Tôi tạm lấy cái tựa như vậy
để diễn tả tâm trạng của tôi bây giờ. Người Mẹ này không phải là tôi hay má
tôi. Khi mừng vui, người ta thường cười. Hay dùng cử chỉ, hành động biểu lộ một
cách tự nhiên đôi khi vô ý thức niềm vui của mình. Những lời thơ “Đổi lấy
thiên thu tiếng mẹ cười” của Trần Trung Đạo đi vào trái tim của tất cả mọi
người, trong đó có tôi.
Nụ cười của mẹ thật đáng
yêu, đôi khi thấy mẹ cười ta cảm động muốn khóc. Tôi cũng vậy. Má tôi răng
không còn miệng móm xọm kể từ khi tôi trưởng thành. Viết về nụ cười của má tôi
lại chạnh lòng. Má tôi không cười lớn, cười to tiếng sảng khoái như mẹ chồng
tôi. Nụ cười của bà nhẹ nhàng, kín đáo. Có một sự thật hiển nhiên làm đau lòng
tôi là bà rất ít khi cười. Khi chúng tôi cố chọc để kiếm nụ cười hiếm hoi đó,
không nín được, bà cười kèm theo một câu chửi thân yêu: ”Cha mày. Chó con” hay
“Cha mày! Khỉ con”.
Má móm mém nhai trầu, nụ
cười vui như cố kìm lại để nước cổ trầu không văng ra ngoài. Có lẽ suốt cuộc
đời bà, niềm vui không được trọn vẹn, cứ bị giữ lại, dìm xuống cho đến một lúc
chúng tôi không nghe được tiếng cười to sảng khoái của mẹ. Phải rồi! Tiếng cười
là phải có âm thanh, phải vang lên trong không gian, lan truyền đến mọi người
xung quanh để cùng vui, cùng hưởng thụ. Má tôi không làm được như vậy. Do đó
khi nghĩ về má tôi tôi chỉ nhớ đến sự cực khổ, gian lao, nhưng không tìm đâu ra
dấu ấn của sự trẻ trung hay vui sướng. Tội nghiệp cho má tôi mà cũng tội nghiệp
cho tuổi thơ của chị em tôi.
Viết tới đây tôi lại phát
hiện ra một điều là tôi cũng ít cười ra tiếng trước mặt con tôi. Ừ nhỉ! Sao
vậy? Khi thằng Út muốn tôi cười nó phải chọc lét tôi. Tôi giãy nẫy, la lên,
cười vì sợ bị nhột. Đôi khi tôi còn phát cáu la cho nó một trận. Đôi khi
Facetime nó nói má cười cho con coi, cười to lên, cười lại, chưa được... Những
ngày được phép về thăm nhà, nó bồng tôi lên quay mấy vòng cho tôi la lên và tôi
cười ra tiếng nó mới thả tôi xuống.
Thì ra tôi cũng không cho
con tôi được tiếng cười hạnh phúc reo vui của một người mẹ. Những bà mẹ có
giống như tôi không? Nhiều khi mình quên hẳn đi điều này và nghĩ rằng mình đã
làm hết mình cho con cái, mình hy sinh cho nó và yêu thương nó bằng cả cuộc đời
mình. Thế nhưng mình đã quên đi chỉ có tiếng cười reo vui hạnh phúc của mẹ mới
làm cho con mình hạnh phúc.
Tôi rất vui, cười to nói
tếu khi bạn bè gọi đến. Trước mặt bạn bè, học trò, tôi nói nhiều thật vui và
cười rộn rã . Nhưng... Ừ nhỉ! Bây giờ tôi mới nhớ ít khi nào tôi nói chuyện
tếu, pha trò, cười lớn, đùa giỡn với con tôi. Thật là lỗi lầm to, một sự thiệt
thòi trong tâm thức con cái. Tôi là bà mẹ không làm tròn sứ mạng của mình. Sứ
mạng đem đến cho con những hồi ức tươi đẹp về một bà mẹ. Xin lỗi các con. Mẹ hứa
sẽ sửa sai.
Tôi lại lơ mơ đi xa
quá. Tôi là vậy, khi viết về mẹ, ngòi bút tôi như con sông cứ trôi hoài, trôi
mãi không nhớ đường về. Tôi đang muốn nói về -Niềm vui của một bà mẹ. -Mà bà mẹ
đó là con dâu tôi. Người phụ nữ mới được nhận những lời chúc Happy Mother’s Day
lần đầu tiên trong đời trong năm nay.
Sỡ dĩ tôi ngồi lại máy và
bấm trên phím những dòng này là vì hôm qua thằng con mở facetime để tôi nói
chuyện với cháu nội. Tôi lại mở dấu ngoặc ở đây một chút vì thằng cháu tôi mới
sinh được 7 tuần có biết gì đâu mà nói. Con tôi và vợ nó nói tiếng Mỹ ở nhà.
Cho nên nó muốn con nó được nghe bà nội nói hàng ngày bằng ngôn ngữ VN. Bà nội
nói gì với cháu? chẳng qua những câu đả đớt vô nghĩa, những lời yêu thương thật
tức cười, nhưng hôm nào không gặp thì nhớ gương mặt nhỏ bé thơ ngây.
Với nụ cười tươi, thằng con
và vợ nó nói: ”Cu Hiếu đánh boxing cho bà nội coi coi”. Thằng bé hai tay quơ
quơ vô nghĩa. Vợ chồng tâm sự: “Má ơi! cả ngày nay thằng bé không đi cầu”. Ba
nó bồng nó trên tay và xi… xi như tôi thường làm khi muốn cháu đi tiểu. Tự dưng
thằng bé trân mình và cha nó la lên.”Cu Hiếu giỏi, Cu Hiếu giỏi quá”. Và Mẹ nó,
người con gái lúc nào cũng sợ dơ, cũng nói iêu… khi mấy đứa cháu ngoại
tôi tiểu hoặc đi cầu. Mẹ nó lại gần, vén tả con ra rồi nhảy lên, vỗ tay cười
lớn. “Eli very good. Very good. Good boy!”. Nó bồng con quay một vòng rồi cười
to sung sướng.
Nhìn nét vui mừng của con
dâu tự dưng tôi thấy thương nó quá. Hình ảnh một bà mẹ thể hiện trước mắt tôi.
Niềm cảm xúc dâng tràn trong tôi. Trái tim của bà mẹ trẻ mở rộng chan hòa.
Không còn sợ dơ, không còn biết gớm những gì con thải ra. Đó là thiên chức làm
Mẹ mà ơn trên trao tặng cho phụ nữ.
Tôi nhớ bài kinh "Báo Hiếu Phụ Mẫu" trong ngày Lễ Vu
Lan có đoạn:
Phải tắm phải giặt, rửa
trôn,
Biết rằng dơ dáy mẹ không
ngại gì.
Nằm phía ướt, con nằm phía
ráo
Sợ cho con ướt áo ướt chăn
Hoặc khi ghẻ chóc khắp thân
Ắt con phải chịu trăm phần
thảm thương...
Con dâu tôi mới làm mẹ lần
đầu. Thằng bé còn nhỏ, việc bây giờ là bú no, ngủ kỹ và tiêu, tiểu. Vâng, chỉ
có ngần đó thôi mà bà mẹ trẻ bận rộn suốt ngày. Chỉ có một việc đơn giản là đi
cầu thôi mà cả cha và mẹ đã không thể an lòng. Người mẹ trẻ khi con đi cầu được
đã vui mừng như thế.
Chúng ta cũng đã có một
thời gian nằm ngửa, khóc oe oe như cháu nội tôi bây giờ. Chúng ta cũng đã từng
đem niềm vui và sự âu lo thâu đêm suốt sáng tặng cho bà mẹ của chúng ta. Mỗi
một việc cỏn con diễn ra trong đời sống hàng ngày của đứa con cũng là những nỗi
vui mừng hoặc âu lo của người mẹ. Suốt một quãng đời từ lúc sinh ra đến ngày
trưởng thành ta đã đem lại cho mẹ ta bao nhiêu lần vui cười sung sướng. Bao
nhiêu lần nước mắt tuôn rơi. Nhiều, nhiều lắm. Không đếm hết, không đo được,
không thể tính bằng con số, chỉ có thể đếm bằng thời gian.
Có bà mẹ ngồi thâu đêm chờ
con đi chơi về. Chỉ để mở cửa cho con (dù nó có chìa khoá) để nói một câu: ”Con
về rồi hả. Sao về khuya vậy con!” rồi yên tâm lê dép vào giường ngủ. Đứa con
coi đó là chuyện thường đôi khi bực bội trả lời cộc lốc: ”Sao má không đi ngủ,
thức làm chi mà la con”. Tội nghiệp những bà mẹ, tội nghiệp những tình thương
bao la không lý giải.
Nhìn cử chỉ đứa con dâu,
tôi suy nghĩ miên man. Rồi đây mỗi ngày cháu tôi mỗi lớn. Sẽ còn nhiều cái lo
to lớn hơn, kinh khủng hơn để bà mẹ trẻ đối phó, chịu đựng. Cầu mong cháu tôi
luôn đem đến cho mẹ nó nụ cười nhiều hơn nỗi lo. Hân hoan nhiều hơn đau khổ.
Ngày Mother’s Day đã qua,
tôi nhận được rất nhiều quà, thiệp của con của cháu. Tôi cám ơn tất cả với một
niềm vui sum họp gia đình. Nhưng tôi biết chắc chắn trong đám con tôi không đứa
nào biết được tôi đang nghĩ gì trong đầu khi nhìn chúng. Vâng làm sao chúng
biết được, khi nhìn lại chúng ở tuổi đã thành nhân tôi lại liên tưởng đến ngày
xưa lúc tôi vượt cạn. Cơn đau òa vỡ và con tôi ra đời. Tôi bồng chúng trong tư
thế trần truồng và săm soi toàn thân, đếm từng ngón tay, ngón chân để biết con
mình nguyên vẹn. Niềm vui đó là niềm vui to lớn nhất trong cuộc đời làm mẹ của
tôi.
Nguyễn Thị Thêm
No comments:
Post a Comment