Pages

Friday, September 2, 2022

Nồi Mắm Kho - Biển Cát


Vợ chồng ông bà có duy nhất một thằng con trai. Sau giải phóng vài năm, không biết nghe bạn bè rủ rê thế nào, mà nó về nhà nằng nặc đòi ba má cho đi vượt biên.

Dĩ nhiên hai ông bà không chịu, cứ nghĩ đến xa con là đã đứt từng khúc ruột rồi. Nhưng bữa nào thằng nhỏ cũng nằn nì. Không thuyết phục được ba má, nó nghĩ cách nhờ bà nội nói vô.

— Nè, tụi bây định để nó ở đây chờ đến ngày đi bộ đội, bị tụi Pôn Pốt cắt đầu hả? Thằng Tiến có bề gì đừng nhìn mặt tao à nghe.

— Dạ, má để tụi con thu xếp… Ông Tư cúi đầu.

— Ừ, vợ chồng bây liệu mà tính đường cho thằng cháu đích tôn của tao đó.

Nhờ có uy của bà nội, ngay cuối tháng đó, Tiến được theo nhà thằng bạn vượt biên.

Trời đất và ông bà thương, chuyến đi xuôi lọt. Tiến được một gia đình Mỹ nhận làm con nuôi, cho ăn học tử tế.

Tiến tốt nghiệp, đi làm, cưới vợ. Ổn định cuộc sống xong, anh làm thủ tục bảo lãnh ba má sang Mỹ.

Ông bà cũng dùng dằng. Nửa không muốn rời nơi chôn nhau cắt rún, cứ núm níu tình làng nghĩa xóm.

Nửa thương con, muốn được sống gần gũi con. Lần nào gọi điện về, Tiến cũng ra sức thuyết phục:

— Bộ ba má không thương con sao Sống xa ba má bao nhiêu năm rồi, con nhớ ba má lắm.

Có cứng lòng mấy, mà nghe con nói những lời này, lần một, lần hai cũng phải xiêu.

Vậy là hai ông bà lục tục lên máy bay

Nước chảy xuôi. Cha mẹ thương con, chỉ sống vì con. Nên qua đây, dẫu có nhớ quê lắm, hai ông bà cũng bảo ban nhau tập làm quen với cuộc sống mới, cho con nó an tâm.

Nhà có mảnh vườn nhỏ phía sau, ông bà lụi hụi cuốc đất, đào đất, gieo hạt, trồng cây. Mùa hè, rau cỏ xanh tươi cả một vạt vườn. Nào húng cây, húng lủi, tía tô… Nào ớt, hành…  Mùa đông thì xới cây cho vào chậu, rồi bỏ vô garage.

Sáng tối hai vợ chồng hủ hỉ cũng không đến nỗi nào. Nhưng ngặt một cái, là thèm đồ ăn Việt lắm.  Nhất là món mắm kho, có cá lóc, thịt quay, tôm tươi săn sắc, cà tím… nấu quyện với mắm sặc đã lược xác; rồi ăn với cơm nóng, rau ghém. Mà rau ghém phải có đủ thứ à nghen.

Tôi là bạn của Thuý, con dâu ông bà. Chúng tôi cùng học chung trung học với nhau. Qua đây, tưởng đã thất lạc nhau, nhưng tình cờ chúng tôi gặp lại nhau và rất vui khi biết cùng sống chung tiểu bang Atlanta. Từ đó, thi thoảng tôi vẫn ghé chơi nhà Thuý. Gặp tôi, ông bà Tư rất xởi lởi, thân tình, như bản tính của những người miền Nam. Tôi cũng rất quý ông bà, nên một lần đi chợ, thấy hũ mắm, tôi liền mua ngay và ghé tạt qua biếu họ.

Bà Tư vui lắm, rối rít cảm ơn tôi.

Thuý kín đáo lườm tôi, rồi nhìn chồng cầu cứu.

Hiểu ý vợ, Tiến lên tiếng:

— Cái này ba má cất đâu thì cất. Đừng nấu lên, hôi nhà lắm.

 Thúy cũng góp vào:

— Dạ, anh Tiến nói trước thì con mới dám nói. Chứ con cũng định kêu ba má bỏ hũ mắm đi.

Mặt ông bà đang hớn hở, thoắt tiu nghỉu như trẻ con bị lấy đi phần bánh.

Lúc tiễn tôi về, Thuý rên rĩ

— Bạn hại tôi rồi đó.

Tôi cười mà không biết mình là nguyên nhân của một thảm họa kinh thiên động địa.

Còn hũ mắm được bà cất kỹ trong góc khuất, không dám lấy ra, mà cũng không nỡ bỏ.

Tuần này vợ chồng thằng Tiến đi Seattle thăm nhà vợ và dự sinh nhật bà thông gia. Tụi nó mời ông bà đi cùng, nhưng vì bà thấy khó ở trong người, nên ông cũng không đi.

Thức ăn đầy trong tủ lạnh, mà bà mệt, không muốn ăn gì. Ăn một mình buồn, ông cũng không nấu nướng.

Đến quá trưa, thấy hơi đói đói, ông hỏi:

— Bà ăn gì không tui nấu.

— Ăn cái gì cũng thấy lạt miệng hết. Bà lắc đầu uể oải.

— Thì bà cũng phải ăn để còn uống thuốc chớ.

Bà ngồi dậy, nhìn mông lung ra cửa:

— Dưới quê mình giờ là mùa nước nổi phải không ông?

Ông gật gù:

— Lóng này là tui bắt cá, hái bông điên điển về cho bà nấu canh chua. Ở đây làm gì tìm được bông điên điển.

Bà chợt nhớ ra:

— Hay là mình …kho mắm đi ông. Mình đem ra sân nấu cho khỏi hôi nhà.

Không cần bà nói tiếng thứ hai, ông lui cui mở tủ lấy hũ mắm ra.

Ông đặt nồi mắm lên lò barbecue. Bà quên cả mệt, chuẩn bị cá, thịt ba chỉ, hành, rau thơm…Không đủ đồ như dưới nhà quê, nhưng mà, kệ đi. Có mắm ăn là mừng lắm rồi.

Hai ông bà hí húi làm, cảm giác không khác gì con trẻ lén lút làm chuyện sau lưng người lớn. Thì đúng rồi. Sao có chuyện kho mắm công khai được. Vợ chồng thằng Tiến sợ hôi nhà, làm gì chịu.

Nồi mắm sủi tăm trên bếp. Mùi thơm tỏa ra khắp vườn.

— Nghe mùi là thấy đói bụng liền hả bà. Ông hít hà.

— Ừ, mà mình ăn nhín nhín thôi nghe ông. Để dành mai mốt ăn nữa.

Ngày hôm sau, bà hâm lại nồi mắm.

Cứ cắn một miếng ớt, ông lại và một miếng cơm chan mắm. Vậy mà ông ăn được những ba chén đầy.

Nhưng sang tới ngày thứ ba, khi nồi mắm đang sôi trên bếp, thì police ập vào nhà.

Hai ông bà sợ hãi không biết chuyện gì. Họ ấn cả hai ngồi xuống ghế. Một người đứng canh ông bà. Những người còn lại lục tung khắp nhà. Không tìm thấy gì, họ quay lại nói một tràng tiếng Mỹ với ông.

Ông không hiểu. Họ nói với bà. Bà cũng không hiểu.

Ông luýnh quýnh chỉ điện thoại, lắp bắp nói:

— My son… my son…

Người cầm súng lưỡng lự, rồi gật đầu.

Ông bấm số gọi cho con trai:

— Con ơi, police vô đầy nhà mình … Ba má sợ quá.

Giọng Tiến hốt hoảng:

— Có chuyện gì vậy ba? Thôi ba đưa điện thoại cho con nói chuyện với họ.

Điện thoại đưa qua đưa lại vài lần, Tiến mới vỡ lẽ, là ba má ở nhà kho mắm, hàng xóm nghe mùi thúi quá tưởng có án mạng, trùng hợp mấy hôm nay vợ chồng Tiến lại vắng nhà nữa. Nên họ báo police.

Tiến thay ba má xin lỗi vì đã làm phiền những người “bạn dân“ và kêu ba má dẫn họ ra xem nồi mắm kho.

Xe police đi khuất cả buổi rồi, hai ông bà vẫn còn bàng hoàng, nghe tim đập thình thịch, thình thịch trong lồng ngực.

Cuối tuần vợ chồng Tiến về. Tiến sang hai bên hàng xóm xin lỗi vì ba má mình đã làm phiền họ.

Những người Mỹ nơi hướng South rất hồn hậu. Họ cũng xin lỗi Tiến, vì những hiểu lầm hôm nọ.

Chiều Chúa Nhật, theo lời mời của Tiến, những người hàng xóm hai bên đến dự barbecue cùng gia đình Tiến.

Một cái bàn dài kê giữa sân, trên bày la liệt nào ly giấy, đĩa giấy, khăn giấy, muỗng nĩa bằng mũ.

Một thùng đá lớn. Nước ngọt cho lũ con nít. Bia cho người lớn. Và không thể thiếu lò nướng rực lửa với những miếng thịt thơm lừng.

Ai ăn cũng suýt xoa:

— It’s very good.

— Oh, so delicious.

Bà Barbara, hàng xóm phía bên phải, quay qua hỏi vợ Tiến cách ướp thịt, để về làm. Bà chưa bao giờ được thưởng thức món thịt nướng tuyệt vời như thế này.

Vợ Tiến chỉ về phía bà Tư:

— Tất cả là do má chồng tôi chế biến.

 Rồi cô quay sang má chồng:

— Bà ấy khen thịt ướp ngon quá và muốn học cách làm của má đó.

Bà Tư hãnh diện lắm. Gì chớ nấu ăn là bà nổi tiếng khắp xóm. Ở quê, nhà nào có đám giỗ, đám cưới… cũng cố mời được bà đứng bếp.

Bà Tư chỉ cho bà người Mỹ những nguyên liệu mình đã dùng. Nào mật ong, bột ngọt, tiêu, hành tỏi, nước mắm …

Barbara ngạc nhiên cầm lấy chai Fish sauce. Cái này bà mới nhìn thấy lần đầu.

Bà đưa lên mũi ngửi và giật mình.

— Eww…

Vợ Tiến đỡ lấy chai nước mắm:

— Thứ này người Mỹ không quen dùng đâu. Bà có thể thay bằng gia vị khác cũng được.

Barbara vội vã khoác tay:

— Tại sao không chứ. Mùi nó hôi nhưng vị nó ngon. Cô mua giúp tôi 1 chai nhé.

Sợ thái độ mình lúc nãy hơi khiếm nhã làm bà Tư phiền lòng, Barbara quay sang nói với bà Tư:

— Fish sauce is good. Your food is good, too.

Không hiểu hết những lời bà khách, nhưng nghe có good, good, bà đoán khách vừa ý.

Ông đứng gần đó, gật gù.

— Hôm nay ai cũng khen thịt nướng ngon. Ai nói Mỹ không ăn được nước mắm đâu nà.

Bà cao hứng:

— Vậy hôm nào mình ra chợ Việt mua mắm về kho, rồi kêu thằng Tiến mời họ sang ăn, ông hén.

Tiến vừa bước vào. Nghe loáng thoáng ba má nói chuyện, anh hoảng hồn la lên:

— Đừng, đừng nghe ba má.


Biển Cát (Trích Người Già Nơi Xứ Mỹ)

https://vvnm.vietbao.com

1 comment:

  1. “Sau giải phóng vài năm “ Được “ giải phóng “ tự do sung sướng vậy sao không ở lại VN xây dựng đất nước với cộng sản, vượt biên qua Mỹ làm gì cho mất đi quyền được hưởng sự giải phóng của cộng sản?

    ReplyDelete