Tôi có một người bạn già cứ tự trách mình lẩm cẩm vì hai câu chuyện đã xảy ra cho anh: - mất đôi giầy khi đi “gym” tập thể dục, - và tìm không ra món quà tặng vợ đêm Giáng Sinh vì dấu kỹ quá. Tôi viết đùa để trêu anh bạn khi nghe kể lại hai câu chuyện trên.
Câu chuyện lẩm
cẩm thứ nhất:
MẤT ĐÔI
GIẦY SỐ 6
Kể từ ngày về hưu, rảnh rỗi
chẳng biết làm gì, tôi hay ngồi viết thư cho bạn bè hoặc viết tán nhảm với
mấy cô hàng xóm. Và trong những lá thư gửi đi ấy, tôi toàn nói chuyện phịa (chuyện giả tưởng). Tôi phịa ra đủ mọi thứ chuyện, từ
chuyện to cho đến chuyện nhỏ, từ
chuyện trong nhà ra
đến chuyện ngoài đường. Tôi phịa nhiều quá đến nỗi tôi cũng bị “hỏa mù” với chính tôi, chẳng biết
lúc nào tôi thật lúc nào tôi giả nữa. Nghe chuyện của người tôi cũng bị rơi
vào trạng thái hỗn mang, khật khừ hư thật, nửa đúng nửa sai, nửa nạc nửa mỡ, nửa trắng nửa đen, lúc nào cũng chỉ
thấy toàn là giả tưởng.
Nhân đọc thư anh kể lể về
chuyện anh đi tập thể dục ở “gym” gần
nhà đã mất đôi
giầy số 6 (size 6) do một tên nào đó đi nhầm hay “cầm nhầm” (!).
Tôi bèn tưởng tượng
ra nếu cái thằng tôi mất giầy hôm đó.
Tôi
sẽ làm sao?
Tôi sẽ loay hoay, ngơ ngác,
tìm tìm kiếm kiếm “đôi giầy số 6”. Đôi giầy mang tên số 6 ấy cứ
như mang cái bí danh hay ám số trong truyện trinh thám hay
giả tưởng nào đó mà tôi đã đọc từ cái thời còn đi hoc, cái thời học thì ít mà
liếc thì nhiều, liếc sang bàn bên cạnh nhìn mấy em ở lứa tuổi “ô mai” thập thò ăn
vụng me chua trong lớp.
Này nhé, tôi sẽ lục tủ này,
kéo tủ kia, moi moi móc móc, hớt hơ hớt hải, lăng xa lăng
xăng chạy ra chạy vào, chạy tới chạy lui đi tìm; rồi nghi ngờ, bực tức cái đứa
nào dám “lẩm cẩm” đi nhầm đôi giầy của ông. Ông sẽ tìm cho ra bằng được cái thằng
nhãi ranh ở tuổi 13 hay con bé xinh xinh ở cái tuổi 15,
16 trăng tròn đi vừa đôi giầy số 6 ấy. Thế rồi, với
đôi chân trần giống như trong phim “Nữ Bá Tước Đi Chân Không”(1) ngày nào, tôi cứ đảo qua
đảo lại, mắt trước mắt sau, nhìn ngược nhìn xuôi, nhìn từ trên xuống dưới, nhìn
cả những chỗ không thể đi giầy được trên thân thể của những đứa tôi nghi.
Thế rồi tôi thất vọng, chán
chường, mỏi mệt vì không tìm ra được cái đứa lẩm cẩm ấy. Thế rồi (lại
thế rồi), tôi đi ra “front desk”, mượn một chiếc dép mòn (như lời kể trong
thư của anh), một
chiếc thôi, thất tha thất thểu, chân thấp chân cao, khập khà khập khiễng bước
ra xe.
Trong lòng tôi có chút gì lo
lắng, bồi hồi khi lái xe về nhà. Và tôi cũng cảm thấy có chút gì bẽn lẽn, ngập
ngừng khi gập “nàng” đang đứng ngoài ngưỡng cửa chờ chồng, mắt nàng lơ
đãng nhìn về cõi xa xăm. Tôi ngoẹo đầu, một tay xòe ra đưa về phía trước khua khua ra dấu
như đứa trẻ con vừa mất kẹo, một tay chỉ xuống đôi bàn chân trần,
buông thõng một câu “mất rồi” như để phân bua. Nàng
lạnh lùng nhìn tôi mà chẳng nói, ngoảnh mặt bước vào nhà lẩm bẩm điều gì tôi
không nghe rõ. Tôi rụt rè len lén theo sau, trong lòng lại thoáng có cái gì vui
vui, hí hửng. Hí hửng vì ngày mai được mua đôi giầy mới. Với ý nghĩ ấy, tôi xoa
hai tay, miệng cười chúm chím, thu mình, khom lưng nhún nhẩy bước vào phòng
tắm, khẽ huýt sáo với bản tình ca ướt át.
Tôi biết tôi không lẩm
cẩm, mà chỉ là nạn nhân của cái tên đi vừa đôi giầy số 6 mà tôi đã mua cách đây
hai năm và đã rách. “Đi nhầm” một đôi giầy cũ nát của tôi mà không thèm trả lại, tên này
mới đích thực là lẩm cẩm.
Tôi
xin chấm dứt câu chuyện về thằng tôi chứ không phải là
chuyện của ông bạn già cứ tự cho mình là lẩm cẩm.
Chắc
là tôi lại đang phịa đây rồi!
Đùa anh một tý cho vui thôi nhé. [Cười]
Câu chuyện lẩm cẩm thứ
hai:
MÓN
QUÀ GIÁNG SINH
Câu chuyện lẩm
cẩm thứ nhất về “đôi giầy số 6” của anh xảy
ra chưa được bao lâu, dư hương của cái mùi “không thể thơm được” của đôi giầy cũ vẫn còn phảng
phất đâu đây. Ấy thế,
một câu chuyện khác được cho là chuyện lẩm cẩm thứ hai của anh lại xảy ra cho
anh vào đúng đêm
Giáng Sinh.
Câu chuyện anh cho là “lẩm cẩm thứ
hai” được anh kể như sau: Anh mua một
món quà Giáng Sinh
tặng vợ. Để tạo bất ngờ, anh đã cất món quà đó quá kỹ, kỹ đến độ tới giờ quan
trọng thì tìm nó không
ra. Anh cứ tự trách mình là lẩm cẩm.
Tôi
xin mở đầu câu chuyện để bàn theo kiểu “Mao Tôn Cương” về
cái lẩm cẩm thứ hai như thế này nhé. Lại “phịa”!
Nhân
một buổi sáng, tôi lái xe về tới gần nhà, ngang qua một trạm xe buýt công
cộng của thành phố, tôi thấy một người đàn ông đi đôi giầy vải (tennis shoes) hiệu Bata mới
toanh, dáng người khỏe mạnh, ắt hẳn ông ta phải là người đi tập thể dục
hàng ngày. Người ấy cúi đầu đi vòng quanh bên chiếc ghế dài dành cho khách chờ
xe với một vận tốc đều đều, không nhanh mà cũng không chậm. Ông ta có vẻ trầm
ngâm, thỉnh thoảng ngừng lại ngắm nghía đôi giầy mới đang đi rồi ngửng đầu, cái
đầu tóc bạc muối tiêu rất đẹp, nhìn lên trời cao cười cười và lầu
bầu một mình như đang nói chuyện với ai.
Tôi thấy lạ, ngừng xe quan sát. Ông ta cứ lập đi
lập lại cái động tác ấy, nghĩa là vẫn bước đi đều đều quanh chiếc ghế, cúi đầu
trầm tư, ngắm nghía đôi giầy mới, ngửng đầu nhìn lên trời cười cười rồi lẩm bẩm
một mình.
Vừa khi
chiếc xe buýt trờ tới. Tôi nghĩ thế nào người đàn ông ấy cũng lên xe khi cửa
chiếc xe vừa mở ra.
Nhưng không, ông ta chỉ
đứng nhìn chiếc xe buýt một cách bâng quơ, lơ đãng. Khi chiếc xe từ từ đóng cửa
trở lại và chuyển bánh thì ông mới hấp tấp đuổi theo, phóng mình, bấu víu,
đu lên. Tôi lắc đầu mỉm cười:
- Lẩm cẩm thật!
Về tới nhà, tôi
ngồi đọc thư anh, thấy anh tự than thở là mình lẩm cẩm đã không tìm ra món
quà tặng vợ vào đêm Giáng Sinh vì cất kỹ quá, rồi quên. Tôi thấy anh có lẩm cẩm
gì đâu. Tôi cố gắng hình dung ra một cái gì lẩm cẩm nơi anh thì thú thật tôi
không đào đâu ra được cái hình ảnh ấy. Nói theo kiểu thầy bàn “Mao Tôn Cương” thì
anh được xếp loại “khôn bỏ mẹ” chứ chẳng phải chơi đâu. Anh mà có lẩm
cẩm thì khối cô “thèm” cái lẩm cẩm ấy của anh.
Nghĩ tới câu
“thèm cái lẩm cẩm”, tôi chợt nhớ một câu chuyện và xin kể cho anh
nghe. Chuyện có thật đấy nhé! [Cười]
Số là thế này.
Một hôm, cô hàng xóm đầu ngõ nhà tôi, tên Mộng, nghĩa là cái cô “to lớn đẫy đà
làm sao” như tôi đã nhắc tới vài lần, nhân dịp sinh nhật của cô, cô mời tất cả
các ông hàng xóm lẫn các cô hàng xóm tới nhà cô ăn bánh “cake” và hát hỏng “ca
ra là OK”. Bữa đó, tôi cũng được mời và đang ngồi đấu láo với mấy ông hàng xóm
khác tại phòng khách. Câu chuyện cứ ngon trớn, nổ ran. Chợt đâu, tôi thấy vài
cô hàng xóm trong khu cứ
đi qua đi lại trước mặt tôi mà bụm miệng cười. Tôi lấy làm lạ. Cô chủ nhà thì
cứ như “gà
mắc đẻ”, nhí nháy chỉ trỏ ra hiệu cho tôi điều gì mà tôi không hiểu. Vì không
hiểu nên tôi lờ.
Hình như có
điều gì cô chủ nhà muốn nói với tôi ghê lắm nên cô cứ lấp ló ở phòng trong vẫy
vẫy tôi vào. Cũng vì không hiểu nên tôi vẫn lờ.
Cô không chịu
nổi nữa, gọi tôi toáng lên:
- Anh! Anh vào
đây em nhờ một tý.
Tôi lừng khừng
đứng lên đi vào như cố tỏ ra cho mọi người biết mình không quan tâm chi đến mấy
cô hàng xóm.
Cô vội hỏi to
thêm:
- Anh uống cà
phê loại nào?
Tôi nghĩ cô này
thật lẩm cẩm, có thế mà cũng làm nhắng lên. Nhưng hỡi ôi! Bên cạnh cái giọng to
lớn kia là một giọng tuy nhỏ nhưng rất sắc, thoát ra từ những kẽ răng:
- Đóng cửa sổ
vào! Đóng vào ... nhanh lên!
- Đóng cửa sổ
nào? Tôi ngớ người hỏi.
Cô vội đưa mắt
ra dấu xuống nơi “cửa sổ” ấy. Tôi giật mình khi nhận ra sự việc, vội đưa tay
kéo đóng cái “cửa sổ” lên
cái xoạt.
Tôi đỏ mặt
chống chế:
- Anh cứ hay
quên mấy cái “lẩm cẩm” này!
Cô hàng xóm
liếc xéo tôi một cái thật dài, cười cười:
- Anh mà lẩm
cẩm! Cho em xin cái lẩm cẩm ấy của anh đi.
- Cho cái gì?
Tôi hóm hỉnh hỏi lại.
Cô biết mình lỡ
lời.
- Never mind
(Không có chi)!
Cô tất tả bỏ đi để còn tiếp đón những ông hàng xóm
kéo tới càng lúc càng đông. Tôi vội bước ra phòng ngoài, để lại phía sau lưng
những tiếng cười khúc khích đầy giễu cợt lẫn đú đởn của những cô hàng xóm xinh
đẹp khác. Tôi liếc vội xuống dưới đất xem có kẽ hở nào để tôi chui xuống đấy.
Tôi hỏi thật
anh, trong câu chuyện có thật [lại cười] vừa rồi, tôi có lẩm cẩm không hả? Tôi đâu có
lẩm cẩm phải không? Tôi chỉ quên thôi mà. Mà quên thì cũng chỉ
là chuyện xẩy ra rất thông thường, thông thường như anh cất món quà Giáng Sinh
của chị quá kỹ thành tìm không ra. Có gì lẩm cẩm đâu nhỉ? Cất kỹ thì
khác với dấu kỹ đấy
nhé. Trăm chuyện vỡ đầu xẻ tai cũng chỉ vì chữ “dấu”. Nhớ cất kỹ chứ
đừng dấu cái gì hay điều gì đấy.
Có ai trách anh
là lẩm cẩm khi anh đang đeo mắt kính trên mắt mà cứ đi tìm kính loạn cả nhà lên
đâu. Có ai trách anh khi anh ra mở máy xe rồi cứ chạy vào nhà kiếm chìa khóa xe
để ra nổ máy. Có ai trách anh sáng sáng đi làm, ngày nào cũng như ngày nấy, mất
cả nửa giờ đồng hồ hớt hơ hớt hải, nào tìm đôi vớ, đôi giầy, nào chùm chìa khóa
hay cái ví ở đâu.
“Dấu đầu hở
đuôi” mới thật là lẩm cẩm. Cái lẩm cẩm tệ hại này thì nó chẳng phân biệt
tuổi tác hay chủng tộc gì cả. Nó chẳng phân biệt là “nỗi niềm riêng” hay “nỗi
niềm chung”, nó cũng chẳng cần biết “một khoảng trời riêng” (tên một thi phẩm ở
S.J) hay “khoảng trời chung”. Cứ dấu mà bị lòi ra là chết, chết một cách rất
lẩm cẩm, đau thương. Như dấu vợ để tiêu hết tiền thưởng cuối năm (bonus),
rồi lại bất ngờ, trong một ngày đẹp trời nào đó, lẩm cẩm than với vợ là tiền
thưởng năm nay ít quá. Trời hôm đó có đẹp cách mấy cũng tối sầm.
Nói vậy thôi,
không phải cái lẩm cẩm nào cũng đáng sợ cả đâu. Có cái lẩm cẩm cũng rất dễ
thương, vì có cái lẩm cẩm nào giống cái lẩm cẩm nào đâu. Như có một lần cô hàng
xóm xinh đẹp trước cửa nhà tôi, hỏi tôi một câu thật rất đáng yêu “Em nhớ tối
hôm qua, khi đi ngủ em mặc áo phải (áo T shirt), sao
sáng nay tỉnh dậy em lại thấy mình mặc áo trái?” Có mà thánh mới biết! Hỏi
như thế mới thật là lẩm cẩm.
Thôi, tôi “lẩm
cẩm” vài
câu chuyện với anh một tý, lẩm cẩm như cô hàng xóm hỏi tại sao sáng ra tỉnh dậy
lại thấy mình mặc áo trái vậy. [Cười!]
NGUYỄN GIỤ HÙNG
Ghi chú:
(1) “La Comtesse aux pieds nus” phim do cô đào Ava Gardner và nam tài tử Humphrey Bogart đóng năm 1954.
Vâng, truyện rất lẩm cẩm, không ý nghĩa.
ReplyDelete