Pages

Monday, January 2, 2023

Nhớ Mỹ - Đoàn Xuân Thu


Mỹ đây là Mỹ Tho. Cái vụ bỏ mất chữ “Tho” nó xảy ra hà rầm. Bằng chứng là trong ca dao: “Cúc mọc bờ ao kêu bằng cúc thủy. Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa. Viết thư thăm hết mọi nhà. Trước thăm phụ mẫu sau là thăm em”.

Tui e ông viết mấy câu thơ hay hết biết này nhà của ổng ở khúc giữa Mỹ Tho và Sài Gòn. Như Tân An chẳng hạn. Ổng đúng là một người “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”. Viết thơ mèo, lời nói đầu đúng y chang theo bài bản. Ðầu tiên là thăm hết ráo mọi nhà. Rồi sau mới thăm em, người mình thương nhớ. Yêu kiểu đó gọi là yêu kiểu học trò lễ. Vô bái, ra lạy. Thiệt là huỡn quá xá!

Tui nhớ lúc còn ở cái đất Tân Ðịnh, Sài Gòn, tui cũng nghe câu ca dao: “Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho. Ðâu đâu thiên hạ cũng nhường cho”. Nghĩa là cái đất Mỹ Tho ăn đứt mấy chỗ khác. Nó chỉ thua cái đất Sài Gòn mà thôi. Tui đâu dám cãi mà còn đế thêm vô một câu là: “Thua mà còn thua xa nữa kìa!”. Bằng cớ là trong ca dao cũng có câu: “Ðèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ. Ðèn Mỹ Tho ngọn tỏ, ngọn lu”.

Ðầu năm1966, đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ vì dọc theo đường Hai Bà Trưng từ Công trường Mê Linh chạy dài tới chân Cầu Kiệu ban đêm mà sáng trưng như ban ngày. Trời mới dứt cơn mưa, sụp tối, tui còn thấy đường để đi dọc bờ tường nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi bắt dế lửa về cho nó đá với dế than của mấy thằng chung xóm. Con đường Hai Bà Trưng sáng trưng nhờ dãy đèn thủy ngân cao áp.

Cuối năm đó, ba tui đổi về Bưu Ðiện Mỹ Tho, tui theo về quê cũ. 9 giờ đêm Mỹ Tho, trời tối hù. Không có ngọn tỏ đâu mà đèn lu câm hè. Vì toàn là đèn néon dài 1.2 m, vàng vọt cái cháy, cái không.

Ðêm quê người cuối năm, sau vài ly rượu đỏ, tui lại thả hồn về thuở hàn vi quê cũ. Tui nhớ chợ bông Mỹ Tho ngay khúc Vườn hoa Lạc Hồng ngày xưa đó. Giờ VC đã đổi tên thành Công viên Thủ Khoa Huân.

Chợ bông cuối năm, mỗi độ Xuân về, nằm cuối đường Gia Long, từ ngã ba đường Lê Lợi kéo dài tới đường Trưng Trắc. Ðường Lê Lợi là con đường nhiều me nhứt Mỹ Tho. Ðường Trưng Trắc là đường có nhiều quán ăn nhứt Mỹ Tho, là những căn nhà sàn dọc theo bờ kinh Bảo Ðịnh. Sau 75, có người kêu là sông Bảo Ðịnh. Kêu như vậy là trật lất. Sông, rạch là do thiên nhiên. Kinh, mương là do con người đào. Kinh Bảo Ðịnh là do dân phu đời Gia Long đào (1819).

Chợ bông nhóm từ 20 tháng Chạp cho tới trưa Ba Mươi. Năm nay chỉ tới trưa 29 thôi; vì không có 30. Ghe chở cây hạnh, cây tắc, cây mai, bông cúc, mồng gà, ớt kiểng, thược dược, vạn thọ… từ Cái Mơn, Chợ Lách, Cái Bè đậu ken chật bến nước dưới mé sông. Cái chợ bông này xưa là ga xe lửa Mỹ Tho – Sài Gòn. Bà con mình từ nơi khác đi đò xuống đây mướn phòng ngủ Mê Giang, Ðịnh Tường ngủ một đêm rồi rạng sáng mai leo lên xe lửa đi Sài Gòn.

Tui nghe má tui kể sơ sơ là hồi xửa, hồi xưa ông sở, ông sơ của tui là người yêu nước hết biết. Ổng đã từng nghe lời triều đình Huế vô thành Mỹ Tho mà tử thủ, chờ Tây tới. Lúc đi, ổng còn ngoái lại dặn bà sở, bà sơ của tui là: “Chẻ tre bện sáo cho dày. Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp nhau”. Tuy nhiên, liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công thành Ðịnh Tường bằng 2 mũi. Một đi theo kinh Bảo Ðịnh từ Tân An xuống. Tới Trung Lương, tàu chiến của Tây bị đại bác triều đình thụt trúng. Trung tá Bourdais chết ngay tại trận. Hai là từ vàm Kỳ Hôn đánh ra. Quân xâm lược trang bị tối tân hơn nên ngày 14/04/1861 thành Ðịnh Tường thất thủ. Quan hộ đốc Nguyễn Công Nhàn phải bỏ thành mà chạy.

Thất trận quân lính hy sinh nhiều vô số kể mà còn bị ông Học Lạc làm thơ chọc quê nữa chớ: “Có quan hùng dũng Nguyễn Công Nhàn. Hùng dũng nhưng mà lại nhát gan. Giặc tới Bến Tranh run lập cập. Tàu vô cửa Tiểu chạy bò càng. Mưu thần trước biết ngang sông chắn. Kế dữ sau toan đóng cũi hàng. Thất thủ muốn liều cho vẹn tiết. Ngặt vì con vợ bận chưa an!”. 

Ông Học Lạc là ai mà dám chọc quê thủ lãnh của ông sở, ông sơ tui như vậy chớ? Té ra ổng cũng là một người yêu nước. Thấy quân mình bị thua nên ổng nóng ruột đấy thôi.

Học Lạc, sinh năm Nhâm Dần, 1842, năm Thiệu Trị thứ hai.  Ông tên thật là Nguyễn Văn Lạc, người làng Mỹ Chánh, tỉnh Mỹ Tho. Nhà nghèo, nhưng học giỏi, ông được triều đình tuyển vào ngạch học sinh (cấp lương cho đi học, như bây giờ có học bổng vậy). Do đó, người ta gọi ông là “học sinh Lạc”, dần dần rớt mất chữ “sinh”, chỉ còn lại hai chữ “Học Lạc”.

Học giỏi, nhưng thi hoài không đậu. Rồi thời cuộc nhiễu nhương, năm 1862, triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất, nhường ba tỉnh miền Ðông cho Pháp. Học Lạc không còn thiết tha gì đến chuyện thi cử nữa. Ông bỏ làng Mỹ Chánh, tản cư về chợ Thuộc Nhiêu.  Ông làm tới 3 nghề thầy để mưu sinh: thầy giáo, thầy thuốc và thầy bói cho đến cuối đời. Học Lạc mất vào năm Ất Mão (1915), thọ 63 tuổi.

Thơ của Học Lạc viết theo thể Ðường Luật đã khó; mà ông lại cắc cớ gieo vần trắc nữa. Thiệt là đáng nể! Chuyện rằng, Học Lạc làm hương văn. Ðình làng cúng Kỳ Yên, mỗi hương chức góp một mâm xôi có đề tên. Mâm xôi của ông chỉ đề có hai chữ: “Thằng Lạc”. Làng bắt lỗi, ông làm bài thơ “Tạ hương đảng” để xin lỗi ban hộ tề. Nhưng lời lẽ vẫn châm biếm, xỏ xiên. “Vành mâm xôi, đề: “Thằng Lạc”. “Nghĩ mình ti tiện không đài các. Văn chương chẳng phải thứ mèo quào. Danh phận không ra cái cóc rác. Bởi thế bơ thờ thẹn núi sông. Dám đâu vúc vắc ngạo cô bác!

Mà tại sao tui lại lục lọi, tìm hiểu về một nhà thơ trào phúng đất Mỹ Tho không thua kém gì Tú Xương đất Bắc (1870-1907)? Chẳng qua, thuở đó, mới lớn tui đã đeo đuổi một người em năm cũ. Nhà em ở ngã tư đường Học Lạc và Ðốc Binh Kiều, gần nhà đèn, phía bên kia Cầu Quay. (Cầu Quay quay hai kiểu. Ðúng mười hai giờ trưa thì cả hai phần đầu cầu được máy điện xoay cho nó xếp vào bờ kinh. Hai là nhịp giữa được tách ra và kéo lên cao như cái nóc nhà để có độ cao cho tàu bè qua lại kinh Bảo Ðịnh).

Thuở mới “dê” em, tui đã thề thốt lung tung là: “Chừng nào cầu Quay nọ thôi quay. Thì qua với bậu mới dứt dây cang thường”. Ðạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng. Vì hồi xưa thay thế bến đò Ðiều Hòa nối hai bờ kinh Bảo Ðịnh, vào năm 1890, Tây cất cầu sắt tên là Cầu Quay Mỹ Tho là một kiến trúc Eiffel. Năm 1938, Cầu Quay sập, Tây xây lại cầu đúc. Cái dạ cầu nó cao lên; tàu đò qua lại phẻ re nên không cần quay nữa. Bây giờ cầu hết quay rồi; “dê” em mà muốn em tin thì phải kiếm cái khác mà thề. Thề dưới sông sợ ma da, hà bá nó kéo giò thì leo lên đường rầy xe lửa mà thề như ông Bình Nguyên Lộc trong truyện ngắn: “Xe lửa Mỹ bung vành”.

Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành. Tàu Tây kia lủng đáy, anh mới đành xa em!”. Tui thấy tàu Tây lúc đó bằng cây cũng đâu chắc chắn gì? Tui thấy thay chữ “tàu Tây kia lủng đáy” bằng “tàu Tây kia liệt máy” thì hay hơn. Vì thời đó xe lửa Mỹ và tàu Tây chạy bằng máy hơi nước khó liệt lắm. Có nồi súp de, chỉ cần chụm củi là máy chạy, biết tới chừng nào mới liệt?

Tưởng thề như vậy cắt không đứt, bứt không rời; là cứng khừ. Thề ác liệt như thế em mới chịu tin cho hun một cái nhe. Ai dè lúc VC chiếm được Mỹ Tho nó đứt thiệt. Ở tù cải tạo về, tui vọt luôn ra cửa Tiểu. Tui đành đoạn đi luôn cho tới tận bây giờ. Lời thề tui đã gởi cho gió ngàn bay. Lỗi tại tui muôn phần. Tui đã lỗi thề với em từ độ ấy. Hu hu!

Đoàn Xuân Thu

1 comment:

  1. Sao tui nhớ ngày xưa Má mình hay hát ru con như vầy :
    Cách một khúc sông kêu cách thuỷ
    Đường Sài gòn xa , chợ Mỹ cũng xa ...

    ReplyDelete