Trong mỗi phòng khách của các gia đình Việt Nam hầu như đều có sự
hiện diện của bộ Tam Đa ở chỗ trang trọng nhất. Phúc, Lộc, Thọ, đó là ba điều ước
của con người ngẩng đầu lên xin với Trời cao. Của cải và sống dai, khỏi phải
nói, được là cám ơn trời đất liền một khi. Nhưng con cái Nhìn tượng ông già bế
đứa nhỏ chợt thấy ngao ngán. Già mà còn bồng với bế, mệt chết! Thập niên 60, tại
trường Đại Học Văn Khoa Saigon, có cụ Cử Nguyễn văn Bình, cụ Cử khóa cuối cùng
của “cái học nhà Nho”, dạy chữ Hán. Cụ vóc người nhỏ thó, tưởng có thể dùng một
tay xách bổng lên được, luôn luôn áo dài đen, khăn xếp đen đi dậy học. Một bữa,
cả trường xôn xao vì tin cụ vừa có con. Mấy ông bà giáo sư Pháp, Đức, Mỹ Úc,
Tân Tây Lan... há hốc mồm nhìn cụ. Hom hem như cụ, quá thất tuần như cụ, vậy mà
mầm sống vẫn nở được. Mấy ông bà giáo sư tây đầm cứ what ầm ỹ với đám sinh viên
chúng tôi. Chúng tôi, đứng vững trên văn hóa Việt, trả lời đó là điều đại phúc
trong đời sống của một người, niềm vui “lão bang sinh châu”!
Óc thực tế của người Tây phương đinh ninh rằng sinh con ra cũng
phải có... kế hoạch: làm sao nuôi con, giáo dục con, giúp đỡ con cho tới khi
chúng khôn lớn. Sản xuất bừa bãi đâu có được! Óc dựa vào Trời của Đông Phương
thì... lộc trời cứ nhận vì... trời sinh voi trời sinh cỏ, hơi đâu mà lo. Bố
không lo được thì mẹ lo, mẹ không lo được thì họ hàng lo, chòm xóm lo và... trời
lo. Cứ nhận cái đã rồi... que sera sera!
Lộc đó, ngày nay, Đông cũng như Tây, đều có khuynh hướng mang trả
lại cho Trời. Trời chẳng nên rộng rãi quá. Mỗi gia đình, một hoặc hai lộc thì
được, để lộc bò ngổn ngang, mũi giãi ròng ròng thì chẳng nên. Càng ngày người
ta càng thắt... dạ con khít hơn. Viện Thống kê Canada vừa phổ biến kết quả thống
kê thực hiện năm 2002, theo đó thì trong năm này, có 328.802 trự ngoe ngoe chào
đời. Tỷ lệ sinh sản trung bình của mỗi gia đình chỉ là 1 con rưỡi! Chỉ trong một
thập niên, tỷ lệ này đã sụt xuống tới 25,4 phần trăm.
Người ta ước đoán, với xu thế của cuộc sống ngày nay, tỷ lệ này
sẽ còn xuống thấp hơn nữa. Những cuộc biểu tình mới đây ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn
với cả vài trăm ngàn người tham dự đòi tự do ngừa thai, phá thai đã làm cho các
chính trị gia cũng phải quy hàng. Bà Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Nữu Ước Hillary
Clinton cũng có mặt. Và ứng cử viên Tổng Thống của đảng Dân Chủ John Kerry, một
tín đồ Thiên Chúa Giáo, cũng hùa theo kiếm phiếu làm nhăn mặt các chức sắc
Vatican.
Mỗi đứa trẻ được làm người không phải do ý muốn của Trời mà do sự
chọn lựa của con người. Mà con người ngày nay rất thực tế. Họ gạt đi những ý niệm
siêu hình, đạo đức đã chi phối cuộc sống từ ngàn xưa để tự thu xếp cuộc sống cá
nhân.
Thủy hỏa tương đồng, âm dương phối hợp có anh bao cao su nằm
chình ình làm kỳ đà cản mũi. Hoặc thuốc thang, chích ngừa, viên tối hôm trước
sáng hôm sau, làm sục sôi âm dương có cũng như không. Những món phòng ngừa
không phải chỉ có trong thời đại này mà còn xuất hiện từ thuở xa xưa, xa lắc xa
lơ.
Người Ai Cập, từ năm 1550 trước Công Nguyên đã mon men... cãi ý
trời. Họ dùng một loại nút gạc làm từ bông hạt, tẩm lá cây keo và cây chà là
nghiền nát, trộn cùng mật ong. Phương pháp rất thô sơ nhưng cũng có tác dụng vì
lá cây keo lên men sẽ thành acide lactic, một thành phần trong chất diệt tinh
trùng vẫn được dùng ngày nay. Khoảng 3000 năm trước, ở Ấn Độ và Ai Cập, phụ nữ
dùng phân cá sấu hay phân voi, bôi vào âm đạo trước khi giao hợp để tránh thụ
thai. Tính acid cao của phân có thể đã tạo ra phản ứng diệt tinh trùng. Giản dị
hơn, phụ nữ trong những năm đầu thế kỷ thứ 18 sử dụng một nửa trái chanh. Tính
acide citric của chanh cũng tỏ ra có tác dụng.
Ngăn ngừa như vậy để mỗi đứa trẻ ra đời là một vị khách được mời
hẳn hoi. Chúng là những vị khách được chào đón trong hân hoan.
Ngoan con nhé mẹ giờ đang mang nặng
Con đạp làm gì mẹ ngủ không yên.
Nằm trong đó đất với trời giống cả
Hôm nào chào đời sẽ thấy nắng vô biên
Cha như người điên nhớ về bè bạn cũ
Những ơ thờ như mũi giáo xuyên tâm
Con cựa quậy đêm vài lần chắc đủ
Cứ nghĩ đời vui trong đó yên nằm
(Nguyễn Nam An)
Được chào đón hơn nữa là những đứa trẻ ra đời trong... ống nghiệm.
Đó là những đứa trẻ mà bố mẹ khao khát có. Họ không có khả năng tạo sinh theo
thiên nhiên nên phải nhờ bàn tay của khoa học. Tinh trùng của người cha và noãn
sào của người mẹ được... hò hẹn nhau trong chiếc ống thủy tinh. Chúng phối hợp
với nhau thành phôi thai và được đưa trở lại tử cung của người mẹ để phát triển
bình thường. Có một điều không bình thường là thụ thai theo lối này dễ... trúng
cá cặp! Cặp hai, cặp ba, hoặc hơn nữa. Nguyên do là vì sự muốn ăn chắc của các
bác sĩ. Thường họ cấy vào tử cung vài phôi thai phòng bất trắc. Khoa học càng
ngày càng tiến bộ, những phôi thai được cấy thường khỏe mạnh và... tay trong
tay với nhau mà phát triển. Từ năm 1995, thông thường các bác sĩ cấy 4 phôi
thai một lần, cho tới năm 2001 thì hạ xuống còn 3. Cũng trong thời gian này, số
vụ thụ thai trong ống nghiệm thành công từ 20% tăng lên tới 27%.
Sinh cá cặp là điều không được khuyến khích. Nó ảnh hưởng tới dự
tính của gia đình và sức khỏe của cả mẹ lẫn con. Hiện đang có những cuộc tranh
luận về việc Chính Phủ Mỹ có nên ấn định số phôi thai được cấy trong mỗi vụ
không. Giới y khoa có vẻ không muốn có sự ràng buộc này. Họ muốn để toàn quyền
cho các bác sĩ và những người liên hệ. Ở Anh và Ba Tây thì đã có quy định là mỗi
lần chỉ có thể cấy từ hai đến bốn phôi thai. Kể từ khi đứa bé trong ống nghiệm
đầu tiên được sinh ra vào năm 1978, “kỹ nghệ” này đã phát triển nhanh chóng. Chỉ
trong vòng 6 năm, từ năm 1995 đến 2001 đã có 65 ngàn ca được ghi nhận trong 400
bệnh viện Mỹ.
Sinh nhiều con một lúc có cái bất tiện nhưng cũng có cái... lợi.
Đi học về, hai trẻ sinh đôi líu lo báo tin vui:
“Mẹ ơi! Mẹ đoạt giải “Người Mẹ Đẹp Nhất” ở lớp con.”
“Ô! Mẹ rất vui. Thế lớp con chọn như thế nào?”
“Bỏ phiếu mẹ ạ! Không ai nhận được hơn một phiếu ngoài mẹ.”
“Thế mẹ được bao nhiêu phiếu?”
“Hai ạ!”
Làm mẹ có cái cực phải... vượt biển đông một mình. Cái kiểu phải
làm “boat people” bất đắc dĩ này, nhiều bà không ưa. Thay vì đi theo đường
thiên nhiên, nhiều bà đòi đi đường tắt bằng cách rạch bụng. Nếu vì lý do sức khỏe
của người mẹ hoặc của thai nhi thì OK. Nhưng nhiều bà muốn... mổ bụng cho tiện
vì... lười! Phải tự mình banh da xẻ thịt cho đứa con ra đời, vất vả và đau đớn
lắm. Đau đến nước mang anh chồng ra mà ... tế. Vì hắn mà nên nỗi truân chuyên!
Cũng có bà muốn sinh kiểu ăn sẵn vì lý do rất riêng tư: không muốn các bắp thịt
âm hộ giãn nở ra. Lại có bà muốn thay quyền Con Tạo, muốn sinh vào lúc tiện lợi
cho mình. Để đi... nghỉ hè. Hoặc để đứa con ra đời đúng vào giờ tốt cho lá số tử
vi thêm ngon lành. Tại Canada, trong năm 2002, 22,5% các sản phụ chọn...
hari-kiri! Bác sĩ sản khoa người Pháp Michel Odent, người 30 năm trước đây, là
cha đẻ của phương pháp sinh trong bồn tắm và là người đã cổ võ việc cải đổi
phòng sanh tại bệnh viện cho giống như phòng ở tại nhà, nay lại cho biết là những
đứa trẻ được sinh bằng cách mổ bụng thường ít có khả năng thương yêu người khác
và dễ trở thành hung dữ. Theo ông cho biết thì một đứa trẻ ra tắt như vậy sẽ
không có một loại hormone được gọi là “hormone thương yêu”. Đó là oxytocin được
tiết ra khi người mẹ lâm bồn. Các nhà nghiên cứu của trường Đại Học California
cũng đồng ý là oxytocin là một thành tố quan trọng cho cho sự phát triển tình
thương của trẻ đến những người chung quanh.
Sinh con đã vất vả, nuôi con cũng thiên nan vạn nan. Xưa đã vậy
mà nay cũng vậy.
Xưa thì:
Gái một con trông mòn con mắt
Gái hai con con mắt liếc ngang
Ba con cổ ngẩng răng vàng
Bốn con quần áo đi ngang khét mù
Năm con tóc rối tổ cu
Sáu con yếm trụt, váy dù vặn ngang.
Nay thì:
Một cô gái vừa xuống xe buýt đã làm cho tất cả mọi người chú ý
vì cách ăn mặc quá táo bạo: một bên tà áo vén cao để lộ nguyên cả “ngọn núi lửa”
sắp phun trào. Không ai dám nói gì, cuối cùng một viên cảnh sát đánh liều đến
nhắc cô gái:
“ Thưa cô, thời trang của cô rất táo bạo, nhưng tôi nghĩ không
tiện...”
Vừa nghe đến đây, cô gái vội nhìn xuống ngực mình và bỗng hét thất
thanh:
“Thôi chết tôi rồi! Tôi quên thằng cu trên xe buýt!”
Vòng tay mẹ là vòng tay dịu hiền, bao bọc và che chở con cái
ngay từ lúc chập chững bước vào đời. Đời sống luôn luôn là một cạm bẫy. Nó hứa
hẹn những điều trí trá, những lọc lừa, những âm mưu, những phản trắc. Vòng ôm của
mẹ là tấm lưới yêu thương ấp ủ con trong từng bước vụng dại.
Hiểu chậm chậm nhé con yêu
Băng ngang qua đời sống thật dễ
Bước trọn vẹn với đời thật khó
Con có những ngón tay không cong
Những ánh mắt nhìn không nồng
Những âm hao con không trầm bổng
Làm sao con ôm choàng hết được
giọt lệ của nhân gian
Long lanh đó vì sao hôm
Lại gần đó hàm răng cá sấu
Chờ đợi điệu con nhảy múa
Không có vòng tay ôm của mẹ.
(Lê Thị Huệ)
Con tới tuổi đến trường, bị ném vào những cạnh tranh đầu đời,
cũng cực lắm.
Đi học về, con buồn bã nói với bố rằng mình bị phạt môn toán.
“Thế thầy hỏi con như thế nào?”
“Thầy hỏi: 2 nhân 3 bằng bao nhiêu, con đáp 6.”
“Con đáp đúng!”
“Sau đó thầy lại hỏi: 3 nhân 2 bằng bao nhiêu?”
Ông bố nhún vai:
“Thế thì có khác quái gì đâu!”
“Thì con cũng nói giống y như bố vậy!”
Bạn bè, thầy cô, xã hội là những thành tố tạo ảnh hưởng sâu sắc
cho một đứa trẻ. Nhưng ảnh hưởng quan trọng nhất vẫn là của bố mẹ. Nhân cách của
một đứa trẻ có nhiều phần hình thành bằng lối sống của bố mẹ. Trong 6 năm đầu
chỉ ở nhà với bố mẹ, sau đó trong tuổi ấu thơ nơi nhà trường và cả thời kỳ dậy
thì, cách nuôi dậy con và cách bố mẹ đối xử với nhau ảnh hưởng rất lớn tới đứa
trẻ. Các nhà tâm lý đã phân tích và đưa ra những lời khuyên thực tế cho các bậc
làm cha làm mẹ. Gia đình phải được tạo thành một môi trường thân ái và yêu
thương, hãy hết sức tránh những bất hòa và xung đột giữa vợ chồng. Điều này ảnh
hưởng rất lớn tới con cái. Ly dị thường làm tổn hại tâm lý của trẻ nhưng sống
trong một hoàn cảnh lúc nào cũng có thể bùng nổ... một cuộc chiến có khi còn tệ
hại hơn.
Mâu thuẫn trong gia đình, làm gì mà không có. Nhưng cách giải
quyết mới là vấn đề. Cần phân tích cho rõ ngọn ngành những mâu thuẫn và tìm
cách dung hợp. Nhờ đó trẻ sẽ học được cách dùng lời nói hơn là tay chân để...
phải trái với nhau.
Tích cực hơn nữa là nên công nhiên bầy tỏ tình cảm giữa vợ chồng,
giữa cha mẹ và con cái. Một bầu khí thương yêu được lan tỏa trong gia đình là
điều con cái rất dễ cảm nhận và dựa vào đó để sống với những người khác. Ôm
nhau, khen nhau và ngay cả đùa giỡn với nhau là những cách mà cha mẹ có thể cho
con cái biết họ yêu thích và tôn trọng nhau như thế nào. Lớn lên, cái môi trường
nồng ấm mà chúng sống sẽ ảnh hưởng tới tính tình và cách đối xử của chúng với
những người xung quanh.
Tuổi trưởng thành nơi xã hội “văn minh” là 18 tuổi. Tới tuổi
này, con cái thường có khuynh hướng ra sống tự lập, không nhờ vả bố mẹ nữa. Đó
là một cách sống dựa vào khả năng của chính mình. Nhưng ngày nay, cách sống này
hơi... vất vả. Tình hình kinh tế khó khăn và nạn thất nghiệp đã làm nản những
bước chân tự lập. Cứ dựa vào cây cột vững chắc trong nhà cho chắc ăn! Theo một
bản báo cáo mới đây ở Anh thì 25% các bậc cha mẹ vẫn phải giúp đỡ tài chánh cho
các con từ 30 đến 40 tuổi, 25% phải giúp đỡ cho con mua xe, 20% phải dốc hầu
bao giúp con mua nhà. Thậm chí tiền tiêu vặt, bố mẹ cũng phải chi. Số tiền... cứu
tế này lên đến 34,8 tỷ mỗi năm! Tại Mỹ, cũng rứa. Bố mẹ thường phải xén bớt tiền
hưu ra cho các con mỗi khi chúng cần: tiền trả trước mua nhà, tiền vốn mở cơ sở
làm ăn và thậm chí cả tiền cho các cháu nội ngoại học Đại Học nữa! Một bà cụ 70
tuổi ở Georgia, sau nhiều năm gồng mình giúp cho các con, đã phải than phiền:
“Tôi đã cố gắng giúp con gái tôi bằng đủ mọi cách, và tôi nhận thấy điều này
không tốt chút nào. Bạn muốn tất cả mọi thứ đều tốt đẹp và hoàn hảo cho con cái
của bạn, nhưng bạn không thể dùng tiền mua những thứ đó cho chúng. Chúng phải tự
mình làm ra những thứ đó.”
Một cô gái 18 tuổi ở Anh, bố là bác sĩ, mẹ là y tá, đã tự lập
không cần tới sự trợ giúp của bố mẹ. Cô làm việc tại một nhà hàng ăn với số
lương 11 đô một giờ. Vào Đại Học, tốn kém hơn nhiều, cô tự lo không nổi. Ba năm
học, tốn cỡ 37 ngàn đô, lấy đâu ra tiền? Cô bèn nghĩ ra một cách kiếm tiền
nhanh chóng: rao bán trinh tiết trên E-Bay! Chỉ trong 3 ngày, đã có 400 người...
đấu giá. Giá chót lên tới 23 ngàn đô. Tính ra vẫn chưa đủ. Cô ngưng không bán nữa.
Cô mở một trang nhà riêng trên internet để... tự bán, hy vọng được một số tiền
cao hơn!
Nuôi con, con lớn khôn, con vào đời tự lập. Chu trình đó cứ tiếp
tục theo đường thẳng một chiều. Chỉ có chiều đi, không có chiều trở lại. Mới
ngày nào còn hai vợ chồng son, rồi hai vợ chồng trẻ, thoắt cái đã thành hai ông
bà già vẫn chỉ có nhau. Tổ ấm có lúc ríu rít bầy chim non, bây giờ quạnh quẽ
hai bóng hình khập khiễng.
Hai bà bạn già gặp nhau nơi một hội già. Một bà than phiền:
“Con cái bây giờ rặt một lũ bất hiếu!”
Bà kia phụ họa:
“Vâng, cứ cái đà này thì về già cũng chỉ có con thiên hạ chăm
sóc mình thôi chứ con mình đẻ ra thì...”
“Bà nói sao? Con thiên hạ nào chăm sóc mình?”
“Thì chồng bà chẳng là con thiên hạ là gì, bộ bà đẻ ra chắc!”./.
Song Thao
04/2004
No comments:
Post a Comment