lại chảy ngược vào tim. Tôi biết!
Khi nước mắt đàn ông
rơi, ấy là tột đỉnh của niềm hạnh phúc!
Khi nước mắt đàn ông
rơi, ấy là tột cùng của sự khổ đau!
Cha tôi... đã khóc một
đời!
Đi qua ngày của cha.
Từ FB Anh Phan
bai viet hay qua
ReplyDeleteBài viết lay động lòng người. Bối cảnh ngoài Bắc nhưng vẫn chạm vào lòng người miền Nam. Thế mới hay tình người cha không có biên giới Bắc-Nam hay biên giới quốc gia.
ReplyDelete