Truyện ngắn là bài viết ít sự thực, kế đó là hồi ký, trên cùng là bài viết về lịch sử.
Sự thực làm nguồn cho truyện ngắn, bị bóp méo ít nhiều trong hồi ký, được đào xới, phân tích, giải thích trong các bài về lịch sử....
NVS.
1. Lời thầm thì của cậu học trò trường
con trai.
Kể từ 1946 vùng Chợ Đệm quê ngoại cưu mang gia đình chúng tôi không còn yên lành chút nào nữa. Mấy lò gạch bự xộn, những ruộng lúa minh mông, chục đám mía Tây ngon ngọt, con sông rộng bát ngát... của vùng nhà quê một thời hiền hòa nầy bị tôi bỏ lại. Chiến tranh khiến cha mẹ tôi kéo bầy con lếch thếch bốn đứa từ chỗ nầy qua chỗ khác một năm vài ba bận đi lần về Sàigòn lánh nạn. Chợ Đệm-Sàigòn, khoảng cách nay chỉ bằng một chuyến xe buýt ngoại thành sao mà ngày trước thấy muôn trùng vời vợi. Tôi xẹt vô trường nầy chừng năm ba tháng, ghé vô trường kia một vài tuần. Cái hay ho của thời đó là tới đâu cũng có trường cho con nít học không bị đòi hỏi chứng minh giấy tờ gì. Không có khai sanh hả? Cứ khai danh dự, khai sanh hay Giấy Thế Vì Khai Sanh đưa cho trường sau cũng được. Dễ vô dễ ra nên ba tôi cho mấy con nhập học trường nầy trường nọ tự nhiên, không thắc mắc. Tuổi trẻ dễ nhớ, vậy mà chưa kịp nhẵn mặt hết mấy đứa cùng lớp thì đã bị lôi tuột qua trường khác. Nhớ đầu tiên là cái trường chỉ ọp ẹp có ba lớp, nguyên là căn nhà rộng của vợ thầy Ba y tá chích dạo trong xóm theo toa Bác Sĩ được ngăn phòng.
Cô Ba mở ra để giúp cha mẹ học trò cầm
chưn mấy đứa nhỏ khỏi lang thang lâu ngày do không thể đi học hơi xa. Trường
nghèo, băng ghế cái nầy xọ cái kia đóng bằng đủ thứ cây của người thợ
vụng về, nhám ồ và dăm nhỏ thường đâm vô tay học trò nhiều khi làm
độc, thành mủ.
Năm đó lúc tôi học lớp Tư (lớp 2 ngày nay), không nhớ gì nhiều, chỉ nhớ là
học được chừng non hai tháng thì thằng bán cà lem cục trước cửa trường vô học
chung lớp. Nó ngồi cùng bàn với tôi, tên nó hơi lạ nên tới giờ vẫn còn nhớ:
Trần Doãn Nhàn. Chúng bạn cùng lớp chưa ý thức về sự tôn trọng người khác nên
cứ kêu Nhàn bằng cái biệt danh ‘thằng bán cà lem cục’, nói chuyện về
nó thường ra dấu với nhau bắt chước cử chỉ hai tay nó lẹ làng đè
cắt cục cà lem và rút cái tăm tre ghim vô trao cho người mua một cách
điệu nghệ. Nhàn học giỏi vô cùng, bỏ xa các bạn vô trước. Tôi nhớ là mình
từng làm anh hùng can thiệp để cứu bạn bớt bị chế ngạo hay ăn hiếp. Vốn là dân
lội ruộng từ nhỏ, lớn con hơn mấy đứa dân thành thị, lại là tay lăn chai nên
tôi bảo vệ nó hữu hiệu. Nó có vẻ cảm động lắm, tâm sự về gia đình với tôi
nhiều điều. Tôi có rộng thời giờ thắc mắc ngó cái miệng bự xộn của
nó với cặp môi vảnh tròn vì phải rao bán cà lem lâu ngày khi còn quá nhỏ.
Rồi ba tôi xách con tạt qua học trường mới. Đi mà tôi vẫn nhớ dai dẵng cái
thằng có tên Trần Doãn Nhàn. Tiếc là dòng đời vô tình đẩy con người ta đi vào
nhiều lối, từ đó đến giờ tôi vẫn mang trong trí cái tên đó nhưng chưa bao giờ
gặp lại hay nghe tin về người bạn từng cùng ngồi chung một băng ghế lỏng
chỏng ngày chiến tranh xa xưa.
Trường mới tên chánh thức là gì không còn nhớ, hình như là Trường Ngã Sáu
Sàigòn, nhưng cha mẹ học trò đều kêu là trường Hãng Đinh. Tên nầy có là do
trường dùng dãy nhà của cái hãng sản xuất đinh của ai đó bị Tây tịch thâu. Ở
trường Hãng Đinh tôi quen với thằng Cửu. Sau nầy còn gặp nó ở Mỹ, nói chuyện xưa
râm ran khiến cho nhiều lần người trong nhà chế ngạo ‘Tám’ quá, coi chừng tăng
hormone nữ. Trường nầy có thằng Phơi và chị nó học cùng lớp. Hai chị em học
giỏi tất cả các môn. Tôi mắc cở thầm khi thấy mình thua họ cả một trời một
vực. Lúc nhỏ cũng có lúc chơi chung, tiếc là lớn lên gặp lại không còn
thân thiết cũ. Chỉ chào nhau, nói chuyện ngày xưa năm ba phút rồi mạnh ai nấy
đi, lòng cảm thấy có gì hụt hẫng vì những trao đổi nhạt phèo mà mình
tưởng rằng sẽ rất sinh thú. Chắc thời gian làm mờ ký ức trong khi thực tế chiếm chỗ
trong trí ta bằng những lo âu tính toán cho hiện tại và tương lai khiến con
người lơ là với hình bóng cũ.
Năm sau thì qua trường Nguyễn Tri Phương, nay trường lớn lên sau hơn
nửa thế kỷ, khang trang hơn và mang một cái tên mới lạ hoắc và đầy máu lửa. Lúc
mới thành lập, trường còn cả khu đất trống phía sau, chúng tôi làm sân đá banh
bằng lá chuối cột lại tuy đau chưn nhưng cũng hào hứng tận mây xanh. Điều đáng
nhớ là toàn khu nầy nhà cửa thơ thớt, chiều tan trường nếu lơ mơ về trễ là bị
bạn bè nhát ma, có lần tôi bị hù chụp, đã chạy vắt giò lên cổ, về tới nhà mặt
xanh như tàu lá chuối. Lớp Ba của tôi có anh Thạnh là đặc biệt. Kêu bằng anh vì
Thạnh lớn hơn tụi cùng lớp chúng tôi ít nhứt là 4 tuổi và là người rất chững
chạc. Không biết cha mẹ anh
làm giấy tờ sao đó mà anh học cùng với lũ nhỏ chúng tôi. Thạnh có tài đá cầu vảy cá mỗi mạng cả ngàn
cái, chúng tôi đứa nào cũng mê mẩn theo coi anh đá lần lần tới nhà mỗi khi tan
học. Thạnh dường như cưới vợ một hai năm sau đó khi chúng bạn còn đương học lớp
Nhứt (Lớp 5 ngày nay). Tôi nhớ có lần sau nầy nghĩa là 2, 3 năm sau
ngày thi Tiểu học, tôi tò mò ghé lại tiệm may của Thạnh lúc anh đã có con 2
tuổi. Tôi nhắc lại chuyện cũ, anh lơ lãng như nghe chuyện của ai đâu, anh trở
thành kẻ ngoại cuộc, đã quên hết – quên cả cái tài đá cầu của mình ngày
trước. Vì bận bịu mưu sinh con người bị biến đổi tới như vậy sao?
Rồi tôi qua trường Trương Minh Ký trên đường Galléini (nay là trường
Nguyễn Thái Học trên đường Trần Hưng Đạo) lớp Nhì tôi học có thằng Thức
Georges với tên Tây đáng nhớ, thằng Bửu Đăng ưa khoe rằng mình là chú
vua Bảo Đại. Lớp Nhứt có hai thằng bạn nhỏ con, mặt mày như tiểu thơ các
bạn thường chọc là con gái cha mẹ đặt lộn tên rồi cho đi học lộn trường.
Trời xui đất khiến tôi gặp lại một đứa cùng chung lớp ở trường Petrus Ký.
Sau nầy ở hải ngoại nó mạnh khỏe, lớn con, lừng danh là người biết nhiều về
chuyện môi trường, đất đai dòng nước nhiễm độc.... Còn thằng tiểu thơ kia,
tên cúng cơm là Lê Huyền Trang, con của ông chủ tiệm vàng Lê Văn Sự ở
đường Quai de Belgique mà tụi nhóc chúng tôi thường hát chọc: Thằng
Lê Huyền Trang, Là ông Tam Tạng, Cha nó bán vàng, mà nó lang
thang. Nghe chọc, nó cung tay rượt tụi tui chạy có cờ. Rượt thì
rượt, chọc thì vẫn chọc, lớp chúng tôi năm đó nổi tiếng là lộn xộn
trong giờ ra chơi nhứt trường. Tôi gặp Trang lần cuối khi nó là Trung
Úy nhảy dù, bị đạn thù xuyên bụng tại chiến trường đương trong thời
gian nghỉ phép dưỡng thương.
Năm đó có cuộc di cư từ Bắc vô Nam theo hiệp định Genève. Đậu được vô
Petrus Ký nhưng chưa tựu trường, tôi lợi dụng lúc nghỉ Hè rủ bạn lơn tơn vô thăm
trường cũ, nơi tôi theo học gần hai năm, thời gian lâu nhứt trong đời làm
học trò Tiểu học. Ngôi trường có cái sân rộng mà tụi chúng tôi hằng ngày
xếp hàng trước lớp dự chào cờ và nghe ông Hiệu Trưởng Phác giảng dạy luân lý
năm ba phút về những cách cư xử của học trò khi ra đường cũng như lúc ở
nhà. Trường đặc biệt có ba tác giả cuốn sách Khoa Học Quan Sát lừng
danh: Huỳnh Văn Đó, Nguyến Hữu Thông, Tăng Văn Chương mà học trò đứa
nào được học với bất cứ thầy nào cũng lấy làm hãnh diện.
Sân trường bây giờ la liệt đó đây là những túp liều, những lu vại, bếp
núc. Quần áo treo, giắt lủng lẳng khắp nơi cả trên lan can và trên các
nhánh cây trứng cá. Một số bàn ghế đã bị khiêng ra làm chỗ ngủ hay đã bị
chẻ ra làm củi chụm bếp. Tôi ngạc nhiên trong đau xót khi thấy sân trường mình
hoang tàn một cách thảm hại. Lác đác có những bếp lò làm bằng ba
cục gạch như là được cạy xới lên ở đâu đó. Trên lò thường có nồi
niêu soong chảo đen đúa khói ám, nhiều lò lửa còn đương cháy, củi
tàn ngã cả ra ngoài. Kế bên thường là bãi nước lầy của chỗ làm cá
thịt và giặc gỵa...
Tôi tò mò nhìn những bà cụ dân quê đặc, tóc chải thành lọn dài, quấn
bằng tấm vải thâm, cuốn vòng trên đầu. Điều khiến cho tôi và thằng
bạn lối xóm đi chung tò mò là các bà đều có răng đen, mặc áo thâm
với hai vạt dài, cái ruột tượng luôn luôn quấn ngang bụng, nói chuyện bằng
giọng mà cố gắng lắm chúng tôi mới hiểu lõm bõm.
Có tiếng trẻ coi rượt đuổi ca hát. Thằng Thôn bạn cùng xóm, đi chung, thách tôi
lập lại coi các bé hát gì. Lấy hết trí thông minh đương có, tôi lập
lại khi kết nối với hình ảnh người Chà Và đương đội mâm bán bánh
rế bánh cay cũng mới bước vô cửa trường: Ông Tây đen nằm trong cái
bồ. Đánh cái rắm thành bánh ga tô... Ông Tây đen nằm trong cái bồ.
Đánh cái rắm thành bánh ga tô...
Thằng trời đánh Thôn, đập lên vai tôi một cái đau điếng chỉ một
bé gái chừng bốn năm tuổi coi mũm mĩm dễ thương nói theo kiểu dân chợ búa:
‘Thưởng cho mầy con nhỏ bốn năm tuổi đó, đem về nuôi một trăm tạ
gạo nữa là vừa. Tao chịu con chị, nó chừng mười tuổi trổ mã tới
nơi’.
Tôi mắc cở lãng mắt ra khỏi đám con gái hát hò, hướng về phía
đám con trai đương hát bằng một điệu mà tôi chưa từng nghe:
Dưới trời kỳ quái sao cùng/ Chân đâu còn vết ở trong đá này/ Ví
đem sắc tướng tin đây/ Như Lai chưa dễ thấy ngay được ngài.
Tụi nhỏ vừa hát vừa ịn chưn mình trên mấy dấu chưn có sẵn trên
nền đất ẩm. Chúng kéo nhau rồng rắn đi một vòng rồi hát tiếp,
rồi lại ịn chưn:
Bể oan lai láng trên đời/ Xưa nay ai vớt hết người trầm luân/ Mong
cho ngọn nước chảy lần/ Lòng mê ta rửa dần dần tỉnh ra.
Trò chơi kéo dài. Tôi đứng vảnh tai nghe, chíp trong bụng mấy câu hát chưa từng nghe
trong Nam. Thằng Thôn trố mắt ra ngó. Cái miệng nó tròn vo. Độ
chừng mười lăm phút, thằng nầy đố tôi là nếu tôi thuộc hai bài đó
thì nó bao tôi đi đổ xí ngầu ăn bò vò viên trên đường Hamelin bên hông
trường... Hai bài hát vì vậy in vô trí tôi để sau nầy tôi được cái cơ
duyên nói chuyện với Ngoạn Nguyệt dễ dàng và ôm em thiệt lâu trong
tình thương mến...
2. Lời thì thầm của một học sinh trường con gái.
Bà Nội tôi là con một vị túc nho đã đỗ Tú Tài trong kỳ thi
Hương ngày trước. Nội thấm nhuần nhiều điều thuộc về Nho giáo và
thuộc nằm lòng lắm bài thơ Nôm mà Nội nói không sách quốc ngữ nào
có. Lúc nhỏ nhà tôi ở khu buôn bán Phố hàng Buồm, cũng thuộc hàng
khá giả. Trẻ con trong phố thường xuống vệ đường ca hát ngông nghênh
chọc ông Tây đen bán bánh. Nghe mãi nên tôi nhập tâm lắm bài kỳ hoặc
mà nếu Nội nghe cháu gái u ơ thế nào cũng mắng. Chẳng hạn như bài ông
Tây đen nằm trong cái bồ... nhưng mà thôi không dám kể tiếp đâu.
Lúc tôi năm tuổi, theo gia đình vào Nam, mấy tháng đầu tạm cư trong
một ngôi trường sau này tôi mới biết là trường Trương Minh Ký, cũng
là tên một nhà văn miền Nam như trường tôi học những năm đầu tiên ở
Miền Nam. Mẹ dặn không nên bước ra khỏi cổng, nhưng thỉnh thoảng
tôi cũng ren rén theo một người lớn nào đó ra ngoài ngắm nghía
mấy chiếc tàu điện chạy qua mà trên đầu nẹt lửa thật đáng ngạc
nhiên.
Không nhớ gì nhiều về thời gian ở đây ngoài việc mẹ bảo chăm sóc
hai cây cà chua bỗng nhiên mọc dại, trổ trái xum xuê cạnh nơi gia đình
tôi dùng làm sàn nước. Hằng ngày tôi ra ngắm hai cây cà của mình,
sờ nắn để thấy từng trái lớn lên theo thời gian. Và rồi tới lúc
mọi người phải dọn đi, trả trường lại cho học sinh. Tôi thắc mắc
không biết phải làm sao với hai cây cà. Mẹ bảo cứ để vậy, có thể ai
đấy sẽ hưởng những quả kia... Ngày rời khỏi sân trường tôi khóc hết
nước mắt khi những tên con trai lém lỉnh đã nhổ phăng cả hai, vất lăn
lóc và dẫm nát những quả tròn mịn, bóng nhẩy mới lớn bằng ngón chân mà
tôi từng nâng niu.
Nhà mới chúng tôi ở khu Tân Định, trên đường Paul Blanchy, tôi học
Tiểu học ở trường Huỳnh Tịnh Của, chị Ngoạn Thư học tiếp trường
Trưng Vương.
Năm tôi học lớp Nhất thì chị Thư cho theo các chị đi bán báo Xuân ở mấy trường con giai. Các bà ý ngại nên cần người theo cho đỡ sợ.
Lần đấy, năm 1959, kể cả tôi là năm người, chúng tôi đi bán
ở trường Chu Văn An. Chẳng nhớ trường tọa lạc nơi nào, các bà
ấy bảo đi đâu thì mình đi đấy. Vào một lớp nọ, hình như là Đệ Nhất
B6, chị Ngoạn Thư lí nhí xin phép giáo sư cho các em bán báo. Thầy
Ngà, sau nầy tôi mới biết tên thầy, đặt viên phấn lên bàn, lui ngồi
vào ghế, nhìn chúng tôi. Các chị quíu chân. Tôi rất tự nhiên, khuân
cả hai chồng báo to kềnh vào. Có anh kia đứng lên xin phép thầy cho
phụ với các cô. Được phép thầy và không đợi chúng tôi đồng ý, anh đem
phát cho mỗi người một quyển nói là các bạn xem trong năm phút, thấy
thích thì giả tiền, không thích thì giả báo lại. Lần đấy chúng tôi
bán quá hơn mình mong đợi nhiều. Lớp ấy tiêu thụ bằng cả ba bốn lớp
cộng lại.
Bán xong, khi thấy bọn nữ sinh chúng tôi phải khuân vác nặng xuống
cầu thang có anh kia xin xung phong ra giúp. Khi đi gần tôi anh ấy nói,
giọng Nam:
Nữ sinh Trưng Vương sao bé bằng cái kẹo thế này?
Các bà ý quay lại ngó tôi cười trêu. Tôi đáp tự nhiên:
Em chưa phải là nữ sinh Trưng Vương. Em là học sinh trường Tiểu học
Huỳnh Tịnh Của, Tân Định.
Chị Ngoạn Thư đi cạnh anh nhanh nhẩu khi nãy. Sau này tôi
mới biết anh tên Cần, Lê Mộng Cần. Anh chị quen nhau từ đấy. Những
lần đầu tiên đến nhà chúng tôi, anh Cần thường đi với anh Sảnh, người
đã nói tôi bé như cái kẹo. Thân thiết tôi xem hai anh như người thân
trong gia đình. Tiếc là anh Cần năm sau phải đi du học Nhật Bản, bỏ
chị Ngoạn Thư tôi lại nhà chúi đầu vào sách vở với nỗi buồn thâm
quần hốc mắt sâu.
3. Khói thuốc cả.
Tôi ra trường được bổ nhậm về tỉnh ba năm sau mới được chuyển về
Sàigòn. Trường lớn, nổi tiếng học sinh giỏi và ngoan. Dạy môn Triết
dầu không thích vì phải soạn bài thật cẩn thận. Năm nọ, kỳ thi Tú
Tài 2, khóa 1, lớp tôi chỉ có một cậu rớt phải thi lại khóa 2. Vài
trò được phép du học cùng nhau tổ chức một tối liên hoan có ăn uống
và khiêu vũ. Được mời, tôi từ chối nhiều lần nhưng các em khẫn khoản
quá nói rằng Thầy phải tới cho các em vui, thầy trò mình biết
bao giờ mới được gặp lại. Phải nhận rằng em ấy nói hay và tha
thiết...
Tiệc thiệt tưng bừng, vui nhộn, sang trọng hơn tôi tưởng. Người tham
dự toàn là học sinh nam nữ trang lứa nhưng sành điệu và chững chạc khác với hình
ảnh của các em lúc còn đi học chỉ mới cách nay chưa đầy một tháng.
Lúc bắt đầu màn khiêu vũ, tôi bị bắt buộc phải nhảy một bản
slow khai mạc. Các em dẫn đến cho tôi một cô thật đẹp, trong ánh sáng
lờ mờ tôi có cảm tưởng là cô ta quen quen. Mùi nước hoa thơm ngát, giọng Bắc ngọt
ngào, cô ôm tôi thân thiện và xưng em kêu tôi bằng thày. Cô nói mình học
Trưng Vương, mới đỗ Tú Tài 1, ban C. Cô nói chuyện có duyên, từ
chuyện nầy dẫn sang chuyện kia, rằng ngày xưa có người nói mình học
Trưng Vương sao mà bé như cái kẹo. Tôi cười vui, bớt đi phần nào bỡ
ngỡ khi khiêu vũ trước mắt bao nhiêu học trò.
Cô nói thày dạy trường Pétrus Ký mà thày có biết ở Sàgòn có
một trường cũng tên có chữ Ký không. Tôi nói lúc nhỏ tôi học ở đó,
còn lạ gì. Cô nói em có kỷ niệm ở đấy vì ngày mới di cư vào Nam
gia đình tạm trú trong trường.
Tôi nhớ lại lúc mình đi thăm trường cũ bảy tám năm về trước. Tôi
hát nho nhỏ: Ông Tây đen nằm trong cái bồ... rồi ngừng lại vì
mắc cở. Ai đời làm giáo sư, đang khiêu vũ với một cô đẹp mà hát
bậy. Tôi chuyển sang : Dưới trời kỳ quái sao cùng/ Chân đâu còn vết
ở trong đá này.... Tôi bàng hoàng khi thấy cả hai chúng tôi cùng
ngâm nga hết cả hai bài. Tới đây thì tôi tịt, cô bé còn hát thêm vài
ba bài nữa rồi hỏi sao thầy biết mấy bài ấy. Tôi nói tình cờ thôi.
Lúc xưa trước khi nhập trường Trung học, tôi đi thăm trường cũ, được
nghe trẻ con hát. Cô ta nói có thể là trong số trẻ đấy có em.
Nhạc khiêu vũ chấm dứt bài, chuyển sang Tango. Cô ta vẫn ôm tôi sát
hơn, nói nhỏ:
Ta tiếp tục bài này. Rồi ngước lên nhìn tôi: Anh không nhận
ra em sao? Bé Ngoạn Nguyệt đây. Té ra cô ta đã nhận ra tôi
ngay từ đầu nhưng không nói ra. Mới có chừng ấy năm mà cái kẹo ngày
xưa đã thành thiếu nữ đương độ. Nhớ tới câu nói của thằng Thôn ngày
trước, tôi bạo dạn:
Ngoạn Nguyệt dùng nước hoa gì mà hương thơm lạ? Soir de Paris?
Không, Rêve d’or.
Giá đừng dùng nước hoa thì hơn, vẫn.... sang trọng như thường. Tôi
dùng từ sang trọng vì không dám dùng từ đang có trong trí.
Vòng tay đang ôm ngang hông tôi xiết mạnh. Tôi bạo dạng hơn vì hoàn
cảnh và bóng tối:
Ngoạn Nguyệt cho anh hôn lên tóc nha.
Là tình anh em như anh Cần ngày trước hay khác?
Khác.
Anh có người yêu chưa?
Đã, nhưng sẽ tính lại sau này.
Thế thì không được.
Cho tới khi bản nhạc dứt chúng tôi về bàn, không nói gì thêm. Từ
đấy Ngoạn Nguyệt sang ngồi với tôi luôn, chắc cô bé có ý muốn nói
gì đấy. Cô nói sang đàng từ chuyện nầy sang chuyện kia như là đương
bối rối...
...Em học ở Trưng Vương sáu năm rồi, Giáo sư em thương kính nhất là
bà Hồng Điệp, giám thị thì thích bà Từ Nguyên... Trường cho em tinh
thần học hỏi nghiêm túc, tình thương bè bạn, nghĩa thầy trò. Xin
lỗi, đáng lý em gọi anh bằng thày nhưng vì chúng ta đã là anh em
trước cho nên em mạn phép xưng hô như thế.
Sở dĩ em nói không là vì em học được rằng ở đời phải biết
việc gì quan trọng việc gì không. Nói chung tất cả mọi chuyện
rồi sẽ tan biến như khói thuốc. Biến thành không. Nhưng cùng lúc đó
mọi chuyện cũng quan trọng, nó làm cho con người mình trở nên
có giá trị hay tồi tệ....
Tôi lấy hết can đảm đặt tay mình lên trên bàn tay đẹp của
Ngoạn Nguyệt như cho em một điểm mười.
Ngoạn Nguyệt đọc khẽ cho tôi bài thơ em nói là mới học thuộc khi xem Giai Phẩm Xuân của
trường Trung Học Hoàng Diệu năm nay. Em nói:
Bài thơ buồn quá. Em coi mà như thấy vận vào đời thanh niên thiếu
nữ ngày nay.
Trong tiếng nhạc nhẹ, lẫn với âm thanh ồn ào của buổi vui chơi
đông người, tôi nuốt từng lời giọng đọc buồn của em. Như có tiếng
nấc nghẹn ngào lạc lõng:
Khi ánh trăng xếp hàng nằm ngủ.
Tôi hỏi rằng mình đứng đợi ai đây,
Trời vào Thu, trời lớp lớp mưa bay,
Tôi 16 tôi vào đời con gái,
16 tuổi yêu không ngần ngại,
Người yêu tôi anh thiếu úy không quân.
Ngoạn Nguyệt cần ly rượu chát của tôi san nửa qua cái ly không trên
bàn, đọc tiếp:
.......Tôi đứng nơi nầy trông ngóng trời Tây,
Để thầm nhủ người yêu tôi ở đó…
…Có người yêu thời chiến tranh thật khổ.
Lúc gần nhau ngắn ngủi làm sao,
Lúc giã từ cũng không kịp hôn nhau,’
tôi đã khóc sợ người yêu vào lịch sử,’
…Trời có buồn đâu sao trời ủ rủ,
Mây có buồn đâu sao mây rũ khăn tang,
Trời vào thu trời tiếc thương chàng,
Tôi 19 tôi vào đời quả phụ…
Tôi nói mà như nói với mình:
Thời chiến mọi người đều có hay sẽ có những đau buồn. Người đi
đối diện với chết chóc, người ở nhà chìm ngập trong lo âu hay chờ
đợi cái tang nát ruột xé gan.
Lơ đãng nhìn những hạt khói được rọi sáng thành những làn mạng nhện mỏng khi ánh đèn
lướt qua, Ngoạn Nguyệt nói trong tiếng thở dài: Khói thuốc cả.
4. Thơ buồn không địa chỉ.
Hai năm sau một chiều gần lễ Noel, một bức thư màu xám được ai đó
đem tới trường cho tôi, không địa chỉ người gởi nhưng nhìn cách trình
bầy và chữ viết ngoài phong bì tôi run run linh cảm có tin gì đó không
lành từ Ngoạn Nguyệt. Thơ rất đặc biệt khiến nửa thế kỷ qua như vẫn
còn hiện hiện trước mắt:
Sàigòn, ngày buồn không nước mắt 1970
Anh S.
‘Tôi mười chín tôi vào đời quả phụ.’
Khói thuốc cả.
Em: NN.
Từ đó đến nay tôi không được tin tức gì của Ngoạn Nguyệt. Biết
mình vô lý, nhưng mỗi lần nhớ về thời trai trẻ tôi đều thầm van vái
người em gái Trưng Vương thông minh và dễ thương đó không có thân phận
của khói thuốc dầu cuộc đời đã vốn dĩ phù du mà lại luôn tác quái
lên mọi người. Chẳng chừa một ai. Van vái chỉ vì thương cảm và sự
yếu lòng. Khói thuốc nào rồi chẳng biến tiêu? Câu than của em đã ảnh
hưởng nhiều trên hành trạng của tôi cũng như đã hướng dẫn nhiều phản
ứng trước cuộc đời. Em có biết không Ngoạn Nguyệt?
Có bài hát mà trẻ con ngày xưa hay hát khi chơi đùa là như thế này:
ReplyDeleteThiên đàng địa ngục hai quê
Ai khôn thì về ai dại thì sa ( về thiên đàng, sa địa ngục)
Đêm nằm nhớ Chúa tưởng Cha ( luôn nhớ ơn cứu chuộc của Chúa Jesu là Chúa con và Đức Chúa Cha)
Đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn ( giữ mối tương giao với Chúa)
Linh hồn phải giữ linh hồn ( trung tín theo Chúa, giữ cho linh hồn không mất sự cứu rỗi)
Đến khi gần chết được lên thiên đàng.
Người Bắc di cư phần đông là người Công giáo sợ cộng sản đàn áp nên di cư vào Nam. Nên bài hát trên như lời kêu gọi mọi người tìm đến Chúa mà trẻ con thường hay hát khi xúm lại chơi đùa không biết có ai còn nhớ bài hát này không.
Nhớ chớ. Hồi nhỏ, bọn con nít hàng xóm tụi tôi hay hát bài này lắm. Trò chơi là hai đứa đứng hai bên nắm tay nhau dơ lên khỏi đầu làm thành vòng cung. Những đứa còn lại lần lượt đi dưới vòng cung đó và cùng nhau hát bài "Thiên đàng hoả ngục hai bên". Hình như con nít thời đó đứa nào cũng thuộc bài này hết. Chơi rất vui. Hình ảnh này tôi vẫn còn thấy như in trong đầu.
DeleteCám ơn bạn đã nhắc lại.
Thân mến,
NPN