Pages

Sunday, April 30, 2023

Gã Bất Cần - Huỳnh Tâm Hoài

(Hình minh hoạ)

Trước khi làm bản tự khai, tên Quản Giáo ngồi một chân để thõng, một chân chỏi trên mặt ghế. Hắn ngồi bật ngửa hút thuốc. Vài đám du kích mặt non choẹt mang vũ khí đủ loại đứng vòng ngoài phòng họp của trường Trung Học. Hắn từ từ đứng lên nói: “Tất cả hồ sơ các anh chúng tôi đã nấm. Tội các anh theo Mỹ Ngụy đánh phá Cách Mạng là tội chết, nhưng nhờ lượng khoan hồng của Nhà Nước cách mạng các anh được tha và cho tập trung về đây để học tập chánh sách của Nhà Nước một thời gian ngắn rồi cho về với gia đình, làm công dân tốt của một nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa và đảng Việt Nam quang vinh….”. Hắn nói tràng giang đại hải như con vẹt, cuối cùng hắn gằn giọng: “Các anh phải thật thà khai báo, các không qua mặt được chúng tôi, nhớ đó…” Mọi người được cấp hai mảnh giấy trắng làm tờ khai lý lịch.


Trong bản tự khai gã ghi sơ sài tên họ cấp bực, công vụ và địa chỉ tận miền Trung. Tư Cần trong Ban Quản Giáo Trại Tù đọc tờ khai của gã và bắt gã làm lại có hơn ba lần, lần nào gã cũng khai y như cũ. Tư Cần gọi gã lên la lối:

- Anh chưa thành khẩn khai báo. Các anh khác khai đầy đủ còn riêng anh cứ còn dấu giếm. Tội không khai báo thành khẩn là tôi nặng anh biết không? Gã thản nhiên trả lời:

- Thưa anh, tôi đã khai đủ.

- Anh không có thân nhân họ hàng?

- Dạ đúng.

- Ai sinh anh ra anh, anh không biết nữa hả!

- Tôi không biết, hồi nhỏ tôi sống trong cô nhi viện nên không biết cha mẹ là ai. Tư Cần ngó anh luờm lườm và hỏi gằn:

- Còn hoạt động đánh phá Cách Mạng anh ghi có bao nhiêu, đâu đủ!

Gã nhỏ nhẹ:

- Dạ đủ lắm rồi Cán Bộ. Cán Bộ không tin cứ coi lại hồ sơ mà Cán Bộ có….


Tư Cần bực tức, nhưng không biết phải làm gì với gã. Tư Cần đưa gã miếng giấy trắng khác và nói: “Anh về khai lại cho đủ hơn, chưa thành khẩn…anh hiểu chưa???”. Gã mang giấy về và vẫn khai y như cũ. Tư Cần ra lệnh nhốt gã vào phòng tối hai tuần. Hôm tên du kích mở cửa phòng giam đặc biệt, tống anh về lại phòng, người anh xanh xao và hôi thúi. Mọi người dìu anh về chỗ nằm. Anh em trong phòng bịt mũi vì chịu không nổi mùi hôi thúi bốc ra từ cơ thể của anh. Suốt hai tuần ở trong phòng tối, gã ăn, ỉa tại chỗ. Với mỗi ngày một lon nước trong phòng tối om làm gì để có cái sạch sẽ. Hồi ở ngoài phòng anh cũng là chúa nhát tắm gội rồi. Thế là vài ba anh đề nghị góp nước và lót miếng nylon ra giữa phòng, mời kéo gã ngồi vào để lau chùi, kỳ cọ cho gã hết mùi hôi. Gần ba tháng trong phòng giam ai ai cũng có người thân gởi đồ ăn vào bằng cách nầy hay cách khác, riêng gã thì không thấy ai gởi. Anh em hỏi gã thì gã cười mỉm nói: “Tôi con bà phước làm gì có ai gởi”. Gã ít khi quan tâm đến sinh hoạt trong phòng, ai kêu làm gì thì làm không thì nằm phì phà hút thuốc một mình, không tâm sự với ai, ai hỏi gã điều gì thì gã nói cái kiểu trớt quớt không đâu vào đâu. Ngày tháng bị giam tù không biết rồi sẽ ra sao? Mọi người buồn bã ra mặt, riêng gã thì không ai đoán được gã có buồn hay không. Gã sống lè phè với cơm phát, nước đong. Anh em thấy vậy nên chia sẻ với gã khi có đồ ăn gởi vào. Gã không bao giờ từ chối món gì cả. Ai cho cái gì thì ăn cái đó, ăn không hết thì dồn hết vào lon Guigoz để dành ăn từ từ. Anh em thương gã vì biết gã chẳng có ai thăm nuôi, nhưng tin vào lời khai của gã thì chắc không ai tin, hoặc có tin cũng ở một giới hạn nào đó. Riêng về Ban Quản Giáo thì thôi hạch hỏi gã từ khi gã từ hầm tối ra. Chắc họ có điều tra, nhưng không moi được gì thêm. Hồ sơ quân bạ ở tỉnh Chương Thiện bị đốt hết. Họ cứ dằn mặt: “Các anh phải khai thật thà, hồ sơ của các anh chúng tôi nắm hết cả, đừng hòng khai gian!”. Thế nhưng cho đến khi chuyển trại lên Cần Thơ, mặc dù cũng qua nhiều lần làm lại tờ tự khai, gã cũng chỉ viết có bấy nhiêu mà chẳng thấy họ hạch hỏi gì thêm.


Cũng như còn ở trại giam tỉnh, ở đây gã cũng lè phè, lếch thếch. Mọi người được vợ con tiếp tế thăm nuôi, còn gã thì vẫn mồ côi như cũ. Gã tự đi “Cải hoạt” với cái bẫy chuột tự sáng chế. Đó là chiếc cần bằng tre với sợi dây nhợ. Gã đánh bắt chuột cống trong trại, vì là chuột chui nhủi trong các hang dơ dáy nên lông lá bị rụng, da trầy trụi lỡ lói. Khi bắt được con nào gã cắt đầu, lột da, bỏ bộ ruột, đem nướng hoặc kho mặn. Anh em thấy gã ăn mà thương hại và thường có ý ngăn cản vì sợ gã bị bệnh. Mọi người chia phần ăn cho gã và khuyên gã nên ngưng ăn chuột, nhưng gã vẫn tiếp tục bẫy chuột. Nhiều đêm cái bẫy sập đưa cần không? Gã tức lắm và cho là có người nào đó ăn chận, bắt lén. Để phát giác khi bẫy sập. Gã cột thêm mấy miếng nhôm để khi bẫy được chuột, chuột giẩy dụa sẽ kêu leng keng. Có hôm vừa mổ bụng chuột xong, gã cười khà khà: “Ê bắt được chuột có chửa, ăn chuột hà nàm bổ lắm”. Gã lôi ra từng con chuột con trong bọc bỏ vào miệng ăn ngon lành, mấy anh bạn trong phòng bụm miệng, nôn ói. Chẳng ai cản được gã nên cứ để gã tùy tiện. Anh em đồn đại: “Tay nầy đúng là một tên khật khùng…!” Cán bộ trại gọi gã lên hỏi:

-  Chúng tôi lo cho các anh thức ăn đầy đủ, sao anh lại ăn chuột dơ bẩn như thế?

Gã cười cười trả lời:

-  Thưa cán bộ thêm thịt…

-  Thế chúng tôi cung cấp không có thịt cho anh à?

-  Dạ không có.

-  Cá nục…rau cải, nước mắm đấy.

-  Dạ thịt cá đâu phải thịt heo.

-  Anh còn muốn ăn thịt heo… tư sản nhỉ?

-  Dạ ăn để sống mà cán bộ.

-  Thế chúng tôi có để cho các anh chết à….?

Gã cúi đầu ngưng nói. Tên cán bộ tức khí:

-  Thôi anh về đi…cấm không cho anh bắt chuột. Gã làm thinh quay đầu đi ra khỏi phòng.

Gã cùng đoàn quân xuôi Nam vào tuốt tận vùng sâu rừng U Minh, nơi mật khu cũ của mặt trận trá hình “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” dựng trại, phát hoang làm ruộng. Gã lè phè như bè trôi sông. Hồi mới tới U Minh mỗi tốp 10 người ngủ trong lều nylon, có đêm gió tốc mạnh mọi người thức dậy lo tu sửa căng lều lại. Gã vẫn nằm yên ngủ ngáy kho kho. Anh em cằn nhằn quá. Gã phân trần:

-  Ngủ quên mà, sao không kêu tui.

Ít lâu sau gã xin được một miếng nylon nhỏ che đủ một bên gần kế lều chung, để khi mưa gió, khỏi lo anh em càu nhàu. Có hôm mọi người thấy gã ngủ với nửa người ướt nhem vì miếng vải che bị tróc một phần. Mặc kệ! Gã ngủ với cơn ngáy đều đều!!!

Trong lao động hằng ngày hễ gã đi chung với nhóm nào là các bạn trong nhóm nhăn mặt cười. Thế nào cũng phải gánh thêm để cho xong việc. Gã làm từ từ, đôi lúc nửa chừng than mệt, lên bờ ngồi vấn thuốc rê hút thở phì phèo. Anh em biết gã như vậy nên riết rồi cũng để mặc gã làm gì thì làm. Ai phàn nàn, nặng nhẹ, gã cười trừ: “Làm gì mà dữ vậy ông?”. Gã luôn từ tốn, hề hà không giận ai cho dù có bị nặng nhẹ, nên chẳng ai ghét gã được…?


Công việc đi vào rừng sâu chặt cây và bè về để dựng trại thì được phân theo đầu người. Mỗi người mang về ba cây đước hoặc cây vẹt. Mỗi nhóm 10 người của ai nấy lo. Cây đốn xong, dùng giây chạy cột lại và thả xuống lạch nước kéo về. Anh em đốn cây theo tiêu chuẩn, cây to, dài suông thõng, còn gã thì chả cần miễn có ba cây là được. Gã thả rề rề dưới nước và luôn luôn là người về rất trễ. Có hôm anh em trong nhóm phải quay lại kéo phụ với gã về chỗ tập trung. Có một lần vì không bó chặt, lúc kéo về bó cây bị sút ra, gã rị mọ cột lại, nhưng vì nước lớn cây trôi theo dòng chảy. Gã giữ cây nầy thì cây khác bị trôi đi, phần vì không biết lội nên cứ loay quay mãi mà không gom được cây để cột lại. Một chị bơi chiếc ghe tam bản ghé lại và giúp gã thu gom. Chị kêu gã lên xuồng ngồi, be bó cây vào xuồng, chèo về hướng trại. Bàn tay gã bị xước, máu chảy ướt đẫm, gã xé một bên áo cột rịt vết thương. Khi xuồng vào đến khúc kinh nhỏ gần khu vực trại. Chị bơi tấp xuồng vào bờ ra hiệu cho gã xuống xuồng. Chị nói: “Em giúp anh tới đây thôi, em không được phép vào khu vực trại”. Chị bảo: “chờ em một chút, em đem đồ ra băng bó vết thương cho anh”. Chị chống sào giữ xuồng, lên bờ đi vào cái chòi lá mang ra một nhúm gòn, chai thuốc sát trùng và miếng băng vải. Chị kêu gã đưa bàn tay bị thương ra. Chị dùng bông gòn thấm thuốc sát trùng chỗ bị trầy, bôi vào một chút thuốc đỏ và băng bó vết thương cho gã. Chị làm công việc rất thuần thạo. Gã đoán chắc bà nầy làm y tá. Gã muốn hỏi nhưng thôi. Gã lại lí nhí nói cám ơn và lội xuống nước kéo bè gỗ về điểm tập trung. Hôm nay gã là người về sớm hơn mấy người bạn, ai cũng hỏi: “Sao hôm nay tài quá vậy?”. Gã cười mỉm không trả lời.


Thời gian cứ trôi qua với những ngày những tháng tù đày nơi rừng U Minh. Lao động cực nhọc với mưa nắng, muỗi, vắt, tuy nhiên ăn uống ở đây được tạm đủ nhờ rau hoang và bầy cá bạc ngàn đổ ra từ phía rừng sâu khi mùa mưa tràn đồng lênh láng. Hồi mới xuống đây vào đầu tháng tư, cơn mưa mới rỉ rả. Bây giờ cơn mưa đã tạnh, các láng trại được thành hình, mùa lúa gặt đã xong. Nông trường 30 tháng Tư được thành lập.Tin tức chuyển trai đi nơi khác được anh em rỉ tay nhau…đi đâu…về đâu…??? Lại có tin đồn lần nầy trại sẽ thả một số người…Ai đây…???.Mọi đồn đại rồi cũng đi qua. Một hôm gã được gọi lên C với vài anh bạn khác. C trưởng cho hay toán nầy được cho về đoàn tụ với gia đình. Anh em trong nhóm ai cũng vui mừng, còn gã thì tỉnh bơ và nói với C trưởng:

-  Cho tôi ở lại được không cán bộ…?

-  Không được, có lệnh là phải rời trại.

Gã làm thinh với mặt buồn buồn lầm lũi về láng. Anh em trong nhóm ngạc nhiên hỏi:

-  Ai cũng muốn về…còn mầy…điên hả!!! Gã cười méo mó và im lặng vấn thuốc hút…

Đó là cuối năm 1980.


Ngày được thả về, tất cả nhóm hơn 12 người lên phòng họp của trại để làm lễ và lãnh giấy lệnh rời trại. Tất cả mọi người ai cũng được thông báo cho thân nhân vợ con vào ký vào giấy bảo lãnh nhận chồng về. Chỉ trừ anh chẳng có ai. Ban Chỉ Huy Trại hỏi anh, anh nói: “Xin cho tôi ở lại nông trường, tôi không còn ai là thân nhân”. Cuối cùng Ban Chỉ Huy Trại cấp cho gã một công rừng ngoài nông trường gần phía trạm xá. Khi được Cán Bộ Trại chỉ cho gã miếng đất được cấp, gã nhìn cái chòi lá mà trước đây chị Y Tá băng vết thương ở tay, chỉ cách độ một vuông đất. Chuyện gã xin ở lại lan truyền khắp nông trường. Mọi người cho gã là thằng khật khùng mới chọn ở lại cái nơi cùng khốn nầy. Nhưng người vui nhất khi nghe tin gã ở lại là Lượm.


Buổi sáng Lượm đứng trước cửa trạm xá nhìn mấy chiếc võ lãi chở mấy gia đình được cho về chạy ngang trước con rạch. Nàng nghĩ nếu gã mà có trong chuyến về nầy thì chắc nàng buồn lắm. Một cảm giác nôn nao truyền khắp cơ thể khiến Lượm mơ màng một điều gì đó không rõ…. Lượm nghĩ trong những ngày sắp tới nàng sẽ còn được gặp gã.


Cuộc đời nàng rất hẩm hiu đau buồn, từ nhỏ tới giờ có khi nào nàng được cái cảm giác như bây giờ đâu. Mới 10 tuổi nàng đã mồ côi mồ cút vì ba má chết trong trận chiến Mậu Thân. Mười lăm tuổi đã vào đội giao liên. Nàng được nhào nặn hận thù Mỹ, Ngụy, học tập chiến đấu hy sinh theo các gương anh hùng mà nàng chỉ nghe thôi chớ chưa thấy tận mặt. Từ ngày vào đội giao liên tới giờ cứ luồn lách, chốn trui chốn nhủi khi lính đi càn. Nàng chỉ nghe báo cáo thành tích diệt địch, nhưng chưa bao giờ tham gia trận đánh nào. Trình độ thì chỉ nhá nhem đủ để có thể đọc được các chỉ thị công tác. Một hôm trên đường đi công tác với một anh bạn. Lính càn nhiều quá, hai đứa chém vè ở một cái hầm chìm dưới đám dứa gai. Cái hầm chật ních hai đứa phải áp sát nhau suốt buổi. Hơi nóng hai cơ thể cứ như ran ran truyền vào nhau. Có lúc hình như thằng bạn để tay vào ngực áo đang bật khuy gần hết. Lượm vờ như không biết nhưng thấy rộn rã một thứ gì đó rất mơ hồ, cổ họng nàng như khô, nước miếng chực chờ chảy ra. Nàng nuốt một cái ực vào. Thằng bạn thấy nàng để yên nên làm tới. Nó đưa tay luồn xuống thấp và thấp hơn. Không biết tại sao nàng vẫn để yên cho nó làm gì thì làm. Buổi tối hôm đó khi vừa ra khỏi miệng hầm thì nó đè bật Lượm ra trên miệng hầm…Nàng nằm im, một lúc Lượm nghe gió thổi lạnh khắp người, nàng ôm riết nó sát hơn…Nàng tê dại và cảm thấy đau nhói như có một cây gai nhọn vừa đâm vào phía dưới…Tối hôm đó du kích xã phải đốt rọi đi tìm. Hai đứa rón rén về chòi canh. Mỗi đứa nằm một góc ngủ say.


Vài tháng sau, cũng trong chuyến công tác giao liên. Khi lính bố ráp. Lượm nhanh chân trốn được dưới hầm trú, nhưng thằng bạn bị bắn phơi thân ngoài đám dứa gai. Thấy cái xác bị bắn lòi ruột Lượm trừng trừng nhìn nó rồi bật khóc. Những ngày tháng sau đó Lượm ăn nằm hết với chủ tịch xã, tới xã đội trưởng. Hình như họ biết Lượm ăn nằm với thằng bạn du kích hôm đó. Họ tạo điều kiện đề gần nàng. Hình như nàng cũng hực nóng khi nghĩ tới chuyện làm tình. Nàng sẵn sàng nằm ra khi có cơ hội. Thật ra mấy anh ở trên cứ tạo cơ hội để được ngủ với Lượm. Các anh nói: “Ủng hộ sinh lý cho các anh cũng là một công tác”. Lượm tin như vậy, cho nên chuyện ăn nằm với mọi người là chuyện giống như thi hành nhiệm vụ. Sự ăn nằm quen dần cho đến nỗi Lượm không biết cái thai chình ình càng nở to ra của nàng tác giả là ai. Lượm có bầu thì bị lôi ra xử lý. Chính anh Tư Hồng chủ tịch xã đã ngủ với Lượm không biết bao lần. Anh gay gắt phê phán trước buổi họp kiểm điểm nàng: “Đồng chí đã làm mất tư cách một cán bộ Cách Mạng”. Anh nhấn mạnh: “Phụ nữ Cách Mạng luôn trong sạch để làm gương cho chị em trong đoàn ngũ, chưa có gia đình mà để có bầu là vi phạm điều lệ…”. Vợ của Tư Hồng là Chủ Tịch Hội Phụ Nữ Cách Mạng, sau khi kiểm điểm gay gắt chuyện nàng có bầu và cuối cùng chị đề nghị thuyên chuyển Lượm sang cơ quan Y Tế khi sinh nở xong. Sau nầy Lượm biết được là bà vợ của Tư Hồng nghe phong phanh chuyện anh có ăn nằm với Lượm nên nhân cơ hội nầy đẩy Lượm đi xa. Còn Tư Hồng thì thở ra nhẹ nhõm.

Lượm bị sẩy thai trong một chuyến đi công tác.  Nàng được nằm tại bệnh xá huyện và chuyển đi học Y Tá vài tháng thì ngày 30 tháng Tư đến.


Chuyện gần đàn ông của Lượm như một đòi hỏi của cơ thể chứ không có một chút tình cảm gì ở trong đó. Ăn nằm xong thì nàng lồm cồm ngồi dậy mặc quần áo và mạnh ai nấy đi. Cho tới khi gặp được gã. Một người tù cải tạo làm lì, hiền hậu, ăn nói từ tốn. Khi gặp nàng gã dửng dưng chẳng nhìn nàng như mấy lão ở trong nầy, khiến nàng cứ muốn lấn tới với gã trong nỗi xuyến xao kỳ lạ. Lượm thường đứng nhìn gã kéo gỗ dưới lạch nước trước trạm xá với cái vẻ cô độc kham khổ thấy mà thương. Nàng tìm hiểu và biết gã chẳng có ai thăm nuôi. Nàng đoán chắc gã chưa vợ con nên đâm lòng yêu thầm.


Khi cái chòi lá của gã khởi công thì mọi người trong trại phụ dựng nhà cho gã, chỉ trong hai ngày là xong. Miếng đất được nông trường cấp cho gã một công gần khu trạm xá cho nên Lượm có nhiều cơ hội đến giúp gã nhiều việc. Ngày tháng trôi qua, khi thì nàng mang cho gã một vài món ăn, vá cho gã manh áo rách…nhưng chưa bao giờ nàng nói được cái đều nàng nghĩ trong đầu. Lượm nói thầm: “Đàn ông gì mà kỳ lạ…mình muốn ảnh mà ảnh ...cứ lơ lơ chẳng để ý gì hết ráo…”


Một buổi tối, Lượm nhìn qua kẽ hở của chòi tắm, thấy phía nhà gã chưa thắp đèn. Nàng quơ bộ quần áo mặc vào và thắc mắc: “Cái anh nầy đi đâu, tối mò mà chưa zdìa để nhà tối om?”. Trạm xá cách nhà gã một vuông ruộng nhỏ cho nên nàng hay chăm chú theo dõi sinh hoạt đi đứng của gã hằng ngày. Có hôm thấy gã ở trần trùng trục phơi cái lưng vạm vỡ với màu da trắng muốt. Nàng thấy nôn nao một ham muốn dâng tràn, toàn thân nàng nóng ran. Luợm ước gì được nằm sát với gã. Khi ấy nàng nhắm mắt mơ màng nghĩ đến một dòng ái ân tràn ngập trong đầu… Lượm quyết định sang nhà gã xem gã có ở nhà không? Trời mới nhá nhem tối nhưng Lượm cũng cầm theo cây đèn pin. Bước ra khỏi trạm xá, cơn gió chiều hôm thổi lùa, nàng nghe lành lạnh ở vùng ngực. Lượm chợt nhớ ra mình quên mặc áo lót. Nàng đưa đôi tay bắt chéo trước ngực khi đứng trước cửa nhà gã. Nhà tróng trơn không có cửa trước. Nàng nhìn suốt vào nhưng chẳng thấy ai bên trong. Lượm đi vòng ra phía sau, thì bất chợt nhìn thấy gã vừa mới ở dưới mương nước bước lên.Toàn thân trần truồng. Một bóng trắng chập chờn trước mắt. Nàng vội trở ra phía trước gọi: “Anh ơi có nhà không, sao nhà tối om zdậy?”. Gã nghe nàng gọi thì vội đi ngay vào nhà lấy bộ đồ bà ba đen mặc vào và nói vói ra: “Có tôi…chờ chút nha ?”.  Vừa nói gã vừa mò tìm cái ống quẹt mồi cây đèn. Căn nhà sáng lên. Lượm đứng ngay khung cửa. Ánh sáng làm lộ thân hình người con gái với bộ đồ bông hường nhô cao đôi vòng ngực. Gã tằn hắn:

-  Có gì hông cô Lượm?

- Thấy nhà tối em tưởng anh không có nhà nên đi qua coi thử anh zdìa chưa?

-  Tôi tắm ở dưới mương nước phía sau nhà.

Nàng vờ như không biết gì và nói: “Dzậy mà em tưởng anh đi đâu?”. Nàng bước hẳn vào bên trong. Nhà trống trơn chưa có bàn ghế gì ráo. Gã nói: “Cô ngồi lên giường đỡ”. Lượm ngồi lên mép giường nhìn quanh quất căn nhà rồi nói: “Mai em đi chợ mua đồ cho trạm, chắc em mua cho anh một ít đồ xài, anh cần món gì cho em biết”. Gã đứng xớ rớ một góc nhà nói: “Chưa biết cần gì nữa cô ơi?”. Lượm dượm người đứng lên bước vài bước, rồi nhìn trước, ngó sau xem có gì mua được cho gã đây? Nàng chột dạ nói trong lòng: “Nhà thiếu đàn bà có khác” và cảm thương cho gã một cách chân thành. Lượm hỏi:

-  Anh ở như vầy…hỏng ai lo cho anh hết.

-  Tui quen rồi cô.

-  Em muốn lo cho anh...lo hoài hoài được hôn?

Gã xua tay:

-  Không được đâu. Cô là Cán Bộ, tôi là tên tù mới được thả ra...nếu người ta biết cô lui tới như thế nầy có hại cho tui. Tui cám ơn sự lo lắng và sự giúp đỡ của của cô.

Lượm trân trân nhìn gã và nói:

- Anh...! em thương anh mà. Không ai có quyền cản ngăn em hết á! Em là một người con gái...không là cán bộ gì ráo, em chán cái luận điệu của mấy ông trong bưng nầy lắm rồi. Thời gian qua nhìn các anh sinh hoạt mọi người ở vùng nầy đều biết các anh là ai...là những người tử tế chứ không như những điều bôi xấu mà em và các người ở đây nghe về các anh... Dường như có một cơn sục sôi bùng cháy trong lòng. Lượm bước tới ôm chầm lấy gã và nói: “Em thương anh!”. Mùi thơm bồ kết từ mái tóc mới gội của nàng cộng lại với sự cọ sát vòng ngực nóng ran làm gã boàng hoàng lo sợ hơn là cảm xúc... gã vội tỉnh trí đưa hai tay lên hai vai nàng đẩy nhẹ ra và nói: “Không được đâu...cô về đi...! Không được đâu....!”. Bỏ Lượm đứng khóc trong nhà, gã chạy ra phía sau ... Cánh đồng mênh mông loáng nước trước mặt gã đã tối sầm. Gã khom lưng vóc một bụm nước úp vào mặt.


Vào một buổi trưa ngày..  tháng ...năm  1984 một chiếc võ lãi chở một thiếu phụ sang trọng và hai người con tấp vô trạm xá. Người tài công bước lên hỏi Lượm nhà của anh T.... ở đâu? Lượm nhìn xuống chiếc võ lãi, lòng tự hỏi: Ai dzậy kìa???

Khi chiếc võ lãi tấp vô nhà của gã. Lượm ra đứng ngoài sân bệnh xá nhìn sang đấy, thấy gã chạy ra ôm chầm lấy người thiếu phụ, còn hai đứa nhỏ thì kêu ba ơi ba...! Gã quay sang ôm hai đứa nhỏ hôn lấy hôn để... Tất cả gia đình gã di tản sang sống ở Mỹ. Sau khi liên lạc được với những người bạn còn ở Sài Gòn có chồng bị tù ở vùng U Minh. Vợ gã biết gã còn ở Năm Căn. Chị xuống Cà Mau dò la tin tức và biết gã đang ở nông trường Thống Nhất. Hôm nay chị mướn chiếc võ lãi vào rước gã về.  Lượm đứng như trời trồng và ôm mặt khóc: “Trời ơi! vợ con của ảnh!!!”


Chiều đó chiếc võ lãi quay mũi chạy ra khỏi nông trường, đi ngang trạm xá. Gã nhìn vào một lúc rồi vội quay mặt về phía vợ nói: “Anh có nhiều kỷ niệm với cái trạm xá nầy”. Người thiếu phụ nói: “Vậy hả...?” Chiếc võ lãi chạy khuất ra vàm kinh lớn. Tiếng bành bạch của chiếc máy đuôi tôm dội trong Lượm nỗi đau xót tận cùng buồn bã.  “Anh đi thật rồi! Em mất anh thật rồi...!”. Nàng đứng khóc một mình trong buổi chiều U Minh lặng lẽ.

Bẵng đi một thời gian rất lâu. Lúc nầy Lượm làm Y Tá cho một bệnh xá ở huyện...Một hôm nàng nhận được một món quà từ Bưu Điện. Đó là một sợi dây chuyền bằng vàng với hai trái tim kề nhau, kèm thêm có bức thư của gã bất cần năm nào gởi từ Mỹ về.

Cali..ngày... tháng....năm.....

Lượm thương mến,

Tôi hiểu rõ tấm lòng của em dành cho tôi và luôn ghi nhớ những sự giúp đỡ của em trong những ngày tháng ở rừng. Chiếc võ lãi chở vợ con của tôi vào ngày hôm đó cũng là một bất ngờ cho tôi. Trong cơn biến động trước ngày 30 tháng tư năm 1975. Gia đình tôi  lo di tản trước đó vài ngày.Vợ tôi từ Sài Gòn xuống Chương Thiện ngày 28 tháng tư để đón tôi về cùng di tản ra hạm đội Mỹ, nhưng không gặp được tôi. Mọi người trong gia đình tôi đã ra đi trong lúc chúng tôi được lệnh tử thủ của Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn. Chúng tôi đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng...và rồi những gì em biết sau đó. Chúng tôi đành thua trận. Người anh đầu đàn của chúng tôi hiên ngang gục chết trước pháp trường. Tôi mất liên lạc với gia đình và không biết họ về đâu trong cơn biến động đau đớn đó. Tôi đành chịu số phận chung cuộc của những người bại trận. Chúng tôi hèn nhát hơn vị Đại Tá của chúng tôi! Chúng tôi buông súng, nạp mình cho kẻ chiến thắng là phía của em. Tôi phó đời trong bất cần số phận...và cuối cùng tôi gặp lại vợ con trong bất ngờ như chiêm bao. Tôi cám ơn ơn trên đã cho tôi hồi sinh được cuộc sống và xin cám ơn em đã tận tụy giúp tôi trong cơn khốn cùng đã qua. Tôi nhận biết rằng: Từ trong trái tim yêu thương chân thành thì không có lòng thù hận. Xin gởi em món quà từ đất Mỹ. Mong em vui lòng nhận cho, trong đó có tấm lòng của tôi.

Thương mến,

Lê văn T...

Riêng Lượm từ hôm nhận được quà và thư của gã nàng khóc thật nhiều. Sau đó nàng rời bỏ bệnh xá. Người ta không biết nàng đi đâu...?


(Ghi nhớ những ngày ở rừng U MINH)
Huỳnh Tâm Hoài

Vẫn Còn Nước Mắt - Đỗ Duy Ngọc

 

Tháng tư. Khi cái nóng miền Nam lên đến đỉnh điểm và cờ đỏ giăng đầy lối phố, là đến ngày kỷ niệm. Ngày mà cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng: "Triệu người vui cũng có triệu người buồn."

Người bên thắng trận có triệu người vui, nhưng thật ra trong niềm vui cũng có chất chứa sâu kín nỗi buồn. Hàng ngàn thanh niên miền Bắc sinh Bắc tử Nam, đã đi và không về cho một chiến thắng cuối cùng. Họ nằm lại và cho đến giờ, cuộc chiến tranh chấm dứt đã 43 năm, gần nửa thế kỷ qua rồi, thịt  xương của họ đã thành cát bụi, đã hoà lẫn với đất cát, tro than, cây cỏ. Người thân của họ vẫn trông chờ, tìm kiếm trong vô vọng. Những bà mẹ miền Bắc chiều chiều vẫn ngóng về Nam, thắp nén nhang gọi hồn con về. Cắm nén nhang lên bàn thờ nhiều khi chỉ là khung ảnh trống không có hình, nhiều khi chỉ ghi một cái tên, cũng có khi là chân dung của một người rất trẻ. Họ ra đi trong chiến tranh và không trở về trong ngày hoà bình, thân xác của họ được vùi vội vàng đâu đó và bây giờ không còn dấu tích. Bạn bè, đồng đội trở về nhưng họ không về. Có người cho đến giờ vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Và hàng ngày những bà mẹ già buồn bã vẫn đợi tin con. Ngày lễ chiến thắng nhiều người vui nhưng mẹ lại buồn dù con mẹ là người lính của đoàn quân thắng trận.

Một người không về là nỗi đau không riêng người mẹ, nó là nỗi xót xa, khổ đau của cha, của anh em và còn là nỗi đau của người vợ mất chổng, những đứa con lớn lên không biết mặt cha. Chiến tranh đi qua như một con lốc dữ, để lại những nỗi đau không lấp được.

Hàng dãy mộ bia trùng trùng điệp điệp ở Trường Son, ở các nghĩa trang liệt sĩ, nhiều đến không còn nước mắt để khóc thương.

Người ta có thể tung hô, hùng hồn đọc diễn văn, vui chơi với ngày chiến thắng. Nhưng những bà mẹ, người cha, người vợ làm sao vui khi vẫn chưa tìm thấy hài cốt người thân của mình, hay chỉ thấy con, cháu mình chỉ còn là nấm mồ hiu quạnh.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam, trong tất cả các cuộc chiến tranh kể từ sau năm 1945 (bao gồm Chiến tranh Đông Dương, Chiến tranh Việt Nam, Chiến tranh biên giới Tây Nam, Chiến tranh biên giới Việt-Trung và một số chiến dịch chống thổ phỉ và FULRO), cả Việt Nam có trên 1.140.000 liệt sĩ. Theo tài liệu thống kê của cổng thông tin điện tử ngành chính sách quân đội - Cục chính sách - Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng thì đến năm 2012, toàn quốc có 1.146.250 liệt sĩ và khoảng 600.000 thương binh, trong đó có 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.(Wikipedia)

Bên thua cuộc là hàng triệu người buồn. Họ bị mất nhiều thứ: công việc, nhà cửa, tương lai không biết về đâu? Là chia ly, là ly tán, là những bất hạnh dồn dập.

Họ cũng có những người thân cầm súng chết trong cuộc chiến. Và cũng có rất nhiều người không về. Trong cơn hoảng loạn của tháng ba, cả tiểu đoàn Thuỷ quân lục chiến bị kẹt lại ở biển Thuận An, pháo dội, súng nổ, nhiều người đã chết và vùi thây trong hố chôn tập thể. Trên con đường từ Phú Bổn về trong những ngày cuối tháng tư, bao nhiêu xác người đã nằm lại bên đường, họ nằm đó và cát bụi thời gian phủ thây họ, gia đình bặt tin và lấy ngày đó làm ngày giỗ. Những ngày cuối của cuộc chiến, xác người vẫn ngã xuống và nhiều người bây giờ cũng không tìm thấy xương cốt mộ bia. Rồi khi lá cờ của bên chiến thắng tung bay trên những thành phố, hàng trăm ngàn người vào trại cải tạo, và hàng ngàn người cũng không trở về, họ chết và thân xác được chôn vội vàng giữa vùng đồi núi xa lạ hoang vu. Người thân của họ đi tìm mà mấy người tìm gặp.

Con số 220.357 binh sĩ VNCH tử trận được Lewy dẫn từ tài liệu lưu trữ của Bộ quốc phòng Mỹ, tính từ năm 1965 đến năm 1974. Cộng thêm con số tử trận trong giai đoạn 1974-1975 và trước đó cho ra ước tính khoảng 300.000 tử trận. Nhà sử học R.J. Rummel đưa ra con số ước tính cao nhất có thể lên tới 313.000 tử trận.

Theo thống kê chi tiết của Jeffrey J. Clarke thì tính từ năm 1960 tới 1974, Quân lực Việt Nam Cộng hòa có 254.256 lính tử trận. Cộng thêm con số tử trận trong các năm 1956-1959 và năm 1975 thì số lính Việt Nam Cộng hòa tử trận ước tính là khoảng 310.000 người.

Sau năm 1975 ở miền Nam có hơn 1.000.000 người thuộc diện phải ra trình diện. Riêng ở Sài Gòn có 443.360 người ra trình diện, trong số đó có 28 viên tướng, 362 đại tá, 1.806 trung tá, 3.978 thiếu tá, 39.304 sĩ quan cấp uý, 35.564 cảnh sát, 1.932 nhân viên tình báo, 1.469 viên chức cao cấp trong chính quyền, và 9.306 người trong các “đảng phái phản động”.

Hàng trăm ngàn người đi về phía biển, hàng triệu người bất chấp hiểm nguy đi ra biển và hàng trăm ngàn người chôn vùi thân xác dưới đáy đại dương. Hàng trăm, hàng ngàn người đàn bà bị hãm hiếp trên con đường đi về phía biển ấy, có người bị chết xác quăng xuống biển, cũng có người đi được đến nơi và sống đến bây giờ, nhưng dấu tích của vết thương theo suốt đời họ, không xoá được. Có hàng trăm, hàng ngàn cô gái bị bắt đi và mấy chục năm rồi không tin tức, có thể họ chết lần mòn trong những căn nhà chứa ở Thái Lan. Theo thống kê của cơ quan Tị nạn Liên Hiệp quốc thì có khoảng 500.000 người vượt biên đã bỏ xác ở biển Đông. Thế giới cho rằng đó là cuộc di dân tồi tệ nhất của lịch sử.

Nỗi đau tức tưởi đó làm sao quên, nên tháng tư đối với họ là tháng nước mắt.

Như thế, trong ngày chiến thắng của bên thắng cuộc, cả hai phía vẫn còn những nỗi đau khó xoá. Cả hai phía đều vẫn còn nước mắt. Nước mắt khóc cho một dân tộc bất hạnh có cuộc chiến tranh dài nhất của thế kỷ hai mươi. Một cuộc chiến tranh giữa anh em mà đã 48 năm rồi vẫn chưa hàn gắn được. Thời gian đã trôi qua, cuộc chiến tranh đã lùi xa, nhưng VẪN CÒN NƯỚC MẮT, chung quy cũng chỉ vì NCS rước chủ nghĩa quái thai vào nhà.


15.4.2023

DODUYNGOC

Tháng Tư - Đỗ Duy Ngọc

 Tháng tư nước mắt nhạt nhoà

 Trời rơi sấm sét cửa nhà lung lay

 Cúi đầu nhặt hạt đắng cay

 Buông hai tay chịu rủi may của đời.


 Vành tang thiếu phụ tả tơi

 Cờ bay gắt nắng phố phơi nỗi buồn

 Sử ghi như một vở tuồng

 Đường ma vội chạy quỷ cuồn cuộn đi


Tháng tư còn lại những gì

 Mắt đăm phía biển tay tỳ sóng xô

 Trần gian thêm những nấm mồ

 Tháng năm vừa cũ tựa hồ chiêm bao


 Núi đồi rộn rịp nhà lao

 Bao nhiêu đau đớn kêu gào về đâu

 Tự tay đào lấy huyệt sâu

 Tương lai mù mịt quay đầu phương nao


 Tháng tư mất biệt trăng sao

 Cả thiên hạ khóc xôn xao ánh nhìn

 Thôi rồi đã tắt bình minh

 Một màu tối ám thình lình kéo qua


 Chẳng còn đâu những cành hoa

 Rau xanh trồng rợp đường qua giữa cầu

 Chắp tay đợi chuyện nhiệm màu

 Thần linh vắng mặt con tàu đã xa


 Tháng tư qua mỗi căn nhà

 Đèn hiu hắt sáng lòng hoà bóng đêm

 Bưng chén cơm nặng sầu thêm 

Chan giọt nước mắt đói mềm bước đi


 Nhìn quanh cũng chẳng còn chi

 Gió rung rinh mái gió ghì cửa đau

 Mong cho kiếp nạn qua mau

 Tháng tư đọng lại một màu thê lương


 Tháng tư gói ghém lên đường

 Hành trang rách nát ruộng vườn tả tơi

 Lệ buồn khóc giữa trùng khơi

 Bó tay lạy giữa thói đời đảo điên

 

         10.4.2023

          DODUYNGOC

Saturday, April 29, 2023

Chuyện Thi Cử Của Miền Nam Trước 75 - Vũ Thế Thành

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn

Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp. Tháng 6 năm đó vua Bảo Đại ban hành chương trình cải cách giáo dục. Chương trình này do giáo sư Hoàng Xuân Hãn, bộ trưởng Giáo dục và Mỹ Thuật thời đó chủ trì. 

Chương trình được soạn thảo chưa đầy 3 tháng với một hội đồng biên soạn đâu đó chỉ gồm 13 hay 14 vị chuyên viên. Chẳng cần dạy nháp hay dạy thí điểm, cũng chẳng cần chờ xin ý kiến thủ tướng (lúc đó là ông Trần Trọng Kim), hay hoàng đế gì cả, chương trình cứ thế đem áp dụng luôn, và áp dụng ngay cho khóa thi tú tài năm đó, niên khóa 1944- 1945. Đây là khóa thi tú tài bằng tiếng Việt đầu tiên của chương trình trung học Việt Nam, trước đó học và thi tú tài bằng tiếng Pháp. Chương trình này được giới chức sau này gọi là “chương trình Hoàng Xuân Hãn” để ghi nhớ người chủ trì.

Những tháng đầu tiên sau tháng 8/1945, cũng như trong giai đoạn kháng chiến, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng áp dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn có sửa đổi lại đôi chút để đáp ứng với tình thế “cấp bách và khó khăn”. Mãi tới niên khóa 1951-1952 mới thay thế bằng chương trình phổ thông 9 năm, và từ niên khóa 1956-1957 đổi thành 10 năm. Sau năm 1975, miền Bắc mới quay lại chương trình 12 năm từ niên khóa 1981 -1982.

Ở các vùng Pháp chiếm cũng áp dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn, sửa đổi đôi chút ở các môn Việt văn, sử địa, công dân, còn các môn khoa học thì vẫn giữ nguyên. 

Sau năm 1954, ở miền Nam, chương trình Hoàng Xuân Hãn vẫn được xem là bộ khung để sửa đổi, cập nhật, kể cả các môn khoa học cho phát triển chung. Hệ 12 năm vẫn duy trì cho bậc giáo dục phổ thông, phân ban ở đệ nhị cấp (cấp 3 bây giờ), với ban A (Lý hóa Vạn vật), ban B (Toán lý hóa), Ban C (ngoại ngữ văn chương/ Triết cho lớp 12), và ban D (cổ ngữ và văn chương/ Triết). Điều thấy rõ là thể chế thi cử ngày càng nhẹ. Mới đầu là bỏ thi vấn đáp ở kỳ thi trung học đệ nhất cấp (cấp 2 bây giờ) từ năm 1959, và rồi bỏ luôn thi vấn đáp ở đệ nhị cấp (cấp 3). 

Kể từ niên khóa 1962- 1963, miền nam bỏ thi tiểu học. Năm 1967 bỏ thi trung học đệ nhất cấp (tốt nghiệp cấp 2 bây giờ), và sau cùng năm 1974 bỏ luôn thi tú tài 1 (lớp 11) 

Như vậy từ niên khóa 1973-74, từ lớp 1 cho đến lớp 12 học sinh chỉ còn qua một kỳ thi duy nhất, đó là thi tú tài, và thi bằng trắc nghiệm khách quan cho tất cả các môn. Học bao nhiêu môn, thi bằng đó môn. Mỗi môn có bao nhiêu chương, bao nhiều bài phải thi hết, không kỳ kèo thêm bớt gì cả, và phải thi đủ 2 ngoại ngữ. Hệ số các môn thi tùy vào phân ban mà học sinh chọn, thấp nhất là hệ số 1, và cao nhất là hệ số 5. Chẳng hạn theo ban Toán, thì Toán hệ số 5, lý hóa hệ số 4, triết hệ số 2,.. còn theo ban văn chương thì môn Triết hệ số 4, Toán hệ số 1,... Điều đáng chú ý là môn Sử– Địa– Công dân thi chung và tính hệ số 3. Đừng tưởng ta đây giỏi Toán mà đã ngon, gãy môn Triết, Sử, Địa, Công Dân chắc gì đã lấy nổi bằng tú tài. 

Xét theo kết quả thi cử, học sinh thời đó chắc là học dốt hơn học sinh bây giờ, vì thi tú tài chỉ đậu cỡ 15 – 20 %. Trong đó hơn 80% là đậu thứ (điểm trung bình tương đương 5/10 bây giờ), còn đậu hạng bình thứ (6/10), bình (7/10), và ưu (8/10) là hàng hiếm. 

Tính ra chương trình Hoàng Xuân Hãn soạn thảo trong 3 tháng với 13 chuyên viên “thọ” được 9 năm, nhưng ảnh hưởng của nó trên hệ thống giáo dục ở Miền Nam kéo dài đến năm 1975. Không biết nên gọi đó là cuộc cải cách hay cách mạng giáo dục? Khi chương trình được áp dụng, chẳng thấy ai ý kiến ý cò gì, hay là tại hồi đó không có tự do báo chí? Làm bằng cái tâm, bằng cả tấm lòng với sự nghiệp giáo dục, ai mà nói nổi.

 

Bây giờ, soạn lại sách giáo khoa thì cứ soạn, đậu tú tài thì vô tư (trên 90%),nhưng triết lý giáo dục là gì nhỉ?


Vũ Thế Thành

30-04-1975, Ai Thắng Ai Bại? - Huy Vũ

Người Miền Nam vượt biển tìm Tự Do năm 1982


Sau 48 năm nhìn lại 

Mỗi năm khi ngày 30 Tháng Tư đến gần là một câu hỏi to tướng: “AI THẮNG AI?” lại đến với nhiều người trong đó có tôi. Để có thể trả lời câu hỏi này một cách minh bạch, khách quan và trung thực sau 48 năm đã trôi qua,  thiết nghĩ, trước hết chúng ta cần phải xác định thực chất của cuộc chiến giữa Miền Bắc Cộng Sản (MBCS) hay Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) và Miền Nam Quốc Gia (MNQG) hay Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).

* Nhiều người cho rằng cuộc chiến tranh 1955-1975 giữa MBCS hay VNDCCH và MNQG hay VNCH là một cuộc NỘI CHIẾN, hay là một cuộc chiến Huynh Đệ Tương Tàn tương tự như cuộc nội chiến vào thế kỷ 17 giữa Nhà Nguyễn (Đàng Trong) và Nhà Trịnh (Đàng Ngoài).  

* Nhiều người khác cho rằng cuộc chiến tranh giữa Nam và Bắc VN vào thời gian 1955-1975, không hẳn là nội chiến, vì trong cuộc chiến tranh này, sự “tác động” từ thế giới bên ngoài, Thế Giới Tự Do (TGTD) và Thế Giới Cộng Sản (TGCS). Hai thế lực này đối nghịch với nhau như nước với lửa. Trong khi đó, sông Bến Hải hay vĩ tuyến 17th là ranh giới mong manh, ngăn cách giữa hai khối Cộng Sản và Tự Do.

Mặt khác, khối CS luôn luôn dùng bạo lực để bành trướng. Do TGCS đã dùng MBCS như một bàn đạp đế tấn công lấn chiếm khối TGTD. Trong khi đó, khối TGTD cũng không thể không ngồi yên, nên đã dùng MNQG như một tiền đồn để chặn đứng sự lấn chiếm của khối TGCS. Do đó, họ gọi cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh ỦY NHIỆM. Nói khác đi là MBCS được sự ủy nhiệm của TGCS và MNQG được sự ủy nhiệm của TGTD.

Bộ đội Bắc Việt trên đường phố Sài Gòn ngày 30/4/1975

* Lại cũng có nhiều người khác bảo rằng cả hai đặc tính Nội Chiến và Ủy Nhiệm người ta đều thấy hiện diện trong cuộc chiến này. Song đó chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm trôi trên mặt biển thôi. Còn phần chìm của nó  mới là phần cốt lõi, lại không dễ dàng gì nhìn ra được. Theo những người này, thì phần chìm của cuộc chiến tranh giữa MBCS và MNQG là Ý THỨC HỆ. Một bên mang ý thức hệ cộng sản (Communist Ideology) và một bên là ý thức hệ quốc gia (Nationalist Ideologycòn được gọi là ý thức hệ chống cộng sản (Anti-Communist Ideology).  

- Bên Ý THỨC HỆ CỘNG SẢN (YTH/CS) thì tin rằng, CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN (CNCS) là đỉnh cao trí tuệ của nhân loại và chỉ có CNCS mới có thể giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi sự kìm kẹp và bóc lột của các đế quốc tư bản, và tạo cơ hội cho nhân dân Việt Nam sánh vai cùng nhân dân các nước trên thế giới, tiến tới THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG (TGĐĐ). TGĐĐ là thiên đường hạ giới, nơi đây không ranh giới quốc gia và dân tộc, không có người bóc lột người, và mọi người làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu. 

- Bên Ý THỨC HỆ QUỐC GIA (YTH/QG) hay CHỐNG CỘNG SẢN (YTH/CCS) thì tin rằng, CNCS là một chủ nghĩa không tưởng, nó được hình thành từ đầu óc của những kẻ không bình thường, và cũng chỉ có những người không hiểu CNCS, mới tin tưởng vào chủ nghĩa này sẽ đưa dân tộc Việt Nam đến bến bờ vinh quang.  Bên YTH/QG cũng tin rằng nếu không chống lại CNCS thì đất nước VN sẽ mãi mãi sống trong đói nghèo và dân tộc này sẽ đắm chìm trong triền miên tăm tối và “thế giới này sẽ không còn Việt Nam”.

Những nữ sinh Sài Gòn trên đường đi học năm 1970

 * Nói tóm lại, cuộc chiến tranh giữa MBCS và MNQG, thực chất là một cuộc chiến tranh ý thức hệ và một khi đã thừa nhận cuộc chiến tranh này là chiến tranh ý thức hệ thì người ta cũng phải thừa nhận các hệ quả của nó: 

1- Ngày 30-04-1975, không phải là ngày kết thúc cuộc chiến, mà chỉ là ngày thay đổi hình thức đấu tranh từ đấu tranh có vũ khí sang đấu tranh không vũ khí, hay từ đấu tranh bạo lực sang đấu tranh bất bạo lực.  

2 - Thắng hay bại trong cuộc chiến tranh ý thức hệ không thể tính bằng diện tích và dân số trên vùng đất đã chiếm được mà phải tính bằng “lòng dân” đối với ý thức hệ của mỗi bên.  

3- Chiến tranh ý thức hệ chỉ có thể coi là kết thúc khi ý thức hệ của một bên nào đó bị phá sản hay không còn được người dân tin theo nữa.   

* Dựa vào những hệ quả trên đây, dù là chủ quan, người ta cũng không thể không thừa nhận rằng, trong giai đoạn chiến tranh có vũ khí, Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa (QCC/VNCH) đã thất bại nặng nề. Nguyên nhân của sự thất bại, không phải vì họ hèn nhát, hay thiếu tổ chức, mà vì một lý do đơn giản và dễ hiểu, là vũ khí của họ bị cạn kiệt.

Trong một cuộc chiến tranh bằng vũ khí, tất nhiên vũ khí đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thắng hay bại của mỗi bên. Khi cuộc chiến bước vào một giai đoạn quyết liệt, thì bên VNDCCH được Liên Xô và Trung Cộng viện trợ và cung cấp vũ khí vô cùng dồi dào.

Còn bên VNCH lại bị đồng minh Hoa Kỳ cắt bỏ hoàn toàn viện trợ vũ khí. Do đó việc thất bại của VNCH trong giai đoạn này là một điều không thể tránh khỏi.   Tương tự như cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine hiện nay. Nếu Ukraine không nhận được vũ khí và đạn dược của Mỹ và khối NATO, thì chỉ trong vòng một hai tháng, Ukraine buộc phải đầu hàng Nga.

Dân Miền Nam chạy giặc năm 1975


- Sau thất bại 30/04, QCC/VNCH bị CSVN trả thù một cách vô cùng dã man tàn bạo. Hãy nghe ông Nguyễn Hộ, một ủy viên trung ương của đảng CSVN, đã tuyên bố tại đại hội mừng chiến thắng ở Saigon vào ngày 17-05-1975:  “Bọn Ngụy, nhà cửa, tiền tài, ruộng vườn của chúng ta tịch thu, con của chúng ta sai, vợ chúng nó ta xài, chồng của chúng nó ta đày đi tù rục xương nơi rừng thiêng nước độc để chúng trả nợ máu cho nhân dân.” 

- Tuy bị trả thù một cách không thương tiếc, song không có nghĩa là Quân-Cán-Chính của VNCH cùng ý thức hệ chống cộng của họ để bảo vệ độc lập, tự do, dân chủ và nhân quyền cho nhân dân miền Nam nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đã hoàn toàn bị triệt tiêu. Bản thân họ, con cháu họ và ý thức hệ chống cộng sản của họ vẫn tồn tại và đâm chồi nẩy lộc khắp đó đây, ở hải ngoại, và ở ngay trong lòng của người Việt đang sống ở trong nước càng ngày càng phát triển rộng lớn hơn. Vì lẽ đó, QCC/VNCH vẫn có thể hiên ngang tuyên bố thẳng vào mặt đảng CSVN rằng: “Anh không chết đâu em, anh vẫn còn đây, anh vẫn hăng say tranh đấu cho một ngày toàn dân Việt  Nam thật sự có tự do, dân chủ và đầy đủ nhân quyền”.   

* Sau gần nửa thế kỷ nhìn lại, người ta thấy rõ một điều là, kể từ ngày 30-04-1975, ngày thay đổi hình thức đấu tranh từ vũ khí sang đấu tranh không vũ khí, QCC/VNCH đã đạt được nhiều thắng lợi. Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài viết, tôi chỉ có thể đề cập đến một số những chiến thắng điển hình mà thôi.  

- Sau ngày 30/04/1975 nhân dân Miền Nam đã thấy rõ bộ mặt thật của MBCS, vì ngay sau khi chiếm được Miền Nam, CSMB đã cho thực thi ngay những gì mà họ đã và đang thực thi ở Miền Bắc, với mục đích gọi là để nâng cao trình độ “thấp kém” về mặt dân trí và “lạc hậu” về mặt xã hội của nhân dân Miền Nam cho ngang bằng với trình độ “ưu việt” về mặt dân trí và “tiên tiến” về mặt xã hội của nhân dân Miền Bắc.

Do đó, chỉ ít tháng sau được “ưu ái học tập về đường lối và chính sách của đảng CSVN và cho tham gia và chứng kiến việc thực thi những biện pháp siêu việt để cải thiện xã hội tư bản thối nát Miền Nam như tù cải tạo, đổi tiền, đánh tư sản, kiểm kê tài sản, tờ khai hộ khẩu, vùng kinh tế mới, vân vân và vân vân, đã làm cho người dân Miền Nam chẳng những đã “sáng mắt, sáng lòng” để nhận ra được rằng MBCS thực chất chỉ là bọn ăn cướp và là tay sai của Quốc Tế Cộng Sản.  

35 người Việt liều chết vượt biên bằng một chiếc thuyền nhỏ bé


- Sau ngày 30/04/1975, vì được sống chung với CSMB nên đại đa số người dân Miền Nam đã nhận ra rằng, lời nói của TT Thiệu:  “đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm”, mà trước đây họ nghĩ đó chỉ là những lời lẽ tuyên truyền bôi bẩn đối phương. Song sau ngày 30/04 họ đã nhận ra đó là một sự thật phũ phàng không thể chối cãi. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý này sẽ không bao giờ thay đổi. 

- Sau ngày 30/04/1975, người dân Miền Nam cũng nhận ra được rằng,  trước ngày 30-04-1975, QCC/VNCH chiến đấu chống lại CSMB là muốn tránh cho dân chúng Miền Nam phải hứng chịu những điều xấu xa và tồi tệ mà CSMB sẽ áp đặt lên đầu lên cổ họ trong tương lai, và cũng nhằm để bảo vệ cho người dân Miền Nam được sống trong một xã hội có nhân phẩm, nhân quyền, và tự do dân chủ.   

- Sau ngày 30/04/1975, phải sống dưới ách thống trị hà khắc và man rợ của CSMB, hầu hết người dân Miền Nam đã nhận ra rằng: “Thà chết còn sướng hơn sống với cộng sản”.  Vì thế người dân Miền Nam đổ xô nhau đi tìm đường vượt biên, từ thành thị đến thôn quê, từ hang cùng đến ngõ hẻm, đâu đâu người ta cũng thấy dân chúng túm năm, tụm ba thì thầm bàn tán, tính toán chuyện vượt biên.

Người chọn đường biển, kẻ chọn đường bộ, dù biết rằng đường nào cũng nguy hiểm cả và tỷ lệ đến được bến bờ tự do chỉ độ 50%. Phần còn lại là bị đắm tàu, bị cướp biển Thái Lan hay bọn thảo khấu Cao Miên giết hại, hoặc nhà cầm quyền CS bắt giữ. Một thanh niên Miền Nam trước khi bước xuống thuyền vượt biên đã căn dặn người mẹ thân thương của mình rằng: 

“Nếu đến được bến bờ tự do, con nuôi má

Nếu chết ngoài biển cả, con nuôi cá

Nếu bị công an bắt, má nuôi con”

- Sau ngày 30/04/1975, Công an nhân dân của thành phố mang tên lão Hồ, cũng có một nhận xét về thái độ của dân chúng trong thành phố này đối với chính quyền cộng sản: 

Theo chẳng ra theo

Chống không ra chống 

Chỉ lóng ngóng chờ vượt biên” 

- Sau ngày 30/04/1975, một sự kiện đã cho thấy đại đa số người dân Miền Nam, chẳng những đã sáng mắt mà còn sáng cả lòng nữa, đó là một tin đồn lan ra một cách nhanh chóng và rộng rãi trên toàn cõi miền Nam là: “Nhờ bác và đảng vào giải phóng miền Nam mà nhạc sĩ Văn Vĩ đã sáng mắt”. Danh cầm cổ nhạc Văn Vĩ, tên thật là Đinh Văn Dậm sinh năm 1929, bị khiếm thị vì bệnh đậu mùa khi mới ba tuổi.

Cho tới nay tại các nước có một nền y học tiên tiến nhất thế giới vẫn chưa tìm được cách cứu chữa cho trường hợp khiếm thị này. Vì lẽ đó, tin đồn này theo nghĩa đen hoàn toàn vô lý, song theo nghĩa bóng quả là nó đã mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc về sự thức tỉnh của đại đa số dân chúng Miền Nam sau nhưng năm tháng dài mơ hồ về con người và chủ nghĩa cộng sản.  

Gia đình ông bà Nguyễn Trung Can và Mai Thị Kim Hương công khai tố cáo tội ác của nhà cầm quyền


- Sau ngày 30/04/1975, một sự kiện khác, cũng đã minh chứng được là, người dân Miền Nam sau gần nửa thế kỷ sống với CSVN đã tỉnh ngộ và hối hận vì trước đây đã không có nhận định chính đáng về QCC/VNCH, nên đã tiếp tay cho CSVN thành công trong việc đánh chiếm Miền Nam, để rồi ngày nay bọn cộng sản trở mặt cướp đất đai và nhà cửa của họ.  Trong vụ giải tỏa khu đất gần chợ Tuyên Nhơn huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, một toán cán bộ thị trấn Thạnh Hóa thay mặt cho chính quyền địa phương đã tới nơi cư trú của gia đình ông bà Nguyễn Trung Can và Mai Thị Kim Hương, vào ngày 13-04-2015, để  thông báo lệnh giải tỏa. Trước mặt đám cán bộ này, bà Mai Thị Kim Hương đã thẳng thừng nói như tát nước vào mặt đám cán bộ rằng: “Ngày xưa gia đình nhà tao lầm đường lạc lối, ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Bây giờ để cộng sản cướp đất cướp nhà tao…. Bây giờ bốn mươi năm rồi… tao quyết tâm tiêu diệt cộng sản…”  

- Sau ngày 30/04/1975, không phải chỉ có người dân Miền Nam mà cả người dân Miền Bắc cũng đã nhận ra được rằng họ bị đảng CSVN lừa gạt và bịp bợm. Theo nhà thơ Phan Huy, thì dân chúng Miền Bắc trước ngày 30/04/1975:  

“…chẳng biết gì ngoài bác, đảng kính yêu

 Xã hội sơ khai tẩy não một chiều 

Con người nói năng như chim vẹt 

Mở miệng ra là: ‘Nhờ ơn Bác và Đảng

Chế độ ta ưu việt nhất hành tinh” 

Nói khác đi là thi sĩ Phan Huy đã cho ta thấy rõ dân chúng Miền Bắc sống trong một xã hội bưng bít, bịt bùng và bịp bợm bởi đảng CSVN, nên chỉ thấy những gì mà đảng CSVN muốn cho họ thấy, chỉ được nghe những gì mà đảng CSVN muốn cho họ nghe, và chỉ được làm những gì mà đảng CSVN bảo họ làm. Có thể nói là, người dân Miền Bắc đã bị đảng CSVN đầu độc để trở thành những zombies hay là những xác chết chỉ biết lao đầu vào một  cuộc chiến tranh, không vì quyền lợi của quốc gia dân tộc, mà vì nghĩa làm tay sai của đảng CSVN cho Liên Xô và Trung Cộng.  

- Sau ngày 30/04/1975, nhờ chiếm được miền Nam mà cán binh, cán bộ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo và thường Miền Bắc đã có cơ hội vào  công tác, tiếp quản, tham quan, hay thăm viếng thân nhân ở miền Nam, và được va chạm với thực tế, mới nhận ra được rằng, những lời dậy bảo nhân dân Miền Bắc của ông Hồ và đảng CSVN về Miền Nam chỉ là những lời lẽ tuyên truyền giả dối và láo khoét để khai thác lòng yêu nước của người dân Miền Bắc và đẩy họ vào Miền Nam để chém giết anh em và đồng bào của họ, và để phục vụ cho mục tiêu bỉ ổi của đảng CSVN là đánh thuê cho Liên Xô và Trung Cộng. Chính Lê Duẩn, Tổng Bí thư đảng CSVN cũng đã xác nhận điều này khi tuyên bố: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”.  Dưới đây là một số nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà trí thức ở Miền Bắc đã nói lên sự man trá của đảng CSVN.

Nhà văn Dương Thu Hương


Nhà văn Dương Thu Hương: 

 “Ở Miền Bắc tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể; có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai con người.”  

Nhà thơ Phan Huy

Nhà thơ Phan Huy: 

Trong bài thơ có tiêu đề là “Tâm sự một đảng viên”, ông Phan Huy, một nhà thơ sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc XHCN, một xã hội nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy bác và đảng vĩ đại, vì thế đã không thấy điều gì khác hơn là “bác và đảng”. Trong cái khung trời bít bùng ấy ông đã được bác và đảng nhồi nhét và dạy bảo:     

Rằng tại Miền Nam, ngụy quyền bách hại 

Dìm nhân dân dưới áp bức bạo tàn

Khắp nơi nơi cảnh đói rách cơ hàn

Đang rên siết kêu than cần giải phóng.” 

Phan Huy có cơ hội bước chân vào Miền Nam, sau ngày 30/04/1975 nên ông đã sớm nhận ra rằng, cuộc sống của người dân Miền Nam hoàn toàn khác với những lời dậy bảo dối trá của bác và đảng, khiến niềm tin của ông vào đảng và bác sụp đổ hoàn toàn: 

“Đến Sài Gòn, tưởng say men chiến thắng

Nào ngờ đâu sụp đổ cả niềm tin

Khi điêu ngoa dối trá hiện nguyên hình

Trước thành phố tự do và nhân bản.”

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang


Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: 

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, đã viết một lá Thư Ngỏ gửi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vào ngày 03-02-2010 từ nhà riêng của ông ở Hà Nội, trong thư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang tuyên bố ông sẽ tự thiêu nếu nhà cầm quyền Hà Nội tiếp tục có những hành vi xúc phạm tới ông và gây áp lực lên những người thân quen của ông. 

Dưới đây là một trích đoạn vạch mặt những người CSVN trong lá thư này:  

Cảm ơn các đấng anh linh đã cho tôi hưởng đến nay đã 74 tuổi trời. Tôi không còn ân hận, cũng không nuối tiếc gì nhiều nữa mà sẵn sàng bật cháy lên ngọn lửa căm phẫn ngất trời để mọi người nhanh chóng nhìn rõ những bộ mặt, những tâm địa xảo trá bất lương cuả những kẻ bất chấp công lý, đạo lý, đầy đọa mãi nhân dân tôi trong những nối đắng cay, oan khuất trường cửu.” 

Nghệ sĩ Kim Chi

Nghệ sĩ Kim Chi: 

Nguyễn Thị Kim Chi tập kết ra Bắc vào năm 1954, khi mới 11 tuổi, và mười năm sau khi 21 tuổi, nghe theo lời tuyên truyền của ông Hồ vả đảng CSVN, Kim Chi vượt Trường Sơn để vào “giải phóng đồng bào Nam Bộ của cô đang bị Mỹ-Ngụy kìm kẹp”. Vào ngày 30-04-1975, cô Kim Chi sung sướng vui mừng đến phát khóc vì “lời bác dạy nay đã thành chiến thắng huy hoàng”. Nhưng sau nhiều năm hồi tưởng lại ngày 30-4, Kim Chi thấm thía viết: “Bây giờ tôi mới thấy đó là niềm vui ngộ nhận. Hóa ra, niềm vui, niềm tin và những hy vọng cứ sáng lên trong tôi suốt thời chiến trường khói lửa ấy là do ‘nghệ thuật tuyên truyền…”   

Và Kim Chi viết tiếp:  “Bây giờ mỗi lần 30 Tháng Tư, tâm trạng tôi rất đau đớn, vì niềm tin vào đảng  Cộng Sản Việt  Nam và chế độ Xã Hội  Chủ Nghĩa hoàn toàn đổ vỡ. Nỗi đau buồn không diễn tả được bằng lời”.  

Ca sĩ Ái Vân

Ca sĩ Ái Vân: 

Vào ngày 29-04-2015, nhà báo Bùi Văn Phú đã có dịp hàn huyên với ca sĩ Ái Vân, một người đến được Thế Giới Tự Do không qua Biển Đông, cũng không qua Cambodia mà qua bức tường Bá Linh ở Đông Đức, và hiện đang sống hạnh phúc cùng chồng con trên đất Mỹ. Một trong những câu hỏi mà ông BVP đã hỏi AV là: “AV nghĩ sao về vấn đề hòa giải dân tộc? Câu trả lời của AV như sau:   

“Bên này có nhiều người ra đi, không phải là “tường nhân” mà là “thuyền nhân”. Họ mất mát quá nhiều. Có những người mất hết. Nghe những mảnh đời của họ thì hiểu sự căm hận hoàn toàn có lý. Họ bị tù đày, những con người rất dễ thương lại bị gọi là “ác ôn”, “nợ máu”. Khi mình ở Miền Bắc, thông tin lệch lạc, đến khi vào Nam mới thấy không phải như vậy. Khi sang đây cũng thế, gặp những người sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hoà thì họ cũng dễ thương, có nhiều cái hay mình phải học. Như thế Vân cho là sự mất mát hay hận thù của họ là hoàn toàn hiểu được.”  

Ngoài ra, Ái Vân còn cho biết thêm cảm nghĩ của cô về việc thống nhất nước Đức: “Vân đã ở Đức sau khi Tường Berlin đổ. Về lại Đức, Vân thấy tủi thân vì nước Đức không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu mà người ta thống nhất Đông Tây để trở thành nước đứng đầu châu Âu. Còn Việt  Nam 40 năm qua, phải nói là phú quí giật lùi, nhiều người vẫn lầm lũi mưu sinh.”  

- Sau ngày 30/04/1975, người dân Miền Bắc cũng đã nhận ra được bộ mặt trơ trẽn và dối trá của ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam. Vì thế mà người dân Miền Bắc cũng đổ xô tìm đường vượt biên không thua kém gì người dân ở Miền Nam. Khách quan mà nói, trong việc tìm đường trốn chạy khỏi nanh vuốt lũ thú rừng cộng sản Việt Nam, người dân Miền Bắc thật sự đáng thương hơn người dân Miền Nam, vì ít ra người dân Miền Nam cũng đã được hưởng tự do, dân chủ và no ấm dưới thể chế pháp trị VNCH đã hơn hai mươi năm (1954-1975).

Còn người dân Miền Bắc đã phải sống dưới chế độ độc tài đảng trị đã gần ba mươi năm (1945-1975). Trong thời gian sống với bác và đảng, hầu như người dân Miền Bắc không có được một ngày nào sống trong tự do, no ấm như người dân Miền Nam. Trong số hàng trăm ngàn người Việt trốn chạy CSVN tới các trại tỵ nạn ở Hồng Kông thì hơn 90% là người đến từ Miền Bắc.    

Sau ngày 30/04/1975, giới trẻ trong nước cũng đã sớm nhận ra bộ mặt thật của đảng CSVN: 

Nhạc sĩ Việt Khang


Nhạc sĩ Việt Khang: 

Việt Khang tên thật là Võ Minh Trí, sinh năm 1978 tại Định Tường. Việt Khang sáng tác nhiều bản nhạc có giá trị. Trong số những bản nhạc này, có hai bản rất nổi tiếng và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau là “Anh Là Ai” và “Việt Nam Tôi Đâu”. Trong hai bản nhạc này, Việt Khang đã thẳng thắn vạch trần bộ mặt thật của CSVN, thực chất chỉ  là những kẻ tay sai bán nước, khiến nhà cầm quyền CSVN vô cùng tức giận, nên đã kết án Việt Khang ba năm tù ở và hai năm quản chế. Trong bản “Anh Là Ai”, Việt Khang đã nói thẳng là  CSVN là tay sai của Trung Cộng và đã hỏi ngay vào mặt chúng rằng:  

“Dân tộc anh ở đâu?

Sao đang tâm làm tay sai cho Tàu?

Để ngàn sau ghi dấu

Bàn tay nào nhuộm máu đồng bào” 

Trong bài “Việt Nam Tôi Đâu”, Việt Khang đã gọi đích danh CSVN là quân bán nước và kêu gọi dân chúng vùng lên chống lại chúng: 

“Từng đoàn người đi chẳng nề chi

Già trẻ gái trai giơ cao tay

Chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược

Bán nước Việt Nam”

Gia đình luật sư Lê Thị Công Nhân


Lê Thị Công Nhân: 

Lê Thị Công Nhân sinh năm 1979 tại Gò Công Tây, Tiền Giang, tốt nghiệp Đại học Luật khoa Hà Nội vào năm 2002, sau đó học thêm hai năm nữa để trở thành luật sư. Tuy sinh ra và được hun đúc từ trong trứng nước dưới mái trường XHCN từ tiểu học, trung học và đại học, Lê Thị Công Nhân cũng đã sớm nhận ra bộ mặt man rợ, dối trá và độc ác của nhà cầm quyền CSVN, và xã hội VN đầy dẫy những bất công do chính nhóm cầm quyền gây ra, nên Lê Thị Công Nhân chẳng nề hà phận gái “liễu yếu đào tơ” đã dấn thân tranh đấu chống lại nhà cầm quyền cộng sản. Vào hồi 3 giờ 40 phút sáng (giờ Việt Nam) ngày 26-2-2007, Lê Thị Công Nhân đã có dịp ngỏ lời tâm huyết với người Việt Hải Ngoại trong một cuộc biểu tình tại nam California, Hoa Kỳ:   

“Thực sự tôi không thể đoán được việc gì có thể xảy ra đối với tôi. Nhưng tôi khẳng định với tất cả lương tâm, trách nhiệm của mình đối với đất nuớc Việt Nam và dân tộc VN, tôi sẽ chiến đấu tới cùng cho dù chỉ còn có một mình tôi đấu tranh. Và CSVN đừng có mong chờ bất cứ một điều gì là thỏa hiệp chứ đừng nói là đầu hàng từ phía tôi. Tôi không thách thức, nhưng nếu CSVN đã quyết tâm thực hiện những hành vi tội ác bằng cách chà đạp lên nhân quyền của người dân VN và muốn dìm VN trong tăm tối về mặt chính trị, nghèo nàn về mặt kinh tế, lạc hậu về văn hóa, kéo dài cho đến trọn đời con cháu của chúng ta cũng như của chính những người CS, thì họ cứ việc hành xử với những gì mà họ có. 

“Gia đình tôi đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, đó là tôi sẽ bị khởi tố và có thể bị đi tù. Tôi xin khẳng định một lần nữa, đó chưa phảỉ là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra… 

“…Tôi đấu tranh dân chủ và nhân quyền cho VN hoàn toàn xuất phát từ niềm tin, từ lương tâm và trách nhiệm của tôi đối với chính tôi, với dân tộc VN và đối với đấng tạo hóa đã sinh ra tôi…” 

Trong một lá thư gửi cho công an vào ngày 12-02-2015 tố cáo và phản đối công an đã đốt những đồ vật mà gia đình cô để trước nhà để khủng bố tinh thần, có một đoạn Lê Thị Công Nhân viết: “Mười năm nay từ khi tôi dám thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình, nói lên chính kiến của mình chống lại nền chính trị độc tài cộng sản của Việt Nam và đòi tự do, dân chủ – đa nguyên đa đảng thì tôi và gia đình đã bị cắt 5 số điện thoại cố định, gần 100 số di động, bị bắt bớ, câu lưu, hành hung và đe dọa rất nhiều lần cho đến bây giờ. Tôi không cho rằng sự việc đồ vật bị đốt cháy trước cửa nhà tôi ngày hôm nay là điều ngẫu nhiên. Tôi không dám tưởng tượng điều gì có thể tiếp tục xảy đến, bởi vì ở Việt Nam giờ đây nhà cầm quyền coi người dân như nô lệ – là đối tượng để hành hạ và bóc lột, cho nên sinh mạng con người cũng chỉ là rơm rác”.

Nguyễn Viết Dũng (hàng đứng bên trái) và bạn bè công khai biểu dương Quốc kỳ VNCH tại Nghệ An


Nguyễn  Viết Dũng: 

Nguyễn Viết Dũng sinh ngày 19 tháng 6 năm 1986, là con trai của ông Nguyễn Viết Hùng và bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, ở xóm Trần Phú, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Sau thời gian học trung học tại quê nhà, Dũng thi đậu vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. Nhờ vào thời gian học đại học ở thủ đô Hà Nội, Dũng đã có nhiều cơ hội thấy được đầy dẫy những sự bẩn thỉu, phi nhân của nhà cầm quyền cộng sản cũng như những sự thối nát, bất công, vô lý của xã hội cộng sản và cũng nhận ra được sự thống khổ cùng cực của người dân Việt Nam.

Tuy sinh ra tại Miền Bắc XHCN, sau khi VNCH bị bức tử tới mười một năm trời, song Nguyễn Viết Dũng cũng phong phanh nghe nói về dân chúng Miền Nam trước ngày 30-04-1975 đã có một cuộc sống tốt đẹp như thế nào, nên Nguyễn Viết Dũng đã tìm hiểu về nhà nước Việt Nam Cộng Hòa.  

Là một học sinh xuất sắc lại có trình độ đại học, nên Nguyễn Viết Dũng đã nhanh chóng nhận ra rằng VNCH là một thể chế nhân bản, tôn trọng hầu hết các quyền tự do căn bản của người dân, và người dân sống dưới thể chế này thật sự có tự do, dân chủ và hạnh phúc. Và cũng từ đó Nguyễn Viết Dũng đã nhận ra chế độ CS là một chế độ man rợ và mong muốn xây dựng xã hội Việt Nam có tự do, dân chủ và nhân quyền như thể chế VNCH đã có ở Miền Nam trước ngày 30-04-1975.

Để đạt được mục tiêu này, Dũng và bạn bè của anh bắt đầu dấn thân tranh đấu. Ngày Chủ nhật, 12-04-2015, Dũng cùng một nhóm thanh niên mặc đồ đen mang phù hiệu Quân Lực VNCH, riêng Dũng còn khoác thêm bộ đồ đồng phục của binh chủng nhẩy dù VNCH bên ngoài nữa, xuất hiện tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm trong một cuộc biểu tình chống nhà cầm quyền Hà Nội chặt cây xanh trong thành phố.  

Ngày 2/4/2015: Nguyễn Viết Dũng thông báo trên Facebook về việc thành lập Đảng Cộng Hòa và nhóm Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đồng thời, Dũng tạm thời đảm đương chức vụ Chủ tịch lâm thời của “Đảng Cộng Hòa” và là chủ nhân của hai trang Facebook “Đảng Cộng Hòa” và “Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa”. 

Ngày 30/4/2014, Nguyễn Viết Dũng đã may và treo lá cờ Việt Nam Cộng Hòa (nền vàng ba sọc đỏ) ngay trên nóc nhà của gia đình tại xóm Trần Phú, xã  Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An. Hành động này của Nguyễn Viết Dũng thật sự là một hành động can đảm đáng khâm phục. 

Nguyễn Vũ Sơn

Nguyễn Vũ Sơn:  

Nguyễn Vũ Sơn sinh năm 1991 tại Saigon, có bằng cử nhân về marketing tại Singapore, hiện nay đang là sinh viên du học tại Mỹ để lấy thêm một  bằng cử nhân khác và có ý định học lên nữa để lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ. Nguyễn Vũ Sơn là tác giả nhiều bản nhạc rap nổi tiếng, trong đó có một bài mang tựa đề là Địt Mẹ Cộng Sản (ĐMCS) tuy tục tĩu, song chính những từ ngữ không  mấy thanh lịch này đã lột tả được đầy đủ mức căm giận tột đỉnh của lớp người Việt cùng khổ nhất đang sống dưới ách cai trị của đảng cộng sản Việt Nam hiện nay.

Dưới đây là một trích đoạn trong ĐMCS:

Tao không vào địa ngục thì ai? ĐMCS 

Muốn thay đổi đất nước là sai? ĐMCS

Mày dám bán đất đai tổ tiên? ĐMCS

Giết người, bịt mắt, bịt miệng? ĐMCS

Thảm sát đồng bào tại Huế? ĐMCS

Tao đéo chịu làm nô lệ. ĐMCS     

Tụi mày sẽ sớm bị lật. ĐMCS

Tất cả sẽ biết sự thật. ĐMCS.

Một số người dân đang “tế sống” công an trên đường phố

- Sau ngày 30/04/1975, dường như hầu hết người Việt đã nhận ra được rằng cuộc chiến tranh xâm lăng miền Nam của Cộng Sản Miền Bắc (CSMB) là hoàn toàn phi nghĩa. Và cuộc kháng chiến chống lại VNDCCH  xâm lăng miền Nam của VNCH là hoàn chính nghĩa. 

* Qua những bằng chứng và những sự kiện kể trên, người ta không thể có một kết luận nào khác hơn là sau ngày 30/04/1975, Ý Thức Hệ Cộng Sản đã hoàn toàn phá sản và sụp đổ trong lòng người dân Việt và Ý Thức Hệ Quốc Gia hay Ý Thức Hệ Chống Cộng Sản của QCC/VNCH đã ngời và đã ngự trị trong lòng người Việt. Nói khác đi là, trong cuộc chiến tranh Ý Thức Hệ giữa MBCS và MNQG, QCC/VNCH đã dành được tháng lợi hoàn toàn, sau khi đã thất bại trong một cuộc chiến tranh bằng vũ khí. Để minh chứng sự kiện có vẻ trái khoáy này tôi xin được dẫn chứng ở đây bằng nhận định xét của hai danh tướng, một vào thởi hiện đại và một vào thời cổ đại:

- Vào năm 1966, sau một chuyến viếng thăm VNCH từ ngày 25/5 đến ngày 27/5, tướng độc nhãn Do Thái, Moshe Dayan (1915-1981), được một người Mỹ hỏi là, làm thế nào để giúp đồng minh VNCH đánh thắng được cộng sản ở Miền Nam?  Ông đã trả lời như sau:

Chiến trường Trung Đông có qui ước rõ địch và ta đối diện nhau và trận địa thẳng tắp, còn chiến trường Việt Nam địa thế sông ngòi chằng chịt, núi non hiểm trở, lại còn người dân vùng nông thôn Miền Nam Việt Nam chứa chấp bọn cộng sản nằm vùng. Các anh không bao giờ thắng nổi Việt Cộng, mà chỉ có một cách duy nhứt là các anh rút ra khỏi Việt Nam để cho người dân họ nếm mùi cộng sản một thời gian, sau đó các anh trở lại khỏi cần đánh cũng thắng!”

Câu trả lời của tướng Moshe Dayan quả là thâm sâu và nó đã minh chứng một cách rõ rệt rằng sự thất bại của QCC/VNCH vào ngày 30/4/1975 là do dân chúng Miền Nam trước tháng 04/1975 không hiều rõ về bộ mặt thật của đảng CSVN. Cứ để cho MBCS chiếm được Miền Nam và nhân dân Miền Nam sống với CS một thời gian thì họ sẽ chán ghét chế độ này.

- Hơn 500 năm trước Tây Lịch, Tôn Tử, một thiên tài quân sự Trung Hoa, đã nói: “Chiếm được thành quách mà không chiếm lòng người thì cũng kể là thất bại”.  

* Nói tóm lại, nhìn lại cuộc chiến sau bốn mươi năm và qua các dẫn chứng kể trên, người ta không thể chối cãi được một điều là, CSVN tuy chiếm được Miền Nam, song hoàn toàn không chiếm “lòng người” Miền Nam; chẳng những thế, sau ngảy chiếm được Miền Nam, CSVN còn mất luôn “lòng người” Miền Bắc.

Nói khác đi là lòng tin của người dân Việt Nam trong cả nước đối với ý thức hệ cộng sản hay đảng CSVN hiện này là con số không to tướng. Sở dĩ đảng CSVN còn đứng vững được đến ngày nay là dựa vào lực lượng công an và quân đội. Cơ đồ của đảng CSVN hiện nay nhìn bề ngoài có vẻ bề thế và hoành tráng, song thực ra nó là một ngôi nhà được xây cất trên một một bãi cát giữa một dòng sông, chỉ cần một cơn nước lũ cũng đủ làm cho cơ đồ đó này sụp đổ tan tành và trôi ra biển Đông. 


Tháng Tư Đen 2023

Huy Vũ