Ông
Chương thức dậy thật sớm sau một đêm khó ngủ trằn trọc, dù ông đã nghe mấy bài
phật pháp do thầy Pháp Hòa giảng để dỗ giấc ngủ. Bên ngoài cây cỏ còn ngái ngủ
dưới lớp sương dày đặc, chưa thấy mặt trời lên. Ông rón rén đi pha cà phê thật
nhẹ nhàng, cố gắng không gây tiếng động làm mất giấc ngủ cả nhà…Tách cà phê
thơm phức nóng hổi gây cho ông cảm giác dễ chịu. Ông lặng yên như đang lật
trang đời từ ngày qua định cư nước Mỹ …
Nhớ
ngày miền Nam bị mất, ông đi tù 5 năm trở về, lúc ấy ông chỉ mới ngoài
30 tuổi, người yêu đã sang ngang, cùng lúc mất tất cả. Ông chán chường cuộc
sống chẳng thiết gì nữa, nhưng mấy năm sau duyên nợ đến cho ông gặp được cô
giáo dạy mầm non tên Dung, không chê ông nghèo tối ngày đi “dọc đường gió bụi”.
Hai người nên duyên và hơn năm sau cháu Việt ra đời, đến cháu Nga, cháu Nguyệt,
và con trai út là cháu Quân. Gia đình ông ở ké nhà mẹ vợ, ông làm đủ thứ nghề
ai kêu gì chạy đó, sau có được chiếc xe đạp thồ đón khách.
Ánh
mắt ông mơ màng nhớ hình ảnh sau những buổi đi thồ về nhà, các con ra ôm chặt lấy
ông reo lên mừng rỡ, giờ cơm may mắn bữa nào có được dĩa cá, Việt con đầu lúc
đó lên 7 tuổi cứ xoay dĩa cá về phía ông, chỉ muốn nhường cho ba ăn, ông tinh ý
xoay dĩa cá lại về phía các con, rốt cùng chẳng ai dám gắp, cuối cùng ông gắp
chia đều mọi người. Những đêm đông lạnh lẽo của xứ Huế, ế ẩm chẳng có khách,
ông trở về người ướt dẹp, các con quây quần bóp vai đấm lưng cho ông, chưa kể
nhiều lúc chúng cãi vã, giành nhau:
–
Anh thương ba nhiều nhất.
–
Em cũng nhiều nhất.
Ông
thấy sung sướng cảm động ôm các con hỏi lại:
–
vậy sau này ai nuôi ba
Chúng
nhao nhao đưa tay la lớn
–
Con nuôi ba
–
Không, ba mạ ở với con
–
Ba ở với em mà…
Còn
gì hạnh phúc cho bằng lúc ấy, ông cao hứng hát nghêu ngao “dù nghèo mà
vui, hỏi ai không hé môi cười…”
Ông
được qua Mỹ định cư theo diện HO. Ông làm điện tử, bà giữ trẻ vài đứa gắng gồng
trả tiền nhà, điện nước, cơm gạo lo các con ăn học. Bà chờ cuối tuần báo gởi tới
cắt coupon mấy thực phẩm sale từ chợ Lucky, Safeway, Food for Less,
Walmart v..v..Đi chợ VN bà cũng chỉ chú ý mặt hàng giảm giá mới
chịu mua. Lớp tằn tiện dành dụm mua xe cho con, lớp bà con bên chồng bên vợ ở
VN, lớp sửa sang nhà Từ Đường nơi quê Sịa, mồ mả dời đi dời lại, ông bà đều
vén khéo êm xuôi.
Giai
đoạn này tuy cực nhọc vất vả nhưng không khí gia đình thật ấm cúng. Bữa ăn nào
cũng đều quây quần nóng cơm ngon cá cười đùa kể sinh hoạt trong ngày cho nhau
nghe. Các con lớn dần, việc học bù đầu chạy ngược xuôi nhiều lớp cho kịp, đa số
những bữa ăn chỉ hai ông bà lặng lẽ, cũng có lúc mình ông bởi bà cũng thất thường
ham làm bánh trái “ông ăn trước đi, tôi chưa thấy đói”
Các
con học xong từ từ lập gia đình. Dâu đầu là Phương ở chung được vài tháng thì
mua nhà mời vợ chồng ông về sống chung, ông bà phải trả lại nhà thuê. Hai con
gái đi học xa, lâu lâu về thăm, lần lượt ra trường có công ăn việc làm, kết bạn
hùn chung tài chánh mua nhà trước mới làm đám cưới. Rể thứ nhì người Đại Hàn
tên Lee, rể thứ ba người Mỹ tên Tom, con trai Út lêu lỏng ham chơi, sức học
kém bỏ ngang làm thợ tiện, về VN lấy vợ quê miền Tây tên Hoa đem sang Mỹ làm
nghề Nail, đi share phòng vì không được khá giả như các anh chị.
Ông
được may mắn các con mua nhà tuy khác thành phố Sunnyvale, Milpitas, và Santa
Rosa nhưng vẫn nằm chung Bắc Cali. Giai đoạn dâu đầu sinh cháu, vợ ông bận rộn
vừa cơm nước vừa giữ cháu, đứa này đến trường thì đứa kia chào đời, rồi lại vỡ
kế hoạch ra đời tiếp nhi đồng (không có trong chương trình). Ông Chương sắp đến
tuổi nghỉ hưu thì bị laid off, ở nhà phụ vợ đưa đón cháu đi học. Ông cảm thấy
hãnh diện với tuổi gần 70 nhưng vẫn giúp ích rất nhiều việc cho con, sửa lặt vặt
trong nhà, trồng cây ngoài vườn. Có điều lối sống các con ông đã đổi khác không
giống thời ông nữa, lúc ở nhà thuê vợ chồng ông có bàn thờ ông bà nội, ông bà ngoại,
nhưng khi về nhà con thì Việt lên tiếng đề nghị:
–
Ba mạ nên gởi hình trên Chùa, con nghĩ mình đem lên đó tốt cho hương linh hơn
vì sớm tối được nghe kinh kệ.
Ông
hơi sững sờ:
–
Để ở nhà gần gũi với con cháu chứ.
–
Ba nghĩ nhà kiểu này lập bàn thờ nơi đâu, đặt phòng khách không… mỹ thuật và vợ
con cũng bị dị ứng mùi khói hương, mong ba hiểu.
Nhìn
con trai mặt mày hốc hác, phờ phạc theo công việc ông thấy thương và diệt ngay
sự đòi hỏi, thông cảm nói theo con:
–
Ừ gởi trên Chùa cũng tốt, ba hiểu …
Ông
bà thương cháu thương con lấy đó làm niềm hạnh phúc, nhưng đôi khi cũng đè nén
khép nép khi dâu cả đi về chẳng ừ hử với ai một tiếng, vợ ông e dè nói nhỏ bên
tai ông:
–
Mình có làm gì sai không? Bà để tay lên ngực
–
Tui ngại quá ông ơi, thôi đi vô phòng lẹ.
Ông
nhìn bà trừng mắt:
–
Ơ hay tính bà hay xét nét vậy, công việc tụi nó gây áp lực, nó mệt thì vậy thôi
chứ có gì đâu, bà… phải hiểu
Bà
trề môi lắc đầu:
–
Hiểu gì… lúc hai đứa cãi vã nói tiếng to tui cũng ái ngại, dâu chê món này món
kia tui cũng cố chiều, mỗi khi nó đi về môi nở nụ cười và hỏi tui một tiếng
là tui thấy khỏe người vui dạ, chứ nó cứ im im là tui thấy ngộp thở lắm. Tiền bạc
mình cũng chẳng tính, thương con thương cháu chỉ cần không khí thoải mái.
Ông
bào chữa
–
Thấy dâu con tạo dựng nhà cửa, vợ chồng nó sống hạnh phúc là phước nhà mình lắm
rồi, biết đâu… cũng có khi nó thấy mặt bà không vui hay không nói, nó cũng… sợ
thì sao, bà phải hiểu chứ.
Bà
chỉ biết nguýt ông để chấm dứt câu chuyện cho xong, nhưng bà nghĩ cũng nực
cười “thời buổi xưa làm dâu sao bây giờ tâm trạng làm mẹ chồng lại giống như vậy,
có lẽ xưa về ở nhà cha mẹ phải lệ thuộc một phần, bây giờ bọn trẻ giỏi quá mọi
thứ đều tự tạo nên, sự nghiệp vững vàng, phụ nữ chen chân ngoài xã hội đâu thua
ai, có lẽ vậy mà tuổi trẻ hướng dẫn cha mẹ nhiều hơn, và cha mẹ thường nghe răm
rắp…”
Dần
dà hai cháu lớn lần lượt vào trường, bà nội chỉ còn chơi với cháu 2 tuổi. Hương
được làm việc tại nhà nên ông bà cũng thảnh thơi đi Chùa, thăm bạn. Một
hôm dâu dặn bà đừng nấu cơm chiều, nàng mua thịt heo quay bánh hỏi, bánh ướt chả
lụa và mấy phần phở soạn ra cả nhà dùng tối. Dâu vui vẻ gắp thức ăn cho mạ chồng:
–
Con biết ba mạ thương vợ chồng con, giúp đỡ bấy lâu nay, giờ cháu David,
cháu Andrew đã đến trường, chỉ còn cháu Sarah cũng đã lớn, con làm việc tại nhà
rất tiện lợi đưa đón và trông coi cháu, nếu mạ muốn giúp mấy em kia thì
nên giúp kẻo tội, mỗi con ở một thời gian các cô khỏi phân bì và buồn
lòng, chúng con không ép ba mẹ ở một chỗ đâu.
Bản
tính bà dễ chịu hiền lành và cũng thấy nhớ con của Nga, Nguyệt nên nói ngay
không suy nghĩ:
–
Đúng rồi tới đỡ đần cho chúng nó.
Dâu
cả nhìn ông vừa mời gắp thức ăn, vừa hỏi:
–
Con nói vậy có đúng không ba?
Ông
gật gật đầu:
–
Ba hiểu.
Sau
buổi ăn ông đứng dậy bước ra sân đi dạo hưởng gió mát, hít sâu thở nhẹ nhìn trời
cao, mây bay lãng đãng, ông cũng muốn tâm hồn mình khoáng đạt những ý tưởng, quan
niệm sống tung bay giữa hư không thoải mái chớ khúc mắc, suy nghĩ sâu xa gì cho
mệt. Phone hỏi Nga, cháu mừng rỡ “welcome” ba mạ. Hai ông bà sửa soạn dọn
hành lý đồ đạc chuẩn bị những ngày mới…
Sống
chung rể Đại Hàn, ông bà rất sợ ngồi ăn chung vì bản tính ông vốn ít nói, lại
không biết gợi chuyện gì, mà có nói thì cũng lắp bắp cà lăm, riêng bà lại càng
muốn câm nữa, ngồi nhìn nhau cười gượng gạo không phải như Hồ Dzếnh “đo đếm thời
gian bằng điếu thuốc lá cháy trên tay ..” mà đo đếm cái đồng hồ treo góc
tường. Bà mê cháu ngoại gái Sophie lắm, tối ngày đùa giỡn không biết mệt. Con
gái thương ba mạ mua Antenna setup tivi đài VN cho ông bà xem. Ông cũng
thường đến Home Depot, Lower, Target lùng cây cảnh, phân đất về trồng
thêm bông hoa, vì tuy nhà to nhưng vợ chồng nào có thì giờ trang trí mảnh vườn
và sân trước, thì giờ còn lại ông nghe thời sự tin tức thế giới, hoặc cùng bà
xem phim VN.
Một
hôm không có chồng ở nhà, Nga nhắc nhở ba mạ
–
Lúc nào chồng con về ba mạ nên tắt tivi và vào phòng nghỉ cho khỏe.
Nga
cười cười nói tiếp:
–
Lee nói “nhiều lúc đi làm về bước vào nhà mà có cảm tưởng không phải nhà của
mình,” con chỉ nhắc vậy thôi chứ không có gì quan trọng đâu nghe.
Bà
im lặng gượng đùa với cháu, ông nhìn con cười âu yếm
–
Ba hiểu
Kể
từ hôm đó, hai người hể thấy bóng con rể Đại Hàn là chuồn lẹ vào phòng hoặc ra
đường dạo bộ. Đôi lúc hai ông bà thèm cá thát lát chiên sẵn, mua về định hâm
microwave, Nga thấy liền hoảng hốt ngăn chận:
–
Ba mạ đừng hâm …ăn vậy đi, chồng con sắp về không quen mùi hôi này.
– Ờ..ờ ..ba
hiểu, mẹ con quên…
Nga
nhìn ông bà… ngập ngừng một hồi rồi nói luôn:
– Chồng
con có dự tính gởi bé Sophie vào Daycare để bà ngoại đỡ mệt, ba mạ cứ ở đây dưỡng
sức, lúc nào nhớ em Nguyệt thì sang nhà nó, ba mạ nên ở đồng đều cho vui lòng
các con.
Bà
Chương cũng đang có ý định đổi không khí mới nên vui vẻ nói:
–
Đúng rồi như vậy mới công bằng.
Khi
bé Sophie đưa đi gởi rồi, ông bà thấy trống trải, ra vào chẳng biết làm gì, chẳng
lẽ ngồi dán mắt vào tivi hoài, con gái lại dành bếp nấu ăn hợp khẩu vị chồng,
toàn món cay và mùi hơi khó ăn đối với ông bà, lại là dân gốc Huế thèm mắm ruốc,
mắm cà mới kẹt.
Bàn
tính nhiều ngày ông bà gọi phone con gái nhì là Nguyệt chờ sự chấp thuận. Nguyệt
vui vẻ chào đón.
Nguyệt
sinh cháu Sunshine hơn 1 tuổi, rể Tom rất kỹ càng trong vấn đề chăm con,
chỉ muốn gởi Daycare có luật lệ hợp pháp từ khi cháu lọt lòng ra tháng, nên ông
bà rảnh rỗi đi bộ quanh quẩn. Tom không hạp thức ăn VN, con gái muốn giữ
eo ăn toàn rau và trái cây, nàng sắm cái lò để ngoài vườn và dặn:
–
Đi bộ 2 đoạn đường có chợ 99 bán thực phẩm rất tươi, và chợ Saveway cũng gần
đó, ba mẹ muốn ăn gì thì con mua về, nhưng phải ra góc vườn nấu, chứ ba mạ thấy
rồi đó, bếp nhà con luôn đậy nắp, vả lại chồng con không quen mùi thức ăn Việt
Nam.
Cũng
lại cảnh cũ màn hai, hâm vài thứ dù chỉ là mùi nhẹ nhưng rể Mỹ vẫn che mũi tránh
đi. Gặp nhau như người lạ nên ông bà cũng thích… tránh mặt khi có rể Mỹ. Mỗi tối
bà thương cháu muốn ẵm thì con gái chận lại “mạ đã rửa tay chưa? “, bà đi rửa
tay nhưng rồi cũng mất tự tin nơi mình “con vàng con ngọc sợ lắm” nên ẵm vài
phút rồi trả lại, chỉ dám cười giỡn khi mẹ cháu ẵm. Có lần bà đi chợ mua được
chai mắm nêm pha sẵn hiệu Ánh Hồng (bò bảy món), về luộc bún với tôm, thịt,
rau. Ông bà bày các thứ trên cái bàn đặt sau vườn ăn đã thèm, con gái cử kiêng
đâu chẳng thấy cũng chạy ra ăn chung, ông nghĩ buồn cười ”cũng là giống nòi dân
Việt Nam mà …”
Đến
lượt con trai Út gọi phone mượn tiền ông down thêm để mua nhà. Nghĩ thương vợ
chồng Út Quân lâu nay đi share phòng, giờ biết dành dụm tính chuyện “an cư lạc
nghiệp”, ông rất vui mừng và chẳng tiếc chi. Với con nào ông cũng gởi khéo tiền
lúc con chuẩn bị mua nhà, đề phòng khi mất khỏi chia gia tài hoặc các con chi
ra việc hậu sự cho ông bà, nay đến phiên Quân cũng vậy. Nghe tin Quân mua nhà
Nguyệt cũng vui lắm, hứng khởi nói thực tình luôn
–
Chờ Út dọn nhà mới ba mạ về đó chắc thoải mái hơn nơi đây, vì dâu VN qua sau
này nấu ăn giỏi và thích hợp khẩu vị ba má, con nghĩ cũng thấy yên lòng.
Bà
cũng hớn hở theo:
–
Đúng rồi, nó tội nhất, nghèo nhất lâu nay không được ở gần nó, mẹ sẽ về …nhớ nó
quá.
Ông
chẳng tiếp lời, chỉ” ừ” nhẹ cho xong chuyện, nhưng nhất định là như vậy rồi.
Một
sáng mùa xuân trời đẹp, ông bà lại lên đường đến nhà Út. Vợ chồng Quân vui vẻ lắm:
–
Ba mẹ ở đây với con đừng chạy đâu nữa, cu Sơn có ông bà nội về là tụi con yên
tâm đi cày, không phải gởi nhà người ta sáng trời lạnh lẽo vác đi, chiều tối
gió máy đón về tội nghiệp cháu.
Căn
nhà nhỏ thấp vùng Santa Clara với 3 phòng ngủ, một phòng tắm rưỡi, tum húm chật
hẹp (tiền nào của đó). Ông nghĩ thương con “giàu út ăn, khó út chịu” nên muốn
đóng góp phụ tiền nhà hàng tháng. Ông ra tay phụ sửa sang nhiều chỗ hư hỏng, phụ
sơn phết tân trang lại. Bà cảm thấy khoan khoái dễ chịu vô cùng, hình như nhà sang
không làm bà thoải mái bằng nhà cũ. Bà giữ cháu, cháu ngủ tha hồ ra bếp nấu
những món nhịn thèm lâu nay. Dâu làm Nail tháng 26 ngày, ngày 12 tiếng giao mặc
mọi việc cho bà, tối về rửa chén nói vài câu với mẹ chồng rồi xin phép vào
phòng vì thèm ngủ. Ông tha hồ cày đất trồng rau răm, rau thơm, sả, hành, cải, làm
giàn trồng bí, cà chua… Mỗi chiều ông tưới cây ngắm nghía công trình gầy dựng
lên ngôi vườn mang hình ảnh quê hương đỡ nhớ nhà biết bao, bà tha hồ hái các thứ
rau làm bánh xèo, gỏi cuốn tôm thịt, chưa kể bà được ở gần Chùa mỗi sáng chủ nhật
vợ chồng lái xe tới sinh hoạt cùng tứ chúng.
Ngày
tháng êm đềm trôi qua hơn 1 năm thì cha mẹ của dâu Út qua theo diện bảo lãnh. Tội
nghiệp cháu Sơn lên 3 tuổi đang có phòng riêng nay chung phòng cùng ba mẹ, nhường
anh chị Sui gia. Thời gian đầu ông Chương lấy xe chở anh Sui đi đây đó cho biết
đó đây. Bà rủ chị Sui đi Chùa thân mật. Hai bà thay phiên nhau đùa chơi với cu
Sơn, lúc vào bếp cùng phụ nhau. Nhưng rồi hai chữ “chung đụng” thường đi chung
với nhau, có chung là có đụng, không đụng ngoài mặt nhưng đụng trong lòng. Bà
thường hay nấu cơm dư một ít phòng ngoài giờ ai đói có sẵn ăn, chị Sui nhẹ nhàng
cho ý kiến.
_
Chị ơi cơm ăn chừng nào nấu chừng đó mới ngon, ăn cơm nguội hay cơm cũ không
ngon.
Ôi
chao chị Sui ở tầng lớp nào mà sang quá vậy, không chịu dùng cơm cũ, ngay khi
ông Chương chở bà đi chợ về, thấy thức ăn soạn một nhà bà đang sắp xếp vào ngăn
đá, chị Sui đến gần
–
Chị ơi! ăn ngày nào đi chợ ngày đó thức ăn mới tươi ngon, không nên bỏ đông đá.
Bà
Chương nghẹn lời chẳng biết trả lời sao nữa, kể ra thì sợ hiểu lầm mất
lòng nhau. Hèn gì nhiều người nói VN bây giờ chạnh chọe lắm, họ rảnh rổi đi chợ
mỗi ngày như kiểu xưa, họ đâu tưởng tượng cảnh tất bật bên này cuối tuần đi chợ,
giới trẻ đứng nấu một ngày cho cả tuần các món mặn, trong tuần về chỉ nấu nồi
rau, thậm chí có người thuê đến nấu 7 món để trong 7 hộp cất ngăn đá dùng cho cả
tuần. Bà nhớ một lần ăn đám giỗ nhà người quen, em chủ nhà từ VN sang du lịch kể
oang oang rằng có thuê người giúp việc, mỗi bữa ăn họ đứng hầu chờ đơm cơm, rót
nước, đưa tăm. Một cô nào đáp lại “chị làm nghề chi mà giàu có sung
sướng vậy? Bên này tụi em nấu một lần ăn cả tuần, chỉ có thức ăn bị hư mới đổ
đi thôi”, mấy cô khác đứng gần đó cũng hưởng ứng “yeah, yeah, yeah…” làm bà không
nhịn cười được bên kia nói càng cao sang thì bên này lại nói càng cơ cực dù mấy
cô mấy chú toàn là kỹ sư.
Trở
lại chuyện chị Sui thiệt là khó xử …vì nhiều món chị Sui ăn không quen, chị Sui
dành vào bếp nấu, ông bà cũng khó dùng vì thức ăn ngọt quá, chẳng lý lại
đi nấu riêng. Dần dần cố gắng né tránh nhau, ngoài mặt luôn cười mà lòng
thì héo hắt, nên âm thầm nhịn nhục chui vào phòng, bà thố lộ những điều khổ tâm
cùng ông, ông đã cảm nhận trước nên bà vừa kể xong là ông nói câu cố hữu trường
kỳ “tui biết…” Riêng ông thầm suy nghĩ hối tiếc “tại sao hồi
trước mình không gắng mua căn nhà nhỉ, mà có đủ đâu, chắt chiu cỡ mấy chỉ vừa đủ
tiền thuê nhà một đầu lương ba đồng ba cắc của ông, bà chỉ phụ tiền chợ đắp đổi
qua ngày cho các con yên lòng dồn tâm trí học hành. Ông nhớ vài cụ già sao
mà có uy quá, yêu cầu con cái đóng góp tiền bạc, cụ gom góp cả phần mình, rồi
mượn ít. nợ mua căn nhà các con sống chung, góp tiền trả hàng tháng, khi các
con muốn ra khỏi nhà cũng phải đóng góp y như cũ, cuối cùng thì nhà của cụ cho
các con cuối tuần quay về vui chơi sum họp. Còn nhiều người bạn ông đều có nhà
riêng, con cái góp tiền nhà chung, nên cha mẹ có nhà ở cố định…Tuần trước đến
nhà bạn, thấy có người dọn đi từ studio bạn xây để cho thuê, ông đã có ý định
ra ở riêng …
Tiếng
dép của bà lẹt xẹt bước ra cắt đứt sự tĩnh lặng, cắt đứt trang sách đời ông
đang thả hồn…
–
Ông ăn sáng chưa? Tui nấu oatmeal ăn chung hí?
–
Chưa, chỉ mới uống cà phê thôi… ừ bà nấu đi, ăn xong mình ra đường đi
bộ tui kể bà nghe chuyện này
Bà
dọn 2 tô oatmeal dùng với chà bông làm bằng cá salmon, xong hai người vội vàng
thay áo quần ra đường, ông kể nhà bạn dư studio phía sau vườn có lối đi riêng vừa
trống, ông tình cờ đến chơi, bạn biết tình cảnh ông ở chung với Sui gia, nên ngỏ
ý mời ông đến thuê. Ông bà bàn bạc chuyện này nên mời các con họp để hỏi ý kiến,
ông bà phân vân suy nghĩ nhiều thứ, cuối cùng đồng nhất cho các con hay, riêng
bà nghe studio có lối riêng là thích lắm, lòng cũng nôn nao không kém.
Cuối
tuần họp tại nhà con trai trưởng, vợ chồng Út, Nga, Nguyệt có mặt đầy đủ chỉ trừ
2 ông rể. Ông kể tình trạng nhà Quân chật chội, nay có thêm Sui Gia …
Trai
trưởng lên tiếng trước
–
Nhà con nay các cháu đã lớn, mỗi đứa một phòng…con không biết tính sao…À! nhà
Nga và Nguyệt chỉ một con, còn dư phòng mà.
–
Không được, dư hai phòng nhưng Lee dùng làm office, còn phòng kia để đồ chật
ních, Nga nhăn mặt than.
Nguyệt
cũng đua theo:
–
Nhà em cũng giống chị Nga, workroom 1 và Tom để dành 1 cho mẹ thỉnh thoảng về
thăm cháu, em ngại nói lắm
Dâu
út lườm nhẹ 2 chị chồng
–
Ba mạ cứ ở nhà con đi, nếu cần có thể nấu ăn riêng cho thoải mái, phần vợ chồng
con sẽ cố gắng lo cơm nước không để mạ mệt nữa.
Dâu
đầu nãy giờ ngồi im, giờ chịu lên tiếng
Con
cái phải có trách nhiệm chung, nếu không có chỗ thì thuê nhà cho ba mạ ở, hiếu
đồng chia đều, phụ chung tiền hưu của ba mẹ, để ba mẹ có chỗ yên thân, mọi người
có đồng ý không?
Ông
bà ngồi im thờ thẩn, ông cười thầm với suy nghĩ thoáng qua “cha chung không ai
khóc, ông cũng chẳng muốn con cái phải góp tiền thuê nhà, lương hưu 2 người
cũng được gần $2 ngàn, thuê nhà $1,200, điện nước phone, bảo hiểm xe cộng lại
cũng cỡ $1,500 cộng thêm tiền xăng, xe hư và tiền ăn có lẽ cũng đủ nếu đừng xã
giao bên ngoài và chia sẻ làng mạc. Ông nhớ những bài pháp hằng nghe từng đêm,
nhớ quá khứ, nhớ vai trò người cha, nhớ câu người đời ca tụng “công cha như núi
thái sơn”, ông thấy mình chẳng xứng đáng như vậy, nhưng ông hiểu rõ nước mắt
luôn chảy xuống, mà ông bà có khổ gì đâu, chỉ là cuộc sống thời này đổi khác,
con cái muốn có cuộc sống riêng tư để giữ gìn hạnh phúc gia đình, như vậy cũng
là điều tốt điều phải…
Ông
đang suy nghĩ mông lung thì tiếng các con đua nhau phân trần công việc căng thẳng, nhà
cần yên tĩnh cho chồng làm việc. Ông vội lên tiếng kẻo sợ các con buồn:
–
Ba hiểu, ba hiểu… mà
Cuối
xuân trời tươi sáng quang đãng rực rỡ nắng hồng chuẩn bị vào hạ. Vợ chồng ông hồi
hộp nôn nao dọn dẹp gói gọn đồ đạt, mua thêm các vật dụng vào nhà mới. Món quà
lớn chính phủ Mỹ tặng, còn niềm vui nào bằng tuổi già được bao nhiêu ân huệ tiền
bạc, nhà cửa, y tế. Ông còn nghe bạn bè kể được tham gia hội già, được nhiều
quyền lợi từ chính phủ tài trợ như phát thực phẩm, nhận lãnh thức ăn đã nấu
chín bún riêu, phở, bún bò v..v Nghĩ đến ông muốn kêu lên sung sướng
“trời ơi thiên đàng tuổi già “, ông nhớ những hình ảnh người già bên VN còng
lưng đi bán vé số, ôm thúng khoai, ôm rổ cóc kiếm gạo sinh sống thật xót xa.
Đối
với các con ông thường nói “ba hiểu”, vì ông biết cảm thông công việc, biết tuổi
trẻ ảnh hưởng lối sống xứ người buông dần những phong tục tập quán quê hương,
biết các con dùng chất xám trong đầu làm việc căng thẳng theo chức năng. Mạch
nước từ dòng sông vẫn chảy, chỉ là mỗi lúc mỗi chia nhánh theo nhiều hướng đời
xa dần… Ông nghĩ đến niềm vui sắp dọn nhà tuần sau, nghĩ đến nước Mỹ, bất chợt
ông thốt lên hai tiếng quen thuộc đã từng nói lâu nay “ba hiểu”.
No comments:
Post a Comment