Chúng tôi cùng cười vui vẻ tìm đường ra khỏi cổng chùa Thiên Trù tức “chùa Ngoài” để rồi tiếp tục cuộc hành trình vào chùa Hương Tích tức “chùa Trong”.
Vừa ra
khỏi cổng chùa Thiên Trù, tôi mời mọi người vào một quán cơm bên lề đường ăn
bữa trưa cho no bụng rồi mới tiếp tục lên đường. Cơm nước xong,
chúng tôi đi
thêm được một quãng ngắn dốc núi đá gồ ghề. Tôi ghé vào gian hàng mua cho
mỗi người một cây gậy tre để chống và riêng cho Mơ một đôi dép cao su màu trắng
hiệu “con hổ” ta thường thấy bán trong các chợ ở Hà Nội. Mơ nhất định từ chối
không nhận đôi dép. Tôi phải lên mặt giận Mơ mới chịu xỏ chân đi đôi dép ấy.
Đường đá
gồ ghề, chỉ cần lơ là, không
cẩn thận là bị hụt chân hay vấp ngã. Đường đi càng ngày càng nhỏ lại, càng ngày
càng dốc cao. Chúng tôi băng được hai đoạn dốc nên cũng đã thấm mệt. Mơ đi với
Uyên phía trước bỏ tôi và Thi lại phía sau. Tôi đi bên Thi để giúp đỡ nàng khi
cần.
Tôi và Thi
đi thêm đoạn ngắn nữa thì thấy Uyên và Mơ đã đứng đợi chúng tôi bên gốc
cây hoa đại già bên đường. Mơ đề nghị:
- Các
anh chị nghỉ mệt một tý rồi chúng ta vào chùa Tiên.
Nhìn theo đường chim bay, chùa Tiên coi
như kế cận chùa Thiên Trù mà khi đi thì lại phải leo tới
hai cái dốc. Đứng tại sân chùa Thiên Trù ta có thể thấy người leo dốc để vào
chùa Tiên. Và
khi đứng tại cửa động chùa Tiên, ta có thể thấy toàn cảnh quần thể chùa
Thiên Trù nằm ở phía dưới, cùng một vùng khá rộng gồm
núi và thung
lũng xung quanh.
Chùa Tiên
nằm bên trong động Tiên Sơn. Động Tiên Sơn không sâu lắm cũng không
rộng lắm, nhưng có vẻ bề thế. Thạch nhũ bên trong động đẹp và có nhiều hình thù
phong phú. Chùa Tiên có lẽ cùng xây dựng đồng thời với chùa Thiên Trù và chùa
động Hương Tích. Một bài thơ Nôm khắc trên đá gồm tám câu theo thể thơ
Đường của Tĩnh Vương Trịnh Sâm đề năm Canh Dần (1770) để ca tụng vẻ đẹp của chùa. Như vậy là khi đó, động Tiên Sơn đã có và đã
là nơi thờ phượng đẹp đẽ rồi.
Chùa
Tiên mơ nở trắng
Khe
động lách mình vào
Ngẩng
đọc thơ chúa Trịnh
Chữ
cũ dường lao xao.
(Trích
“Đi Chùa Hương” của Phạm Hổ)
Sau
khi rời khỏi động Tiên, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Gió mát và cảnh vật
đẹp chung quanh không đủ làm chúng tôi quên cái mệt của leo dốc núi.
Lên
cao, lên cao mãi
Chân
mỏi tưởng đường xa
Đỉnh
cao ngoái nhìn lại
Chùa
Tiên vẫn cạnh ta.
(Trích
“Đi Chùa Hương” của Phạm Hổ)
Đường
núi đá càng ngày càng dốc, có khi phải leo đến cả trăm bậc đá. Bây giờ chúng
tôi mới thấy cái tiện dụng của chiếc gậy chống. Nó giúp chúng tôi leo núi vừa
đỡ mệt và bước đi vững chãi hơn nhiều.
Đường đã
có những chỗ cheo leo, chênh vênh nguy hiểm, một bên là vực, một bên là triền
núi. Tôi đi sát bên Thi để có phản ứng kịp thời, phòng khi Thi bị trượt chân
hay vấp ngã.
Tới một
con dốc ngoặt, tôi
bảo Thi dừng lại để nàng nghỉ mệt. Đứng bên Thi, cùng dựa lưng vào vách đá
để thở, nhìn “thung
mơ” phía
dưới chân núi, dù mệt
nhưng vẫn thấy nó đẹp làm sao. Cảnh trí vừa hùng vĩ vừa rất nên thơ. Cây cỏ một
mầu xanh tươi. Núi đứng sừng sững mà vẫn không vướng mắt. Đứng nghỉ một lúc,
tôi hỏi Thi:
- Em còn
mệt lắm không?
- Thế anh
có mệt lắm không? Thi hỏi ngược lại tôi.
- Anh
không mệt.
- Vậy
chúng ta đi tiếp nhé! Thi đề nghị.
- Ừ!
Tôi nắm
tay Thi dẫn đi. Hai bàn tay chúng tôi đan vào nhau cùng song bước. Chúng tôi
nhìn nhau mỉm cười sung sướng, tràn đầy yêu thương và hạnh phúc. Thỉnh thoảng
Thi đi sát vào người tôi, vừa ôm lỏng cánh tay tôi, vừa ngước nhìn tôi với ánh
mắt đầy trìu mến và chiêm ngưỡng. Tôi nói chiêm ngưỡng vì Thi đã tin tưởng vào
người mình yêu có khả năng che chở được cho mình trong những lúc khó khăn. Tôi
cứ cho là như thế và mỉm cười một mình với ý nghĩ đó. Lúc này đường đã xoai
xoải dễ đi, thêm vào đó sức thanh niên lại hồi phục nhanh.
- Này Thi!
em có biết mấy câu thơ này không? Đây là tâm sự của cô gái 15 tuổi gặp và thầm
yêu một chàng trai trên đường cùng đi trẩy hội chùa Hương.
Làn
gió thổi hây hây,
Em
nghe tà áo bay,
Em
tìm hơi chàng thở,
Chàng
ơi, chàng có hay?
Đường
dây kia lên giời
Ta
bước tựa vai cười,
Yêu
nhau, yêu nhau mãi
Đi,
ta đi, chàng ôi!
Ngun
ngút khói hương vàng
Say
trong giấc mơ màng
Em
cầu xin Giời Phật
Sao
cho em lấy chàng!
(Trích
“Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp)
Tôi
vừa đọc xong đến đấy, Thi “véo” nhẹ tôi cười khúc khích:
- Em không
giống cô ấy!
- Ừ, em
không giống, nhưng anh giống!
Thi lại
“véo” tôi thêm một cái nữa, nhõng nhẽo:
- Anh ghê
lắm đó!
Tôi hôn
nhẹ lên mái tóc Thi. Thi vội ngước lên nhìn tôi hốt hoảng:
- Đừng
anh! Chị Uyên trông thấy thì ngượng lắm!
Tôi và Thi
buông tay nhau tiếp tục bước đi, nhưng bây giờ cả hai chúng tôi đều cảm thấy
như quên hết cả mệt nhọc mà chỉ sợ con đường còn lại sẽ trở nên quá ngắn để được
đi bên nhau như thế này lâu hơn.
Chúng tôi
tiếp tục đổ dốc xuống con đường bằng phẳng hơn. Uyên và Mơ đang đợi chúng tôi
không xa ở phía trước. Thi bỏ tôi, đi vội về phía hai người.
Thi hỏi:
- Hai chị
có mệt không?
- Không!
Uyên trả lời. Có chị Mơ cùng đi nói chuyện vui nên chị đi nhanh lắm.
Tôi cũng
vừa trờ tới. Mơ lên tiếng:
- Chúng ta
chuẩn bị để vào thăm chùa Giải Oan ở phía trước kia nhé. Tới
đó có quán hàng nước, chúng ta nghỉ chân luôn thể.
Uyên
và Mơ tự động tách ra đi lên trên, tôi và Thi thành một cặp đi phía sau. Nhìn
khuôn mặt rạng rỡ của Thi, đôi má ửng hồng với đôi mắt sáng thông minh, cặp môi
lúc nào cũng đỏ hồng một cách tự nhiên, những hạt mồ hôi còn lấm tấm trên trán
với vài sợi tóc dài dính trên đó, tôi buột miệng khen:
- Đẹp!
- Ai đẹp?
- Anh! Tôi
trả lời đùa rồi chỉ ngón tay vào mình.
- Ha! Ha!
Anh hỏi chị Mơ đi, chị ấy là người thật thà đấy!
Nói xong
câu ấy, Thi cười vang. Tiếng cười vang xa làm Uyên và Mơ đi phía trước quay lại
nhìn. Thi im ngay. Tiện tay, nàng “véo” nhẹ vào cánh tay tôi:
- Em ghét
anh lắm!
Con gái thật buồn cười, ai mà hiểu nổi. Thi đang nghĩ gì mà nàng lại nói ra một câu có vẻ “lạc đề” đến thế.
Chẳng còn mấy bước, chúng tôi đã đứng trước cửa chùa Giải Oan. Mơ cho biết chùa Giải Oan nằm ở quãng giữa đường kể từ chùa Thiên Trù và động Hương Tích.
Chúng tôi
ngồi nghỉ chân ngay quán nước bên cạnh chùa, uống bát nước chè xanh. Tôi mời Mơ
thêm một cốc “nước mơ” màu vàng chanh đựng trong một hũ thủy tinh lớn. Những
quả mơ nổi lềnh bềnh trong hũ thủy tinh trông thật hấp dẫn làm sao. Nước mơ là
một loại nước giải khát tốt, có dược tính cao. Chúng tôi không quen uống nước
này nên sợ bị đau bụng.
Chùa Giải
Oan ở lưng chừng núi, thấp và dài, có ba cửa uốn cong. Trên cửa chùa có bốn đại
tự “Giải Oan khê tự” tức chùa suối Giải Oan. Trước chùa trồng nhiều cây
hoa đại cổ thụ. Trong lòng chùa có một khe đá khá rộng như một “bể nước”
để chứa nước từ dòng suối qua khe núi chảy vào. Vào mùa nước, bể đầy nước.
Khách hành hương ghé vào chùa cầu xin, rồi lấy nước trong bể để uống, rửa mặt
hay đem về lấy phước. Người ta còn vứt tiền xuống bể nước để cầu xin tài lộc.
Vào mùa khô cạn, nhà chùa phải gánh nước đổ vào đấy.
Mùa mưa,
nước đổ như thác từ trên núi đổ ào ào vào chín ngọn suối trước chùa gọi là suối
Cửu Long Tuyền hay là suối Giải Oan. Ngay cửa suối có một phiến đá tạc bốn chữ
“Kỳ Sơn Thủy Tú”, đó là bút tích của Trịnh Sâm đề năm Canh Dần (1770).
Truyền
thuyết suối Giải Oan được kể rằng (1):
Bà Chúa
Ba tức công chúa Diệu Thiện,
công chúa thứ ba của vua Diệu Trang, ở nước Tây
Trúc (Ấn Độ), quyết định
theo việc tu hành cầu mong đắc đạo. Nhiều phen vua cha ngăn cấm không được bèn
ra lệnh phóng hỏa đốt chùa. Bỗng hùm thiêng phóng đến cứu Bà Chúa Ba chạy về
núi này.
Quan
quân áp đến xôn xao
Bỗng
đâu mãnh hổ rẽ vào tha đi.
Từ
trên mình hổ bước xuống, Bà để lại dấu chân trên đá, người ta lập một cái am
thờ nơi đó gọi là am Phật Tích, còn gọi là động
Thanh U. Chỗ bà tắm gội để rửa oan thì thành chùa Giải Oan. Gần chùa Giải
Oan có động Tuyết Quỳnh hay Tuyết Kình.
Từ chùa Giải Oan, chúng tôi đi thêm một quãng nữa thì tới đền Chấn Song hay đền Cửa Võng. Gọi là đền Chấn Song vì ngay cửa động trông giống như cái cửa sổ có chấn song để bảo vệ động. Còn gọi là đền Cửa Võng vì trước đây, trước cửa động có những loại cây leo kết lại như cái võng.
Bên trong
đền vẫn còn tượng Bà Chúa “Thượng Ngàn” tức bà chúa canh giữ rừng. Tượng
bà ngoảnh mặt ra ngoài. Ở đền này thường diễn ra cảnh lên đồng, có hát chầu
văn.
Qua
đền Chấn Song, đường đi lại bắt đầu phải leo lên dốc cao bằng những bậc đá xếp.
Đường đi càng gần động Hương Tích dốc càng cao. Thi và Uyên cứ đi được một khúc
đường thì phải đứng lại nghỉ để thở. Mơ đã mang hộ cho Uyên chiếc ba-lô vậy mà
Mơ vẫn cứ đi thoăn thoắt. Tới chỗ khó leo Mơ dìu Uyên vượt qua chỗ ấy.
Tôi thấy
mọi người đã cởi hết áo len tự bao giờ. Trời có những cơn gió mát lạnh của mùa Xuân
tôi vẫn thấy trên mặt Thi lấm tấm đổ mồ hôi mặc dù tôi
đã mang ba-lô hộ cho Thi từ con đốc chùa Tiên. Thi phải lấy vạt áo dài để lau. Tôi cố
vượt lên nhanh cho kịp Uyên. Mơ dùng nón để quạt, đứng nhìn chúng tôi tủm tỉm
cười.
Chiếc gậy
chống lúc này thật đắc dụng, đắc dụng hơn lúc ở khúc đường núi gần chùa Thiên
Trù. Tôi nghĩ bụng nếu chúng tôi không có những chiếc gậy này chắc còn phải vất
vả hơn nhiều.
Đường
mây đá cheo leo
Hoa
đỏ, tím, vàng leo
Vì
thương me quá mệt
Săn
sóc chàng đi theo
Me
bảo: “Đường còn lâu
Cứ
vừa đi ta cầu
Quan-thế-âm-bồ-tát
Là
tha hồ đi mau”
(Trích
“Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp)
Đến
đây, con đường dài đến động Hương Tích cũng đã được thu ngắn lại. Chúng tôi
phải leo lên thêm một cái dốc thật cao nữa như một thử thách cuối cùng.
Khi vừa tới đỉnh dốc, chúng tôi cùng đứng lại nghỉ chân. Tôi lấy trong ba-lô ra
ba chai “nước suối” mang theo từ nhà. Tôi chia cho Uyên và Mơ mỗi người một
chai, tôi và Thi uống chung. Vừa leo dốc mệt, lại vừa khát nên không ai từ
chối. Uống xong thấy tỉnh cả người. Bây giờ mọi người mới nhìn nhau cười nói.
Tôi lấy trái cây đưa cho mọi người nhưng đều bị từ chối trừ Thi lấy một quả
quýt, bóc chia tôi một nửa.
Chúng tôi
đi thêm quãng ngắn nữa thì tới cổng vào chùa Hương. Vì chùa Hương
nằm trong động Hương Tích, do đó chùa Hương còn được gọi
là chùa Hương Tích. Mà chùa Hương là “trọng điểm” của
quần thể vùng Hương Sơn gồm cả hệ thống dẫy núi Hương Sơn, sông Đáy, suối Yến
và hàng chục hang động, hàng chục chùa chiền hay “chùa động” (chùa trong động) thuộc
khu vực rộng chừng 6 cây số vuông này. Vì là “trọng điểm” nên khi ta nói đi xem
thắng cảnh hay đi hành hương chùa Hương là ta muốn nói chung đến cả cái
quần thể Hương Sơn. Nhưng có cái khác biệt, khi ta đi thăm hết cả quần thể
Hương Sơn mà không đến chùa Hương Tích hay động Hương Tích này thì ta chưa có
thể nói là ta đã đến được Hương Sơn. Ngược lại, nếu ta chỉ cần đến động Hương
Tích không thôi, ta cũng có thể đủ để nói là ta đã đi đến Hương Sơn rồi.
Vì cái
tính chất quan trọng và đặc thù đó nên tuyến đường từ Bến Đục đến động
Hương Tích luôn luôn là tuyến đường chính, mặc dù ta còn hai tuyến
đường khác nữa không kém phần ngoạn mục, đó là tuyến đến chùa Hinh
Bồng và tuyến đến chùa Tuyết Sơn.
Nói đến hội chùa Hương, ấy chính là nói đến sự quần tụ đông đảo của du khách và khách hành hương đến động Hương Tích này đây. Họ đến đây để thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên kỳ thú cũng có, để lễ Phật Bà tức Bà Chúa Ba với lòng thành kính tín ngưỡng cũng có, và đến để cầu xin cũng có. Mặc dù nhiều người đến đây với nhiều mục đích khác nhau, nhưng kẻ đến để cầu xin thì chiếm số đông hơn cả nên hội chùa Hương còn được gọi là “hội Cầu May”.
Quả núi có động Hương Tích là quả núi cao thứ
hai của hệ thống núi vôi Hương Sơn, sau núi Bà Lồ ở phía trước núi chùa Hương. Ở đây có
ngôi chùa cổ nhưng nay đã đổ nát.
Cổng chùa
Hương làm bằng đá, được làm từ năm Giáp Dần (1914) đến năm Ất Mão (1915) do thợ
Kiện Khê đẽo đạc. Từ cổng chùa ta nhìn xuống một khoảng đất sâu, bằng phẳng ở
phía trước động được gọi là thung Châu vì “thung” (2) này có một
hòn núi tròn nhỏ được ví như là viên “ngọc châu” do rồng nhả ra. Nếu ta
đứng ở cổng chùa nhìn xuống thì quả thật cửa động Hương Tích giống như “miệng
con rồng” đang há to ra. Cửa động có hình dáng đều đặn và cân đối.
Mơ cho
biết vào ngày lễ hội chùa Hương, cứ đứng từ trên độ cao của cổng nhìn xuống cửa
động, khói hương từ trong động tỏa ra trông như một lớp sương mù phủ lấy cửa
động và những âm thanh trầm trầm, ù ù, của tiếng cầu kinh xen lẫn tiếng ồn ào
của đám đông người cũng từ trong đó vang xa tới đây.
Chung
quanh động phủ một mầu xanh tươi của cây rừng, lại điểm thêm mầu sắc của những
chùm hoa dại đủ loại, cùng phảng phất hương thơm của những cây lan rừng làm cho
cảnh vật trở nên hòa ái trong tiếng chuông tiếng mõ.
Để tới cửa
động, chúng tôi phải đi xuống với 120 bậc đá, hai bên là những bụi cây rừng.
Khi vừa tới cửa động thì đập ngay vào mắt một hàng chữ gồm năm chữ Nho lớn, tạc
trên một mảng đá phẳng, nằm ở trên cao, ngay phía bên cánh trái cửa động. Ấy là
năm chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động”, bút tích của Trịnh Sâm viết vào tháng
Ba năm Canh Dần (1770). Một quả chuông đồng được treo trên giá
gỗ đặt dưới đất ngay ngoài cửa động cùng nằm bên phía trái, cùng phía với năm chữ Nho của Trịnh
Sâm.
Từ cửa động
bước vào, ta thấy có một cột đá thật to, người ta gọi nó là “đụn gạo”
Theo phong thủy, cột đá này được ví như “lưỡi rồng” trong miệng con
rồng. Bên cạnh “đụn gạo” có một chỗ nền đá bị trũng gọi là “cối giã gạo”
Trước “đụn gạo”.
Đi
sâu thêm vài bước nữa, ta thấy một khối thạch nhũ to tròn từ trên nóc động phủ
xuống có hình dáng như một nhũ hoa đàn bà, có nước từ khe núi chẩy xuống nên
khối thạch nhũ này có tên là “bầu sữa mẹ”. Khu vực này có nhiều giọt
nước đọng từ trên nóc động nhỏ xuống như mưa nhẹ.
Cửa
chùa cách một tiếng chân
Trong mưa,
ngoài tạnh như ngăn nửa trời.
(Trích
“Nhật Trình” của Nguyễn Thấu).
Khách
hành hương hay tới đây hứng nước từ “bầu sữa mẹ” nhỏ xuống để lấy phước. Cũng
có người coi nước đó như thần dược, thuốc tiên, lấy về để chữa bệnh.
Bên cạnh “Bầu
sữa mẹ” có hai khối đá con nhẵn trông giống như hai đứa trẻ con đang bò.
Hòn lớn gọi là “cậu”, hòn nhỏ hơn gọi là “cô”. Những ai hiếm muộn
đến đây xoa đầu “cô” hoặc “cậu” tùy theo ước muốn có con trai hay con gái.
Người ta tin rằng làm như thế, các “cô” các “cậu” sẽ theo mình về nhà làm con.
Mọi vật thể trong động này đều được linh thiêng hóa theo lòng tin tín ngưỡng hay tôn giáo của
mỗi người.
“Bầu sữa mẹ” (*) Tượng Phật Bà (*)
Trên bệ thờ có một bức tượng Phật Bà tức Bà Chúa Ba được tạc bằng đá xanh. Đây là công trình nghệ thuật tạc đá cao và độc đáo, độc đáo vì hoàn toàn mang sắc thái Việt nam, hay nói khác đi là Việt Nam hóa hình tượng của Phật Bà khác hẳn với những tượng Phật Bà có tính cách ước lệ mà ta thường thấy ở các chùa chiền khác ở nước ta. Bức tượng này có thể coi như là tượng đẹp nhất trong tất cả các tượng Phật thuộc quần thể Hương Sơn.
[Phía trong
cùng động còn có hình tượng của thạch nhũ được đặt tên như là “cây tiền”,
“cây bạc” vì có vẩy thạch nhũ lấp lánh. Lại có cả “chuồng trâu bò”,
“chuồng lợn”, “ao cá”. Người nào muốn cầu xin cho nhà mình,
chuồng trâu bò có nhiều trâu bò, chuồng lợn có nhiều lợn, ao cá có nhiều cá thì
cứ tới nơi đó cầu xin. Âu cũng chỉ là sự mê tín trong dân
gian nhưng nó thể hiện tín ngưởng phồn thực mong sinh xôi
nảy nở của nông dân ta] (3)
Trong động
có cả “đường lên giời”, đó là khe núi thông lên phía trên có ánh sáng
lọt vào. “Đường xuống âm phủ” là khe đá ăn sâu xuống đất, nhìn xuống
thấy sâu thăm thẳm.
Khi chúng
tôi trở ra khỏi động thì thấy Thi đang xoa tay lên những cục đá “cô”, đá “cậu”.
Mơ cười to
hỏi Thi:
- Thi, em
làm cái gì đấy?
- Em đang
xoa lấy phước, nước ở đây mát lắm.
- Em có
biết là em đang cầu xin có được nhiều con không? Những người hiếm muộn thường
đến đây xoa đầu những hòn đá đó để cầu xin các “cô”, các “cậu” theo mình về nhà
làm con. Em chưa có chồng thì cần gì phải cầu?
- Em đâu
có biết! Thi vừa nói vừa chạy vội ra ngoài.
Mọi người
trong chúng tôi cười ồ. Tôi nói nhỏ vào tai Thi:
- Chết em
rồi! Tối nay các “cô” các “cậu” theo về, chui vào bụng “lúc nha, lúc nhúc”, lại
gãi rốn em nữa, buồn lắm đấy.
Thi cười
rồi xoa xoa tay vào bụng mình.
Tôi nói
nhanh như sợ ai nghe thấy:
- Anh muốn
có nhiều con!
- Đây này!
Cho anh đấy! Thi đưa tay xuống bụng mình, giả “vốc” một nắm “cô, cậu” rồi bỏ
sang bụng tôi. Nói xong Thi cười cười, bỏ đi ra chỗ khác.
Quanh
quẩn hoài trong động
Chân
mỏi chẳng muốn ra
Một
mùi hương quá khứ
Thấm
dần vào hồn ta ...
(Trích “Đi Chùa Hương” của Phạm
Hổ)
Tôi
đợi Uyên lễ Phật xong, chúng tôi cùng ra khỏi động. Thi lẽo đẽo theo sau.
Trời đã xế
bóng ngả sang chiều. Chúng tôi trở lại chỗ dấu mấy cây gậy, cầm chúng theo để
dùng trên đường về. Vừa mới được nghỉ ngơi, vừa có gậy chống nên công việc
leo lên 120 bậc thang đá từ cửa động lên cổng chùa cũng không lấy gì làm khó
khăn lắm.
Đường
từ chùa Thiên Trù lên chùa Hương phải lên dốc nhiều vì Chùa Hương ở trên động
núi cao. Nay đường đi từ chùa Hương trở về chùa Thiên Trù thì đổ dốc nên dù
đường có gồ ghề, khúc khuỷu, cũng vẫn ít mệt hơn.
Chúng
tôi vừa đi vừa ngắm cảnh lúc hoàng hôn. Sáng sớm có cái đẹp vui tươi, cảnh vật
như mới choàng tỉnh dậy, chim hót líu lo. Trưa có cái đẹp của trưa, nắng mát
chiếu phủ xuống những tàng cây, bãi cỏ và toả xuống thung lũng mơ trắng
như trắng cả chân mây. Buổi chiều có cái đẹp của một chút gì phảng phất của
lắng đọng, êm đềm. Mơ cũng
còn được gọi
là mai:
Mai
nở trắng cành-mai hội hoa
Sườn
non gần gũi, thung xa xa
Xôn
xao khắp núi như vui chuyện
Lời
lá, lời hoa, lời gió qua ...
(Trích
“Mùa Hội” của Bế Kiến Quốc)
Bóng
tà chim nháo nhác
Cây
um, vượn líu lo
Nào
nghe bông thúy nở
Chỉ
thấy đám mây mờ.
(Trích
“Vịnh Hương Sơn” của Bùi Dị do Đào Ngọc Bình dịch)
May
mắn hôm nay trời đẹp, chúng tôi không bị cơn mưa nào. Nếu gặp cơn mưa đổ xuống,
dù nhỏ lất phất cũng đủ làm đường đi sẽ trở nên ướt át và trơn trợt, khó
đi.
Khi về qua
chùa Giải Oan, chúng tôi lại dừng chân dùng nước giải khát tại quán hàng bên
chùa rồi mới đi tiếp. Thật sự khoảng cách giữa Thiên Trù (chùa Ngoài) tới chùa
Hương Tích (chùa Trong) chỉ hơn hai cây số một tý, nhưng vì
đường vòng vèo, khúc khuỷu, gồ ghề, lên dốc, xuống dốc, lại bị trơn trượt nếu
có trời mưa nên thời gian đi phải mất khá nhiều.
Tôi đi
lặng lẽ bên Thi. Tôi đưa tay sang nắm lấy tay Thi cùng song bước.
Em
không nói, anh cũng đi yên lặng
Đường
mây xuyên sơn mây tỏa chân chùa
...
Nay
ta đến đây cùng sánh vai hạnh phúc
Động
chùa xưa đã ấm ngát hương trầm
Phật
cũng mỉm cười trong nến hương chói rực
Cuộc
đời này, ta ước đã ngàn năm.
(Trích
“Hội Chùa Hương” của Anh Thơ)
Nhìn
sang Thi, tôi thấy nàng trong sáng quá và cũng hồn nhiên quá. Thỉnh thoảng Thi
lại liếc nhìn tôi mỉm cười rất nhẹ, thoảng nhẹ như mùi hương thơm
của nhánh lan rừng. Thi ngước mặt lên nhìn tôi nũng nịu, hai tay
nàng bóp nhẹ tay tôi hỏi:
- Anh ...!
Mặt em bẩn lắm hả? Sao anh cứ nhìn em?
- Không!
Tôi định khen Thi “Em đẹp lắm” nhưng rồi thôi.
Chúng tôi
lại lặng lẽ đi bên nhau.
Nơi
bụi trúc dẫn đường
Chim
cu gù lạc lối
Nơi
nhành mai vẫy gọi
Thung
lũng trắng bay hương
Hạnh
phúc cũng là đây
Khi
tình anh đã tới
Nhũ
đá tình yêu bày
Hang
chùa Trong mát rượi
Thôi
anh đưa em về
Thuyền
yêu ta đã giục
Chùa
Trong ra Bến Đục
Nắng
chiều đang dần mê ...
Suối
Yến đợi chờ ta
Trời
sao buông thạch nhũ
Đêm
như ... chùa Hương mở
Ở
trên đầu hai ta.
(Trích
“Đi Trong Hương Chùa Hương” của Chế Lan Viên)
Ghi chú:
(1) Sẽ được nói rõ hơn trong Chương PHỤ LỤC
(2) Thung: là phần đất trũng trong vùng núi đá vôi.
(3) [ ] Lược trích từ cuốn “Thắng Cảnh Hương Sơn”
của tác giả Trần Lê Văn
(*)
Hình ảnh lấy từ cuốn “Du Lịch Chùa Hương”- Nhà xuất bản Thông Tấn, Hà Nội
(2009)
Mời đọc lại
(Đã đăng
trên người Phương Nam)
Chùa
Hương-Tuyến Động Hương Tích-Phần 1
https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2023/05/i-choi-chua-huong-nguyen-giu-hung.html
Mời nghe
https://www.youtube.com/watch?v=t1jUYUZzCQI
(Ở đền Chấn
Song thờ bà chúa Thượng Ngàn, thường có lên đồng và hát chầu văn)
Mời đọc tiếp Chương I / Phần 3
Người viết leo giốc “Đoạn đường có nhiều vực sâu-
Chú ý nguy hiểm”
Bài đọc thật thú vị, biết nhiều chi tiết về cảnh núi, hang động của chùa Hương, xuyên qua đó một tình cảm thật nhẹ nhàng của hai người đi tham quan cảnh chùa; cảm ơn tg Giụ Hùng ạ! emNH
ReplyDeleteCám ơn chị Ngọc Huyền. Xin lỗi về sự trả lời chậm trễ này. Tôi vẫn thường xuyên vào đọc văn thơ và nhạc của chị. NGH
ReplyDelete