Pages

Tuesday, July 26, 2022

Tuổi Già Trong Kiếp Nhân Sinh


Đôi lúc tôi tự hỏi, liệu mình đã già chưa? Lấy gì làm tiêu chuẩn để đo cái già của mình bây giờ? Thời gian chỉ là một số đo ước lệ. Người ta thường nói " càng già, càng dẻo, càng dai..." để ám chỉ rằng cái mà người ta tưởng "già hết đát" thì không hiển nhiên áp dụng cho hết mọi người được. 

Vây thì chẳng có lý do gì phải bận tâm về cái "già" của mình cả. Cũng chẳng phải mặc cảm về cái tấm thân gầy héo bịnh đau mà làm gì. Chẳng qua đó cũng chỉ là dấu ấn của thời gian mà thôi.

Quả thật, con người sinh ra, sống và phải già đi,  đó là lẽ thường tình. Con người, dù không muốn già, cũng phải gánh lấy tuổi già theo năm tháng của cuộc đời này. Tuổi già có những đặc điểm mà những lứa tuổi khác không có được. Đó vừa là niềm hạnh phúc an nhiên nhưng cũng là niềm khắc khoải âu lo, vì tuổi già vừa là ân huệ,

Khi nói đến tuổi già, người ta thường nhắc đến bốn cái khổ của kiếp làm người, đó là sinh, lão, bệnh, tử. 

Lão là một cái khổ mà bất cứ ai cũng cảm nhận rõ ràng nhất. 

Cái khổ của người già lại trở nên bi đát hơn khi nó gắn liền với hai cái khổ kia, đó là bệnh và tử. 

Nói về bệnh của người già, ta không thể không nói đến những căn bệnh thể xác và căn bệnh tâm thần.

Thực vậy, ở tuổi này, cả cơ thể và tinh thần đều thay đổi, da nhăn, tóc bạc, đi đứng chậm chạp, mắt mờ, tai lãng, sức yếu cùng với xuất hiện những tâm lý cô đơn, bi quan, nóng nảy, đa nghi... 

Những khủng hoảng tâm lý ngày càng tăng lên theo tuổi tác. Người về già cũng như một em bé, thân thể yếu đi, phản ứng chậm, người già cần một thời gian lâu dài để ghi nhớ dữ kiện, suy nghĩ và thời gian trả lời lâu hơn. Đặc biệt con người càng về già trí nhớ suy giảm rất hay quên, thiếu sự chú ý, dễ mắc hội chứng Alzheimer, không nhớ để đồ dùng ở đâu. 

Xương cốt yếu đi, đi đứng chậm chạp, dễ té ngã...  

Bệnh tật đối với người già thiết thân như bóng với hình. 

Mỗi khi gặp người lớn tuổi, ta chào hỏi, "ông (bà) khỏe không? " thì câu trả lời luôn là "yếu lắm". 

Cái yếu nơi người già thấy rõ nhất là đi đứng khó khăn, vận động chậm chạp. 

Cái yếu tiếp theo là về con mắt và lỗ tai. Nghe kém, nhìn kém. 

Trong nhiều trường hợp phải dùng kính để xem cho rõ và dùng máy trợ thính để nghe rõ hơn. 

Thông thường thì cả thính lực và thị lực đều giảm sút đáng kể. Đó là cái bất tiện khá lớn của tuổi già.  

Cái yếu nữa là về giấc ngủ. Tuổi già sẽ không bao giờ ngủ sâu và ngủ lâu. 

Thường thì có giấc ngủ ngắn vào lúc khuya và chập chờn cho tới sáng. 

Dỗ được giấc ngủ đã khó, vậy mà hàng đêm cứ phải lóp ngóp dậy để đi vệ sinh năm ba lần, ôi thôi còn ngủ nghê gì được nữa. Nhưng riết rồi cũng quen. Tất cả trở thành chuyện bình thường.  

Cái yếu đặc trưng của người già thuộc về trí nhớ. 

Dường như đó là vấn đề thường bị xuống cấp trầm trọng. 

Có người nói trước quên sau. 

Có người chuyện cũ xưa thì nhớ và kể lai vanh vách, còn chuyện mới xảy ra thì chẳng còn nhớ gì. 

Mới nghe xong mà cứ hỏi đi hỏi lại như chưa nói gì... 

Tất nhiên trong cuộc đối thoại, người nghe sẽ phải kiên nhẫn và thông cảm lắm. 

Nếu không câu chuyện sẽ rơi vào bế tắc! 

Còn cái yếu nữa của tuổi già không thể không nói tới. 

Đó là vấn đề ăn uống. Người già thường than phiền là, lúc còn trẻ ăn được thi không được ăn, đến khi về già thì được ăn nhưng lại không ăn được. 

Đó la sự thật hiển nhiên...

Thực ra, nếu nhìn tuổi già trong toàn cảnh cuộc đời thì ta sẽ thấy rằng chính giai đoạn tuổi cao niên, con người mới thực sự là chính họ. 

Họ hiểu chính bản thân họ với thân phận làm người trong kiếp nhân sinh. Họ hiểu giá trị cuộc   đời hơn. Ho hiểu hạnh phúc là gì và đến từ đâu. 

Họ biết trân trọng những biến cố vui buồn trong cuộc sống, bởi chính đó là nét đẹp đa sắc màu của kiếp nhân sinh. 

Vì vậy, hãy có thời gian cho cả công việc và hưởng thụ khiến mỗi ngày vừa hữu ích vừa thoải mái và chứng tỏ rằng ta hiểu giá trị của thời gian bằng cách sử dụng nó thật tốt. 

Và rồi cuộc sống của ta sẽ tươi vui và tuổi già không có nhiều hối tiếc và cuộc đời của người già chúng ta sẽ là một thành công tươi đẹp.


Sưu tầm 

No comments:

Post a Comment