Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em mà tôi đứng vào hàng thứ tám và cũng là út trong nhà, không hiểu là tại bị sinh non hay là tại bà má lúc mang bầu với huyết áp cao mà đầu óc tôi có vấn đề nói nôm na theo kiểu châm chọc là bị nước vào óc, đầu bị bò đá. Chính vì bị bò đá mà tôi học hành dở như hạch, toàn là đứng cuối trong lớp, bạn bè không tiếc thương bèn tặng cho cái danh hiệu Tám Tàng, học dốt lại thêm tính lù đù chậm chạp thêm vào đó là ai nói nhiều nói dai thế là tôi lại ngẩng người như thằng phổng chẳng hiểu là họ đang nói điều gì, nói với ai thậm chí nhiều lúc tôi còn nghĩ mình là người hành tinh khác lưu lạc xuống trái đất.
Người ta hay nói
"Lù khù có ông khù độ mạng hoặc lù khù vác cái lu mà chạy" và tôi chính
là cái thằng này bằng chứng là khi thi tú tài một cứ nghĩ là mình trợt vỏ chuối
bởi bài toán hình học không gian thì lại được quý nhân độ mạng.
Số là tôi tên Lam khi
vào phòng thi lại gần cô gái tên Lệ ngồi ở bàn phía trước, có lẽ thấy tôi cứ
ngồi cắn bút chì, ngơ ngác con nai vàng vì bài toán hóc búa thì cô cho tôi copy
bài thi của cô và kết quả là Tám Tàng nắm lấy cái tú tài phần một còn gọi là tú
tài đơn với hạng thứ, một thứ hạng đứng chót trong bảng phong thần: Tối ưu, ưu,
bình, bình thứ và thứ.
Với cái tú tài hạng
bét như tôi thì là niềm hãnh diện vô cùng nhưng nghĩ rằng nếu tiếp tục con
đường hoạn lộ bằng cái trí thức bằng con chí mén thì sẽ thất bại, thế là tôi
chọn ngay con đường binh nghiệp để dấn thân. Than ôi! Cứ nghĩ rằng chữ nghĩa là
khó khăn, không ngờ học cách cầm súng cũng nhiêu khê không kém, lời giảng của
ông thầy từ tai này bay qua tai kia cơ hồ như không còn hiện diện trong tâm
trí, ông huấn luyện viên thao thao trên bục giảng thì Tám Tàng ngồi gật gù tán
thưởng trong cái ngủ gà ngủ gật, ra bãi chiến thuật thì tìm cách chui vào bụi
cây tìm giấc ngủ, tác xạ thì mười phát trúng chỉ một không bao giờ được thêm,
đi di hành dã trại thì thiên hạ kéo nhau xuống câu lạc bộ ăn uống thỏa thích
thì tôi mới lọ mọ mò về đến nơi. Với cái đầu bị bò đá, óc bị ngập nước cùng với
năng khiếu kém cỏi Tám tàng ra trường với thứ hạng khá, chữ khá mà tôi có thể
hãnh diện bởi lần đầu tiên trong đời ăn đứt 100 thằng mà không phải đội sổ, thứ
hạng 500 trên 600 là oai hùng lắm nha, ít ra là không bị ông cọp liếm tóc, có
thể chọn đơn vị theo ý thích….
Đứng trước căn nhà lầu
hai tầng khang trang trên con đường Yên Đổ, tôi ngẩn ngơ như không tin vào mắt
của mình bởi lão Khọm là ai thì tôi rất rành về con người của ông ta khi còn ở
khu cấm: Bầy hầy, làm biếng, vụng về và gàn bát sách. Bản thân như thế sao lại
có căn nhà ngon lành như vậy chứ?
- Ông là ai mà lại
rình mò trước nhà của tôi?
Giọng thanh thoát mang
âm điệu của người Bắc khiến tôi giật mình vì sợ.
- Khiếp! Cô làm tôi
suýt chết vì đứng tim, tự dưng la làng lên như vậy chứ.
- Ô hay! Cái ông này…
Ông ăn nói lạ nhỉ? Đây là nhà của tôi cơ mà.
- Thế là vậy... Xin
hỏi đây là nhà của lão Khom. À quên nhà của thiếu tá Quang?
- Đây không có ai là
Quang hết, xin mời ông rời khỏi nơi này ngay lập tức bằng không tôi gọi cảnh
sát!
- Gọi đi! Tôi không
làm gì phi pháp cả tự dưng chụp cái mũ rình mò ăn trộm. Mục đích đến nơi này là
hỏi thăm tin tức của ông ta, người một thời chung sống ở trại cấm với tôi, chưa
biết đầu cua đuôi nheo gì hết lại dọa gọi cảnh sát. Đúng là Bắc kỳ chanh chua
đanh đá có khác.
- Im..Im miệng!..
Người gì đâu mà bất lịch sự, ăn nói quàng xiên cóc đế. Xê ra.. Nhanh ..!
Cô gái đỏ mặt tía tai
vì phẫn nộ vì cả đời chưa bị ai mắng nhiếc nặng nề như thế, cái giận khiến cô
nom đáng yêu vô cùng huống hồ người con gái vốn dĩ lại xinh đẹp và có nét thu
hút mãnh liệt.
- Không xê thì cô làm
gì tôi nào…?
Tôi hếch mặt lên trời
thách thức.
- Eo ui!. Thách tôi
phải không? Anh có anh hùng thì chờ đấy.. Mẹ ..Mẹ. Có kẻ cắp trước nhà, hắn
đang trêu con đây.. Mẹ ra nhanh đi.
Thấy bóng người thấp
thoáng sau cánh cửa kính mà tôi đoán là người nhà của cô sẽ xuất hiện, thế là
tôi dọt liền nhanh còn hơn con thỏ sang bên kia con hẻm sau khi ném cái nhìn
hăm dọa về cô: Hãy chờ đấy, chúng ta còn gặp nhau dài dài..
Thế là từ sau cái hôm
chạm trán với cô gái chanh chua kia, tôi mò vào cái quán cà phê nhỏ đối diện
với nhà cô:
- Ông chủ cho hỏi thăm
một chút, nhà bên kia đường có phải là của ông Quang?
- Đúng rồi, là của ông
Quang, hình như không còn đi lính nữa suốt ngày ru rú trong nhà, ra bên ngoài
chỉ có bà vợ và con gái.
- Thế cô ta tên là gì?
làm việc hay còn học?
Lão chủ quán cười hề
hề nhìn tôi với ánh mắt hóm hỉnh lẫn khinh thường.
- Con bé tên Quỳnh
Hương, đang học năm thứ 3 trường Dược, xinh xắn và dễ thương cho nên có nhiều
người theo đuổi lẫn trồng cây si trước nhà. Theo tôi nghĩ là ông không nên bởi
tướng tá rất ư là xoàng xĩnh lẫn nghèo nàn chắc chắn là không lọt vào mắt xanh
của cô bé ấy đâu.
- Này ông chủ, xin
đừng khinh thường Tám Tàng này nghe, không biết ông có nghe câu" Chưa chắc
mèo nào cắn miêu nào hoặc lù khù có ông khù độ mạng”? Nếu một ngày nào đó tôi
nắm tay cô dẫn đến trước mặt ông thì sao đây?
Lão chủ quán ngẩn người
nhìn tôi với ánh mắt quái dị ra chiều như là người từ hành tinh lạ mới xuống
trái đất, lão chủ ngoẹo đầu nhìn tôi từ trên xuống như đánh giá rồi cười giả
lả:
- Đùa với ông thôi mà,
tôi chỉ mạo muội đưa vài lời khuyên bởi hồng nào mà chẳng có gai, theo đuổi cô
gái xinh đẹp chẳng khác nào trêu đùa với gai góc chiếm được nó đổ ra không ít
công sức chưa kể là bị nó quào cho máu chảy đầm đìa.
Tôi cười hắc hắc với
vẻ tự tin:
- Biết mà ông chủ, cám
ơn những lời khuyên của ông, tôi biết là mình sẽ hành động như thế nào khi tấn
công mục tiêu.
Suốt tuần lễ ngồi
trong quán, tôi quan sát mọi sinh hoạt của Quỳnh Hương: Từ việc đi học, đi chợ
mua thức ăn cho đến giao du với bạn bè và ngày hành động bắt đầu....
Sau cái hôm đụng độ
trước cửa nhà cùng ánh mắt đe dọa của tôi khiến cô gái sợ hãi và người xuất
hiện cùng cô khi ra ngoài là bà vợ lão Khọm, cả hai quan sát cẩn thận bốn phía
sau đó thấy không có gì mới lạ rồi mới cho cô rời đi. Hôm đó là ngày mà cô đi
chợ mua thức ăn, xuất hiện với chiếc áo sơ mi dài tay cùng quần jean xanh nhạt,
nom cô duyên dáng khỏe mạnh nhất là mái tóc cắt ngắn Demi Garçon lộ
cái cổ trắng mịn với những sợi tóc non vàng nhạt. Tôi đủng đỉnh chắp tay sau
đít theo cô từ phía sau, Hương không biết có người theo dõi cho nên thản nhiên
lựa chọn những thức cần thiết.
- E..Hèm.. Chào Quỳnh
Hương…
Tôi tằng hắng lên tiếng.
Cô gái giật bắn người
đến nỗi suýt làm rơi cái giỏ trên tay, mặt tái đi vì sợ hải lâu lắm mới lắp
bắp:
- Lạy chúa tôi...
Lại... Lại... là... ông... Muốn gì ở tôi?
- Không có gì hết,
thấy người ta đi chợ nên hiếu kỳ muốn biết người ta mua những gì thế thôi.
- Kệ tôi, mua gì thì
không cần ông quan tâm, đừng có làm bộ là không biết mình đang làm gì. Theo
đuổi người ta mà giả mù sa mưa... Này nhé, ông không có ký lô nào hết đối với
tôi, con cóc mà đòi ăn thịt thiên nga.
- Biết hết... Hi hi...
Thiên nga rồi có ngày bị con cóc nhỏ xíu xơi tái lúc nào không biết.
- Nghèo mà ham....
Cô nguýt một cái rõ
dài cùng với vẻ khinh thường trên mặt.
- Cái ông nhà thơ lẩn
thẩn Nguyễn Tất Nhiên có bài thơ ca ngợi các cô Bắc kỳ nho nhỏ với mái tóc Demi
Garçon nhưng sau đó ổng đổi tông vì bị các cô thiên nga đá giò lái và cho đi
tàu bay giấy:
.... Anh nhớ tính tình
cô gái Bắc
Nhớ điêu ngoa mà giả
bộ ngoan hiền
Nhớ khiêm nhường nhưng
thâm ý khoe khoang
Nhớ duyên dáng ngây
thơ mà xảo quyệt....
- Hay dử nha, thơ với
thẩn. Thấy ghét... Mặt dày... Vô sỉ...
- Ông nhà văn nước
ngoài có cái nhìn hết sức chính xác về nữ giới: Khi bạn nghe cô gái nói “Không”
thì phải hiểu ngược lại, hoặc bị cô ta chửi mắng thì phải nên mừng bởi trong
lòng của cô đang hướng về bạn, đang nghĩ ngợi về bạn rất nhiều. Có yêu thương
mới có chửi mắng, có cay đắng mới có ngọt bùi. Phải không Quỳnh Hương yêu dấu.
- Ông... Ông thật mặt
dày, loại người hết thuốc chữa! Ai cho phép ông xưng hô thân mật như thế? Đừng
có tự sướng nghe! Tôi không phải là loại người dễ dãi để cho thiên hạ muốn nói,
muốn làm gì với mình mà làm.
Quỳnh hương phẫn nộ
lớn tiếng khiến cho nhiều cặp mắt lập tức hướng về chúng tôi với vẻ tò mò cùng
thích thú.
- Nói đùa với Hương
thôi, quả thật là muốn tìm ông Quang trước là hỏi thăm tình trạng sức khỏe sau
là muốn biết hiện tại ra sao khi ra hầu tòa. Tôi và ông ấy cùng ở trại Cấm,
Quảng Tín, cả hai đều chờ ra hội đồng kỷ luật, tòa án quân sự mặt trận vì vi
phạm nặng nề quân phong quân kỷ, nếu không tin thì cứ hỏi bố của cô về những
ngày sống nơi đó cùng Tám Tàng, gã thiếu úy mén bất tài vô tướng nhưng chưa bao
giờ làm điều gì trái với lương tâm đạo đức. Xin lỗi
Quỳnh Hương về lối xưng hô giữa tôi và ông Quang khi sống chung với nhau, nơi
đó không có ông thiếu tá oai quyền với quá khứ đầy ánh hào quang trong các trận
đánh mà chỉ là một ông lão già nua lọm khọm và gã thiếu úy bẹt hạng, nơi đó có
lối xưng hô mà cả hai đều vui vẻ chấp nhận: Tám Tàng và Lão Khọm. Cứ về hỏi ông
Quang thì cô sẽ hiểu mọi sự nhất là về con người của tôi. Xin chào Quỳnh Hương.
Tôi xoay mình bước
nhanh ra đi bỏ lại cô gái nhiều nổi thắc mắc lẫn nghi ngờ trong lòng.
… Ngày đó khi ra
trường với thứ hạng quá thấp cho nên chỉ có thể chọn về sư đoàn bộ binh hoặc
các tiểu khu hắc ám nơi mà thiên hạ chê bai hoặc quá nguy hiểm cho tính mạng
như Kiến Hòa, Kiến Tường, Kiến Phong, Vĩnh Bình, Chương Thiện… Tôi chọn sư đoàn
bộ binh trấn thủ vùng 2 chiến thuật mà không về đơn vị Địa phương quân bởi ám
ảnh cái chết của người bạn gần nhà cùng lớp thời trung học: Nguyễn Đình Hầu,
anh phục vụ tiểu khu Chương Thiện, tiểu đoàn địa phương quân. Trong lúc hành
quân Hầu đạp phải mìn của địch gài trên đường, bị thương nặng cả hai chân, anh
được mang về bệnh viện điều trị, bác sĩ phải cắt bỏ 2 chân lên đến đầu gối vì
bị nhiễm trùng, thế nhưng vẫn không thể ngăn chặn được sự nhiễm trùng ngày càng
lây lan, bác sĩ phải quyết định giải phẫu lần thứ hai là cắt lên tận háng để
rồi Hầu ra đi vĩnh viễn vì sức khỏe suy sụp toàn diện.
Về sư đoàn bộ binh với
cái chức trung đội trưởng, tôi có những ngày đen tối khi nắm chức vụ này, không
biết tại vì cái mặt khó ưa hay vì cái tính tàng tàng mác dây, óc bị nước vào mà
lão đại đội trưởng không ưa ra mặt và cái hậu quả vô cùng bi ai cho tôi là bị
đày cho bằng thích: Mở đường và nằm tiền đồn. Quanh năm suốt tháng cứ 2 nhiệm
vụ mà làm suốt khiến cho lính lác kêu rêu ca thán bởi 2 nhiệm vụ nói trên vô
cùng nguy hiểm và chết người như trở bàn tay. Chính tôi cũng có suy nghĩ là nếu
tiếp tục như vậy thì sẽ có ngày leo lên bàn thờ về chầu tổ tông thôi cho nên
nảy ra ý nghĩ táo bạo là thay đổi địa điểm khi bị nằm chốt tiền đồn, nói nôm na
là báo cáo láo với cấp trên về vị trí của mình: Tọa độ một nơi và người một
nẻo.
Cái câu châm
ngôn" Cái kim trong bọc rồi cũng có ngày lòi ra, chẳng chóng thì chầy thì
có ngày lòi mặt chuột”. Đại đội bị tấn công vào mờ sáng, lão đại đội trưởng bỏ
của chạy lấy thân, lính lác tan vỡ mạnh ai nấy tìm cách thoát thân trong khi đó
tôi và đám lính phè cánh nhạn ở vị trí ma, vị trí không có
tọa độ chấm sẵn trên bản đồ và cái hậu quả là cấp trên điều tra ra sự gian dối
này: Bất tuân thượng lệnh, thiếu trách nhiệm trong sự thi hành nhiệm vụ, tùy ý
thay đổi vị trí mà không báo cáo với cấp trên.
Thế là Tám Tàng bị đưa
về khu tạm giam còn gọi là trại cấm cố chuyên dành cho người chờ ngày ra Hội
Đồng kỷ luật hoặc ra tòa án quân sự mặt trận. Thiếu tá Quang thì lại khác, tội
lão nặng hơn: Đào nhiệm trước địch quân, không tròn trách nhiệm cấp chỉ huy,
rời nhiệm sở mà không có sự đồng ý của cấp chỉ huy. Một cấp chỉ huy như ông
Quang mà vi phạm kỷ luật của quân đội thì cái kết cục thê thảm như thế nào rồi,
lon bị lột xuống bị tống vào trại tạm giam để chờ ngày hầu tòa.
… Số là hôm đó, tôi
tức Tám Tàng trần xì cái quần xà lỏn nằm trên cái võng nhà binh nghêu ngao vài
câu hát cho quên sầu thì lập tức nhổm dậy vì nhìn thấy bóng người thấp thoáng
ngoài cổng vào trại.
- Ai vậy kìa? Chẳng lẽ
lại con vịt đẹt có số phận giống như mình? Mà không đúng, người này già rồi cơ
mà.
Tôi miên man với bao
nghĩ ngợi về nhân vật lạ thì ông ta ném phịch cái ba lô cũ xì trên nền đất và
thở một hơi dài lẩm bẩm nói một mình:
- Rốt cuộc rồi tới
nơi, chuyện gì đã xảy ra và hiện tại nó đang đến chỉ còn tương lai!
Tôi lờ mờ nhận ra ông
ta không khác với mình bao nhiêu là tội đồ của quân đội, người không tuân lệnh
thượng cấp.
- Này... này... Sao
lại vào đây? Có lộn chỗ không đó.
- Lộn cái chó gì nữa
chứ! Trại Cấm dành cho sĩ quan bất khiển dụng, loại người hết xài, quân đội
chê.
- Ạ! Thì ra cũng giống
như tớ, thế cấp bậc gì? Nguyên nhân tại sao?
- Sao tò mò thế chú
mày, nhiều chuyện quá!
Lão cau mày ra dáng
không hài lòng bèn to tiếng nạt khiến tôi cụt hứng.
- Không nói thì thôi,
già mà còn lên mặt, vào đây thì thiên nga cũng thành con vịt què, chiến mã cũng
thành con ngựa què.
Tôi bĩu môi mai mỉa
một cách cay độc khiến ông tái tím sắc mặt vì giận cùng hổ thẹn và sau cùng thì
chậm chạp ra bên ngoài. Tôi và ông cả tuần lễ không nói với nhau câu nào thậm
chí đụng mặt cũng chả thèm một lời chào hỏi cứ như vậy cho đến một hôm....
- Chú nhóc tên gì? Tại
sao lại vào nơi đây? Cấp bậc?
- Ông hỏi nhiều quá
làm sao mà nhớ hết, phải từ từ cho tôi trả lời từng câu một... E hèm… Nguyễn
văn Lam tự Tám Tàng, thiếu úy trung đội trưởng bộ binh, can tội bất tuân thượng
lệnh, thiếu tinh thần trách nhiệm của cấp chỉ huy…báo láo với thượng cấp. Còn
ông thì sao?
- Chú nhóc có nghe về
trận đánh ở Tam Quan, Bình Định?
- Biết chứ... Trận
đánh khá lớn và gây nhiều thiệt hại cho địch quân thế nhưng tại sao ông lại nói
về nó?
Ông ta lừ mắt nhìn tôi
với vẻ thương hại rồi sờ cằm với vài cọng lưa thưa và sau đó chậm rãi tiếp tục
nói:
- Sau đó là Bồng Sơn.
- A... Thì ra thiếu tá
Quang là ông…Là…
Tôi sửng sốt đến ngây
người vì không bao giờ nghĩ người lừng danh trong sư đoàn vì có nhiều thành
tích, nhiều công trạng thế mà cuối cùng lại vào trại cấm.
- Chú mày nghĩ như thế
nào khi tiếp mặt với số lượng địch quân đông gấp 10 lần cùng với chiến xa, pháo
binh yểm trợ. Tử chiến cho đến viên đạn cuối cùng khi không có pháo binh, phi
cơ hay là kéo cờ trắng đầu hàng như ông Đính, sư đoàn 3 bộ binh hoặc mở đường
máu khi xung quanh toàn là giặc. Họ bít toàn bộ con đường ra lẫn vào.
- Thì chạy thôi! Tìm
đường sống trong cửa chết, ai lại không quý mạng sống của mình, hơn nữa còn gia
đình người thân đang chờ đợi.
- Tao ra lệnh triệt
thoái, mạnh ai nấy thoát thân trước khi bị hoàn toàn vây hãm, từ bỏ vị trí
chiến đấu trước khi có lệnh từ cấp cao và cuối cùng…
- Quên đi... Người nào
cũng có lý lẽ của mình nhất là các ông lớn, người chỉ tay năm ngón và an nhàn
trong các hầm trú ẩn kiên cố, chỉ có mấy thằng chỉ huy cắc ké như ông và tôi là
bị thiệt thòi.
Tôi và ông Quang còn
gọi là lão Khọm sống chung hòa bình trong trại Cấm mà không có sự phân biệt cấp
bậc và tuổi tác, ban đầu thấy lão già cả nên chia công tác là nấu nướng linh
tinh còn tôi phụ trách việc khác nhưng cuối cùng thì Tám Tàng phải gồng lưng
gánh vác mọi thứ vì lão nấu ăn dở như hạch và bầy hầy hết từ nào để diễn tả.
Vài tháng sau thì tôi
đi trước, ra hội đồng kỷ luật. Trước khi đi lão Khọm bùi ngùi nắm tay tôi nói
như muốn khóc:
- Chúc may mắn nghe
nhóc! Mọi sự tốt lành.. Trời hại mới chết chứ người hại thì không bao giờ.
- Ông cũng vậy lão
Khọm. Chúc mọi thứ an lành đến với ông.
Tôi chia tay cùng ông
lão từ dạo ấy và dù có địa chỉ của ông nhưng chưa bao giờ tìm đến bởi bận bịu
việc học sinh ngữ. Nói đến việc này thì tôi lại có sự kỳ diệu khác mà tôi sẽ kể
cho các bạn phần kế.
… Số là khi ra hội
đồng kỷ luật, các vị cầm cân nảy mực cho tôi lời bào chữa cuối cùng trước khi
quyết định bản án:
- Tôi, sĩ quan trung
đội trưởng... đại đội… tiểu đoàn... trung đoàn... sư đoàn... số quân… Xin trình
bày toàn bộ vấn đề trong khi đảm nhiệm chức vụ trung đội trưởng... Mở đường,
tiền đồn mút mùa lệ thủy từ tháng này sang tháng khác mà không đơn vị nào thay
thế, huy chương chiến công không có thậm chí cái bằng tưởng lục cũng vào tay ai
đó mà không phải là tôi. Con giun xéo lắm cũng phải oằn, con người ai không
tham sống sợ chết, tôi cũng thế thôi. Nếu quý vị muốn tìm hiểu sự thực thì cứ
về đó mà điều tra, tôi không có ý kiến. Xin hết!
Cuối cùng thì hội đồng
kỷ luật hạ bút quyết định: Trả về Bộ Tổng Tham mưu đồng thời tùy nghi quyết
định tình trạng của đương sự.
Cứ nghĩ 100 % là về
đơn vị mới và chắc hẳn không ngon lành gì cho lắm nhưng khi cầm quyết định
thuyên chuyển của Bộ Tổng Tham Mưu thì tôi ngẩn tò te và không tin vào mắt của
mình:
... Đương sự trình
diện trường Sinh Ngữ Quân Đội, quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Không bao giờ tôi nghĩ
là mình có trái bánh thơm ngon từ trên trời rơi xuống, nhất định phải có sự
hiểu lầm nào đó phát sinh chẳng hạn là trùng tên, trùng chức vụ hoặc thằng cha
nào đó có cái đầu bị bò đá như tôi mà đánh máy lộn văn bản. Đi khiếu nại thì
không dám, mà hỏi thăm thì biết ai mà tường trình, cuối cùng thì tôi đến nhiệm
sở mới làm thủ tục nhập học theo quyết định thuyên chuyển.
- Mày có biết tại sao
mình về trường Sinh Ngữ?
Lão Mỹ già ngồi đối
diện nhìn tôi chòng chọc, cặp mắt xanh như mắt mèo như thấu ruột gan kẻ đối
diện. Lão Smith trạc độ 50 tuổi, người gầy teo như cây sậy, đã vậy lại có cái
mũi quặp như mũi két khiến cho tôi có cái áp lực nặng nề vô hình trên người,
cái không bao giờ ngờ là lão mũi quặp nói tiếng Việt rành rẻ, rành còn hơn mấy
bà nhà quê miệt vườn bởi câu văn lịch sự và đúng văn phạm.
- Tôi không biết tại
sao có việc này, xin ông cho biết.
- Theo báo cáo từ đơn
vị cũ thì cái tội của mày có đem cho cá mập ăn cũng chưa hết tội, mày có biết
cái hậu quả khi làm việc tắc trách ấy sẽ hại bao nhiêu mạng con người, đáng lẽ
là tao không nên xen vào nội bộ của người ta nhưng trường hợp của mày thì ngoại
lệ cho nên đành phải nhúng tay vào thôi... Hỏi một câu mà mày phải thành thật
trả lời cho tao biết.. Mày có bao giờ cứu ai chưa?
… Cứu người... Tôi thì
thào trong miệng... Cứu người... Ai vậy ta?
Suy nghĩ cặn kẽ mọi
thứ và cuối cùng quyết chắc câu nói:
- Tôi chỉ cầm súng
giết người chứ chưa bao giờ cứu người, ông cũng biết câu ngạn ngữ của người
phương tây: Kill or Be Killed.. Dịch theo tiếng Việt thì giết người hay bị giết
khi đối diện với họng súng của kẻ thù đang hướng vào mình.
- No... No... Mày đã
có một lần cứu người, suy nghĩ cẩn thận lại xem sao.
Tôi sờ mũi nặn óc cố
suy nghĩ xem mình có làm việc nhân đạo ấy bao giờ chưa, nghĩ nát óc mà không
tài nào tìm ra, có lẽ vì đầu óc bị vào nước hay sao mà tôi đâm ra chậm lụt vô
cùng.
- Nghĩ không ra phải
không? Mày có nhớ cái tên John?
- A... John... Hình
như... hình như…
Tám Tàng lại một phen
cố nhớ ra thằng cha căng chú kiết nào đó có cái tên lạ hoắc, hơn nữa lại là
thằng mũi lõ mắt xanh với cái tên khó nhớ kia xuất hiện khi nào đến nỗi được
mình cứu mạng. Lão Smith lắc đầu tỏ vẻ thương hại cái thằng có đầu óc bị bò đá
ngồi trước mặt, với tính lù đù chậm chạp lại có vấn đề trong trí nhớ thì sống
dai, sống dài trong trận chiến thì quả là phép lạ.
- Thằng John là phi
công lái trực thăng bị phòng không của vi xi bắn hạ gần thung lũng An Lão năm
1972. Nhớ chưa mày, thằng Chicken death! Oh my goodness!
- Nhớ rồi... Hắc...
hắc...
Tôi cười ngây ngô...
- Cái thằng John què
cẳng báo hại tụi lính than trời trách đất vì quá nặng khi mang hắn ra ngoài và
tao mất trắng cái võng nhà binh dùng để tải thương.
- Đúng... đúng...
Thằng John, đại úy phi công chiếc trực thăng võ trang Cobra mà mày cứu nó khi
đang thi hành nhiệm vụ yểm trợ cho quân bạn. Rất cám ơn mày vì hành động dũng
cảm ấy.
Khúc phim quá khứ từ
từ quay lại vào thời điểm năm 1972....
… Trung đội sau khi
hoàn tất việc mở đường trên quốc lộ 1 nhằm bảo đảm an toàn cho đoàn công voa
cùng các chiến xa trên đường tăng cường cho đơn vị bạn, chưa ngồi nóng chỗ thì
lão đại đội trưởng ra lệnh cho tôi tiếp nhận nhiệm vụ mới.
- Mày dẫn con cái vào
An Lão tìm cho bằng được viên phi công đang bị bọn Vẹm lùng bát. Đây là lệnh từ
cấp cao đưa xuống, mày phải chấp hành mà không được từ chối cũng như tìm cách
thoái thác.
- Đậu má... Bộ không
còn người sao mà bắt tui vào trong đó.. Đậu má.. chỉ trên dưới 20
mạng mà ông ra lệnh tui vào ổ kiến lửa. Đậu má..
Tôi tức giận gần như
mất lý trí nên chửi thề inh ỏi mà không chút nhân nhượng, bất chấp lão là cấp
chỉ huy trực tiếp.
- Đừng nóng... Đừng
nóng.. Tao cũng là bất đắc dĩ thôi, các cánh quân khác còn quá xa nên không thể
điều động đến kịp, chỉ có mày là gần nơi đó, mày phải chấp hành thôi vì đây là
lệnh từ Bộ chỉ huy tiền phương, hơn nữa lão cố vấn sư đoàn chính thức ra mặt
yêu cầu. Mày hãy làm mọi thứ trong khả năng của mình. Nếu trời sập tối mà không
tìm thấy thì lập tức rút lui trở lại tọa độ XYZ nằm chờ lệnh. Ok…
Biết là mình không thể
thoái thác mà cho có thì tránh hôm nay thì ngày mai cũng phải đến phiên của
mình cho nên gồng mình chấp nhận.
- Vào An Lão tìm thằng
phi công bị rớt máy bay, tụi bây chuẩn bị súng ống đạn dược của mình.
- Trời.. Bộ ông muốn
tụi tui chết chùm sao đây... Thiếu úy?
- Đ... mẹ... đụng đến
tổ ong vò vẽ thì chịu đời sao thấu... Trời...
- Đậu má nó... Đi với
ông chắc có ngày tụi tui leo lên bàn thờ ngồi.
- Thiếu úy... Mình
tìm chỗ nào đó núp đi, chờ trời tối là rút quân.
- Con c... Chỉ
một thằng phi công mà bắt tụi mình chui vào hang hùm.. Đậu má nó... Cọp
khèo một cái thì cái mạng của con đi chầu tổ.
Mặc cho thuộc hạ kêu
rêu ca thán, tôi lạnh mặt quát:
- Câm miệng cho tui!
Đứa nào sợ chết thì ở lại đây, đừng có làm xàm cái lỗ miệng nghe nhức đầu lắm.
Trung đội len lỏi giữa
các lùm cây rậm và dày đặc, trên cao là các thân cổ thụ với cành lá xum xuê,
họng súng lăm lăm hướng phía trước, chúng tôi đang vào khu rừng tối thui không
có ánh mặt trời, thỉnh thoảng vài con chim bay vút lên kèm theo âm thanh phẫn
nộ vì bị con người phá rối nơi trú ngụ, những lần như vậy thì lập tức toàn
trung đội vội nằm xuống như lâm đại địch.
- Đậu má nó! con chim
nhỏ xíu làm mình hết hồn.
- Ê..thằng Minh, mày
sờ của quý xem nó còn hay chạy lên cần cổ.
- ĐMẹ... Rừng gì mà
tối thui như cái quần bà ba đen của mấy con mẹ đàn bà.
Bọn lính xì xào trêu
cợt với nhau như cố làm dịu sự sợ hãi đang bao trùm, mà quả thật khi rừng hoang
mới thấy cái rùng rợn của nó, nhất là mật khu an toàn của địch với số quân
nhiều vô số kể so với nhúm người chỉ hơn 2 chục nhân mạng. Tiếng vỗ cánh bay
của loài chim rừng, tiếng động trong bụi cây của loài thỏ hoang, tiếng hú thê
lương của mấy con vượn trên cao khiến trái tim của chúng tôi chùng xuống, cái
lạnh lẽo vô hình bao trùm toàn thân dù đang bị ảnh hưởng bởi cái oi bức của khu
rừng.
Còn đang miên man suy
nghĩ thì tiếng chân dồn dập từ phía trước vọng lại, người lính khinh binh dò
đường vội vã chạy về, anh ta hổn hển vừa nói vừa thở cùng vẻ mặt kinh hoàng:
- Thiếu úy.. Thiếu
úy…. Ma... Nó rên khóc dưới cái mả đằng kia.
- Cái gì... Con ma...
Mày có nghe lộn không? Đừng xạo nghe mày.
- Thiệt mà, ma nó rên
hừ hừ nghe thấy mà ghê!
- Đậu má. Ma gì mà ma,
Việt cộng thì có, mày nhát gan quá trời.
- ĐMẹ.. lính tráng có
súng trên tay mà sợ con ma… ĐMẹ.
Tôi thấy lành lạnh sau
lưng như có ai đang thổi vào, tự dưng gai ốc nổi đầy người nhưng trước mặt lính
tráng đành phải ra vẽ bặm trợn một chút.
- Không có ma cỏ gì
hết là mấy lá cây bị gió thổi cho nên tạo ra tiếng khóc rên thôi. Đi.. Dẫn tao
đến chỗ đó xem sao.
Đoạn quay sang mấy
người lính đang xúm xít xung quanh, tôi chỉ định từng người một:
- Mày đi theo tao,
thằng kia bám vào thằng khinh binh để yểm trợ nó, còn lại tản ra xung quanh
đừng có chùm nhum như vậy Việt cộng bắn một phát là xâu
táo cả đám.
- Thiếu úy, tôi không
theo thằng Tèo khinh binh đâu rủi ma nó vật thì sao, kêu thằng Thạch Sinh theo
nó vì thằng này có bùa Miên.
- Thiếu úy... bùa của
tui chỉ trị người sống đâu có trị ma quỷ.
Thằng Miên chối bai
bải và lùi lại như thể ma hiện hình trước mặt, tôi tức quá bèn quát to bất chấp
đang ở trong vùng nguy hiểm.
- Đậu má... Tụi bây
không đi bố bắn bỏ từng thằng một... Đậu má.. lính lác gì như con đầu bùi của
ông, chưa biết có ma quỷ hay không mà cả đám teo bugi hết rồi... Đậu má...
Thấy tôi nổi xung
thiên chửi thề inh ỏi cho nên cả đám rụt cổ im thin thít nhưng trên mặt lộ vẻ
không cam lòng bởi trước mặt họ, tôi là cấp chỉ huy cao nhất, là người gánh
chịu toàn bộ trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi len lỏi đi thật
chậm luồn lách qua các bụi cây rậm, súng trên tay hờm sẵn, thằng Tèo khinh binh
dẫn đường, kế tiếp là thằng Thạch Sinh người Miên, nó lẩm bẩm cái gì đó trong
miệng, tay nắm lấy cái nanh heo rừng đeo trên cổ như cầu khẩn nó tăng thêm sự
can đảm. Càng vào trong theo hướng chỉ dẫn thì quang cảnh âm u
tĩnh lặng, không có bất kỳ tiếng động ngoại trừ tiếng cành cây gãy, tiếng chân
bước sột soạt trên lá khô.
- Nghe gì không ông
thầy... Có tiếng rên ông ơi.
Thằng mang máy truyền
tin theo sát bên tôi vụt lên tiếng, âm thanh run rẩy vì sợ hãi, đưa tay ra hiệu
cho mọi người dừng lại đồng thời lóng tai nghe.
- Hu…Hu.. A..ha…hu..
Âm thanh rền rĩ khi có
khi không theo tiếng gió đưa lại khiến tôi gai ốc đầy mình, mồ hôi lạnh toát ra
trên người, cái cảm giác kỳ lạ khó tả hiện ra trong thâm tâm, tôi không tin
nhiều vào ma quái nhưng âm thanh kia quả là thật không chút nào hư ảo, không
phải một mình tôi mà toàn thể những người lính xung quanh đều nghe như vậy và
lập tức có tiếng xì xào nho nhỏ.
- Thấy ghê quá mày ơi,
thật sự là có ma như thằng Tèo nói.
- Ma trành.. Ma rừng..
Không, đúng là mấy thằng Việt cộng bị chết oan nên hiện hồn nhát tụi mình.
- Nói với ông thầy
mình nên rút ra thôi, ở nơi này thấy ghê quá.
Nhiều cái miệng nhao
nhao lên khiến tôi rối rắm trong lòng: Sợ và hiếu kỳ lẫn lộn. Trong suy nghĩ
cặn kẽ thì dù có ma quỷ xuất hiện thì tôi có súng trên tay, hơn nữa lại đông
người, kế tiếp tên phi công ra sao khi một mình hắn trong khu rừng vắng. Đi tới
hay rút lui?
Sau vài phút lưỡng lự,
tôi bặm môi quyết định liền:
- Đi.. tụi mày tản ra
đi, cứ hai thằng đi chung một chỗ để dễ bảo vệ cho nhau, thằng Tèo, Thạch Sinh,
Lâm theo tao hướng về phía trước, ông Phú, ông là trung đội phó có nhiệm vụ bảo
vệ phía sau cho tôi, nếu có chuyện xấu xảy ra thì ông mau dẫn tụi nó rút lui về
điểm an toàn.
Phân phối xong xuôi,
tôi làm gương đi trước cho bọn lính tăng thêm can đảm theo sát là người mang
máy, hắn khổ sở nhăn mặt như thể mình đang bị ông thầy lùa vào chỗ chết, phía
sau là thằng người Miên nó lâm râm một tràng tiếng quái
dị, miệng ngậm cái răng nanh heo rừng, cuối cùng là Tèo, thằng này miệng méo
xẹo như cố ngăn tiếng khóc, mặt tái xanh tái nhợt như sắp chết đến nơi. Càng
tới gần âm thanh càng rõ dần: Tiếng khóc, than van, rên rỉ khi lên khi xuống có
khi mơ hồ biến mất trong gió, là thật sự chứ không phải hư ảo tưởng tượng đồng
thời âm thanh phát ra từ cái mả đen thui to đùng trước mắt, thằng Lâm run rẩy
nói như khóc:
- Chết em rồi ông
thầy, con ma trong cái mả phía trước.
- Mô Phật... Phật bà
Quan Âm cứu khổ cứu nạn...
- Giê su... Maria...
lạy Chúa tôi....
Mồ hôi mồ kê đầy
người, toàn thân lạnh ngắt vì sợ hãi bởi mọi thứ hiện ra trước mắt là thật.
Bằng chứng là có cái mả và âm thanh từ đó phát ra, tâm trạng của tôi
không khác bao nhiêu so với các người lính: Sợ sệt, kinh hoàng và khủng hoảng
tinh thần....
Chúng tôi ngây người
như trời trồng mà không có bất kỳ phản ứng, toàn thân tê liệt vì quá sợ hãi
trong khi âm thanh rên rỉ vẫn đều đều vang lên từ trong cái mả hoang, những con
mắt thất thần hướng về mả như bị thôi miên như bị thu hết hồn phách, chúng tôi
đứng ngây người cả hơn 10 phút và sau đó kẻ đầu tiên tiến đến gần nơi kinh
khủng đó là tôi.
Phải... Là Tám Tàng,
người phát hiện điều không đúng về cái mả không phải bằng đất, đá do bàn tay
người dựng nên mà là bằng các lá rừng khô.. Ha Ha..Tức cười thật.. Lá gan bằng
con chí mén…
Tôi lấy họng súng nhè
nhẹ gạt từng lớp là khô trên mặt.. và cuối cùng một khuôn mặt hiện ra, đặc trưng
của người phương tây và chắc chắn là gã phi công người Mỹ rớt máy bay hôm nào
mà chúng tôi phải bằng mọi cách cứu hắn ra khỏi tay giặc. Người phi công vẫn
còn trong trạng thái hôn mê có lẽ vì bị sốt cao cho nên thần kinh trở nên hỗn
loạn và mê sảng, gã vẫn không biết sự hiện diện của chúng tôi cho nên tiếp tục
trong cơn mê luôn luôn miệng gọi tên người nào đó.
- Barbara...
Barbara... God bless me Bar..ra.. I love you, I miss you....
Gã vừa rên la vừa
khóc, những giọt nước mắt ràn rụa trên đôi má xanh xao vàng vọt, đôi mắt lõm
sâu vì mất ngủ cùng sợ hãi và đói.
- Này.. Này...
Tôi không biết làm gì
hơn là lấy tay đập vào vai hắn liên tục, cuối cùng là hắn mới hé mắt nhìn, ban
đầu là nỗi kinh hoàng và sau đó biến thành mừng rỡ pha lẫn khích động có lẻ
nhận ra cái mũ sắt cùng bộ đồ trận quen thuộc của người lính VNCH.
- Help me... Please...
Help... Oh My God... Thank you.
Tôi chẳng hiểu mô tê
những gì gã nói nhưng cái chữ kéo (help) thì chắc ăn như bắp.
- Nó kêu mình kéo lên
mà mày. Thằng Lâm, Thạch Sinh, 2 đứa phụ kéo nó đứng lên dùm tao.
- No.. No.. Hurt. I am
hurt.. My leg..Oh Oh my God.. No.. No.
Gã phi công la to áng
chừng bị đau khi 2 người lính của tôi cố gắng tìm cách giúp hắn đứng lên, một
cái chân bị gãy cùng những vết máu loang lỗ ở ống quần, chính vì vết thương quá
nặng mà hắn không thể bò đi chỉ còn cách dùng lá khô phủ lên để ngụy trang, tránh
né sự truy đuổi và cũng là giữ cái ấm cho thân thể khi bên ngoài mưa to và thời
tiết quá lạnh của tháng 12.
Hai người lính của tôi
cặp nách viên phi công dìu đi, họ khổ sở luồn lách qua các bụi gai rừng, nhất
là khi qua các con suối lớn, qua cái dốc cao ngất.
- ĐM. cái thằng Mỹ ăn
cái gì mà nặng quá trời, em chịu không nỗi nữa thiếu úy ơi.
- Cái thằng mập như
con trâu làm sao em đỡ cho thấu. Đậu má nó thằng Mỹ mập.
- Bắn em một phát còn
sướng hơn dìu thằng mập này.
Thay đổi liên tục
người mà vẫn không đi xa bao nhiêu bởi viên phi công bị gãy chân cho nên chỉ có
thể bước lò cò một chân chính vì vậy toàn bộ trọng lượng đè nặng lên người giúp
hắn. Nhìn đồng hồ đã quá 4 giờ chiều, trời sẽ mau sụp tối cho nên tôi nảy ra ý
kiến:
- Ông Phú.. chặt cây
đòn dài rồi lấy cái võng của tôi cho nó nằm lên trên đó, 2 thằng phía trước và
phía sau cũng vậy. Mau lên chiều sắp đến rồi, loanh quanh như vậy thì sớm muộn
cũng bị tụi nó phát hiện ra thôi.
Chính cái sáng kiến
độc đáo mà chúng tôi đi nhanh hơn, không mấy chốc đã thoát ra vùng nguy hiểm,
lần duy nhất trong đời là cứu người, cứu mà không có bất cứ huy chương hay được
khen thưởng nhưng với bản tính của Tám Tàng thì mau quên mọi thứ, quên cái công
lao mà lý ra phải được đền bù xứng đáng, quên luôn viên phi công được cứu hôm
nào.
- Thằng John là em của
tao....
Lão mũi quặp Smith
tiếp tục cuộc chuyện trò với tôi….
- John đã về nước sau
khi hết nhiệm vụ phục vụ ở Việt nam, trước khi đi có dặn dò là tìm mọi cách
giúp đỡ người cứu mạng nó. Nếu không có người bộ binh dũng cảm thì John chắc
chắn phải chết trong rừng già, chết vì đói, chết vì vết thương nhiễm trùng,
chết vì thú dữ hoặc bị địch quân giết. Chính vì lời yêu cầu của thằng em tao mà
mày có được như ngày hôm nay cho nên đừng có thắc mắc tại sao mình được về nơi
ngon ăn mà không phải tốn tiền để chạy chọt lo lót.
Cái lớp sinh ngữ gồm
toàn sĩ quan các quân binh chủng và đa số đều trẻ như tôi cho nên có sự hòa
đồng và cảm thông trong giao tiếp hàng ngày, không hiểu tại sao khi học Anh văn
thì tôi lại luôn đứng chót lớp giống y chang khi còn ở bậc tiểu, trung học,
phát âm sai be bét đến nỗi ông giáo lắc đầu ngao ngán:
- Anh phát âm như thế
thì chỉ có gà vịt mới hiểu.. Trời ơi là trời! phải như thế này.., thế này…
Tôi lập theo mà không
tài nào như mong muốn, có lẽ tại vì chửi thề, hút thuốc và ăn nói tục tĩu mà
cái lưỡi cứng đơ như khúc gỗ chẳng một tí nhẹ nhàng mang hơi hướm tiếng xịt gió
ngon ơ như mấy thằng cùng lớp...
- Tình trạng như thế
này thì anh “Out" khỏi lớp học, tôi có muốn giúp anh cũng không được. Cố
gắng lên ông bạn, nước Mỹ thơm râu đang chờ bạn trước mặt..
Và lại ông mũi quặp
Smith lại giúp tôi lần nữa sau khi nghe tôi than vãn về tình trạng tiếng Anh
siêu đẳng của mình.
- Đừng có lo khiến con
bò trắng răng. Yên chí đi tao sẽ giúp mày.
Lão bê nguyên dàn máy
thu và phát âm cho tôi luyện tập đồng thời mỗi ngày đến tận chỗ trò chuyện dĩ
nhiên bằng tiếng Mỹ chính hiệu con nai vàng.
… Tôi lại xuất hiện
lần thứ hai trước căn nhà có giàn hoa giấy sau khi thập thò quan sát cả tiếng
đồng hồ.
- Ôi dào chú nhóc thân
mến! Ngọn gió lành nào đưa chú đến nhà tôm của tớ.
Lão Khọm nắm lấy tay
tôi lắc lắc mấy cái, khuôn mặt hiện rõ nét hân hoan vui mừng.
- Gió nào đưa? Tìm đến
ông rõ cơ khổ, chua cay trăm bề, khó còn hơn gặp tổng thống.
Tôi bất mãn ca thán vì
còn nhớ đến bà chằng Bắc kỳ hôm nọ làm khó dễ.
- Biết mà.. Biết mà..
Chú thông cảm! Bởi từ khi xuất quan chẳng có con ma nào thăm viếng cho nên
người nhà nghi ngờ thôi. Vào trong nhà đi chú nhóc, mình tha hồ hàn huyên mà
không sợ thằng tây nào nghe trộm.
Lão Khọm dành nói trước
về chuyện của mình, không dài nhưng đại khái là sau khi tôi rời đi thì không
lâu đến phiên lão, tình trạng không nhẹ như Tám Tàng mà phải ra tòa án quân sự
để luận tội, may mắn cho lão là có ông lớn 3 sao ở Bộ Tổng tham mưu vốn là ông
thầy cũ khi ngày xưa còn phục vụ ở sư đoàn, cộng thêm bà lão Khọm quen biết với các phu nhân tai to mặt lớn trong các buổi mạt
chược cho nên cuối cùng chỉ lột lon, tướt sạch mọi quyền lợi và tống ra khỏi
quân đội về nhà đuổi gà, xua ruồi cho vợ.
- Thế cũng xong cho
tớ, tiến vi quan thoái vi dân… Còn chú nhóc thì sao?
Lúc ấy từ bên ngoài có
tiếng cười giòn dả cùng với giọng nói Bắc kỳ quen thuộc. Lảo Khọm nói:
- Bà lão của tớ đi chợ
về, hôm nay chú nhóc nhất định phải ở lại dùng cơm với vợ chồng tớ nhá.
Nhìn ra cửa thì thấy
trước mắt là người phụ nữ lớn tuổi nhưng nom rất giống Quỳnh Hương, nếu 2 người
đứng cạnh nhau thì ai cũng nói là chị em bởi bà vẫn còn nét sắc sảo của thời
con gái còn lưu lại, theo sau là cô con gái.
- Chào chị... Để tôi
giúp dùm cho...
Tôi đon đả chạy lại đỡ
lấy cái giỏ trên tay mặc cho bà ta tròn mắt kinh ngạc vì sự xuất hiện của người
lạ trong nhà…
- Eo ui! Sao mà nặng
như thế nhỉ! Trời đất ơi!
- Cậu là ai? Tại sao
lại ở trong nhà của tôi? Ai cho phép cậu tự nhiên như thế? Bà lão Khọm cật vấn.
- Là Tám Tàng, bạn của
bố ngày xưa trong trại Cấm.
Quỳnh Hương che miệng
cười nói nhỏ vào tai mẹ:
- Tám Tàng, người mà
con nói hôm nọ...
- Gớm! Nom xinh trai
và tháo vát chứ đâu có nét nào lù đù hậu đậu như ông lão thường nói. Chào chú
Tám, hôm nay chú dùng cơm với gia đình tôi nhé.
Bà lão đon đã mời mọc
tưa như người thân trong nhà, nét mặt đầy vẻ hài lòng. Bữa ăn thật ngon và tràn
đầy vui vẻ nhất là bà vợ lão Khọm chăm chút cho tôi từng ly từng tí một, có lẽ
qua lời kể lại của ông chồng nên bà biết sự sinh hoạt thiếu vắng bàn tay chăm
sóc người thân của tôi.
- Chú Nhóc, chú còn
nhớ những ngày mình sống trong trại Cấm? Thú vị làm sao! Mưa tầm tả bên ngoài
lại có gió to, chú với tôi mỗi người ngồi trong chậu nước nóng, xối từng gáo
một cho đến không còn chút hơi nóng nào thế là..1..2..3.. Phóng vào trong
giường trùm mền kín mít mà tắm truồng mới thú chứ lị..hi..hi.
- Bố.. Bố.. nói gì mà
kinh thế.. Con không nghe đâu.
Cô gái đỏ mặt tía tai
vì xấu hổ vội bịt kín hai tay, còn bà vợ chỉ tủm tỉm cười như thông cảm với cái
sở thích tầm thường nhưng gợi lại những kỷ niệm thân thương ở trại.
- Còn nữa chú nhóc,
cơn bão Anne ngày nọ với cơn mưa như trút nước, gió lại to thế mà tớ bị đau
ruột thừa, đau thừa sống thiếu chết đau đến nỗi ước gì có khẩu súng bên cạnh tự
kết liễu đời mình cho rồi, chú cõng tớ đi chữa trị ở bệnh xá trung đoàn, đi
hằng nửa cây số dưới cơn mưa tầm tã, chiếc poncho duy nhất dành để che cho tớ
còn bản thân chú mặc kệ. Số mạng còn may mắn khi có chú bên cạnh, giả dụ chỉ có
một mình tớ nơi đó thì có chết cong queo cũng chẳng ai hay. Mẹ kiếp.
Lão thở dài với nỗi
chán chường, bên cạnh bà vợ rưng rưng nước mắt vì nỗi đoạn trường của chồng
mình ở quá khứ, Quỳnh Hương cúi đầu nhìn xuống đất mái tóc đen huyền óng ả che
hờ bên khuôn mắt, hàng mi dài cong vút khẽ lay động, hình như vài hạt nước mắt
long lanh ở khóe mắt.
- Chú nhóc hồi sống
trại Cấm, khẩu phần lương thực không khác với lính tráng là bao: Gạo sấy, cá
khô vài cọng rau tươi cùng hộp ration đơn điệu, khô khan và chẳng ngon lành gì ráo
cho nên chú nhóc đề nghị cải thiện khẩu phần. Đó là gì nhỉ?
- Thịt bò trộn xà
lách.. Lòng bò xào cần tây Ha..Ha..
Tôi cùng lão đồng
thanh hét to với vẻ khoái trá khiến cho bà vợ cùng cô con gái ngẩn ngơ nghệch
mặt như chú mán xuống thành phố bởi 2 món vừa kể đâu có gì cao lương mỹ vị đâu
phải hiếm hoi thế mà một già một trẻ hô hoán với sự sung sướng vô cùng. Họ có
biết đâu tôi phải năn nỉ hết lời với bọn hậu trạm đồng thời dúi vào tay họ chút
tiền gọi là cà phê thuốc lá cũng như mất sạch tiền lương còm cõi của thằng sĩ
quan không còn chức vụ quyền hành.
Thời gian trôi qua,
mối thân tình giữa tôi và gia đình lão Khọm ngày càng sâu đậm, tuần nào cũng
mời mọc đến nhà để dùng cơm, Quỳnh Hương có nhiệm vụ đưa
rước nhưng thái độ không có gì hứng thú, trò chuyện thì nhạt nhẽo, trả lời một
cách gượng gạo khiến tôi có chút cụt hứng bởi dù sao với người con gái đẹp như
Hương thì lòng tôi đã ít nhiều xao động, nói khác đi là yêu thầm cô, yêu mà
không dám thổ lộ, nhớ người ta từ ngay buổi đầu tiên gặp mặt, từ tưởng nhớ để
rồi hình ảnh của cô đi vào trong lòng không biết lúc nào. Nhưng... Cái chữ
nhưng quái ác khiến cuộc đời của tôi đi qua hướng khác, số là hôm nọ khi đi
lang thang trên phố Lê Lợi thì gặp Quỳnh Hương ngồi đằng sau chiếc Vespa mới
cáu cạnh mà người lái là thanh niên cao, to đẹp trai và ăn vận lịch sự, một
tuýp người hào hoa phong nhã, tôi choáng váng đầu óc đến độ ngây người trong
cái đau đớn bàng hoàng tràn ngập. Sau khi trấn tỉnh tinh thần và suy nghĩ hẳn
hoi thì mới nhận ra là mình cực kỳ ngu ngốc: Cóc mà đòi ăn thịt thiên nga. Một
con thiên nga bay lượn trên cao, nó biểu lộ sự đài các sang trọng qua đôi cánh
dài, qua cái lướt mình trong không gian vô tận, còn tôi một con cóc đen xì xì
xấu xí muôn đời ngồi trên nền đất hôi hám bẩn thỉu, cóc có muốn với lên cao
nhưng sẽ không và mãi mãi.
Tôi không còn đến nhà
của lão Khọm dù nhiều lần thân chinh lão cùng vợ đến trường gặp tôi đem chất
vấn về thái độ xa cách ấy và dĩ nhiên cái cớ bịa ra vô cùng hợp lý mà không bắt
bẻ gì được:
- Sắp sửa có đợt test
sắp đến, nó quyết định đi hay ở trong tương lai cho nên lúc này cần ôn tập bài
vở, thành thật xin lỗi ông bà.
Không hiểu 2 người về
nhà có hạch sách hay cật vấn Quỳnh Hương hay không cho nên kể từ đó ít khi thấy
cô, hoặc nếu có bất chợt nhìn thấy trên đường thì chỉ là ánh mắt oán hận và tức
tối. Năm 1974 vào mùa hè thì tôi lên đường sang Mỹ du học, du học dành cho quân
nhân chứ không phải cho các học sinh hay sinh viên, việc xuất ngoại cũng là tôi
năn nỉ lão mũi quặp Smith.
- Mày muốn đi Mỹ? Tại
sao? Hơn nữa tiêu chuẩn của mày không có trong yêu cầu.Tao muốn mày học sinh
ngữ để làm sĩ quan liên lạc không yểm chứ không phải xuất ngoại, các sĩ quan
sang Mỹ tu nghiệp lần này đều được chọn lựa ưu tiên theo ngành và đơn vị phụ
trách.
- Ông Smith, xin ông
giúp tôi lần cuối, một lần thôi rồi sẽ không bao giờ có nữa.. Chuyện là như thế
này…
Tôi kể cho lão nghe
toàn bộ câu chuyên và cuối cùng ráng nặn vài giọt nước mắt cá sấu, một ít dầu
Nhị thiên đường tẩm vào cái khăn mu xoa và cái kết quả nước mắt cứ thế xoành
xoạch chảy ra cùng mũi dãi lòng thòng, với dáng bộ bi thương của tôi lại khiến
lão quặp mũi lòng:
-Ok..Ok.. Đừng khóc
nữa mà, không ngờ chuyện tình của mày lâm ly bi đát như thế, cô gái kia quả
thật đáng cho cá mập ăn, không cần quan tâm đến nó, trên đời này không thiếu
các cô gái xinh và ngoan hiền.. Ok… Tao thử xem sao nhưng nói trước không có gì
chắc chắn cho lắm.
Tôi qua Mỹ vào tháng
7/1974, đi mà không một lời từ giả bất cứ ai, lặng lẽ âm thầm ra đi vào tang
tảng sáng nhưng từ trên máy bay vẫn lưu luyến nhìn qua khung cửa kính thành phố
yêu dấu còn vài ngọn đèn đường heo hút trong cái nhập nhòa sương sớm mối tình
đầu của người lính sớm tàn lụi theo tháng ngày ngắn ngủi, nước mắt tôi rưng
rưng theo chiếc phi cơ cao dần trong không....
Đầu năm 1975, Sài gòn
trong cơn hấp hối bởi việc mất quân khu 2 và kế tiếp lui binh ở Quảng Trị, miền
Nam có thể hoàn toàn rơi vào tay Cộng Sản trong những tháng kế tiếp, số phận
những quân nhân đang du học tại Mỹ thì sao?
- Walk in and walk
out.. Please.
Viên sĩ quan phụ trách
cầm danh sách điểm danh từng người một đồng thời hỏi gặng cho chắc ăn lại khi
người nào đó có ý định quay về Việt nam.
- Are you want go back
to Viet Nam? Sure?
Gần như 98% muốn quay
về quê hương chỉ còn vài người là chọn lựa cuộc sống mới ở Hoa Kỳ trong đó có
tôi, không phải là không yêu thương đất nước của mình nhưng nghĩ lại đoạn đường
chua chát đã qua, nhất là sự chỉ huy thiếu công bằng của lão đại đội trưởng, kế
tiếp là muốn quên đi mối tình vô vọng của mình. Tôi hòa mình vào cuộc sống mới
trên đất nước tự do và dân chủ bằng cách đi học trở lại, không hiểu trí óc bấy
giờ trở nên sáng láng và nhớ dai không còn lù đù chậm lụt như hồi ở Việt Nam,
siêng năng cần mẩn lại không bị chi phối tình cảm cùng sinh hoạt cho nên sau
khi tốt nghiệp ngành kỹ sư cơ khí là tôi hăm hở vác đơn xin việc làm. Nhưng cái
số của tôi vất vả cho nên không nơi nào nhận vào làm, đi chỗ nào cũng hỏi có
kinh nghiệm trong công việc và tối thiểu phải trên 3 năm.
- Đậu Má mấy thằng chó
chết, sinh viên mới ra trường làm chó gì có kinh nghiệm, phải có làm thì mới có kinh nghiệm.. Đù mẹ nó!
Tôi chửi um lên cho hả
tức khiến những người đi đường cứ nghĩ là thằng này điên rồi khi không la to
lên với ngôn ngữ lạ hoắc của người từ hành tinh khác đến. Mòn lẳn hai đôi giày,
mất toi 3 bộ đồ vest mua từ tiệm secondhand Goodwill thế mà vẫn không tìm được
việc làm. Trong lúc nản lòng thoái chí thì ông trời lại ngó xuống và mỉm cười
với Tám Tàng. Số là hôm ấy gặp thằng Mỹ bạn học từ hồi đại học nó niềm nở hỏi
tôi tình trạng hiện tại cùng công ăn việc làm, dĩ nhiên là thằng tôi than vãn,
rên rỉ thiếu điều chảy nước mắt về tương lai của mình.
- Tao không còn tiền
để ăn uống cùng sinh hoạt hàng ngày lại thêm tiền nhà tháng này lại đến, sớm
muộn tao cũng sẽ là kẻ vô gia cư thôi.
- Tao biết có công ty
đang nhận người nghe nói thằng chủ khoái bọn lính Việt Nam tụi mày lắm, hình
như ngày trước nó đã từng tham chiến ở nơi ấy, mày thử đến đó xem sao.
Cuối cùng tôi được
nhận vào mà không qua bất kỳ cuộc khảo hạch bởi thằng chủ công ty lại là thằng
John, thằng Mỹ mập mà bọn lính kêu trời trách đất khi băng rừng vượt suối cáng
hắn trên cái võng nhà binh trong khi John nằm phè phè trên đó, đã vậy còn nghêu
ngao vài bài kinh ca ngợi sự tốt lành của chúa Giê Su dành cho nó.
Thằng John bệ vệ trong
bộ đồ sang trong cùng chiếc xe hơi lộng lẫy đã nhào tới ôm tôi hôn chùn chụt
miệng huyên thiên không dứt lời khiến cô vợ tròn mắt ngạc nhiên sửng sốt, những
nhân viên làm việc trong công ty cũng ngây người trước hiện tượng lạ lùng ấy.
- Barbara.. Lại đây
nào.. Đây là ân nhân của tao, không có nó thì đời thằng John này tiêu tùng
trong rừng già, nó cứu mạng sống của tao khi chiếc máy bay bị bắn rơi. Trong
rừng già, trong vòng vây của địch, một chiếc chân bị gãy cùng không có thức ăn
hơn nữa thú rừng lãng vãng xung quanh.. Ân Nhân của tao..
Tôi trở thành nhân
viên của hãng Chrysler equipment chi nhánh chuyên cung cấp đồ phụ tùng cho công
ty và dĩ nhiên với đồng lương tương đối kha khá cùng mọi quyền lợi bảo hiểm
ngon lành. Mọi thứ đều do chính tay John trực tiếp chỉ thị xuống mà không cần
qua bất kỳ cuộc khảo sát hay ý kiến của ai bởi hắn là ông chủ lớn, sau lưng là
đại gia đình giàu có và thế lực.
Năm 1981 nghĩa là gần
6 năm sau ngày mất nước, Tám Tàng bây giờ có xe hơi có nhà lầu trong khu sang
trọng và cái ý nghĩ đầu tiên là về thăm vợ chồng lão Khọm, sau đó là muốn biết
về cô Bắc kỳ ngày xưa bây giờ ra sao, còn độc thân hay là tay bế tay bồng với
lủ khủ hàng tá đám con nít. Từ phi trường sau khi đem hành lý để trong khách
sạn thế là tôi phóng đến nhà lão Khọm ở đường Yên Đổ, lòng hồi hộp lẫn kích
thích vì lâu ngày xa cách nhất là mường tượng đến khuôn mặt xinh xắn và đài các
của Quỳnh Hương, cô tiểu thư lá ngọc cành vàng mà một thời tôi yêu say đắm....
Đứng căn nhà của lão
Khọm tôi sửng sốt như không tin vào mắt của mình bởi giàn bông giấy ngày xưa
bây giờ đã biến mất thay vào đó là bức tường cao vút, bên trong những khóm hoa
đầy màu sắc mà ngày xưa bà vợ của lão chăm nom hàng ngày cũng không còn mà thay
vào vài băng ghế xi măng kệch cỡm.
- Xin lỗi.. Cho tôi
hỏi thăm một chút, đây có phải là nhà của vợ chồng ông Quang?
- Quang nào? Không
biết!
Người đàn ông đứng bên
trong cửa nhìn tôi với vẻ khó chịu, đầy nghi ngờ pha chút khinh miệt, nói xong
xua tay ra dấu đuổi đi như sợ cùi hủi không bằng. Tôi lang thang từ con đường
này sang con đường khác mà lòng nặng nề vô cùng, trong đầu không biết bao nhiêu
câu hỏi nảy sinh nhưng chắc chắn là ông Lão không còn ở nơi cũ. Đi chỗ nào tôi
cũng nhìn ngang nhìn ngửa để mong tìm thấy hình dáng quen thuộc của ông thế
nhưng thành phố rộng lớn như Sài Gòn và con người như kiến thì làm sao mà tìm
ra, cuối cùng thì đành ghé vào quán cà phê nghỉ chân và mong mỏi phép lạ nào đó
xảy ra đến với tôi.
Đến ngày thứ 3 thì mọi
hy vọng hoàn toàn tiêu tan, tôi chỉ còn có thể xin lỗi vợ chồng lão cùng Quỳnh
Hương và hôm nay là ngày cuối cùng sáng sớm mai sẽ bay về Mỹ, nói cách khác
chuyến du lịch thất bại và dự kiến thu ngắn hơn chục ngày.
- Cô chủ bán cho tôi
liều thuốc cảm kèm theo nhức đầu.
- Dạ.. Ông chờ một
chút..
Cô chủ tiệm thuốc tây
liếc nhìn tôi với vẻ tò mò pha lẫn sửng sờ muốn mở miệng nói cái gì đó nhưng cố
dằn lòng nhưng ánh mắt vẫn quan sát người khách một cách thận trọng tựa hồ cố
nhớ cái gì quen thuộc mà cô đã từng gặp qua.
- Dạ thuốc của ông
đây, tất cả 3000 đồng.
Tôi lẳng lặng trả tiền
sau khi nhận túi thuốc từ tay cô.
- Xin lỗi cho tôi
đường đột hỏi ông một câu được không ạ.
- Hỏi tôi?
Tôi ngạc nhiên vì câu
nói của cô chủ tiệm.
- Dạ..Ông có phải là
ông Tám Tàng?
- Di…Sao cô lại biết
tôi?
Tôi suýt tí nữa nhảy
dựng lên vì sợ bởi cái hổn danh quái dị ấy không một ai biết đến chỉ trừ những
người quen biết thế bây giờ cô chủ lạ hoắc lạ quơ lại kêu ngay chóc tên tôi.
- Biết ông là Tám Tàng
bởi có người cho biết, cứ nghĩ là ông còn trong trại cải tạo hoặc vượt biên
không ngờ còn nhìn thấy ông nơi đây.
- Thế cô có biết nhà
ông Quang ở chỗ nào không nhỉ? Tôi cói có đến đấy nhưng người ta xua đuổi như
đuổi ruồi.
- Gia đình ông ta rời
khỏi nơi ấy lâu rồi, họ chuyển xuống khu Bàn Cờ ngay sau khi cộng sản chiếm
được miền nam, họ tịch thu căn nhà với lý do là gia đình Ngụy cùng là tư bản
mại sản, thế ông chỉ thăm hỏi vợ chồng ông bà Quang mà không với ai khác?
Cô chủ tiệm hóm hỉnh
nhìn tôi với vẻ trêu cợt.
- Thì với ông bà ấy
thôi chứ còn ai nữa! cô khéo đùa.
- Không hỏi về Quỳnh
Hương sao?
- No.. No.. Không cần
thiết bởi tôi và người ta không hợp tính, hơn nữa Tám
Tàng này không phải là đối tượng để cô ta chú ý, một cô sinh viên trường Dược
cao quý làm gì nhìn xuống thằng lính quèn như tôi.
- Tôi không nghĩ như
vậy đâu ông Tám mà ngược lại. Thôi thế này tôi cho địa chỉ nhà ông Quang hy
vọng mọi sự sẽ tốt lành cho cả hai người.
Tôi đứng trước căn nhà
tồi tàn cũ kỹ và xiêu vẹo cơ hồ như sắp sập tới nơi, cánh cửa gỗ bị long bản lề
phát ra âm thanh kẽo kẹt thê lương khi gió thổi qua, nóc nhà với mái tôn rỉ sét
loang lổ khiến cho người ta cảm thấy cái nghèo túng của họ. Lão Khọm mình trần
trùng trục với làn da đen đúa vì dang nắng cả ngày, ông ngồi xổm trên nền xi
măng cắm cúi vót những thanh tre, lưng lão còng xuống hằn những chiếc xương
sườn, xương sống nom thật thảm:
- Lão Khọm… Ông đang
làm gì thế? Tôi kêu to.
Ông lão quay phắt lại,
ánh mắt mờ đục hấp háy dưới ánh mặt trời chói chang, nét sửng sốt hiện ra trên
nét mặt khi có người gọi cái tên thân thiết ngày xưa mà cơ hồ lão đã quên mất
tự hồi nào.
- Tám Tàng đây này..
Gớm chưa già mà ông lão đã lẩm cẩm rồi!
- Chú.. Thật sự là chú
nhóc ngày xưa.. là Tám Tàng?
Nói xong không chờ tôi
trả lời, lão đã nhảy bổ tới ôm choàng lấy tôi nói trong sự xúc động nghẹn ngào:
- Chú mày đi đâu mà
không lại thăm vợ chồng tao? Tại sao vậy chứ! Cứ nghĩ là chú tiêu tùng trong
trại cải tạo rồi, không ngờ lại xuất hiện ở đây, ai cho chú địa chỉ của tao?
Chú mày đang làm gì và nghề gì?
- Từ từ mà lão, nói
nhiều quá khiến tôi lộn xộn đầu óc.
- Xin lỗi chú nhóc,
tao lại quên đầu óc chú có vấn đề.
Tôi cùng lão ngồi bệt
xuống nền xi măng trò chuyện. Qua những gì nghe được thì hoàn cảnh của vợ chồng
lão cực kỳ khốn đốn, lão phải ra sức kiếm tiền bằng cách làm các lồng chim để
mang ra chợ bán, bà vợ thì hàng ngày bôn ba ngoài khu chợ trời Huỳnh thúc
Kháng, thu mua quần áo cũ sau đó sang tay kiếm chút tiền cò, Quỳnh Hương thì đã
thôi học ngay khi giải phóng bởi liên quan đến người thân là ngụy quân, hiện
tại cũng như mẹ, mỗi ngày cô lăn lưng ngoài đường bán chui thuốc tây, lời đâu
không thấy mà tiền kiếm được ngày dần teo lại bởi bị bắt bớ, tịch thu đồ vật từ
bọn quản lý thị trường và trật tự đô thị.... Đang trò chuyện cùng lão thì bà vợ
về đến nơi, khuôn mặt rầu rĩ lộ vẻ chán nản cùng thất vọng:
- Hôm nay chẳng kiếm
được xu nào. Đúng là đen như mõm chó! Gia đình mình phải ăn mì gói trừ cơm
thôi.
- Bà.. Nhìn ai đây?
Nói nhiều quá mà chẳng quan tâm gì đến khách khứa đang ngồi.
Bấy giờ bà lão mới
quay lại mới nhìn thấy tôi giống như thái độ của ông chồng, nét xúc động, hân
hoan, vui mừng lẫn bùi ngùi hiện rõ trên khuôn mặt:
- Cứ nghĩ là vợ chồng
tôi sẽ không bao giờ gặp lại chú, bao nhiêu năm qua không hề nghe bất kỳ tin
tức nào về chú và hiện tại sự xuất hiện đột ngột khiến
tôi như nằm mơ. Thôi chú vào trong ngồi cho mát và phải kể mọi thứ cho vợ chồng
tôi nghe.
Tôi khệ nệ mang hai
cái va li nặng trĩu vào bên trong đồng thời phân phối:
- Nơi đây có chút quà
cho ông bà, chiếc này cho cả hai, cái còn lại cho Quỳnh Hương… Quà từ Mỹ mang
về không là bao nhưng là lòng thành của Tám Tàng tôi dành cho gia đình ông.
- Chú ở Mỹ? Không phải
ở tù cải tạo ư?
- Tôi rời khỏi Việt
Nam năm 1974 và sau đó người ta cho ở lại Mỹ khi miền nam mất, nói khác đi là
lưu vong xứ người từ năm 1975.
Vừa lúc đó thì Quỳnh
Hương về đến, cô đẩy chiếc xe đạp mini vào trong sân vừa đi vừa than vãn:
- Mẹ ơi! Hôm nay hôm
nay bọn quản lý thị trường bố ráp kỹ quá nên chẳng buôn bán gì được cả. Xui ơi
là xui!
Tôi nhìn Quỳnh Hương
qua ánh sáng mờ nhạt tối của căn phòng, cô gầy đi thật nhiều cùng làn da rám
nắng mất đi cái trắng nõn nà ngày xưa, đã vậy mái tóc đen huyền óng ả không còn
nữa mà thay vào đó mái ngắn cũn cỡn nom thật tàn tạ. Quỳnh Hương mất đi cái vẽ
nhí nhảnh tươi trẻ của thời học trò mà thay vào nét ủ dột chán chường với những
nếp nhăn ở cuối khóe mắt.
- Mẹ làm cơm xong
chưa? con đói bụng quá rồi.
- Quỳnh Hương… Nom ai
ngồi đây con, nhận ra anh ấy rồi chứ?
- Tám Tàng.. Là ông..
Là ông Tám ngày xưa...
Cô ú ớ vài câu rồi lịm
đi trong tay của bà mẹ, lão Khọm vẫy tôi ra dấu ra ngoài, mặt lộ vẻ buồn rầu:
- Chú nhóc, chú có
biết nguyên nhân nào khiến con bé như vậy không?
- Ông nói vớ vẩn thật
chuyện của cô ấy làm sao tôi biết.
Tôi bất mãn cằn nhằn
bởi từ lâu tôi đã không còn muốn nhắc về chuyện xưa nhất là mối tình đi vào ngõ
cụt.
- Nó phải lòng mày từ
lâu nhưng không thổ lộ với ai, hôm mày ra đơn vị là ngày con bé thất thần và
mất hết hồn vía từ dạo ấy.
- Cái gì? Hương thương
tôi từ lâu? Sao không biết gì hết nhỉ!
- Bởi vậy mới là Tám
Tàng. Thiệt tình tao không biết nói như thế nào về con người ngu ngốc như chú
mày.
- Không có đâu, Quỳnh
Hương có người yêu rồi chính mắt tôi nhìn thấy anh ta.
- Nữa… chú không tìm
hiểu cặn kẽ mọi thứ mà vội kết luận về con bé, người thường chở nó trên chiếc
xe Vespa là thằng anh con chú bác, nó tên Tuấn, lúc ấy đang học bác sĩ.
- Thật sự là vậy sao!
Thiệt tình tôi nghĩ sai về cô ta vậy thì phải nói như thế nào cùng Quỳnh Hương
bây giờ.
- Nói thế nào cũng
được miễn là cho con bé vui vẻ và hạnh phúc là được, tao lúc nào cũng ủng hộ
mày 100%.
……Tôi ngồi kế bên lão
Khọm bên kia là bà vợ và Quỳnh Hương, không khí nặng nề và trầm lặng không ai
dám lên tiếng trước bởi người chủ yếu trong cuộc chính là tôi:
- E.. Hèm.. Tôi..
Tôi.. có ý kiến thế này. Trước khi quay lại Mỹ, xin cho tôi cùng Quỳnh Hương
làm cái đám hỏi ra mắt cùng họ hàng... Còn đây là chút lòng của tôi với ông bà,
số tiền không nhiều nhưng có thể xoay sở trong lúc khó khăn và giúp gia đình có
điều kiện tốt trong sinh hoạt.
Lão Khọm nhìn bà vợ
như hỏi ý kiến, Quỳnh Hương e ấp cúi đầu ngượng ngùng bởi sự việc đến với cô
ngoài sức tưởng tượng và không nghĩ người có lá gan nhỏ như con chí mén thế mà
dám nói chuyện đại sự trước mặt bố mẹ của mình.
- Con cái lớn rồi, nó
cần cái hạnh phúc riêng tư của mình, tôi và ông lão đâu có thể suốt cả đời chăm
lo cho con bé. Nếu chú Tám quả thật yêu thương nó thì vợ chồng tôi hoàn toàn
tán thành. Quỳnh Hương ý kiến của con thế nào? Cứ mạnh dạn trình bày ý nghĩ của
con đi.
- Con không biết. Bố
và mẹ quyết định như thế nào thì con nghe vậy.
Quỳnh Hương gầm mặt lí
nhí nói thật nhỏ âm thanh như tiếng muỗi kêu đồng thời đôi vành tai ửng đỏ vì
xấu hổ. Cái hạnh phúc bao ngày trông đợi tưởng chừng vượt khỏi tầm tay với của
cô. Không ngờ!!!!
…. Anh Lam.. Em yêu
anh từ hôm nghe bố kể lại quãng thời gian sống cùng anh ở trại Cấm, ông không
bao giờ nói với ai về cuộc sống của mình kể cả những giây phút nguy hiểm ngoài
chiến trường, thứ nhất không muốn cho mẹ lo âu sợ hãi khi xông pha trong làn
tên mũi đạn, thứ nhì không muốn phô trương ánh hào quang của bản thân trong các
trận đánh. Mẹ và em không hề biết một tí gì về những ngày mà ông sống ở nơi ấy,
mãi khi nghe bố nói về giờ phút sinh tử của mình khi bị viêm ruột thừa và người
đồng ngủ lặn lội trong cơn mưa tầm tã cõng ông trên đoạn đường dài lầy lội và
trơn trượt cùng duy nhất cái poncho dành cho bố mà bản thân anh ta không hề có
tí vật gì để che mưa. Mẹ và em khóc cả đêm vì thương bố quá, thương những ngày
cơ cực của ông trong khi mẹ con vui vẻ ở nhà mà không hề có một chút suy nghĩ
lẫn lo lắng về người thân của mình.
Em yêu anh từ dạo đó,
muốn chính miệng anh thổ lộ tâm tình của mình thế nhưng có thể vì người ta nhát
quá, cù lần quá hoặc đã có người con gái khác trong trái tim của anh ta cho nên
em vô cùng thất vọng, chính vì vậy bèn làm một hành động để khiêu khích anh,
nhờ ông anh chú bác chở em trên chiếc xe đồng thời cố tình lượn qua mặt anh.
Một hành động cực kỳ ngu xuẩn để rồi mất anh vĩnh viễn. Hôm nghe tin anh đi
nhận nhiệm đơn vị mới là ngày em vấn vành khăn tang trên đầu, vành khăn tang
cho mối tình tan vỡ cũng là tiễn biệt người yêu vào nơi gió cát, em không biết
người yêu của mình đã chết trong cuộc lui binh nghiệt ngã hay chôn vùi thân xác
trong trại cải tạo, em không nghĩ mình sẽ lập gia đình cùng ai khác, sống như
vậy cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay và ước nguyện cùng sóng vai cùng người ta ở
kiếp sau..
Em yêu anh nhiều lắm
anh Lam, người có trái tim nhân hậu và tấm lòng vàng, người hậu đậu, cù lần,
nhát gan cùng cái đầu bị bò đá nước vào óc, em yêu con người chân thật hiền
lành chứ không phải yêu về gia cảnh, học thức hoặc trọng mặt mũi, có người ta
bên cạnh em sẽ những ngày hạnh phúc tuyệt vời. Một mối lương duyên kỳ diệu mà
ông trời ban phát cho em và cũng chỉ một mình em được hưởng.
Lê Văn Nguyên /2011
https://hoiquanphidung.com
No comments:
Post a Comment