Những gì thánh thiện bao la tốt đẹp nhất đều tượng trưng cho tấm lòng người mẹ. Nói đến Mẹ chúng ta nghĩ ngay đến sự hy sinh tận tuỵ bất khả so sánh.
Tôi kể về Mẹ của tôi, những câu chuyện góp nhặt từ ký ức muộn màng nầy dù nội
dung có khác nhưng đều thấp thoáng bóng dáng Tất Cả Các Bà Mẹ của chúng ta ,
tôi chắc chắn thế . Hạnh phúc thay cho những ai còn Mẹ để yêu thương và được yêu thương.Nén hương lòng cho những người con mất Mẹ. Mất theo nghĩa không tồn tại trên thế gian nhưng Sống mãi trong tim chúng ta.
Chúng tôi sáu chị em tất cả. Nhưng lúc ba tôi gặp nạn vắng nhà thì chỉ mới có năm chị em. Mấy năm sau ba về
sum họp gia đình thì cô em út mới ra đời nên muộn mất bảy năm. Mất đi trụ cột gia đình, má thay thế ba cùng ông bà ngoại nuôi đàn con thơ dại
. Chị hai tuy chỉ 10 tuổi vì là chị lớn nên đã biết gánh vác đỡ đần má lo việc
nhà. Má là con một nên ông bà ngoại dồn hết tình yêu thương cho vợ chồng con
gái và đàn cháu.
Bà nội chúng tôi mất khi má tôi về làm dâu được 1 hoặc 2 năm, do lính Lê Dương
(Légion étrangere, tức lính đánh thuê) gồm chỉ huy người Pháp và lính Cam Bốt
đi càn quét cả làng. Hôm ấy đàn ông, thanh niên, phụ nữ , trẻ con? đều chạy ra
đồng lánh nạn, chỉ đàn bà lớn tuổi ở lại trông nhà. Tưởng rằng đàn bà thì sẽ được
thoát nạn, nào ngờ chúng bắn giết tất cả những ai mà chúng bắt gặp trong làng.
Nên hàng năm đến ngày ấy, cả làng nhà nhà đều làm giỗ , gọi là giỗ hội.
Năm sau chị hai ra đời. Ðược vài tháng thì ông nội bị Việt Minh bắt treo cổ xử
tử với lý do là địa chủ dám cãi lời lén chở lúa ra tỉnh bán cho dân mà không đợi
họ cho phép.
Vì thế chị em chúng tôi chỉ được biết và nuôi dưỡng bởi ông bà ngoại. Nên với
tôi, khái niệm về một gia đình hạnh phúc, mặc nhiên bao gồm ông bà ngoại, ba
má, chị em là điều tất yếu.
Tôi khó mà hình dung một gia đình đầy đủ lại thiếu ông bà ngoại.
Thật vậy, đến đời các cháu con của chị tôi, lúc chúng còn nhỏ, thời sau năm 75,
anh chị chưa có điều kiện ra riêng, các cháu được má tôi chăm sóc nên chúng
cũng thấy việc có ông bà ngoại hiện diện trong cuộc đời là điều miễn luận bàn.
Có lần thấy một bé khoảng 6 tuổi cầm tập vé số đi bán, thằng bé con của chị tôi
cũng chừng tuổi ấy quan sát hồi lâu, ngây thơ hỏi bà ngoại, tức má tôi :
Ba mẹ nó đâu mà nó phải đi bán vé số cực khổ vậy hở ngoại ? Chắc nó mồ côi ba
mẹ tội nghiệp quá. Vậy còn bà ngoại nó đâu hở ngoại ?
Trong ý nghĩ của chị em tôi và thế hệ đời sau, một gia đình phải bao gồm ông bà
ngoại (hoặc ông bà nội), ba mẹ và các con thì mới gọi là một gia đình hạnh phúc
và đầy đủ.
Giờ đây hơn nửa thế kỷ trôi qua, mà ký ức tôi vẫn còn khắc sâu hình ảnh huyền
diệu, cảm xúc nồng ấm về má dù lúc ấy tôi chỉ là cô bé 4 hay 5 tuổi. Tôi không
đủ chữ để diễn tả, để truyền đạt cho hết tâm tình của mình. Chỉ có thể nói
trong cái đêm hè xa xưa ấy, má tôi thật sự là một bà tiên hiện ra mang niềm vui
cho chúng tôi.
Tuy ba vắng nhà nhưng bù lại chúng tôi được sự chăm sóc chu đáo của ông bà ngoại
và má nên vẫn vô tư vui chơi như bao đứa trẻ trong một gia đình tiêu biểu khác.
Ðó là lần má tôi đi xa, đại diện đằng trai, quyền huynh thế phụ để cưới vợ cho
chú tôi ở tỉnh khác. Ông bà nội đã mất, ba tôi là anh trai trưởng. Má đi hơi
lâu, chị em tôi chiều nào cũng trông ngóng chuyến xe đò về ngang, xem có ngừng
trước cổng, bóng dáng thân yêu của má từ trên xe bước xuống cho chúng tôi chạy
ùa ra đón, nhưng chờ hoài mấy ngày rồi mà vẫn chưa thấy má về. Chị em tôi nhớ
má ray rức. Sao hồi nhỏ, mình thấy thời gian trôi lâu quá.
Buổi sáng còn ngáy ngủ nằm trên giường, bỗng nghe tiếng ông bà ngoại và má nói
chuyện râm ran. A má đã về rồi, mấy chị em lay nhau tốc mùng chạy ra mừng má.
Má ôm từng đứa hôn lên hai gò má, tôi cúi mặt để che giấu niềm vui và cảm xúc.
Lúc ấy mới thấy trên mỗi cườm tay lấp lánh một chiếc vòng bằng nhựa mềm, chiếc
màu hồng ngọc, chiếc màu xanh ngọc lục bảo. Bên trong chiếc vòng chứa thuỷ ngân
pha lẫn những hạt kim tuyến nhũ vàng lấp lánh. Khi lắc nhẹ bàn tay thì dòng thuỷ
ngân bên trong chiếc vòng lung linh lay động.
Các chị em, người nào cũng có hai chiếc ở hai cườm tay. Mỗi chiếc mỗi màu :
vàng, tím, xanh, cam, lục, đỏ?
Tôi say mê nhìn chiếc vòng thuỷ ngân có chứa kim tuyến màu tươi thắm chuyển động
theo nhịp lắc của bàn tay, rồi so sánh xem chiếc vòng của ai đẹp nhất. Ủa ? Chiếc vòng từ đâu ra vậy nhỉ ? Nhìn ngắm đã đời , giờ mới thắc mắc nó từ
đâu ra .
Ngoại nói :
- Tối qua có bà tiên hiện ra mang quà cho mấy đứa đó, vì ở nhà ngoan nên được
thưởng.
- A, bà tiên cho quà chúng con hả ngoại ? Thoạt đầu tôi tưởng thật.
Ngoại cười chỉ qua má :
- Bà tiên đây nè.
Thảo nào đêm qua mơ màng trong giấc điệp, tôi cảm nhận hơi ấm mùi hương quen thuộc.
Cố mở mắt, qua ánh sáng mờ ảo chiếu ra từ chiếc đèn dầu trứng vịt, thoáng thấy
có người đang nắm bàn tay tôi thật nhẹ nhàng, tôi chỉ kịp ghi nhận cảnh ấy
trong tích tắc, rồi hai mắt nhíp lại tôi chìm ngay vào giấc ngủ mà không biết
đó là ai.
Thật mầu nhiệm. Buổi chiều chúng tôi vẫn còn dõi mắt ra đường trông ngóng xe đò
về mà má biệt tăm. Ngủ một giấc sáng ra, má ngồi đó, ánh mắt yêu thương âu yếm
nhìn vẻ sung sướng của các con với chiếc vòng kim tuyến màu sắc rực rỡ ở cườm
tay, lòng mẹ cũng dạt dào niềm hạnh phúc. Má có khác gì bà tiên ban phép lạ cho
chúng tôi đâu.
Chúng tôi được nuôi lớn không phải chỉ bằng cơm ăn áo mặc mà còn bằng những câu
ca dao điệu hò ru vè, những truyện cổ tích Nàng Út Rẫy Dưa, Tấm Cám, An Tiêm
tích bánh dày bánh chưng?của bà ngoại, của má mỗi đêm vừa ru ngủ vừa quạt cho
các cháu, dù đã nghe hàng trăm lần thuộc lòng chúng tôi vẫn say mê không biết
chán.
Lớn lên một chút thì những truyện thiếu nhi, truyện lịch sử bằng tranh Bạch Tuyết
Bảy Chú Lùn, Nàng Tiên Cá, Cô Bé Bán Diêm?mà chị hai nhịn ăn quà học mua về cho
các em háo hức ở nhà chờ vào những ngày phát hành sách, chuyền tay nhau đọc say
mê thích thú. Một thế giới của hồn nhiên , thánh thiện, an bình.
Những câu chuyện thần thoại ấy ăn sâu vào trí óc trẻ thơ nên tôi tin có ông bụt,
bà tiên luôn theo phù hộ giúp đỡ người hiền lương. Vì vậy, đến từng nầy tuổi tôi vẫn còn tin vào phép lạ tất nhiên ông bụt không
có chòm râu bạc phất phơ cầm chiếc đũa thần, bà tiên không mặc chiếc áo trắng
tha thướt hiền từ với bình nước cam lộ. Mà ông bụt bà tiên xuất hiện dưới nhân
dáng là ông bà ngoại, là ba má của chúng tôi.
Khi hoạn nạn cần được cứu giúp thì các người ở đó , bảo bọc chở che, bằng sức mạnh
tinh thần, bằng tình yêu thương vô biên vô hạn.
Má tôi có thời gian làm cô giáo dạy tiểu học ở Tà Kiết. Tôi bắt đầu vào học lớp 5 tức lớp 1 bây giờ, những buổi trưa trời nắng gắt ông
ngoại đạp xe đến trường đón. Ðám bạn khều móc kêu vói theo:
- Con nhỏ nầy sướng quá, đi học có ngoại đón rước.
Một bữa tôi bị trận mưa lớn nên ngã bịnh, lâu ngày biến chứng qua thương hàn trầm
trọng, má xin nghỉ dạy lo săn sóc tôi 24/24. Các bác sĩ ở Rạch Giá ngã nón chào
thua, kêu gia đình chuẩn bị tâm lý tiễn tôi sang thế giới khác. Má mang tôi về
cho uống thuốc bắc, bịnh vẫn không thuyên giảm. Cùng đường má đem tôi đến ở hẳn
trong chùa Ông Ðịa, do ông chú sáu Mậu chăm quản ở Cầu Ván để tiện việc hốt sắc
thuốc nam, và ông Sáu theo dõi mỗi ngày.
Tôi nhớ những đêm trường vắng lặng, nằm trên bộ phản trong căn lán bên chái
ngôi chùa mà ông Sáu cất để dành cho những ai đến xin chửa bịnh tá túc. Gió bên
hè rung cành dừa ngọn chuối lao xao, xa xa tiếng chó tru nghe rờn rợn. Trong
ánh đèn dầu hiu hắt, hình dáng má cặm cụi vừa dùng chiếc khăn nhúng nước lạnh
xoa lên mặt, lên thân mình nóng sốt rảy tôi nằm rên khe khẽ bởi đau nhức hành hạ,
vừa thầm thì những lời yêu thương năn nỉ giọng nghẹn ngào, vì tôi ngán uống những
ngụm thuốc đắng ngắt triền miên ngày qua ngày :
- Má biết thuốc đắng khó uống nhưng con thương má thì ráng lên để mau khoẻ mạnh
về nhà với ông bà ngoại, với mấy chị mấy em. Ðể mai mốt ba về còn gặp con. Ðừng
bỏ mọi người, con có mệnh hệ gì là má không sống nổi..
Nghe nói vậy, tôi sợ điếng nín khóc, bưng chén thuốc đắng uống ực cái hết trơn.
Từ đó, cứ má đưa chén thuốc nào là tôi nhắm mắt nhắm mủi cố nuốt sạch, vì sợ má không sống nổỉ trên đời với chị em tôi.
Nhờ vào những cây lá mọc dại trong dân gian phơi khô, và nhờ vào sức mạnh câu
má năn nỉ, thế mà tôi bình phục thần kỳ.
Khỏi bệnh tôi rụng gần hết cả tóc. Cơ thể thiếu dinh dưỡng nên đòi được bù đắp.
Tôi chỉ thèm cơm. Mà thời ấy cũng đâu có nhiều loại bánh trái thức ăn tràn lan
như bây giờ. Lớn lên, thỉnh thoảng ngoại, má thường hay nhắc giai đoạn tham ăn
của tôi vừa cười âu yếm kể:
Con Thuý Hà trưa nào đi học về, sau khi chào ông bà ngoại, ba má xong là chạy
lại mở nắp nồi cơm ra xem. Hể thấy cơm còn nhiều thì thôi, còn thấy ít là nước
mắt chảy ràn rụa, cứ đưa tay áo lên chùi lia lịa. Vì nồi cơm to nấu cho cả nhà
nên nhìn thấy còn ít chứ có ăn hết đâu, chỉ là đói con mắt thôi. Mà Thuý Hà
cũng chỉ cần có cơm với ít thịt hoặc cá chớ không cần thức ăn. Nhìn cách ăn
ngon lành mà thấy thương. Biết ý nên ngoại phải luôn nấu thêm cơm cho dư ra.
Tôi cười tủm tỉm, khoái chí khi nghẻ kể xấủmình. Quả là xấu tính thật. Chắc nhờ
ăn nhiều cơm lúc ấy mà khi thành thiếu nữ tôi nhổ giò cao hơn các cô gái ở thế
hệ tôi đó chăng ?
Tôi còn có tên gọi khác Thuý Hà, bởi ba má đặt tên khai sanh là Thanh Hà thì mới hay trong dòng họ có ông cóc bà cóc tức ba hay má của bà cô của bà ngoạỉ tên Thanh nên phải sửa chữ lót tôi ra Thuý, ông bà ngoại vẫn quen gọi tôi là Thuý Hà cho đến cuối đời của hai người.
Trong nhà chỉ có mỗi tôi là rắc rối. Từ nhỏ đã có hai tên lót, đến khi lấy chồng lại đổi họ lần nữa.
Nhưng bác Bách đồng nghiệp của ba lấy tử vi cho chị em tôi lúc còn nhỏ, có tiên đoán tôi cần đổi họ tên thì cuộc đời sẽ được bình an thanh nhàn.Bác nói cũng đúng nhỉ. Mà lúc ấy có ai nghĩ sao mà phải đổi họ đâu.
Ở từng giai đoạn cuộc đời, má luôn hiện diện, đồng hành cùng chị em chúng tôi. Nâng dậy khi vấp ngã. An ủi khi thất vọng. Lá chắn để chở che. Hứng lằn tên mũi
đạn để bảo vệ. Tri âm tri kỷ để san sẻ nỗi lòng. Má không chỉ là đấng sanh thành, mà còn là người bạn tâm tình tin cậy nhất cho
chúng tôi kể lể chuyện vui buồn yêu đương, chuyện thành công thất bại cuộc đời.
Nếu ví gia đình như con tàu đôi lúc ngất ngư bầm dập theo triều sóng giông bão
cuộc đời thì má luôn là người đứng mũi chịu sào hứng chịu đắng cay khổ nạn để
con cháu được bình yên.
Hể bất cứ khi nào chị em tôi cần, má luôn bên cạnh như tấm phao cứu sinh. Ðến đời
con của các chị, má cũng theo gương ông bà ngoại, là chỗ dựa vững chắc, chăm
sóc, khuyên răn, dạy dỗ không thiên vị bỏ sót cháu nào.
Hai chị gái và hai em gái tôi may mắn luôn cận kề ba má cho đến ngày các người
rời bỏ cõi trần gian tạm bợ. Chỉ có cậu em trai và tôi là lưu lạc trời xa.
Những ngày chuẩn bị Chồng gần không lấy, lại lấy chồng xa. Lỡ mai Cha yếu Mẹ
già. Chén cơm đôi đũa biết nhờ cậy ai. Tôi vừa vui vừa ngậm ngùi khi nghe Má
nói :
Thế là giấc mộng được sống ở quốc gia mà con ao ước từ nhỏ đã thành hiện thực.
Má mãn nguyện với chị em con rồi.
Ngan ngát như lúa thơm ruộng đồng
Hiền hoà như giòng sông tĩnh lặng
Ngọt ngào như khoai sắn rẫy nương
Chúng mình dù mười hay đã năm mươi
Dù anh, chị, em nay đã vào đời
Công hầu khanh tướng vẫn cần có Mẹ
Mẹ là sông, là đất, là vườn rau tươỉ ( TH )
Ðây chỉ là một góc nhỏ của bức tranh về Má của tôi. Còn hàng trăm, hàng ngàn mẫu
chuyện về sự hy sinh của Má đối với đàn con mà tôi chưa nói hết, hay không đủ
ngôn từ để lột tả cho chính xác.
Má, bà tiên dịu hiền của con ơi !
Nếu có lai sinh, tôi ước nguyện được đầu thai vào đúng gia đình hiện kiếp. Ðược
là cháu của đúng ông bà ngoại, là con của đúng ba má, là chị, em của đúng các
chị em tôi đời này.
Thanh Hà CORNIOLEY
LA CHAUX-De-FONDS, SWITZERLAND, Tháng Chín|2021
Má tôi mất hồi 1986 lúc tôi về tù được vài năm vậy mà bây giờ vẫn nằm mơ thấy má . Xin cám ơn tác giả bài viết về tâm tình đối với má .
ReplyDeleteBây giờ nhiều người miền Nam bị văn hoá Bắc ảnh hưởng nên gọi MÁ là MẸ ( không sai nhưng nghe nó kỳ kỳ ) . Cái này mới độc nè : gọi BA là BỐ !!!( chuyện có thật )
Nói về má tới chừng nào mới đủ ????
Trân trọng cám ơn chị THANH HÀ
ngươiviettudo