Pages

Friday, August 5, 2022

Cái Khoái Thứ Tư - Tràm Cà Mau

 
Hình minh hoạ

Ông Tư cùng hai người bạn thi sĩ đang uống trà, đắc ý ngâm vịnh, bỗng nghe chuông điện cửa reo và tiếng đập ầm ầm gấp gáp, tưởng như có bọn cướp sắp tấn công. Ông xanh mặt chạy lại nhìn xuyên qua ống dòm gắn trên cửa, thấy ông cụ Võ đang đập cửa và to tiếng hối:

“Mở cửa gấp, mở gấp! Mau lên”.

Cửa vừa mở ra, ông cụ Võ chạy ào vô, gạt ông Tư qua một bên, rồi phóng gấp vào phòng vệ sinh. Ông Tư đang ngơ ngác nhạc nhiên, nhưng khi nghe tiếng phành phạch liên tục trong cầu tiêu ông biết chuyện gì đã xảy ra cho người bạn. Một lúc sau, ông Võ đi ra khỏi phòng tiêu với nét mặt tươi tỉnh, hồng hào, và nụ cười toe toét, nói:

“Xin lỗi các ông, khẩn cấp quá, hết cầm cự nổi, chậm một chút nữa thôi, đã phóng uế ra cả quần rồi. Xấu hổ.”

Ba ông bạn mời khách ngồi vào bàn, nhấp chén trà thơm và đùa:

“Chúng tôi đang bình thơ, tán văn, bác cắt ngang bằng cái chuyện đó, còn chi thơ mộng nữa đâu!”

Ông Tư cười vui vẻ: “Tôi cũng có những lúc khẩn cấp, cố nín tiểu, về đến nhà rồi, trong khi mở khóa cửa, nó càng mót đến tột độ, và tự động ào ra ướt cả quần. Len lén vô nhà, không dám để cho vợ biết.”

Ông Lê, tuổi xấp xỉ bốn mươi, chưa có kinh nghiệm của người già bị hư vòi, yếu thận, cười chế diễu:

“Chi tệ thế, chỉ cần có chút ý chí, cầm giữ nó lại, đâu đến nỗi nào?”

Ba ông già liếc nhìn nhau, như có ý chế giễu câu phát biểu của người bạn trẻ.  Ông Tư nói nhỏ:

“Vài ba chục năm nữa, anh sẽ hiểu cái khốn khổ của người già. Cũng không cần già, ai cũng có khi lâm nạn. Các anh có nhớ mấy chục năm trước, cô phóng viên người Mỹ, đang đi trước bưu điện Sài Gòn, đau bụng quá, chạy quanh tìm không có nơi đi cầu, bèn nhảy đại vào cái chòi điện thoại công cộng mà xổ toẹt, trút cái bầu tâm sự? Hồi đó báo chí ồn ào đăng lời chế diễu, lúc ấy mình còn trẻ, cũng thấy tức cười và không hề biết cảm thông cho người bất thần gặp nạn.”

Một ông nói xen vô:

“Hôm kia, trên điện thư, có kèm theo một đoạn phim ngắn, thấy hình một bà chuồi mông trắng hếu ra cửa xe đò để xả nước thừa. Nhiều người chê bai, chế diễu, nhưng tôi thấy tội nghiệp cho bà nầy. Không có giải pháp nào khác tốt hơn. Chẳng lẽ cứ tiểu đại trong quần, ướt nhẹp, chảy xuống ghế ngồi, xuống sàn xe, làm hôi hám nồng nặc cho hành khách suốt cả lộ trình dài. Đem hình nầy lên mạng cũng hơi ác, và thiếu tử tế.”

Ông Võ tiếp lời; “Nói đến xe dò, tôi nhớ mấy chục năm trước, lần đầu tiên đi từ Sài Gòn ra Nha Trang để vượt biển, khi qua khỏi Phan Thiết, xe dừng lại bên đường, tôi thấy nhiều người nhảy xuống xe, ào ào chạy mau vào đồi cát có cây lúp xúp. Tôi nghĩ chắc có chuyện gì lạ lùng đặc biệt lắm nên thiên hạ chạy đi xem. Tôi vội vã phóng xuống chạy theo. Chạy được một đoạn ngắn vào đồi cát, tôi đỏ mặt xấu hổ tẽn tò quay chạy lui, vì thấy hơn cả chục cái mông đàn bà trắng hếu đang chỉa ra về hướng tôi, và những vòi nước phun thành giòng long lanh trong nắng. Cái mặt tôi nóng bừng, xấu hổ, hốt hoảng chạy lui, vào ngồi cúi đầu trong xe, không dám nhìn ai.”

Các ông đều cười vui. Ông Võ nhắc: “Ngày xưa ở Sài gòn, hình như cảnh sát phớt lờ, không phạt vạ mấy ông tài xế tắc-xi, khi họ che cái nón, ngồi tè vào bánh xe ngay giữa phố chính như con chó co chân xịt nước đấnh dấu. Có lẽ cảnh sát cũng thông cảm cho giới tài xế suốt ngày lái xe trên đường. Vả lại, trên phố chính hồi đó, chỉ có một cái cầu tiểu công cọng trên đường Lê Lợi, sau lưng vòng thành bộ Công Chánh mà thôi.”

Quay qua ông Lê, ông Võ nói: “Chuyện tiêu tiểu là mối bận tâm rất lớn lao của các ông bà lớn tuổi như chúng tôi. Cứ buồn tiểu hoài. Tuổi già, yếu đuối nên ưa làm biếng, mà mỗi đêm phải thức giấc năm bảy lần để mò vào nhà cầu. Không làm biếng được. Rồi khó ngủ lại. Nhưng có người nói rằng, không nên phiền muộn vì chuyện đó, bởi nếu bị bí tiểu, còn khổ hơn gấp trăm lần”

Hớp một ngụm trà, ông tiếp: “Tuổi già ưa đi đây đi đó nhưng ngại, sợ mót tiểu, không tìm ra nơi xả, thường nó đòi hỏi rất khẩn cấp. Không nín được. Nên cứ du dú ít muốn đi ra khỏi nhà. Ngay cả lúc đang ở trong nhà, có khi chạy kịp đến bồn cầu rồi, kéo khóa quần không kịp, làm ướt át lung tung.”

Ngưng một chút, ông Võ nói tiếp: “Nhớ lại, tôi không hiểu tại sao ngày xưa, đưa nhiều cô bạn gái đi chơi, ăn uống suốt ngày, mà họ không đòi đi xả nước bao giờ. Cũng lạ!”

Một người góp ý: “Phải chăng vì các cô e thẹn, vả lại cầu tiêu công cọng không có, cầu tiêu của tiệm ăn cũng hôi hám, dơ dáy quá, nên các cô nín luôn. Không bể bọng tiểu mới lạ.”

Ông Lê cười: “Cầu tiêu dơ quá, cũng tắt ngúm luôn cái đòi hỏi sự tiêu tiểu. Nhớ, đến cái cầu tiêu công cọng bên Tàu, bây giờ còn ớn lạnh. Nó thành nỗi ám ảnh ghê gớm với du khách. Hôi hám và dơ dáy khủng khiếp. Khi đi thăm ‘Cung Diện Mùa Hạ’, nơi vua chúa ngày xưa nghỉ mát, có anh du khách cần tiểu tiện, hỏi cô hướng dẫn viên. Cô nói rằng cứ nhắm theo hướng có mùi hôi đi tới sẽ gặp. Nghe lời cô, ba bốn người nương theo hướng mùi hôi càng lúc càng nồng. Anh đi đầu mới đến trước ca nhà cầu, bỗng thét lên một tiếng thất thanh, quay người hốt hoảng phóng chạy lui. Mấy người sau ngơ ngác, tưởng anh bạn gp cọp beo chi tấn công, bàng hoàng chưa kịp hỏi. Nhưng rồi họ cũng tiến bước, và cũng thét lên những tiếng sợ hãi cùng cực rồi tháo chạy. Cái dơ dáy lầy lội hôi hám ngoài sức tưởng tượng của trí óc con người bình thường làm họ tắt luôn cái đòi hỏi của cơ thể. Họ nhận xét rằng nước tiểu người Tàu khai nồng ghê khiếp, khai nhất thế giới, có lẽ bởi vì họ không có cầu tiêu công cộng, phải nín tiểu lâu, nước tiểu cô đọng kẹo lại, thành nặng mùi cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Trong cả mấy ngàn năm vua quan người Tàu đều đi tiêu tiểu trong bô. Không biết họ có gọi phân vua là ‘phân rồng’ (long phẩn) hay không, và đem dấu kín như mèo dấu phẩn. Có người bảo rằng, mấy ông vua Tàu đời xưa, hách dịch và độc ác, đa số đều không biết chùi đít khi vệ sinh xong, quan thái giám phải lau đít cho vua như chăm sóc bọn con nít. Trong phim “Vị Vua Cuối Cùng” đời nhà Thanh, vua Phổ Nghi, không biết cả mặc áo và cài nút nữa. Nói chi đến chuyện chùi sạch đít.  Không biết cài nút, cũng chẳng biết cởi nút, bởi thế cho nên khi vua muốn ái ân với cung phi mỹ nữ nào, thì bọn thái giám, cung nữ phải cuộn bà phi trong tấm khăn lớn, đã trần truồng sẵn, khiêng thảy vô giường rồng. Vua cứ thế mà hùng hục, e cũng mất đi một cái thú mơn trớn, cởi từng hạt nút, hé từng manh vải, trước khi xáp trận.”

Ông Tư vỗ vai ông Lê hỏi: “Anh đã từng đi đi du lịch khắp thế giới, theo anh nhận xét, du khách khoái nhất cái gì khi đến Mỹ quốc?”

Ông Lê chậm rãi: “Họ bảo khoái nước Mỹ, không phải vì xứ giàu có, sang trọng, cũng không vì phong cảnh hùng vĩ của Grand Canyon, cũng không phải thành phố Las Végas huy hoàng tráng lệ, cũng chẳng phải vì tự do dân chủ, an toàn, mà thích vì cái cầu tiêu, cầu tiểu, đi đâu cũng có, với đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ, không thoảng mùi hôi hám. Có giấy đi cầu, có nước dội, nước rửa tay. Những khu nhà vệ sinh rải rác dọc các xa lộ, rộng rãi, tiện nghi, cây cối cao dày che bóng mát, đẹp như những công viên. Có đủ bàn, ghế, nước nôi, thùng tự động bán cà phê, thức uống giải khát, cùng các món ăn nhẹ lót lòng. Công viên nào cũng có nhiều nhà cầu tiện nghi, giấy và nước rửa tay, vòi nước uống.”

Ông Võ tằng hắng, nói: “Đừng có tưởng cầu tiêu sạch sẽ tiện nghi không có cái bất lợi của nó. Sạch sẽ quá, thơm tho quá, cứ ngồi đọc sách mãi, rồi trĩ nó dài ra ba thước!”

Ông Tư cười: “Tôi nghĩ rằng có hai nhóm người, nhóm thứ nhất không bao giờ đọc sách báo trong cầu tiêu, ngồi xuống xoẹt một cái thật mau, chạy ra khỏi nơi đó, xong việc. Nhưng dễ chi làm được cái chuyện đó suôn sẻ dễ dàng mau chóng như ý muốn? Lạ, chuyện đó, càng nôn nóng, nó càng khó khăn, nhất định trì hoãn lại, không chịu chui ra. Theo tôi nghĩ, người không thích đọc trong lúc ngồi trong cầu tiêu, vì thói quen cũ, hồi xưa, cầu tiêu tối tăm, hôi hám, dơ bẩn, không ai muốn ngồi lâu trong đó. Làm cho mau mà chạy. Nhưng ngày nay, cầu tiêu sạch sẽ, sáng sủa, thơm tho, ngồi vị thế thoải mái, dễ chịu,  tội chi mà không đọc vài trang sách báo cho tâm trí lâng lâng. Đọc sách mãi trong khi làm vệ sinh, rồi cũng thành thói quen, khi không có chi đọc,  chất thải trong người không chịu chui ra. Những khi ngồi phòng vệ sinh nhà lạ, mà không có sách báo chi để đọc, tôi cầm cái ống thuốc đánh răng, cái bao xà phòng, săm soi đọc, để kích thích nhu động ruột, cho chất thải nó mau tuôn ra”.

Ông Trần nãy giờ ngồi im, vì đang bất bình về việc buổi ngâm vịnh thơ văn bị cắt ngang, xoay qua chuyện phóng uế dơ dáy. Ông gằn tiếng: “Họ đọc gì trong nhà cầu?”

Ông Tư cười khì khì: “Thường người ta đọc báo, xem thoáng tin tức hàng ngày, cũng tiết kiệm được một ít thời gian. Một số người khác, đọc sách thánh hiền, nghiền ngẫm triết lý cao siêu trong khi ngồi chờ chất thải từ từ êm ái chui ra. Hình như tư tưởng cao siêu của thánh nhân dễ thấm vào đầu hơn trong thời gian nầy, có lẽ vì đang có khoái cảm lâng lâng. Nhờ đó, mà những điều lãnh hội trong cầu tiêu còn nhớ lâu hơn những khi khác. Những người nầy, khi bàn chuyện văn chương, triết lý, ít khi họ nhận ra các kiến thức đó đã thu thập được trong phòng vệ sinh. Dù cho nhiều thầy thuốc khuyên không nên đọc sách trong khi đi cầu, nhưng những người ghiền đọc nầy không chấp, kệ nó, khi nào trĩ mọc dài ri hãy hay. Mất cái thú đọc sách lúc nầy, đời còn chi nữa?”

Ông Tư ngưng một chốc, rồi tiếp: “Một số người khác thích nghe nhạc trong thời gian ngồi nhà cầu. Nghe nhạc du dương, êm đềm ru họ trong trong lúc lâng lâng, khoái cảm. Hình như có ít người vừa ca hát vừa rặn ì ì khi bị táo bón. Khi táo bón mặt nhăn như cái bị rách, tinh thần xuống thấp. Tôi biết vài ba ông, đem dấu vài cuốn sách Anh hay Pháp ngữ trong phòng vệ sinh, mỗi ngày chỉ học chừng năm ba chữ mà thôi. Ngày hôm sau ôn lại các chữ cũ, và học thêm năm ba chữ mới, cứ lảm nhảm đọc đi đọc lại cho nhập tâm. Cái học nầy, thấm kỹ, thấm từ từ, rất hiu nghiệm. Có ngày nào mà không phải đi cầu một lần? Có khi hai lần, hoặc ba lần không chừng. Cứ tiếp tục như thế, nếu tính mỗi ngày 5 chữ thôi, xem như mỗi năm học được 1825 chữ. Trong vòng năm năm, học và nhớ được 9125 chữ, đó đâu phải con số nhỏ? Chỉ chừng đó thôi làm vốn, cũng dư rồi. Cũng có người cứ lảm nhảm đọc lui đọc tới một hay hai câu đàm thoại mà thôi, trong năm bảy năm, cũng đã khấm khá môn sinh ngữ đó. Tôi còn biết một anh làm chung sở, giỏi văn phạm lắm. Anh đã học văn phạm mỗi ngày mấy phút, khi đang ngồi phóng uế. Sau nhiều năm, thuộc lòng cách dùng chữ, cách viết, viết rất thông thạo. Nầy, các anh có nhớ một ông nhạc sĩ tài danh Việt Nam, khi nổi nóng bảo rằng, ông đã sáng tác ra những bản nhạc bất hủ trong khi ngồi trong cầu tiêu. Không biết có phần nào là sự thật.  Ông đã nóng giận khi cộng đồng người Việt hải ngoại phê bình ông nặng nề, vì ông đã về lại Việt Nam và tuyên bố những lời thiếu tử tế, và có lợi cho chính quyền độc tài hại dân.

Ông Trần hết kiên nhẫn, nói: “Thôi, chấm dứt câu chuyện dơ dáy đi. Có gì quan trọng đâu mà bàn bạc mãi?”

Ông Võ nhướng to mắt, nói lớn: “Ai bảo không quan trọng? Quan trọng đến nỗi ông Ban-Ki-Mun tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, đã chính thức công bố và chọn ngày 19 tháng 11 hàng năm làm ‘Ngày Nhà Vệ Sinh Thế Giới’- (World Toilet Day) Tại sao mà chuyện tiêu tiểu dơ dáy lại làm bận lòng cả ông ‘Thiên Tử của Thế Giới’ vậy nhỉ?  Bởi vì có hơn hai tỷ rưởi công dân của địa cầu chưa biết cái nhà vệ sinh là cái gì. Cứ vác mông ra cánh đồng, núi đồi, sông suối, bụi bờ, mé đường, mà xổ toẹt. Cứ phóng uế bậy bạ bừa bãi như thế, đã là nguyên nhân hàng đầu của bệnh truyền nhiễm, và mỗi năm đã giết chết hàng triệu người trên thế giới, trong đó có hơn một triệu rưởi trẻ em dưới năm tuổi chết oan, không đáng chết, nếu có điều kiện vệ sinh thích hợp. Cho nên, ông đề nghị chương trình kế và hoạch xây cầu tiêu cho hơn bốn tỉ rưởi người trên thế giới. Đầu tiên, xây nhà vệ sinh cho 600 triệu người Ấn Độ, 400 triệu người Tàu, 350 triệu dân nam Phi Châu, và cho nhiều nơi khác nữa trên toàn thế giới. Sáng kiến nầy đã được 120 quốc gia hội viên nhiệt liệt tán thành. Mục tiêu cần đạt, tính đến năm 2025 sẽ không còn một công dân nào của thế giới phải tụt quần phóng uế giữa đất trời gió lộng. Như thế, ước tính mỗi ngày phải xây thêm hàng chục ngàn cái cầu tiêu mới.  Cái dự án xây cất cầu tiêu nầy, cũng đã làm vợ chồng ông tỉ phú Bill Gates bận lòng không ít. Ông đã bỏ ra cả bốn trăm triệu đô la tài trợ để nghiên cứu những loại hầm cầu không cần dội nước. Sau bốn năm cật lực nghiên cứu, họ đã phát minh được vài loại hầm cầu khả dĩ xài được. Đợt đầu, ông tỷ phú bỏ ra hai trăm triệu thuê các đại học khắp thế giơi, các kỹ sư, khoa học gia nghiên cứu cầu tiêu, ông theo dõi, đặt ra các giải thưởng, và tuyên bố thống kê hàng năm. Việc tiêu tiểu mỗi ngày, làm khổ tâm giới phụ nữ Ấn Độ không ít. Nhiều bà, nhiều cô phải chịu nín đi tiêu tiểu lúc ban ngày, chờ cho khi bóng đêm phủ xuống, mới rủ nhau chừng năm bảy bà, đi ra đồng, ra rừng, mỗi bà đem một ca nước để rửa. Phải đi thành đoàn, bảo vệ cho nhau vì bọn bất lương thường hãm hiếp người đơn độc. Khi đi đại tiện giữa ban ngày ban mặt, phơi mông ngồi lộ thiên khơi khơi, thường bị bọn nam phái dòm ngó, chọc ghẹo, phê bình, và có khi bị những tên cuồng dâm làm ẩu. Pháp luật Ấn Độ không nghiêm phạt tội hiếp dâm, nên chuyện tồi bại nầy diễn ra đầy rẫy khắp xứ. Vừa qua, Ấn Độ bị các nước ngoài chỉ trích, nên chính phủ Ấn ra một đạo luật mới, xử phạt nặng nề hơn. Chính phủ của thủ tướng Modi đã dành ra một ngân sách khổng lồ lên đến 4 tỉ đô la để đào và dựng năm mươi triệu nhà vệ sinh cho từng gia đình và các nơi công cọng. Có lẽ, cũng chỉ là loại hầm cầu đơn sơ, có mái và che chắn chung quanh. Nhưng nghe đâu những hầm tiêu công cọng nầy không đủ tiêu chuẩn, không được được bảo trì và sử dụng đúng mức, nên chẳng bao lâu, một số lớn cũng bị bỏ hoang, vì hôi hám, xuống cấp.”

Ông Tư hỏi: “Thế là trở lại tình trạng phóng uế bừa bãi như xưa? Họ có cách gì để trị chuyện tiêu tiểu bậy bạ không?”

Ông Võ cười: “Để trị bệnh ‘tiểu đường’ bên Ấn Độ, có thành phố cho xe vòi rồng chạy quanh quanh qua các vị trí hay bị tiểu bậy. Khi thấy các ông đang úp mặt vô tường mà tiểu, bèn xịt nước cho té nhào lăn cù ra tại chỗ. Một lần cũng tởn tới già. Các ông khác, lấy đó mà làm gương. Nhưng tôi cho rằng hành xử theo lối nầy cũng hơi ác, và thiếu cảm thông cho những người đang mắc nạn. Đáng ra, thành phố phải cung cấp đủ phương tiện vệ sinh công cộng cho dân đã, sau đó mới trừng phạt ai vi phạm.”

Ông Lê cười đùa: “Cứ như các cụ Adam và bà Eva tổ tiên loài người, khi sống ở vườn địa đàng, chẳng mất công nghĩ đến cái cầu tiêu làm chi cho mệt, khi cần cứ ngồi xuống xoẹt đại bất cứ nơi đâu. Cả đám con cháu về sau, cho đến giữa thế kỹ 21 nầy, vẫn còn mấy tỉ người trên thế giới hành xử theo lối nầy.”

Ông Võ nghe đến đây, bèn với tay lên kệ, lục tìm một lúc, lôi cuốn sách xuống, mở ra, chìa cho các bạn xem, và đọc:

“Sử liệu ghi rằng, khoảng mười ngàn năm trước, tại vùng Orkney, bờ biển Scotland, khi đó loài người đang sống trong hang đá, thế mà họ đã biết khơi một giòng nước chảy để chuyển phân người trôi ra sông, ra hồ, ra biển. Cứ ngồi bên giòng nước thả tỏm tỏm phân xuống, xong việc khoát nước lên rửa sạch mông. Khỏe re. Rồi cách đây hai ngàn năm trước Tây Lịch, người ta đã thấy có cầu tiêu xả nước tại các đảo bên xứ Hy Lạp rồi. Và trước tây lịch 1500 năm, đã tìm thấy nước nóng và nước lạnh trong ống đồng dẫn vô nhà bên Ai Cập. Người La Mã, thời xâm chiếm và cai trị Anh Quốc, họ tắm rửa kỹ lắm, đã biết xây nhà vệ sinh công cộng bất cứ nơi nào họ đến chiếm đóng. Ngay cả ở thành phố Bath cách Luân Đôn 97 dặm về phía Tây, họ cũng xây phòng tiêu trong đó có phòng tắm, cả vườn cây, quày rượu, phòng tập thdục, còn có thêm phòng đọc sách, và  thư viện nữa.”

Ông Võ lật qua mấy trang khác, đọc tiếp: “Thế rồi, nhân loại đi những bước thụt lùi vĩ đại trong văn minh cầu tiêu. Khi giáo lý cơ đốc phát triển mạnh, kỹ thuật trang bị ống nước thải bị bỏ quên, riêng chỉ một số tu viện còn giữ lại mà thôi. Sau đó, cả mấy trăm năm dài, người Âu Châu kiêng cữ tắm, bởi vì để thân thể trần truồng ra là có tội, chiếu theo giáo lý và niềm tin thời đó. Cho nên bọn vua chúa, quan quyền, công hầu bá tước, hoàng hậu, công nương, đều hôi như cú. Phải mang nhiều lớp  áo quần để ngăn bớt mùi hôi hám từ cơ thể xông ra, và xức nước hoa để đánh lừa khứu giác.

Ông Lê cắt ngang: “Khi kiêng tắm như thế, có lẽ họ chỉ lau thân thể mà thôi, nếu không, ngứa ngáy và hôi hám chịu chi cho thấu? Nhất là những vùng đổ mồ hôi nhiều như trong nách, dưới háng, chắc cũng thơm tho nồng nàn hơn cả chuột chết”

Ông Võ gấp sách lại, và nói tiếp: “Tài liệu còn ghi nhận rằng, mãi cho đến trước năm 1800, ở Âu Châu, mọi người cứ tự nhiên đi tiêu, tiểu ngoài đường cái, trên đường hẻm, bên cạnh bụi bờ. Cứ tự nhiên tuột quần khơi khơi ngồi xuống nơi nào người ta thấy tiện, kệ cha thiên hạ qua lại, không biết xấu hổ khi phơi cái sự đời ra. Và biết chẳng ai thèm dòm ngó chi, để biết cô bà nào còn màu mè hồng hào hay đã thâm tím ngăn ngắt rồi. K đi ngang qua, cũng cứ tự nhiên, phớt lờ, xem như không có chuyện gì xẩy ra. Vì cũng đã quá quen mắt.

Một ông hỏi: “Khi đó họ chưa biết dùng cái bô sao?”

Ông Võ cười: “Sách ghi rằng, chỉ những khi mưa gió ướt át, lạnh lẽo, đêm hôm tối tăm, người ta mới dùng đến cái bô, xả ‘bầu tâm sự’ vào đó, rồi cứ ném đại ra đường, ném bất cứ nơi nào. Nhiều khi gây trơn trợt, nguy hiễm, làm người đi đường vấp té, tai nạn.  Cũng có vùng, mỗi ngày có người đến nhà đem phân đi đổ. Cái nghề đổ thùng nầy, đã chấm dứt tại miền trung xứ Huế từ  đầu thập niên 1950, nhưng nghe nói tại Hà Nội, nơi được mệnh danh là trái tim của tổ quốc xã hội chủ nghĩa, văn minh tiên tiến, mãi đến sau năm 1980 vẫn còn thấy người đổ thùng phân.

Ông Lê hỏi: “Mất vệ sinh như thế mà không gây bệnh truyền nhiễm sao?”

Ông Võ thong thả: “Có chứ! Khoảng năm 1930 dịch tả hoành hành ở London của nước Anh, người ta quy tội cho dân nghèo gây ra bệnh nầy, và tin rằng tiếp xúc với người nghèo sẽ bị bệnh. Cuối cùng, chính quyền hết chịu nỗi sự tàn phá của bệnh dịch, phải đi đến quyết định xây cầu tiêu công cộng cho dân chúng.”

Bây giờ ông Trần mới góp chuyện: “Nghe nói đến cầu tiêu công cộng, mà tôi còn ớn lạnh cả xương sống. Một lần sau 1975 tôi ra Hà Nội, ngụ tại phố cổ, phải sử dụng cầu tiêu, cái dơ dáy ghê khiếp nó còn ám ảnh tôi mãi đến bây giờ. Không thể không đi cầu, mà mỗi lần đi cầu như chịu cực hình, không phải là cái ‘khoái thứ tư’ của con người như giới bình dân ca ngợi. Người dùng cầu tiêu thường không giữ gìn, vô trách nhiệm, không nghĩ đến người khác. Cho nên phân người, nước tiểu, chảy tràn lan ra tận bên ngoài, nhớp nháp lầy lội, hôi hám khủng khiếp. Cửa cầu tiêu hư hỏng cả, không ai tu sửa, ngồi phô tênh hênh cái nợ đời ra. Có ngại xấu hổ, cầm tấm bìa, tờ báo mà che cái mặt, để đừng ai biết, còn bộ phận phía dưới, ai cũng hao hao giống nhau, không cần che đậy làm chi, vì không ai nhận ra được của ai. Mà có lẽ,  ngay vợ chồng, cũng khó có dịp mà thấy cái đó của nhau. Mỗi lần đi cầu xong, cái mùi hôi hám còn bám chặt trên áo quần, da thịt, mặt mày, tóc tai, cả mấy giờ sau chưa hết hôi. Thời đó, nước lại hiếm hoi, mà áo quần không có hơn hai bộ. Bây giờ nhiều bà con sống giữa trái tim tổ quốc Hà Nội còn rùng mình khi có ai nhắc lại.”

Ông Tư cười hề hề và tiếp câu chuyện: “Sau năm 1975, nhân dân anh hùng cách mạng vô sản miền Bắc xã hội chủ nghĩa chiếm được toàn miền Nam. Họ ngạc nhiên và chê dân miền Nam dã man, lạc hậu, thiếu vệ sinh, dơ dáy, vì cầu tiêu mà xây ngay trong nhà, cạnh phòng khách, phòng ăn. Đáng ra phải xây ra thật xa trong góc vườn, chỗ xa căn nhà nhất. Thời gian trước năm 1975, nhân dân miền Bắc Việt Nam cũng đã phải đi những bước ‘nhảy vọt thụt lùi vĩ đại’ trong cái văn minh tiêu tiểu. Cầu tiêu tự hoại xây trong nhà, loại xối nước hoặc giật nước được xem như một sản phẩm tồi bại của ‘tư sản phong kiến’, không có trong tưởng tượng của đa số nhân dân cách mạng anh hùng. Thời đó, phân người là một tài sản kinh tế của nhà nước. Đâu phải thời Tây cai trị nước ‘An Nam’ ta chưa hề có cái bồn cầu xả nước xây ngay trong nhà? Thời nô lệ đó, ngay tại Hà Nội, nhiều biệt thự đã gắn bồn cầu trong nhà rồi. Nhưng những thứ đó, được nhà nước ta xem như sản phẩm xa xỉ, đồi bại của thực dân phong kiến để lại, nên khi độc lập, cách mạng tiếp thu Hà Nội, không ai dám dùng nữa. Ông chú tôi kể rằng, sau khi chia nhà ra nhiều phần cho các cán bộ từ chiến khu về tiếp thu Hà Nội. Phần còn lại cho ông ở, có cái phòng cầu tiêu nhỏ, mà cả hai mươi năm không đám dùng một lần. Cái phòng vệ sinh đó, làm ông lo sợ bị phát giác, và sẽ bị quy chụp nhiều tội danh lạ lùng vào thời ấy, có thể bị đi tù. Chính cái phòng vệ sinh làm ông đau tim nặng, vì khi nào cũng lo lắng ngay ngáy, như có chứa vũ khí trong nhà”.

Ông Lê cắt ngang: “Sao mà khốn khổ đến thế? Các bác có biết cái gọi là ‘hố xí hai ngăn’ của miền Bắc như thế nào không?”

Ông Võ từng làm nghề xây dựng, có kinh nghiệm với các quan chức miền Bắc, cười và nói: “Cái phát minh ‘hố xí hai ngăn’ được ca tụng, xem như một sáng kiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tôi nghe anh Giám Đốc Sở Xây Dựng Thành Phố Sài Gòn nói, đó là một trong mười phát minh quan trọng nhất của nhân loại vào thế kỷ thứ hai mươi. Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều hân hoan, biết ơn và học tập Việt Nam trong việc phát minh, khám phá xây dựng hố xí hai ngăn. Hố xí nầy, đã tận dụng được chất thải của con người làm phân tươi, bón ruộng đồng, cây cối. Thúc đẩy kinh tế phát triển.”

Ngưng một lát, ông Võ tiếp lời: “Trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa tại miền Bắc, phân người như một tài sản quý báu của nhà nước. Nhà nhà phải gom phân trong gia đình đem nộp đủ cho hợp tác xã, theo cân lượng đã quy định, tùy theo nhân số trong gia đình. Hợp tác xã cân đo kỹ càng, không được thiếu. Nộp thiếu sẽ bị cắt phần lúa gạo được mua hàng tháng để phạt, hoặc tài sản trong nhà bị tịch thu để bù vào số phân thiếu. Thời đó thiếu ăn, nhiều gia đình không đủ phân để nộp, phải lén trộn thêm đất sét, tro bùn, hòng tăng cân lượng. Nhưng cũng khó lòng qua mặt được cán bộ hợp tác xã. Họ dùng tay trần miết phân, lấy mũi ngữi, để khám phá ra có trộn phân giả vào hay không. Nhà văn miền Bắc tên Phạm Thế Việt, đã viết câu chuyện nhan đề là “Nợ Cứt” rất hay, nói lên nỗi thống khổ của những gia đình không đủ phân người mà nộp cho hợp tác xã, đã bị hành hạ, bị cắt khẩu phần gạo của gia đình.”                       

Bây giờ ông Trần mới chịu hăng hái hơn, tham gia bàn luận: “Chú của vợ tôi, tập kết ra Bắc năm 1954 về kể lại rằng, ông tưởng ra đi theo cách mạng, làm anh hùng cứu nước. Không dè được đưa vào hợp tác xã sản xuất phân. Suốt hai mươi năm dùng chân trần mà đạp phân người cho nhuyễn và mịn ra, trộn với tro cùng bùn đất, rồi đúc thành viên như gạch, đem phơi khô. Chứa vào kho, để phân phối cho các hợp tác xã cần phân bón. Ông nói rằng, hồi đó, nếu ai đi đường, thấy bãi phân có cắm cái que, tức phân nầy đã có chủ, đừng có ăn cắp. Phân súc vật hay phân người đều được xem như tài sản quý báu của nhà nước”

Ông cười và kể tiếp: “Tôi nghe có người nói rằng, sau năm 1975, họ về thăm quê ngoài Bắc, khi đang ngồi chổng mông phóng uế ngoài đồng, bỗng cảm thấy nhột nhột phía sau, quay lại, thấy một cô gái xinh xắn đang gắp cục phân vừa chui ra nửa chừng. Không biết chuyện có thật hay không.”

Cả bốn ông cùng cười, và cho rầng, người ta kể chuyện đùa cho vui thôi. Ông Võ khoe đã từng sử dụng nhiều loại cầu tiêu khác nhau, từ loại đơn sơ nhất, là một cái hố vuông đào sâu xuống đất, bên trên gác hai tấm ván song song để đặt chân, có khe hở ở giữa. Loại nầy hương tỏa nồng nàn và ruồi nhặng bay vi vút tứ tung. Bên dưới dòi lúc nhúc trắng hếu. Mùa nắng, sức nóng của phân bốc lên hừng hực rát cả mặt. Loại này thường không có vách che chung quanh, mà nếu có, cũng chỉ che cao hơn chừng nửa thước mà thôi. Tiến bộ hơn một bực, khi mặt hầm cầu được che kín bằng phên đắp đất, chỉ chừa cái lỗ vuông có nắp đậy. Loại nầy cũng bớt được ruồi bọ phần nào. Khi sử dụng, thường hay sợ nước phân từ dưới bắn lên ướt mông, nên hay thả phân bên trên miệng cầu, gây dơ dáy và cứ thế mà phân tràn lan ra sàn.

Ông Tư nói: “Quê tôi, có nhiều ao hồ sông nước, cầu tiêu chỉ là tấm ván bắc nhô ra ngoài sông. Ngồi xổm rồi thải phân xuống. Cá bên dưới tranh giành nhau đớp, quẫy nước sột soạt. Những con cá lớn tranh mồi, bay lên cao mà đớp. Người chưa quen  sợ nó cắn phải nơi hiểm yếu. Có những nhà cầu trên ao cá tra, hai ba căn kề cận nhau, đàn ông đàn bà, có thể thấy rõ ràng cái của nợ người bên cạnh phản chiếu rành rành trên mặt nước.”

Ông Tư kể: “Cho đến thập niên 1980, ngoài Bắc cũng còn loại cầu tiêu được xây trên bệ cao, bên dưới có một ô nhỏ để chứa thùng phân, cửa để lấy thùng phân trổ ra đàng sau. Có người đem xe đẩy tay đến lấy thùng đi đổ khi đầy. Nhưng không biết loại ‘hố xí hai ngăn’ tại miền Bắc Việt Nam được khuyến khích và phổ biến rộng rãi một thời, nay có còn ai dùng không. Đó là loại cầu tiêu xây hai hầm chứa kế nhau, khi một hầm đầy, đóng nắp hầm nầy lại, sử dụng cái hầm thứ hai. Trong khi chờ phân người trong hầm thứ nhất ải mục, moi ra làm phân bón ruộng.”

Một ông thắc mắc hỏi: “Nầy bác Võ, bác có biết loại cầu tiêu xây trong nhà, phân được chảy về đâu?”

Ông Võ giải thích: “Đơn giản và xưa nhất, phân được chảy xuống hầm, khi hầm đầy, kêu xe bồn đến hút, đem đi. Khá hơn, là loại tự hoại, có ba hầm thông nhau, phân được vi sinh vật biến hóa thành bùn lỏng trong hầm thứ nhất, rồi chảy qua hầm lắng thứ hai, rồi đi qua hầm lọc thứ ba, và nước cho thấm vào đất. Tại thành phố, phân và nước thải được gom vào một hệ thống ống, dẫn đến nhà máy lọc. Khi lọc xong, thành nước tinh khiết, có thể xem như nước sử dụng lại được.”

Ông Trần uống nhiều nước nên cứ chạy vào chạy ra nhà cầu mãi. Ông nói với với bạn già: “Nầy bác Tư, cái cầu tiêu của bác rộng rãi như một cái phòng khách. Sáng trưng, thơm tho, có bàn ghế khang trang, có bồn cầu ngồi có trang bị hệ thống rửa mông tự động. Tôi không dám xài, sợ chưa quen, nó xịt ra ướt cả áo quần. Cái bồn tắm rộng thênh thang như cái hồ bơi nhỏ. Có luôn cả loa phát nhạc nhẹ du dương, êm ái. Lại còn có cả cái màn ảnh truyền hình nữa, phí quá, ai mà xem truyền hình trong cầu tiêu bao giờ. Có bao giờ bác xem truyền hình đó lần nào chưa?”

Ông Tư lắc đầu và cười: “Mấy thứ đó do bà xã tôi đòi trang bị, chứ tôi không ham. Bà xã tôi thấy nhà bạn bè có, cho nên đua đòi bắt chước, không chịu thua.”

Ngưng một lát, ông Tư tiếp: “Cũng không có gì hay ho lắm đâu, khi hành sự xong, có vòi nước tự động rửa đít, điều khiển bằng hộp bấm cầm tay, muốn nước xịt mạnh, yếu, xịt xa, gần, vòi nước loe hay vòi nước gom, và điều chỉnh luôn độ ấm của nước. Xong việc, bấm máy sấy, thổi phù phù, sấy khô mông. Không cần phải dùng giấy chùi, khỏi dùng khăn lau. Thế mà bà xã tôi cũng chưa vừa ý, đòi phải trang bị loại máy điều khiển bằng lời nói. Tôi phản đối liền, vì mình nói tiếng Anh vừa ngọng, vừa ba rọi, khi ra mệnh lệnh, máy nó không hiểu, không chịu thi hành, hoặc hiểu lầm, xịt nước sôi cho phỏng đít luôn thì khốn. Tôi cũng không hiểu, làm sao mà máy nó hiểu được tiếng Anh của Ấn Độ, Tàu, Việt, hoặc Úc hay chính tiếng Anh của người Anh, nghe rất khó hiểu, và rồi cũng tắc tị, hoặc thi hành loạn xạ lên.”

Ông Trần nãy giờ đã bực mình lắm rồi, vì buổi hẹn hò bình luận thơ văn, trở thành  nói về chuyện tiêu tiểu dơ dáy, mất thì giờ.

Ông Tư còn rán bàn thêm: “Chuyện ăn uống đã rắc rối, làm khổ và bận tâm con người không ít. Có ăn vô, phải có thải ra. Có nơi để thải cũng không phải giản tiện dễ dàng. Nhân loại càng ngày càng văn minh, đã phát minh được nhiều thứ mà cách đây chừng một trăm năm thôi, có nói ra, cũng không ai tin, và nghĩ đó là điều hoang tưởng. Biết đâu, một ngày nào đó, khoa học tiến bộ, phát minh ra một viên thuốc, uống vào, nước thừa và chất thải trong cơ thể biến thành dạng hơi, đã khử mùi, khử trùng, tống ra theo hơi thở, theo lỗ chân lông, khỏi phải cần đi tiêu tiểu. Khi đó, các hãng bán dụng cụ vệ sinh sập tiệm, các hãng bào chế thuốc trị bệnh trĩ cũng đóng cửa, chẳng khác nào hãng phim Kodak khi bị máy chụp hình bằng kỹ thuật số giết chết.”. 

 

Tràm Cà Mau

No comments:

Post a Comment